Tin khắp nơi – 12/02/2017
Bắc Hàn lại thử hỏa tiễn
Sáng nay 12/2 Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản.
Theo các viên chức quân sự Nam Hàn thì hỏa tiễn này bay cao đến 550 cây số và xa đến 500 cây số. Tuy nhiên, cũng theo các nguồn tin quân sự Nam Hàn thì đây không phải là loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.
Cách đây không lâu, trong thông điệp đầu năm mới, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un nói rằng Bình Những có thể thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa bất cứ lúc nào và nếu thành công thì hoản tiễn này có thể bắn sang đến tận bờ biển nước Mỹ.
Phản ứng trước hành động được xem là khiêu khích mới nhất này của Bắc Hàn, một viên chức chính quyền Mỹ nói rằng không có gì ngạc nhiên vì các nhà lãnh đạo Bắc Hàn luôn muốn gây chú ý ở những thời điểm như hiện nay.
Đây là lần thử hỏa tiễn đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi tân chính quyền Mỹ của ông Donald Trump nhậm chức.
Lên tiếng tại Florida, sau buổi hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump nói rằng nước Mỹ đứng đằng sau đồng minh Nhật Bản 100%.
Ông Abe thì nói rằng hành động của Bắc Hàn là không thể chấp nhận được và quốc gia này phải tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vốn cấm không cho họ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Đồng minh thân cận và duy nhất của Bắc Hàn là Trung quốc thì chưa đưa ra lời bình luận nào.
Theo nguồn tin của hãng Reuters thì các viên chức Mỹ đang dự trù một loạt những hành động đáp trả như là gia tăng cấm vận tài chính lên Bắc Hàn, tăng cường lực lượng quân sự tại bán đảo Triều Tiên.
Nhưng các viên chức này cũng nói rằng do đây không phải là hỏa tiễn liên lục địa, và cũng không phải là một vụ thử hạt nhân nên Mỹ cũng sẽ tránh để cho sự căng thẳng gia tăng tại bán đảo Triều Tiền.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/n-korea-missil-02122017072758.html
Nhà chức trách Mỹ
bắt hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp
Nhà chức trách di trú Hoa Kỳ đã bắt giữ hàng trăm người nhập cư sống ở Hoa Kỳ bất hợp pháp trong các cuộc đột kích trên toàn quốc trong tuần vừa qua, mặc dù nhà chức trách nói rằng hành động thực thi pháp luật này không gắn với sắc lệnh gần đây do Tổng thống Donald Trump ký.
Theo các quan chức Cục Di Trú và Hải quan (ICE), các cuộc đột kích nhắm mục tiêu vào các đối tượng tội phạm bất hợp pháp.
Các hành động thực thi luật pháp đã diễn ra ở ít nhất sáu tiểu bang, và bao gồm các thành phố như Atlanta, Chicago, New York và Los Angeles, những nơi có hơn 160 người đã bị bắt giữ trong suốt tuần qua.
Các cuộc đột kích đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trên khắp đất nước, kể cả ở Austin, Texas, thành phố này có khoảng 100.000 người nhập cư không có giấy tờ.
Chính phủ Afghanistan chú trọng bảo vệ dân hơn giữ đất
Tư lệnh hàng đầu của Hoa Kỳ tại Afghanistan nói với VOA rằng Kabul đã quyết định tập trung lực lượng an ninh xung quanh các trung tâm đông dân cư, đó là một phần nguyên nhân đã dẫn tới Taliban mở rộng lãnh thổ.
Phát biểu này được đưa ra không lâu sau khi Tướng John Nicholson xuất hiện ở Điện Capitol yêu cầu cần đưa thêm binh sĩ sang Afghanistan.
Các lực lượng Taliban ở Afghanistan hiện nay đang kiểm soát khoảng 15 phần trăm lãnh thổ Afghanistan. Đây là điều có chủ ý, theo Tướng John Nicholson, Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan.
