Tin Việt Nam – 27/01/2017
Quốc tế chỉ trích Việt Nam
bắt giữ các nhà hoạt động trước Tết
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) phụ trách khu vực Á châu hôm 24/1 ra thông cáo, bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga ở Hà Nam hôm 21/1.
Trong cùng ngày, Đài Quan sát để Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức liên đới của Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT), cũng ra công bố lên án vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga. Trong thư ngỏ gửi tới nhiều lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam, Đài Quan sát kêu gọi Hà Nội hãy trả tự do cho bà Trần Thị Nga, lập tức và vô điều kiện, đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại bà.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ nhân quyền Front Line Defenders có trụ sở tại Ireland đã lên án việc bắt giữ ba nhà hoạt động nhân quyền là bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, và ông Nguyễn Văn Hóa. Hai tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức phóng thích và hủy bỏ những cáo buộc đối với ba nhà hoạt động vừa nêu tên.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới bày tỏ quan ngại sâu sắc về điều mà họ miêu tả là “làn sóng bắt bớ trước Tết” và nói rằng những vụ bắt bớ đó đã “để lộ những căng thẳng của chế độ mỗi khi xã hội dân sự tự do lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền.”
Cùng lúc, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam và hải ngoại đã ra tuyên bố khẩn cấp lên án việc bắt giữ bà Trần Thị Nga, mà lý do theo họ, là “chỉ vì bà đã kiên trì đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người.”
Bà Trần Thị Nga, một blogger được biết đến với tên Thúy Nga, bị bắt giữ tại nhà riêng ở tỉnh Hà Nam hôm 21 Tháng Một, 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Bà Nga từng tranh đấu cho giới xuất khẩu lao động và người dân bị nhà nước tịch thu đất đai.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói như sau về vụ bà Trần Thị Nga bị bắt giữ:
“Chị Trần Thị Nga là một nạn nhân của xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Chị bị áp bức bên đó. Chị là nạn nhân nên chị có kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm đó, chị muốn cứu giúp mọi người. Khi về nước chị tiếp tục làm công việc đó thì bị đàn áp. Vì bị đàn áp nên chị biết việc nhân quyền ở Việt Nam bị xâm phạm. Chị tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền. Các cơ quan chức năng ở Hà Nam rất căm ghét chị, họ đánh đập, tạt mắm tôm vô chị và các cháu. Đó là phản ứng không đúng của cơ quan pháp luật.”
Ông Chênh nhận định về xu hướng bắt người hàng loạt của chính quyền Việt Nam:
“Bên cạnh đó còn nhiều người bị bắt nữa như Nguyễn Văn Hóa ở Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An. Qua đó thấy rằng đến lúc nhà cầm quyền muốn tăng cường đàn áp để đe dọa việc đấu tranh nhân quyền của các tổ chức xã hội dân sự.”
Ông Nguyễn Văn Oai, một tù nhân lương tâm, bị bắt hôm 19/1 tại Nghệ An vì “chống người thi hành công vụ (điều 257) và rời nhà trong thời gian bị quản chế”. Trước đó, ông Oai bị bắt vào năm 2011 và bị tuyên án bốn năm tù giam và ba năm quản chế tại gia theo Điều 79 (“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”), ông mãn hạn tù vào tháng 8, 2015.
Nhà hoạt động và blogger trẻ tuổi Nguyễn Văn Hóa bị bắt hôm 11/1 theo Điều 258 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước.” Ông Hóa từng tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa Hà Tĩnh vào giữa năm 2016.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định bày tỏ ý kiến về việc chính quyền bắt giữ các nhà hoạt động:
“Việc bắt 3 người này đối với tôi là một điều hoàn toàn bất ngờ. Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại leo thang việc trấn áp quyền tự do của công dân như vậy. Tôi ngạc nhiên hơn khi còn một tuần nữa là đến Tết mà chính quyền lại ra tay bắt hàng loạt, đặc biệt là chị Trần thị Nga. Chị Trần Thị Nga hoàn toàn đi theo con đường tranh đấu một cách ôn hòa. Chị nuôi con nhỏ và là một bà mẹ đơn thân. Việc này đã gửi ra một thông điệp là từ nay bất kỳ ai lên tiếng chống lại chính sách của nhà cầm quyền, đặc biệt liên quan đến chính sách đối ngoại với Trung Quốc, thì có khả năng nhà cầm quyền bắt hoặc trấn áp.”
