Tin Việt Nam – ngày 05/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – ngày 05/02/2017

Đinh Dậu, mùa Xuân ‘hy vọng của đổi mới’

Bản quyền hình ảnhPHOTO NGUYEN LAN THANG/BBC
Image captionTết nguyên đán và đầu Xuân luôn là những dịp đặc biệt cho các lễ hội và hoạt động gắn kết cộng đồng ở Việt Nam.
‘Tất cả các năm Đinh Dậu trong lịch sử Việt Nam đều báo hiệu một điều thay đổi, vì vậy cho nên chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi’, đó là điều mà một nhà nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời là chủ blog ‘Chú Tễu’ chia sẻ trong một chương trình mạn đàm đầu Xuân với BBC Việt ngữ hôm 05/2/2017.
Tán thành với một khách mời cùng dự cuộc tọa đàm hôm Chủ Nhật, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội nói:
“Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Võ Thị Hảo khi nói rằng đất nước Việt Nam hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là về kinh tế, văn hóa và xã hội.
“Điều này đòi hỏi là những nhà lãnh đạo cần phải thay đổi. Nếu không tạo ra một sự thay đổi… trên một cục diện lớn, sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng chìm đắm vào trong một sự lạc hậu, cổ hủ, nghèo nàn và bất công trong xã hội ngày càng lớn.
“Và sự thay đổi này đang đặt ra như một tối hậu thư đối với những nhà lãnh đạo và nếu như không có sự thay đổi thì đất nước Việt Nam sẽ ngày càng đi xuống, một cách như là xuống dốc không phanh,” nhà nghiên cứu Hán Nôm và Ca Trù nói với BBC.

‘Tín hiệu đổi mới’

Mới đây nhân đón Tết nguyên đán và trong dịp đầu Xuân Đinh Dậu, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ở trung ương và địa phương đã xuất hiện trên truyền thông, trong đó có nhà lãnh đạo xuống ruộng cày máy, có vị tham gia trồng cây, có vị chuẩn bị tham dự lễ phát ấn, trong lúc các vị khác tranh thủ đầu Xuân năm sớm đưa ra các chỉ thị, chỉ đạo như ở Hà Nội là yêu cầu chấm dứt nhanh không khí vui Tết, còn tại Sài Gòn là ngăn chặn bảo kê thu mua sữa ở Củ Chi v.v…
Bình luận về ‘tín hiệu đổi mới’ nhân năm mới và liên quan vài khía cạnh ở trên, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin, CHLB Đức nói với BBC:
“Một tín hiệu nói rằng nếu không đổi mới sẽ chết, bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam phải làm việc đó như thế nào?
“Họ có thực lòng hay không, hay chỉ là đổi mới râu ria, để rồi tình hình lại tệ hơn và chế độ, hệ thống tư bản thân hữu, hệ thống tư bản ‘hoang dã, man rợ’, hiện nay đang ‘thoán đoạt’ những lãnh đạo ở Việt Nam, thì nó sẽ còn tàn hại người Việt Nam đến mức nào?
“Và chữ ‘chủ nghĩa tư bản thân hữu’ không phải là từ của tôi nghĩ ra, đấy là từ đăng trong một Tạp chí Cộng sản năm 2015 của ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, họ đã nhận ra, nhưng mà từ đó, họ vẫn không làm. Vậy thay đổi bây giờ là thay đổi như thế nào?
“Tôi quan tâm đến những việc đó hơn, còn những chuyện đi cày ruộng hay là trồng cây, tất cả những trò đó đều hết sức hình thức và ‘vớ vẩn’.
“Cái quan trọng nhất là hãy cứu nước Việt Nam và tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo đừng nghĩ rằng họ không phải là nạn nhân của thể chế Việt Nam hiện nay và trong khi cứu nước thì họ cũng phải tự cứu mình. Tôi nghĩ điều đó quan trọng hơn,” nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo chia sẻ với BBC từ thủ đô nước Đức.
Mời quý vị bấm vào các đường dẫn sau đây để theo dõi thêm một số trao đổi, mạn đàm đầu năm Đinh Dậu giữa BBC Việt ngữ với một số văn nghệ sỹ và nhà nghiên cứu nhân dịp Xuân về.
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38874236

