Đạo đức và chánh trị – Nguyễn Văn Trần

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đạo đức và chánh trị – Nguyễn Văn Trần

Đạo đức: Nền tảng phục hoạt và canh tân đất nước

Từ cuối thiên niên kỷ qua, xã hội loài người đang cùng nhau tìm cách để định hình. Những nền móng quốc gia cho đến nay đều không tránh khỏi rung chuyển bởi một số giá trị cũ bị xét lại.

Trên bình diện toàn cầu, những nhà lãnh đạo các quốc gia tiên tiến đang gặp khủng hoảng bởi sự sụp đổ đột ngột của hệ thống chánh trị được thiết lập từ sau đệ nhị thế chiến. Còn ở Tây Âu, cả một hệ thống giá trị ra đời từ thời đại Ánh Sáng cũng đang bị chao đảo bởi chiến tranh lạnh chấm dứt và chế độ sô-viết cáo chung.

Loài người đang sống trong một thế giới mà những tiến bộ khoa học kỹ thuật và những xáo trộn kinh tế đang ngự trị nên làm phát sinh khủng hoảng xã hội, quyền lực sa đọa, tăng trưởng những tranh chấp quyền lợi cá nhân, xuất hiện những chủ nghĩa quốc gia cực đoan và đồng thời, nảy nở những ưu tư mới về đạo đức như một khả năng lớn khả dĩ ổn định xã hội.

Trong tình hình đầy thất vọng đó, chúng ta đề cập đến đạo đức và chánh trị tưởng không phải là không đúng lúc.

Khi đặt vấn đề đạo đức chánh trị,  phải chăng chúng ta muốn đặt vấn đề lấy đạo đức làm gốc mà chánh trị là cái dụng. Có nên xây dựng chánh trị mà không cần dựa trên nền móng đạo đức hay không? Và nếu có thì hệ quả như thế nào?

 

A – QUAN NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ CHÁNH TRỊ

 

I. Đạo đức và chánh trị là một vấn đề tương quan phức tạp nên dễ gây ra nhiều ý kiến khác biệt bởi Đạo đức và Chánh trị là hai từ ngữ trừu tượng có nhiều nghĩa khác nhau nên khó tìm cho được một định nghĩa mà mọi người đều có thể đồng ý dễ dàng.

 

1/ Đạo đức, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, là cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng công nhận. Có chua thêm tiếng Pháp: doctrine, principe.

Tiếng doctrine, theo tự điển Robert, có nghĩa là bao gồm những ý niệm mà người ta cho  rằng đúng và theo đó, người ta trù liệu giải thích những sự kiện, thay đổi hoặc hướng dẫn hành động.

Còn principe, cũng theo từ điển Robert, có nghĩa là qui tắc hành động dựa trên một sự đánh giá nào đó và cấu tạo thành một kiểu mẫu, một tôn chỉ.

Riêng tự điển Việt Pháp của Lê khả Kế – Nguyên Lân, Hànội 1992, dịch ra tiếng Pháp, đạo đứcmorale hay là luân lý.

Theo Đào Duy Anh cũng như từ điển Robert, chữ đạo đức có nội dung dễ gợi ra nhiều suy diễn rất khác nhau, từ nguyên lý tự nhiên, quan niệm về vũ trụ đến vấn đề nhân sinh quan. Chỉ riêng trong vấn đề nhân sinh quan, có những người chủ trương lấy cá nhân con người làm cứu cánh. Lại có những người khác hô hào lấy tập thể làm cứu cánh mới đúng. Đối với những người này, bảo vệ quyền lợi cá nhân là quan trọng. Còn đối với những người kia thì quyền lợi của tập thể, của giai cấp mới là chủ yếu. Vậy đâu là cái nghĩa lý đương nhiên mà ai cũng chấp nhận?