Theo luật sư Định, còn một lý do nữa dẫn đến các vụ bắt giam này:
“Có một số người cũng đặt ra là sau buổi lễ nhậm chức của ông Trump thì thế nào cũng xảy ra các bắt bớ như vậy. Có thể là một thông điệp nói với chính phủ Hoa Kỳ rằng là chính phủ Việt Nam có thể gia tăng trấn áp về mặt nhân quyền bởi vì không còn những cam kết bắt buộc nào mà chính phủ Việt Nam có với chính phủ Hoa Kỳ.”
Trong thông báo ngày 25/1, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nêu rõ: “Các blogger và các nhà vận động này không làm gì khác ngoài việc đưa tin về các cuộc biểu tình và bày tỏ quan điểm về các vụ vi phạm đối với các quyền cơ bản của cá nhân họ và những người chung quanh. Nói cách khác, họ bảo vệ lợi ích chung của mọi người. Thật là tệ hại khi bảo vệ lợi ích chung và nhân quyền lại bị dán nhãn là tuyên truyền chống nhà nước tại Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới áp lực để họ được trả tự do ngay lập tức.”
Mâm cơm ngày Tết
Đối với nhiều người Việt, Tết trước hết là cho tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị mâm cơm cho ngày Tết. Ở miền Bắc gọi là mâm cỗ, miền Trung gọi là mâm cộ, miền Nam gọi là mâm cơm cúng ông bà.
Hôm nay VOA Việt ngữ rất hân hạnh mời diễn giả Hồ Nhựt Quang ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với thính giả về văn hóa truyền thống của Việt Nam qua hình ảnh mâm cơm ngày Tết.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói có nhiều điểm khác biệt giữa mâm cơm thường ngày và mâm cơm ngày Tết: Mâm cơm bình thường thì có chi dùng nấy. Thích lúc nào thì ăn lúc ấy, và cũng không cần phải sum họp đầy đủ cả nhà. Trong khi đó mâm cơm ngày Tết, đặc biệt là ngày 30 Tết là rất có ý nghĩa từ khâu chuẩn bị đến tạo dựng không khí sum họp gia đình:
“Mâm cơm 30 Tết, bữa đó chúng ta ăn cơm không phải trên cơ sở vật chất không thôi, mà còn trên cơ sở vật chất cộng với tinh thần. Đó là tinh thần sum họp, đoàn tụ các thành viên trong gia đình. Có giá trị cựu – tân, có nghĩa là có cũ và mới: chia tay năm cũ, đón chào một mùa xuân mới. Có quá khứ, hiện tại và tương lai, ôn cố tri tân, chuẩn bị thời khắc giao thừa. Chúng ta có khâu chuẩn bị tưởng nhớ tiền hiền, hậu hiền, ông bà tổ tiên của mình.”
Để cho mâm cơm thêm ý nghĩa cao quý vào ngày 30 Tết thì việc chuẩn bị là rất quan trọng. Hồ Nhựt Quang chia sẻ cách chuẩn bị mâm cơm của người miền Bắc:
“Ở miền Bắc chuẩn bị ít nhất có 4 bát, 4 đĩa, gồm giò măng, miến, nấm mộc, bắt bóng thả, rồi chả quế, giò lụa, thịt gà, thịt lợn.”
