TT Trump vẫn có thể đạt được thỏa thuận với Bắc Hàn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có lẽ đã quá muộn để có được một thỏa thuận ngưng chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng những người ủng hộ việc đàm phán với Bình Nhưỡng cho rằng ông Trump đang ở một vị thế có một không hai để đạt được một bước đột phá trong nỗ lực giải quyết tình hình an ninh căng thẳng đang le thang trên bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Moon Chung-in của đại học Yonsei ở Seoul nói: “Tôi có một chút hy vọng rằng Tổng thống Trump có thể đạt được một thỏa thuận không thể tưởng tượng được với Bắc Hàn và có thể đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.”

Tổng thống Trump hồi đầu tuần này đã nhấn mạnh đến việc tăng cường quân sự trong khu vực, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Hàn Quốc để đối phó với việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang ra sức tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói: “Muộn rồi. Chúng tôi rất bực mình với những gì ông [Kim Jong Un] đã làm.”

Năm ngoái, Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân, một vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo xuyên lục địa bị cấm, và phóng nhiều tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ tàu ngầm và các bệ phóng di động trên bộ.

Trước khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump đã viết tin nhắn trên Twitter rằng: “Điều đó sẽ không xảy ra!” để đáp lại tuyên bố của lãnh tụ Kim Jong Un rằng Bắc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành một vụ thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa. Vào tháng 2, tổng thống Mỹ cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ thử tên lửa tầm trung của Bắc Triều Tiên.

Mất kiên nhẫn

Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump một lần nữa quy lỗi cho Trung Quốc không kiềm chế đồng minh đang lệ thuộc hoàn toàn Bắc Kinh về kinh tế. Ông Trump cũng nói rằng người tiền nhiệm của ông, tức Tổng thống Barack Obama, đáng ra đã phải giải quyết vấn đề khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Hàn.

Việc Trung Quốc mới đây ra lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bắc Hàn đã bị hãng thông tấn nhà nước KCNA ở Bình Nhưỡng chỉ trích hôm thứ Sáu. KCNA nói Trung Quốc “đang nhảy đồng điệu với Hoa Kỳ.”

Chính quyền của ông Trump đã kêu gọi Trung Quốc tăng thêm sức ép kinh tế lên Bắc Hàn, nhưng một số ít người lại cho rằng Bắc Kinh đã từ bỏ đồng minh của họ.

Giáo sư John Delury, chuyên gia về Trung Quốc của đại học Yonsei ở Seoul, nói: “Sai lầm khi nghĩ rằng ‘thật là tuyệt vời, Trung Quốc đang đóng cửa biên giới. Họ sẽ giải quyết vấn đề này cho chúng ta.’ Đó là cách hiểu sai về những gì đang diễn ra.”

Chính sách kiên nhẫn mang tính chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama, trong đó dựa vào các tăng các lệnh trừng phạt và cô lập ngoại giao, đã không thể buộc Bình Nhưỡng hoãn lại chương trình hạt nhân của họ. Các nhà phê bình nói chính sách đó phần lớn đã thất bại vì Bắc Kinh sẽ không áp dụng các biện pháp nghiêm khắc có thể dẫn đến sự bất ổn ở biên giới, sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un, và giúp cho ảnh hưởng Mỹ và Hàn Quốc ngày càng tăng trong khu vực.

Phá vỡ chu kỳ

Sự bế tắc này đã làm tăng cao một chu kỳ khiêu khích trắng trợn đối với các nghị quyết cấm các chương trình hạt nhân và tên lửa của Liên Hiệp Quốc, coi thường cộng đồng quốc tế và các lệnh trừng phạt mà cho tới lúc này chẳng phát huy được hiệu lực.

Những nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng nhằm phát triển phi đạn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới đất liền của Mỹ đã thôi thúc sự cần thiết phải thay đổi chiến lược chống lại mối đe dọa này đối với an ninh của Mỹ.

Các nhà phân tích nói không có một giải pháp quân sự khả thi nào để loại bỏ các khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn mà không gây ra một cuộc phản công gây thiệt hại nặng cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, và thậm chí có thể làm bùng ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Vì vậy, đưa Bắc Hàn vào đối thoại là cách duy nhất hữu hiệu để đạt đến một giải pháp hòa bình. Nhưng điều đó được chính quyền Tổng thống Trump khởi động.

