Tin Việt Nam – 24/02/2017
Biển Thừa Thiên Huế nhiễm độc đỏ
Khi chúng tôi quay những thước phim này, các ngư dân làng chài Bình An,Thừa Thiên – Huế đã phát hiện ra vệt đỏ này từ ngoài khơi, cách bờ chừng 3 hải lý, trước đây ba ngày. Hiện tại, vệt đỏ màu gạch đã loang vào đến bờ cát và kéo theo nhiều xác chết sinh vật biển như cá nhồng, cá đuôi thuyền và sứa biển. Suốt một dải chiều dài bờ biển gần 5km từ làng chài Chân Mây đến phía Nam đầm Cầu Hai, dường như cát ven mép nước đã biến thành màu đỏ bên trên có lớp màng tựa như dầu mỡ. Ngư dân làng chài Thừa Thiên – Huế vốn chịu một năm đói kém lại thêm một lần nữa rơi vào khủng hoảng, lo lắng và hoang mang.
Ông Toàn, ngư dân Bình An, Thừa Thiên – Huế, chia sẻ: “Vệt nước thì phát hiện cách đây hai, ba ngày rồi. Ông vạn trưởng có điện cho chính quyền và cơ quan tài nguyên môi trường nhưng không biết có ai xuống nghiên cứu, phân tích không. Vệt chạm vào cát dài chừng 1,5km. Nam ngoái thất thu rồi, năm nay chưa biết tính sao?”
Ông Sáu, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế cho biết thêm: “Cách đây ba ngày tôi gặp nó cách bờ chừng 3 tới 4 hải lý. Nó cuộn trong nước và kéo dần vào bờ. Mấy bữa nay tôi phải nghỉ đi đánh cá vì sợ quá? Không biết nó độc hại như thế nào, chuyện này thì tôi chưa biết được.”
Cũng giống như lần biển nhiễm độc năm 2016, không khí nồng nặc ete, những con sóng màu hồng cuồn cuộn vào bờ, không gian xám xịt, u ám khó tả. Suốt một dải bờ biển dài vắng bóng người, thuyền câu, thuyền chài lại đắp chiếu nằm bờ. Các quán hải sản ven bờ vắng vẻ, mọi thứ đều có nét rất giống với bở biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị năm 2016.
Ông Toàn nói với VOA Việt ngữ: “Vệt nước này kéo dài màu đỏ hồng, nó loang trên cát và ông vạn trưởng có báo đến cho cơ quan chức năng nhưng không thấy họ nói gì. Không biết rồi đây sẽ như thế nào bởi năm ngoái đánh bắt thất thu, đời sống rất khó khăn, bây giờ thêm vệt này nữa thì chẳng biết tính sao đây!”
Ông Nam, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên – Huế ca thán: “Tôi đi đánh cá mười lăm năm nay rồi nhưng chỉ có hai năm nay nhúng tay vào nước biển thì bàn tay bị nấm ăn hết móng tay. Không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không nhưng thấy móng tay bị nấm hết cũng lo lắm.”
Đáng sợ là thói quen của các phụ nữ làng chài, dường như họ luôn đi chân trần, không có dép giày hay ủng khi ra biển bởi mang những thứ đó khiến họ di chuyển trên cát rất khó, nhất là khi vận chuyển hải sản nặng trên vai. Và sẽ rất khó lường trước chuyện gì sẽ xảy ra khi dẫm phải những chất lạ trên bờ biển. Rất tiếc, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng như các cơ quan chức năng tỉnh này vẫn chưa vào cuộc để làm rõ nguyên nhân.
http://www.voatiengviet.com/a/bien-thua-thien-hue-nhiem-doc-do/3737960.html
Người Việt ở Mỹ nghĩ gì về Đoàn Thị Hương
Đã hơn 1 tuần kể từ sau vụ ám sát vào nhân vật được cho là anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ông Kim Jong Nam, cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn không thể tin được có một người Việt Nam là nghi phạm trong vụ án.
Trả lời phóng viên VOA tiếng Việt, chị Lý Tri Anh một chủ tiệm Nails ở Fountain Valley, California cho biết rằng từ trước tới nay chị chỉ được nghe những vụ ám sát trên phim, đây là lần đầu tiên chị thực sự thấy một vụ như vậy và còn bị sốc khi nghe tin nó còn liên quan tới 1 người Việt Nam. Cùng chung ý kiến như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thành viên của Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) nói với VOA:
“Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên là lại có 1 người Việt Nam dính líu đến 1 vụ ám sát rất là động trời, rất là tày trời như thế này.”
