Trần Khải – Nan đề đất nước
14/02/2017
Như thế là đã vào thế kỷ 21… nhưng đất nước vẫn là những gì của thế kỷ 20. Từ hình ảnh xã hội chủ nghĩa Ba Đình cho tới những cảnh đời gian nan, từ sông Cửu Long cạn dòng cho tới mưa dâng ngập các thành phố, và rồi người dân rủ nhau tìm đường ra đi.
Chuyện nhỏ nhất hàng ngày cũng gợi lên suy nghĩ: “đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ”… Đó là nan đề ở Hà Nội. Quan lớn tột đỉnh cũng biết người dân gian nan như thế, nhưng đành bó tay. Thế là quan Thủ Tướng bèn trách cứ cán bộ thành phố Hà Nội.
Báo Giáo Dục VN ghi lời ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn nạn ùn tắc tại Hà Nội: “Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân”.
Sáng 16/1, tại trụ sở Chính phủ, ông Phúc bàn với lãnh đạo TP. Hà Nội và các bộ ngành về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn, và nhận định những ngày gần đây, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, “đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ… Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân.”
Đó là chuyện thấy trước mắt, còn chưa gỡ được, huống gì chuyện không thấy trước mắt, chỉ nằm ẩn trong các sổ sách kế toán phức tạp.
Bản tin VOA ngày 7/2/2017 nêu câu hỏi làm nhan đề: Vỡ quỹ hưu đe dọa đến chế độ?
Bản tin dẫn ra rằng báo chí Việt Nam hôm 6/2 đưa tin Kiểm toán Nhà nước mới đây đã hoàn thành việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.
Cơ quan kiểm toán cho hay trong vòng 30 năm nữa, nhiều quỹ của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sẽ bị âm nghiêm trọng. Một chuyên gia kinh tế nói nếu vỡ quỹ lương hưu, điều này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản.
Theo dự báo được báo chí trong nước dẫn lại từ Kiểm toán Nhà nước, vào năm 2031, Quỹ hưu trí-tử tuất có thể bắt đầu rơi vào tình trạng chi nhiều hơn thu, với số chênh lệch là 35.962 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2031 quỹ vẫn có số dư là 3.848.676 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu chênh lệch thu chi vẫn tiếp tục với cán cân nghiêng về phần chi, đến năm 2047 quỹ hưu bắt đầu mất cân đối và số dư quỹ sẽ là âm 625.540 tỷ đồng.
Bản tin VOA nói rằng không lâu đâu, vì từ năm 2017 đã thấy lủng rồi, dẫn theo Kiểm toán Nhà nước:
“…Quỹ ốm đau-thai sản được dự báo đến năm 2025 chênh lệch thu chi quỹ bắt đầu âm 1.421 tỷ đồng. Sau 10 năm, vào năm 2035, quỹ bắt đầu mất cân đối, số dư quỹ sẽ là âm 24.011 tỷ đồng.
Về Quỹ Bảo hiểm Y tế, số liệu của nửa đầu năm 2016 cho thấy số chi đã vượt quỹ khám chữa bệnh 3.404 tỷ đồng. Với tốc độ chi như vậy, từ năm 2017, Quỹ Bảo hiểm Y tế bắt đầu bội chi hàng năm và phải dùng quỹ dự phòng để bù đắp.
Dự báo đối với năm 2017 là quỹ dự phòng phải bù 14.464 tỷ đồng, năm 2018 phải bù 16.736 tỷ đồng, năm 2019 phải bù 18.354 tỷ đồng. Cuối năm 2019, quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.
Theo con số của cơ quan BHXH, ước tính đến hết tháng 6/2016, có hơn 12,5 triệu người tham gia BHXH.”(ngưng trích)
Tuy nhiên, chưa cần vỡ quỹ hưu, chế độ cũng đang rạn vỡ dần ra.
VOA ghi lơi Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, rằng:
“Tôi nghĩ rằng chưa cần đến lúc nó vỡ quỹ, có thể là chế độ đã sụp đổ từ lâu rồi. Chỉ cần một lượng mấy trăm ngàn người [mất lương hưu] thôi thì đã có thể bục ra sự xáo động xã hội. Chuyện đấy chưa cần phải đến cái lúc hoàn toàn vỡ quỹ cho đến 2047”.
Trong khi đó, sông Cửu Long đang cạn dòng.
Bản tin RFA ghi về nan đề: Đồng bằng sông Cửu Long với những khó khăn trước mắt…
Sau nhiều thập niên trù phú với các sản vật được thiên nhiên ưu đãi như lúa, cây ăn trái và động vật hoang dã thân thiện với con người, giờ đây người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với biến đổi khí hậu, Mekong cạn dòng cũng như canh tác khó khăn hơn bởi ngập mặn và thiếu nước.
Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 40 ngàn cây số vuông, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế hết sức quan trọng của đất nước. Sản lượng lúa chiếm hơn 50% sản lượng thủy sản chiếm 65% và 70% sản lượng cây ăn trái trên cả nước.
RFA ghi nhận:
“…Thiếu nước là một vết dao khác cắt sâu vào da thịt đồng bằng sông Cửu Long khi vào mùa khô hầu như cả vùng không có mưa, nguồn nước quan trọng nhất vẫn từ con sông Mekong và ngay cả vần đề của con sông này cũng đã và đang làm cho người dân các tỉnh miền Tây băn khoăn vì không biết khi nào thì nó không còn là của mình nữa.
Con sông không chỉ riêng của Việt Nam mà nó chia sẻ với 5 nước từ thượng nguồn cho tới Việt Nam là chót sổ. Chẳng may cho Việt Nam cả 5 nước đều trông cậy vào nguồn nước của Mekong vì mục đích sản xuất lúa nước. Trong thời gian tới, thủy điện và phát triển cây lúa sẽ vắt dần đến cạn kiệt nguồn nước Mekong và người dân Đồng bằng công Cửu Long sẽ là nạn nhân chung cuộc.
Theo dự báo trong những năm tới, do biến đổi khí hậu nên mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Nước thượng nguồn Mekong về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng để đẩy mặn, do đó nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa càng làm cho bài toán ngập mặn lâm vào thế bí hơn.
Vì vậy, cuộc sống trù phú, ổn định và đáng mơ ước của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang lâm vào bước ngoặc của thử thách. Thử thách từ biến đổi khí hậu đến từ biển, cho tới các nước lân cận từ thượng nguồn sông Mekong lẫn thử thách do chính cư dân của nó trong các kế hoạch không hoàn chỉnh thúc đẩy sự phát triển bền vững.”
Tình hình cạn dòng Cửu Long đã báo nguy từ nhiều năm nay: Hạn hán, nước mặn xâm nhập hại lúa…
Nhưng hiểm họa lớn nhất lại từ đàn anh Trung Quốc.
Báo Dân Trí trong một bản tin cuối tháng 11/2016 ghi lời chuyên gia Phạm Chi Lan: Vốn Trung Quốc đang tạo gánh nặng nợ phát sinh lớn.
Bản tin ghi lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay: Vay vốn của Trung Quốc hiện đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn từ đội vốn, tham nhũng và thất thoát tài nguyên, phá vỡ quy hoạch phát triển.
Bà Lan cho hay, trong vấn đề vay vốn Trung Quốc thời gian qua cho Việt Nam nhiều bài học, đặc biệt là gánh nợ phát sinh lớn hơn nhiều so với gánh nợ ban đầu. Ví dụ, dự án đường sắt Hà Đông – Cát Linh lúc đầu có vốn đầu tư chỉ 300 triệu USD vốn vay Trung Quốc, nhưng hiện nay, sau nhiều lần xin điều chỉnh vốn vay, tổng vốn phát sinh đã lên 900 triệu USD, tăng gấp 3 lần số vốn vay ban đầu, nợ phải trả từ đó tăng thêm.
Chuyên gia họ Phạm nhận định:
“Trung Quốc đang có nhiều khủng hoảng trong nội tại nền kinh tế, mâu thuẫn giữa phát triển nhanh – thần tốc và vấn đề bền vững từ môi trường. Nhiều ngành nghề của họ, công nghệ phát thải ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng và hiện nay họ cắt dần, rút bớt các nhà máy này đi. Đường đi của các máy móc, thiết bị này chính là thông qua các gói viện trợ, vốn vay ODA hay đầu tư FDI… Điều này Việt Nam thấy rất rõ từ xi măng, nhiệt điện đến sắt thép hiện nay. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược chuyển khủng hoảng, chuyển lạm phát ra nước ngoài, đây là nguy cơ đặc biệt lớn cho các nước nhận vốn nếu không cảnh giác…
“Trung Quốc đang thực hiện vai trò, vị thế một cường quốc kinh tế với vai trò cho vay, đi đầu tư. Dòng vốn của Trung Quốc hiện nay rất lớn, bởi họ có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, sẵn sàng cho vay dễ dàng mà không ràng buộc về chống tham nhũng, môi trường và an sinh. Chính vì vậy, tại nhiều nước Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và ngay cả Việt Nam, dự án của các nhà đầu tư, vốn Trung Quốc đi đến đâu, phát thải ô nhiễm, phát sinh vấn đề tư túi, tham nhũng đến đó. Tại Venuezuela, Chile, khi dòng vốn vay không thể trả nợ, các nước này đã phải trả nợ bằng dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản khác.”
Câu trả lời đơn giản: Nhà nước phải thay đổi, Chế độ Độc đảng phải chuyển mình thành Đa đảng, nới tiếng nói mọi thành phần đều có quyền được nói chính kiến, được nghe ý kiến, được tin cậy và được thi hành những góp ý. Không có cách nào khác.