Ông nói: “Chúng tôi đang phân biệt giữa lãnh thổ và dân số, do đó, các lực lượng an ninh Afghanistan đã tập trung vào dân số thay vì lãnh thổ, và vì chúng tôi biết nhiều khu vực ở Afghanistan có dân cư rất thưa thớt, thay vì thiết lập tiền đồn quân sự ở vùng sâu, vùng xa, họ đã tập trung vào các khu vực có số lượng dân cư lớn nhất”.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Tướng Nicholson cho biết chỉ còn chưa tới 14 ngàn binh sĩ trong lực lượng quốc tế do Mỹ đứng đầu, chỉ bằng một phần nhỏ so với thời điểm có tới 100.000 binh sĩ vào năm 2011. Tuy nhiên, ông nói rằng hiện nay ông cần thêm vài nghìn binh sĩ để cùng phối hợp với các lực lượng an ninh Afghanistan.
Tướng Nicholson nói: “Số binh sĩ bổ sung sẽ thực hiện nhiệm vụ tham mưu với các đơn vị Afghanistan ở cấp lữ đoàn trên khắp đất nước.”
Trước đó, vị tư lệnh này của Hoa Kỳ nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng các lực lượng Afghanistan đã bị nhiều thiệt hại không chỉ về lãnh thổ mà còn tổn thất nặng nề về số binh sĩ.
Ông nhấn mạnh cần phải giúp tăng cường sức mạnh cho không quân Afghanistan và cung cấp cho họ các nguồn lực để tăng gấp đôi số lượng đặc nhiệm Afghanistan trong bốn năm tới.
Tướng Nicholson nói: “Chính khả năng tấn công sẽ giúp phá vỡ sự bế tắc ở Afghanistan. Khả năng tấn công chính yếu trong các lực lượng an ninh Afghanistan là lực lượng đặc nhiệm và không lực”.
Tướng Nicholson cũng giải thích rằng cuộc chiến để mang lại hòa bình ở Afghanistan đã bị Nga làm phức tạp thêm khi Nga đã làm suy yếu cách thành viên khối NATO và các đối tác Afghanistan.
http://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-afghanistan-chu-trong-bao-ve-dan-hon-giu-dat/3720095.html
Thái tử Iran kêu gọi ông Trump
thận trọng với sắc lệnh di trú mới
Con trai vị vua cuối cùng của Iran đang kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phân biệt giữa người dân Iran và những người Hồi giáo cai trị họ, vào lúc tổng thống cân nhắc liệu có áp đặt các hạn chế mới về nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay không.
Trong một cuộc phỏng độc quyền với Ban tiếng Ba tư của đài VOA, Thái tử Reza Pahlavi, người đứng đầu nhóm đối lập ở Mỹ có tên Hội đồng Quốc gia Iran về Bầu cử Tự do, cho biết người dân Iran rất nhạy cảm với sự “nhầm lẫn” giữa họ với một chính phủ Iran từ lâu đã bị Washington cáo buộc là tài trợ cho khủng bố toàn cầu.
Ông Reza Pahlavi nói: “Là người Iran, không có gì làm chúng tôi tổn thương nhiều hơn là mỗi khi tên của Iran xuất hiện, người ta lại nói Iran – khủng bố. Nhưng không phải đất nước và con người Iran, mà là chế độ … Nhiều người Iran cũng là nạn nhân của chế độ … đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải phân biệt rõ ràng giữa các khái niệm đó … để đảm bảo người ta không vơ đũa cả nắm”.
Đề cập đến sắc lệnh hành pháp hiện bị đình chỉ của Tổng thống Trump, theo đó gộp Iran trong nhóm bảy quốc gia có người dân bị ông tạm thời cấm nhập cảnh vào Mỹ, ông Pahlavi nói ông nhận thức rằng bất cứ nước nào cũng có quyền tự bảo vệ mình bằng cách quyết định nhận bao nhiêu người nhập cảnh và rà soát chặt chẽ ra sao đối với người nhập cảnh.
Ông Pahlavi cũng nói rằng chính sách nhập cư của chính quyền ông Trump cần gửi ra thông điệp rằng Hoa Kỳ tôn trọng khả năng và giá trị của người Iran. Ông nói: “Khi một nước có những người nhập cư Iran như vậy, đó là một tài sản. Bởi vì, với một cộng đồng kiều dân như vậy, một ngày nào đó, nếu tình hình chính trị ở Iran thay đổi, những con người này sẽ là những đại sứ tốt nhất để kết nối Iran với đất nước nơi họ hiện đang sinh sống”.
