Tin khắp nơi – 21/02/2017
Tân cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ai?
Tân cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump được bổ nhiệm trong dư âm cuộc tranh cãi về người tiền nhiệm, vốn chỉ trụ được trong vị trí này có ba tuần.
Lựa chọn mới được cả các nhà phân tích lẫn giới chính trị gia đón nhận tích cực, thậm chí từ cả một số người như Thượng nghị sỹ John McCain, vốn chỉ trích nhiều quyết định của Tổng thống Trump.
Thế nhưng Herbert Raymond McMaster là ai?
Sinh viên lịch sử
Trung tướng HR McMaster là một sỹ quan quân đội được thưởng nhiều huân huy chương. Ông từng phục vụ trong các vị trí chỉ huy khác nhau trong Chiến tranh Vùng Vịnh hồi đầu thập niên 1990 và tại Bộ Tư lệnh Quân sự vùng Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á thời Cuộc chiến Iraq hồi đầu thập niên 2000.
Ông được tặng sao bạc dũng cảm về những hành động của mình.
Tại Afghanistan, ông đứng đầu lực lượng phụ trách vấn đề minh bạch và chống tham nhũng.
Nhưng ông cũng nổi tiếng là quan tâm tới lịch sử, và về việc áp dụng kiến thức trong lĩnh vực này vào chiến trường.
Trung tướng McMaster tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ năm 1984, nhưng đã theo đuổi việc trở thành học giả về lịch sử quân sự.
Ông có bằng cử nhân lịch sử từ Đại học Bắc Carolina năm 1994, và dạy môn sử tại học viện quân sự trong hai năm trước khi được trao bằng tiến sỹ chuyên ngành lịch sử Mỹ vào năm 1996.
Cùng năm đó, ông ra cuốn sách quân sự nổi tiếng về Cuộc chiến Việt Nam, ‘Dereliction of Duty’ (tạm dịch ‘Lơ là bổn phận’), trong đó chỉ trích mạnh mẽ quá trình ra quyết định tại Washington trong thời kỳ này.
Học thuật và thực tiễn
Tư duy cùng cách tiếp cận học thuật của ông gây ấn tượng cho nhiều người trong thời gian này tại Iraq và Afghanistan.
Ông được đánh giá là một người có cách đánh giá sâu sắc về quân sự. Tạp chí Time nói ông “có lẽ là nhà tư tưởng-chiến binh ưu việt của quân đội thế kỷ 21”.
Năm 2005, ông dẫn đầu một chiến dịch tại Tal Afar ở Iraq, được đánh giá là thành công trong một cuộc chiến khó khăn.
Ông đã chiếm thị trấn, chia cắt nó khỏi các chiến binh từ bên ngoài, rồi tiến vào các quận của thành phố một cách từ từ nhưng chắc chắn, để binh lính giữ các vị trí chốt chặn và không để đối phương quay trở lại. Đây là cách làm hoàn toàn khác với chiến lược trước đó quân Mỹ vẫn áp dụng.
Tuy nhiên cách thức này đã được áp dụng lặp đi lặp lại, nhưng bản thân Trung tướng McMaster nói với tạp chí New Yorker trong năm sau đó rằng việc liên tục có cái nhìn, cân nhắc mới, mới chính là điều cốt lõi dẫn tới thành công.
“Cực kỳ phức tạp. Nếu quý vị từng nghĩ rằng quý vị có giải pháp cho chuyện này thì quý vị đã sai, và quý vị trong tình trạng nguy hiểm. Quý vị phải lắng nghe, suy nghĩ và có óc phê bình, tự phê bình,” ông nói.
‘Sự rùng rợn không thể tưởng tượng’
Trong một cuộc phỏng vấn với Sunday Times hồi 2007, ông cũng nói về một số chiến lược mà ông từng chứng kiến trong chiến dịch này, về tình trạng “lạm dụng trẻ em” của các thành viên trẻ thuộc al-Qaeda, mà thường là thông qua những biện pháp tàn bạo.
“Tôi đã nhìn thấy những sự rùng rợn kinh khủng tới mức không thể tưởng tượng được,” ông nói. “Những thứ mà quý vị không thể nghĩ là con người có thể tưởng tượng ra. Trong một vụ, những kẻ khủng bố giết chết một bé trai trên giường bệnh ở bệnh viện, gài bom vào thi thể, và khi gia đình cháu bé tới nhận xác thì họ kích hoạt chất nổ, giết chết người cha.”