Giáo sư Moon Chung-in của đại học Yonsei nói: “Nếu Mỹ án binh bất động, Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi, bế tắc sẽ tiếp tục và sự bế tắc đó có thể trở nên rủi ro hơn và nguy hiểm hơn.”

Nhà thương thuyết

Lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn của Trung Quốc và những cuộc thương thuyết chính thức đang được chuẩn bị giữa các cựu quan chức của Mỹ và các đại diện của Bắc Triều Tiên có thể đem lại cho Tổng thống Trump cơ hội mở ra một kênh đối thoại.

Tổng thống Trump, người tự xem mình là một nhà thương thuyết đại tài và luôn chỉ trích những thất bại trong quá khứ của người tiền nhiệm, có thể sẵn sàng làm khác hoàn toàn và tìm cách có được một cách tiếp cận mới hơn.

Bất cứ một thỏa thuận nào nhằm ngưng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng cần những sự nhượng bộ có thể bao gồm việc tạm hoãn các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, thêm các biện pháp khuyến khích, các đảm bảo an ninh và viện trợ kinh tế để cuối cùng có được một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân.

Khung cảnh chính trị ở Hàn Quốc cũng đang đứng trước nhiều thay đổi. Nếu tòa bảo hiến của nước này cho phép luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì một bê bối liên quan tới tham nhũng. thì một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ sớm diễn ra.

Các cuộc thương thuyết tất nhiên cần có thời gian và sự hợp tác chặt chẽ và có thể sẽ bị trì hoãn bởi những khiêu khích và vi phạm từ phía Bắc Hàn như đã từng xảy ra đối với các thỏa thuận trước đây, nhưng những người ủng hộ cho rằng có thể đã đến lúc cần thử lại lần nữa.

Trong thỏa thuận 6 bên đạt được năm 2005 giữa Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để nhận viện trợ kinh tế, các đảm bảo về an ninh và cải thiện các mối quan hệ ngoại giao.

Nhưng Bình Nhưỡng đã không giữ các cam kết của họ và đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 2006.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-van-co-the-dat-duoc-thoa-thuan-voi-bac-han/3738630.html

 

Trump nói Mỹ phải đứng đầu quyền lực hạt nhân

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố ông muốn Mỹ mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong bình luận đầu tiên về vấn đề này từ khi nhậm chức.

Ông Trump nói Mỹ đã “đã bị bỏ lại về năng lực vũ khí hạt nhân” và phải ”đứng đầu về kho hạt nhân”.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông nói “sẽ thật tuyệt vời, một giấc mơ” nếu không có quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mỹ có 6.800 đầu đạn hạt nhân trong lúc Nga có 7.000 đầu đạn, theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí không đảng phái của Mỹ.

Tổng thống bày tỏ lo ngại Mỹ bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực này.

“Tôi muốn thấy không ai sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nếu có chuyện này thì chúng ta sẽ không bao giờ đứng sau bất kỳ nước nào”.

Tân cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ai?

Một tuần biến động ở Tòa Bach Ốc của Donald Trump

Bình luận mới nhất của ông về vũ khí hạt nhân gợi lại một dòng mà ông đăng trên Twitter vài tuần sau khi thắng bầu cử Mỹ, trong đó ông cam kết tăng cường khả năng hạt nhân của nước Mỹ.

Một hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược mới giữa Mỹ và Nga, được gọi là New Start, yêu cầu trước ngày 5/2/2018, hai nước này phải hạn chế kho vũ khí hạt nhân chiến lược đến mức tương đương cho 10 năm.

Ông Trump cũng nói với Reuters:

Trung Quốc “vô địch” về thao túng tiền tệ

Ông “hoàn toàn ủng hộ” Liên minh châu Âu

Trung Quốc có thể đưa Bắc Hàn vào khuôn khổ “rất dễ”

Ông sẽ tạo áp lực để các đồng minh Nato đóng góp nhiều hơn

Ông thích giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine nhưng vẫn để ngỏ cho các giải pháp khác

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39036559

 

Tổng thống Indonesia sắp thăm Úc

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ có chuyến thăm Australia trong 2 ngày 25 và 26/2. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Widodo trên cương vị nguyên thủ quốc gia Indonesia tới Australia sau một số căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa hai bên.

Tin cho biết trước chuyến thăm, tổng thống Joko Widodo đưa ra tuyên bố  sẽ nêu ra khả năng tiến hành tuần tra hải quân chung giữa hai nước tại khku vực Biển Đông.

