Tin Việt Nam – 11/02/2017
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng ra tù
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng vừa mãn án, ra khỏi trại giam Gia Trung của Bộ Công An ở Gia Lai ngày 11/2, con trai bà Hằng cho VOA Việt Ngữ biết.
Anh Bùi Trung Nhân nói thêm rằng việc đầu tiên mẹ anh làm là sẽ dự một thánh lễ ở nhà thờ.
Trong một video lưu truyền trên mạng xã hội cho thấy có rất đông đảo các nhà hoạt động nhân quyền đến Gia Lai để chào đón bà Hằng mãn hạn tù như ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Dương Thị Tân, các đại diện các nhóm xã hội dân sự và một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Đoạn video cho thấy khi đứng bên cạnh ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, hai người từng bị xét xử chung trong vụ án, bà Hằng ví von rằng bà “đã tốt nghiệp” loại ưu “trường đào tạo dành cho những người đấu tranh.”
Trong tuần, ông Nguyễn Bắc Truyển, một người tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết bà Hằng dù được Bộ Công an Việt Nam khuyên nên đi Mỹ nhưng đã nhất mực từ chối.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26 tháng 8 năm 2014, tòa án tỉnh Đồng Tháp đã kết án bà Bùi Thị Minh Hằng như một bị cáo chính, với 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh, 2 năm 6 tháng tù giam, và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 2 năm tù giam, về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật Hình sự.
Cả 3 người đều kháng cáo kêu oan, nhưng ngày 12/12/2014 một tòa án phúc thẩm của chính quyền Việt Nam giữ y án sơ thẩm.
Bà Hằng bị bắt vào ngày 11/2/2014 khi trên đường tới thăm nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi với nhà hoạt động này còn có nhiều người khác, trong đó có bà Quỳnh, một nhà hoạt động trẻ và ông Minh, một tín đồ Phật giáo Hòa hảo.
Con trai bà, anh Trần Bùi Trung, từng sang Mỹ vận động chính giới Hoa Kỳ can thiệp với chính quyền Việt Nam phóng thích mẹ mình vào tháng 8/2014.
Bà Minh Hằng nằm trong danh sách dài gồm các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị bỏ tù tại Việt Nam theo các điều luật như 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’, 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’, 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, hay 245 ‘gây rối trật tự công cộng.’
Cùng với các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam từng lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các bản án Hà Nội dành cho nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng. Hoa Kỳ nói “việc chính quyền Việt Nam sử dụng luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là ‘đáng báo động’.”
Hà Nội lâu nay khẳng định không giam cầm ai vì bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm luật pháp Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-dong-bui-thi-minh-hang-ra-tu/3719195.html
Dân biểu Mỹ Lowenthal ‘nguyện tranh đấu’ vì nhân quyền VN
Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, ông Alan Lowenthal vừa trở thành đồng Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Mỹ về Việt Nam, theo một thông cáo từ chính thức từ Văn phòng của ông, hôm thứ Sáu.
Hôm 10/2/2017, từ Washington DC, văn phòng của vị dân biểu cho hay ông vừa trở thành đồng chủ tịch Ủy ban nói trên của Quốc họi Mỹ (Congressional Caucus on Vietnam) cùng hai vị đồng chủ tịch khác là Dân biểu Chris Smith và nữ Dân biểu Zoe Lofgren.
Bà Bùi Hằng và ông Đoàn Huy Chương sắp ra tù
Mỹ rút khỏi TPP và nhân quyền ở VN
Vì sao ông Thức không muốn đi lưu vong?
Đinh Dậu; Tối hậu thư của đổi mới
Hạ nghị sỹ Mỹ gặp giới bất đồng tại VN
Việt Nam: ‘Chính sách ân xá không công bằng’
“Từ lâu nay tôi đã tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và đã nhiều lần đòi hỏi chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do lập hội,” Dân Biểu Lowenthal được thông cáo dẫn lời nói.
Tôi sẽ không chùn bước và tiếp tục lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam tôn trọng những tiếng nói và quyền căn bản của tất cả người dânDân biểu Alan Lowenthal
“Tôi sẽ không ngừng tranh đấu cho những người bị chà đạp nhân phẩm, bị từ chối quyền tự do và không được bảo vệ theo luật pháp quy định. Với vai trò đồng chủ tịch của Vietnam Caucus, tôi sẽ không chùn bước và tiếp tục lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam tôn trọng những tiếng nói và quyền căn bản của tất cả người dân.”
