Tin Việt Nam – 18/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 18/02/2017

Lễ và lộc ở đền Trần

Bắt đầu từ Mồng Một tháng Giêng, người ở khắp nơi kéo về thăm đền Trần ở Nam Định, nhưng thời gian đông khách tham quan nhất bắt đầu từ ngày 13 cho đến cuối ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Bởi đây là thời gian diễn ra lễ khai ấn, phát lộc. Đây cũng là lúc mọi thứ dịch vụ chung quanh đền Trần tăng lên gấp năm, gấp sáu lần bình thường. Khách sạn, nhà trọ tăng giá gấp đôi và luôn trong tình trạng hết phòng bởi người xin lộc, cầu tài quá nhiều.

Một người đến từ quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, xin lộc ở đền Trần, Nam Định chia sẻ: “Vào đó xin thì mình đưa tiền này, rồi người ta đưa ấn rồi mình mang vào cúng, khấn.”

Với người đi xin lộc, cố gắng chen vào bên trong đền, xin cho được tấm ấn, cúng tiền nghi lễ và sau đó đến gần bàn thờ Đức Thánh Trần để khấn vái cầu lộc, mang tờ ấn về nhà là một điều may lớn.

Ông Nam đến từ thành phố Hồ Chí Minh, khách xin lộc Đền Trần nói: “Tôi không để ý sự chen chúc, vất vả đâu. Miễn là xin được ấn.”

Các hoạt động như cầu khấn, xin keo bằng đồng tiền sấp ngửa do một người chủ lễ làm giúp và khách phải trả tiền công đức cho người chủ lễ, tùy lòng hảo tâm diễn ra khắp mọi nơi trong đền Trần.

Ông Hùng, một người dân Nam Định gắn liền với các lễ hội đền Trần, cho biết: “Theo tục truyền từ thời nhà Trần là vào tối 14 tháng Giêng, rạng sáng 15 tháng Giêng, vua phát ấn để các quan văn võ trong triều bắt đầu đi làm. Nhưng đó là tục truyền, còn thực tế như thế nào thì quá tầm của tôi. Cái này phải hỏi mấy bác bên văn hóa.”

Một chiếc ấn, nếu không thông qua những thủ tục như xin keo để biết các thánh đã chứng hay chưa, cúng tiền để mua lộc và dâng lễ để cầu lộc thì xem như chiếc ấn đó không có giá trị. Trung bình, để kiếm được một chiếc ấn, người ta có thể tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đầu tư vé máy bay, chỗ ở, cúng dường các Thánh, mua mâm lễ vật, thuê người vào giữ chỗ trong vị trí xếp hàng phòng khi sức khỏe kém hoặc có nhu cầu cá nhân để khỏi mất vị trí thứ tự… Nhưng đó là đối với người phương xa, họ đến lễ hội thông qua sự quảng bá của truyền thông. Ngược lại, đối với người dân địa phương thì câu chuyện lại khác!

Một tài xế taxi ở ngay thành phố Nam Định có tuổi thơ gắn liền với lễ hội đền Trần bộc bạch: “Trước đây đâu có đông, chỉ là lễ hội làng thôi mà. Bây giờ người ta thương mại hóa lên nó mới đông thế chứ.”

Dường như không riêng gì tài xế taxi này, mà với nhiều người dân nơi đây, ấn ở đền Trần không có ý nghĩa lớn lao cho việc làm ăn, cầu lộc như khách phương xa đã nghĩ.

Bà Hạnh, một người dân Nam Định gắn với đền Trần lâu năm, tiếp lời: “Tôi đi lễ thôi, không xin Ấn làm gì, chỉ là một tờ giấy thôi, có thêm cái dấu khắc chụp vào chứ có gì mà xin. Tôi chỉ đi lễ để đền ơn Đức Thánh Trần Hưng Đạo thôi. Tôi không xin ấn, thấy người ta chen chúc tôi thấy mệt thật.”

Người dân địa phuơng xem việc đi lễ đền Trần là đến viếng và thắp nhang cho Đức Thánh Trần Hưng Đạo, tưởng nhớ đến công ơn giữ yên bờ cõi của một vị danh tướng nhiều hơn là đi xin lộc, cầu tài.

“Mấy năm gần đây tôi không còn vào đó nữa. Bây giờ nó lộn xộn, không như ngày xưa nữa. Chưa nói vào đó bị mất cắp đủ thứ, lộn xộn lắm,” người tài xế taxi ở Nam Định thở dài ngao ngán.

Nhìn chung, tâm lý cầu tài, cầu lộc, xin ơn đức của các thánh để về làm ăn vẫn là động cơ mạnh nhất để khách thập phương kéo về Nam Định, đến viếng đền Trần. Và một khi đã đến đây, rất hiếm người ra về tay không. Việc chen chân dâng lễ và mang được ấn về nhà giống như thành quả sau một chuyến đầu tư về đất Thánh.

http://www.voatiengviet.com/a/le-va-loc-o-den-tran/3729918.html

 

Hà Nội đêm và người công nhân quét đường

Hà Nội đêm yên tĩnh, cái lạnh se sắt tháng Giêng của Hà Nội càng khiến cho thành phố trở nên tĩnh mịch một cách lạ thường, bù cho một ban ngày Hà Nội với chộn rộn xe cộ, ồn ào và náo nhiệt. Dường như Hà Nội đêm thuộc về thế giới của một tầng lớp khác, của giới lao động nghèo bươn chải kiếm sống, của những người công nhân quét đường với tiếng chổi tre chao chát mặt phố, với những giọt mồ hôi bù cho giá rét. Mỗi góc phố Hà Nội có một người công nhân quét đường, họ cặm cụi dọn mọi thứ rác rưởi ban ngày đã thải ra trên phố.