Tổ chức thành các đội tàu để ra khơi đánh cá

Bảng tin của trang web của chính phủ Việt Nam cho hay là ngư dân tỉnh Bình Định đang tổ chức thành các đội tàu để ra khơi đánh cá có hiệu quả hơn.
Theo chi cục thủy sản tỉnh Bình Định thì hiện nay tỉnh này có 2752 tàu đánh cá tham gia vào 686 đội tàu.
Việc thành lập các đội tàu này làm cho ngư dân có thể giúp đỡ nhau khi đi đánh cá xa bờ, chống lại những rủi ro trên biển tốt hơn, tiết kiệm được nhiên liệu. Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam thì việc làm này cũng giúp cho ngư dân góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước.
Xin nhắc lại là việc đánh cá xa bờ của ngư dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây do phải đương đầu với sự lấn lướt của Trung quốc trên biển Đông. Nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình lên đến 90% diện tích biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn là ngư trường quen thuộc của ngư dân Việt Nam. Trung quốc thường xuyên dùng các tàu hải giám bán vũ trang, hoặc các tàu đánh cá to lớn hơn tàu của ngư dân Việt Nam để tấn công làm hư hại tàu Việt Nam
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/fishing-boat-organize-02052017082309.htm
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: không cần thiết hoạt động
quân sự tại Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng không cần thiết phải có hoạt động quân sự tại Biển Đông trong thời điểm này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày hôm nay, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ ông Jim Mattis cho rằng Trung Quốc đang xé nhỏ niềm tin của các nước trong khu vực về vấn đề Biển Đông nhưng mặc dù vậy, Bộ trưởng Mattis cũng khẳng định các nỗ lực ngoại giao vẫn cần thiết trong lúc này hơn là các cuộc diễn tập quân sự.
Giới quan sát quốc tế nhận định chính phủ của Tổng thống Trump sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Trung Quốc không được phép có mặt tại các hòn đảo nhân tạo mà nước này thiết lập vội vã trước đây nhằm xác lập chủ quyền một cách bất hợp pháp ở phía Nam Biển Đông.
Nhà Trắng cũng nhiều lần mạnh mẽ tuyên bố sẽ bảo vệ con đường thủy chiến lược mà quốc tế toàn quyền sử dụng
www.rfa.org/…/mattis-says-no-need-for-dramatic-us-military-moves-in-s-china-sea-

Việt Nam hợp pháp hóa việc cá độ bóng đá quốc tế

Việt Nam hợp pháp hóa việc cá độ bóng đá quốc tế nhưng giới hạn số tiền cá cược chỉ trong vòng 1 triệu đồng mỗi lần đặt cược.
Trong một quyết định mới nhất chính phủ Việt Nam cho phép dân ghiền cá độ bóng đá sau một thời gian rất dài cờ bạc bị cấm đoán trong mọi hình thức. Vào tháng trước một quyết định khác của chính phủ cho biết công dân Việt Nam được phép vào các sòng bài quốc tế bắt đầu vào trung tuần tháng Ba tới và nhấn mạnh rằng đây chỉ là thí điểm và nhà nước sẽ xem xét lại trước khi có văn bản dưới luật.
Chính phủ cũng cho biết ngoài cá cược bóng đá, dân chúng cũng được phép cá cược trong các trận đua ngựa hay đua chó trong thời gian tới.
Việc cho phép này nhằm kiểm soát dòng tiền trong dân chúng bỏ ra cờ bạc và chính phủ có thể thu được hàng trăm triệu đô la tiền thuế..
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/Vietnam-legalises-betting-on-football-racing-0.