Thông cáo cũng dẫn lời của nữ Dân biểu Zoe Lofgren phát biểu:
“Dân Biểu Lowenthal là người tranh đấu vì nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua. Tôi mong được làm việc với ông trong vai trò mới là đồng chủ tịch của Congressional Caucus on Vietnam để cùng nhau cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và tranh đấu để tất cả người dân Việt Nam có thể thực thi các quyền tự do căn bản của họ mà không phải chịu sự đàn áp của chính quyền.”
Dân Biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal đại diện cho khu vực Little Saigon, thuộc địa hạt 47 tại miền Nam California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ. Địa hạt này bao gồm các thành phố và khu vực như Westminster, Midway City, Garden Grove, Stanton, Cypress, Buena Park, Anaheim, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, Rossmoor, và Long Beach, vẫn theo thông báo.
Ông là là thành viên của Congressional Caucus on Vietnam từ năm 2013 khi đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ.
‘Tiếp tục lên tiếng’
Trước đó, trong một cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức tuyên thệ, nhậm chức, Dân biểu Lowenthal có phát biểu khẳng định lập trường của ông trong bối cảnh chính trị mới ở nước Mỹ.
Một bản tin của Đài truyền hình SBTN hôm 17/01 từ Mỹ tường trình quan điểm của vị Dân biểu liên bang khi ông tới thăm cơ quan truyền thông này của người Việt ở hải ngoại:
“Dân biểu Lowenthal khẳng định với ban giám đốc SBTN là ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
“Ông nói rằng nếu Mỹ không lên tiếng về nhân quyền ở VIệt Nam, thì không nước nào lên tiếng cả.
“Dân biểu Lowenthal cho biết trong suốt thời gian vận động tranh cử, tổng thống đắc cử Donald Trump không hề nhắc đến vấn đề nhân quyền, nhưng ông và những đồng viện của ông vẫn tiếp tục lên tiếng cho quyền con người tại Hạ Viện Hoa Kỳ,” bản tin của Đài SBTN tường trình.
Hồi tháng 5/2015, Dân biểu Lowenthal đã tham gia một phái đoàn Quốc hội Mỹ đến Việt Nam.
Trong chuyến đi này, ông đã thăm viếng các nhân vật bất đồng chính kiến như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước 1975 (không được chính quyền thừa nhận) và Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị.
Ông cũng đã đến viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trong cùng chuyến thăm này.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38943480
Người dân xã Nhân Thọ xuống đường biểu tình
Người dân xã Nhân Thọ xuống đường biểu tình đòi bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa xả thải
Vào khoảng 9 giờ sáng hôm nay 11 tháng 2 năm 2017 bà con giáo dân giáo xứ Nhân Thọ thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình đã kéo nhau xuống quốc lộ biểu tình nhằm tỏ thái độ trước việc nhà nước không chi trả tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra.
Chính quyền và công an tại địa phương đã có mặt nhằm giải tỏa những yêu cầu của giáo dân nhưng phía người biểu tình không nhượng bộ và giáo dân vẫn tiếp tục đội mưa bày tỏ quyết tâm của họ.
Đã có hàng chục vụ biểu tình diễn ra trong hai tháng qua khi chính quyền chi trả tiền của Formosa nộp cho chính phủ để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân 4 tỉnh miền Trung một cách tùy tiện và rất nhiều hộ tuy thiệt hại trong công việc lẫn sức khỏe nhưng không được chính quyền bồi thường thỏa đáng như lời hứa.
Các thuyền nhân VN
được cho tạm tá túc ở Jakarta qua cuối tuần
Cát Linh, RFA
Tất cả 18 người trên chiếc thuyền vượt biên được tạm thời đưa đến một nhà nghỉ ở Jarkata từ hôm nay cho đến ngày thứ Hai 13/2/2017.
Cô Ngọc Nhi, từ Úc, cho Đài Á Châu Tự Do biết qua điện thoại rằng toàn bộ chi phí ăn, ở của nhóm người này sẽ được quỹ Gofundhome của bà Shira Sebban giúp chi trả.
Quỹ Gofundhome do bà Shira Sebban lập trên mạng hồi năm 2016 sau khi biết trường hợp của gia đình chị Trần Thị Thanh Loan. Bà Shira Sebban quyên góp được 10 ngàn đôla Úc và nhận cấp dưỡng cho 4 đứa con của vợ chồng chị Loan cho đến khi vợ chồng chị mãn án tù.
Ông Timbun, văn phòng trưởng văn phòng di trú Jakarta cho đài RFA biết hiện tại ông không thể đưa ra câu trả lời nào về trường hợp của nhóm người vượt biên này. Ông nói rằng họ cần phải có những người đại diện pháp lý ở Indonesia để giúp họ làm giấy tờ. Nhưng hôm nay là ngày cuối tuần nên tất cả các văn phòng đều đóng cửa.
Hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về việc chính phủ Indonesia sẽ cho những người Việt Nam này tạm cư, cho tiếp tục lên đường sang Úc hay gửi trả họ lại về Việt Nam?
Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục theo dõi sự việc và gửi đến quý thính giả những thông tin mới nhất.
Nhóm người vượt biên lo sợ bị trả về Việt Nam
Tin mới nhất liên quan đến nhóm 18 người trong hai gia đình người Việt vượt biên bị tạm giữ ở Indonesia cho biết sáng nay họ bị đưa đến văn phòng xuất nhập cảnh chờ làm thủ tục.
Nói chuyện với phóng viên Cát Linh của Đài Á Châu Tự Do RFA qua điện thoại, bà Trần Thị Lụa cho biết bà và Trần Thị Thanh Loan cùng 16 người trên chiếc thuyền đi vượt biên lần 2 bị đưa đến văn phòng xuất nhập cảnh Indonesia lúc 6:30 sáng nay thứ Bảy 11/02/2017, giờ địa phương.
Một nhân viên di trú, có tên Dunavi, qua điện thoại của bà Lụa, nói với Cát Linh:
“Cảnh sát dẫn những người này đến và giao cho chúng tôi. Chúng tôi chưa biết là sẽ trục xuất họ về Việt Nam hay có biện pháp nào khác. Chúng tôi đang chờ quyết định của người có thẩm quyền ở đây.”
Người này cũng nói thêm là “phần lớn khả năng họ sẽ bị trả về Việt Nam”.
Lo sợ bị đưa về VN, xin cứu giúp
Bà Trần Thị Lụa bày tỏ sự lo lắng trước những gì đang diễn ra, nói rằng:
Xin giúp chúng tôi. Đi về nước là chúng tôi ở tù đến chết. Gia đình cho hay tôi và chị Loan đang bị truy nã.
Bà Trần Thị Lụa
“Xin giúp chúng tôi. Đi về nước là chúng tôi ở tù đến chết. Gia đình cho hay tôi và chị Loan đang bị truy nã.”
Hầu hết những người này đều không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Họ rời Việt Nam váo sáng mùng 4 Tết âm lịch vừa qua. Cho đến chiều 14 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 9/2/2017, ghe của họ bị chết máy trong hải phận Indonesia, được cảnh sát và người dân địa phương kéo vô bờ.
Nói với Đài RFA sáng 10/2 trong lúc bị tạm giữ ở Indonesia, bà Lụa cho biết: “Tui nói với cảnh sát Indonesia là đừng trả chúng tôi về Việt Nam, vì chúng tôi sẽ bị đi tù. Tôi đưa giấy ở tù, đưa hình ra cho cảnh sát thì họ nói là “no, họ không đưa chúng tôi về Việt Nam đâu”.
Cũng trong cuộc trả lời ngắn với RFA tại nơi bị tạm giữ, bà Lụa bày to: “Cũng xin các đài các anh lên tiếng giúp tụi em với. Làm sao lên tiếng cho tụi em đừng bị trả về. Nếu mà về thì nó cho em mục xương luôn đó. Em cũng có liên lạc về nhà và anh Đôn cho biết nó đã phát lệnh truy nã em và Loan rồi.”
Đây là lần thứ 2 nhóm người Việt này vượt biên tìm đường sang Úc, sau khi bị trả về và bị Việt Nam tuyên án tù hồi năm 2015.
Đài Á Châu Tự Do chúng tôi sẽ theo dõi và cập nhật các tin tức sớm nhất có thể về trường hợp của những người Việt Nam vượt biên này.
Cuộc sống của “cô dâu Việt” miền Tây bây giờ ra sao?
Hòa Ái, RFA
Trong hơn 2 thập niên qua hàng ngàn phụ nữ vùng đồng bằng Sông Cửu Long quyết định trở thành “cô dâu Việt” nơi xứ người ở các quốc gia Châu Á, cuộc sống của họ bây giờ ra sao? Và ước mơ đổi đời của những cô gái miền Tây qua các cuộc hôn nhân như thế có còn tiếp diễn hay không khi làn sóng di cư khỏi vùng đồng bằng Nam Bộ đang ở mức báo động?
Làm dâu xứ người vì nghèo
“Con mình đi, nó cũng nói qua bên đó cuộc sống không biết ra sao. Cha mẹ nghèo khổ nên con mới đi lấy chồng như vậy. Tôi cũng cầu Trời khẩn Phật cho duyên nợ của con mình, chứ biết nói sao giờ.”