Thủ tướng Abe lên án vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Triều Tiên, ông nói điều đó “tuyệt đối không thể chấp nhận”, còn Tổng thống Donald Trump trấn an Nhật Bản rằng Mỹ hậu thuẫn họ “100 phần trăm”.
Ông Abe đưa ra lời phát biểu ngắn gọn vào tối thứ Bảy, 11/2, cùng với Tổng thống Trump tại một cuộc họp báo gấp gáp tại tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói: “Vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Bắc Triều Tiên là tuyệt đối không thể chấp nhận được. Bắc Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Ông Trump thậm chí còn phát biểu ngắn gọn hơn. Ông nói: “Tôi muốn mọi người hoàn toàn hiểu và biết rằng Hoa Kỳ hậu thuẫn 100% đối với Nhật Bản, đồng minh lớn của Mỹ. Xin cảm ơn”.
Vụ thử của Bắc Triều Tiên được nhiều người diễn dịch là một thách thức đối với chính quyền của ông Trump.
Hai nhà lãnh đạo đã phát biểu sau khi có một ngày cùng nhau tại khu nghỉ mát sang trọng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida, họ đã chơi golf và ăn uống cùng các phu nhân.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, lần đầu tiên kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống, diễn ra lúc 7h55 sáng Chủ nhật, giờ địa phương (22h55, giờ GMT). Tên lửa đã phóng đi từ căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh tây bắc Pyongan và bay về phía đông tới Biển Nhật Bản.
http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-abe-len-an-vu-bac-trieu-tien-phong-ten-lua/3720054.html
Áp lực điều tra, sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia
Các thành viên Đảng Dân chủ trong quốc hội kêu gọi tiến hành điều tra xem liệu tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn có đàm đạo với Nga về các biện pháp chế tài của Mỹ trước khi chính phủ của ông Trump lên nắm quyền hay không.
Hai tờ báo lớn của Mỹ, tờ The Washington Post và New York Times hôm qua tường thuật rằng ông Flynn đã thảo luận các biện pháp chế tài mà chính phủ TT Obama đã áp đặt lên nước Nga, bất chấp phản bác của chính phủ Tổng thống Trump, nói rằng cấm vận không phải là đề tài của các cuộc tiếp xúc ấy.
Nói chuyện với các nhà báo trên chuyên cơ của Tổng thống hôm thứ Sáu, ông Trump nói ông không biết về tin cho rằng ông Flynn đã thảo luận với phía Nga về các biện pháp cấm vận đối với Moscow. Ông Trump cho hay ông sẽ xem xét vấn đề này, nhưng sau đó nói ông ‘hoàn toàn tin tưởng’ ông Flynn.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đòi điều tra ông Flynn, trong khi nhiều người khác hối thúc Tổng thống Trump sa thải ông Flynn và yêu cầu tình báo Mỹ xét lại ông Flynn về mặt an ninh.
9 người ẩn danh được miêu tả là cựu giới chức Mỹ và các giới chức tại chức nói với tờ Washington Post rằng ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak rõ ràng có thảo luận về các biện pháp chế tài mà chính phủ Tổng Thống Obama đã áp đặt đối với Nga sau vụ tai tiếng về tin tặc.
Các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và phía Nga diễn ra cùng lúc chính quyền Tổng Thống Obama đang xúc tiến chế tài nước này, đã khiến các giới chức tình báo Mỹ ngờ vực, và tiến hành điều tra.
Ông Flynn bác bỏ tin này với tờ Washington Post, khẳng định rằng ông không thảo luận các biện pháp chế tài với ông Kislyak, nhưng hôm thứ Năm ông rút lại tuyên bố đó và thông qua một người phát ngôn, nói với tờ Washington Post rằng “trong khi ông không nhớ đã thảo luận về các biện pháp chế tài, nhưng ông không hoàn toàn chắc chắn là đề tài này không được đề cập tới.”