Chị Khánh, công nhân quét đường ở Hà Nội, cho biết: “Em làm từ 5 giờ chiều đến khoảng 2 giờ kém, 3 giờ sáng hôm sau.”

Thói quen xả rác bừa bãi, chưa bao giờ có khái niệm phân loại rác của nhiều người (đôi khi chai lọ, mảnh gương vỡ nằm chung với lá chuối, giấy và hoa) khiến công việc của những người lao động như chị Khánh trở nên nguy hiểm, nếu họ sơ xuất. Không thiếu những trường hợp những người công nhân quét đường bị các vật sắc nhọn gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Tuy công việc rất vất vả, làm trái giờ và có phần nguy hiểm như thế, nhưng mức lương của họ lại rất thấp. “Em làm nếu đủ công, đủ ngày trong tháng thì được khoảng tầm 5 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng nghe đâu sắp tới đây sẽ giảm lương nữa. Làm thế này chỉ đủ nuôi một đứa con thôi, đứa còn lại chồng phải nuôi,” chị Khánh nói.

Chị Liên, một người đồng nghiệp với chị Khánh, chia sẻ: “Chúng em làm từ 5 giờ 30 chiều đến 1 giờ 30 sáng, đủ 8 tiếng. Đồng lương của em nếu nói để trang trải cuộc sống hàng ngày thì không đủ, không thể đủ được, mình chỉ giúp một phần nhỏ cho chồng con thôi.”

Họ dường như không được hưởng tiền trợ cấp cho công việc độc hại trong khi đụng đến rác tại Việt Nam chẳng khác nào đụng đến thuốc độc, bởi bản thân mọi thứ thực phẩm hay đồ dùng đã mang độc từ trước khi bị đào thải thành rác. Và cách xử lý rác của các gia đình hầu như là mọi thứ đều cho vào túi rác, sọt rác và đưa ra đường. Đó là chưa nói đến các tai nạn thương tâm có thể xảy ra trong lúc họ đang miệt mài công việc trên đường bởi các thanh niên ngáo đá và say xỉn phóng xe như bay.

Chị Liên cho biết thêm: “Chúng em phải đóng tiền bảo hiểm theo bậc 4, từ người ăn lương từ bậc 1 đến bậc 5 đều phải đóng bảo hiểm theo bậc 4. Nhưng em ăn lương thì ăn lương bảo hiểm, phép hay thưởng đều phải ăn theo bậc 2. Tiền độc hại của nghề nghiệp đều được tính vào lương cả rồi.”

Mức lương vài triệu đồng, thức từ 11 giờ đêm cho đến 3-4 giờ sáng để làm việc, đời sống của những người lao động này thiếu trước hụt sau bởi họ đang sống ở nơi vật giá đắt đỏ nhất Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-dem-va-nguoi-cong-nhan-quet-duong/3729909.html

 

‘Doan Thi Huong’ bị Việt Nam lãng quên?

Tên của nữ nghi can mang giấy tờ Việt Nam, bị Malaysia bắt giữ vì bị nghi dính líu tới vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, hoàn toàn biến mất trên truyền thông trong nước cũng như thông cáo chính thức của Việt Nam.

Khó tìm thấy cái tên Doan Thi Huong trên các trang báo nhà nước, mà nó chỉ xuất hiện trong các bản tin của các cơ quan báo chí tiếng Việt ở hải ngoại cũng như trên các trang tin “lề trái”.

Trong một bài báo miêu tả hình ảnh của cô Doan Thi Huong mà báo chí nước ngoài nói là được ghi lại trên camera an ninh, trang web của Đài tiếng nói Việt Nam viết: “Hình ảnh ghi lại các đặc điểm của kẻ nghi là sát thủ này, theo đó nghi phạm là người trung niên và gốc châu Á. Trong hình ảnh này, người phụ nữ mặc chiếc áo với dòng chữ “LOL” to và một chiếc váy ngắn màu xanh. Tay trái cô ta để trên một chiếc cặp xách nhỏ”.

Còn trang Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam viết: “Hãng thông tấn Bernama ngày 15/2 đưa tin giới chức Malaysia đã bắt giữ một phụ nữ đến từ Myanmar trong cuộc điều tra về cái chết sáng 13/2 của ông Kim Jong-nam – anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”.

Luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook cá nhân hôm 16/2: “Lẽ ra, báo chí Việt có cơ hội câu view, hốt bạc khủng, nếu “được phép” đưa tin, tìm hiểu nghi phạm sát thủ có tên Doan Thi Huong, ở Nam Dinh, sinh 31/5/1988. Tìm hiểu sự thật về một vụ đại kỳ án thế giới, có thể liên quan công dân nước nhà, mà phải “được phép” thì buồn ơi là buồn!”

