Tin khắp nơi – 04/02/2017
Mỹ cảnh cáo Iran,
nhưng không tăng cường lực lượng ở Trung Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói Mỹ sẽ không tức thời xét tới việc tăng cường các lực lượng Mỹ ở Trung Đông để đáp ứng với “cách hành xử sai trái” của Iran, tuy nhiên ông cảnh báo rằng Washington và thế giới không thể làm ngơ các hành động của Iran.
Tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ở Tokyo hôm thứ Bảy 4/2, ông Mattis mô tả Iran là “nước bảo trợ cho khủng bố lớn nhất”, và nói rằng thế giới còn lại đang theo sát các động thái của Iran.
Hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ áp đặt các các biện pháp chế tài mới đối với 13 cá nhân và 12 thực thể có liên hệ với chương trình phi đạn đạn đạo của Teheran, và những cá nhân, tổ chức phụ thuộc trên khắp Trung Đông.
Các giới chức Mỹ miêu tả những biện pháp trừng phạt được tung ra hôm qua là một “tiến trình đang tiếp diễn gồm các cuộc tham khảo ý kiến với các cơ quan chủ yếu của Mỹ và các đồng minh.”
Nhưng các giới chức nói rằng ‘giọt nước làm tràn ly’ là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mà Iran thực hiện hôm 29/1 vừa rồi, vi phạm một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Iran thực hiện các cuộc thử nghiệm loại này.
Thẩm phán liên bang ra phán quyết
chặn đứng sắc lệnh cấm nhập cảnh của TT Trump
Một thẩm phán liên bang tại bang Washington ở vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ đã tạm thời chặn đứng lệnh cấm ban hành hồi tuần trước đối với du khách và di dân đến từ 7 nước mà dân đa số theo Hồi giáo. Lệnh của thẩm phán liên bang sẽ có hiệu lực trên toàn quốc.
Thẩm phán James Robart tại Seattle hôm thứ Sáu phán rằng các tiểu bang Washington và Minnesota có cơ sở pháp lý để thách thức sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho hay họ sẽ tuân thủ phán quyết của thẩm phán liên bang.
Ông Bob Ferguson, Tổng Chưởng lý bang Washington, phát biểu:
“Quyết định của Thẩm phán Robart, có hiệu lực tức thời, ngay bây giờ, chấm dứt sắc lệnh vi hiến và bất hợp pháp của Tổng thống Trump.”
Trao đổi với các nhà báo hôm Thứ Sáu, Tổng Chưởng lý Ferguson nói:
“Tiếng nói ồn ào nhất không phải là tiếng nói áp đảo tại toà án, mà chính là hiến pháp.”
Toà Bạch Ốc khuya hôm qua ra thông cáo nói rằng Bộ Tư pháp sẽ ban hành một lệnh khẩn cấp để chặn lại phán quyết “đáng lên án này trong thời hạn sớm nhất có thể”. Thông cáo của Toà Bạch Ốc còn bênh vực sắc lệnh của Tổng thống Trump là “hợp pháp và thích hợp.”
Sắc lệnh của ông Trump, cấm những người từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen có thị thực nhập cảnh, không được vào đất Mỹ. Lệnh cấm này đã gây ra các cuộc biểu tình tại các sân bay ở nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tổng thống Trump nói sắc lệnh này là cần thiết để bảo vệ sự an toàn của nhân dân Mỹ, không bị những kẻ khủng bố hãm hại.
Các luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trước đó cho biết hơn 100,000 visa đã bị rút lại vì sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, cấm những người du hành đến từ 7 nước vừa nêu, trong khi Bộ Ngoại giao cho hay chưa tới 60,000 visa bị huỷ bỏ.
Chính quyền bang Washington đã đệ nạp hồ sơ pháp lý thách thức lệnh cấm của Tổng thống Trump trong tuần, và chính quyền bang Minnesota lập tức tham gia khiếu kiện. Nhiều trường hợp kiện tụng khác đã được đệ nạp tại các toà án Mỹ, và đang chờ được xem xét
BTQP Mattis: Mỹ công nhận quyền cai trị
của Nhật tại Senkaku- Điếu Ngư
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố Hoa Kỳ thừa nhận quyền cai trị của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, phát biểu này đã lập tức bị Bắc Kinh đả kích.
Phát biểu hôm nay, thứ Bảy 4/2 ở Tokyo, ông Mattis nói rằng trong các cuộc thảo luận của ông với vị tương nhiệm Nhật Bản, bà Tomomi Inada, ông đã “nêu rõ rằng chính phủ Mỹ hiện nay vẫn duy trì chính sách lâu đời của Washington đối với quần đảo Senkaku.”
Quần đảo không có người ở đang trong vòng tranh chấp này được người Nhật gọi là Senkaku, người Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền quần đảo này. Cũng trong khu vực, Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo trong Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược giàu tài nguyên dầu khí, và cũng là một ngư trường phong phú hải sản.
Tuy nhiên ông Mattis không đề nghị bất cứ động thái quân sự nào trong vùng biển mà Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói:
“Điều mà chúng ta phải làm bây giờ là tận dụng mọi cố gắng ngoại giao để tìm cách giải quyết đúng đắn vụ tranh chấp này, duy trì các kênh liên lạc đối thoại.”
Ông Mattis nhận mạnh: “Tại thời điểm này, tôi thấy không cần thiết phải đề ra những động thái quân sự đầy kịch tính”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc về tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau mà nước này đã gây ra vì những hành động hung hăng trong khu vực Biển Đông. Ông nói Trung Quốc đã “phá hoại lòng tin của các nước trong khu vực, và dường như tìm cách phủ quyết, áp đảo các nước láng giềng bằng các công cụ ngoại giao, an ninh và kinh tế.”
Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích lập trường của Mỹ trong khu vực tranh chấp. Ông Lục Khảng kêu gọi Hoa Kỳ “hãy có thái độ có trách nhiệm, ngưng đưa ra những luận điều sai trái về vấn đề liên quan tới quần đảo Điếu Ngư, chủ quyền, và tránh phức tạp hoá vấn đề, làm cho tình hình thêm bất ổn.”
Hôm qua 3/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản khi ông gặp Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo, trong chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài của ông từ khi ông nhậm chức.
Trung quốc bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Jim Mattis Trung Quốc lập tức phản ứng rằng những phát biểu này gây bất ổn tại Châu Á và rất mạo hiểm.
Quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là trung tâm các cuộc tranh cãi gay gắt giữa Tokyo và Bắc Kinh, trong đó Bắc Kinh tuyên bố là một phần của lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi phía Mỹ có thái độ trách nhiệm, ngừng những nhận xét sai trái và tránh đưa ra những vấn đề phức tạp hơn mang lại sự bất ổn cho tình hình khu vực.
Phát ngôn viên Lục Khảng cũng nói rằng hiệp ước Mỹ-Nhật Bản là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Mattis đến Nhật Bản vào ngày thứ Sáu sau khi đến Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông tới khu vực này là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao của chính quyền Trump, nhằm trấn an các đồng minh chủ chốt Đông Á của Washington về cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ.
Thẩm phán yêu cầu
Tòa Bạch Ốc trao danh sách cấm nhập cảnh Mỹ
Một thẩm phán liên bang ở Virgina ra lệnh cho Tòa Bạch Ốc cung cấp danh sách tất cả những người bị ngăn chặn không được vào Mỹ do sắc lệnh cấm du hành Tổng thống Donald Trump ban hành tuần trước đối với công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Phán quyết đưa ra trong cùng ngày mà luật sư từ 4 tiểu bang ra tòa kiện sắc lệnh của Tổng thống. Chính quyền Trump nói sắc lệnh vừa ban dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, nhưng những người chống đối tố cáo đây là hành động vi hiến.
Bộ Ngoại giao ngày 3/2 cho biết có dưới 60 ngàn visa cấp cho công dân các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen đã bị hủy sau sắc lệnh của Tổng thống.
Thẩm phán Leonie Brinkema ở Virgina yêu cầu chính phủ liên bang Hoa Kỳ hạn chót là thứ năm tuần tới phải cung cấp danh sách tất cả những ai bị khước từ nhập cảnh hoặc bị trục suất ra khỏi Mỹ.
Sắc lệnh hôm 27/1 của ông Trump đã khơi mào tình trạng lộn xộn tại các phi trường Mỹ cuối tuần qua. Lệnh cũng tạm thời ngưng không cho người tị nạn vào nước Mỹ cũng như dừng vô thời hạn việc tái định cư cho người tị nạn Syria.
Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng nhẹ trong tháng Một
Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ tăng đôi chút trong tháng Một năm 2017, trong khi số công việc mới được kiến tạo trừ số việc làm bị mất đi, tăng mạnh hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.
Phúc trình do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố hôm thứ Sáu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 4,8%, tăng 0.10% so với tháng trước, vì có nhiều người hơn đi tìm việc.
Những người lao động không được chính thức liệt vào thành phần thất nghiệp, trừ phi họ đã đi tìm kiếm việc làm trong 4 tuần lễ trước đó. Rất nhiều việc làm mới kiến tạo là trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 227.000 việc làm trong tháng Một, 2017. Số liệu này cao hơn so với trông đợi.
Nhưng mức tăng tiền lương thấp một cách đáng thất vọng, chỉ tăng 0.1%, và như vậy, tỷ lệ tăng chậm hơn so với tháng trước.
http://www.voatiengviet.com/a/ty-le-that-nghiep-my-tang-nhe-trong-thang-mot/3705549.html
Ông Trump thề ‘khôi phục lệnh cấm’ đi lại bị đình chỉ
Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ lật ngược một phán quyết của Thẩm phán Liên bang đình chỉ lệnh cấm của ông với du khách đến từ bảy quốc gia chủ yếu là người theo đạo Islam.
Ông mô tả thẩm phán liên bang James Robart như “cái gọi là” công lý mà quan điểm “nực cười” về cơ bản đã “tách bỏ pháp luật ra khỏi” nước Mỹ.
Thẩm phán Robart phán quyết hôm thứ Sáu rằng lệnh cấm của tân Tổng thống là không hợp hiến.
Một số hãng hàng không nói họ đang cho phép các công dân là đối tượng của lệnh cấm của ông Trump lên các phi cơ sang Hoa Kỳ.
“Quan điểm của người được gọi là thẩm phán này, mà trong đó về cơ bản đã tách bỏ luật pháp ra khỏi đất nước của chúng ta, là nực cười và sẽ bị đảo ngược!”, ông Trump cho biết trên Twitter.
Tất cả hành khách với giấy tờ đi lại có giá trị hiện được quyền lên máy bay của hãng chúng tôi để đến bất kỳ sân bay nào ở Hoa KỳHãng hàng không Lufthansa
“Khi một quốc gia không còn có thể nói ai có thể và ai không thể ra & vào, đặc biệt vì lý do an toàn và an ninh – Rắc rối lớn!” ông Trump đưa ra tin nhắn trên Twitter.
