Tin khắp nơi – 29/01/2017
Ông Trump đề cử ai lãnh đạo hải quân Mỹ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử ông Philip Bilden, một cựu nhân viên tình báo quân sự với nhiều kinh nghiệm về châu Á, nhất là Trung Quốc, và từng lãnh đạo công ty góp vốn tư nhân, lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ. Nay ông Bilden cần phải được thượng viện chuẩn thuận.
Quyết định này được đưa ra hôm 25/1, hai ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ cản Bắc Kinh chiếm giữ lãnh thổ trong hải phận quốc tế ở biển Đông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng tuyên bố rằng hành động như vậy có thể dẫn tới một “cuộc chiến toàn diện”.
Trước thông báo trên, ông Bilden trở thành ứng viên hàng đầu so với người trước đó được coi sẽ nhận đề cử là cựu dân biểu Mỹ Randy Forbes, một quan chức mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc, từng làm chủ tịch Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ.
Một tuyên bố của Nhà Trắng miêu tả ông Bilden là “một lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thành công, một cựu nhân viên tình báo quân sự và một lãnh đạo về an ninh mạng tại Trường Chiến tranh Hải quân”.
Thông cáo trên còn nói rằng ông sẽ “mang tới sự lãnh đạo chiến lược, kỷ luật đầu tư, kinh nghiệm về mạng và khu vực châu Á tới lực lượng hải quân”.
Tuyên bố của Nhà Trắng dẫn lời ông Bilden nói rằng “duy trì sức mạnh, sự sẵn sàng và khả năng của lực lượng hàng hải là điều sống còn đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Ông cũng nói rằng nếu được chuẩn thuận, ông sẽ đảm bảo rằng lực lượng do mình lãnh đạo sẽ “có đủ các nguồn lực để bảo vệ quyền lợi của chúng ta trên khắp thế giới, cũng như hậu thuẫn các đồng mình của chúng ta”.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu đô đốc hồi hưu của Mỹ James Stavridis, người cũng từng chỉ huy trong NATO, nói rằng ông Bilden là một lựa chọn xuất sắc.
Ông Stavridis nói rằng ông Bilden “rất hiểu biết về Trung Quốc” và “nhiều lần nói với tôi về sự cần thiết phải có một cách tiếp cận cứng rắn về biển Đông”.
Ông Trump từng cam kết sẽ gia tăng số tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ từ con số hiện tại là 290 lên 350 tàu. Động thái này được coi là nhằm chống lại sự trỗi dậy nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-de-cu-nguoi-lanh-dao-hai-quan-my/3697381.html
Trung Đông, Châu Âu tức giận
về lệnh cấm di trú của ông Trump
Một ủy ban của quốc hội Iraq hôm Chủ nhật, 29/1, đề nghị chính phủ nước “hành động có qua có lại” đối với những hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump ban hành áp dụng với công dân của 7 quốc gia Hồi giáo.
Chính phủ Iraq cho đến nay chưa bình luận công khai về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về hạn chế nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với người từ các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen.
Nhưng các quan chức ở Baghdad nói rằng họ sẽ vận động chính quyền Hoa Kỳ để rút lại các biện pháp hạn chế hoặc ít nhất là giảm nhẹ tác động của sắc lệnh lên người Iraq.
Và họ dự định sẽ cảnh báo với Tòa Bạch Ốc rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời có nguy cơ phá hoại sự hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Các chính phủ các nước A-rập khác cũng đã không lên tiếng công khai về lệnh cấm, họ chọn cách vận động mạnh mẽ ở hậu trường với Washington.
Các lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và A-rập Xê-út sẽ nói chuyện bằng điện thoại hôm Chủ nhật với Tổng thống Trump. Và một quan chức ở Dubai đề nghị không nêu tên cho VOA biết là hai nước kể trên sẽ khuyến cáo Tổng thống Mỹ không nên bổ sung tên của hai nước vào danh sách các quốc gia trong lệnh cấm di trú.
Ở Mosul, nơi các lực lượng Iraq đang chiến đấu nhằm loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khỏi hang ổ trong đô thị lớn cuối cùng của chúng ở Iraq, các binh sĩ đã bày tỏ sự tức giận với lệnh cấm, họ nói rằng nó có thể ngăn chặn họ thăm thân nhân ở Hoa Kỳ.
Phản ứng quốc tế về việc ông Trump cấm người tị nạn
Đã bắt đầu có phản ứng quốc tế đối với sắc lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và người dân từ các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.
Bên cạnh việc ngăn chặn người dân Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành pháp của ông Trump cấm vĩnh viễn việc tiếp nhận người tị nạn Syria và cấm trong 120 ngày đối với việc nhập cảnh vào Mỹ của tất cả những người tị nạn khác.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm Chủ nhật, 29/1, rằng bà Merkel “tin rằng ngay cả cuộc chiến kiên quyết và cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng không biện minh cho việc nghi ngờ chung chung người dân có xuất thân ở một nước cụ thể hoặc theo một đức tin cụ thể”.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các chính trị gia khác trong nước chỉ trích vì bà không lên án lệnh cấm của ông Trump khi bà gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara.