Hiện chưa rõ lý do vì sao nghi can mang giấy tờ Việt Nam không được đề cập đến trên báo chí trong nước.

Lẽ ra, báo chí Việt có cơ hội câu view, hốt bạc khủng, nếu “được phép” đưa tin, tìm hiểu nghi phạm sát thủ có tên Doan Thi Huong, ở Nam Dinh, sinh 31/5/1988. Tìm hiểu sự thật về một vụ đại kỳ án thế giới, có thể liên quan công dân nước nhà, mà phải “được phép” thì buồn ơi là buồn!

Luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý truyền thông trong nước, để phỏng vấn.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/2 cũng không thấy nhắc tên cô Doan Thi Huong, nữ nghi can sinh ngày 31 tháng Năm năm 1988 ở Nam Định, như theo thông cáo của cảnh sát Malaysia hôm 15/2.

Tuyên bố của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ nhắc tới cái tên “của công dân Triều Tiên Kim Chol”, trong khi chính quyền Malaysia và Hàn Quốc đã khẳng định rằng nạn nhân là ông Kim Jong Nam, anh trai của ông Kim Jong Un.

Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam trên Facebook có đăng lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam với tên nạn nhân là Kim Chol, nhưng lại đăng ảnh của ông Kim Jong Nam. Kim Chol được cho là tên trên giấy tờ giả mà ông Jong Nam mang theo người lúc bị ám sát.

Dường như khó hiểu về đoạn thông cáo, một Facebooker tên Quoc Vuong đặt câu hỏi trong phần bình luận: “Nhưng Việt Nam liên quan gì mà phải hợp tác nhỉ?????”, và được một người đọc khác tên Huong Vu trả lời: “Một nghi phạm nữ mang hộ chiếu Viêt Nam đã bi bắt”.

Hãng tin Reuters dẫn lời truyền thông Malaysia đưa tin rằng cô Doan Thi Huong đã nói với cảnh sát rằng cô bị lừa thực hiện điều mà cô ta nghĩ là một trò chơi khăm vô hại.

Một người phụ nữ thứ hai bị câu lưu, mang quốc tịch Indonesia, cũng nghĩ rằng cô tham gia vào trò chơi khăm cho một chương trình truyền hình.

Ngay sau khi cô Siti Aishah bị bắt, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã lên tiếng rằng cô chỉ là “nạn nhân bị lừa hoặc bị lôi kéo” tham gia vụ ám sát ông Kim Jong Nam, theo the Straits Times.

Ngoài ra, tờ báo của Singapore còn đưa tin rằng một nhóm bảo hộ công dân từ Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã tới Malaysia để xử lý vụ việc liên quan tới cô Aishah. Chưa rõ phía Việt Nam đã cử ai tới Kuala Lumpur để hỗ trợ người được cho là mang giấy tờ Việt Nam hay chưa.

Thông tin báo chí mới nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/2 là “phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 12/02/2017, Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo”.

Trong một diễn biến liên quan tới vụ ám sát ông Kim Jong Nam, cảnh sát Malaysia hôm 18/2 thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Bắc Hàn có liên quan tới vụ giết hại anh trai cùng tra khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un.

Nạn nhân bị tấn công trong tuần này tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi chuẩn bị đáp chuyến bay đi Macau, nơi ông sinh sống cùng người vợ hai dưới sự bảo vệ của Trung Quốc, trong một vụ được cho là đầu độc chớp nhoáng. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng ông Jong Nam đã bị các điệp viên Bắc Hàn ám sát.

Theo cảnh sát Malaysia, vụ bắt giữ mới nhất được thực hiện tối 17/2. Nghi can tên là Ri Jong Chol, 47 tuổi. Ông này có mang theo một thẻ nhận dạng dành cho công nhân nước ngoài ở Malaysia.

Cho tới nay, có bốn người bị bắt giữ trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Hai nữ nghi can, một công dân Indonesia và một người mang giấy tờ Việt Nam, cùng một người đàn ông Malaysia bị bắt trước đó. Reuters dẫn các nguồn tin chính phủ Malaysia cho biết rằng ít nhất 3 nghi can khác vẫn “cao chạy xa bay”.

http://www.voatiengviet.com/a/nghi-can-mang-giay-to-viet-trong-vu-am-sat-anh-trai-kim-jong-un/3730155.html

 

Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo

Nguyễn Vĩnh NguyênGửi cho BBC từ TP.HCM

Đứng từ bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM ngày nay nhìn sang bên kia sông Sài Gòn, vẫn còn có thể thấy tiền cảnh ngôi nhà thờ nhỏ xinh, có tháp chuông thấp và dãy nhà ngói cổ kính của Hội dòng Mến Thánh Giá gợi cảm giác yên bình. Nhưng kỳ thực, số phận của quần thể kiến trúc tôn giáo có tuổi đời một thế kỷ rưỡi này bị đe dọa từ khi đồ án xây dựng Thủ Thiêm được nhà chức trách phê duyệt.