Tuy nhiên, cũng có sự nghi ngờ liệu rằng thực sự cô gái đó có phải là người Việt Nam hay không, chị Lý Tri Anh băn khoăn:
“Mình hơi sốc và lo lắng không biết đó có phải người Việt Nam mình hay không, hay là họ chỉ giá họa cho người Việt mình?”
Khi được hỏi về việc phản ứng chậm trễ của chính quyền Việt Nam khi 1 công dân Việt Nam bị tình nghi trong vụ án, chị Anh cho rằng chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, vì dù đúng dù sai, thì một nhà nước cũng nên bảo vệ quyền lợi của công dân:
“Cho dù tốt hay xấu thì cũng phải bảo vệ cái quyền của công dân của đất nước mình.”
Với tư cách là một nhà hoạt động, ông Thắng cho biết ông không hề ngạc nhiên về phản ứng của chính quyền Việt Nam hay cụ thể là Ðại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur trước về việc của cô Đoàn Thị Hương. Ông nói:
“Trong rất nhiều lần, trong rất nhiều năm, chúng tôi đã có những trường hợp của những người Việt Nam đi lao động qua Malaysia, rồi bị bóc lột, rồi bị buôn bán làm nô lệ. Thì chúng tôi nêu lên với tòa Đại sứ của Việt Nam, thì họ không làm gì cả, họ luôn luôn lờ đi và họ đứng về phía của người chủ sử dụng lao động. Có nghĩa là, trong trường hợp buôn người thì đó là những thủ phạm can tội buôn người”.
Ông nói thêm rằng mọi cá nhân dù có phạm tội hay không thì vẫn phải được tiếp cận với sự bảo vệ về pháp lý.
Vụ án vẫn còn đang được giới hữu trách Malaysia điều tra, tuy nhiên chị Lý Tri Anh sợ rằng vụ việc này sẽ làm cho hình ảnh của người Việt tại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, vì “với người Mỹ, họ lúc nào cũng nhìn người Việt Nam mình một cái ánh mắt rất là hiền hòa”.
Mẹ Nấm bị gia hạn tạm giam ‘bằng lệnh miệng’
Sau hơn 4 tháng bị bắt giam, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn lệnh tạm giam với nhà vận động cho nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không cho phép gặp gia đình và tiếp xúc luật sư, theo tin từ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã xác nhận thông tin này với VOA Việt Ngữ.
Theo Bà Lan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký lệnh gia hạn tạm giam đối với con bà vào ngày 13/1/2017, nhưng bà chưa hề nhận được văn bản này, tất cả chỉ là thông báo miệng:
“Theo lệnh tạm giam 4 tháng thì ngày 10/2 là hết hạn tạm giam. Ngày 14/2 khi không nhận được thông tin gì thì tôi có làm đơn. Ngày 21/2 họ mời tôi lên, họ nói họ có quyền gia hạn tạm giam thêm 3 tháng. Anh mời tôi lên là đại úy Ngô Xuân Phong, ảnh đọc cho tôi lệnh gia hạn tạm giam ký ngày 13/1, gia hạn từ ngày 7/2 cho tới ngày 7/5, tức là gia hạn thêm 3 tháng nữa. Tôi hỏi tại sao khi gia hạn không thông báo cho gia đình thì họ nói chỉ thông báo cho người bị tạm giam thôi.”
Khi hỏi về việc trong hơn 4 tháng qua chính quyền có cho phép Như Quỳnh tiếp xúc với luật sư hay không, bà Tuyết Lan cho biết luật sư đã làm hết trách nhiệm của họ, “họ gửi văn bản đi nhưng không được hồi đáp, những gì họ làm đã rơi vào im lặng”. Bà Lan cho VOA biết thêm:
“Tôi có hỏi tại sao con tôi cho đến bây giờ vẫn chưa gặp được luật sư, và vì ‘sao anh không trả lời văn bản cho luật sư biết?’. Anh (công an) Ngô Xuân Phong nói là ‘đã trả lời bằng văn bản cho luật sư nhưng không hiểu vì sao địa chỉ không đến.’ Tôi mới hỏi rằng khi gửi qua bưu điện thì trên đó có số điện thoại của văn phòng luật sư Hưng Đạo của ông Nguyễn Hà Luân, thì tạo sao người ta không gọi điện thoại. ‘Cho nên vấn đề này anh giải thích cho tôi không thuyết phục lắm.’ Ảnh im lặng.”