Chia sẻ vừa rồi của bà Lộc ở Đồng Tháp có con gái lấy chồng qua Đài Loan cũng là lời tâm tình của hầu hết những bà mẹ quê miền Tây Nam Bộ khi nhớ về thời điểm tiễn đưa con đi làm dâu nơi xứ người từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Con mình đi, nó cũng nói qua bên đó cuộc sống không biết ra sao. Cha mẹ nghèo khổ nên con mới đi lấy chồng như vậy. Tôi cũng cầu Trời khẩn Phật cho duyên nợ của con mình, chứ biết nói sao giờ
-Mẹ của cô dâu Việt
Với bỡ ngỡ và lo sợ cho “phận gái thuyền quyên” vì cuộc hôn nhân không tình yêu, bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, thậm chí chưa được gặp mặt chồng cho đến lúc đặt chân ở các sân bay xa lạ tại Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc; hàng chục ngàn cô gái gốc miền Tây Nam Bộ bắt đầu cuộc sống trong thân phận với tên gọi “cô dâu Việt”. Chị Cúc, một cô dâu Việt nói với RFA về trở ngại đầu tiên khi chị vừa rời Cần Thơ đến Đài Loan làm dâu lúc 20 tuổi:
“Vừa qua đây, lúc đó một chữ cũng không biết, tiếng nghe cũng không hiểu luôn, không tiếp thu được. Tiếng nói của người ta mình nghe cứ xí xô xí xào khó chịu lắm.”
Chị Cúc là một cô dâu Việt may mắn trong cuộc hôn nhân qua người quen giới thiệu, mà người đó cũng là một cô dâu Việt tại Đài Loan. Nói với Đài Á Châu Tự Do về cuộc sống hôn nhân ở xứ Đài, chị Cúc cho biết may mắn là nhờ gặp được ông xã và gia đình chồng tử tế cùng với sự cố gắng hết sức của bản thân. Chị chăm sóc mẹ chồng bệnh tật suốt ba năm đầu, học từng tiếng Quan Thoại qua tivi. Sau đó, sinh con và đi làm có thêm thu nhập cho gia đình cũng như phụ giúp cha mẹ ở quê nhà.
“Nói chung hồi đó thì mẹ cũng còn thiếu nợ nên khi qua đi làm gửi về cho mẹ trả nợ cái khoản làm ruộng thất mùa. Trước là trang trải số tiền nợ. Sau này sức khỏe ba mẹ cũng không được tốt nên tiền gửi về dùng để cho ba mẹ điều trị bệnh.”
Thoắt đó chị Cúc đã ở Đài Loan được 14 năm và chị hài lòng về cuộc sống hiện tại của mình. Giống như chị Cúc, nhiều cô dâu Việt rời quê nhà miền sông nước lúc tuổi đời mười tám đôi mươi nay có cuộc sống ổn định bên chồng con. Các cô còn hòa nhập với xã hội bên ngoài cũng như có quốc tịch, trở thành công dân nơi quê hương thứ 2 mà các cô chọn với giấc mơ đổi đời.
Tuy nhiên, hình ảnh cuộc đời an cư lạc nghiệp của những cô dâu Việt như chị Cúc không phải là mẫu số chung của hàng chục ngàn phụ nữ miền Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài ở các quốc gia Châu Á trong hơn 2 thập niên qua. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số những cô dâu Việt gốc miền Tây gặp phải cảnh đời không hạnh phúc nơi xứ người.
Hôn nhân không hạnh phúc
Chúng tôi được biết Hàn Quốc có số lượng cô dâu Việt đứng đầu danh sách những cô dâu nhập cư tại quốc gia Đông Á này. Theo báo cáo của Viện Y tế và các Vấn đề Xã hội Hàn Quốc, những cô dâu đến từ Việt Nam tăng lên ở mức 9000 người từ năm 2010 và con số này tiếp tục gia tăng.
Phải chăng Hàn Quốc là lựa chọn hàng đầu của các cô dâu Việt và cuộc sống làm dâu ở xứ sở Kim Chi của họ ra sao? Linh mục Nguyễn Thông, từng phục vụ trong Hội thánh Công giáo tại thành phố biển BuSan nhiều năm, cho biết về hoàn cảnh của các cô dâu Việt miền Tây ở Hàn Quốc:
“Thường những cô dâu lấy chồng Hàn thì trên 2/3 không được may mắn hơn là may mắn. Lý do tất cả các cô lấy chồng Hàn đều không có tình yêu, chỉ đi vì mục đích đồng tiền và vì cưu mang gia đình mà đi thôi. Thứ hai là hầu như các cô đó ít gặp mặt chồng mình trước khi qua Hàn, cho nên các cô qua thì bỡ ngỡ. Thứ ba, các cô qua bị sốc về văn hóa rất nhiều vì văn hóa của người Hàn mang tính đậm đặc của Châu Á rất là lễ giáo gia phong, cho nên các cô ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị sốc. Ba yếu tố này cộng lại đưa đến đời sống hôn nhân gia đình của các cô không được êm xuôi, gặp nhiều vấn nạn đau khổ.”