Sẽ bị san bằng?

Những tuyến đường mới đã được ủi thông, những công trình mới được đổ móng trên khu vực bãi bồi Thủ Thiêm, vùng vệ tinh chiến lược của Sài Gòn, nơi mà lòng đất đầm lầy còn ôm trong mình nhiều di chỉ các xưởng đóng tàu thời nhà Nguyễn và phế tích cảng Bến Nghé, kiến trúc cảng thị cổ cư dân xóm Tàu Ô năm xưa.

Báo Thanh Niên thuật lại quá trình làm đường và xây móng của khu đô thị mới Thủ Thiêm theo kiểu coi rẻ di sản: “Hàng trăm các loại hình cọc gỗ, mảnh thuyền, trong đó đáng chú ý là hệ thống cọc gỗ có chiều dài 3-4 m, đường kính thân khoảng 40-50 cm được vót đầu nhọn mang dáng dấp của những cọc gỗ chiến trận Bạch Đằng hiện đang trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM. Đây có thể là những cọc gỗ được sử dụng trong các trận thủy chiến thời chúa Nguyễn đánh Chân Lạp và là chiến trận của Tây Sơn đánh nhau với Nguyễn Ánh – Gia Long. Hay những thân cây gỗ đường kính 50 cm, dài 5-6 m, trên một đầu có lỗ mộng đục hình chữ nhật như những cây cột cái của kiến trúc cổ, có dấu tích của những căn nhà cổ dọc bến sông, cùng với đó là nhiều dãy cọc gỗ đóng gia cố hệ thống bến xưa của Bến Nghé có cấu tạo theo hàng dọc chạy dài hàng chục mét cũng đã phát lộ”.

Và cũng để giải phóng mặt bằng, một cuộc quật mồ trên danh nghĩa “khảo cổ” rất chóng vánh đã diễn ra tại Lăng Thành Hoàng An Khánh, thuộc khuôn viên Đình An Khánh vào tháng 4-2014 do Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Khoa Giải phẫu – Trường đại học Y Dược TP.HCM tiến hành. Di cốt của một vị thành hoàng, mà giới chuyên môn cho rằng có thể đó là một vị tướng quân triều Nguyễn đã có công khai hoang lập ấp, trấn giữ những đồn lũy và xưởng tàu thời đầu thực dân dọc cánh tả sông Bến Nghé đã được quật lên, phân tích và báo cáo kết quả đúng thủ tục và quy trình.

Như đã nói, cuộc khảo cổ đình An Khánh thực ra chỉ là một hình thức ngụy trang cho việc quật mồ vị thành hoàng này mang đi hoàn táng nơi khác, nên diễn ra rất chóng vánh, vội vàng. Một vài thông tin khảo cổ được ném ra công luận thiếu trách nhiệm và sự tường tận, thuyết phục; nên không tránh khỏi sự bất kính đối với tiền nhân.

Lịch sử, hồ sơ khoa học của vị tiền nhân có công đức với vùng đất tiếp tục rơi vào bóng tối không âm không vọng cho những công trình hãnh tiến mọc lên.

Tiếp sau đó là vụ cưỡng chế chùa Liên Trì, dãy trường nam (của các cha cố tổ chức từ thời Pháp) bên cánh trái nhà thờ Thủ Thiêm đã diễn ra một cách vô cảm, bất chấp phản ứng của những tín đồ và các tu sĩ.

Đến nhà thờ Thủ Thiêm

Trước tết Nguyên Đán, những thánh lễ ở nhà thờ giáo xứ Thủ Thiêm vẫn diễn ra bình thường. Trong các thánh lễ, cha xứ cũng không nhắc đến chuyện số phận của ngôi nhà thờ này. Nhưng có một không khí âm ỉ lan rộng trong lòng giáo dân và các vị tu sĩ ở đây. Trước đó, trên Facebook lan truyền một thông điệp của Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM, đặt ra câu hỏi (nhưng cũng là trả lời): “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada?”. Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM nêu lập luận và truy vấn: “Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại quận 2, chính quyền TP Hồ Chí Minh có dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?”

Một lần nữa, sau vụ đại sứ quán Phần Lan lên tiếng bảo tồn một số hạng mục nội thất của Thương xá Tax, thì tổ chức ngoại giao nước ngoài đặt tại TP.HCM quyết liệt lên tiếng bảo vệ những di sản Sài Gòn xưa.

Nhưng trong một cơn lên đồng đập phá từ não trạng phát triển đầy bệnh hoạn thì những cuộc đấu tranh trên cùng sức ép dư luận, giới chuyên môn không làm thay đổi được gì. Thậm chí, đã có những vụ việc can thiệp di sản mà báo chí chính thống bị chỉ đạo lờ đi, không được nhắc đến.

Số phận những dãy nhà Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cùng ngôi nhà thờ đã là nhân chứng, biểu tượng một thế kỷ rưỡi về đời sống thanh bình ở một vùng dân cư bên sông, giáp với quận trung tâm Sài Gòn chưa biết sẽ về đâu. Nhìn cái cách di dời Lăng Thành Hoàng An Khánh, chùa Liên Trì hay khu trường nam không gớm tay, thì nhiều người cho rằng, chuyện san bằng một công trình kiến trúc tâm linh hơn một thế kỷ thì không khó tránh khỏi.