Trong khi chính quyền im lặng thì gia đình của nhà hoạt động vì quyền con người, vì môi trường, một bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Tuyết Lan cho biết trong một tháng qua, gia đình bà không được phép ghi một lời nhắn dù rất ngắn, hỏi thăm sức khỏe từ hai đứa con của Như Quỳnh để gởi đến người mẹ trong trại giam. Bà Tuyết Lan nói bà ngoại của Quỳnh năm nay hơn 90, sau khi chứng kiến cảnh Quỳnh bị còng tay và giải đi cho đến nay thì tinh thần bà hoàn toàn suy sụp, còn hai khi đứa con của Quỳnh thì quá nhỏ. Bà nói con trai 4 tuổi của Quỳnh cứ hỏi “sao mình cầu nguyện hoài mà Chúa chưa cho mẹ về!”
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Nha Trang, tỉnh Khánh Hoa bắt vào ngày 10/10/2016 và bị truy tố phạm tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thành viên chủ chốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam, là phụ nữ châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển vào năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.
Trong nhiều năm qua, Như Quỳnh đã tích cực tham gia các phong trào bảo vệ tiếng nói của người dân tranh đấu cho nhân quyền như: “Tuyên bố công dân tự do”, “dã ngoại nhân quyền”, “café nhân quyền”. Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Bà Lan luôn hy vọng rằng chính quyền sẽ hiểu được tiếng nói chính đáng của người dân, nhất là về vấn đề môi trường, điều mà Quỳnh từng lên tiếng trước đây:
“Những việc sau này, sau khi con tôi đòi khởi tố Formosa, về biển chết, về Trung Quốc, bây giờ tất cả tiếng nói của cộng đồng đều đi tiếp con đường của Quỳnh, đều phản ảnh những điều con tôi nói là sự thật. Họ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, một môi trường trong lành hơn, quyền của con người được tôn trọng hơn. Tôi mong rằng chính quyền sẽ thấy rằng những đòi hỏi này là chính đáng, chứ đừng dùng từ ‘truyên truyền chống phá nhà nước’ là không đúng sự thật.”
Hôm 12/10, Mỹ và EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius ra thông cáo nói ông “quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”.
Thông cáo kêu gọi Việt Nam “thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.
Đáp lại yêu cầu bình luận của đài VOA, phát ngôn nhân phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Katina Adams, nhấn mạnh:
“Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích cô Quỳnh cùng tất cả những tù nhân lương tâm khác, cho phép tất cả mọi người dân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng và ngoài đời mà không sợ bị trả thù. Xu hướng gần đây bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động ôn hòa [tại Việt Nam] rất đáng ngại và đang đe dọa che phủ tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam.”
Cùng lúc đó, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước ra tuyên bố chung “kêu gọi mọi người tranh đấu bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đang có quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam tiếp tục lên tiếng và yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho blogger Mẹ Nấm.”
Khi bắt giam Như Quỳnh vào tháng 10 năm ngoái, truyền hình Công an Nhân dân nói Quỳnh ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ viết bài trên mạng xã hội và trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài để ‘xuyên tạc đường lối chính sách của đảng’, ‘kích động hận thù dân tộc giữa Việt Nam với một số quốc gia láng giềng’, ‘nói xấu’ lãnh đạo Việt Nam, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’ và ‘gây phương hại đến an ninh quốc gia.’
Khi đó báo Công an Nhân dân viết: “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là đối tượng có quá trình hoạt động chống đối quyết liệt, từng nhiều lần bị các cơ quan chức năng cảnh cáo, xử lý bằng các hình thức khác nhau nhưng đối tượng ngày càng tỏ ra coi thường pháp luật, thách thức cơ quan chức năng, tính chất hành vi vi phạm pháp luật ngày càng nguy hiểm.”
Bà Janet Nguyễn bị đưa ra khỏi phòng họp thượng viện
Một nữ chính trị gia người Mỹ gốc Việt bị buộc phải rời cuộc họp ở thượng viện California hôm 23/02 sau khi lên tiếng chỉ trích ông Tom Hayden, nhà hoạt động từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam và đã qua đời hồi tháng 10/2016.