Nếu lấy nghĩa Đạo đức, như Lê Khả Kế – Nguyên Lân chuyển dịch ra tiếng Pháp bằng chữ Morale, thì đạo đức, vẫn theo Đào Duy Anh, có nghĩa là nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức, hay là cái lý pháp người ta nên noi theo. Ở đây, Ông Đào Duy Anh cũng chua thêm tiếng Pháp là Morale.

Qua các học giả trên đây, chữ đạo đức có những định nghĩa không thấy mâu thuẫn với nhau.

Mặt khác, trong tư tưởng cổ đại Trung quốc và Việt Nam, đạo đức được hiểu là luân lý. Vậy chúng ta thử đi từ đạo đức hay luân lý để tìm thêm một số định nghĩa khác hơn, rộng hơn, cần thiết đặt mối tương quan giữa đạo đức và chánh trị sau nầy.

 

2/ Đạo đức, bao gồm những qui luật hướng dẫn hành động của con người hướng về những tôn chỉ được rộng rãi chấp nhận. Như vậy, những qui luật này có thể được công bố một cách chính thức do một quyền bính nào đó, như thế quyền hoặc thần quyền, hoặc chỉ tiềm tàng trong phong tục, tập quán, và được mặc nhiên chấp nhận. Dù trong trường hợp nào, đặc tính căn bản của đạo đức là sự bó buộc vô điều kiện: đó là cái khuôn khổ rào ép nếp sống con người theo một qui cũ nhất định, là điều con người vạch ra cho mỗi người, là cái mực thước dựa vào đó con người sẽ được đánh giá cao hay thấp, có thể phân biệt cái tốt, cái thiện  với cái xấu, cái ác.

Cứ theo cách hiểu biết đó thì xã hội nào, dù còn sơ khai đến đâu, cũng có thể có được một nền đạo đức cho mình. Đó là những qui luật cần thiết cho đời sống xã hội bởi những qui luật này ấn định những điều cấm kỵ. Trái lại, chúng không nêu rõ những điều nên làm. Chúng dùng áp lực và hình phạt để tạo cho con người cái thói quen tùng phục để xã hội được yên ổn mà thôi.

Trong khuôn khổ những nền đạo đức này, cái tốt là cái xã hội cho phép làm, cái xấu là cái xã hội cấm làm. Con người tốt, lương thiện, là con người không vi phạm những điều cấm kỵ, con người sống đúng theo nề nếp của kẻ trước người trên và giống như bao nhiêu người khác. Như vậy, đạo đức ở cấp bực này, có giá trị hoàn toàn xã hội và đồng hóa với phong tục, tập quán và pháp luật nhà nước.

Khi bước thêm một bước nữa, nhờ những điều kiện vật chất và tinh thần do chính xã hội tạo nên, đạo đức sẽ xuất hiện ở một qui mô phức tạp hơn. Đạo đức sẽ là một vấn đề đặt ra cho xã hội, cho con người. Cuộc tra vấn nhằm vào con người là nền tảng từ đó người ta sẽ xác định những qui luật hướng dẫn sự phán xét về hành động của con người. Nhờ đó, con người mới có thể xác định cho mình một định hướng, một ý nghĩa như cái tiêu chuẩn để dựa vào đó con người sẽ tự chủ phân biệt được cái tốt với cái xấu.

Giờ đây, con người mới hiểu thêm rằng cái tốt không chỉ là cái được phép làm mà còn là cái mà con người cảm thấy phải làm và nó phù hợp với bản tính con người. Làm điều tốt, do đó sẽ có nghĩa như là long trọng hóa giá trị con người, nâng cao giá trị, địa vị con người lên. Còn làm điều xấu không chỉ vi phạm vào điều cấm kỵ, bị hình phạt, mà chính là tự mình đánh mất bản tính con người của mình đi, làm hạ thấp giá trị và địa vị của mình xuống. Và con người vì thế sẽ trở thành kẻ “bất nhân”. Sự cưỡng chế không còn hoàn toàn dựa trên áp lực và hình phạt của xã hội, mà chủ yếu dựa trên ý thức tự giác của con người và làm hiển lộ cái sứ mệnh làm người của con người.

