Một số người bị chặn ở sân bay vì sắc lệnh di trú của ông Trump

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một số người bị chặn ở sân bay vì sắc lệnh di trú của ông Trump

VOA
29/1/2017

Người biểu tình tụ tập bên ngoài Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở Quận Queens, thành phố New York, ngày 28 tháng 1, 2017.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở Quận Queens, thành phố New York, ngày 28 tháng 1, 2017.
Một số người đã bị câu lưu tại các sân bay ở Mỹ và những người khác đã bị ngăn không cho lên những chuyến bay quốc tế đến Mỹ, theo những luật sư và những quan chức sân bay quốc tế ở Mỹ, khi một sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào ngày thứ Sáu hạn chế du hành từ một số quốc gia nhất định bắt đầu có hiệu lực.
Sắc lệnh hành pháp này có hiệu lực ngay lập tức tối thứ Sáu, cấm công dân của bảy quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số và khiến một số người bị mắc kẹt tại sân bay giữa cuộc hành trình. Báo The New York Times đưa tin các luật sư đã đệ đơn kiện thay mặt cho hai người tị nạn Iraq, một người trong số này vẫn đang bị câu lưu tại sân bay JFK của thành phố New York. Các luật sư cũng yêu cầu một quá trình mà sẽ mở rộng vụ kiện để bao gồm tất cả những người tị nạn nói rằng họ đang bị câu lưu trái phép tại những sân bay ở Mỹ.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA hôm Chủ nhật đăng một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran nói rằng họ sẽ có “hành động đáp trả” sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nói rằng họ sẽ hạn chế cấp visa cho khách du lịch Mỹ để trả đũa việc Tổng thống Trump đình chỉ di trú và thị thực cho công dân đến từ một số nước Hồi giáo, trong đó có Iran.
Các luật sư, hiện đang làm việc với Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế và những tổ chức về quyền dân sự khác, nói với tờ Times rằng một trong số hai người đàn ông bị chặn giữ, Hameed Khalid Darweesh, giờ đã được phóng thích, từng làm việc với chính phủ Mỹ ở Iraq trong 10 năm. Còn người đàn ông kia thì đến Mỹ để thăm vợ và con trai hiện đang sống ở đây.
Ông Darweesh đã trả lời báo giới sau khi được phóng thích tại sân bay. Khi được hỏi về suy nghĩ của ông đối với ông Trump, ông Darweesh nói: “Tôi thích ông ấy. Nhưng tôi không biết. Đây là chính sách mà tôi không biết. Ông ấy là tổng thống. Tôi là người bình thường.”
Abed Ayoub, một luật sư với Ủy ban Chống Kỳ thị Mỹ-Ảrập, nói rằng hiện có 11 người đang bị câu lưu tại sân bay JFK. Ông cũng nói ông biết những người khác đang bị câu lưu tại các sân bay Atlanta, Houston và Detroit.
Các quan chức tại sân bay Cairo ở Ai Cập cho biết một gia đình người Iraq đã không được cho lên máy bay đến New York vì những quy định mới.
Khi danh sách hành khách chuyến bay được gửi đến sân bay JFK ở New York, giới chức ở đó đáp lại bằng chỉ dẫn là không để cho gia đình này, gồm một người đàn ông, vợ và hai đứa con, lên chuyến bay của hãng EgyptAir.
Hãng Qatar Airways nói với hành khách của mình từ bảy quốc gia rằng họ sẽ cần phải có thẻ xanh hay thị thực ngoại giao để lên được một chuyến bay hướng tới Mỹ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để hỏi về chỉ dẫn mà cơ quan này sẽ cung cấp cho những người tị nạn đang trên đường đến Mỹ hoặc những thường trú nhân Mỹ hợp pháp, được gọi là người có thẻ xanh, hiện có thể đang ở ngoài nước Mỹ.
Một phát ngôn viên trả lời rằng Bộ Ngoại giao đang nỗ lực để đưa sắc lệnh hành pháp này vào hiệu lực và “sự an toàn và an ninh của công dân Mỹ luôn đứng đầu.”
Một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa nói với hãng tin Reuters rằng những người có thẻ xanh sẽ nằm trong lệnh cấm này.
Ngoài việc ngăn chặn người Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen đến Mỹ trong 90 ngày, sắc lệnh hành chính của ông Trump áp đặt một lệnh cấm vô thời hạn đối với việc tiếp nhận người tị nạn Syria và một lệnh cấm 120 ngày đối với tất cả những người tị nạn khác vào Mỹ.
Tổng thống hôm thứ Sáu nói chỉ có những người ủng hộ nước Mỹ mới được phép nhập cảnh. Những sắc lệnh hành pháp mà ông đã ký đề cập một cách chi tiết tới những thủ tục xác định và xác minh mà những viên chức lãnh sự Mỹ nên sử dụng.
“Chúng ta không muốn họ ở đây,” ông Trump nói. “Chúng ta muốn bảo đảm rằng chúng ta không nhận vào nước chúng ta những mối đe dọa mà chính binh sĩ của chúng ta đang chiến đấu chống lại ở nước ngoài. Chúng ta chỉ muốn nhận vào đất nước của chúng ta những người sẽ ủng hộ đất nước của chúng ta và yêu quý sâu sắc người dân của chúng ta.”