Đô thị vô hồn, nhân bản vô tính

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề muôn thuở, ở nhiều quốc gia, nhiều thành phố, không riêng gì Việt Nam. Nhưng sự khác nhau nằm ở chỗ trình độ xử lý và tầm nhìn phát triển, trang bị hiểu biết nhân văn của chính quyền, giới quy hoạch và giới đầu tư mỗi nơi mỗi khác. Ở đâu chính quyền, nhà quy hoạch và giới đầu tư hãnh tiến, trọc phú, thiển cận, lạm quyền và tư lợi thì ở đó mâu thuẫn trên trở nên gay gắt một mất một còn (và mất, bao giờ cũng là di sản, bởi di sản, nói cho cùng, không sinh ra nhiều tiền cho bằng các trung tâm thương mại hiện đại). Nhưng ở đâu có sự tiến hóa, văn minh trong phát triển đô thị nhân văn, tôn trọng tiếng nói công luận và giới chuyên gia thì không những hóa giải được sự mâu thuẫn kể trên, mà còn kiến tạo được không gian đô thị bền vững, theo nghĩa, vừa sinh ra sự sung túc vật chất, vừa đảm bảo giàu có về yếu tố tinh thần cho cư dân, cho sắc vóc đô thị tương lai.

Nói đâu xa, nhìn qua Phú Mỹ Hưng, một đô thị kiểu mẫu ra đời trước Thủ Thiêm khoảng 20 năm để thấy bài học của những đô thị nhân bản vô tính là gì. Trên đồ án quy hoạch, Phú Mỹ Hưng hiện đại như những khu đô thị thời toàn cầu hóa mà ta có thể gặp ở Singapore, Thượng Hải, Đài Loan… Nhưng, Phú Mỹ Hưng ngay từ đầu không quy hoạch không gian tôn giáo cho cư dân, nên trong gần 20 năm qua, cư dân ở đô thị kiểu mẫu này đã phải đến những vùng lân cận để lễ chùa, đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật. Lâu dần, giáo dân đông, nhưng không có điều kiện lập nên giáo xứ, những người công giáo đã tìm cách thiết lập một nhà nguyện nhỏ nằm trong một trường học mầm non (Mỹ Phước) để lễ lạc cuối tuần. Những người tín đồ Tin Lành Hàn Quốc sang đây sinh sống, làm việc cũng lấy văn phòng công ty làm nhà thờ để tập trung sinh hoạt tôn giáo tạm bợ. Sự mở mang nhiều không gian thương mại xa xỉ nhưng thiếu vắng không gian tâm linh khiến những cư dân tưởng đủ đầy sung túc trở nên nghèo nàn trong sinh hoạt tinh thần. Phú Mỹ Hưng đã tốn rất nhiều chi phí cho việc đầu tư phục dựng không gian sinh hoạt mang tính bản địa như chợ phiên, đường hoa xuân… để người dân gắn bó với hồn nơi chốn.

Từ đó cho thấy không phải là việc cứ bứng mô hình bất cứ một đô thị nhân bản vô tính rồi đặt vào đâu cũng được, mà cần có tầm nhìn sâu hơn về lịch sử, nhân văn, giá trị văn hóa bản địa.

Phú Mỹ Hưng lẽ ra là bài học để Thủ Thiêm rút kinh nghiệm trước khi quá muộn. Nhưng có vẻ như chính quyền, những nhà quy hoạch và giới đầu tư đô thị này đã không chịu thấy (cho dù việc rút kinh nghiệm ở Thủ Thiêm có vẻ như rất dễ dàng- những di tích như đình, nhà thờ có bề dày lịch sử đã sẵn, chỉ cần biết bảo tồn, không cần phải xây mới!).

Lạ lùng thay, bên cạnh ý định “giải phóng mặt bằng” các công trình di sản tôn giáo, văn hóa dân gian thì bản quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm cũng không có một công trình sinh hoạt tâm linh, tôn giáo nào cho cư dân cả.

Trở lại câu chuyện nhà thờ Thủ Thiêm và Hội dòng Mến Thánh Giá. Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì có tin chính quyền thông báo cho xe đến kéo đổ ngôi trường nữ bên cánh phải nhà thờ (trước 1975 có tên là trường Trung học thánh Anna; sau 1975 chính quyền mượn cơ sở xây dựng làm trường Tiểu học Thủ Thiêm) thuộc phần đất của Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Tiếng kèn ma quái lại rúc lên trên phần đất tôn nghiêm bên những đầm lầy, lau sậy và những building đang lên móng, hiện thực hóa những bản quy hoạch đô thị vô hồn và vô tri.