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS hồi tháng trước, Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence cũng bác bỏ là cuộc đối thoại có diễn ra. Ông Pence nói tin ấy là một trong những “tin đồn đại lạ lùng xoay quanh chiến dịch tranh cử của ông Trump.”
Những phát biểu vừa rồi tương phản với bản tin của tờ Washington Post về cuộc đối thoại, một trong nhiều cuộc tiếp xúc giữa ông Flynn với đại sứ Kislyak đã khởi sự trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/16, rồi tiếp tục trong suốt tiến trình chuyển tiếp, theo tờ báo.
Thông tin về cuộc đối thoại này xuất phát từ các tin tức do các giới chức tình báo thu thập, khi theo dõi những sự liên lạc của các nhà ngoại giao Nga.
Theo tờ New York Times, các giới chức có trong tay bản văn ghi chép lại các cuộc điện đàm giữa ông Flynn và đại sứ Nga Kislyak, các tài liệu này chưa được giải mật. Các giới chức tiếp cận được các tài liệu này sau đó tiết lộ chi tiết cho hai tờ báo vừa nêu.
Các giới chức nói với tờ Washington Post rằng cuộc đối thoại có thể vi phạm Luật Logan, một đạo luật của Mỹ cấm công dân thương thuyết với các chính quyền nước ngoài nếu không được phép.
Luật Logan đặt ra ngoài vòng pháp luật việc một công dân Mỹ tiếp xúc với bất cứ chính quyền nước ngoài nào “với dụng ý ảnh hưởng tới các biện pháp hoặc cách hành sử” của chính quyền đó “liên quan tới bất cứ vụ tranh chấp hay tranh cãi nào với Hoa Kỳ.”
Các giới chức cho rằng tuy vậy, khó có thể thu thập đầy đủ hồ sơ pháp lý chống lại ông Flynn, bởi vì chưa có bất cứ ai bị truy tố theo luật này.
Trump – Abe chơi golf, thảo luận thương mại, an ninh
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa làm việc vừa giải trí trong ngày thứ nhì của cuộc gặp thượng đỉnh tay đôi.
Một ngày sau khi TT Trump tuyên bố tại Toà Bạch Ốc rằng liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng của hòa bình tại Đông Á, hai nhà lãnh đạo sáng thứ bảy 11/2 đã tới sân golf của ông Trump gần dinh Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida.
Ngay trước khi đoàn xe của tổng thống đến nơi, xe phải chạy ngang một ngã tư nơi một đám biểu tình khoảng vài chục người giương cao các tấm bảng ghi những khẩu hiệu phản đối, như ‘Hãy chấm dứt Hận thù’ và ‘Phản kháng’.
Hai nhà lãnh đạo đã bắt đầu hai ngày thảo luận từ sáng thứ Sáu ở Toà Bạch Ốc, một cơ hội để củng cố một hiệp ước an ninh lâu đời và thúc đẩy các quan hệ kinh tế.
Ông Abe hôm qua cho biết ông và ông Trump đã đạt thỏa thuận khung về đàm phán kinh tế, ông cho biết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là một trong các chủ đề được thảo luận. Ông Trump trước đó đã nói rằng bất kỳ mối quan hệ thương mại nào giữa hai nước cũng phải “tự do, công bằng và có tính hỗ tương.”
Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về tác động đối với Châu Á của quyết định rút khỏi Hiệp định TPP và chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump có thể gây ra.
Ông Abe bày tỏ hy vọng rằng một gói kích thích kinh tế hỗn hợp sẽ tạo hàng trăm ngàn việc làm tại Hoa Kỳ thông qua các khoản đầu tư công và tư vào hệ thống hạ tầng cơ sở Mỹ.
Cuộc gặp gỡ với Thủ Tướng Nhật lần này là thời gian lâu nhất mà ôngTrump dành cho một nhà lãnh đạo nước ngoài từ khi ông trở thành tổng thống. Đây là cuộc họp mặt tay đôi thứ nhì giữa ông Trump với một đồng minh chính sau khi ông tiếp Thủ tướng Anh Theresa May ở Washington cách đây hai tuần.
