Tin Biển Đông – 08/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 08/02/2017

Trung Quốc nói

Mỹ nên “học hỏi thêm” về lịch sử Biển Đông

Hoa Kỳ nên học hỏi thêm về lịch sử Biển Đông, vì có thỏa thuận quy định tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm trong Thế chiến II phải được trao trả lại cho Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Úc.

Trung Quốc đã tỏ ý tức giận vì những lời bình luận từ chính quyền Hoa Kỳ mới về vùng biển này.

Trang web của Bộ ngoại giao Trung Quốc đăng những lời bình luận của ông Vương vào tối thứ Ba ngày 7/2. Trang này trích lời ông Vương phát biểu trong chuyến thăm Canberra, Úc gần đây, nói rằng ông có một “gợi ý” cho những người bạn Mỹ: “Học hỏi thêm về lịch sử Thế chiến Thứ hai”.

Theo ông Vương, Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 nói rõ rằng Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc tất cả các vùng lãnh thổ Nhật đã chiếm đóng.

“Điều này bao gồm cả các đảo Nam Sa”, ông nói thêm, dẫn tên Trung Quốc dùng để gọi Quần đảo Trường Sa.

“Năm 1946, chính phủ Trung Quốc lúc đó, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, đã công khai lấy lại quần đảo Nam Sa mà Nhật đã chiếm đóng, và nắm chủ quyền lại,” ông Vương nói.

Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đảo Senkaku cho Nhật

“Sau đó, một số nước láng giềng của Trung Quốc đã dùng các biện pháp bất hợp pháp để chiếm giữ một số đảo và bãi đá ở khu vực này, và chính chuyện này đã gây ra cái gọi là tranh chấp lãnh thổ Biển Đông.”

Trung Quốc cam kết đàm phán với các bên có liên quan trực tiếp, theo đúng các chứng cứ lịch sử và luật quốc tế để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, và quan điểm này vẫn không thay đổi, ông Vương nói thêm.

Quan điểm của Mỹ về Biển Đông

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ để nhậm chức hồi giữa tháng Một, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Trường Sa.

Ông Tillerson, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.

“Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa.”

Tòa Bạch Ốc cũng cam kết sẽ bảo vệ “các vùng lãnh thổ quốc tế” ở vùng biển có vị trí chiến lược này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng từng nói rằng “Trung Quốc đã xé nát niềm tin của các quốc gia trong vùng, ra vẻ như có quyền phủ quyết đối với ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng.”

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các biện pháp ngoại giao phải được ưu tiên ở Biển Đông, hãng Reuters cho hay.

Trung Quốc kỳ vọng vào những lời phát biểu của ông Mattis nhấn mạnh đến các nỗ lực ngoại giao ở Biển Đông, vì đây không chỉ là quan điểm của Trung Quốc và Đông Nam Á mà còn là “sự lựa chọn đúng đắn” cho các nước ở ngoài khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói.

Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Những hình ảnh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.

Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38904930

 

Trung Quốc bác bỏ dự báo xung đột ở biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/2 đã chính thức lên tiếng sau khi chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, dự báo khả năng sẽ bùng ra chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington trên biển Đông “trong 5 tới 10 năm nữa”.

Trong cuộc họp báo ở Canberra hôm 7/2 sau cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, ông Vương nói rằng bất kỳ “chính trị gia điềm tĩnh” nào cũng sẽ hiểu rằng cả đôi bên sẽ gánh chịu thiệt hại từ một cuộc xung đột như vậy, theo the Guardian.

Tin cho hay, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Bannon cho rằng quan hệ Mỹ – Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.

Ông Bannon, khi đó điều hành hãng tin Breibart News, nói: “Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ – và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ”.

Tuy nhiên, ông Vương đã bác bỏ khả năng này, và nói thêm rằng đã có nhiều tuyên bố thiếu hợp lý về quan hệ Trung – Mỹ trong 4 thập kỷ qua, nhưng mối bang giao giữa hai nước đã “vượt qua các khó khăn và không ngừng tiến về phía trước”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói: “Bất kỳ một chính trị gia điềm tĩnh nào cũng nhận thức rõ rằng không thể để xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vì cả đôi bên sẽ thất bại, và đôi bên không thể làm vậy”.

Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng các quan ngại về chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khai mào một cuộc chiến với Trung Quốc ở biển Đông đã bị thổi phồng.

Quan chức 68 tuổi này được hãng Bloomberg dẫn lời nói cuối tuần trước rằng ông Trump là một doanh nhân, và ông ấy biết rằng nếu chiến tranh bùng ra, việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng”.

http://www.voatiengviet.com/a/tq-bac-bo-du-bao-xung-dot-o-bien-dong/3714541.html

 

Tillerson: ‘Chấp nhận rủi ro’ để ngăn bất ổn Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã gửi văn bản trả lời tới Thượng nghị sĩ Ben Cardin của bang Maryland dành cho những câu hỏi nêu ra tại phiên điều trần hồi tháng trước liên quan đến quá trình phê chuẩn ông làm ngoại trưởng.

Văn bản này đã xuất hiện trên mạng cách đây ít ngày. Một phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 7/2 đã xác nhận với Japan Times đó là văn bản thật.

Trong văn bản, ngoại trưởng Mỹ đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn khi nói về vấn đề Biển Đông. Ông Tillerson viết: “Nếu tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác phải có khả năng hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng các đảo nhân tạo của họ để tạo ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ”.

Ông cũng tỏ ra cổ súy cho một chính sách tích cực hơn của Mỹ đối với vùng biển có tranh chấp cũng như những rủi ro đi kèm có thể tăng lên khi Mỹ có động thái như vậy. Ngoại trưởng Mỹ viết: “Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu Mỹ muốn ngăn ngừa những hành động làm mất ổn định thêm, và trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Ông Tillerson cho biết thêm ông sẽ làm việc với các đối tác liên ngành để xây dựng một phương pháp tiếp cận tổng thể của chính phủ về việc ngăn ngừa Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thêm, cũng như ngăn ngừa các thách thức đối với tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển.

Luật sư Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bình luận với VOA từ Việt Nam về những phát biểu của ngoại trưởng Mỹ:

“Ngoài việc anh nói mục đích ra, nhưng anh còn có biện pháp cụ thể là cái gì? Cho đến bây giờ, chưa thấy nội các của [ông] Trump đưa ra một biện pháp khả dĩ và thuyết phục. Bây giờ mà để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận cái đó thì phải có một chiến lược dài. Trung Quốc đã cho xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa rồi và thậm chí là Hoàng Sa. Vậy thì làm sao để ngăn họ vào? Chiến tranh thì chắc chắn cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không dại gì phiêu lưu vào đó cả. Tuần tra [của Mỹ] cũng không là việc ngăn Trung Quốc ở trên mấy cái đảo đó được. Và chính vì vậy cho nên là đang chờ xem có biện pháp hữu hiệu nào không?”

Hôm 7/2, hãng tin AFP cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói ông tin rằng Trung Quốc sẽ cố xây dựng trên bãi cạn Scarborough chỉ cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng một động thái như vậy là không chấp nhận được.

Từ những tín hiệu của các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhất là Trung Quốc, Luật sư Việt nói về sự kỳ vọng đối với vai trò của Mỹ:

“Trong thời gian sắp tới, tôi chỉ mong chính quyền của Mỹ, nội các của ông Donald Trump có thể giữ cho tình trạng của Biển Đông không leo thang lại, đó cũng là thành công lắm rồi”.

Hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis khi ở thăm Nhật đã nói nên ưu tiên cho giải pháp ngoại giao ở Biển Đông và hoạt động quân sự chính của Mỹ không tính đến việc đối đầu với hành động quyết đoán của Trung Quốc tại đó. Hôm 6/2, Trung Quốc đã hoan nghênh phát biểu của ông Mattis.

http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-noi-ro-hon-ve-viec-chan-tq-tiep-can-dao-nhan-tao/3709664.html