Nghị sĩ Anh Jeremy Corbyn nói “Bà Theresa May lẽ ra đã phải bảo vệ Vương quốc Anh và các giá trị của chúng ta bằng cách lên án hành động của ông Trump. Đất nước chúng ta phải lấy làm buồn lòng khi bà quyết định không làm như vậy… Sau những hành động xấu của ông Trump và việc bà May đã không lên án, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng ta là nói với người tị nạn tìm kiếm một nơi an toàn rằng họ sẽ luôn luôn được chào đón ở Anh”.
Ông Trump có kế hoạch đến thăm Anh vào thời gian sau này trong năm nay, nhưng nghị sĩ Anh Sarah Wollston cho rằng không nên mời nhà lãnh đạo Mỹ đến phát biểu trước Quốc hội.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận xét về lệnh cấm của ông Trump: “Việc chào đón người tị nạn, người chạy trốn chiến tranh và áp bức là một phần trong nghĩa vụ của chúng tôi”.
Người đồng nhiệm của ông Ayrault ở Đức là Sigmar Gabriel nói: “Hoa Kỳ là quốc gia nơi mà truyền thống Kitô giáo có ý nghĩa quan trọng. Yêu thương người láng giềng của mình là một giá trị quan trọng trong Kitô giáo và điều đó bao gồm cả việc giúp đỡ mọi người”.
Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia, nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng không nằm trong số các quốc gia mà người dân phải đối mặt với những hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ, nói với Reuters trong một thông điệp trên truyền thông xã hội: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chính sách đó”.
Tại Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Mohammas Java Zarif cho biết nước ông sẽ không hành động tương tự đối với người Mỹ: “Không giống như Hoa Kỳ, quyết định của chúng tôi là không hồi tố. Tất cả những ai có thị thực hợp lệ của Iran sẽ được chào đón vui vẻ”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên Twitter để bày tỏ thái độ của đất nước mình đối với người tị nạn. Ông viết: “Xin gửi lời đến những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, người Canada sẽ chào đón quý vị, bất kể quý vị có đức tin gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta. #Hoan nghênh quý vị đến với Canada của chúng tôi”.
http://www.voatiengviet.com/a/phan-ung-quoc-te-ve-viec-ong-trump-cam-nguoi-ti-nan/3697283.html
Viện hàn lâm điện ảnh lo ngại
đạo diễn được đề cử Oscar bị cấm tới Mỹ
Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh gọi lệnh cấm thị thực khả dĩ đối với đạo diễn người Iran Asghar Farhadi, người có phim “The Salesman” được đề cử giải Oscar phim nước ngoài hay nhất, là “cực kỳ đáng lo ngại.”
Trong một thông cáo đưa ra ngày thứ Bảy, Viện Hàn lâm bày tỏ lo ngại rằng ông Farhadi cùng dàn diễn viên và đội ngũ làm phim của ông có thể không được phép tới dự lễ trao giải Oscar vào tháng sau tại thành phố Los Angeles sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh tạm đình chỉ cấp visa cho những người đến từ Iran và sáu quốc gia Hồi giáo khác.
Ông Farhadi chưa bình luận về kế hoạch sang Mỹ của mình, nhưng vào ngày thứ Sáu, chủ tịch Hội đồng Người Mỹ gốc Iran Quốc gia, Trita Parsi, viết trên Twitter: “Đã xác nhận: Asghar Farhadi của Iran sẽ không được phép vào Mỹ để dự lễ trao giải Oscar.”
Hôm thứ Năm, nữ diễn viên Iran Taraneh Alidoosti đóng trong phim “The Salesman” viết trên Twitter rằng cô sẽ tẩy chay lễ trao giải Oscar – cho dù có được phép dự hay không – để phản đối những chính sách di trú của ông Trump mà cô gọi là “kì thị chủng tộc.”
Trong thông cáo của mình hôm thứ Bảy, viện hàn lâm nói: “Là những người ủng hộ các nhà làm phim – và quyền con người của tất cả mọi người – khắp toàn cầu, chúng tôi thấy cực kỳ đáng lo ngại rằng Asghar Farhadi, đạo diễn của bộ phim đoạt giải Oscar từ Iran ‘A Separation,’ cùng với dàn diễn viên và đội ngũ làm phim của bộ phim được đề cử giải Oscar năm nay ‘The Salesman,’ có thể bị cấm nhập cảnh vì tôn giáo hay quốc gia xuất xứ của mình.”