Bà Janet Nguyễn mở đầu phần phát biểu bằng tiếng Việt, sau đó nói bằng tiếng Anh, phản đối việc ông Tom Hayden “ủng hộ cộng sản Việt Nam”.
Trong bài diễn văn đăng trên trang mạng của nữ thượng nghị sỹ từ địa hạt 34, California có đoạn viết bằng tiếng Việt:
“Tôi và những người con của Chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của cựu Thượng nghị sỹ Tom Hayden cho Cộng sản Việt Nam và sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với người dân Việt Nam.
“Sau 40 năm, việc làm của các vị như ông đã hại người dân Việt Nam và đã ngăn cản những người Việt Nam vượt biên như gia đình chúng tôi đến đất nước tự do Hoa Kỳ.”
Bà Janet Nguyễn từng sống ở miền Nam Việt Nam trước khi cùng gia đình vượt biên qua Mỹ. Bà cho biết trong một phỏng vấn trước đó, gia đình từng rất nghèo, phải nhận trợ cấp của chính phủ.
Trang Los Angeles Times đưa tin, trong buổi họp tại thượng viện bang California, bà Nguyễn đã phát biểu trong phần diễn ra lễ tưởng niệm ông Tom Hayden.
Chỉ vài chục giây sau khi phát biểu, bà Janet Nguyễn nhiều lần được yêu cầu ngừng, yêu cầu ngồi xuống trước khi mic bị tắt và Thượng nghị sỹ Bill Monning nói bà vi phạm nội quy, đồng thời yêu cầu nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp thượng nghị viện California.
Janet Nguyễn- ‘Cộng đồng cần phải đoàn kết’ – BBC Tiếng Việt
Thành công chính trị của phụ nữ Mỹ gốc Việt trong năm 2016
‘Góc nhìn khác’
Một thượng nghị sỹ khác trong buổi họp nói rằng những bình luận của bà Nguyễn là thiếu tôn trọng và không phù hợp.
Một thành viên của đảng Dân chủ cho rằng bà Janet Nguyễn đã vi phạm quy định của quốc hội và bà vẫn có thể đưa ra phần bình luận của mình trong cuộc họp ngày hôm đó nếu chờ tới sau phần lễ tưởng niệm.
“Bà ấy đã làm được điều mà bà ấy muốn, là không được nói. Bà ấy muốn gây xôn xao cho địa hạt của mình,” Dan Reeves, chánh văn phòng của thượng nghị sỹ Kevin De Leon bang California nói.
Ông De Leon bày tỏ “quan ngại” về vụ việc, cho biết sẽ thực hiện đánh giá nội bộ, và nói thêm quy định đã được giải thích trước cho bà Janet Nguyễn và nhân viên của bà.
Tuy nhiên một số thượng nghị sỹ Cộng hòa cho rằng bà Nguyễn đã bị ép phải im lặng.
“Tôi rất ít khi nổi giận, và tôi đang rất giận dữ đây,” Thượng nghị sỹ Jean Fuller, phụ trách các vấn đề về người thiểu số ở bang California nói.
Bà Nguyễn cho biết đã tránh đưa ra quan điểm về ông Tom Hayden trong buổi tưởng niệm ông, được tổ chức hai ngày trước đó, vì tôn trọng gia đình ông.
Tuy nhiên, trong buổi họp hôm thứ Năm, bà nói muốn lên tiếng cho hơn nửa triệu người Mỹ gốc Việt, và đưa ra “góc nhìn lịch sử khác” về những gì ông Hayden và việc phản đối chiến tranh ảnh hưởng tới bà và những người tỵ nạn khác như thế nào.
Ông Tom Hayden vận động kết thúc nhiều cuộc chiến trong đó có cả ở Afghanistan, Iraq và Pakistan. Ông cũng là chồng cũ của bà Jane Fonda, nữ nghệ sỹ từng tham gia nhiều hoạt động và lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39078569
Phái đoàn nhân quyền EU gặp các nhà hoạt động Việt Nam
Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu vừa có buổi gặp một số nhà hoạt động xã hội dân sự để tìm hiểu thực trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Đây là chuyến đi thực tế trước khi Nghị viện châu Âu có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (FTA).