Đặc biệt người miền Bắc làm bánh chưng theo triết lý âm dương:
“Triết lý âm dương là là triết lý có từ thời Hùng Vương Hữu lễ: Lấy hình vuông tượng trưng cho mặt đất, lấy hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Cho nên ông Lang Liêu mới làm bánh chưng và bánh dày. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng mặt đất trên đó có nếp, đậu thịt.”
Ở miền Trung có các món như tré, chả, nem, hoặc thịt bò, thịt heo ngâm với nước mắm, và đặc biệt là thịt luộc cuốn bánh tráng, thịt kho trứng, cá kho, gỏi vả bằng mít.”
Riêng món mít có ý nghĩa trong dịp Tết của người Miền Trung, vì nhựa từ lá, vỏ của cây mít lúc nào cũng tươm ra tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, cốt cách sống minh bạch. Hơn nữa người ta còn dùng gỗ mít làm tượng Phật, làm mõ để dùng trong chùa, vì vậy mít còn gọi theo tiếng Phạn là bala mật – hay “sự cứu cánh”. Sau này Triều Nguyễn có xây “Cửu đỉnh” trong đó có lấy hình ảnh trái mít khắc trên cao đỉnh, tượng trưng cho vua Gia Long.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang mô tả mâm cơm cúng Tất niên của người miền Nam gồm có các món phổ biến như canh khổ qua, thịt kho trứng, cá nướng, dưa kiệu, trước là để cúng tổ tiên ông bà, sau thì các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức hay đãi bạn bè thân hữu:
“Còn ở miền Nam thì món ăn cũng có ý nghĩa rất thâm sâu. Ví dụ, canh khổ qua, “khổ qua”: có nghĩa là mong sao cho năm tháng vất vả qua đi để hưởng phúc thái bình, mong điều may mắn. Chuẩn bị cho Tết ở trong miền Nam là phải có món này. Phải có nồi thịt kho trứng. Thịt kho trứng cũng có triết lý âm dương: cắt miếng thịt hình vuông, quả trứng hình tròn, tượng trưng cho vuông – tròn. Làm mức thèo lèo, cũng có thỏi vuông và những hạt tròn.”
Ở miền Nam, ngoài mâm cơm bày trên bàn thờ cúng tổ tiên ngày Tết, còn có cành mai, có mâm ngũ quả.Thông thường ở phương Nam, người ta bày mâm ngũ quả với những trái cây chính là: mãng cầu, dưa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là “cầu vừa đủ xài” thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Mâm cơm cúng ngày Tết vừa là tấm lòng tri ân với tổ tiên vừa thể hiện đầy đủ nét tài khéo của phụ nữ Nam bộ trong việc chế biến các món theo đúng phong vị truyền thống phương Nam, trong đó có bánh tét.
Diễn giả Hồ Nhật Quang nói thêm về món bánh tét ở miền Trung và bánh tét miền Nam:
“Miền Trung làm bánh tét bằng nếp tươi, còn trong Nam làm bằng nếp xào. Người ta xào nếp với nước cốt dừa, rồi nhân có đậu đen hay đậu xanh, có khi nhân là trứng vịt muối, hoặc bánh tét nhân chuối. Bánh tét mang cái hồn của bánh chưng miền Bắc. Bánh tét cũng được buộc bằng sợi lạt. Ví sợi lạt như cốt cách sống ‘lạt mềm buộc chặt.’ Đó là cách ứng xử cương – nhu phải rõ ràng. Có ‘lá lành đùm lá rách’ tượng trưng cho nghĩa cử cao đẹp của người Việt chúng ta.
“Cho nên ngày xưa trong sách tự gia giáo, có một bài thơ nói về bánh tét:
“Bánh tét khen ai khéo gói ngon,
Lạt mềm buộc chặt lá cuốn tròn,
Rách lành đùm bọc hương lúa nếp
Đậu ngọt, dừa thơm, chuối lòng son
Đất Bắc nghìn năm thương bánh tổ
Bánh tét miền Nam nhớ buộc đòn
Cũng đậu thịt ngon đêm nhiệt lửa
Ngày xuân đón nắng vị nước non.”