Rất nhiều các cô dâu trong số 2/3 không may mắn này tìm đến Giáo phận Busan nhờ giúp đỡ, tư vấn do bị chồng cũng như gia đình chồng bạc đãi, bạo hành và không thể tiếp cuộc sống mà các cô cho là địa ngục. Không ít cô dâu Việt đã chạy trốn khỏi nhà chồng và sống lưu vong tại Hàn Quốc vì không còn được bảo lãnh hợp pháp nữa. Mặc dù tin tức về các cô dâu Việt ở Hàn Quốc tự tử hay bị chồng sát hại được truyền thông trong nước cũng như các trang mạng xã hội loan tải, thế nhưng những cô gái miền Tây vẫn cứ tìm kiếm cơ hội đến Hàn Quốc bằng một cuộc hôn nhân nhiều rủi ro. Đáp câu hỏi của Hòa Ái rằng trong thời buổi dễ dàng tiếp cận thông tin mà vì sao họ cứ nhắm mắt đưa chân như vậy, Linh mục Nguyễn Thông trình bày:
Hầu như những cô qua sau đều biết hết. Các cô nói rằng họ nói thì cứ nói nhưng mình đói thì ai lo cho mình đây. Các cô qua với mục đích chính là cố vượt ra ngoài tìm cuộc sống kinh tế để giúp gia đình
-Linh mục Nguyễn Thông
“Hầu như những cô qua sau đều biết hết. Các cô nói rằng họ nói thì cứ nói nhưng mình đói thì ai lo cho mình đây. Các cô qua với mục đích chính là cố vượt ra ngoài tìm cuộc sống kinh tế để giúp gia đình. Đa số các cô nói rằng ở Việt Nam thì miền sống nước không có gì làm hết, công việc bưng bê cũng không bao nhiêu tiền, trong khi qua đây làm ít nhất một ngày cũng năm bảy chục đô la.”
Không có một số liệu thống kê chính thức và cụ thể nào về bao nhiêu cô dâu Việt đang sống bất hợp pháp tại Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc…nhưng với thu nhập một ngày có thể kiếm được bằng một tháng tại quê nhà, những cô dâu Việt này vẫn chọn cuộc sống lưu lạc nơi xứ người và mỗi năm hàng trăm cô gái miền Tây tiếp tục giấc mơ đổi đời bằng cách lấy chồng qua môi giới để phó mặc cuộc đời mình cho may rủi.
Trong khi đó, giới chức địa phương các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, lên tiếng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết thủ tục pháp lý và các hệ lụy của hiện tượng hàng ngàn cô dâu Việt hồi hương những năm gần đây.
Xa quê nhớ nước mắm
Xa quê nhớ nước mắm. Chắc ai cũng từng như vậy.
Phan Thiết hiện được giới du lịch lăng xê là thủ đô của resort. Còn với người xa xứ mỗi khi nhắc kể nhớ về, Phan Thiết luôn đọng trong ký ức theo đúng nghĩa đen của cụm từ chót lưỡi-đầu môi, bởi vị đậm đà của nước mắm danh bất hư truyền ở xứ biển Phan Thiết.
Nước mắm không chỉ là hương và vị, nó còn mang theo cả ký ức của tuổi thơ, của một thời bình yên chỉ biết ăn và học. Xa quê mà dùng nước mắm công nghiệp thì buồn biết mấy, nhất là với những người Việt đang sống ngay trên chính quê hương mình.
Ông Từ Hữu Ngọc, một chủ nhà lều ở Phan Thiết, chia sẻ về chuyện làm nước mắm truyền thống bằng những thùng ủ to đùng:
“Nói chung là cái gỗ thùng này thì làm bằng cây bằng lăng thôi. Còn cái này là tre. Tre đánh ở ngoài thôi. Rồi cá thì mình mua về rồi mình cứ muối. Bỏ muối với cá vô. Bỏ vô trong thùng mình ủ thôi. Nếu mà đạt chuẩn ngon thì cũng phải 6 tháng đổ lên, tới một năm là tốt nhất”.