Được quyền lên máy bay
Tân chính quyền Mỹ lập luận rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump vào tuần trước, vốn gây ra sự lẫn lộn và giận dữ, được soạn thảo nhằm bảo vệ nước Mỹ.
Việc thực hiện lệnh cấm đã bị đình chỉ với hiệu lực ngay lập tức bởi phán quyết của Thẩm phán Robart tại Seattle.
Giới chức hải quan nói với các hãng hàng không rằng họ có thể nối lại việc đưa các du khách bị cấm lên máy bay.
Trong vòng vài giờ, Qatar Airways nói họ sẽ thực hiện như vậy, tiếp theo là Air France, Etihad Airways, Lufthansa và những hãng khác.
“Tất cả hành khách với giấy tờ đi lại có giá trị hiện được quyền lên máy bay của hãng chúng tôi để đến bất kỳ sân bay nào ở Hoa Kỳ”, hãng Lufthansa nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với Hải quan và cơ quan Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) và sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định nhập cư được áp dụng,” hãng này thông báo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38869562
Mỹ đặt hàng 8,5 tỷ USD sản xuất phản lực cơ F35
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một thỏa thuận đặt hàng 90 chiếc phản lực cơ F-35 có tổng trị giá khoảng 8,5 tỷ USD với nhà cung cấp Lockheed Martin.
Thỏa thuận này lần đầu tiên hạ mức giá cho mỗi chiến đấu cơ tàng hình xuống ở dưới mức 100 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết.
Lầu Năm Góc nói sẽ tiết kiệm được khoảng 728 triệu USD so với lần đặt hàng gần nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích về giá cả của chương trình F35.
Ông Trump đã ra tin nhắn tweet vào tháng Mười Hai nói rằng các chi phí của dự án là “mất kiểm soát”.
Sự tham gia của cá nhân Tổng thống Trump trong chương trình F-35 đã làm tăng tốc cuộc đàm phán và giúp chúng tôi tập trung trọng tâm hơn vào việc giảm giáNhà cung cấp Lockheed Martin
Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng mức giảm giá mà Donald Trump công bố vào cuối tháng Giêng là phù hợp với những gì đã được giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ thỏa thuận với Lockheed trong nhiều tháng.
Tham dự của cá nhân Tổng thống
Lockheed Martin nói vào hôm thứ Sáu:
“Sự tham gia của cá nhân Tổng thống Trump trong chương trình F-35 đã làm tăng tốc cuộc đàm phán và giúp chúng tôi tập trung trọng tâm hơn vào việc giảm giá.”
F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc, trị giá khoảng 400 tỉ USD.
Tuy nhiên, giá mỗi chiếc phi cơ phản lực đã được giảm dần khi sản lượng tăng.
Quân đội Mỹ sẽ mua 55 phản lực cơ, trong khi 35 chiếc F35s sẽ được bán ra nước ngoài.
Anh là quốc gia sắp mua ba trong số những chiến đấu cơ.
Lockheed, nhà thầu chính, và các đối tác gồm Northrop Grumman, Pratt & Whitney và BAE Systems, đang hợp tác xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả hơn để thúc đẩy chuỗi dây chuyền sản xuất ở Fort Worth, thuộc tiểu bang Texas.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38867739
Thần tượng Walesa chính là ‘Bolek’ chỉ điểm cho công an
Mạc Việt HồngGửi tới BBC từ Warsaw
Lech Walesa, thần tượng của dân tộc Ba Lan, một trong những nhân vật lịch sử tầm cỡ nhất của thế kỷ 20 đang trở thành tâm điểm của dư luận và báo chí.
Ông Walesa – người thợ điện làm ‘chập mạch’ cả hệ thống XHCN, tổng thống đầu tiên của Ba Lan dân chủ – theo kết luận của Viện Hồi Ức Dân Tộc (IPN) là đặc tình của an ninh cộng sản từ 1970 tới 1976 với bí danh Bolek.
Kết luận này không có gì là quá mới lạ, chỉ là câu trả lời khẳng định cho những đồn đoán kéo dài từ hơn hai thập niên nay.
Trong buổi họp báo hôm 31/01/2017 IPN nói, kết luận của họ là ‘hoàn toàn chắc chắn’, ‘không còn nghi ngờ nào nữa’.
Nó được đưa ra trên cơ sở giám định của các chuyên gia trong một năm qua với những bút tích mà Walesa để lại trong tài liệu của cơ quan an ninh cộng sản.
Cũng theo những tài liệu này, Walesa đã nhận tiền cho những hoạt động ‘mách lẻo’ của mình trong giai đoạn trên với số tiền là 11.700 zloty.
Chữ ký trên các biên lai nhận tiền được khẳng định là của chính người mà sau này trở thành lãnh tụ huyền thoại của Công Đoàn Đoàn Kết.
Tập hồ sơ trong nhà trùm mật vụ
Đây là tập tài liệu mang tên ‘Hồ sơ cá nhân’ dày tới 750 trang mà cơ quan điều tra thu được một năm trước ở nhà một Bộ trưởng Công an thời cộng sản – Czeslaw Kiszczak – sau khi ông này qua đời.
Tướng Kiszczak có ý bảo vệ điệp viên của mình không chỉ tới hơi thở cuối cùng mà cả những năm sau đó.
Walesa ‘làm đặc tình cho cộng sản Ba Lan’
Lời trăn trối giữ gìn tập tài liệu cẩn thận và chỉ được trao lại sau nhiều năm nữa đã bị bà vợ góa có phần ‘lẫn cẫn’ của ông làm hỏng chuyện. Bà đã gọi điện tới IPN với mục đích bán chúng, ít lâu sau đám tang của ông chồng.