Thẩm phán Mỹ tạm thời ngăn chặn
sắc lệnh của ông Trump về hạn chế di trú
Một tòa án liên bang đã can thiệp sau khi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về hạn chế người từ bảy quốc gia đông dân theo Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ dẫn đến sự hoang mang rộng khắp khi những người tị nạn, những người có thẻ xanh, sinh viên và người lao động bị giữ lại tại các sân bay Mỹ hoặc bị cấm lên các chuyến bay quốc tế đến Mỹ
Cuối ngày thứ Bảy, 28/1, Thẩm phán Khu vực tư pháp Liên bang Ann Donnelly ở New York đã ban hành lệnh khẩn cấp tạm thời ngăn chặn việc trục xuất những người có thị thực hợp lệ đã bị cầm giữ sau khi hạ cánh tại các sân bay Mỹ. Lệnh này cũng ngăn chặn việc tạm giữ bất cứ ai có đơn xin tị nạn đã được phê duyệt.
Một tuyên bố của Bộ An ninh Nội địa ban hành đầu ngày Chủ nhật, 29/1, cho biết họ sẽ “tuân thủ theo các lệnh tư pháp”, nhưng cũng nói thêm bộ cũng sẽ “thực hiện Sắc lệnh Hành pháp của tổng thống để đảm bảo rằng những người nhập cảnh vào Hoa Kỳ không tạo ra mối đe dọa cho đất nước hoặc người Mỹ chúng ta”.
Các báo cáo từ nhà chức trách liên bang cho thấy ít nhất 170 người đã bị tạm giữ kể từ khi ông Trump ký sắc lệnh tại Tòa Bạch Ốc hôm 27/1.
Tại các sân bay ở New York, Washington, San Francisco và các thành phố khác, rất đông người biểu tình tụ tập. Các luật sư cũng đã đến các sân bay để tư vấn cho người bị tạm giữ ở sân bay hoặc bất kỳ hành khách nào đi tới Mỹ song bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Người thân đầy lo sợ của những người không thể nhập cảnh đã rơi vào tình trạng hoang mang vì các quy định mới và vì thiếu thông tin về việc thực thi các quy định đó. Hàng ngàn người tại sân bay New York hô vang rằng họ ủng hộ người tị nạn, và ủng hộ “tình yêu thương, không phải sự thù ghét”, và họ cầm các biểu ngữ lên án chính sách của tổng thống.
Các nhà lập pháp khác nhau của Hoa Kỳ bày tỏ cả sự ủng hộ lẫn phản đối các hạn chế về nhập cảnh.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, một người của đảng Cộng hòa như ông Trump, bảo vệ lệnh cấm trong một tuyên bố do người phụ tá công bố hôm 27/1,
Thượng nghị sĩ Ben Sasse, người của đảng Cộng hòa, thuộc bang Nebraska, nói ông Trump tập trung một cách đúng đắn vào việc bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, nhưng ông nói thêm rằng sắc lệnh có nội dung “quá rộng”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Flake của Arizona cho biết ông Trump hoàn toàn đúng khi quan tâm tới an ninh quốc gia, “nhưng thật không thể chấp nhận được khi thậm chí cả thường trú nhân hợp pháp vẫn bị tạm giữ hoặc bị xua đuổi….”
Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Michael McCaul đã ca ngợi sắc lệnh của ông Trump. Ông McCaul nói trong một tuyên bố rằng “bằng một chữ ký”, ông Trump đã làm “nhiều hơn để chặn đường bọn khủng bố đi vào đất nước này so với chính quyền vừa qua đã làm trong tám năm”.
Dân biểu Charlie Dent là người của đảng Cộng hòa thuộc bang Pennsylvania. Các khu vực bầu cử của ông có khá nhiều người Syria trong vùng đô thị Allentown. Ông kể với tờ The Washington Post về sáu người trong cùng một gia đình, họ sở hữu của một ngôi nhà ở bang Pennsylvania và tất cả đều có thị thực hợp lệ, họ đã bị chặn lại tại Sân bay Quốc tế Philadelphia sau khi hạ cánh ở Mỹ trên một chuyến bay của Qatar Airways.
Ông Dent nói: “Chuyện này thật vô lý. Tôi cho rằng tôi hiểu ý định của ông Trump là gì, nhưng tiếc rằng sắc lệnh đó dường như đã được thông qua vội vã mà không có sự cân nhắc đầy đủ”.
“Gia đình này đã bị đưa trở lại Trung Đông mặc dù họ có đủ tất cả các giấy tờ”, ông Dent nói thêm. “Thật không thể chấp nhận được, và tôi yêu cầu chính quyền dừng việc thực thi lệnh này cho đến khi có thể ban hành một chính sách có sự cân nhắc và tính toán tốt hơn”.