Sir Max Hastings khi viết trên Guardian hồi 2007 đã gọi Trung tướng McMaster là “vị chỉ huy thành công nhất từng phục vụ tại Iraq”, và cây bút đoạt giải Pulitzer Thomas Ricks ghi nhận rằng “tầm ảnh hưởng của ông đã vượt quá cấp bậc [của ông]”.
Ông được đưa về Baghdad vào năm 2007 để tham gia một nhóm được gọi không chính thức là “quỹ các bộ não Baghdad”, cùng với một số học giả quân sự khác, có nhiệm vụ đưa ra một cách tiếp cận mới.
Năm sau đó, ông đã áp dụng cách tiếp cận nổi tiếng là sâu sắc của mình vào công việc mà ông đảm nhiệm tại Trung Tâm Quân Đội Hoa Kỳ về Khả Năng Liên Hợp.
Ông cũng phục vụ trong vai trò chỉ huy của trung tâm Manoeuvre Centre of Excellence cũng của quân đội.
Trong thời gian này, ông được thăng chức lên vị trí hiện nay, tướng ba sao, là cấp bậc cao thứ nhì có thể đạt được.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39042006
Nhiều cuộc tập hợp chống TT Trump trong Ngày Tổng Thống
Hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập khắp toàn quốc để phản đối chính quyền Trump vào Ngày của Tổng thống hôm thứ Hai.
Những cuộc tập hợp mang tên Không Phải Tổng thống Của Tôi bao gồm những người biểu tình tụ hội từ khắp cả nước để bày tỏ sự ủng hộ đối với người da màu, người nhập cư, người Hồi giáo, người lao động, người LGBTQ, và người nghèo.
Những sự kiện này diễn ra từ Boston tới Seattle, nơi người biểu tình cho biết họ hy vọng biến nó thành một ngày chống Trump. Một danh sách các thành phố trên trang Facebook có tên Ngày Không Phải Tổng thống Của Tôi cho thấy ít nhất 30 thành phố, nơi mà các cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ phong trào toàn quốc mang tên Những Gã Xấu và Những Người Đàn bà Đanh đá được hoạch định.
Tại Chicago, hàng trăm người tụ tập hôm Chủ nhật gần tòa nhà Trump Tower, giơ những biểu ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Ả-rập và tiếng Tây Ban Nha kêu gọi kháng cự chính sách nhập cư của Tổng thống Trump.
Một người phụ nữ tuần hành tại Los Angeles cho biết cô tuần hành vì cha mẹ của cô, những người đã làm việc cật lực “để chu cấp cho chúng tôi.”
Một người biểu tình khác tại Dallas, bang Texas, cho biết người ta đang tức giận.
“Có rất nhiều thứ đang diễn ra và chỉ mới một tháng thôi, và rất nhiều người đã thấy sợ rồi bởi vì rất nhiều người đang thực sự bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra,” cô này nói.
“Tôi có mặt ở đây để phản đối mọi thứ mà 45 [Tổng thống thứ 45 của Mỹ] đại diện … Từ quan điểm của ông ta về phụ nữ cho tới quan điểm của ông ta về nhập cư, kì thị chủng tộc, kì thị giới tính và tất cả những điều tồi tệ mà ông đại diện đang làm bẽ mặt đất nước của chúng ta,” một người biểu tình nói.
Trong một tháng giữ chức tổng thống, ông Trump đã ký 24 sắc lệnh hành pháp và bản ghi nhớ bao gồm các lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương, đình chỉ việc tuyển dụng công chức liên bang, và tạm thời cấm công dân từ bảy quốc gia với đa số dân là người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ. Lệnh này đã bị các thẩm phán liên bang chặn lại.
Hầu hết học sinh, nhân viên trường học, và nhân viên chính phủ được nghỉ ngày thứ Hai vì là ngày lễ liên bang.