Do đó, trọng tâm của đạo đức không còn lệ thuộc vào trật tự xã hội mà đặt thẳng vào con người. Trật tự xã hội vẫn quan trọng nhưng trở thành thứ yếu bởi nó chỉ là hậu quả của sự thể hiện nhân tính. Mặt khác, vì trọng tâm của đạo đức là con người, nên đạo đức có thể đặt lại vấn đề trật tự xã hội khi nhận thấy có những thứ trật tự phi lý, phi nhân, không cho phép con người sống đúng theo nhân tính của mình. Trong những trường hợp này, đạo đức sẽ không còn mang ý nghĩa là tuân phục qui luật cho xã hội ổn định mà trái lại, con người vươn tới một nền đạo đức mang tính chất nhân bản, nhằm phát triển con người toàn diện, chớ không nhằm bảo vệ một trật tự xã hội cố định gò bó.

Đạo đức sẽ được thể hiện trong đời sống xã hội như những lôi cuốn, hấp dẫn bởi những gương sáng đạo đức của các bậc thánh nhân, hiền triết, anh hùng, hào kiệt. Nhờ những hấp dẫn, lôi cuốn này mà đạo đức sẽ được lan rộng ra, biến cải xã hội, để xã  hội sẽ bao gồm đông đảo những người có đạo đức.

Như vậy, đạo đức vẫn là vấn đề con người muôn đời đặt ra cho con người. Rồi từ đây, mỗi thế hệ sẽ đặt lại vấn đề đó, trong những điều kiện khác, qua những hình thức khác, nhưng vẫn không ngoài mục tiêu là làm thế nào cho con người thành người.

Đến đây, tưởng cũng nên tìm hiểu đạo đức theo quan niệm của người mác-xít.

Đạo đức, theo từ điển triết học, nhà xuất bản Sự Thật, Hà nội, 1976, có nghĩa «những qui tắc của sinh hoạt chung trong xã hội và của hành vi của con người, qui định những nghĩa vụ của người này đối với người khác và đối với xã hội, đạo đức là một trong những hình thức của ý thức xã hội. Chủ nghĩa mác-lê xây dựng quan điểm về đạo đức và những yêu cầu của đạo đức không phải trên những định nghĩa chung và trừu tượng, mà trên những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong một xã hội có giai cấp, đạo đức có tính chất giai cấp. Kết quả thắng lợi của cách mạng vô sản là thắng lợi của một nền đạo đức mới: Đạo đức của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa phụ thuộc vào lợi ích đấu tranh của giai cấp vô sản. Chỉ hợp với đạo đức cộng sản những cái gì góp phần tiêu diệt bóc lột và nghèo khổ, những cái gì củng cố chế độ mới, và xã hội chủ nghĩa.»

Những nguyên tắc căn bản của đạo đức cộng sản chủ nghĩa được nêu trong điều lệ của đảng, ở mục nói về nhiệm vụ của đảng viên. Đảng đòi hỏi đảng viên phải là «những người chiến đấu tích cực thực hiện những nghị quyết của đảng, phải gương mẫu trong lao động, phải bảo vệ tài sản công cộng xã hội chủ nghĩa…»

Theo quan niệm mác-lê, đạo đức hoàn toàn tách rời khỏi con người, không lấy con người làm cứu cánh. Trái lại, đạo đức cộng sản quan niệm con người chỉ là phương tiện nhằm phục vụ cho đảng. Ở đây, đạo đức không mang nội dung thể hiện nhân cách con người qua nếp sống trong xã hội để qua đó cho thấy con người là con người tự do bởi con người ý thức trọn vẹn về mình, về sứ mạng của mình. Đạo đức mác-lê mang nặng tính chất cưỡng chế đến mức độ nghiêm trọng là con người bị hút mất vào giai cấp, tan biến vào đảng.

Khi nhìn đạo đức từ góc độ chính trị, chúng ta sẽ thấy rõ hơn mối tương quan giữa đạo đức và chính trị.