Trên tập hồ sơ tìm thấy, có bút tích phê duyệt của chính Kiszczak với ý định chỉ công bố hồ sơ 5 năm sau khi Walesa qua đời.
Từ lâu, ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, giới chức và báo giới Ba Lan đã truy tìm những tài liệu liên quan tới một nhân vật bí ẩn có bí danh Bolek, nhưng đã không tìm thấy trong bất kỳ lưu trữ quốc gia nào.
Bản thân Walesa có lẽ cũng nghĩ rằng, những tài liệu liên quan tới mình đã được an ninh cộng sản hủy bỏ. Bởi, trong mắt chính những trùm mật vụ đó, Walesa là một anh hùng dân tộc, mà họ hay ít nhất là tướng Kiszczak muốn bảo vệ danh dự.
Cũng bởi không có chứng cứ gì mà trong suốt nhiều năm nay, Walesa luôn chối bỏ sự hợp tác của mình.
Hiện cựu tổng thống đang đi nghỉ vắng ‘ở nước ngoài’ và ông chưa lên tiếng gì về kết quả cuộc họp báo kể trên.
Thêm một chương trong cuộc đời
Vụ Bolek ngay lập tức gây nên những tranh cãi gay gắt trong xã hội và nhuốm mầu sắc chính trị.
Có một nghịch lý mà có lẽ không chỉ của Ba Lan, đó là, những người cùng tranh đấu trên một chiến tuyến nhằm lật đổ chế độ độc tài cộng sản lại trở thành các đối thủ chính trị của nhau trong một thể chế dân chủ.
Và vụ Walesa cũng trở thành một ‘con bài’ trong cuộc chơi giữa các đảng phái chính trị đối lập.
Đảng cầm quyền PiS dường như có ý phủ nhận sạch trơn và viết lại lịch sử. Nhưng các đảng phái chính trị khác đưa ra nhìn nhận một cách công bằng và bao dung hơn.
Theo đó, Walesa là người đã có công giúp dân tộc thoát khỏi ách độc tài cộng sản, và giống như mọi nhân vật lịch sử khác, không có gì là tuyệt đối cả; những gì lịch sử và cả thế giới đã ghi nhận là không thể xóa bỏ; không có pha lê nào mà không bị tì vết.
Nhiều người cũng lên tiếng cảm thông với ông khi sống giữa một bầy sói an ninh cùng ‘vợ dại con thơ’ và một nguy cơ mất việc lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, những gì Walesa đã làm không gây hại trực tiếp cho ai và những thông tin mà ông đã cung cấp cho cơ quan an ninh thuộc loại ‘vô bổ’.
Không dễ dàng gì để có thể vừa theo đuổi lý tưởng, vừa giữ được sự an toàn cho gia đình, người thân và sự trong sạch của lương tâm trong lúc luôn bị đe dọa, khủng bố tinh thần và bao vây về kinh tế.Mạc Việt Hồng
Trong khoảng thời gian mấy năm đó, Walesa đã nhiều lần muốn thoát ra khỏi móng vuốt của cơ quan mật vụ nhưng sự hợp tác chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1976.
Điều quan trong là, ở giai đoạn sinh tử của công cuộc đấu tranh, Walesa đã dứt bỏ được những ràng buộc, vượt lên được những ám ảnh để trở thành một lãnh tụ của phong trào công nhân.
Những đóng góp của ông cho Ba Lan và thế giới là không thể thay đổi.
Nói theo cách của giám đốc IPN thì, những tài liệu này không nhằm phủ nhận công lao của Walesa mà chỉ thêm vào một chương trong cuộc đời hoạt động của ông. Và đó là một chương đen tối.
Ai cũng phải ký gì đó?
Những ai đã từng sống dưới chế độ cộng sản có thể thấy rằng, không dễ gì để vừa hoạt động hiệu quả vừa giữ mình thật trong sạch.
Ryszard Petru, chính trị gia đối lập nói:
“Hầu hết chúng ta đã may mắn là không phải sống trong những ngày đó và không phải va chạm với mật vụ cộng sản. Vào thời điểm ấy, nhiều người đã bắt buộc phải ký một cái gì đó, để sau này hối tiếc.”
Miroslaw Chojecki, một nhà hoạt động Ba Lan từng kể với tôi rằng, ông bị bắt, bị giữ tới 40 lần vì đủ mọi lý do, nhiều khi rất ‘trời ơi đất hỡi’ như có một kẻ lấy cắp chai rượu trong cửa hàng và kẻ này trông giống ông!
Và hầu như mỗi lần để được thả ra, ông lại phải ký giấy tờ gì đó.
Vấn đề là chỉ nên ký những thứ vô thưởng vô phạt, không hại tới ai và không nhận tiền của cơ quan an ninh.
Nhưng vấn đề đó không phải ai cũng làm được, để giữ cho đôi tay của mình được trong sạch.
Câu chuyện quá khứ của Ba Lan lại là hiện tại của Việt Nam ngày nay.
Những nhà hoạt động Việt Nam đang sống dưới một chế độ còn hà khắc hơn chế độ cộng sản Ba Lan mấy chục năm trước. Họ đang hàng ngày phải đối đầu với một bộ máy an ninh khổng lổ với nhiều mưu kế.
Không dễ dàng gì để có thể vừa theo đuổi lý tưởng, vừa giữ được sự an toàn cho gia đình, người thân và sự trong sạch của lương tâm trong lúc luôn bị đe dọa, khủng bố tinh thần và bao vây về kinh tế.
Chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh của luật sư Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài hay Nguyễn Tiến Trung được cho là ‘đã nhận tội’, ‘xin khoan hồng’ được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền thông nhà nước.
Là con người, ai cũng có những phút yếu lòng, nhưng nhờ những người dám can đảm dấn thân, xã hội mới thay đổi.
LS Định ‘bị chặn gặp’ Ngoại trưởng Kerry
Ba Lan hạ lương hưu hàng nghìn công an CS
Và bất luận điều gì đã xảy ra, thiết nghĩ, cần phải trân trọng và ghi nhận công bằng những cống hiến của họ.
Chắc chắn không ít người trong giới hoạt động hiện nay- ở những chừng mực khác nhau – đã có lúc phải ký kết hay cam kết gì đó với cơ quan an ninh.
Nếu một ngày nào đó, những hồ sơ mật được mở ra, chắc sẽ có nhiều bất ngờ.
Có thể, những gì xảy ra ở Ba Lan hôm nay sẽ là bài học cho Việt Nam trong tương lai về cách tiếp cận và ứng xử với những vấn đề tương tự.
Nhưng ngày đó là ngày nào, có thể còn rất xa…
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, Ba Lan.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38855081
Những sắc lệnh TT Trump đã ký và ảnh hưởng của chúng
Một trong những cách đầu tiên một vị tân Tổng thống có thể thực thi quyền lực chính trị của mình là qua các sắc lệnh đơn phương.
Trong khi những nỗ lực pháp lý phải mất thời gian thì chỉ cần một chữ ký trên giấy từ Tòa Bạch Ốc thường có thể đem lại những thay đổi về chính sách và hoạt động của chính phủ.
Tổng thống Donald Trump đã chẳng để phí thời gian và tận dụng đặc quyền này.
Người tiền nhiệm của ông đã dựa vào các sắc lệnh kiểu này để lách qua Quốc hội trong những ngày cuối nhiệm kỳ, và nay ông Trump có khá nhiều lĩnh vực để có thể ra tay.
Bên cạnh một số quyết định mới ngày như lệnh cấm vận đối với Hãy xem cho tới nay ông Mr Trump đã làm những gì:
Lệnh cấm đi lại
Có lẽ đây là quyết định gây tranh cãi nhất cho tới nay và được đưa ra để bảo vệ đất nước trước những kẻ khủng bố, ông Trump nói.
Nó bao gồm:
ngưng các chương trình di trú trong120 ngày, và giới hạn con số vào cho năm 2017
cấm lâu dài người tị nạn từ Syria
cấm tất cả những người đến từ bảy nước chủ yếu là người Hồi giáo với một số ngoại lệ
giới hạn con số 50.000 người tị nạn
Ảnh hưởng của sắc lệnh này lan rộng không chỉ thấy ở các sân bay tại Hoa Kỳ mà trên cả thế giới khi nhiều người bị ngăn không được lên máy bay tới Hoa Kỳ hoặc bị chặn khi hạ cánh và không được phép vào Mỹ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói có 60.000 visa đã bị hủy bỏ kể từ đó tới nay.
Tuy nhiên hôm 3/2 một thẩm phán ở Seattle ra lệnh tạm thời chặn lệnh cấm những người từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo được vào Mỹ mà Tổng thống Trump đưa ra.
Thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết chống lại các lập luận của nhóm luật sư của chính phủ theo đó nói các bang của Hoa Kỳ không có căn cứ để thách thức sắc lệnh của ông Trump.
Quyết định của thẩm phán Seattle có hiệu lực ngay lập tức trên toàn quốc.
Nhân viên cửa khẩu nói với các hãng hàng không Mỹ rằng họ có thể tái tục việc cho phép hành khách đã bị cấm lên máy bay trong khi chờ xét xử của tòa.
Tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Trump có thể lại thực hiện lệnh cấm này nếu họ thắng trong việc khiếu nại chống lại phán quyết Seattle này.
Ảnh hưởng: Có hiệu lực tức thì. Nhưng sẽ còn giằng co. Các thẩm phán liên bang ngay sau khi có sắc lệnh của ông Trump đã ngưng việc trục xuất và đang đệ đơn kiện về tính hợp hiến của lệnh cấm này.
An ninh biên giới
Ngay từ ngày đầu chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống ông Trump đã đặt việc bảo đảm an ninh biên giới với Mehico là ưu tiên hàng đầu.
Nay ông ký hai sắc lênh để thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử này.
Một sắc lệnh nói rằng Hoa Kỳ sẽ xây “một bức tường vật chất hay một hàng rào an ninh thực thể không thể vượt qua”.
Sắc lệnh thứ hai là hứa hẹn sẽ thuê thêm 10.000 nhân viên di trí và sẽ cắt tiền trợ cấp của liên bang cho những thành phố nào từ chối trục xuất những người di trú không có giấy tờ.
Còn phải chờ xem ông Trump sẽ trang trải cho việc xây bức tường này như thế nào mặc dù ông vẫn lặp đi lặp lại rằng nó sẽ được chihs phủ Mexico trả bất chấp giới lãnh đạo Mexico nói sẽ không trả.
Rút khỏi TPP
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từng được xem là viên ngọc trong chính sách thương mại quốc tế của Tổng thống Barack Obama, vốn là điểm nhấn được ông Trump sử dụng khi tranh cử.
Thỏa thuận này chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ thông qua vì thế nó còn chưa có hiệu lực tại Hoa Kỳ.