“Thông thường chúng ta hiểu rằng, “tét” là khi ăn mình dùng sợi lạt tét từng khoanh bánh ra. Từ “tét” còn xuất từ chữ “tiết”, tức là tiết xuân, trong xuân, hạ, thu, đông.
“Từ ‘tiết’ này là tên của một trong 64 quẻ của kinh dịch. Trong đó có “thủy, trạch, tiết”. Thủy là nước, trạch là cái ao, nghĩa là ao đầy nước thì có nghĩa là có thể trồng trọt được. Đây là ý nghĩa của văn hóa nông nghiệp lúa nước.”
“Các thi sĩ miền Bắc tả cái Tết:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
“Cây nêu tràn pháo bánh chưng xanh
“Còn miền Nam thì:
“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông cho đến Tết dựng nêu ăn chè…”
Với cuộc sống hiện đại như hiện nay, hình ảnh nấu bánh chưng, bánh tét với khói bếp thoang thoảng hương nếp mới dần mai một đi:
“Ngày nay do cuộc sống hiện đai và yếu tố tiện lợi nên sự háo hức đón chờ cái Tết giảm đi. Bước ra đường muốn ăn cái bánh chưng là có thể mua được ngay. Ở chợ và siêu thị đều có bán. Việc trông chờ nấu cho bánh chín, nghe được cái mùi lá, mùi nếp thơm lừng, rồi mùi của khói bay thoang thoảng. Không khí trời xuân, hoa vạn thọ. Hình ảnh người mẹ đang mồi bếp lửa, rồi đưa củi vào. Rồi các em thơ ngồi quây quần bên bếp lửa xúm xính bàn chuyện ngày mai mình mặc áo gì…dần dần bì mai một. Do yếu tố công việc ở thành thị… không khí của trời xuân, không khí háo hức của tuổi thơ chỉ còn là ký ức.”
Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, giá trị tinh thần của mâm cơm ngày Tết là rất thiêng liêng:
“Mâm cơm ngày Tết không chỉ ăn để ngon, để thỏa mãn vị giác hay khẩu vị của mình mà còn chất chứa tình của con người với quê hương, tình của con người với người thân, bày tỏ tấm lòng kính trọng ông bà, sự hiếu khách, và ý nghĩa của sự sum họp. Cuộc đời con người đâu có bao nhiêu lần cùng ngồi với nhau, cùng nhìn hình ảnh ông bà hay cha mẹ mình. Được ngồi ăn và chia sẻ tâm sự chân thành và đầy tình cảm. Ông bà ngồi ăn với con cháu, bà gấp đồ ăn cho cháu rồi khuyên ‘con ráng nghen con, con ráng cố gắng học hành cho đàng hoàn, mai bà lì xì cho con, ăn Tết con không được con khỉ con khọn, chạy nhảy lung tung, ăn nói phải từ tốn’ thì đứa nhỏ đang trong tâm trạng háo hức chờ xuân, nó nghe được những lời này trong bữa cơm. Mà bà chỉ nói đơn giản vậy thôi, vậy mà nó ghi trong tìm thức của nó mãi mãi…như một lời dạy được đóng khuông vàng thước ngọc. Còn người trẻ thì nghe người lớn tuổi dạy ‘vợ chồng bây ráng chí thú làm ăn, gia đình hạnh phúc, ráng lo cho mấy đứa con của bây’…còn ai gặp khó khăn thất bại trong cuộc sống thì nhận được câu an ủi ‘sông có khúc, người có lúc, ráng đi con, tao cũng chúc cho bây năm mới làm ăn phát tài phát lộc, được khỏe mạnh trong gia quyến cả thảy’…Nghe những lời khuyên, những lời chúc phúc đó thì không có bữa cơm nào ngon bằng, mà lại còn thiêng liêng giống như bữa cơm ngày Tết của người Việt ta.”
Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng, là sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã chết, là tình cảm đượm nồng của người thân trong gia đình dành cho nhau. Điều này lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ mỗi khi xuân về.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang trân trọng gửi lời chúc đầu xuân đến thính giả và độc giả của VOA Việt ngữ:
“Hôm nay tôi lấy làm vinh dự khi quý đài có lời mời chia sẻ với quí vị về văn hóa truyền thống của Việt Nam qua hình ảnh mâm cơm ngày Tết. Chúc quí vị năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, an khương thường lạc”.
http://www.voatiengviet.com/a/man-com-ngay-tet/3694091.html
Chúc Tết Trung Hoa hay Năm Mới Âm lịch?
Thủ tướng Anh, bà Theresa May vừa gửi ra thông điệp chúc mừng ‘Năm Mới Trung Hoa’ hay ‘Chinese New Year’để nhấn mạnh đến quan hệ với nước Trung Quốc.
Thay vì gọi đây là ngày năm mới theo âm lịch (Lunar New Year), bà May đã gửi lời chúc Tết “Đến mọi người ở Anh Quốc, Trung Quốc và trên thế giới đang đón mừng ngày Năm Mới Trung Hoa”.
“Từ các hội chợ ở Bắc Kinh, pháo hoa ở Hong Kong và diễu hành ở London, các gia đình và cộng đồng đang sum họp để đón một năm mới – Năm Con Gà.
“Năm mới đó sẽ là năm đặc biệt cho quan hệ Anh Quốc và Trung Quốc.”
Bà nhắc đến dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong quay về với Trung Quốc, và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Anh cuối 2015.
Gọi tên gì cho Tết?
Nhưng chuyện bà Theresa May chỉ nói đến Trung Quốc và người Trung Quốc cũng như gọi đây là ‘Năm mới Trung Hoa’ hiện cũng tạo ra một số ý kiến.
Một nhà nghiên cứu tại Anh, gốc Trung Quốc, ông Qiang Zhang viết trên Facebook:
“Thông điệp hay. Nhưng nếu tôi đón Tết Âm lịch (Lunar New Year) mà không muốn dính gì đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) thì sao?
Ông cũng hỏi:
“Không hiểu trong Chính phủ Anh có ai nhắc giúp cho nội các là thông điệp Năm mới Âm lịch có thể đến với công chúng rộng hơn là những người gắn bó với Trung Quốc, mà cả những người Trung Quốc không ưa Trung Quốc, như người ở Đài Loan, Singapore, Malaysia, và có cả những người như thế sống tại Hong Kong và chính Hoa lục. Và còn cả các cộng đồng Hàn/Triều và Việt Nam trên khắp thế giới?”
Trên Facebook của BBC Tiếng Việt, bạn Vũ Trần bình luận về video của Thủ tướng Theresa May:
“Bà ta chúc Trung Quốc, và nhắc đến các kỷ niệm cũ: chuyến viếng thăm của Chủ tịch Tập đến Anh cách đây 15 tháng, kỷ niệm bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc cách đây 20 năm! Kỷ niệm 45 năm quan hệ cấp Đại sứ…. Rồi bà ta nhắc đến hội chợ ở Bắc Kinh, pháo hoa ở Hong Kong và cuối cùng bà ta bộc lộ ý muốn viếng thăm Trung Quốc!! KHÔNG THẤY BÀ TA CHÚC TẾT VN SAO CÀ? Bà ta quên hay sao ý?”
Tết chung cho nhiều nước châu Á
Các nước châu Á không có vấn đề trong ngôn ngữ của họ khi nói về năm mới âm lịch.
Với người Trung Quốc, Tết này là lễ Xuân Tiết và dịch ra tiếng Anh là ‘Spring Festival’, ở Việt Nam là Tết hoặc Tết Nguyên đán.