23 năm Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam

Ngày này cách đây đúng 23 năm, 3 tháng 2 năm 1994, tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton công bố quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Mạng báo Politio hôm nay nhắc lại mốc lịch sử vừa nêu.
Mặc dù Washington bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại như thế nhưng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ lúc đó vẫn phải chịu mức thuế cao cho đến khi đủ tiêu chuẩn được cấp qui chế ‘tối huệ quốc’ từ phía Hoa Kỳ. Lúc đó Washington nêu rõ Hà Nội cần phải tiến hành cải cách kinh tế sâu rộng thành một nền kinh tế thị trường đề có thể có được qui chế ‘tối huệ quốc’.
Vào tháng 7 năm 1995, tổng thống Bill Clinton cho thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nhà cầm quyền Hà Nội. Quyết định này được ông Bill Clinton tiết lộ là nhờ tư vấn của thượng nghị sĩ John McCain; một cựu phi công Mỹ từng bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội trong 5 năm thời cuộc chiến Việt Nam.
Vào tháng 11 năm 2000, ông Bill Clinton trở thành vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên sang thăm
Việt Nam kể từ chuyến công du của tổng thống Richard Nixon đến miền nam Việt Nam năm 1969.
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/clinton-ends-vn-trade-embargo-02032017084..

Đổ xô mua vàng vía thần tài

Giá vàng tại Hà Nội và Sài Gòn đã tăng lên đến gần 38 triệu đồng một lượng vàng.
Báo chí Việt Nam cho biết là giá vàng tăng liên tục từ những ngày đầu năm 2017 đến nay, chỉ dừng lại trong những này nghỉ Tết nhưng lại tăng vọt trở lại trong những này sau Tết nguyên đán. Lý do của việc tăng giá mạnh này của thị trường vàng Việt Nam là do người dân đổ xô nhau đi mua vàng cho ngày vía thần Tài, mùng mười tháng giêng âm lịch, tức là vào ngày mai, thứ hai ngày 6 tháng 2 dương lịch.
Theo niềm tin dân gian thì vào ngày 10 tháng giêng âm lịch, thần Tài sẽ bay trở về trời, cho
nên để tưởng nhớ ngài, người ta tổ chức cúng lễ bằng phẩm vật và vàng để cầu tài lộc may mắn. Ngoài giới làm ăn buôn bán, người ta cũng thấy các tầng lớp khác như công chức, nhân viên văn phòng cũng mua vàng cúng thần Tài mong may mắn, tài lộc đầu năm.
www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/gold-fortune-02052017081936.html

Việt Nam và Ấn Độ bàn chuyện tên lửa Brahmos

Một quan chức quốc phòng Ấn Độ mới cho quốc hội biết rằng nước này và Việt Nam đã bàn thảo về một loạt các vấn đề, trong đó có chuyện cung cấp thiết bị quân sự cho Hà Nội, nhất là tên lửa Brahmos, vốn từng khiến Trung Quốc quan ngại.
Thứ trưởng Quốc phòng Subhash Bhamre hôm 3/2 nói rằng Ấn Độ và Việt Nam có “mối quan hệ đối tác chiến lược”, và “hợp tác quốc phòng, trong có có việc cung cấp thiết bị quốc phòng là một khía cạnh quan trọng của mối quan hệ đối tác này”.
Theo PTI, ông Bhamre trả lời như vậy trước câu hỏi rằng liệu chính phủ Ấn Độ có bất kỳ kế hoạch bán tên lửa đất đối không Akash và tên lửa siêu thanh Brahmos cho Việt Nam hay không.
Thông tin này xác nhận những đồn đoán trước đó rằng Hà Nội bày tỏ mong muốn mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tới quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới hồi cuối năm ngoái.
Nhiều hãng tin quốc tế từng đưa tin về khả năng Việt Nam có thể mua tên lửa hành trình Brahmos do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất.
Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi từng lệnh cho liên doanh Brahmos, vốn sản xuất tên lửa tối tân trên, tăng cường bán chúng sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm ngoái bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại, sau khi các tin tức nói rằng New Delhi có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tối tân dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Các quan chức quân sự Ấn Độ nói rằng nước này dự tính trang bị cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc tên lửa Brahmos trong nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở vùng biên.
Trước khi ông Lịch sang Ấn Độ, trong khi thăm Việt Nam tháng Chín năm ngoái, Thủ tướng Modi hồi tháng Chín năm ngoái thông báo cấp cho Hà Nội khoản tín dụng mới trị giá nửa tỉ đôla để “tăng cường hợp tác quốc phòng”.
Thủ tướng Ấn Độ nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ “đóng góp vào ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Các nhà quan sát cho rằng khoản tín dụng này sẽ giúp Việt Nam tăng cường quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.
Trong chuyến thăm của ông Lịch, theo tờ Tribute India, Ấn Độ còn ký một thỏa thuận với Việt Nam để huấn luyện các phi công của không lực quốc gia Đông Nam Á này lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 do Nga sản xuất.
www.voatiengviet.com/a/vietnam-va-an-do-ban-chuyen…brahmos/3707003.html