Thượng nghị sĩ Brian Schwartz, người của đảng Cộng hòa, bang Hawaii, viết trên Twitter: “Thật đáng xấu hổ. Tôi cảm thấy phát ốm”.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, đảng Dân chủ, bang California, nói với một phóng viên rằng lệnh cấm là “một hành động không thể tin được. Việc một cá nhân phải được kiểm tra kỹ lưỡng một cách đúng đắn là một chuyện. Còn việc nói rằng bởi vì một người đến từ một quốc gia cụ thể, hoặc vì người đó là tín đồ của một đức tin cụ thể mà ông ấy hay bà ấy không có quyền nhập cảnh vào đất nước này lại là chuyện khác”.
Ông Trump ký thêm sắc lệnh hành pháp,
yêu cầu kế hoạch tiêu diệt IS
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy ký thêm ba sắc lệnh hành pháp nữa, bao gồm một kế hoạch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, tổ chức lại của Hội đồng An ninh Quốc gia, và kéo dài thêm ba năm một lệnh cấm những quan chức chính quyền tham gia vận động hành lang sau khi rời Tòa Bạch Ốc.
Những sắc lệnh này là diễn biến mới nhất trong một loạt những hoạt động mà ông Trump đã thực hiện kể từ khi ông nhậm chức chỉ hơn một tuần trước.
Tòa Bạch Ốc không công bố toàn văn những sắc lệnh này ngay tức thì.
Về sắc lệnh kêu gọi một kế hoạch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo mà Tòa Bạch Ốc gọi là ISIS, Tổng thống Trump nói: “Tôi nghĩ nó sẽ rất thành công.” Sắc lệnh này ra thời hạn 30 ngày cho hội đồng tham mưu để đưa ra một kế hoạch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo.
Trong một cuộc họp báo về những sắc lệnh hành pháp trước khi chúng được ký hôm thứ Bảy, một quan chức chính quyền cho biết sắc lệnh này “sẽ là một tuyên bố sâu sắc từ phía Hoa Kỳ rằng chúng tôi quyết tâm chấm dứt sự tàn bạo này. … Kết quả nhắm tới sẽ cứu được một số lượng người dân lớn không thể biết được về mặt nhân đạo.”
Sắc lệnh về vận động hành lang áp đặt một lệnh cấm năm năm đối với những hoạt động vận động hành lang của những thành viên trong chính quyền Trump sau khi họ rời khỏi Tòa Bạch Ốc. Sắc lệnh này mở rộng lệnh cấm hiện tại, có thời hạn là hai năm sau khi một cá nhân thôi phục vụ tổng thống.
Về sắc lệnh tổ chức lại Hội đồng An ninh Quốc gia và Hội đồng An ninh Nội địa, ông Trump nói: “Nó đại diện rất nhiều điều. … Người ta đã nói về chuyện thực hiện điều này suốt một thời gian dài. Từ nhiều năm nay.”
Việc tái tổ chức Hội đồng An ninh Quốc gia là để làm cho hội đồng ứng phó hữu hiệu hơn trước những mối đe dọa kỹ thuật số.
Khi được hỏi về những sắc lệnh hành pháp mà ông ký hôm thứ Sáu, trong đó có sắc lệnh kêu gọi đình chỉ thị thực cấp cho công dân đến từ những nước thuộc diện “quan tâm đặc biệt,” Tổng thống nói, “đó không phải là lệnh cấm người Hồi giáo, nhưng chúng tôi hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng. Nó đang được thi hành rất tốt. Chúng ta sẽ có một lệnh cấm rất, rất nghiêm ngặt và chúng ta sẽ phải rà soát cực kỳ gắt gao và lẽ ra chúng ta nên có lệnh cấm này trong nhiều năm qua.”
Sắc lệnh này cũng cấm bất cứ người tị nạn Syria nào nhập cảnh Mỹ trong một khoảng thời gian vô hạn định, cho đến khi Tổng thống đưa ra quyết định khác.
Ngoài ra hôm thứ Sáu, ông Trump cũng ký một bản ghi nhớ của tổng thống dành cho bộ trưởng quốc phòng mới và Văn phòng Quản lý Ngân sách, định ra trách nhiệm của họ trong việc thẩm định những chính sách an ninh của quốc gia.
Một số người bị chặn ở sân bay
vì sắc lệnh di trú của ông Trump
Một số người đã bị câu lưu tại các sân bay ở Mỹ và những người khác đã bị ngăn không cho lên những chuyến bay quốc tế đến Mỹ, theo những luật sư và những quan chức sân bay quốc tế ở Mỹ, khi một sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào ngày thứ Sáu hạn chế du hành từ một số quốc gia nhất định bắt đầu có hiệu lực.