Các nhà hoạt động có mặt tại cuộc gặp hôm 23/2 là các ông bà Nguyễn Tường Thụy, Lê Công Định, Vũ Quốc Ngữ, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Anh Tuấn.
Những người này, đại diện cho 11 tổ chức xã hội dân sự độc lập, cho hay đã “cung cấp tài liệu và chia sẻ những vấn đề liên quan đến thực trạng nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, v.v…”
Họ cũng trình bày với phái đoàn “về các hành vi trấn áp, đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ, ngăn cản mà nhà cầm quyền Việt Nam đang áp dụng đối với các hội nhóm xã hội dân sự độc lập và cá nhân ở Việt Nam khi thực hiện các quyền căn bản của con người cũng như các quyền dân sự”.
Các thông tin đó được tập trung trong một ‘Tuyên bố chung đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam trong 5 năm qua’, gồm có 30 điều khoản đánh giá và 4 kiến nghị.
Gắn với Hiệp định Thương mại
Chắc chắn phía Chính phủ Việt Nam chịu sự áp lực mạnh mẽ và nếu họ không cải thiện tình trạng nhân quyền thì nhiều khả năng Hiệp định Thương mại song phương này sẽ khó được phê chuẩnNhà hoạt động XHDS Nguyễn Chí Tuyến
Các kiến nghị của các nhà hoạt động dân sự đối với châu Âu tập trung vào Hiệp định FTA mà EU và Việt Nam đang đàm phán giai đoạn cuối.
Họ đề nghị FTA “phải có những điều khoản về nhân quyền, được xác định rõ ràng và có tính ràng buộc”; Ủy ban châu Âu phải tiến hành báo cáo đánh giá tác động nhân quyền, song song với Hiệp định; sau khi FTA được phê chuẩn, Ủy ban châu Âu phải xem xét các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ nhân quyền của mình; và châu Âu cần có cơ chế kiểm định, đánh giá về nhân quyền; khuyến khích và tạo điều kiện cho khối xã hội dân sự độc lập tham gia.
Được biết thứ Sáu 24/2, phái đoàn của Nghị viện châu Âu có cuộc gặp với Bộ Công an Việt Nam, trong đó có thảo luận về chủ đề này.
Mỹ thông qua hai dự luật về tự do tôn giáo
Nhân quyền tại VN sẽ tốt hơn khi Mỹ rời TPP?
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một người có mặt tại cuộc gặp, nói với BBC ông đánh giá là cuộc gặp có hiệu quả vì “phái đoàn đã ghi nhận và tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị của các đại diện ở Việt Nam và họ nói sẽ nêu các vấn đề này trong các cuộc làm việc với các bộ ngành của Việt Nam cũng như trong các cuộc đàm phán, thảo luận trong EU về Hiệp định thương mại song phương này”.
“Quả bóng giờ đang nằm trong chân những người cầm quyền Việt Nam.”
Ông đánh giá: “Chắc chắn phía Chính phủ Việt Nam chịu sự áp lực mạnh mẽ và nếu họ không cải thiện tình trạng nhân quyền thì nhiều khả năng Hiệp định Thương mại song phương này sẽ khó được phê chuẩn”.
Ông Tuyến cảnh báo: “Cũng có thể họ lại sử dụng chiêu bài lâu nay là trả lại tự do cho ai đó để thể hiện sự nhượng bộ hay tuyên truyền rằng họ đã có cải thiện về nhân quyền”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39077802
Ý kiến về việc doanh nghiệp ‘tặng xe cho lãnh đạo địa phương’
“Có thể hai vụ doanh nghiệp tặng xe sang cho thành ủy Đà Nẵng và UBND Cà Mau là ngoại lệ do bị báo chí phát hiện, còn những trường hợp khác thì chưa bị phát hiện,” một luật sư từ TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC.
Liên quan đến chiếc xe biển số xanh 43A-299.99 của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, báo Tuổi Trẻ hôm 22/2 dẫn lời ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng nói chiếc xe này được Văn phòng Thành ủy “tiếp nhận từ một doanh nghiệp tặng với đơn giá được ghi rõ trong hóa đơn là 1,182 tỷ đồng”.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi báo cáo khẩn đến Thủ tướng về vụ ‘nhận hai xe Lexus và tạm ứng 25 tỷ cho doanh nghiệp tặng xe”.
Báo mạng bị đóng cửa vì ‘trái phép’
Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?