 

II. Chánh trị là một trong số lớn những từ ngữ có nhiều nghĩa khác nhau vì nó thay đổi theo không gian và thời gian

1/ Chánh trị, theo Đào Duy Anh, gọi chung những việc xếp đặt và thi hành để sửa trị một nước.

Năm 1870, Littré định nghĩa chánh trị là khoa cai trị những quốc gia. Đến năm 1962, một thế kỷ sau, Robert định nghĩa chánh trị là nghệ thuật và thi hành việc cai trị loài người. Cả hai định nghĩa của Littré và Robert được đưa ra trước sau cách nhau bởi một quảng thời gian dài nhưng lại không xa nhau mấy, bởi cả hai đều lấy việc cai trị làm đối tượng của chánh trị. Nhưng ngày nay, người ta lại thay thế việc cai trị quốc gia bằng việc cai trị xã hội loài người. Từ ngữ “cai trị” vì thế hàm nghĩa quyền lực có tổ chức, những cơ chế chỉ huy và cưỡng hành.

Vì chánh trị vốn là từ ngữ mang nhiều định nghĩa khó được sự chấp nhận chung, nên định nghĩa trên đây đã bị tranh luận không ít. Một số những nhà chánh trị học cho rằng chánh trị là khoa trị quốc, là quyền bính, có tổ chức trong cộng đồng quốc gia. Một số khác, đông đảo hơn, lại chủ trương chánh trị là khoa tổ chức, cũng quyền bính, nhưng là thứ quyền bính để cai trị các cộng đồng. Tựu trung, cả hai xu hướng đều thừa nhận một điểm chung là chánh trị như là khoa quyền bính, mà là thứ quyền bính nằm trong quốc gia đạt đến hình thức hoàn bị nhứt, đạt đến cách tổ chức nghiêm chỉnh nhứt.

Nhận định kỹ, chúng ta sẽ thấy hai định nghĩa của Littré và Robert có khác nhau ở một điểm: Littré xem chánh trị là một khoa học, còn Robert cho đó chỉ là một nghệ thuật và sự thi hành mà thôi.

 

2/ Ngày nay, chánh trị đã thật sự trở thành một khoa học – Khoa học chánh trị, và được hầu như tất cả Đại học trên thế giới công nhận. Nhiều học vị về chánh trị đã được cấp phát. Hàng năm, hàng ngàn ấn phẩm về chánh trị học được xuất bản và phổ biến.

Ở phương Đông, vào thời xưa, chánh trị là những việc được xếp đặt để sửa trị một nước. Vì chánh trị là “sửa trị”, nên ở đây, chánh trị được gắn liền với đạo đức làm một. Xếp đặt những công việc sửa trị nước không nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân mà nhằm bảo vệ nền đạo đức xã hội là cứu cánh. Nên theo đó, chánh trị tốt nhứt là vương đạo. Khi thi hành vương đạo không được thì con đường khác hơn, dựa trên pháp, thế, thuật, sẽ là chính trị nhưng bá đạo bởi nó tách rời khỏi đạo đức.

Ở phương Tây, thật ra, vào cổ thời, những nhà hiền triết cũng kết hợp đạo đức và chánh trị làm một. Cũng như Khổng-Mạnh ở phương Đông, Socrate, Aristote, Platon, đều quan niệm chánh trị là phải theo đuổi cứu cánh thực hiện những nền “thiện chính”, tức chánh quyền và chính sách tốt, (bons gouvernements), bằng những con người cầm quyền có đạo đức. Duy cách thực hiện thì không giống phương Đông, vì ở đây thể chế dân chủ đã sớm xuất hiện trong nhiều thành quốc (cités) và xen lẫn với quân chủ.

Còn chánh trị theo quan niệm của người cộng sản? Từ điển triết học, Hà nội xuất bản, 1976, định nghĩa chánh trị là «tham gia công việc Nhà nước, là chỉ đạo Nhà nước, là xác định những hình thức, những nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Nhà nước. Chính trị là biểu hiện của những lợi ích căn bản của các giai cấp và của quan hệ giữa các dân tộc và giữa các nước”. Lê-nin  quan niệm rõ hơn: “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”.

