Tin Việt Nam – 04/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/02/2017

Nữ dân biểu gốc Việt chúc Tết cộng đồng

Khánh An-VOA

Mở đầu bài phát biểu, Dân biểu Stephanie Murphy cho biết tên tiếng Việt của cô là Dung (Đặng Thị Ngọc Dung) và gửi lời chúc Tết đến cộng đồng bằng vốn tiếng Việt còn khá hạn chế. Cô nói:

“Kính chúc quý vị năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý”.

Gia đình Dân biểu Stephanie Murphy đến Mỹ tị nạn khi cô chưa đầy 1 tuổi. Trước khi đắc cử vào Quốc hội, Stephanie là một nhà giáo, một nữ doanh nhân và chuyên gia an ninh quốc nội. Cô tham gia điều hành một công ty tư vấn đầu tư và giảng dạy tại trường cao đẳng Rollins. Trước đó, cô là một chuyên gia an ninh làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ và nhận được rất nhiều bằng khen vì những thành tích trong công việc.

Sau khi đắc cử làm dân biểu đại diện cho Địa hạt 7, bang Florida, cô Stephanie Murphy cũng trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bước chân vào Quốc hội Hoa Kỳ. Chia sẻ với VOA về cảm nhận sau khi đắc cử, cô Stephanie cho biết:

“Tôi rất vui sướng vì có cơ hội được đại diện cho người dân ở miền Nam Florida ở Quốc hội. Tôi cũng rất vui sướng trở thành người phụ nữ Việt đầu tiên phục vụ tại Quốc hội vì tôi tin rằng người đại diện ở Quốc hội cũng như mọi người trên đất nước này, đều mong muốn có một chính phủ đa dạng. Tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế tươi sáng cho nước Mỹ để mọi người được cùng hưởng lợi, tiếp tục tạo ra những cơ hội mà gia đình tôi đã có được, là làm việc chăm chỉ và thăng tiến trên đất Mỹ”.

Trước đó, cô chia sẻ với cộng đồng về câu chuyện của bản thân và gia đình:

“Tết là dịp rất đặc biệt vì nó phản ánh di sản rất đáng tự hào của chúng ta. Quý vị cũng biết là gia đình tôi chạy trốn Cộng sản Việt Nam sang đây tị nạn khi tôi gần 1 tuổi. Tôi phải thú nhận là chính câu chuyện gia đình tôi là động lực khiến tôi tranh cử vào Quốc hội. Là một người tị nạn, tôi rất ngại chia sẻ câu chuyện của mình trong chiến dịch vận động tranh cử. Nhưng may mắn thay, một người anh của tôi đã giúp tôi hiểu rằng câu chuyện của gia đình tôi cũng chính là câu chuyện của nước Mỹ. Nó đáng tự hào và cần được chia sẻ với công chúng. Nhưng câu chuyện của gia đình tôi đã không xảy ra nếu người Mỹ không tôn trọng những nguyên tắc nền tảng để mang lại niềm hy vọng, ánh sáng và tự do cho những người trốn chạy khỏi những sự đàn áp trên thế giới.”

Cô nói tiếp:

“Tôi có lẽ không cần phải nói với quý vị rằng người tị nạn rất hãnh diện khi trở thành công dân Mỹ. Họ cũng yêu mến đất nước mới này nhiều như gia đình chúng tôi. Một trong những sự kiện hãnh diện nhất đời tôi là khi tôi đứng bên cạnh mẹ để tuyên thệ trở thành công dân Mỹ và vẫy lá cờ Mỹ. Lúc đó tôi mới được 12 tuổi. Hơn 25 năm sau, vào tháng 1 năm nay, con trai 6 tuổi của tôi đã cầm lá cờ mà tôi đã cầm khi lên 12, đứng tại Hạ viện để xem tôi tuyên thệ lần thứ hai khi trở thành dân biểu Quốc hội Mỹ. Khoảnh khắc như thế chỉ có thể xảy ra tại nước Mỹ”.

Nữ dân biểu Murphy nói với cộng đồng người Việt rằng điều quan trọng là phải lên tiếng để góp phần giữ gìn những giá trị của nước Mỹ như tính đa dạng, đa sắc, bình đẳng, tự do và cơ hội cho tất cả mọi người. Cô nói:

“Đây không phải là lúc để im lặng. Đây là lúc để hành động. Xin hãy tham gia và kể câu chuyện của quý vị, giúp chúng tôi bảo vệ nước Mỹ mà chúng ta từng biết. Đó là một nước Mỹ với vòng tay mở rộng, mang đến tự do và những cơ hội không thể có được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.

Ngoài vấn đề người tị nạn, những vấn đề kinh tế, an ninh quốc phòng cũng rất được Dân biểu Stephanie Murphy quan tâm.

Cũng trong ngày 2/2, Dân biểu Murphy đã trình lên quốc hội một dự luật liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự về an ninh trong chính quyền Hoa Kỳ.

Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, sáng lập viên Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, một trong những thành viên Ban tổ chức sự kiện mừng Xuân, cho biết thêm:

“Hôm nay là một ngày rất vui vì thứ nhất, đó là ngày đầu năm Đinh Dậu. Thứ hai, đây là lần đầu tiên chúng ta có một nữ dân biểu người Mỹ gốc Việt đắc cử vẻ vang vào Hạ viện Hoa Kỳ. Cô là đại diện đảng Dân chủ và cũng đại diện cho tiếng nói của người Mỹ gốc Việt. Nhưng hôm nay, cô vừa ra một dự luật nói đặc biệt đến vấn đề của ngày hôm nay. Cô rất quan tâm đến những vấn đề của người tị nạn, di dân vì quá khứ của cô. Nhưng cô cũng có kinh nghiệm về quốc phòng. Cô từng làm trong Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bush. Cho nên dự luật cô trình ra hôm nay rất được tán thưởng. Dự luật nói rằng một người muốn được vào Hội đồng An ninh Quốc gia thì phải là người có căn bản, kinh nghiệm và phải được Quốc hội thông qua, chứ không phải ai cũng có thể vào Hội đồng An ninh Quốc gia được”.

Theo bà Ngọc Giao, dự luật do Dân biểu Stephanie đưa ra được nhiều người hưởng ứng bởi vì nó đáp ứng nỗi lo của nhiều người dân Mỹ về khả năng có những người không có kinh nghiệm về an ninh hay quốc phòng được bổ nhiệm để nắm các chức vụ trong cơ quan phụ trách về an ninh quốc gia Mỹ.

Một thành viên khác của Ban tổ chức, Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn Á châu cho Thống đốc bang Virginia, khuyên cộng đồng Việt Nam nên mạnh dạn liên lạc với văn phòng của các dân biểu, thượng nghị sĩ khi có những vấn đề cần lên tiếng.

“Dân biểu phải là người đi rất sát với dân chúng. Họ là những người đại diện cho những cử tri trong vùng họ sinh sống. Hơn thế nữa, khi họ vô Quốc hội Hoa Kỳ, họ có thể được bổ nhiệm vô những công việc chuyên môn mà có thể đại diện nhiều hơn nữa ngoài những cử tri trong vùng họ sinh sống. Những người này thực sự là tiếng nói của người dân trong Quốc hội Hoa Kỳ. Vì thế, chúng ta đừng ngại và nghĩ rằng họ quá xa vời ngoài tầm với của người dân”.

Tham gia trong sự kiện mừng Xuân Đinh Dậu còn có các bạn trẻ, sinh viên, học sinh người Việt. Một trong số đó là Phó Thanh Nhật.

“Thật sự rất hãnh diện khi có người Mỹ gốc Việt thành công làm Congresswoman (dân biểu). Sinh ra ở Việt Nam, sống ở Mỹ và trở thành người đàn bà đầu tiên (vào Quốc hội) nên Stephanie làm em rất inspired (được truyền cảm hứng). Stephanie là idol (thần tượng) cho những người giống như em. Thời này là rất khó cho những người nghĩ rằng government (chính phủ) không supportive (ủng hộ, giúp đỡ) thì bây giờ có Stephanie Murphy như là một positive moment (điều tích cực), some hopes (chút hy vọng), có representation (đại diện) trong government”.

Trước Dân biểu Stephanie Murphy, người gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh). Ông Joseph Cao là dân biểu Địa hạt 2 của bang Louisiana tại Hạ viện Hoa Kỳ trong những năm từ 2009 đến 2011.

http://www.voatiengviet.com/a/nu-dan-bieu-tan-cu-my-goc-viet-chuc-tet-cong-dong/3703780.html

 

Du khách đến VN tăng mạnh dịp Tết,

đặc biệt từ Trung Quốc

04.02.2017


 

Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1 tăng gấp 2,7 lần số du khách đến từ châu Mỹ, bằng tổng số du khách của cả châu Âu và châu Đại Dương cộng lại, VnEpxress dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết hôm 3/2.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt 1.007.238 lượt, trong đó khách Trung Quốc chiếm 247.600 lượt, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo chí Việt Nam và Trung Quốc nói lý do nhiều người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch là vì muốn hưởng một kỳ nghỉ ở nước ngoài mà không phải trải qua một hành trình dài.

Đa số khách du lịch Trung Quốc đến tham quan ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long, điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam. Gần đây, tỉnh Quảng Ninh cho phép khách du lịch Trung Quốc đi theo nhóm có thể ở lại tới 3 ngày mà không cần có thị thực du lịch.

Ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp 10% vào doanh thu nội địa của Việt Nam, trở thành một lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020 với dự kiến sẽ đạt được 35 tỉ đôla doanh thu.