Tranh cãi về kế hoạch K5 của Việt Nam tại Campuchea

K5 đầy tranh cãi
Các tranh cãi xoay quanh sự can thiệp quân sự của Việt Nam trong cuộc chiến giúp Campuchea đánh đuổi Khmer Đỏ, sau 38 năm, vẫn chưa nguôi lặng.
Mới đây, lãnh tụ đảng đối lập của Campuchea công khai tố cáo rằng Việt Nam đã chỉ đạo cho giới lãnh đạo Campuchea trong giai đoạn cuối thập niên 70, đầu những năm 80 sát hại chính đồng bào của họ.
Ông Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong tại Pháp, mấy ngày qua đã lên Facebook nhắc lại thời kỳ lịch sử sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, cáo buộc kế hoạch K5 của Việt Nam lúc đó đã cướp đi thêm nhiều sinh mạng của dân Campuchea thời hậu Pol Pot.
Ông Rainsy nói với VOA Việt ngữ: “Bất kỳ một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào cũng sẽ nhận ra rằng trong giai đoạn lịch sử Campuchea hồi thập niên 80 có một chiến lược được vạch ra để sát hại thường dân vô tội, giống như chế độ Pol Pot vậy. Xin quý vị hãy vào Facebook của tôi để xem tất cả những tài liệu, bài báo, và sách vở tham khảo. Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm phải phơi bày sự thật lịch sử bị quên lãng này ra ánh sáng.”
Khởi phát từ Hà Nội trong những năm đầu thập niên 80, kế hoạch K5 dần dần được đưa vào thực thi trước khi được áp dụng hoàn toàn tại Campuchea trong giai đoạn 1984-1988.
Kế hoạch này liên quan đến việc khai hoang một dải đất dọc theo biên giới giữa Campuchea với Thái Lan để quân Khmer Đỏ không còn chốn ẩn náu, đồng thời gài mìn bẫy để tiêu diệt và ngăn chặn tàn dư Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchea.
Phe chỉ trích kế hoạch này nói rằng nhiều người dân Campuchea được tuyển mộ từ các tỉnh để chuyển tới các khu vực dọc theo dải biên giới ấy để thực hiện công tác khai hoang, đối mặt với những hiểm nguy từ mìn bẫy, sốt rét, đói khát, và lao động quá sức.
Lúc kế hoạch K5 được áp dụng tại Campuchea, ký giả Kimseng Men của ban tiếng Khmer đài VOA đang trong độ tuổi tiểu học. Bố anh là trưởng thôn được lệnh từ cấp trên đi động viên dân làng tham gia kế hoạch K5.
Anh Kimseng cho biết K5 có ba mục tiêu chính: bảo vệ, xây dựng, và khai hoang. Anh nói dân bản địa không mấy ưa chuộng kế hoạch này nhưng buộc phải tham gia. “Lúc bấy giờ, thanh niên 18 tuổi trở lên, hoặc phải nhập ngũ, hoặc bị đưa đi K5. Nhiều người tìm mọi cách gian lận tuổi tác để tránh né. Trở về từ K5, không ít người ốm yếu và bệnh tật,” anh kể.
Giới cầm quyền ở Campuchea, đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen, người từng sang ‘cầu viện’ Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchea đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cho rằng kế hoạch K5 đã giúp mang lại hòa bình và ổn định chính trị cho Campuchea.
Trái lại, phe đối lập của Campuchea nói sự thật đằng sau kế hoạch K5 là phía Việt Nam đã dùng lãnh đạo Campuchea, những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền, tiếp tục chính sách sát hại chính người dân Campuchea, chẳng khác gì Pol Pot.