Theo định nghĩa kinh điển trên đây, chánh trị mác-xít hoàn toàn phù hợp theo quan niệm đạo đức cộng sản chủ nghĩa, trong đó con người nhân bản hoàn toàn vắng bóng. Chánh trị mác-xít gắn chặt với hệ tư tưởng, vì trọng tâm của chánh trị là sự đấu tranh một mất một còn với phía tư bản.

Theo người cộng sản, chánh trị của họ có căn cứ khoa học, bởi nó được quan niệm từ những đòi hỏi của những qui luật khách quan của sự phát triển của xã hội, và trước hết, của những qui luật kinh tế. Nhưng vì thiếu căn cứ trên con người nhân bản mà đạo đức là yếu tố chủ đạo, nên chánh trị cộng sản chủ nghĩa đã cáo chung theo sự sụp đổ của chế độ sô-viết. Trước khi sụp đổ, chế độ cộng sản và chánh trị mác-xít đã di hại đến con người không kể xiết, trong đó, có Việt Nam hãy còn là nạn nhân cho đến ngày nay.  

 

B – QUAN HỆ ĐẠO ĐỨC VÀ CHÁNH TRỊ

 

Sau khi đã tìm hiểu một số định nghĩa rộng rãi về hai từ ngữ then chốt của đề tài Đạo đứcChánh trị, giờ đây, chúng ta lại đối diện với một từ ngữ đơn, tuy nó không mang nội dung đòi hỏi những định nghĩa khúc chiết, nhưng nó có vai trò quan trọng, không phải của một liên tự, mà trái lại, nó nói lên mối tương quan giữa đạo đức và chánh trị. Đó là tiếng . Thật thế, mối tương quan này sẽ cho ta thấy đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện.

 

1/ Đối với tư tưởng cổ thời phương Đông, cũng như phương Tây, chánh trị là đạo lớn của con người. Nhưng ngày nay, chánh trị đã dứt khoát tách rời khỏi đạo đức để trở thành một bộ môn khoa học xã hội. Đạo đức còn lại là vấn đề lương tâm của mỗi người. Việc chế tài về vi phạm đạo đức là do lương tâm phán xét. Chánh trị không can thiệp vào vấn đề thuộc lương tâm của con người, nhứt là chánh trị lại được hành sử trong một xã hội thế tục ròng. Vì chủ trương này mà ngày nay ở khắp nơi, ngay cả ở phương Tây này, đời sống xã hội bị khủng hoảng trầm trọng, trong đó những giá trị về đạo đức cơ hồ như không có chỗ đứng. Sự phá sản hệ thống giá trị đạo đức từ xã hội xâm nhập vào học đường, gia đình. Thậm chí, việc giết người, nơi nào chưa được hợp pháp, được rầm rộ tranh đấu để được hợp thức hóa, như việc phá thai, chẳng hạn. Một bịnh trạng xã hội như sự đồng tính luyến ái được nhiều nơi đưa lên hàng quốc sách. Ở Pháp đã được hợp thức hóa về mặt xã hội. Phần lớn dân chúng có bất mãn, phản đối, chánh trị cũng chịu bất lực, bởi đạo đức đã bị tách rời ra khỏi chánh trị, lôi theo sự bật rễ những giá trị tiêu chuẩn lâu đời đã từng ăn sâu trong nếp sống xã hội. Thế mà xã hội ngày nay, đúng hơn là chánh trị, vẫn cố tình tránh né đặt lại vấn đề đạo đức trong cuộc sống, mặc dầu trên thực tế, luân lý thực hành vẫn chưa được chính thức bãi bỏ. Rồi, đạo đức xưa nay, từ đây, được chia ra làm nhiều mảnh vụn theo địa hạt, nghề nghiệp (éthique). Đến lúc, những người làm chánh trị cho đất nước của mình (Pháp) phải giật mình, sợ hãi, vội lớn tiếng đặt lại vấn đề đạo đức. Chánh phủ (Pháp) áp dụng một chánh sách giáo dục trong đó thiết lập lại môn luân lý công dân, đã bị dẹp bỏ từ lâu, để đào tạo ý thức về đạo đức cho trẻ con từ học đường. Các đảng chánh trị cầm vận mệnh quốc gia cũng thấy có chung những ưu tư về tình trạng đạo đức chánh trị trên đà sa đọa, nên đua nhau hô hào phải luân lý hóa luật trợ cấp tài chánh cho các đảng phái… Trong lúc đó, mọi người phải đối diện với một bế tắc nghiêm trọng là về mặt tư tưởng, không biết phải lấy những giá trị nào đưa lên làm tiêu chuẩn cho đạo đức, nên kêu gọi luân lý hóa chánh trị, mà lại không xác định được thế nào là luân lý tính.