Hôm 24/02, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm, nói: “Có thể hai vụ doanh nghiệp tặng xe sang cho thành ủy Đà Nẵng và UBND Cà Mau chỉ là ngoại lệ do bị báo chí phát hiện, còn những trường hợp khác thì chưa bị phát hiện.”
“Báo chí phát hiện tới đâu thì công luận biết đến đấy.”
“Do vậy mà không kết luận được vụ doanh nghiệp tặng xe sang cho lãnh đạo địa phương là ngoại lệ hoặc mang tính phổ biến ở nhiều địa phương.”
“Nhưng có thể thấy rõ đây là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Nước ngoài thì người ta có thể cho đây là chuyện lobby, nhưng ở Việt Nam thì không cho phép điều đó.”
“Nếu doanh nghiệp ở Đà Nẵng và Cà Mau lý giải rằng việc họ tặng xe đắt tiền để muốn đóng góp cho địa phương nhưng dư luận cho rằng doanh nghiệp tặng có mục đích được giải ngân những khoản vượt mức cho phép.”
“Đây là vấn đề lợi ích qua lại. Nói theo dân gian thì ‘Bánh ít cho đi, bánh quy cho lại.”
“Việc cho quà tặng chất lượng cao thì trên danh nghĩa cả cơ quan nhưng người thụ hưởng nó lại thường là lãnh đạo cao nhất.”
“Nếu người nhận là cá nhân, thì đây là nhận hối lộ.”
“Nhưng do đây là tổ chức nên không thể khởi tố tội nhận hối lộ được.”
Một cơ chế như trong lĩnh vực bất động sản có thể giúp doanh nghiệp thành trọc phú vì mua đất nông nghiệp với giá rẻ bán lại đất ở với giá rất caoluật sư Phạm Công Út
‘Hoài nghi’
“Tuy vậy, khi cho người tặng được hưởng cơ chế vượt quá quyền hạn thì có dấu hiệu một tội danh khác – có thể là Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, hoặc Xâm phạm hoạt động kinh tế…”
“Cần phải làm rõ những doanh nghiệp tặng xe sang cho địa phương có được hưởng cơ chế ưu đãi của chính quyền hay không.”
“Một cơ chế như trong lĩnh vực bất động sản có thể giúp doanh nghiệp thành trọc phú vì mua đất nông nghiệp với giá rẻ bán lại đất ở với giá rất cao.”
Đề cập về việc hôm 23/2, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau được cho là ký báo cáo khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ nhận xe của doanh nghiệp tặng, luật sư Công Út nói: “Việc báo cáo cần làm rõ là báo cáo thật hay láo, trước hay sau khi bị phát hiện.”
“Nếu chính phủ muốn lấy lại lòng tin của người dân thì cần chỉ đạo làm rõ những khuất tất phía sau báo cáo của các địa phương.”
“Tôi mong rằng Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc, làm rõ động cơ của cả nơi cho và nơi nhận xe sang.”
“Nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực, phạm tội hình sự thì phải thanh tra toàn diện để giảm thiểu việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.”
“Gần đây, êkip của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ mạnh mẽ hơn trong việc chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy.”
“Hy vọng vụ việc sẽ được xử lý rốt ráo vì đây là vấn đề khiến người ta hoài nghi không chỉ ở phạm vi địa phương xảy ra việc tặng xe mà còn trên phạm vi cả nước.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39036561
Sắp xét xử vụ án Oceanbank
Đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Đại Dương- Oceanbank, sẽ được Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày 27 tháng 2 tới đây.
Tin cho biết trong vụ án này có gần 600 đương sự bị triệu tập vì có cáo buộc liên quan. Sẽ có 40 luật sư tham gia tranh tụng tại tòa và bào chữa cho 48 bị cáo. Tin cũng nói dự kiến phiên xử sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng.
Nhân vật đứng đầu trong vụ án này là ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank. Ngoài ra còn có một số lãnh đạo khác của Oceanbank.
Những người phải ra tòa bị cáo buộc các tội danh ‘vi phạm về cho vay trong các hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thì ông Hà Văn Thắm đã có hàng loạt hành vi sai phạm như đã cùng đồng bọn khiến nợ xấu của ngân hàng này đến thời điểm 31/3/2014 tăng đến 15.000 tỷ đồng, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.
Năm 2012 ông Thắm là một đại gia nổi tiếng trên sàn chứng khoán và đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất thời điểm bấy giờ, với tổng tài sản lên đến hơn 1.800 tỷ đồng.