Chính sách đối ngoại của TT Trump thay đổi mọi quan hệ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong khi vận động tranh cử đã hứa sẽ thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, bao gồm việc mưu tìm những điểm tương đồng với Nga, một hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Iran và Trung Quốc, và mạnh mẽ ủng hộ nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, đã sau một tháng, chính quyền của ông Trump đang định lại những ưu tiên cần tập trung. Từ Washington, thông tín viên Jesusemen Oni của đài VOA có bài tường trình.
Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Donald Trump quả quyết rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ làm theo một nguyên tắc duy nhất.
“Từ hôm nay trở đi, nước Mỹ sẽ được đặt lên trên hết, chỉ có nước Mỹ là trên hết. Tất cả mọi quyết định về thương mại, thuế khóa, di dân, và đối ngoại.”
Trong tháng đầu tiên làm tổng thống, ông Trump bắt đầu thay đổi những truyền thống đó tồn tại mấy chục năm qua và các quan hệ quốc tế.
Tổng thống Trump đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa Bạch Ốc, phát đi tín hiệu của một chương mới trong quan hệ hợp tác Mỹ-Israel mà trước đó đã rơi vào tình trạng căng thẳng dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Khi còn là một ứng cử viên, ông Trump hứa sẽ dời Ðại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem, và tỏ ra ủng hộ chình sách định cư ở Khu Bờ Tây của Israel. Tuy nhiên khi lên nhận chức tổng thống, ông Trump tỏ dấu rằng ông “đang xem xét” việc dời đại sứ quán, và yêu cầu Israel “ngưng” mở rộng khu định cư.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Trump cũng thận trọng né tránh quan điểm lâu nay của Hoa Kỳ là ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và người Palestine.
“Tôi đang tìm hiểu giải pháp hai nhà nước và một nhà nước, và tôi ủng hộ giải pháp nào mà các bên đều mong muốn.”
Ông Trump hứa sẽ không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Ông chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Tehran năm 2015 là một “thỏa thuận thực sự tồi.”
Hồi tháng 2, ông Trump đã ra thêm các lệnh chế tài đối với Iran để đáp lại việc nước này thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
“Và tôi sẽ có thêm các biện pháp không để cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.”
Tổng thống Trump nhiều lần lập lại gợi ý rằng hâm nóng lại quan hệ với Nga sẽ là một ý tưởng hay, bất chấp những quan hệ của Moscow với Iran và những cáo buộc về việc Nga phá rối cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2016.
Điều đó khiến một số nhà lập pháp Mỹ và các đồng minh Âu châu khó chịu.
Hồi cuối tuần qua tại Brussels, Phó Tổng thống Mike Pence đã tìm cách trấn an các đối tác Âu châu.
“Trong lúc Hoa Kỳ sẽ tiếp tục buộc Nga chịu trách nhiệm, theo chỉ thị của Tổng thống Trump, chúng tôi cũng sẽ mưu tìm những điểm tương đồng với Nga mà Tổng thống Trump tin là sẽ tìm được.”
Ông Trump thường chỉ trích Trung Quốc khi ông vận động tranh cử. Ông tố cáo Trung Quốc cố giữ giá trị thấp của đông nguyên để cạnh tranh bất công.
“Trung Quốc không làm ăn không theo luật lệ, và tôi biết đã đến lúc họ bắt đầu phải tuân thủ.”
Tổng thống Trump hứa sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và thay đổi chính sách thương mại. Cho đến giờ, chính quyền của ông Trump vẫn giữ im lặng về những vấn đề đó, thay vào đó họ chuyển sự tập trung vào vấn đề địa chính trị.
Tổng thống Trump đồng ý tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc,” liên quan đến vấn đề Ðài Loan, nhưng Mỹ tiếp tục nêu nghi vấn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Một hạm đội có tàu sân bay của Mỹ mới đây đã bắt đầu “cuộc thao dượt thường lệ” trên Biển Đông.
Việc làm này bất chấp cảnh báo của Trung Quốc là không can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói:
“Theo tôi thì có một xung lực trong chính quyền của Tổng thống Trump khiến họ phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, và đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, nhưng không rõ là từ những tuyên bố mà chúng ta đã nghe cho đến bây giờ, liệu có một chính rõ ràng hay không.”Chỉ mới mấy tuần lễ kể từ khi Mỹ có chính quyền mới, các nước đang theo dõi sát những thay đổi lớn trong quan hệ với Mỹ, trong lúc Tổng thống Trump tiếp tục định hình cho chính sách “nước Mỹ trên hết” sẽ như thế nào.