Tuy nhiên một cựu quan chức quốc phòng của Australia, ông Angus Houston, thì cho rằng Australia cần phải tránh không nên có quan điểm ủng hộ cho bất cứ biện pháp nào chặn không để Trung Quốc đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cải tạo nên ở Biển Đông.

Trong những ngày qua, tin tức cho thấy Trung Quốc sắp hoàn thành hơn 20 công trình xây dựng mà có thể là nơi chứa tên lửa. Trước đó hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy tại những đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa do Trung Quốc cải tạo nên có những cảng, sân bay, công sự và khí cụ phòng không.

Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực Biển Đông; tuy nhiên vừa qua tàu đánh cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc đi vào vùng biển đảo Natuna của Indonesia.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/indo-pre-visit-aus-02242017131810.html

 

Thượng nghị sĩ

thường chỉ trích Tổng thống Duterte bị bắt giữ

Tại Philippines, bà Thượng Nghị Sĩ Leila de Lima, người thường xuyên lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch chống ma túy đẫm máu của Tổng Thống Rodrigo Duterte vừa bị bắt giữ hồi sáng nay với tội danh nhận tiền hối lộ của bọn buôn ma túy.

Lệnh bắt giữ bà nghị sĩ De Lima được tòa án Manila đưa ra hôm 23 tháng 2, sau khi phía chính phủ nộp bằng chứng cáo buộc bà từng nhận số tiền 10,000 dollars của những đường dây chuyên cung cấp ma túy, trong thời gian bà làm Bộ Trưởng Tư Pháp từ năm 2010 cho tới năm 2016.

Khi bị cảnh sát còng tay dẫn ra khỏi văn phòng, bà De Lima nói với các phóng viên rằng đây là một vụ án chính trị, tin tưởng công lý sẽ được sáng tỏ, vì bà không có tội.

Vài ngày trước đây, bà nghị sĩ De Lima tuyên bố rằng chiến dịch bài trừ ma túy do Tổng thống Phi thực hiện đã giết chết 7,700 người vì ông Duterte là một người bệnh hoạn, có ý tưởng cuồng sát.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/opponent-of-duterte-drug-war-arrested-in-phi-on-drug-charges-02242017084721.html

 

Không ‘trục xuất hàng loạt’ di dân Mexico

Các giới chức Mỹ hứa với Mexico sẽ không “trục xuất hàng loạt” người nhập cư trái phép. Hứa hẹn đó giúp hạ giảm căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ mạnh tay trấn dẹp những kẻ xấu cư trú bất hợp pháp ở Mỹ

Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly và Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson của Mỹ hôm thứ Năm 23/2 họp với Tổng thống Enrique Peña Nieto và các bộ trưởng của Mexico. Các giới chức Mexico trong cuộc gặp gỡ đã bày tỏ “lo ngại và khó chịu” về quan điểm hung hãn của Tổng thống Trump trong quan hệ về thương mại và di dân với Mexico.

Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh rằng sẽ không có việc “sử dụng quân đội” để tập trung di dân không giấy tờ theo như dự định của Tổng thống Trump đẩy mạnh trấn dẹp di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ.

Sẽ không, tôi xin lập lại là không có trục xuất hàng loạt. Mọi việc Bộ An ninh Nội đia của chúng tôi làm đều đúng theo luật pháp, hợp tính nhân đạo và trong khuôn khổ của hệ thống tự pháp của Hoa Kỳ. Mọi trường hợp bị trục xuất đều làm theo đúng quy định của hệ thống pháp lý.

Bộ trưởng Tillerson nói cuộc họp với các giới chức chính phủ Mexico rất hữu ích.

Mặc dù hai nước đã có chung lịch sử dài lâu, chuyến thăm và làm việc của chúng tôi nhằm mục tiêu hướng nhìn về phía trước, tập trung vào những lợi ích chung của hai bên và sẽ củng cố tình hình an ninh và quan hệ kinh tế vững mạnh giữa hai nước. Trong các cuộc họp, chúng tôi thừa nhận rằng quan hệ giữa hai nước có nhiều màu sắc rất ấn tượng, hai nước có chủ quyền mạnh đôi lúc vẫn có những bất đồng. Chúng tôi chú tâm lắng nghe ý kiến của nhau trong khi chúng tôi tôn trọng và kiên nhẫn nêu lên những lo ngại của mình.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không công bố chi tiết về những gì được thảo luận với Tổng thống Pena Nieto của Mexico.