Do vậy việc chính thức “rút khỏi” Hiệp định TPP có elx chỉ là một quyết định về phía Hoa Kỳ chấm dứt những thương thuyết quốc tế đang diễn ra và để cho thỏa thuận này chết yểu.
Ảnh hưởng: Có hiệu lực ngay lập tức.
Các luật định kinh doanh
Bớt hai, thêm một
Một nỗ lực giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ.
Được miêu tả là cách tiếp cận kiểu “bớt hai, thêm vào”, sắc lệnh này yêu cầu các bộ ngành của chính phủ muốn thêm một quy định mới thì phải chỉ ra hai quy định khác mà họ sẽ bỏ bớt.
Một số lãnh vực trong số các quy định sẽ được ngoại trừ không thuộc phạm vi “bớt hai, thêm một”- như những quy định liên quan tới quân sự và an ninh quốc gia.
Quy định tài chính Dodd-Frank
Tổng thống Trump đã thực hiện bước đầu tiên trong việc tìm cách giảm bớt những quy định trong dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ.
Ông ký một sắc lệnh sẽ xem xét lại Các quy định tài chính Dodd-Frank 2010, mà nhiều người tại Wall Street nói là đặt ra quá nhiều giới hạn.
Luật này được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09 với mục đích nhằm tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Đầu tư hưu trí
Ông Trump cũng ký một Ghi nhớ chung của Tổng thống chỉ thị cho Bộ Lao động trì hoãn việc thực thi một quyết định thời Tổng thống Obama yêu cầu giới chuyên môn trong ngành tài chính phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết khi tư vấn cho họ về đầu tư hưu trí.
Quyết định này đáng lẽ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng Tư, nhưng sẽ bị đình hoãn 180 ngày trong khi chờ xem xét.
Một số sắc lệnh khác
Hai sắc lệnh tiến hành xây dựng hai đường dẫn dầu gây tranh cãi ngay trong ngày làm việc thứ hai trên cương vị Tổng thống: đường ống dẫn dầu Keystone XL (1,897km chạy từ Canada sang Mỹ) và Dakota Access.
Ông Trump nói các điều khoản của hai thỏa thuận sẽ được tái thương thuyết, và sử dụng thép của Hoa Kỳ như một điều kiện bắt buộc.
Chỉ thị cho các cơ quan liên bang về hệ thống y tế quốc gia – Obamacare.
Chỉ thị này nói rằng các cơ quan phải “bỏ, ngưng, cho phép ngoại lệ hoặc đình hoãn” bất cứ điều khoản nào trong Luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền nếu trở thành gánh nặng taiif chính cho các tiểu bang, và những cơ quan hay cá nhân cung cấp các dịch vụ y tế.
Tái phục hồi lệnh cấm tư vấn phá thai quốc tế: Chính sách này được áp dụng từ năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, cấm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhận tiền từ Mỹ không được “cung cấp tư vấn về phá thai hay quảng bá cho việc tiếp cận dịch vụ phá thai tại nước họ”.
Tạm dừng tuyển dụng nhân viên chính phủ liên bang: Đây là Chỉ thị được ông Trump đưa ra ngay trong ngày đầu tiên và ông nói với báo giới rằng lệnh ký này không cảnh hưởng tới chi tiêu quân sự.
Tổng thống Trump cũng đã công bố lệnh cấm vận mới với Iran sau khi nước này thử tên lửa. Lệnh cấm nhắm vào 13 cá nhân và 12 công ty của Iran.
Tòa Bạch Ốc cũng nói tới việc xem xét lại các chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38867579
Paris nộp phần chót hồ sơ đăng cai Thế Vận Hội 2024
Tối hôm qua, ngày 3 tháng Hai 2017, nước Pháp nộp phần chót hồ sơ đăng cai Thế Vận Hội mùa hè 2024, và giới thiệu khẩu hiệu Thế Vận Hội mới tại thủ đô Paris. Khẩu hiệu bằng tiếng Anh « Made for Sharing », tạm dịch là « Hãy đến chia sẻ với chúng tôi », thay thế cho khẩu hiệu bằng tiếng Pháp trước đó « La force du rêve » (Sức mạnh của ước mơ). Paris hy vọng khát vọng của nước Pháp được tổ chức cuộc tranh tài thể thao lớn nhất hành tinh sẽ được cộng đồng quốc tế đồng cảm.
Các đại diện của ủy ban ứng cử Thế Vận Hội của Pháp tề tựu trước trước tháp Eiffel lịch sử, lấp lánh trong ánh sáng quốc kỳ Pháp, và khẩu hiệu Thế Vận Hội 2024 « Made for Sharing ».
Đồng chủ tịch ủy ban, ông Tony Estanguet, ba lần vô địch thế giới môn đua thuyền canoe, tuyên bố : « Chúng tôi muốn chia sẻ với thế giới khát vọng của nước Pháp, được tổ chức các cuộc đua tài, với một nghi thức cử hành chưa từng có, trên các sân vận động, trên các đường phố», chúng tôi muốn tổ chức « một Thế Vận Hội với tinh thần chia sẻ, trong một thế giới được chia sẻ ».
Lễ khai trương hôm qua diễn ra chỉ vài giờ sau khi một kẻ mang mã tấu tấn công quân nhân bảo vệ bảo tàng Louvre. Lính Pháp đã bắn bị thương hung thủ. Có mặt tại lễ khai trương, thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve nhận định lực lượng an ninh đã phản ứng rất nhanh chóng. Về phần mình, nữ đô trưởng Paris Anne Hidalgo cũng ca ngợi « an ninh được bảo đảm rất tốt » tại thủ đô nước Pháp, và gửi lời mời du khách quốc tế đến Paris, « một thành phố toàn cầu, một thủ đô (văn hóa) của châu Âu, một đô thị thuộc về toàn thế giới ».