Sắc lệnh hành pháp này có hiệu lực ngay lập tức tối thứ Sáu, cấm công dân của bảy quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số và khiến một số người bị mắc kẹt tại sân bay giữa cuộc hành trình. Báo The New York Times đưa tin các luật sư đã đệ đơn kiện thay mặt cho hai người tị nạn Iraq, một người trong số này vẫn đang bị câu lưu tại sân bay JFK của thành phố New York. Các luật sư cũng yêu cầu một quá trình mà sẽ mở rộng vụ kiện để bao gồm tất cả những người tị nạn nói rằng họ đang bị câu lưu trái phép tại những sân bay ở Mỹ.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA hôm Chủ nhật đăng một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran nói rằng họ sẽ có “hành động đáp trả” sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nói rằng họ sẽ hạn chế cấp visa cho khách du lịch Mỹ để trả đũa việc Tổng thống Trump đình chỉ di trú và thị thực cho công dân đến từ một số nước Hồi giáo, trong đó có Iran.
Các luật sư, hiện đang làm việc với Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế và những tổ chức về quyền dân sự khác, nói với tờ Times rằng một trong số hai người đàn ông bị chặn giữ, Hameed Khalid Darweesh, giờ đã được phóng thích, từng làm việc với chính phủ Mỹ ở Iraq trong 10 năm. Còn người đàn ông kia thì đến Mỹ để thăm vợ và con trai hiện đang sống ở đây.
Ông Darweesh đã trả lời báo giới sau khi được phóng thích tại sân bay. Khi được hỏi về suy nghĩ của ông đối với ông Trump, ông Darweesh nói: “Tôi thích ông ấy. Nhưng tôi không biết. Đây là chính sách mà tôi không biết. Ông ấy là tổng thống. Tôi là người bình thường.”
Abed Ayoub, một luật sư với Ủy ban Chống Kỳ thị Mỹ-Ảrập, nói rằng hiện có 11 người đang bị câu lưu tại sân bay JFK. Ông cũng nói ông biết những người khác đang bị câu lưu tại các sân bay Atlanta, Houston và Detroit.
Các quan chức tại sân bay Cairo ở Ai Cập cho biết một gia đình người Iraq đã không được cho lên máy bay đến New York vì những quy định mới.
Khi danh sách hành khách chuyến bay được gửi đến sân bay JFK ở New York, giới chức ở đó đáp lại bằng chỉ dẫn là không để cho gia đình này, gồm một người đàn ông, vợ và hai đứa con, lên chuyến bay của hãng EgyptAir.
Hãng Qatar Airways nói với hành khách của mình từ bảy quốc gia rằng họ sẽ cần phải có thẻ xanh hay thị thực ngoại giao để lên được một chuyến bay hướng tới Mỹ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để hỏi về chỉ dẫn mà cơ quan này sẽ cung cấp cho những người tị nạn đang trên đường đến Mỹ hoặc những thường trú nhân Mỹ hợp pháp, được gọi là người có thẻ xanh, hiện có thể đang ở ngoài nước Mỹ.
Một phát ngôn viên trả lời rằng Bộ Ngoại giao đang nỗ lực để đưa sắc lệnh hành pháp này vào hiệu lực và “sự an toàn và an ninh của công dân Mỹ luôn đứng đầu.”
Một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa nói với hãng tin Reuters rằng những người có thẻ xanh sẽ nằm trong lệnh cấm này.
Ngoài việc ngăn chặn người Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen đến Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành chính của ông Trump áp đặt một lệnh cấm vô thời hạn đối với việc tiếp nhận người tị nạn Syria và một lệnh cấm 120 ngày đối với tất cả những người tị nạn khác vào Mỹ.
Tổng thống hôm thứ Sáu nói chỉ có những người ủng hộ nước Mỹ mới được phép nhập cảnh. Những sắc lệnh hành pháp mà ông đã ký đề cập một cách chi tiết tới những thủ tục xác định và xác minh mà những viên chức lãnh sự Mỹ nên sử dụng.
“Chúng ta không muốn họ ở đây,” ông Trump nói. “Chúng ta muốn bảo đảm rằng chúng ta không nhận vào nước chúng ta những mối đe dọa mà chính binh sĩ của chúng ta đang chiến đấu chống lại ở nước ngoài. Chúng ta chỉ muốn nhận vào đất nước của chúng ta những người sẽ ủng hộ đất nước của chúng ta và yêu quý sâu sắc người dân của chúng ta.”
Bắc Hàn khởi động lại lò phản ửng làm giàu plutonium?
Một viện nghiên cứu Mỹ giám sát chương trình phát triển vũ khí của Bắc Hàn nói nước cộng sản này có phấn chắc đã khởi động lại lò phản ứng ở cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Trang mạng của 38North hôm thứ Sáu 27/1 tải lên mạng các ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Bình Nhưỡng đang khởi động lại lò phản ứng, thu hồi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và giờ có thể được dùng để nâng cấp chất plutonium dùng vào việc sản xuất vũ khí hạt nhân.
Trang mạng 38North do Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học John Hopkins ở Washington điều hành, nói các hình ảnh về lò phản ứng Yongbyon cho thấy các dấu hiệu chứng tỏ là lò này đã hoạt động trở lại.
Các nhà nghiên cứu nói trong điều kiện không có dữ kiện nào khác, hiện không thể ước lượng quy mô hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, mặc dù họ có thể đánh giá hoạt động này là “đáng kể.”
Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon bao gồm một lò phản ứng có công xuất 5 megawatt, và nhiều cơ sở khác đã bị đóng cửa theo một thoả thuận năm 2007 đạt được giữa Bắc Hàn với 5 nước quan tâm gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.
Thoả thuận này tan vỡ khi Bắc Hàn mở lại hoạt động tại cơ sở Yongbyon, nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 90 km về hướng Bắc.
Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc năm ngoái nói rằng lò phản ứng hạt nhân đã hoạt động trở lại, có thể để làm giàu hoặc tái chế vật liệu có thể được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-khoi-dong-lai-lo-phan-ung-lam-giau-plutonium/3696695.html
Gần ba chục du khách TQ ‘mất tích’ ở Malaysia
Một chiếc thuyền chở 31 người, chưa kể thuyền viên, trong đó có ít nhất 28 du khách Trung Quốc, đã mất tích ngoài khơi bờ biển của Malaysia, giới chức hàng hải Malaysia cho hay.
Chiếc thuyền du lịch bị mất liên lạc sau khi rời bang Sabah ở miền Đông hôm thứ Bảy.
Giới chức hàng hải Malaysia nói những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã bị thời tiết xấu cản trở.
Sự việc xảy ra đúng vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán của Trung Quốc, kỳ lễ đầu năm theo âm lịch được nhiều người Hoa tại Malaysia ăn mừng.
Tôi, giống như tất cả những thân nhân của mọi người trên tàu, đang hy vọng có tiến bộ trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạnBộ trưởng Du lịch Masidi Manun
Chiếc thuyền rời Kota Kinabalu vào lúc 09:00 sáng giờ địa phương hôm thứ Bảy và đi về phía Pulau Mengalum, một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm cách 60 km về phía tây của thành phố.
Hy vọng
Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia nói họ đã nhận được một cuộc gọi báo gặp nạn từ chiếc thuyền, nhưng mất liên lạc ngay sau đó.
“Tôi, giống như tất cả những thân nhân của mọi người trên tàu, đang hy vọng có tiến bộ trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn,” Bộ trưởng Du lịch của bang Sabah, Masidi Manun, nói với hãng tin AFP.
Khu vực tìm kiếm bao gồm 400 dặm vuông hải lý giữa Kota Kinabalu và Pulau Mengalum, theo báo New Strait Times.
Bão thường xảy ra ở khu vực tại thời điểm này trong năm.
Tin cho hay ba thành viên đoàn thuyền viên hiện diện trên tàu cùng với 31 hành khách.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38788335
Mỹ vẫn thực hiện thõa ước người tị nạn với Úc
Mỹ sẽ tiếp tục nhận những người tị nạn trong thoã thuận mà chính phú Obama đã ký với Australia trước đây. Một nguồn tin từ chính phủ Úc cho hãng tin Reuters biết như thế.
Những người tị nạn này là thuyền nhân đến Úc từ các quốc gia bị chiến tranh và xung đột như Iraq, Iran, Afghanistan. Tuy nhiên do chính sách cứng rắn về nhập cư của nước Úc hiện nay, họ bị tập trung trong các trại tạm cư trên các đảo nhỏ của Úc mà không được đặt chân vào lục địa Úc. Theo thoã thuận ký với với Hoa Kỳ thì 1200 người hiện ở các đảo của Úc trên Thái Bình Dương sẽ đến định cư tại Mỹ.
Các viên chức Bộ nội an của Hoa Kỳ đã bắt đầu việc thanh lọc các thuyền nhân này để trao qui chế tị nạn cho họ, nhưng không rõ là những người được cấp qui chế tị nạn sẽ đến nước Mỹ vào lúc nào.
Tin về việc định cư những người tị nạn này tại Mỹ được loan tải không đầy 24 giờ sau khi ông Trump ký một sắc lệnh ngừng nhận người tị nạn vào Mỹ trong bốn tháng, đồng thời tạm thời không cho phép những công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iraq và Iran vào nước Mỹ.
Sắc lệnh này của ông Trump đã gây ra những cuộc biểu tình phản đối ở một số sân bay Mỹ, và một Thẩm phán tại New York đã phán quyết ngăn chận sắc lệnh này của ông Trump, tức là không cho phép trục xuất những người tị nạn có giấy tờ hợp pháp để vào nước Mỹ.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-australia-refugee-01292017083507.html
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10 tháng hai
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10 tháng hai tới đây tại thủ đô Washington để tái xác nhận tầm quan trọng của liên minh chiến lược giữa hai đồng minh.
Nhà trắng cho biết là hai nguyên thủ quốc gia Mỹ Nhật đã đồng ý về cuộc gặp sắp tới này trong cuộc điện đàm vào ngày hôm qua 28 tháng giêng.
Washington cũng cho hay là Tổng thống Trump đã xác nhận sự cam kết của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh cho Nhật bản.
