Bức Hình Ngày 27 Tháng Tư Năm 1975 Ở Paris – Phan Văn Song
Bức hình nầy tôi nhận từ ngày hôm qua, do e:mail của một người em ở Việt Nam. Vài giờ sau đó các bạn ở Paris cũng đã gởi đến tôi. Bức hình tầm thường đen trắng được scan từ một tờ báo cũ, có lẽ tờ Figaro, vì tờ Le Monde, những năm tháng ấy, tuy nổi danh là một tờ báo đúng đắn vẫn còn thiên Công sản Việt Nam và vẫn hằng ngày đăng tin bóp méo.
Cám ơn anh bạn cựu sanh viên Paris vào những ngày cuối cùng của tháng tư năm 75, đã giữ bình tỉnh cắt giữ bức hình nầy, và nay đã gởi đi chia xẻ với chúng ta. Cám ơn các bạn cựu sanh viên Paris và ở Pháp đã tập họp và đã tổ chức cuộc biểu tình nầy. Tôi xin nhường lời cho bạn Hưng Việt:
« Bức hình trông rất rõ ràng. Rõ từng hàng chữ trắng và to trên biểu ngữ màu đen “HONNEUR À NOS SOLDATS MORTS POUR LA LIBERTE’”, và “ GRANDE JOURNÉE DE DEUIL”. Rõ ràng từng nét mặt của từng thanh niên, nam nữ trong đoàn biểu tình hôm đó. ».
Bức hình ám ảnh tôi suốt cả ngày. Cũng trong ngày ấy qua trang Việt Thức, Tiến Sĩ Lưu Nguyễn Đạt gởi cho tôi bài viết của một cựu sanh viên Tân Tây Lan, anh Hưng Việt, hiện cư ngụ tại Brisbane (Úc châu) cũng kể lại không khí của những ngày trước khi mất nước ở quê người. Tôi tự nhủ, mình lúc ấy đã ở Sài gòn, tâm sự lo lắng là tâm sự lo lắng của người dân Sài gòn, mình có những xúc động vì bức hình nầy nó gợi cho chúng ta những hình quen thuộc với quá khứ những ngày sống bên Pháp, những giòng chữ quen thuộc, những trang phục quen thuộc, quần, áo, cái áo len quấn cổ, và tôi định không viết bài nầy, vì cảm thấy bằng thừa. Nhưng càng nhìn tấm hình, càng nhìn các bạn đang đi biểu tình lúc bấy giờ, trong cái Paris « hậu 68 -post soixant huitard », tôi càng hảnh diện và bái phục quý bạn. Cái hảnh diện của những người đang tham dự một cuộc biểu tình phái « hữu », chỉ có dân Pháp lúc bấy giờ mới hiểu rõ.
Nước Pháp là một nước thiên tả, ngay bây giờ, năm 2014, với một Đảng phái tả, Đảng Xã hội – Parti Socialiste cầm quyền, tuy trên đà thất bại, nhưng tựu chung, tinh thần dân chúng Pháp, báo chí pháp vẫn còn thiên tả, bằng chứng là các Nghiệp đoàn lao đông và đặc biệt Công đoàn Công nhơn – CGT ( Confédération Générale des Travailleurs) vẫn tiếp tục hoành hành và làm cản trở, trì trệ phát triển nền kinh tế nước Pháp. Tôi thường nói đùa với các bạn người Pháp, « nước Pháp là một nước Sô-Viết thành công – La France c’est une République soviétique qui a réussi », Vào khoảng thời gian ấy, ở Pháp và đặc biệt ở Paris, biểu tình là độc quyền của phái tả. Đảng Cộng sản Pháp rất mạnh, ( những năm 1970 -1980) các nghiệp đoàn công nhơn và các hội đoàn sanh viên đều thiên tả. Vào thời chúng tôi ở Pháp, chúng tôi chỉ có hoặc đánh nhau với bọn sanh viên thiên tả, hoặc tránh đi làm ngơ, né, đổi lề đường-changer de trottoir. Ngày Tết, bọn Việt kiều Yêu nước tổ chức lễ Tết riêng, ở nhà hát của Đảng Cộng sản Pháp Maubert Mutualité, mời Đảng Cộng sản tây, xôm tụ, ồn ào. Sanh viên quốc gia phe ta tổ chức lễ Tết riêng, với Toà Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, gia đình hơn, ấm cúng hơn.