Một thông báo của văn phòng tổng thống Mexico nói ông Pena Nieto lập lại rằng đối với với nước ông, “bảo vệ cho người Mexico ở Hoa Kỳ và tôn trọng quyền của họ là một trong những ưu tiên cao nhất của chính phủ Mexico.”

http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-an-ninh-noi-dia-my-hua-hen-voi-mexico-se-khong-truc-xuat-hang-loat/3738487.html

 

Lực lượng Iraq được Mỹ yểm trợ chiếm lại sân bay Mosul

Các quan chức quân sự Iraq cho biết các lực lượng Iraq được Mỹ yểm trợ đã chiếm lại sân bay ở thành phố Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo. Nhóm cực đoan này đã chiếm giữ phi trường Mosul từ năm 2014.

Truyền hình nhà nước Iraq nói rằng: “Các lực lượng phản ứng nhanh và cảnh sát liên bang Iraq đang kiểm soát hoàn toàn sân bay Mosul.”

Chính phủ Iraq hôm thứ Sáu cho biết quân đội cũng đã chiếm lại tại một căn cứ quân sự lớn cạnh sân bay, và lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, quân đội đã chiếm được một khu làng ở Mosul.

Trung Tướng Iraq Raid Shakir Jaudat cho biết các lực lượng chính phủ, được máy bay do thám và pháo hạng nặng yểm, từ nhiều phía đã tiến vào sân bay Mosul. Lúc đầu, nhóm tiếp quản sân bay cho biết phe Nhà nước Hồi giáo không kháng cự, nhưng sau đó có tin đụng độ giữa lực lượng Iraq với các phiến quân đóng trại tại các tòa nhà trong sân bay.

Một sĩ quan đặc nhiệm Iraq cho biết các phiến quân IS đã tấn công tự sát bằng xe bom nhằm vào lực lượng của chính phủ. Hàng chục quả bom đã thả xuống từ các máy bay do thám. Viên sĩ quan nói rằng có ít nhất 10 người thương vong và nhiều người bị thương nhẹ.

Lực lượng Iraq tiếp quản sân bay sẽ điều động binh lính từ phía tây nam tiến vào thành phố và đầu tiên sẽ kiểm soát một khu vực dọc theo bờ phía tây của sông Tigris.

Các lực lượng Iraq bắt đầu hành quân chiếm lại khu vực phía tây của thành phố Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq vào ngày Chủ Nhật, sau khi cho biết vào cuối tháng 1 họ đã giải phóng khu phía đông của thành phố này.

Các lực lượng Hoa Kỳ đã góp một vai trò quan trọng, tăng thêm sức tiến công cho quân đội Iraq. Các lực lượng Mỹ đã yểm trợ bằng các cuộc không kích và các cố vấn quân sự. Hôm thứ Năm, các lực lượng của Hoa Kỳ đã có mặt ở tuyến đầu của cuộc tấn công này.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã đến thăm Iraq và cam kết hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến Hồi giáo.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có ở lại Iraq sau chiến dịch tái chiếm Mosul hay không, ông Mattis nói “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ lưu lại với cuộc chiến này một thời gian và chúng ta sát cánh bên nhau.”

Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang nỗ lực xây dựng các trại tạm cư mới cho những người bị thất tán. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã hoàn thành tám trại và nói rằng họ bắt đầu kế hoạch xây một khu trại khác ở phía nam thành phố Mosul.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-luc-luong-iraq-duoc-my-yem-tro-da-chiem-lai-san-bay-mosul/3738471.html

 

Ông Trump cam kết mang việc làm trở lại nước Mỹ

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước hơn hai mươi giám đốc điều hành các đại công ty Mỹ hôm 23/2 rằng ông có kế hoạch mang hàng triệu việc làm trở lại Hoa Kỳ, nhưng không đưa ra chi tiết làm thế nào để để đảo ngược tình trạng suy thoái việc làm trong các nhà máy Mỹ nhiều thập niên nay.

Trong tháng đầu tiên cầm quyền, ông Trump đã áp lực một số công ty Mỹ phải thuê mướn công nhân tại Mỹ nhưng ông chưa đưa ra dự luật giải quyết những vấn đề lớn về kinh tế mà ông từng đề cập trong lúc tranh cử vào năm ngoái, bao gồm mức thuế thúc đẩy việc làm và chương trình hạ tầng cơ sở. Ông sẽ đọc diễn văn tại phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày 28 tháng 2 tới.