Bộ trưởng Mattis:
Mỹ ‘không ở Iraq để chiếm dầu của bất cứ ai’
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm thứ Hai nói rằng Mỹ không có ý định chiếm giữ dầu hỏa của Iraq, điều mà Tổng thống Donald Trump trước đây đã cổ súy là “chiến lợi phẩm” cho hoạt động quân sự của Mỹ ở đó và để ngăn chặn nhóm Nhà nước Hồi giáo đem bán.
Ông Mattis phát biểu trước đoàn phóng viên tháp tùng ông tới Iraq cho một chuyến thăm không báo trước, diễn ra vào ngày thứ hai của một cuộc tiến công quân sự nhằm đánh bật nhóm Nhà nước Hồi giáo khỏi phần phía tây của thành phố Mosul.
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đây trong căn phòng này, tất cả chúng ta ở Mỹ, trước giờ vẫn trả tiền cho khí đốt và dầu hỏa của chúng ta, và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai,” ông Mattis nói. “Chúng tôi không ở Iraq để chiếm dầu của bất cứ ai.”
Ông Mattis cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Iraq suốt cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. “Tôi bảo đảm với bạn rằng chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn suốt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ sát cánh bên các bạn và quân đội của các bạn trong tương lai để chủ quyền của các bạn được bảo vệ bởi các lực lượng Iraq và không ai khác,” ông nói.
Khi được hỏi liệu Mỹ có ở lại Iraq sau khi cuộc chiến ở Mosul đã kết thúc hay không, ông nói: “Tôi hình dung chúng ta sẽ tham gia cuộc chiến này trong một khoảng thời gian và chúng ta sẽ sát cánh bên nhau.”
Trung tướng Stephen Townsend, chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn đầu đang nỗ lực đánh bại Nhà nước Hồi giáo nói rõ ràng hơn. “Tôi không dự đoán là chúng tôi sẽ được chính phủ Iraq yêu cầu rời đi ngay lập tức sau khi giành lại Mosul. Tôi nghĩ chính phủ Iraq nhận thức đây là một cuộc chiến đấu rất phức tạp và họ sẽ cần sự hỗ trợ của liên minh thậm chí vượt xa hơn cả Mosul.”
Hôm thứ Hai, các lực lượng Iraq đã tiến vào vùng ngoại ô phía nam của Mosul vào ngày thứ hai của nỗ lực đánh đuổi những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo khỏi mạn tây của thành phố. Các lực lượng nhắm mục tiêu vào một ngọn đồi nhìn ra sân bay của thành phố, tiến vào làng Abu Saif.
TT Trump muốn thấy NATO tăng chi tiêu quốc phòng
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuối năm nay muốn nhìn thấy ‘tiến bộ thật sự’ của các đồng minh NATO trong việc tăng cường chi tiêu quốc phòng hướng tới tỷ lệ tối thiểu 2% sản lượng kinh tế.
Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 20/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh: “Nước Mỹ sẽ tròn phận sự của mình nhưng quốc phòng Châu Âu đòi hỏi các khoản cam kết của EU cũng ngang bằng như của chúng tôi…Tổng thống Mỹ kỳ vọng sẽ có tiến bộ thật sự trước cuối năm nay.”
Trước đó, hôm 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo các đồng minh NATO phải tôn trọng cam kết chi tiêu quốc phòng sao cho liên minh không bị Hoa Kỳ giảm bớt hỗ trợ.
Ông Mattis tuyên bố sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ không nên xem như là một việc sẵn có. Ông nói trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước đồng minh châu Âu chi tiêu 2% giá trị kinh tế vào quốc phòng.
Vẫn theo lời tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các nước đồng minh NATO phải chứng tỏ tiến bộ trong năm 2017, thông qua một kế hoạch với ngày giờ cụ thể về các mục tiêu chi tiêu quốc phòng.
Chi tiêu thấp của Châu Âu khiến Hoa Kỳ khó chịu trong khi Mỹ đã đóng góp đến 70% phần quỹ của liên minh NATO.
Trong suốt cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã mạnh mẽ chỉ trích NATO, khiến cho đồng minh Châu Âu lo ngại.