Thế hệ chúng tôi, tôi muốn nói đến thế hệ tốt nghiệp Tiến sĩ, Bác sĩ khoảng những năm 68/70, chúng tôi hèn hơn, né tránh hơn, cố sống yên thân hơn. Một phần cũng do thái độ trùm chăn của Toà Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, không khuyến khích sanh viên nắm rõ tình hình đất nước, sống xa sanh viên, quan liêu, hách dịch.. hà hiếp [cf: câu chuyện anh Lê Tấn Lộc, Canada, kể lúc còn sanh viên tại Paris tiếp Bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và anh đã bị cô ái nữ « quan Đại sứ » từ chối ra sàn khiêu vũ bằng tiếng Pháp (sic))]… Thế hệ các đàn em đi qua sau chúng tôi, anh hùng hơn vì đã được huấn luyện rõ ràng, có lẽ cũng được giải tỏa phần nào về huyền thoại cách mạng hay giải phóng của cái gọi là Quân Đội Nhơn dân hay Quân đội Giải phóng mà giết người như những tên đạo tặc qua Thảm sát Tết Mậu Thân, qua Đại Lộ Kinh Hoàng, qua cuộc Pháo kích bừa bãi tháng Năm vào Sài Gòn của suốt năm 1968, thế hệ đàn em chúng tôi lúc ấy cũng được nhìn thấy hình ảnh anh hùng của các Quân, Cán Chánh Việt Nam Cộng Hòa anh dũng đẩy lui được cuộc tổng tiến công của Mùa Hè Đỏ lữa năm 1972, thế hệ đàn em chúng tôi được trở về thăm quê hương khói lữa và thấy rõ, chia sẻ với các chiến sĩ cái hằng ngày đầy gian nan của những người con đất nước đang bảo vệ non sông để giữ hòa bình và tạo điều kiện cho những đứa con khác có điều kiện xây dựng đất nước, do Bộ Dân Vận tổ chức. Thế hệ ấy là thế hệ của anh hùng Trần Văn Bá.
Tôi vinh danh những sanh viên của thế hệ sau thế hệ chúng tôi đã trong thời gian du học ấy, vẫn chia sẻ với chúng tôi những người con Việt đang sống và phục vụ trong đất nước, đang từ giờ từng phút giành từng tấc đất với quân thù. Tôi vinh danh và tôi hảnh diện khi nhìn thấy bức hình những người của thế hệ anh hùng Trần Văn Bá. Trong hình tôi không nhìn thấy Bá (xin phép gọi là Bá vì Trần Văn Bá học cùng lớp với em tôi ở Lycée Yersin Dalat), nhưng tôi chắc chắn là có Bá tham dự. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, cũng như trước ngày ấy, Trần Văn Bá cũng vẫn tiếp tục trương cờ vàng ba sọc đỏ giữa Paris, mặc dù cả Paris đang chào đón Việt Nam giải phóng, hay Sài Gòn giải phóng. Trần Văn Bá và các anh em Tổng Hội Sanh Viên Paris vẫn giữ vững lá cờ vàng, vẫn giữ vững tinh thần Việt Nam Tự Do Bất diệt.
Tôi càng nguởng mộ các anh chị em trong bức hình vì cá nhơn chúng tôi và bạn bè thế hệ chúng tôi đã có những đêm mất ngủ lo lắng vào dịp Tết Mậu Thân. Không tin tức gia đinh…. radio, truyền hình Pháp chỉ ca tụng chiến thắng của Việt Cộng. Huế điêu tàn, Sài Còn đổ nát, cha tôi quân đội, em tôi nhà binh, đại gia đình ngoài Huế, quê hương đại gia đình nội ngoại của cá nhơn tôi, hơn phân nửa là quân nhơn, hơn phân nửa ở trong thành nội, … Mất ngủ, lo lắng trông chờ trong khi các sanh viên Việt Nam gặp ngoài quán cơm sanh viên đều Việt Cộng « hồ hởi – phấn khởi- vui mừng chiến thắng » và đọc cho mình nghe lời chúc Tết của Hồ « chủ tịch ». Và chúng tôi không dám biểu tình, hay phát biểu gì cả.
Và Hưng Việt kể nổi khổ tâm « Nhưng bực bội nhứt là mỗi đêm phải nghe những tiếng rè rè từ máy phát thanh của đám “phản thùng” ở căn flat kế bên. Chúng cố gắng bắt các đài Hà Nội, đài Bắc Kinh trên các làn sóng ngắn để nghe “những bản tin chiến thắng” (sic !) và cố tình vặn âm thanh thật lớn để lọt vào tai chúng tôi. Hơn một lần, đã suýt có ẩu đả xảy ra cũng vì chuyện này. »
Nhưng rồi ngày ngày qua, chiến thắng trở thành chiến bại, nhưng Huế vẫn điêu tàn, bà con vẫn biệt tâm. Sài Gòn, may qua nhờ nhà giây thép, vẫn cho nhận télégramme hỏa tốc , nhờ vậy biết được gia đình vẫn bằng yên. Các bạn thời nay chắc quên cái télégramme rổi nhỉ; chỉ một ngày Tây Ta bắt liên lạc được ngay.