Vào ngày 22 tháng 2 vừa qua tòa Hà Nội cũng vừa tuyên án tử hình với hai bị cáo Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm trong vụ án tham ô tài sản tại Vinashinlines.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/former-oceanbank-head-to-be-tried-02242017125929.html
Một giấy phép xuất khẩu gạo giá 20.000 USD?
Mỗi lần xuất khẩu gạo tốn không dưới 20.000 USD. Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu gạo ADC cho biết như vừa nêu trong buổi tọa đàm về sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017.
Theo ông này, số tiền “chạy” giấy phép đắt đỏ như vậy là do quy định gia hạn khi hết hạn theo giấy phép xuất khẩu, quy định về vùng nguyên liệu, tốn nhiều thời gian đến trình báo bộ Công thương.
Hiện tại Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo đoàn xác minh do thứ trưởng Trần Quốc Khánh đảm nhiệm để điều tra làm rõ sự việc như ông Nam trình bày.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong một số năm qua; thế nhưng năm ngoái số lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm sút đáng kể.
Hiện nay xảy ra nghịch lý là giá gạo trong nước vẫn tăng mà giá gạo xuất đi bị giảm.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/20000-usd-f-each-rice-export-licence-02242017080355.html
Chết trong đồn công an bao giờ được nhận xác?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Những ngày vừa qua trên các trang mạng xã hội, hình ảnh một bà mẹ ôm di ảnh của con trai bị chết trong đồn công an, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ vì những lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng liên quan cái chết khuất tất của con bà chỉ được hồi đáp bằng sự im lặng.
Chết không báo gia đình
“Cháu bị bắt ngày 15 tháng 1 năm 2017. Khi bị bắt thì con trai tôi đang khỏe mạnh mà 2 ngày sau bị chết trong đồn công an.”
Bà Nguyễn Thị Ái kể về cái chết của người con trai duy nhất, Phạm Ngọc Nhung, 26 tuổi, nhân viên kỹ thuật của trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, như thế. Bà Ái nói trong nước mắt rằng bà nhận được tin dữ từ Công an Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1 thông báo vào ngày 18 tháng 1 năm 2017.
Anh Phạm Ngọc Nhung bị bắt giữ tại đồn Công an Phường Cầu Ông Lãnh vào sáng ngày 15 tháng 1, do bị tình nghi về tội đánh nhau với người khác. Đến sáng hôm sau, anh Nhung bị nôn mửa và tiểu ra quần và ngất xỉu. Người bị bắt giữ cùng vụ việc, tên Lâm, đập cửa phòng giam kêu cứu và anh Nhung được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn. Sau đó, anh Nhung được chuyển qua Bệnh viện 115 và tử vong lúc 22 giờ 50 phút, tối 16 tháng 1.
Cháu bị bắt ngày 15 tháng 1 năm 2017. Khi bị bắt thì con trai tôi đang khỏe mạnh mà 2 ngày sau bị chết trong đồn công an.
– Bà Nguyễn Thị Ái
“Anh em thân hữu cùng các thầy cô với nhà trường đi tìm thì 4 ngày sau công an mới bảo là con tôi bị chết rồi. Người ta đã đem ra nhà xác mổ rồi. Người ta bảo con trai tôi bị chấn thương sọ não.”
Bà Ái được Đại úy Trần Đình Huy cho biết anh Nhung bị chấn thương sọ não do té ngã. Mẹ của anh Nhung thắc mắc sau khi nghe đọc kết quả khám nghiệm tử thi của con trai mình:
“Té ngã thế nào lại chấn thương sọ não mà bị gãy xương quai hàm, bị lõm sọ, bị gãy sườn, trên người có 9 vết thương, chân cẳng đều bị xước hết.”
Bà Ái xin biên bản giám định tử thi của anh Nhung nhưng phía công an yêu cầu phải làm đơn. Tuy nhiên sau hơn một tháng bà vẫn không nhận được biên bản này. Chúng tôi liên lạc với đồn Công An Phường Cầu Ông Lãnh vào sáng ngày 22 tháng 2 và được cho biết:
“Cái đó chị lên trên đội điều tra ngay chổ 73 Yersin. Toàn bộ hồ sơ đã chuyển lên đó hết rồi.”