Trong một cuộc họp với giám đốc điều hành các đại công ty tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói Hoa Kỳ đã mất khoảng 1 phần 3 việc làm trong các nhà máy kể từ khi tham gia Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ vào năm 1994 và cho biết có khoảng 70.000 nhà máy bị đóng cửa kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cách đây 16 năm.

Lương thấp, tự động hóa, cạnh tranh của nước ngoài và những yếu tố khác làm cho việc làm trong lãnh vực sản xuất giảm mạnh theo như nhận xét của các chuyên gia kinh tế.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-cam-ket-mang-viec-lam-tro-lai-nuoc-my/3737971.html

 

Tổng thống Trump muốn mở rộng kho hạt nhân

Tổng thống Donald Trump ngày 23/2 tuyên bố muốn bảo đảm kho hạt nhân Mỹ phải đứng hàng đầu và cho rằng Hoa Kỳ đã bị tụt lại phía sau về khả năng vũ khí nguyên tử.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Trump gia tăng áp lực với Bắc Kinh để nước này gây ảnh hưởng nhiều hơn trong việc kiềm chế những hành động ngày càng hiếu chiến của Bình Nhưỡng. Ông nói Trung Quốc có thể giải quyết thách thức an ninh quốc gia gây ra bởi Bắc Triều Tiên “rất dễ dàng nếu như họ muốn”.

Tổng thống Trump nói rằng “Sẽ thật là tuyệt vời, một giấc mơ, nếu không quốc gia nào sở hữu hạt nhân, nhưng nếu các nước có sở hữu hạt nhân, thì Hoa Kỳ phải là quốc gia đứng đầu.”

Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Võ khí, một tổ chức độc lập phi lợi nhuận, nói “Lịch sự chiến tranh Lạnh đã chỉ ra rằng không quốc gia nào trở thành quốc gia đứng đầu trong cuộc chạy đua vũ trang và bên bờ vực chiến tranh hạt nhân”.

“Nga và Hoa Kỳ sở hữu vũ khí nhiều hơn mức cần để ngăn chặn tấn công hạt nhân bởi một nước khác hoặc bởi một quốc gia trang bị hạt nhân,” ông cho biết.

Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược mới, được gọi là New START, giữa Hoa Kỳ và Nga, yêu cầu cho đến trước ngày 5 tháng Hai năm 2018, cả 2 nước phải hạn chế kho vũ khí hạt nhân chiến lược đến mức tương đương cho 10 năm.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump gọi hiệp ước New START là “một chiều”.

Phát ngôn từ Phòng Bầu Dục, Tổng thống Trump tuyên bố “Chúng tôi rất tức giận” về vụ thử phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên và cho biết tăng cường hệ thống phòng thủ phi đạn cho đồng minh của Hoa Kỳ là Hàn Quốc và Nhật Bản là một trong nhiều lựa chọn khả thi.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đầu tháng này tại Florida đã bị gián đoạn bởi vụ thử phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Tổng Thống Trump không hoàn toàn loại trừ khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un trong tương lai dưới một số điều kiện nhất định, tuy nhiên ông cho rằng việc này có thể là quá muộn.

Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nói với Reuters Nhật có thể tăng khoảng 1 tỷ đô la trong kế hoạch chi tiêu để nâng cấp hệ thống phòng thủ phi đạn của nước này.

Suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump cam kết sẽ gia tăng những nỗ lực phòng thủ phi đạn và chỉ vài phút sau lễ nhậm chức của ông, Tòa Bạch Ốc đã loan báo chính phủ dự định phát triển một “siêu” hệ thống phòng thủ phi đạn để bảo vệ trước các cuộc tấn công từ Iran và Bắc Triều Tiên.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-muon-mo-rong-kho-hat-nhan/3737952.html

 

Nga bất ngờ trả tự do cho nhà đối lập Ildar Dadin

Trọng Thành

Ngày 22/02/2017, Tòa Án Tối Cao Nga ra phán quyết trả tự do cho nhà đối lập Ildar Dadin, người đầu tiên và cũng là người duy nhất bị kết án theo một điều luật mới được đưa vào Bộ Luật Hình Sự Nga năm 2014, nhằm trừng phạt những người biểu tình ôn hòa nhiều lần không phép. Đối với nhiều người, quyết định nói trên gây bất ngờ.