Ông Hồ Bá Lộc là một sĩ quan quân đội từng chiến đấu ở Campuchea từ trước 1975 đến cuối 1981. Sau 1979 khi Pol Pot bị truy quét ra khỏi Campuchea, ông Lộc nằm trong lực lượng tham gia giải phóng Campuchea trong vai trò trợ lý tham mưu tác chiến của lữ đoàn 127, vùng 5, hải quân. Ông được đưa lên vùng biên giới Campuchea-Thái Lan, đảm nhận các công tác bao gồm nắm tình hình qua lại ở biên giới Campuchea, vận chuyển trang thiết bị, thay quân cho lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchea.
Ông Lộc nói K5 là một chiến lược chung, vì lúc đó Khmer Đỏ có các căn cứ đóng ở sát dọc biên giới Thái Lan-Campuchea: “Nếu mà lơi lỏng, các lực lượng Khmer Đỏ lại đột kích dọc theo chiều dài biên giới trở vào làm cho tình hình bất an. Việc rải mìn không chỉ phía Việt Nam, mà cả phía Khmer Đỏ cũng làm, trong đó bộ đội Việt Nam chết nhiều nhất, bị thương nhiều nhất vì các bãi mìn của Khmer Đỏ. Trong tổng số 40 ngàn người đã chết trong cuộc chiến 1979 trở về sau, cũng có rất nhiều bộ đội Việt Nam chết và bị thương chủ yếu là do bãi mìn của Khmer Đỏ.”
Sĩ quan này cho biết từ tháng 1/1979 khi lực lượng Khmer Đỏ xem như hoàn toàn bị quét khỏi các cứ địa lớn ở Campuchea, Việt Nam đưa lực lượng biên phòng sang để giúp bộ đội biên phòng Campuchea, hình thành lực lượng dọc theo đường biên giới Campuchea-Thái Lan, với chủ trương ngăn tại biên giới, không cho Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchea.
Ông Lộc nói: “Cái chuyện lập K5 ra để tàn sát hoàn toàn là lập luận hết sức vu cáo, nhằm vu cáo bộ đội Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là lập các khu an toàn để người dân trở về. Ngay cả những người đi lính Khmer Đỏ có nguyện vọng trở về lại với nhân dân cũng đều được bảo vệ. Nhưng chính vì vậy mà lực lượng Khmer Đỏ giả vờ về, rồi gia nhập lại lực lượng kháng chiến của Hun Sen. Rất nhiều người đội lốt, tức là Khmer Đỏ trở về mặc áo của người lính ban ngày, đêm lại quay lại báo cho Khmer Đỏ vị trí đóng quân để đột kích lại lực lượng quân đội. Đó cũng là một khó khăn rất lớn. Điều đó tạo ra thêm hy sinh sau chiến tranh, trở ngại cho bộ đội Việt Nam và Campuchea rất nhiều.”
Chưa có đánh giá chính thức về kế hoạch K5 thành công hay thất bại, cũng không có thống kê chính thức số tử vong vì K5, nhưng tờ Khmer Times trong tuần dẫn tin tức báo chí rằng kế hoạch này đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, mà theo lời ông Sam Rainsy, trong đó có rất nhiều thường dân Campuchea, chưa kể số bị thương tật và tàn phế suốt đời.
Người sĩ quan Việt Nam tham chiến tại Campuchea cho biết sau giải phóng, phần đông dân Campuchea đã bị Khmer Đỏ lùa lên rừng và ‘chính lực lượng trong rừng là chiến tranh du kích, ban ngày họ có thể là dân, đêm họ có thể trở thành lính của Khmer Đỏ.’ ‘Thành ra, khó có thể xác định được có phải là dân hay không. Đó là thực tế trong chiến tranh.’
Tuy nhiên, ông quả quyết rằng cả Campuchea lẫn Việt Nam lúc đó đều đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ dân, đưa những người sơ tán khỏi họa diệt chủng đang sống rải rác trong rừng hoặc bị Khmer Đỏ ép lên các vùng núi cao trở lại các thôn làng.
www.voatiengviet.com/a/tranh-cai…hoachk5vietnamcampuchea/3704567.html