Ở Phan Thiết, người ta gọi những nơi làm nước mắm kiểu truyền thống là những nhà lều nước mắm. Người ta dùng loại thùng gỗ hình trụ gọi là thùng lều để muối cá. Sở dĩ người ta phải dùng loại gỗ mềm như bằng lăng, mít, bờ lời để làm thùng là vì khi niềng lại bằng dây song, chạy quanh mặt ngoài thân thùng, các mảnh gỗ được siết chặt vào nhau, không còn khe hở.
Sau 2 đến 4 ngày, người ta mở nút lù ở đáy thùng lều để dịch cá chảy ra. Dịch này gọi là nước bổi. Nước bổi có thành phần đạm, nhưng có mùi tanh, chưa ăn được, thường được lọc bỏ váng bẩn để làm nước châm vào các thùng chượp đã chín nhằm tăng độ đạm.
Với quy trình như vậy, song ông Từ Hữu Ngọc lại nói rằng giờ đây không có loại nước mắm nhỉ như trước năm 1975 đâu:
“Nước mắm nhỉ bây giờ thì nói vậy chứ làm gì có nước mắm nhỉ. Chẳng qua nói hai tiếng nước mắm nhỉ vậy thôi. Chứ hỏi anh bây giờ, toàn là ấy không à, thị trường mạnh, lớn không chứ đâu phải như hồi xưa mình bán từ một, hai chai mà gọi là mắm nhỉ, trong mái để ra nó nhỉ, chứ bây giờ làm được lít mắm nhỉ thì làm biết chừng nào cho nó được một lít nước mắm nhỉ? Nó cứ chảy cà long toong, cà long toong, long toong thì biết chừng nào cho nó đầy được một chai. Giờ bán với số lượng toàn là 5.000, 10.000 lít, 20.000 lít không chứ đâu có bán như hồi đó vài chục lít, còn nói nhỉ. Năm, mười lít nói nhỉ…, chứ bây giờ thì thôi. Không có nước mắm nhỉ đâu. Nói hai tiếng nước mắm nhỉ, chẳng qua lấy tiếng của hồi xưa để nói vậy thôi”.
Hồi chưa có nước mắm công nghiệp, đúng là ở Phan Thiết có nước mắm nhỉ. Nước nhất được rút từ thùng lều được gọi là nước mắm nhỉ, hoàn toàn từ thân cá thuỷ phân mà thành. Sau khi đã rút nước nhỉ, người ta đổ nước châm vào để rút tiếp nước hai gọi là nước mắm ngang. Mỗi lần rút, độ đạm càng giảm, nên để có sản phẩm có độ đạm đồng nhất bán ra thị trường, người ta phải đấu trộn các loại nước mắm có độ đạm khác nhau, kể cả thêm các chất điều vị đóng chai hàng loạt gọi là nước mắm công nghiệp.
Giờ thì ông Từ Hữu Ngọc nhìn nhận hương nước mắm xứ Phan Thiết nay cũng khác xưa:
“Phan Thiết, thì nói chung cũng tùy theo người muối thôi anh à. Đủ hết đó. Bây giờ thì nó lại chuộng cái trầm hương hơn. Hồi xưa thì người ta chuộng cái hương nó bốc hơn. Còn bây giờ thì múc bán cho như Chinsu, Nam Ngư ở trong Sài Gòn để nó chế biến đóng chai đó, thì lại chuộng cái mùi trầm hơn, dịu hơn, tức nhiên là nó không có nồng như hồi xưa. Hồi xưa cái mùi cá bốc hơn. Mùi thơm mạnh. Nói chung giờ mình bán đủ hết đó. Bán cho người ta về sản xuất, người ta bán lại, người ta đóng chai lại… Người ta đem về, người ta chế biến, người ta bán, có đủ hết đó. Ở đây là mình nguyên bản, mình kéo ra sao thì mình để vậy. Mình bán, còn người ta về đó người ta muốn bán sao người ta bán”.
Xem ra thì nước mắm nhỉ giờ đây chỉ còn trong hoài niệm, giống như người miền Nam từng hoài niệm nước mắm đựng trong những tĩn sành của ngày xưa.
http://www.voatiengviet.com/a/xa-que-nho-nuoc-mam/3719090.html
Nghi án 4.000 lao động Việt làm chui ở Nhật
Cảnh sát Nhật vừa bắt giữ 2 lãnh đạo của một công ty Nhật bị tình nghi sử dụng lao động trong đường dây có đến hàng ngàn lao động bất hợp pháp người Việt.