Một triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở Nam Sudan
Richard Green
Chính phủ và các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cho biết xung đột, kinh tế sụp đổ, giá lương thực tăng cao và năng suất nông nghiệp thấp là những gì làm mất an ninh lương thực trên toàn quốc. Một triệu người được cho là đang ngấp nghé nạn đói.
Tình trạng đói kém đã hiện diện tại hai quận hạt thuộc bang Thống nhất ở miền nam, ảnh hưởng đến hơn 100.000 người. Challiss McDonough, một phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới ở Đông Phi, cho biết giao tranh dữ dội tại bang này đã gây khó khăn cho việc thương lượng để các nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận an toàn. Các nhân viên này đang cố gắng để cung cấp đồ cứu trợ cho người dân của vùng bị vây hãm.
Hàng chục ngàn người dân Nam Sudan đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra hồi tháng 12 năm 2013 giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và cựu phó tổng thống của ông là Riek Machar.
Khoảng năm triệu người dân Nam Sudan bị nạn đói đe dọa rất nghiêm trọng, con số này dự kiến sẽ tăng thành 5,5 triệu người vào tháng 7, tương đương khoảng một nửa dân số Nam Sudan.
http://www.voatiengviet.com/a/mot-trienguwowuoi-bi-anh-huong-boi-nan-doi-o-nam-sudan/3733655.html
Mỗi ngày bắt ba quan chức và hạ bệ cả thủ tướng
Dư luận quốc tế đang chú ý đến các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp ở Romania đòi chính quyền gốc cộng sản tại đây từ chức.
Nhưng căn nguyên của cuộc đấu tranh lại đến từ thành công quá sức tưởng tượng của cơ quan chống tham nhũng nước này lập ra từ hơn 10 năm qua để truy quét các quan tham.
Ra đời năm 2005, Tổng cục chống tham nhũng (Direcţia Generală Anticorupţie – DNA) trực thuộc Bộ Nội vụ Romania nhưng hoạt động theo một bộ luật riêng.
Hiện tuyển 120 công tố viên và đang truy xét 6000 vụ việc, cơ quan này đã ‘gặt hái’ kỷ lục năm 2015: kết tội 1250 quan chức vì liên quan đến tham nhũng.
Tính trung bình mỗi ngày có trên ba quan chức bị DNA ra lệnh bắt.
Không kiêng nể ai
Lương Trump và Putin so với lãnh đạo VN và TQ
Trong số các nhân vật cao cấp nhất bị DNA đem truy tố có cựu thủ tướng Victor Ponta, năm bộ trưởng, 21 thành viên lưỡng viện Quốc hội và cả thị trưởng Bucharest, ông Sorin Oprescu.
DNA cũng thu về khoản tiền gần 500 triệu euro từ các tài khoản, gia sản của những quan chức bị kết tội tham nhũng.
Cơ quan này được sự hỗ trợ của Liên hiệp châu Âu và tư vấn của các chuyên gia Tây Ban Nha cùng Anh Quốc.
Tuy nhiên, giới chỉ trích cũng phê phán DNA của Romania “hành xử như công an mật” thời cộng sản, với thẩm quyền quá rộng rãi.
Chẳng hạn trên cơ sở các bằng chứng mới chỉ mang tính nghi vấn, cục chống tham nhũng Romania có thể tạm giam nghi phạm tới 180 ngày để điều tra.
Báo chí châu Âu cũng chú ý đến vụ một triệu phú, ông Dan Adamescu bị chết trong tù ở tuổi 68, khi đang chịu án tội đưa hối lộ.
Từng là một trong số người giàu nhất Romania, ông bị xử hơn 4 năm tù trong vụ đưa hội lộ cho hai thẩm phán.
Khi còn sống, ông Adamescu luôn lên án cơ quan chống tham nhũng DNA và gia đình ông cáo buộc điều kiện tồi tệ trong nhà giam đã khiến ông nhiễm bệnh mà chết.
Nhìn chung, phản ứng từ các quan chức Romania đã khiến chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội (gốc cộng sản) thông qua sắc lệnh để giảm tội cho những ai nhận hối lội chưa đến 44 nghìn euro.