Tôi cũng chia sẻ với anh Hưng Việt ở Chrischurch Tân Tây Lan, cái cảnh mất tin tức gia đình lúc dầu sôi lữa bỏng, và ở một cái xứ rất buồn ơi là buồn. Tôi có ghé Chrischurch năm 1974, vào tháng hai, khi qua học Quảng Cáo và Tiếp Thị với Coca Cola ba tuần lễ. Rất tiếc không biết mấy anh chị em, tôi chỉ nhớ buồn và thèm món ăn Việt Nam và Pháp. Tôi ở chung với hai anh bạn người Pháp, bọn hắn nhớ camembert sau buổi ăn, và café expresso bánh croissants buổi ăn sáng. Chúng tôi ba đứa đã không thích cỏ xanh, không thích cừu, không thích thuyền bườm, không thích biển, sau khi ở Tân Tây Lan về ghét cỏ xanh, ghét cả thịt cừu, ghét cà biển và ghét cả golf.
Tôi nhìn lại bức hình và xin phép mượn lại câu viết của bạn Hưng Việt ở Brisbane (Úc Châu):
« U buồn ! Hoang mang ! Uất hận ! Nhưng không kém phần cương quyết. Nói lên cho người dân Ba Lê, và cho cả thế giới, biết lập trường chính trị của các bạn không hề suy xuyển. »
Tôi chia sẻ với các anh chị em Tân Tây Lan những ngày đêm khắc khoải của chúng tôi năm 1968 ở Pháp, của chúng tôi năm 1975 ở Sài Gòn « Chúng tôi cũng đã trãi qua những ngày đêm khắc khoải của tháng Tư năm đó. Bỏ học. Bỏ giảng đường. Ngày thì ôm cái radio đón nghe tin tức. Tối đến, xem trên TiVi hình ảnh của đồng bào lánh nạn từ Cao nguyên xuống miền Trung, rồi dần dần phải di tản về Xuân Lộc, Long Khánh. »
Các bạn như chúng tôi ở Sài gòn lúc ấy bất lực, tuyệt vọng. Tuyệt vọng ra đi, tìm tàu, tìm đường di tản, tuyệt vọng ở lại, cam phận giao vận mệnh cho vận nước nổi trôi.
« Bất lực ! Tuyệt vọng ! Đến mức nảy sinh những ý định ngông cuồng. Không phải chỉ từ chúng tôi. Ngay cả một anh bạn Tân Tây Lan, vốn đã từng sang dạy Anh văn ở đại học Văn Khoa Sàigòn vào năm 73 và có 1 cô bạn gái bên đó. Một đêm, anh nói với chúng tôi “Tao sẽ sang Thái Lan, hijack một chiếc máy bay, hẹn với L. ra Tân Sơn Nhất ngồi chờ, ngày đó, giờ đó, tao sẽ đáp xuống và bốc cô nàng đi!”. Hưng Việt kể tiếp. Và tôi xin phép Hưng Việt mượn lời của Hưng Việt để thay lời kết : … « Hôm nay, nhìn được tấm hình, tự dưng nhìn thấy lại mình, nhìn thấy lại bạn bè của mình 35 năm về trước. Ai nấy tóc cũng đã hai màu muối tiêu. Có người đã có cháu nội, ngoại. Nhưng các bạn vẫn chưa ngừng nghỉ. Các anh LQL, NH, NVB vẫn tiếp tục lên tiếng về Hoàng Sa, Trường Sa với sự tiếp tay của ĐGT. Anh PPL là tiếng nói hàng đầu về các vấn đề thuộc khu vực sông Cửu Long. Và xin đừng chọc giận chị DVT với mấy chuyện “hòa hợp, hòa giải”. Tôi cảm ơn các anh, các chị, các bạn. Nhưng tôi nghĩ các bạn tôi, cũng như tôi, với tấm hình mang đến những ký ức năm xưa, tất cả đều thầm cảm tạ hồn thiêng sông núi đã hướng dẫn chúng tôi đi đúng theo con đường của chính nghĩa Quốc gia. Đi theo anh Trần văn Bá. Đi cùng anh Phan văn Hưng, chị Nam Dao. Và nhiều anh chị em khác nữa !
Hôm trước. Hôm nay. Và mãi mãi !!! »
Cám ơn anh bạn ở Paris đã cho chúng tôi bức hình xưa.
Cám ơn bạn Hưng Việt bên kia trời Phía dưới.
Phan Văn Song
12 /05/10
Hiệu đính 27/04/2014