Nói thêm, nhà thờ Thủ Thiêm có khoảng trên 2.000 phần tro cốt của giáo dân nhiều đời. Cuối năm rồi, khi hay tin nhà thờ sẽ bị giải tỏa, nhiều Việt kiều đã về nước xin rước di cốt người thân mang đi nơi khác, số còn lại chưa biết sẽ ra sao. Người sống phấp phỏng cùng người đã khuất.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, là người đang sống ở TP.HCM.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-39014769

 

Giáo dân Song Ngọc và lời khuyên vụ Formosa

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Cuộc xuống đường đòi công lý của ngư dân và giáo dân Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An vào trung tuần tháng 2/2017 dường như tiếp tục cho thấy người dân vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng về cách thức nhà nước xử lý vụ thảm họa môi trường do doanh nghiệp thép Formosa của Đài Loan gây ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam làm thủy, hải sản chết bất thường và hàng loạt.

Hôm 14/2, hàng trăm người dân ở Song Ngọc, dưới sự dẫn dắt của Linh mục Nguyễn Đình Thục, chủ quán giáo xứ Song Ngọc, đã đi đường bộ hàng chục km từ Nghệ An tới huyện Kỳ Anh ở tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa ra Tòa án địa phương.

Lời khuyên của tôi mà có thể ngắn nhất, gọn nhất dành cho nhà cầm quyền Việt Nam thì tôi muốn dành cho họ một lời khuyên là: Hãy trở về với nhân dân!Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh

Vụ Giáo dân Song Ngọc: ‘Báo Nghệ An giật tít chụp mũ?’

Nghệ An: Tuần hành ‘hàng trăm người’ đi kiện Formosa

‘Nỗi buồn sông Gianh’ và Formosa

Biểu tình phản đối Formosa tại Hà Tĩnh

Biểu tình Formosa: ‘Bước tiến’ của xã hội dân sự?

Tuy nhiên, cuộc đi bộ đòi công lý đã bị chính quyền và các lực lượng an ninh địa phương ở tỉnh Nghệ An can thiệp và ngăn chặn ‘quyết liệt’, theo phản ánh của truyền thông quốc tế và mạng xã hội, trong khi người dẫn đầu cuộc xuống đường này đã bị báo chí và một số cơ quan truyền thông nhà nước ở trung ương và địa phương cáo buộc ‘xúi giục’ người dân, giáo dân làm sai pháp luật và ‘gây rối’.

Vụ Formosa: Linh mục Song Ngọc ‘không tư lợi’

Hôm 16/2, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ về sự kiện giáo dân Song Ngọc đòi kiện đi đòi kiện, ông Navin Singh Khadka nhà báo của BBC World Service chuyên về môi trường, sinh thái, đề cập các kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết thảm họa môi trường và xung đột trong quan hệ tay ba giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, cư dân địa phương.

Phải bắt đầu bằng việc Tòa án huyện Kỳ Anh có những tổ chức rất đàng hoàng, có những chuyên gia đi xuống hướng dẫn nhân dân viết đơn đúng, sau đó tiến hành ra một bản án đúng, phải đền bù một cách đầy đủ trên căn cứ pháp luậtLuật sư Lê Quốc Quân

Theo nhà báo này, giải quyết trên tinh thần lắng nghe người dân, để cho họ có ý kiến và được tham vấn từ đầu trong mọi dự án đầu tư, phát triển, hay công nghiệp và lắng nghe họ khi các sự cố, xung đột môi trường xảy ra là một trong các tinh thần chính của chiến lược Phát triển Bền vững Toàn cầu do Liên Hợp Quốc đặt ra cho các quốc gia thành viên hiện nay, tiếp sau khi chương trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vừa được tổng kết năm 2015.

‘Để cho thấu tình đạt lý’

Với các khách mời còn lại của chương trình, khi được đề nghị có một lời khuyên, tư vấn cho chính quyền và các bên liên quan để giải quyết thấu tình đạt lý nhất hậu quả của vụ thảm họa môi trường do doanh nghiệp thép của Đài Loan, Formosa, gây ra cho bốn tỉnh ở duyên hải miền trung Việt Nam và một số tỉnh, địa phương giáp ranh khác, các ý kiến tại bàn tròn chia sẻ:

“Lời khuyên của tôi mà có thể ngắn nhất, gọn nhất dành cho nhà cầm quyền Việt Nam thì tôi muốn dành cho họ một lời khuyên là: Hãy trở về với nhân dân! Hãy trả lại cho nhân dân những gì ‘đã bị cướp đi’, blogger, nhà báo độc lập J.B. Nguyễn Hữu Vinh, ngưới có mặt ở Nghệ An từ hôm 14/2 nêu quan điểm riêng.

“Còn lời khuyên cho người dân Việt Nam là: Hãy giành lấy những gì của mình bởi vì tự do không bao giờ được cho không!”

Giáo dân Nghệ An đi kiện: ‘Đừng coi thường người dân’

Luật sư Lê Quốc Quân từ Hà Nội đưa ra lời khuyên:

“Tôi nghĩ phải bắt đầu bằng việc Tòa án huyện Kỳ Anh có những tổ chức rất đàng hoàng, có những chuyên gia đi xuống hướng dẫn nhân dân viết đơn đúng, sau đó tiến hành ra một bản án đúng, phải đền bù một cách đầy đủ trên căn cứ pháp luật, còn 500 triệu đô-la kia là 500 triệu để đó.