Sắc luật này, do chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu thông qua hồi đầu năm 2017, đã gây ra các cuộc phản đối tụ họp 700 nghìn đến 1 triệu người ở Bucharest và một số đô thị.
Họ hô to khẩu hiệu ‘Hoti, Hoti’ (bọn trộm cắp, bọn trộm cắp) và đòi toàn bộ chính phủ từ nhiệm.
Người dân nói với báo chí châu Âu họ muốn tẩy sạch ‘ung thư’ tham nhũng ở đất nước nơi mà từ trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông công chính đến cơ quan nhà nước, vào đâu cũng phải lót tay.
Hoti, Hoti’: bọn trộm cắp, bọn trộm cắp!Người biểu tình
Một số quan chức Romania có ‘nguyên tắc’ là ai cũng phải nộp tiền, và ai chưa có tiền thì họ cho ‘ghi nợ’ như tín dụng để xong việc thì trả, theo trang Newsweek.
Hiện sắc luật giảm tội cho quan tham đã bị rút lại và chính quyền chấp nhận để có cuộc trưng cầu dân ý xem các biện pháp chống tham nhũng hà khắc có tiếp tục hay không.
Được sự ủng hộ của Tổng thống Klaus Iohannis, người cũng đứng về phía người biểu tình, luật trưng cầu dân ý còn đang chờ có ngày tháng cụ thể để cử tri đi bỏ phiếu.
Nếu được thông qua, kết quả trưng cầu dân ý sẽ cho phép cơ quan chống tham nhũng không chỉ duy trì công việc mà còn mở rộng phạm vi hoạt động.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39040456
Tổng thống Duterte bị chỉ trích là kẻ giết người hàng loạt
Một trong những người chỉ trích mạnh mẽ ông Rodrigo Duterte là thượng nghị sĩ Leila de Lima. Theo bà này thì rõ ràng ông tổng thống hiện nay của nước Phi là một kẻ sát nhân, giết người hằng hoạt và kêu gọi nội các tuyên bố ông Duterte không đủ tư cách lãnh đạo chính phủ, cũng như người dân Philippines lên tiếng phản đối quyền lãnh đạo của ông Duterte.
Nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima nổi tiếng về vai trò phát động cuộc cách mạng mang tên ‘Quyền lực Nhân dân’ lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos cách đây 3 thập niên.
Mới tuần qua, chính phủ của tổng thống Rodrigo Duterte cáo buộc bà Leila de Lima có dính líu vào một đường dây buôn lậu ma túy khi còn là bộ trưởng tư pháp trong chính quyền trước.
Tuy nhiên bản thân bà này, những người ủng hộ bà cũng như các nhóm theo dõi nhân quyền đều cho rằng cáo buộc vừa nêu được dựng lên nhằm dập tắt những tiếng nói chỉ trích tổng thống Rodrigo Duterte.
Canada : Montréal,
« thánh địa » của người tị nạn không giấy tờ
Tiếp theo Toronto, Hamilton, London (bang Ontario) ở Canada, Montréal trở thành thành phố thứ tư của quốc gia Bắc Mỹ này tuyên bố là « thánh địa » của người tị nạn không giấy tờ. Toàn bộ các ủy viên hội đồng thành phố thủ phủ của bang Quebec đã nhất trí với đề nghị của thị trưởng Denis Coderre, một cựu bộ trưởng Nhập cư. Tuy nhiên, một tuyên bố thể hiện thiện chí chưa đủ.
Thông tín viên Pascale Guericolas tường trình từ Quebec:
« Thị trưởng Montreal muốn thể hiện rõ ràng là thành phố của ông rất đồng cảm với làn sóng người tị nạn đến từ Hoa Kỳ. Từ đầu năm đến nay, hơn 450 người đã vượt biên giới Mỹ, chỉ cách Montreal một giờ đường xe hơi, để xin tị nạn tại Canada. Và họ đến đây mà không qua bất cứ trạm hải quan nào.
Người tị nạn, chủ yếu đến từ Somalia, Eritrea, Sudan, lo ngại cho số phận của họ trước các chính sách chống người nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện tại, tuyên bố được các dân biểu Montreal thông qua chủ yếu mang tính biểu tượng. Hiệp hội Đoàn kết không biên giới (Solidarité sans frontières) cũng báo động là sáng kiến này có thể mang lại một cảm giác an toàn giả tạo cho những người tị nạn.
