Ảnh hưởng của sắc lệnh di trú đối với người Việt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ảnh hưởng của sắc lệnh di trú đối với người Việt

01/02/2017

Thứ Sáu tuần rồi, Tổng Thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tạm ngưng nhận di dân từ bảy quốc gia Hồi Giáo trong 90 ngày, và đình hoãn chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày. Ngoài ra, sắc lệnh cũng ngưng nhận người tị nạn Syria vô thời hạn.

Biểu tình phản đối sắc lệnh của ông Trump. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Bảy quốc gia mà Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ không cấp visa cho công dân của họ trong lúc này là Iraq, Iran, Syria, Somalia, Sudan, Libya, và Yemen.

Sau khi sắc lệnh được ban hành, có nhiều lộn xộn và hiểu lầm xảy ra, đặc biệt với một số thường trú nhân, tức là người có “green card,” qua việc xuất nhập cảnh tại các phi cảng quốc tế của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số luật sư có những lời khuyên nhủ khác nhau gởi đến cộng đồng.

Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, có văn phòng tại San Jose, nói: “Đây là biện pháp của ông Trump để đối phó với những nước mà ông cho là có thể là mối đe dọa trực tiếp đến nền an ninh của Hoa Kỳ. Hiện giờ, những người muốn về thăm Việt Nam chưa có gì phải quan tâm cả.”

“Luật di trú của Mỹ là một bộ luật hết sức phức tạp cho nên không ai có thể thay đổi, một sớm, một chiều được,” ông trấn an.

Luật sư Darren Nguyễn Ngọc Chương, chuyên trách về di trú, có văn phòng tại Irvine, nói: “Tôi chưa thấy sắc lệnh này của ông Trump có ảnh hưởng gì đến người Việt tại Hoa Kỳ cả. Tuy vậy, vì ông Trump có lập trường rất hà khắc với những người có tiền án nên tôi khuyên những ai từng lôi thôi với pháp luật thì không nên rời khỏi nước Mỹ lúc này. Nếu có việc phải đi thì nên tham khảo cẩn thận với luật sư, xin giấy tờ quay lại Mỹ rõ ràng rồi mới đi.”

Luật Sư Huy Nguyễn, có văn phòng tại Philadelphia, cho hay: “Ngay lúc này, sắc lệnh của ông Trump không trực tiếp nói gì về những người gốc Việt cả. Nhưng đừng vì thế mà tin chắc rằng ngày mai, ngày mốt, mình sẽ không sao. Tôi khuyên cộng đồng chúng ta nên tham gia biểu tình chống lại sắc lệnh này của ông Trump, bởi vì không ai tiên liệu được hành động của ông ấy.”

Luật Sư Steven Tuấn Phạm, có văn phòng tại Houston, nói: “Sắc lệnh này của ông Trump không nhắm vào người gốc Việt. Tôi vẫn khuyên những người Việt nào đang ở trong bảy quốc gia Hồi Giáo bị cấm cửa, mà muốn vào Mỹ, nên qua nước khác hoặc quay về Việt Nam xin visa.”

Cũng trong mấy ngày qua, trên một số trang mạng xã hội, có người đưa lên mẫu đơn I-407, làm một số người không hiểu gì cả và bàn tán xôn xao.

Về việc này, Luật Sư Steven Tuấn Phạm giải thích: “I-407 là một tờ đơn của Sở Di Trú, mà nhân viên hàng không có thể phát cho hành khách có Thẻ Xanh, để hỏi những người này có muốn từ bỏ Thẻ Xanh hay không, nhất là đối với những người rời khỏi nước Mỹ hơn một năm. Dĩ nhiên là không nên ký tên vào mẫu đơn này. Bởi vì, khi ký vào, có nghĩa là tình nguyện từ bỏ Thẻ Xanh của mình. Nhưng nếu lỡ ký thì phải nhờ luật sư di trú xin khiếu nại ngay.”

Về điều khoản tạm ngưng tất cả các chương trình tị nạn trong 120 ngày của sắc lệnh, một số người Việt xin tị nạn, đang chờ cấp visa, chắc chắn bị ảnh hưởng vào lúc này.

Luật Sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE, kể: “Tôi biết một gia đình người Việt Nam gồm ba người, đang ở Thái Lan, đã được chính phủ Mỹ công nhận tư cách tị nạn cách đây bốn năm, sau khi đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công nhận.”

“Họ đã làm xong xuôi hết tất cả các thủ tục ở Thái Lan, đã được một gia đình bên Mỹ bảo trợ. Họ cũng đã đặt xong vé máy bay và chỉ còn chờ ngày 22 Tháng Hai là lên đường đi Mỹ. Thế nhưng bây giờ, vì sắc lệnh của Tổng Thống Trump mà chuyến bay của họ phải đình lại, không biết đến bao giờ,” Luật Sư Hội nói tiếp.

Ông nói thêm: “Ông Trump cách chức Sally Yates, quyền bộ trưởng tư pháp, vì bà không bênh vực sắc lệnh này của ông.”

Bà Yates cho rằng, sắc lệnh này vi hiến, nên bà không bênh vực.

Theo điều khoản số 5 trong sắc lệnh, ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ hoãn chương trình tị nạn (USRAP) 120 ngày để phối hợp với Bộ Nội An và giám đốc Tình Báo Quốc Gia thẩm định tình hình và đề nghị những thủ tục cần thiết để bảo đảm người tị nạn không gây nguy hại cho nước Mỹ.

Luật Sư Steven nói: “Riêng về việc này, ông Trump chỉ làm rùm beng mà thôi. Dưới quyền những tổng thống khác, thời gian 120 ngày để thẩm định này vẫn được áp dụng. Chỉ có khác là lúc trước người tị nạn được nhận trước, thẩm định sau. Bây giờ ngược lại, thế thôi.”

Luật Sư Hội nhận xét: “Trước đây, nước Mỹ nhận người tị nạn nếu họ chứng minh được là bị ngược đãi tại quê hương mình. Bây giờ, một người tị nạn, trước khi được vào Mỹ, phải chứng minh rằng mình sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ.”

Ông nói một cách bực tức: “Đã bị đàn áp, phải bỏ nước ra đi, làm sao có thể chứng minh mình sẽ đem được lợi ích cho Mỹ? Điều này vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về dân tị nạn mà chính nước Mỹ đã ký kết.”

Những năm trước, mỗi năm có tới 90,000 người tị nạn được nhận vào Mỹ. Năm nay, sẽ có khoảng 50,000 người thôi, theo Luật Sư Trịnh Hội.

Ông lo âu: “Người Việt tị nạn còn quá nhiều, mà ông Trump đang khép cánh cửa cho chúng ta hết phân nửa rồi.”

Với giọng cương quyết, ông Hội nói: “Là con của người tị nạn Việt Nam, tôi mong cộng đồng chúng ta, cộng đồng của những người tị nạn, phải có tiếng nói để bênh vực quyền lợi cho những người tị nạn đến sau chúng ta.”

Đằng-Giao & Khoa Lại

(Người Việt)