Về phía Thủ tướng Abe, ông nói với giới báo chí rằng trong cuộc gặp tới đây với Tân Tổng thống Mỹ ông sẽ thẳng thắn nêu lên các vấn đề an ninh và kinh tế giữa hai nước, trong đó có việc ông Trump nói rằng Nhật Bản đã không công bằng khi đánh thuế xe hơi Mỹ nhập vào Nhật Bản, trong khi Tokyo thì nói rằng Nhật không hề làm chuyện đó.
Các viên chức Nhà trắng nói rằng trong cuộc điện đàm ngày 28 tháng giêng, hai bên đã bàn đến chuyến đi Nhật Bản tới đây của Tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tướng James Mattis, ngoài ra hai bên cũng có nói đến những mối đe dọa cho an ninh vùng đông bắc Á của nhà nước Bắc Hàn.
Xin nhắc lại là một trong những sắc lệnh đầu tiên trong những ngày đầu làm Tổng Thống của ông Trump là sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền của Tổng thống Obama trước đây đề xướng, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản. Tổ chức này được cho là được thành lập với mục đích bao vây Trung Quốc vì bao gồm 12 quốc gia vùng châu Á Thánh Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/trump-abe-meeting-01292017083020.html
Giám định tư pháp Ba Lan:
Lech Walesa dường như có quan hệ với mật vụ cộng sản
AFP ngày hôm nay, 29/01/2017, cho biết là các nguồn thạo tin từ Viện Ký ức Quốc gia (IPN), và được hãng thông tấn Ba Lan PAP đăng tải, khẳng định là cựu tổng thống, nguyên lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết, ông Lech Walesa, trong quá khứ, đã có những liên hệ với công an chính trị chế độ cộng sản Ba Lan.
Cách nay một năm, các nhà điều tra thuộc Viện Ký ức Quốc gia cho biết đã nghiên cứu hồ sơ cá nhân một cựu nhân viên mật vụ thời cộng sản, có biệt danh « Boleck ». Trong hồ sơ này có một bản cam kết viết tay với chữ ký của ông Lech Walecsa và nhiều giấy biên nhận những khoản tiền mà cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan SB trả cho ông Walesa.
Giám định của giới chuyên gia tư pháp Ba Lan dầy khoảng 1000 trang, bao gồm các thẩm định chữ viết, khẳng định là đa số các tài liệu của mật vụ cộng sản Ba Lan trong hồ sơ là văn bản thật. Tuy nhiên, hãng thông tấn Ba Lan PAP không cho biết nội dung những tài liệu này và khoảng thời gian được cho là có sự cộng tác của ông Walesa với mật vụ cộng sản. Mùa xuân năm ngoái, truyền thông Ba Lan đưa tin là dựa theo những tiết lộ, các tài liệu này liên quan đến giai đoạn 1970-1976, tức là trước khi ông Lech Walesa làm lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết.
Những cáo buộc này đã nhiều lần được nêu ra và ông Walesa, năm nay 73 tuổi, luôn luôn bác bỏ. Hôm qua, ông ra tuyên bố đó là những cáo buộc gian dối.
Các giám định của tư pháp Ba Lan sẽ được công bố vào thứ Ba, 31/01.
Thượng đỉnh Nam Âu: Pháp kêu gọi châu Âu
cứng rắn đối mặt với Donald Trump
Hôm qua, 28/01/2017, nhân thượng đỉnh Nam Âu, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, vài giờ sau khi điện đàm với nguyên thủ Mỹ, tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết, thống nhất, cứng rắn đối mặt với chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ mậu dịch của Donald Trump.
Từ Lisboa, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin :
« Tại Paris cũng như ở Berlin, người ta đều có cùng một nhận xét : dự án châu Âu đang bị đe dọa. Và mối đe dọa này đến từ bên ngoài do việc tổng thống Mỹ ngày càng gây ra nhiều điều bất lường và từ bên trong do vấn đề Brexit và sự trỗi dậy của làn sóng dân tộc chủ nghĩa dân túy.
Do vậy, dường như có sự phân chia vai trò giữa Đức và Pháp : thủ tướng Angela Merkel sẽ công du Cộng Hòa Séc với nhiệm vụ đưa một số nước Đông Âu có tư tưởng hoài nghi quay trở lại với châu Âu. Còn tổng thống François Hollande có trách nhiệm tập hợp 7 nước cùng với Pháp, tạo ra một khối liên kết ở sườn phía nam châu Âu.
Hôm qua, tại Lisboa, Bồ Đào Nha, hội nghị thượng đỉnh Nam Âu lần thứ hai đề ra cam kết là ưu tiên tạo công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy đầu tư và luôn luôn cảnh giác bảo đảm an ninh ở trong và bên ngoài châu Âu.
Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến chỉ trích Donald Trump, đặc biệt là việc tổng thống Mỹ gây ra các rối loạn trong thương mại quốc tế. Tổng thống Pháp nói : Chúng ta cần tiến hành đối thoại một cách cứng rắn với tân chính quyền Hoa Kỳ. Chúng ta là một lục địa luôn luôn mở cửa, mong muốn có quan hệ với các nước khác, trên cơ sở các nguyên tắc và thương lượng. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phải là bản chất của châu Âu.
Các nước Nam Âu sẽ sớm gặp lại nhau tại Madrid và sau đó ở Nicosia, Chypre ».
Trump và Putin điện đàm,
nhấn mạnh phát triển quan hệ trên cơ sở bình đẳng
Hôm qua, 28/01/2017, tân tổng thống Mỹ Donald Trump, lần đầu tiên, đã điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Nguyên thủ hai nước đồng ý với nhau trên nhiều chủ đề và nhấn mạnh là quan hệ song phương cần được ổn định và phát triển cơ sở bình đẳng.
Theo thông tín viên Jean Didier Revoin, từ Matxcơva, thì nguyên thủ hai nước đồng ý với nhau về các nguyên tắc, vấn đề hiện nay là liệu Mỹ-Nga có còn tiếp tục đồng thuận hay không khi thực hiện các nguyên tắc này :
« Cuộc tiếp xúc đầu tiên thành công báo hiệu một sự sưởi ấm trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva, hay ít ra là giữa Nhà Trắng và điện Kremlin. Donald Trump và Vladimir Putin đã điện đàm với nhau trong vòng 45 phút và đồng ý với nhau trên nhiều điểm.
Điểm đầu tiên và chắc chắn rất được tổng thống Putin quan tâm, đó là ổn định và phát triển quan hệ song phương trên một cơ sở mang tính xây dựng, hai bên cùng có lợi và đặc biệt là trên cơ sở bình đẳng.
Nguyên thủ hai nước cũng đồng ý là cần ưu tiên đấu tranh chống khủng bố quốc tế và công việc này sẽ được thực hiện thông qua một sự phối hợp thực sự các hoạt động quân sự tại Syria. Tổng thống Mỹ và Nga cũng đề cập đến vấn đề Triều Tiên, hồ sơ hạt nhân Iran, vấn đề Ukraina, cuộc xung đột Israel-Palestine, cũng như sự cần thiết tái lập quan hệ thương mại giữa hai nước.
Cuộc điện đàm được đánh giá là tích cực và điều này không gây ngạc nhiên bởi vì cho đến lúc này, nguyên thủ hai nước đồng ý với nhau về các nguyên tắc. Vấn đề còn lại là phải xem liệu họ có còn nhất trí với nhau hay không khi thực hiện các nguyên tắc này.
Cuối cùng, hai bên cũng bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc gặp giữa hai tổng thống Trump và Putin. Một nhóm công tác được giao nhiệm vụ sắp xếp ngày và địa điểm cuộc gặp này ».
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Mỹ đã điện đàm với thủ tướng Đức và tổng thống Pháp.
Theo thông cáo công bố sau đó, được Reuters trích dẫn, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí với nhau về tầm quan trọng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, và các thành viên của Liên Minh cần phải có những đóng góp tài chính một cách công bằng. Lãnh đạo hai nước cũng thảo luận nhiều chủ đề quốc tế quan trọng khác như tình hình Cận Đông, Bắc Phi, Ukraina, quan hệ với Nga.
Tổng thống Mỹ đã nhận lời mới tới dự thượng đỉnh G20, sẽ được tổ chức vào tháng Bẩy năm nay, tại Hambourg, Đức. Nguyên thủ Mỹ cũng nói sẽ sớm tiếp thủ tướng Đức tại Washington.
Còn trong cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Donald Trump và François Hollande, theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp, ông Hollande cho rằng sự co cụm, biệt lập không phải là một giải pháp. Nguyên thủ Pháp đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Thỏa thuận COP 21 Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, chỉ có thể bãi bỏ cấm vấn đối với Nga chừng nào cuộc xung đột ở miền đông Ukraina được giải quyết. Lãnh đạo hai nước cũng đề cập đến vai trò của NATO, thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong ngày hôm nay, tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Ả Rập Xê Út, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Hàn Quốc.
Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, ngày hôm qua, nguyên thủ Mỹ đã ký sắc lệnh yêu cầu bộ Quốc Phòng và các quan chức quân sự, trong vòng 30 ngày, đệ trình lên tổng thống một kế hoạch đấu tranh và đánh bại khủng bố. Theo sắc lệnh mà Nhà Trắng công bố và được AFP trích dẫn, thì kế hoạch này phải bao gồm một chiến lược hoàn chỉnh đánh bại khủng bố, bộ Quốc Phòng tìm kiếm các phương tiện cho phép quân đội mở rộng phạm vi hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, và xác định các đồng minh mới trong liên minh chống khủng bố.