Trong tình hình này, chánh trị ngày nay không khác gì chủ trương của các pháp gia ở Trung quốc cổ thời, xem chánh trị chỉ là pháp, thế, thuật đơn thuần, với sự khác biệt là thay vì tôn quân thì dân chủ mà thôi. Nhưng quyền của người dân tự mình cai trị chính mình có thật sự được áp dụng và tôn trọng không? Hay khi người dân buông rơi lá phiếu, chính là lúc người dân giao bổn mạng của mình cho những người làm chánh trị chuyên nghiệp để họ chỉ biết phục vụ quyền lợi của họ và của phe cánh của họ mà thôi?

 

2/ Ở phương Đông, đạo đức và chánh trị theo chủ trương nhân trị phải hợp nhất, và chánh trị là công cụ phục vụ đạo đức.

Đạo đức là gốc, đạo đức thể hiện ra thành LỄ. Hình là để trừng phạt những kẻ vi phạm đạo đức. Phải sử dụng đến hình là điều bất đắc dĩ. Cho nên phạm vi của hình hẹp hơn lễ và đạo đức.

Tại Việt Nam ngày xưa, chánh trị là để thi hành đạo đức dựa trên nền tảng tam cương, ngủ thường. Nền tảng này được quan niệm là đạo của trời đất, đồng thời cũng là đạo của con người. Vì trời đất và con người cộng thông, và mối tương quan này là điều tự nhiên, nên không ai có thể cưỡng lại được. Chánh trị mà trái đạo tự nhiên này là gây loạn cho xã hội. Bởi vậy chánh trị, với Hình và Pháp, là thủ đoạn của đạo đức, cứu cánh của chánh trị.

Đặc biệt ở Việt Nam, những lý thuyết này đã được đúc kết thành một nền đạo đức thực tiễn cho dân tộc, cụ thể như 24 điều giáo hóa của Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), 47 điều giáo hóa của Lê Huyền Tông (thế kỷ 17) và 10 điều giảng dạy của vua Minh Mạng (thế kỷ 19). Các điều này đã được ban hành để áp dụng vào việc trị nước dưới hình luật (lệnh hay dụ), có thật sự hiệu lực pháp lý. Như vậy, sự tương quan giữa đạo đức và chánh trị là điều tất yếu, hiển nhiên.

Mối tương quan này dã tạo nên nét đặc thù của chánh trị Việt Nam cổ thời, trải qua các thời đại mãi cho đến cách mạng mùa thu, xuất hiện người cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong mối tương quan giữa đạo đức và chánh trị, nét đặc trưng nhứt, đậm đà việt tính là nguyên tắc sống trọng tình cảm và nhu cầu về một cuộc sống hòa thuận. Đó là cơ sở trong quan hệ xã hội và quốc gia. Ngày xưa, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mỗi khi thế thắng đã thuộc về ta một cách rõ ràng, cha ông chúng ta đều luôn luôn biết dừng lại và chủ động cầu hòa, mở đường cho giặc rút lui trong danh dự. Đối xử nhân đạo với kẻ bại trận.