Hôm qua, cũng chính là ngày Pháp đệ nạp lên Ủy Ban Thế Vận Hội phần thứ ba, cũng là phần cuối cùng, của hồ sơ xin đăng cai, gồm 110 trang. Đối thủ của Pháp trong chặng cuối cuộc tranh đua tổ chức Olympic 2024 là Bucarest, thủ đô Rumani, và Los Angeles, bang California, thành phố lớn thứ hai Hoa Kỳ.
Thế mạnh của Paris được nhấn mạnh trong hồ sơ đăng cai là : có đến 95% công trình thể thao phục vụ Thế Vận Hội đã được xây dựng, chỉ duy nhất có một công trình làm mới là bể bơi thi đấu tại Seine Saint Denis ; tuyệt đại đa số các vận động viên sẽ không mất tới một nửa giờ đồng hồ đi lại là có thể đến được các địa điểm thi đấu ; 50% vé được bán với giá dưới 50 euro, sẽ cho phép đông đảo công chúng tham dự. Chưa kể một điều quan trọng là Thế Vận Hội 2024 nếu được tổ chức tại Paris sẽ là một mẫu mực về sinh thái, và phát triển bền vững, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít hơn một nửa so với kỳ Thế Vận trước.
Tuy nhiên, một hồ sơ tốt chưa chắc đã bảo đảm sự thành công. Do đó, các vận động ủng hộ cuộc đăng cai này có vai trò rất quan trọng. 87 thành viên của Ủy Ban Thế Vận Hội sẽ đưa ra ý kiến quyết định vào ngày 13 tháng Chín tới tại Lima, thủ đô Peru.
Pháp cần phải thuyết phục được từng người trong số 87 thành viên là Paris hoàn toàn có đủ khả năng và xứng đáng tổ chức Olympic mùa hè lần thứ 23, đúng một thế kỷ sau Thế Vận Hội Paris 1924.
http://vi.rfi.fr/phap/20170204-paris-nop-phan-chot-ho-so-dang-cai-the-van-hoi-2024
Châu Âu trợ giúp Libya để chặn làn sóng thuyền nhân
Hôm qua, 03/02/2017, trong một cuộc họp báo bên lề cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của Liên Hiệp Châu Âu, ông Joseph Muscat, thủ tướng Malta, thông báo châu Âu đã thông qua hàng loạt biện pháp để chặn dòng người tị nạn từ Libya vượt biển trái phép sang châu Âu, chủ yếu là qua Ý.
AFP cho biết, ưu tiên mà các nhà lãnh đạo châu Âu đặt ra là phá vỡ các đường dây đưa người vượt biển trái phép, đặc biệt từ miền nam Libya sang Ý, phong tỏa đường biên giới của Libya và đảm bảo điều kiện sống cho những người tìm cách đi tị nạn, nhưng còn đang mắc kẹt tại miền nam nước này.
Thủ tướng Malta, Joseph Muscat, cho biết mục tiêu chặn làn sóng di dân từ Lybia có thể đạt được, trước khi Malta hết nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (cuối tháng 06/2017).
Hôm thứ Năm 02/02/2017, Ý và Libya đã ký một thỏa thuận, đặc biệt trong việc dựng các khu trại tạm thời để đón tiếp di dân và động viên họ quay trở về nước, khi họ không xin được tị nạn.
Kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu khiến nhiều tổ chức nhân quyền lo ngại. Các tổ chức phi chính phủ sợ di dân sẽ bị ngược đãi khi quay về Libya, vì nhiều người cho biết họ đã bị tra tấn, đánh đập. Tuy nhiên, chủ tịch Hộ Đồng Châu Âu Donald Tusk khẳng định sẽ đảm bảo tuyệt đối nhân quyền, khi triển khai kế hoạch.
Phần nhiều trong số 500.000 di dân vượt Địa Trung Hải sang Ý trong vòng ba năm qua là tới từ Libya.
Iran tập trận với tên lửa, sau khi Mỹ ban hành trừng phạt
Ngay sau chính quyền Donald Trump ban hành các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, hôm nay, 04/02/2017, Teheran lại tiến hành các cuộc tập trận mới, huy động cả tên lửa, tại vùng Semnan, miền đông bắc nước này.
Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình :
« Lực lượng Vệ binh Cách mạng, đội quân thiện chiến của chế độ Teheran, ngay lập tức thông báo tổ chức các cuộc tập trận mới để phản ứng lại các trừng phạt của Mỹ, sau khi Iran thử tên lửa cuối tháng trước.
Trang mạng của Vệ binh Cách mạng tuyên bố các cuộc tập trận này có mục tiêu giúp cho Iran hoàn toàn sẵn sàng trước mọi đe dọa và các trừng phạt mới mang tính ‘‘sỉ nhục’’ của Mỹ. Cũng theo nguồn tin trên, các tập trận diễn ra tại tỉnh Semnan, ở phía đông Teheran, sẽ bao gồm nhiều loại tên lửa đạn đạo.
Căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ lên đến cực điểm, sau khi Washington ra thêm một loạt trừng phạt mới đối với Teheran. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, trong chuyến công du Nhật Bản, khẳng định Iran là quốc gia dung dưỡng khủng bố số một thế giới.