Thông tín viên Muriel Pompone tường trình từ Matxcơva,

« Ildar Dadin là người đầu tiên bị kết án theo luật trừng phạt biểu tình không được phép. Tại Nga, những người tham gia vào một cuộc tuần hành ôn hòa, không được cho phép trước đó, bị phạt tiền hoặc phạt giam hành chính trong vòng 15 ngày.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014, các hành động tái phạm quy định này nhiều lần, cụ thể là hơn hai lần trong vòng sáu tháng, bị coi là một tội hình sự, có thể bị phạt tù đến năm năm. Hồi tháng 12/2015, tư pháp Nga đã kết án Ildar Dadin hai năm tù rưỡi, vì biểu tình bốn lần trong sáu tháng, trong đó một lần ông đã biểu tình với biểu ngữ ‘‘Tôi là Charlie’’. 

Trong thời gian bị giam giữ, Ildar Dadin tố cáo bị tra tấn. Lời cáo buộc này đã không được các bác sĩ xác nhận. Tuy nhiên, sau đó, ông đã bị chuyển đến Altai, một vùng rất xa Matxcơva. 

Gần đây, luật nói trên được tuyên bố là hợp hiến, vì vậy quyết định của Tòa Án Tối Cao gây ngạc nhiên. Tòa hủy án, với lý do không có chứng cứ cấu thành tội phạm, và yêu cầu trả tự do cùng với việc phục hồi cho ông Ildar Dadin. Quyết định nói trên của tòa không được phép kháng nghị ».

Giới bảo vệ nhân quyền châu Âu theo sát vụ này. Trước đó, ngày 24/11/2016, Nghị Viện Châu Âu ra một nghị quyết yêu cầu chính quyền Nga trả tự do « ngay lập tức và vô điều kiện » cho nhà đối lập Ildar Dadin. Ngày 09/02, Tòa Bảo Hiến Nga thông báo án phạt ông Ildar Dadin sẽ được xét lại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170224-nga-bat-ngo-tra-tu-do-cho-nha-doi-lap-idlar-dardin

 

Bắc Hàn chỉ trích Trung Quốc sau lệnh cấm than đá

Bắc Triều Tiên hôm thứ Năm đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi nhắm vào Trung Quốc, nói rằng nước đồng minh ngoại giao chính của họ đã “múa may theo chỉ đạo” của Mỹ về việc đình chỉ nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.

Hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA không nêu đích danh Trung Quốc nhưng trong một chỉ trích không thể nhầm lẫn Bắc Triều Tiên cáo buộc một “nước láng giềng” thuận theo những kẻ thù của Bắc Triều Tiên nhằm “lật đổ hệ thống xã hội của mình.”

“Đất nước này, tự xưng là một cường quốc, đang múa may theo chỉ đạo của Mỹ trong khi bênh vực hành vi không tử tế của mình bằng những lời biện minh là việc này không nhằm gây nên tác động tiêu cực đến đời sống của người dân ở CHDCND Triều Tiên mà là để kiểm soát chương trình hạt nhân,” KCNA nói trong một bài bình luận.

Trung Quốc thứ Bảy tuần trước nói họ sẽ cấm nhập khẩu than đá từ Bắc Triều Tiên cho đến cuối năm nay.

Lệnh cấm được ban hành khoảng một tuần sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một tên phi đạn đạn đạo tầm trung như một thách thức trực tiếp đầu tiên của nước này đối với cộng đồng quốc tế kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Chính quyền Trump đã nói rằng Trung Quốc nên làm nhiều hơn để gây áp lực với Bắc Triều Tiên.

“Một nước láng giềng, thường tự xưng là ‘láng giềng thân hữu’, đang đe dọa rằng ‘CHDCND Triều Tiên sẽ chịu tổn thất lớn nhất’,” KCNA nói trong bài bình luận.

“Nước này đã không ngần ngại thực hiện những biện pháp vô nhân đạo như chặn đứng hoàn toàn ngoại thương liên quan đến việc cải thiện đời sống của người dân dưới danh nghĩa ‘những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về chế tài’ mà không hề có cơ sở pháp lý.”

Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên nhưng Trung Quốc không chấp thuận chương trình hạt nhân của nước này và đã ủng hộ những biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên. Trung Quốc kêu gọi một bán đảo Triều Tiên phi vũ khí hạt nhân.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-chi-trich-dong-minh-trung-quoc-sau-lenh-cam-than-da/3737904.html