Chính phủ của Tổng thống Trump đã tạo một bầu không khí tích cực cho cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần với phát biểu trước khi ông Abe đến Toà Bạch Ốc, khi ông Trump cam kết sẽ chống lại bất kỳ tuyên bố đơn phương nào đe dọa quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Hàng chục người bị thương vì chất độc ở sân bay Hamburg
Hãng AP đưa tin tư Berlin cho hay các nhân viên cứu hỏa Đức hôm Chủ nhật đã sơ tán hàng trăm hành khách tại sân bay Hamburg sau khi 50 người bị thương do một chất độc chưa rõ tên. Chất này có thể đã lan truyền qua hệ thống điều hòa không khí của sân bay.
Phát ngôn viên sân bay Karen Stein nói tất cả các chuyến bay bị tạm dừng trong vài giờ do công tác sơ tán.
Bà cho biết: ”Chúng tôi đã hủy tất cả các chuyến bay ít nhất là cho đến 2h chiều (tức 13h00, giờ GMT) và hầu hết các nơi trong sân bay đã được sơ tán”.
Hãng thông tấn Đức DPA đưa tin hơn 50 người phàn nàn là họ bị khó thở và cay mắt. Các nhân viên cứu hỏa đã khám cho họ để xác định xem họ có cần phải đưa đến bệnh viện hay không.
Những người được sơ tán khỏi sân bay đã phải đợi ở bên ngoài các khu nhà ga của sân bay trong nhiệt độ băng giá.
http://www.voatiengviet.com/a/hang-chuc-nguoi-bi-thuong-vi-chat-doc-o-san-bay-hamburg/3720112.html
Phiến quân Syria tiến vào thành trì al-Bab của IS
Phiến quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tiến vào thị trấn thành trì của Nhà nước Hồi giáo al-Bab ở miền bắc Syria hôm thứ Bảy, trong khi đó ở vùng lân cận, các lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đã dừng bước tiến của họ tại đường ranh giới được vạch ra để giữ cho các lực lượng đối địch không chạm trán nhau.
Các nhân chứng cho biết có giao tranh ác liệt tại thị trấn al-Bab, nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 40 km về phía nam. Tuy nhiên, chưa có ngay thông tin về con số thương vong.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga cho biết quân đội chính phủ Syria được không quân Nga yểm trợ đã “giải phóng” thị trấn Tadef gần đó. Một tuyên bố của quân đội mô tả rằng thị trấn này là “một vị trí kiên cố nhất của Nhà nước Hồi giáo gần thành phố al-Bab”.
Cho đến tối thứ Bảy, cả Syria lẫn các nhà quan sát đều chưa xác nhận những tuyên bố này.
Hiện nay khi quân đội Syria chỉ cách al-Bab vài kilomet và lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tiến vào thành phố, một số nhà phân tích cảnh báo khả năng đụng độ mới giữa hai bên có thể giúp cho các tay súng Nhà nước Hồi giáo chạy trốn khỏi khu vực này mà phần lớn không bị hề hấn gì.
Các nhà phân tích mô tả miền bắc Syria là một trong những chiến trường phức tạp nhất trong cuộc chiến có nhiều phe đã nổ ra vào năm 2011 và kể từ đó làm cho gần 400.000 người thiệt mạng.
http://www.voatiengviet.com/a/phien-quan-syria-tien-vao-thanh-tri-al-bad-cua-is/3720081.html
NATO: Nga phát tán ‘tin giả’ sau khi chiếm Crimea
NATO cáo buộc Nga leo thang chiến dịch thông tin sai lạc kể từ khi Điện Kremlin chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, nói rằng những website tin tức của Nga như Sputnik và RT đã đăng những câu chuyện sai trái, phát ngôn viên của liên minh này cho biết hôm thứ Bảy.
Ngày càng có nhiều lo ngại trong giới chức cao cấp của NATO và Liên minh Châu Âu về khả năng Nga sử dụng truyền hình và Internet để truyền bá điều mà họ nói là tin tức giả.