Trong những ngày gần đây, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục đưa ra các cảnh báo đối với Teheran, đặc biệt với việc khẳng định rằng tân chính quyền sẽ không ‘‘tử tế’’ với Iran giống như thời tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Iran cương quyết không nhường bước trước các áp lực và đe dọa từ Mỹ. Không biết là Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào sau khi Iran tuyên bố tổ chức các cuộc tập trận mới ».
Hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Iran và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Cụ thể, bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt 25 nhân vật và định chế bị xem là hỗ trợ cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran. Teheran đã trả đũa ngay lập tức với những biện pháp trừng phạt tương tự nhắm vào một số người Mỹ và công ty Mỹ xem là đã góp phần thành lập và yểm trợ các « nhóm khủng bố » trong vùng.
Từ năm 1984 đến nay, Iran, cùng với Syria và Sudan, vẫn nằm trong danh sách đen của bộ Ngoại Giao Mỹ, liệt kê các quốc gia « yểm trợ khủng bố ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170204-iran-tap-tran-voi-ten-lua-sau-khi-my-ban-hanh-trung-phat
Khủng hoảng ở Rumani : Biểu tình bước sang ngày thứ năm
Hôm nay, 04/02/2017, là ngày thứ năm liên tiếp người dân Rumani xuống đường biểu tình, đòi chính quyền bãi bỏ sắc lệnh giảm nhẹ hình phạt chống tham nhũng. Trong khi đó, chính phủ vẫn kiên quyết không thay đổi quyết định.
Người dân tuần hành phản đối chính quyền do lo ngại sắc lệnh mới, mà chính phủ của đảng Xã Hội-Dân Chủ (PSD) thông qua hôm thứ Ba 31/01, sẽ có lợi cho các quan chức tham ô, lạm tiêu công quỹ, mặc dù dưới sức ép của Liên Hiệp Châu Âu và sự cứng rắn của các thẩm phán, cuộc chiến chống tham nhũng tại Rumani đã bắt đầu có kết quả.
Đọc thêm : Xã hội dân sự Rumani không khoan dung tham nhũng
AFP cho biết là nhiều người biểu tình dự kiến tập trung ở thủ đô Bucarest vào giữa ngày rồi sau đó kéo đến trước nhà Quốc Hội để phản đối sắc lệnh mới của chính quyền. Vào tối hôm qua 03/02, đã có 100.000 người tham gia tuần hành ở Bucarest.
Các cuộc biểu tình tương tự với sự tham gia của tổng cộng từ 100.000 đến 150.000 người đã diễn ra tại khoảng 50 thành phố khác của Rumani, như ở Cluj (miền Đông Bắc), Sibiu (miền Trung) và Timisoara (miền Tây).
Trong khi chính phủ Rumani nhấn mạnh ý định « tiến về phía trước » thông qua cuộc cải cách trong lĩnh vực hình sự, thì những người phản đối sắc lệnh của chính quyền cũng quyết tâm tiếp tục phong trào đấu tranh với quy mô lớn chưa từng có từ khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Rumani vào năm 1989.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170204-khung-hoang-o-rumani-bieu-tinh-buoc-sang-ngay-thu-nam
Vụ tấn công tại bảo tàng Louvre :
Thủ phạm là một người Ai Cập
Vào lúc Viện bảo tàng Louvre mở cửa trở lại hôm nay, 04/02/2017, 24 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công vào các quân nhân Pháp, cuộc điều tra tập trung vào một thanh niên Ai Cập 29 tuổi, vừa đến Pháp cách đây một tuần với visa du lịch.
Tối hôm qua, biện lý Paris François Molins cho biết là danh tính của thanh niên Ai Cập này « chưa được chính thức xác định », nhưng kết quả điều tra trên điện thoại di động của thanh niên này, trên các hồ sơ visa châu Âu và kết quả lục soát một căn hộ sang trọng ở quận 8 Paris cho thấy hung thủ là một thanh niên quốc tịch Ai Cập 29 tuổi, đến Pháp một cách hợp pháp ngày 26/01 vừa qua, trên một chuyến bay từ Dubai.
Kết quả điều tra cũng cho thấy là sau khi đến Pháp ngày 26/01, thủ phạm đã mướn một chiếc xe và sau đó mua hai mã tấu bằng tiền mặt. Đây là hai mã tấu mà anh ta đã sử dụng để tấn công bốn quân nhân trước Viện bảo tàng Louvre sáng hôm qua. Mặc một áo thun màu đen có in hình sọ người, hung thủ đã lao đến chém vào đầu người lính đầu tiên vừa hô to « Allah Akbar » ( Thượng đế là Đấng vĩ đại nhất ). Người lính thứ hai đã phải nổ súng bắn trọng thương hung thủ. Thủ phạm đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy ngập, nhưng nay đã « ổn định ».
Theo lời biện lý Molins, các nhà điều tra nay còn phải xác định xem động cơ nào đã thúc đẩy hung thủ hành động như vậy và anh ta đã hành động một mình, tự phát hay có sự chỉ đạo. Trước đó, tổng thống Pháp François Hollande đã khẳng định rằng « không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một hành động mang tính chất khủng bố ».
Các nhà điều tra cũng đang xem xét những câu trên mạng xã hội Twitter của một người Ai Cập có tên là Abdallah El Hamahmy, được đăng lên mạng vài phút trước cuộc tấn công, trong đó có câu « Nhân danh Thượng đế ( …) vì những người anh em của chúng ta ở Syria và các chiến binh ». Một câu khác thì có nhắc đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
http://vi.rfi.fr/phap/20170204-vu-tan-cong-tai-bao-tang-louvre-thu-pham-la-mot-nguoi-ai-cap