Chánh trị Việt Nam tự thời xưa rập khuôn theo đạo đức trọng tình, hiếu hòa, khác với bạo động, vì bạo động là con người phủ nhận con người. Tàn sát một số người là bạo động, nhưng chưa ở một hình thức cao. Bởi khi đã tàn sát rồi thì đâu còn ai để mình phủ nhận. Cho nên trong “đạo đức và chánh trị cộng sản chủ nghĩa ”, khi người cộng sản làm chiến tranh xâm lược, họ không nhầm tiêu diệt sạch đối phương – khoan hồng theo đạo đức cách mạng – mà nhằm chiếm của và chiếm người hơn. Chiếm được người rồi, họ mới bắt đầu đem đạo đức mác-xít ra thực hiện trả thù giai cấp bằng trại tập trung, cướp đât, cướp nhà, …

 

3/ Theo quan niệm cộng sản, chánh trị là biểu hiện của tập trung kinh tế, nên khi người cộng sản dành quyền thống trị kẻ khác là dành quyền ưu tiên trong việc xử dụng tài vật của họ. Một khi đã nắm trọn được quyền chánh trị rồi thì chánh trị và

kinh tế sẽ không còn biên giới: đảng cộng sản vừa là chủ dân, vừa là chủ đất. Nhân dân là tôi tớ, xứ sở là gia sản của riêng đảng cộng sản. Chỉ san sẻ cho người trong đảng.

Với thời gian, quyền lực của kẻ cai trị được xem như một hiện tượng tự nhiên và do đó, trở thành hợp lý: nhà phải có chủ, nước phải có người cai trị. Đối với dân chúng, dù có bị kẻ cai trị phủ nhận, nhưng mạng sống của bản thân vẫn là quí báu. Vì thế mà người cai trị đòi hỏi kẻ bị trị không những phải ngoan ngoản tùng phục mình mà còn phải biết ơn mình nữa (trường hợp đối với dân miền Nam từ 1975).

Yếu tính của bạo động là con người bị phủ nhận. Trong hoàn cảnh này, bổn phận đầu tiên của con người là vùng lên giành lại quyền làm người để được nhìn nhận là người. Không vùng lên thì không bao giờ được nhìn nhận. Vùng lên là tranh chấp, nhưng cuộc tranh chấp này không mang ý nghĩa bạo động, vì nó nhằm chấm dứt một tình trạng bạo động vì con người bị phủ nhận. Nó cũng không phải là một thứ chiến tranh chiếm hữu mà là một cuộc quật khởi của con người muốn trở thành người.

Vùng lên chống lại thứ chánh trị thiếu đạo đức ấy là một thái độ cảm nhận sâu sắc sự phẫn uất trước cái thân phận phi nhân của mình.Phẫn uất là một tình cảm đạo đức bắt nguồn từ sự nhận thức tính cách phi lý, phi nhân của sự áp bức, bóc lột, mà con người phải chịu đựng. Tình cảm này cần thiết làm cho con người trưởng thành, đứng thẳng lên giành lại cho mình quyền làm người.

 

3/ Những giá trị của tôn giáo là những lý tưởng định hướng cho sự tiến bộ của nhân loại. Hướng về lý tưởng đó, ta phải cải tạo hoàn cảnh xã hội, thiết lập một trật tự nhân bản. Trật tự nhân bản không thể dựa trên bạo lực, mà phải dựa trên đạo đức chánh trị, cụ thể hơn, phải dựa trên khả năng và đạo đức của kẻ cầm quyền. Từ nay, quyền bính không còn là quyền bính của kẻ mạnh, mà là quyền bính của con người có đạo đức, nghĩa là quyền bính của toàn dân ủy nhiệm cho những người thay mặt họ để đứng ra lãnh sứ mạng cai trị họ. Quan hệ giữa người cai trị và người bị trị không còn là quan hệ giữa chủ / tớ như trước kia nữa, mà trở thành sự phân công hợp lý dựa trên khả năng và đạo đức. Chánh trị vì thế quan niệm rõ chủ quyền của một nước là thuộc toàn dân. Theo quan niệm này thì đạo đức và chánh trị là một bất khả phân. Trong trường hợp này, người dân mới có tự do và do đó, nhân quyền mới được tôn trọng và bảo đảm.