Liên minh quốc phòng gồm 28 nền dân chủ này cho biết họ đã ghi nhận hơn hai chục điều sai trái do Nga phát tán trong hai năm gần đây mà họ đã tìm cách bác bỏ bằng những tờ cung cấp thông tin, những cuộc phỏng vấn, những lời phản pháo và video.
“NATO vẫn đang đối phó với sự gia tăng đáng kể những tuyên truyền và thông tin sai lạc của Nga kể từ khi Nga sáp nhập phi pháp Crimea vào năm 2014,” phát ngôn viên Oana Lungescu cho biết trong một email.
Bà nói một website được NATO lập ra vào năm 2014 “thu thập được 32 điều sai trái của Nga về NATO được sử dụng một cách có hệ thống bởi Sputnik, RT và một loạt những cơ quan tin tức khác thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ Nga.”
Bà Lungescu cho biết thông tin sai lạc gần đây nhất xảy ra hồi đầu tháng này khi website tin tức life.ru của Nga đăng đoạn ghi âm giọng nói giả mạo của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với một người chuyên chơi khăm của Nga giả vờ làm Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
“Một cuộc gọi như vậy không hề xảy ra và đây là một ví dụ rõ ràng về thông tin sai lạc,” bà nói.
Điện Kremlin, chính phủ Nga, RT, Sputnik và trang tin Life đều không đưa ra bình luận ngay tức thì.
Nhà chức trách Nga trước đây đã phủ nhận tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Truyền thông Nga được nhà nước tài trợ phủ nhận họ hành động như là cánh tay tuyên truyền của Điện Kremlin. Họ nói rằng họ trình bày một quan điểm khác mà truyền thông phương Tây phớt lờ.
Bà Lungescu dẫn ra một ví dụ về thông tin sai lạc vào tháng 7 năm ngoái khi Sputnik, RT và những website khác của Nga loan tin về một đám cháy dữ dội tại một căn cứ của NATO ở Izmir, nói rằng đó là một vụ phá hoại có chủ ý sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi đã giao tiếp với Sputnik, RT và những cơ quan khác để cải chính, vì có một đám cháy rừng cách căn cứ này không xa, nhưng không liên quan gì với nó.”
Đức bầu một chính khách “chống Trump” lên làm tổng thống
Ngày 12/02/2017, hơn một ngàn đại cử tri tại Đức đã cử cựu ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier lên làm tổng thống nước Đức. Nhân vật này đã được báo chí Đức mô tả như là một người có quan điểm « chống Trump » sau khi đã liên tiếp có những phát biểu phê phán nhắm vào tân tổng thống Mỹ.
Ông Frank-Walter Steinmeier đã đắc cử tổng thống Đức với 75% số phiếu của hội nghị đại cử tri bao gồm 1.240 đại biểu, chủ yếu là nghị sĩ thuộc hai viện Quốc Hội Đức, cùng với một số đại diện của xã hội dân sự.
Kết quả này không có gì lạ vì cựu ngoại trưởng Steinmeier, năm nay 61 tuổi, đã được hậu thuẫn của đảng Dân Chủ Xã Hội SPD của ông, cũng như đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của thủ tướng Angela Merkel. Hai đảng này cộng lại chiếm đa số trong số đại cử tri.
Theo Hiến Pháp Đức, chức vụ tổng thống chỉ mang tính chất hình thức, còn thực quyền nằm trong tay thủ tướng và Quốc Hội. Tuy nhiên, tổng thống được xem là biểu tượng cho thẩm quyền đạo đức của đất nước.
Trong phát biểu đầu tiên của ông trong tư cách tổng thống Đức, ông Steinmeier đã tránh không đề cập trực tiếp đến tình hình tại Hoa Kỳ, nhưng đã kêu gọi « bảo vệ » nền « dân chủ và tự do » khi các giá trị này bị thử thách.
Ông nhấn mạnh : « Khi nền móng (dân chủ) bị lung lay, hơn bao giờ hết chúng ta cần củng cố nó». Đối với ông « sự gắn kết xã hội » là điều tối cần thiết « vào thời kỳ nhiễu nhương hiện nay khi thế giới dường như không xoay tròn lắm ».