Tuy nhiên, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng cũng gây ra những quan ngại trong công chúng Việt Nam về vấn đề an ninh, quốc phòng. Hồi đầu tháng này, TP.HCM đã công bố một bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách sau khi có nhiều phản ánh trên báo chí về những cách hành xử không đẹp và “quá khích” của nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc.

http://www.voatiengviet.com/a/du-lich-den-viet-nam-tang-manh-dip-tet-dac-biet-tu-trung-quoc/3705532.html

 

‘Bài Việt’, lá bài trong tranh cử Campuchia

Công an tỉnh An Giang vừa yêu cầu cảnh sát Campuchia bảo vệ và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc đối với người Việt ở Campuchia trong thời gian dẫn đến các cuộc bầu cử tại nước này.

Hôm 3/2, Khmer Times dẫn lời cảnh sát trưởng huyện Chhoeun Bunchhorn, ông Koh Thom, cho biết các giới chức cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia) đã có một cuộc họp với công an Việt Nam ở tỉnh An Giang và thảo luận về vấn đề này.

“Tại cuộc họp, các đối tác công an Việt Nam của chúng tôi ở tỉnh An Giang đã yêu cầu các lãnh đạo cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo phải hành động để ngăn chặn sự kích động và phân biệt đối xử đối với người Việt Nam”, ông Koh Thom nói và cho Khmer Times biết thêm rằng công an Việt Nam cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ người Việt đang hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật ở Campuchia.

Phong trào bài Việt dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian dẫn tới bầu cử tại Campuchia vì có nhiều khả năng các đảng chính trị Campuchia sẽ tung ra những luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc như một công cụ để giành lá phiếu của cử tri.

Các cuộc bầu cử hội đồng cấp xã sắp diễn ra trong vài tháng tới và cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào năm sau đang gây áp lực lên chính quyền Campuchia về vấn đề cân bằng chủng tộc tại nước này.

Hồi tháng Giêng, phe đối lập, là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) tuyên bố có gần 2.500 người nước ngoài, chủ yếu là người Việt, đã đăng ký bỏ phiếu bất hợp pháp trong các cuộc bầu cử sắp tới. Đảng này yêu cầu loại tên những người này khỏi danh sách cử tri tạm thời, nhưng sau đó đã bị Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia bác bỏ vì thiếu “bằng chứng hợp pháp”.

Channel News Asia dẫn lời ông John Coughland, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, nhận định: “Đảng cầm quyền biết rõ sự ác cảm này sâu sắc tới mức nào và có thể sẽ tạo ra một chương trình trục xuất những người Việt yếu thế, sinh sống dọc khu vực biên giới như là một công cụ để tránh mất đi một lượng lớn ủng hộ cho phe đối lập”.

Người Việt nhập cư đã trở thành mối quan tâm của nhiều người dân Campuchia. Sự hiện diện ngày càng tăng của người Việt bị cho là gắn liền với vấn đề di trú mất kiểm soát, nguồn tài nguyên suy kiệt và sự mở rộng quyền lực của Việt Nam, điều mà một số người Campuchia xem là một cuộc xâm lăng thầm lặng.

Thống kê của Cục xuất nhập cảnh Campuchia ghi nhận từ giữa năm 2010 đến năm 2014, có hơn 160.000 người nhập cư Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia. Một chiến dịch của chính quyền Campuchia đối với người di cư bất hợp pháp hồi năm ngoái đã dẫn tới hơn 2.400 người bị trục xuất về Việt Nam và hơn 6.000 bị trả về nước trong năm 2015.

Bất chấp tình trạng bài Việt, chính quyền Campuchia dưới thời của Thủ tướng Hun Sen được nhiều người xem là có mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội, một yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến khả năng lên nắm quyền của ông Hun Sen trong những năm 1980.

http://www.voatiengviet.com/a/vietnam-yeu-cau-campuchia-chan-nan-phan-biet-chung-toc-voi-nguoi-viet/3705515.html

 

Việt Nam hợp pháp hóa việc cá độ bóng đá quốc tế

Việt Nam hợp pháp hóa việc cá độ bóng đá quốc tế nhưng giới hạn số tiền cá cược chỉ trong vòng 1 triệu đồng mỗi lần đặt cược.

Trong một quyết định mới nhất chính phủ Việt Nam cho phép dân ghiền cá độ bóng đá sau một thời gian rất dài cờ bạc bị cấm đoán trong mọi hình thức. Vào tháng trước một quyết định khác của chính phủ cho biết công dân Việt Nam được phép vào các sòng bài quốc tế bắt đầu vào trung tuần tháng Ba tới và nhấn mạnh rằng đây chỉ là thí điểm và nhà nước sẽ xem xét lại trước khi có văn bản dưới luật.

Chính phủ cũng cho biết ngoài cá cược bóng đá, dân chúng cũng được phép cá cược trong các trận đua ngựa hay đua chó trong thời gian tới.

Việc cho phép này nhằm kiểm soát dòng tiền trong dân chúng bỏ ra cờ bạc và chính phủ có thể thu được hàng trăm triệu đô la tiền thuế.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/Vietnam-legalises-betting-on-football-racing-02042017074355.html