Chánh trị khác hơn, tức thiếu đạo đức, chỉ có đưa đến một chế độ độc tài chuyên chế mà nền tảng là tội ác. Chế độ dân chủ chỉ có một nền tảng là đạo đức: đạo đức của chánh quyền được bảo đảm bằng đạo đức tự nhiên của nhân dân.

Đạo đức không chỉ dành cho đời sống cá nhân, mà phải ngự trị trên đời sống xã hội, trên những cơ cấu chánh trị, pháp lý, kinh tế. Vì nền tảng của chế độ dân chủ là đạo đức, bởi chế độ dân chủ là chế độ của con người trưởng thành, vừa ý thức về chính mình, vừa ý thức sự liên đới giữa mình với người khác trong cộng đồng dân tộc và nhân loại. Chỉ có chánh trị và đạo đức là một mới tạo dựng được một chánh quyền có khả năng đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân.

 

C- CÓ CẦN DUY TRÌ MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ CHÁNH TRỊ?

Ngày nay, trên đà tiến triển của khoa học kỹ thuật, chánh trị đã dứt khoát ly khai khỏi đạo đức để trở thành một khoa học riêng biệt. Những đánh giá về đạo đức không còn liên hệ đến chánh trị nữa.

Hướng về tương lai, câu hỏi lớn được đặt ra cho người Việt chúng ta ngày nay với một cuộc sống đã đạt được qui mô toàn cầu, đã tiếp thu trực tiếp các nguồn tư tưởng phương Tây, nay còn có muốn duy trì mối tương quan chặt chẽ giữa đạo đức và chánh trị hay không?

Nếu theo hẳn Âu-Mỹ, chủ trương nên tách rời đạo đức và chánh trị, thì có dám chấp nhận tất cả hậu quả đè nặng lên đời sống xã hội như ta nhìn thấy chăng?

Đó là những mạch suy nghĩ có khả năng mở ra cho Việt Nam một viễn ảnh mới.

Ngày nay, phương Tây cũng đã có nhiều vận động hướng về phương Đông, để tìm kiếm những giá trị tinh thần còn mới đối với họ. Trong lúc đó, phương Đông lại đứng trên gia sản sẵn có của mình mà trố mắt say sưa nhìn về phương Tây, vì bị những tiến bộ thần kỳ của khoa học kỹ thuật quyến rũ và mê hoặc.

 

Dù Đông hay Tây, hai vấn đề lớn của con người có trực tiếp liên hệ mật thiết đến đạo đức và chánh trị, mà con người từ hôm nay cần phải giải quyết, một mặt là nhân quyền và mặt khác là sự liên đới giữa con người trong xã hội và giữa các quốc gia, dân tộc trên địa cầu.

Không ai trong chúng ta có thể lẩn tránh hai vấn đề này. Vậy liệu đạo đức và chánh trị hợp nhứt hay tách rời ra, cái nào sẽ có đủ khả năng để giúp chúng ta giải quyết hai vấn đề  trọng đại kia?

 

Nguyễn văn Trần

 

Ghi chú:

Le Monde diplomatique, 12/95, Paris.

Maurice Duverger, Introduction à la politique, Paris, 1964

Lý Chánh Trung, Cách mạng và Đạo đức, Saigon, 1969.

Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Saigon, 1996.

Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Hoa Kỳ, 1978.

Từ điển Triết học, Hànội, 1975.

Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh.

Việt Pháp từ điển, Lê Khả Kế-Nguyên Lân, Hànội, 1992.

Jacqueline Russ, Les théories du pouvoir, Paris, 1994.

Từ điển Robert và Littré, Paris.