Tôi chỉ có một ý kiến này là hãy biết lắng nghe ý kiến của người dân, hãy biết tôn trọng quyền lợi của người dân, hãy biết bảo vệ quyền lời của người dân, và hãy học cách đối thoại với người dânNhà báo Trần Tiến Đức

“Tất nhiên là điều rất khó nhưng phải bắt đầu bằng pháp luật, như vậy thì nó mới đúng trình tự và nó mới chuẩn mực được cho một xã hội và một quốc gia và điều đó (thì chúng ta biết) là một dạng ‘Đội đá vá trời’, nhưng mà cũng phải bắt đầu bằng như thế nó mới chống lên được.”

Cũng từ Hà Nội, hôm 16/2, nhà báo, nhà quan sát xã hội dân sự Trần Tiến Đức, đưa ra lời tư vấn, ông nói:

“Tôi chỉ có một ý kiến này là hãy biết lắng nghe ý kiến của người dân, hãy biết tôn trọng quyền lợi của người dân, hãy biết bảo vệ quyền lợi của người dân, và hãy học cách đối thoại với người dân.”

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn bộ nội dung Bàn tròn Thứ Năm của BBC về sự kiện ‘Giáo dân Song Ngọc đòi kiện doanh nghiệp Formosa’.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39015034

 

Tàu hải quân Singapore cập cảng Cam Ranh

Tàu hải quân Singapore RSS Endurance cùng 180 thủy thủ vừa cập cảng Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 17 tháng 2 bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài 5 ngày.

Đây là chuyến thăm cảng quốc tế Cam Ranh lần thứ hai của tàu hải quân Singapore kể từ khi cảng này chính thức khai trương vào tháng 3 năm ngoái.

Báo chí Việt Nam đưa tin, chuyến thăm lần này là một hoạt động cụ thể triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng hai nước thời gian qua, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước.

Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8 năm 1973. Quan hệ giữa hai nước được nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2013.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/sing-naval-ship-visit-cam-ranh-bay-02172017122413.html

 

Giáo dân hay Công an gây bạo động: Đâu là sự thật?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Hôm 15 vừa qua, chính quyền tỉnh Nghệ An, qua báo đảng địa phương, đề nghị các cơ quan truyền thông cũng như báo chí đưa tin một cách trung thực và kịp thời về cuộc biểu tình khiếu kiện Formosa của bà con Giáo xứ Song Ngọc mà đã dẫn đến náo loạn và xô xát do thái độ quá khích từ những người đi khiếu kiện.

Ngoài yêu cầu loan tin trung thực và kịp thời để dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật, chính quyền địa phương Nghệ An còn loan báo sẽ kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật gây ra vụ việc phức tạp trong ngày 14 tháng Hai.

Đó là tin đăng trên báo Nghệ An chiều 15 tháng Hai, nói về vụ tập trung đi nộp đơn kiện công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung khiến dân phải gánh chịu và đến giờ vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng.

Cha Thục đã kêu gọi bà con ngồi xuống đấu tranh ôn hòa thì làm gì có chuyện con chiên mà không nghe linh mục.

– Ông Chung

Báo Nghệ An, kênh thông tin chính thức của tỉnh, viết rằng dưới sự chỉ đạo của linh mục Nguyễn Đình Thục, sáng 14 tháng Hai khoảng 500 giáo dân đã tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc rồi kéo vào Hà Tĩnh. Khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đoàn biểu tình đã  không chấp hành lệnh giữ trật tự của cảnh sát giao thông mà còn cản trở và  gây ách tắc. Khi đó lãnh đạo tỉnh đề nghị đoàn biểu tình vào bãi đất trống bên đường để làm việc và đối thoại nhưng linh mục Nguyễn Đình Thục lại chỉ đạo bà con dừng xe giữa Quốc lộ 1A.

Nhiều người biểu tình không chịu xuống xe nên để giải quyết ách tắc công an buộc lòng phải cho câu xe. Một số giáo dân quá khích, báo Nghệ An viết tiếp, đã cố tình chống lại khiến xô xát xảy ra giữa dân với lực lượng công an. Lợi dụng tình cảnh hỗn loạn đó, linh mục Nguyễn Đình Thục liền gọi điện thoại thông báo là công an đánh ông bị thương.

Buổi chiều cùng ngày viên chức địa phương gồm bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc công an tỉnh cùng một số linh mục đến hiện trường, yêu cầu không nên có hành động quá khích và đề nghị linh mục Nguyễn Đình Thục  chỉ đạo giáo dân quay về nhà. Tuy nhiên sau đó một số đối tượng phản động lại xúi dục giáo dân kéo lên Quốc lộ 1A để ném đá vào cảnh sát công an khiến 16 cán bộ bị thương, trong đó có cả giám đốc công an tỉnh Nghệ An.

Đó là thông tin chính thức về cuộc biểu tình khiếu kiện Formosa của giáo dân  Giáo xứ Song Ngọc, được báo Nghệ An tường thuật lại.