Tờ Mainichi của Nhật cho hay Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty Satoshi Kogyo có trụ sở tại Maebashi, Gunma Prefecture, đã bị cáo buộc sử dụng 6 nhân công bất hợp pháp từ Việt Nam để làm việc cho các dự án phá dỡ ở Tokyo và Gunma Prefecture từ tháng 2 năm 2016 đến tháng Giêng năm nay. Sở Cảnh sát Đô thị (MPD) cũng đã chuyển hồ sơ vụ này sang cho các công tố viên vào ngày 10/2.
Tin cho hay 6 công nhân Việt, với độ tuổi từ 20 đến 30, đã ở quá thời gian quy định thị thực.
Các nhà điều tra tội phạm có tổ chức của Nhật nghi ngờ chỉ riêng năm 2016, Satoshi Kogyo đã tuyển dụng khoảng 4.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang để làm việc cho các dự án ở 7 tỉnh trong khu vực Kanto, giúp công ty này kiếm lợi nhuận khoảng 50 triệu yên.
Theo Sở Cảnh sát Đô thị của Nhật, công ty Satoshi Kogyo bắt đầu thuê nhân công Việt Nam từ khoảng năm 2014 và liệt kê họ bằng tên Nhật trong hồ sơ công ty để tránh bị phát hiện.
Trả lời phỏng vấn của VOA, nhà báo Đỗ Thông Minh ở Nhật cho biết số người Việt tại Nhật trước đây chỉ khoảng 20.000 người, nhưng con số này đã tăng lên nhanh chóng lên đến 120.000 người trong những năm gần đây, trong đó chiếm khá đông là người Việt đi lao động ở Nhật:
“Trong số đó có khoảng 10.000 người tị nạn, 10.000 người đoàn tụ, chỉ có 20.000 người chính thức định cư thôi. Còn lại là khoảng 50.000 người đi lao động, 50.000 người đi du học. Thế nhưng mà số người đi du học này người ta cũng chỉ xét trên giấy tờ thôi. Có thể nói đến quá bán là đi lao động”.
Theo nhà báo Đỗ Thông Minh, những người Việt lao động chui do hạn chế về ngôn ngữ, tình trạng cư trú… nên gặp khá nhiều thiệt thòi so với những người lao động hợp pháp tại Nhật. Những công việc mà các công nhân lao động chui thường làm là tại các nhà hàng, xưởng lắp ráp dây chuyển hoặc những công trình xây dựng ngoài trời.
Tờ Mainichi dẫn lời Chủ tịch công ty Satoshi Kogyo thú nhận với cảnh sát: “Lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ với mức lương thấp nên họ rất quan trọng”.
Ngoài lý do kinh tế, Nhật là nước có dân số già, tỷ lệ sinh đẻ thấp nên nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài tại Nhật rất cao. Chính vì vậy, theo nhà báo Đỗ Thông Minh, chính phủ Nhật không quá mạnh tay với tình trạng người nước ngoài lao động chui:
“Lý do là bởi vì nước Nhật hiện tại xã hội bị lão hóa. Người già rất nhiều mà người trẻ rất thiếu. Thí dụ năm 2020 sắp tới tổ chức thế vận hội, Nhật Bản lo nhất là không có nhân công để xây dựng. Thành ra một mặt họ ngăn cấm những người vào bất hợp pháp, nhưng mặt khác họ vẫn phải tiếp tục nhận thêm rất nhiều người lao động vào đây”.
Gần đây, người Việt đi lao động tại Nhật cũng lên tiếng về tình trạng bị các công ty môi giới lừa trong các hợp đồng đi lao động tại Nhật. Nhiều người đã chấp nhận bỏ tình trạng hợp pháp để đi lao động chui, tìm cách ở lại Nhật để làm việc bù đắp số tiền thế chân bị mất khi bỏ ngang hợp đồng.
Nhà báo Đỗ Thông Minh cho biết do bị cắt xén nhiều khoản trung gian nên người lao động hợp pháp thường khoản thu nhập còn lại thấp hơn những người lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, người lao động chui lại luôn đối diện với nguy cơ bị bắt và bị phạt với mức phạt có thể lên đến 20.000 – 30.000 đôla.
Chiến lược đối ngoại cân bằng của Việt Nam
Trùng hợp với tháng đầu năm âm lịch của Việt Nam, tạp chí The Diplomat Magazine số tháng 2 năm 2017 đã có bài phân tích về chính sách đối ngoại đa phương mà Việt Nam đang theo đuổi, tìm kiếm thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Mở đầu bài báo, Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại Đại Hội Quốc Tế Nhật Bản, ghi nhận một loạt động thái ngoại giao của giới lãnh đạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2017, nối tiếp theo những gì đã thực hiện năm 2016.