Vì quá đau lòng trước cái chết đầy uẩn khúc của con trai, bà Ái đã đến rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền cầu cứu xem xét trường hợp tử vong của anh Phạm Ngọc Nhung. Thế nhưng, không một cơ quan nào thụ lý đơn giải quyết.
Chưa biết bao giờ nhận xác
Hơn một tháng sau khi anh Nhung thiệt mạng, hồ sơ và đơn từ được chuyển đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC 44) vào ngày 23 tháng 1. Tại đây, bà Ái nhận được câu trả lời về đơn xem xét cho giảo nghiệm tử thi lần thứ hai với sự chứng kiến của người thân, luật sư cùng báo chí:
“Để làm như vậy thì họ bảo phải chờ thêm một thời gian nữa, không biết lâu mau thế nào, có khi một-hai tháng trở lên, khi nào có thì trả lời. Cứ hỏi ‘Có câu trả lời chưa? Thì bảo là ‘Chưa. Có hàng ngàn vụ án chứ có phải một mình con bà đâu’. Con tôi chết giờ nằm ở đó hơn một tháng rồi. Tôi đau lòng lắm!”
Gia đình của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung cũng đã làm đơn tố cáo vụ việc gửi đến Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đơn thư được thụ lý và tức tốc điều tra vỏn vẹn trong 3 ngày. Vào ngày 20 tháng 1, Cục Điều tra cho biết vụ án không thuộc thẩm quyền xử lý vì Công an Quận 1 bắt được hai hung thủ gây ra cái chết cho anh Nhung.
Hai hung thủ Võ Hữu Tài và Lê Ngọc Thạch bị bắt khẩn cấp vào ngày 20 tháng 1 và được thả liền trong ngày 21 với lý do sau khi xem xét hình ảnh trích xuất từ camera do người dân cung cấp và qua lời khai của hai nghi can cho thấy không có dấu hiệu của hành vi gây ra chấn thương sọ não cho nạn nhân Phạm Ngọc Nhung.
Để làm như vậy thì họ bảo phải chờ thêm một thời gian nữa, không biết lâu mau thế nào, có khi một-hai tháng trở lên, khi nào có thì trả lời.
– Bà Nguyễn Thị Ái
Đáp câu hỏi của RFA về luật pháp quy định như thế nào đối với yêu cầu xin khám nghiệm thử thi lại trong trường hợp gia đình nạn nhân không đồng ý với kết luận giám định, Luật sư Võ An Đôn, từng tham gia vụ án đòi công lý cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên bị 5 công an dùng nhục hình đến chết, cho biết tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc mà thời gian có thể kéo dài từ 1 tuần cho đến 1 tháng hay thậm chí sẽ kéo dài rất lâu:
“Theo luật khi gia đình nạn nhân không đồng ý với kết luận giám định thì có thể khiếu nại lên cấp trên. Luật quy định vậy, nhưng thực tế khó lắm bởi vì bên Giám định của Trung tâm Pháp y của tỉnh, thành phố trực thuộc cấp trên thì cũng vậy thôi, bao che hết. Như trường hợp này mà cố tình kéo dài để gây khó khăn hoặc là cố tình không muốn làm rõ vụ án thì không biết chờ đến khi nào.”
Trong thời gian vụ việc anh Phạm Ngọc Nhung tử vong lúc bị tạm giam tại đồn công an, Bộ Công An Việt Nam lần đầu tiên công bố báo cáo về chống tra tấn kể từ khi Việt Nam ký Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2013 và phê chuẩn vào năm 2014. Theo đó, Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh.
Về án mạng chết người vừa xảy ra trong gia đình, bà mẹ Nguyễn Thị Ái khẩn thiết van xin cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ nguyên nhân gây ra cho con trai Phạm Ngọc Nhung.
“Tôi đi lên văn phòng ông Đinh La Thăng mà người ta bao bọc bên ngoài, không cho tôi vào. Đi hết chỗ này đến chỗ khác thì người ta cứ bảo đợi chờ mà chờ cái gì nữa…Tôi chỉ biết ôm ảnh con mà khóc. Bây giờ tôi chả biết làm sao cả.
Cho đến giờ này người nhà của anh Nhung vẫn không nhận được xác của anh. Phong tục tập quán người Việt không thể chấp nhận việc trì hoãn này và càng kéo dài nỗi đau thì sự oán hận càng sau thêm trong lòng gia đình nạn nhân bất hạnh.