Nhận định của người dân

Ông Bảo, một cư dân Nghệ An, không trực tiếp đi biểu tình nhưng đã chứng kiến vụ việc trên Quốc lộ 1A, nhận định chuyện dân đi biểu tình thì không có gì sai nhưng vì chính quyền  nghĩ là dân bị linh mục kích động nên mới có chuyện:

Đi biểu tình là đúng thôi, người đi bộ người đi xe, kéo đoàn kéo lũ đi biểu tình gây ách tắc cái này cũng có chớ không phải không. Riêng báo chí thì không báo nào lên cả, chỉ có báo Nghệ An tức là báo đảng và báo của công an trực thuộc tỉnh ủy Nghệ An là lên tiếng nhiều nhất, còn tôi thấy không có báo nào lên cả.

Còn nữa, công an coi như có ý đồ là động chạm một cái có thể đánh lại. Công an đánh dân thì dân họ đánh lại cũng đúng thôi, cái này là có cả, trong các clip là có cả chứ không phải không đâu.

Mọi chi tiết trên Báo Nghệ An đều không đúng với sự thật  là khẳng định của một giáo dân Quỳnh Lưu, có mặt cùng đoàn biểu tình ngày 14:

Báo Nghệ An nói như vậy là vu khống. Thực tế những giáo dân mang đơn đi kiện cùng với cha Thục thì rất ôn hòa bởi họ nghe lệnh của cha, họ không chủ tâm để mà xô xát hay là đánh nhau. Trên đường đi thì công an và bên lãnh đạo của tỉnh lúc đầu họ yêu cầu cha Thục là làm việc ngay trên Quốc lộ nhưng cha Thục nghĩ là sẽ ách tắc. Thế thì họ đề nghị vào một bãi đất trống để làm việc và cha Thục cho bà con vào đó nhưng rất tiếc ở đó đã bị bao vây. Lực lượng mà  ném đá thì thực sự chúng tôi không biết họ là ai, cũng không xác minh được họ là công an giả danh đánh người hay không. Việc công an bị thương thực sự cũng không ai biết, bởi vì trong lúc hỗn loạn như vậy không ai biết những người đó có phải là công an bị đánh trọng thương hay không.

Phía giáo dân thì có một số bị đánh thậm tệ, công an sử dụng lưu đạn hơi cay bắn tung hỏa mù lên, khoảng 15 người gì đó là bị thương nặng, sự thật nó là như vậy.

Biểu tình ôn hòa

Lựu đạn cay và dùi cui để dẹp biểu tình là 2 chi tiết hoàn toàn không được báo Nghệ An nhắc tới trong bản tin ngày 15. Ông Chung, từ Yên Thành sang Quỳnh Lưu tham gia cuộc biểu tình ngày 14, cho biết:

Bà con đi bộ và đi bằng xe máy, rất tuân thủ giao thông chứ không làm ách tắc giao thông được. Thậm chí khi thấy chính quyền tấn công thì linh mục đã hô “ai là con chiên của Giáo xứ Song Ngọc thì ngồi xuống, tất cả ngồi xuống”. Ý cha làm như thế để tránh xô xát, chứng tỏ là biểu tình với một tính cách ôn hòa chứ không phải đi gây gổ .

Được hỏi người biểu tình có manh động và có ném đá vào những người thi hành công vụ hay không, ông Chung quả quyết:

Công an đánh dân thì dân họ đánh lại cũng đúng thôi, cái này là có cả, trong các clip là có cả chứ không phải không đâu.

  – Ông Bảo

Làm gì có người dân mà dám vác gạch để xáng công an này khác, cha Thục đã kêu gọi bà con ngồi xuống đấu tranh ôn hòa thì làm gì có chuyện con chiên mà không nghe linh mục. Nói thật không ai dám lấy trứng chọi đá được, bởi vì người dân, đặc biệt trên truyền hình thấy toàn ông bà già, lực lượng thanh niên thì không có, còn rõ ràng là công an dùng lựu đạn dùng dùi cui, đặc biệt còn có công an cải trang trà trộn vào trong dân.

Ở Việt Nam bây giờ đang xảy ra hiện tượng là cử công an mật, công an không mặc sắc phục  trà trộn vào dân gây rối loạn trong dân. Thậm chí công an mật còn đánh lại công an để có cơ hội cho chính quyền nhảy vô đập đánh nhân dân, dùng bạo lực để giải tán biểu tình. Rất  nhiều người bị đánh, người bị  đánh gãy tay người  bị đánh tét đầu, thâm chí có một anh mất một chân, còn có một chân mà vẫn bị  đánh bị thương tích.

Về tin 16 cán bộ công an bị thương  khi xô xát, trong đó có giám đốc công an Nghệ An như báo Nghệ An loan đi, đường dây viễn liên của RFA được nối về giám đốc công an Nguyễn Hữu Cầu để hỏi chuyện nhưng rất tiếc bên kia không bắt máy.

Chúng tôi không còn cách nào khác để kiểm chứng đúng sai khi cấp thẩm quyền tỉnh Nghệ An không hợp tác để trả lời về cuộc biểu tình của  giáo dân Song Ngọc ngày 14 tháng Hai vừa qua.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/riot-in-nghe-an-violent-attempt-agst-local-authority-tt-02172017134103.html