Trên thực tế, nếu không có một văn bản hành chính cụ thể, thì một người không giấy tờ bị cảnh sát câu lưu, vì không trả tiền vé metro chẳng hạn, có nguy cơ bị tống giam. Nếu muốn bảo vệ người tị nạn tốt hơn, thành phố Montreal phải yêu cầu chính quyền Quebec và Canada trợ giúp. Một hậu thuẫn như vậy sẽ cho phép họ có được các chăm sóc y tế cần thiết, giáo dục miễn phí cho trẻ em, và nhất là tránh bị trục xuất ».
Trung Quốc công khai dọa trả đũa Hàn Quốc về THAAD
Chủ nhật 19/02/2017, Tân Hoa Xã công khai lên tiếng đe dọa trả đũa một tập đoàn địa ốc Hàn Quốc về việc chính quyền Seoul cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo dự tính, dự án THAAD sẽ được lắp đặt trên phần đất thuộc sở hữu của tập đoàn địa ốc Hàn Quốc Lotte, trong lúc tập đoàn này lại đang có một dự án đầu tư nửa tỷ đô la tại Trung Quốc.
Theo Reuters, trong tháng Hai, tập đoàn Lotte thông báo là chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh ngừng dự án này, với lý do dự án của tập đoàn này tại Trung Quốc có vấn đề về biện pháp phòng chống hỏa hoạn.
Tân Hoa Xã nói thẳng, « một nhận định sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng », do vậy, nếu Lotte không cho triển khai dự án THAAD trên phần đất của mình tại Hàn Quốc, thì dự án tại Trung Quốc sẽ được tiếp tục. Theo Bắc Kinh, « người dân Trung Quốc sẽ không ủng hộ một công ty đồng lõa với việc làm tổn hại các lợi ích của Trung Quốc ».
Chính quyền Trung Quốc vẫn chống đối kịch liệt việc triển khai dự án THAAD tại Hàn Quốc, vì lo ngại hệ thống này theo dõi được cả những hoạt động quân sự ngay trên lãnh thổ Trung Quốc.
Cuối tuần qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh hiểu được sự cần thiết của Hàn Quốc trong việc bảo đảm an ninh, nhưng phía Seoul cũng phải chú ý tới những lo ngại của Bắc Kinh trong việc triển khai hệ thống THAAD.
Pháp : Khủng bố khiến du lịch vùng Paris « mất mùa »
Do ảnh hưởng của khủng bố, số du khách nước ngoài và du khách Pháp tới thăm Paris và vùng phụ cận vào năm 2016 đã giảm 1,5 triệu lượt người so với năm 2015.
AFP cho biết, theo báo cáo mới đây của ủy ban Du Lịch vùng Paris, trong khi lượng khách trong nước tới thăm Paris và vùng phụ cận chỉ giảm 0,8%, thì lượng du khách quốc tế lại giảm mạnh. Cụ thể, nếu tính theo số lượt khách đăng ký khách sạn, lượng du khách Trung Quốc giảm 21,5%. Lượng du khách Nhật Bản giảm tới 41,2%. Lượng du khách tới từ Ý, Nga cũng giảm 26-27%. Tuy nhiên, số khách du lịch tới từ Mỹ chỉ giảm nhẹ (-4,9%).
Nếu tính theo các công trình văn hóa, bảo tàng ở Paris, thì chỉ trung tâm văn hóa Pompidou là có lượng du khách tăng (9%). Lượt khách tham quan các công trình khác đều giảm mạnh, chẳng hạn lượt khách vào thăm bảo tàng Louvre và cung điện Versailles giảm 13,3% và 9,8%.
Tuy nhiên, số doanh nhân tới Paris và vùng phụ cận lại tăng mạnh, vượt qua cả con số kỷ lục năm 2011 và 2012.
Tính tổng cộng, lượng du khách sụt giảm đã khiến ngành du lịch của Paris và vùng phụ cận mất tới 1,3 tỉ euro. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với dự báo, nhờ có số lượng du khách tăng vọt vào tháng 11/2016 và trong các dịp lễ hội cuối năm.