Sự kiện nổi bật đầu tiên là chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng của tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến đi này, Chapman chú ý đến chi tiết được nhắc lại trong bản thông cáo chung Việt -Trung, theo đó hai bên đồng ý « kiểm soát tốt bất đồng và giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông », cũng như ghi nhận tầm quan trọng của việc giải quyết sự mất cân bằng trong thương mại.
Vào lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn ở Trung Quốc, thì chính quyền Hà Nội đã đón tiếp ngoại trưởng Mỹ mãn nhiệm John Kerry, đến tạm biệt Việt Nam trong một chuyến thăm mang tính biểu tượng cao. Nhân dịp này, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đã xác định lời mời tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Hà Nội và tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới.
Theo nhận xét của Chapman, dù sự thành công của chính sách « xoay trục » qua châu Á của chính quyền Obama còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng điều chắc chắn là Việt Nam đã là một trong những điểm nhấn quan trọng của chính sách đó, với quan hệ song phương Việt-Mỹ ngày càng được củng cố kể từ khi hai nước đã ký kết một thỏa thuận đối tác trong năm 2013.
Sự kiện nổi bật thứ ba là chuyến thăm Việt Nam ngày 16 tháng Giêng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đánh dấu bằng lời hứa của Tokyo cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra mới và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chủ trương tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Chiến lược sắp xếp các chuyến thăm ngoại giao
Đối với chuyên gia Chapman, các chuyến thăm trên đây hoàn toàn không ngẫu nhiên, và đó không phải là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược sắp xếp các chuyến thăm ngoại giao.
Tác giả đã nêu ví dụ của loạt sự kiện diễn ra cuối năm ngoái : Tháng Mười năm 2016, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc. Nhưng trước đó Hà Nội đã đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện và New Delhi đã quyết định cấp 500 triệu đô la cho Hà Nội để mua thiết bị quốc phòng.
Và ngay sau khi ông Phúc đi Bắc Kinh, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đến thăm Việt Nam, và hai bên tái khẳng định những nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Dĩ nhiên, đó là trước khi ông Duterte có phát biểu nổi tiếng tại Bắc Kinh về ý định chia với Hoa Kỳ, điều đã khiến Hà Nội hết sức quan ngại.
Vào đầu năm 2016 cũng vậy. Ngay sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-ASEAN Sunnylands vào tháng Hai, Việt Nam đã gửi một phái đoàn đến Trung Quốc, và đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc nhở rằng Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẻ một « số phận chung » và việc quản lý các tranh chấp, cũng như tăng cường hợp tác, là tối quan trọng đối với quan hệ song phương.
Cũng như thế, sau chuyến thăm lịch sử của tổng thống Obama tới Hà Nội vào tháng Năm 2016, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN.
Theo nhận định của Nicholas Chapman, với chiến lược cân bằng ngoại giao này, Việt Nam như muốn nói : « Vâng, chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với quý vị, nhưng chúng tôi cũng có đối tác chiến lược khác mà chúng tôi cũng đang tăng cường hợp tác ».
Vừa thúc đẩy ngoại giao, vừa tăng cường phòng vệ chống Trung Quốc
Bài báo trên The Diplomat còn ghi nhận là song song với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam cũng có những biện pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. và hàng rào chống lại một Trung Quốc quyết đoán.
Ấn Độ đã thông báo rằng họ đang cân nhắc việc bán tên lửa phòng không cho Việt Nam, một động thái chắc chắn làm cho Trung Quốc tức giận. Ấn Độ đã trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng và đào tạo nhân sự. Hai bên còn được cho là đang tiến gần đến thỏa thuận bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam.
Việt Nam cũng được cho là đã đặt hệ thống pháo phản lực tối tân có độ chính xác cao EXTRA của Israel tại năm cơ sở ở quần đảo Trường Sa, đặt các phi đạo và cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa trong tầm bắn. Hơn nữa, hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Việt Nam đã hoàn thành một phi đạo và xây dựng hai nhà chứa phi cơ tại Trường Sa Lớn.
Đối với chuyên gia Chapman, rõ ràng là Việt Nam đang lẳng lặng hiện đại hóa một cách tinh xảo lực lượng vũ trang của mình.
Tranh chấp Biển Đông, chính quyền Trump tại Mỹ, và sự xích lại gần Trung Quốc của Philippines hàm chứa nhiều điểm khó lường cho Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ tiếp tục trên con đường đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, trong khi tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình dự phòng mọi rủi ro.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20170211-chien-luoc-doi-ngoai-can-bang-cua-viet-nam