Tết cũng vào tiếng Anh chủ yếu ở Hoa Kỳ, và được Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica ghi nhận như lễ đón Năm mới Âm lịch của người Việt Nam.
Còn tại Hàn Quốc và Triều Tiên lễ cùng thời gian là Seollal.
Nhưng trong tiếng Anh và một số tiếng châu Âu, vì người bản địa chủ yếu thấy các cộng đồng Hoa đón Tết Nguyên đán nên có cách gọi ‘Chinese New Year’.
Tuy thế, các hãng truyền thông lớn như BBC, ABC, các báo nổi tiếng như New York Times đều dùng từ ‘Lunar New Year’ để nói về Tết âm lịch của người dân gốc Đông Á.
Một cách giải thích khác trên các tài liệu tiếng Anh cho ‘Lunar New Year’ là ‘tên chung cho các lễ hội năm mới âm lịch vùng châu Á” (Asian Lunar New Year festivals).
http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-38770896
‘VN bắt người đe dọa vị thế độc tôn quyền lực’
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo lên tiếng về “đợt bắt giữ” những người phê phán chính phủ.
Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra ngày 27/01/2017 đề cập tới một số vụ bắt giữ những người mà họ mô tả là lên tiếng phê phán và vận động nhân quyền.
“Chính quyền Việt Nam coi việc truy cập Internet và đăng tải quan điểm phê phán là một tội hình sự thì thật là kỳ cục,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
“Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nói thẳng và rõ ràng rằng mình sẽ xem xét lại quan hệ nếu chính phủ Việt Nam cứ tiếp tục bỏ tù những người phê phán ôn hòa.”
Một trong những người bị bắt trong tháng này là ông Nguyễn Văn Hóa, người đã vận động phản đối Công ty Thép Formosa vì gây ra thảm họa môi trường vào tháng Tư năm 2016.
Ông Hóa bị cáo buộc đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng có trụ sở tại New York, ông Hóa mất tích từ hôm 11/01 tại Hà Tĩnh, nơi ông đang sinh sống, nhưng tới 23/1 cảnh sát mới báo cho gia đình ông biết là ông ‘đang bị tạm giam’.
Cũng trong trung tuần tháng Giêng, bà Trần Thị Nga bị bắt với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
“Bà Trần Thị Nga từ lâu nay vẫn bị đe dọa, sách nhiễu, câu lưu, thẩm vấn và hành hung vì đã hoạt động vì người lao động và trong các lĩnh vực khác,” thông cáo viết.
CPJ vào hôm thứ Năm kêu gọi Hà Nội thả ông Hóa và bà Nga.
“Việt Nam nên ngưng đối xử với nhà báo như tội phạm,” ông Shawn Crispin, đại diện CPJ tại Á châu nói trong thông cáo.
Những người khác bị bắt trong điều mà HRW mô tả là “đợt bắt giữ” gồm cựu tù nhân chính trị, Nguyễn Văn Oai, vì “vi phạm lệnh quản chế”, ông Nguyễn Danh Dũng vì cho là ông tham gia Thiên An TV, một kênh trên YouTube có nội dung phê phán chính phủ, và blogger Hồ Văn Hải.
“Việt Nam hiện có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang thụ án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo. Từ lâu rồi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã kêu gọi loại bỏ những điều luật có nội dung hình sự hóa ngôn luận ôn hòa ở Việt Nam.”
“Việt Nam có một quá trình dài trừng phạt bất cứ ai bị Đảng Cộng sản cầm quyền coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình,” ông Adams nói. “Việt Nam cần gia nhập thế kỷ 21 và loại bỏ những điều luật hà khắc có từ thời trước.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38769318
HRW yêu cầu Việt Nam
trả tự do ngay cho bà Trần Thị Nga
Việt Nam phải trả tự do ngay tức khắc cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, xóa bỏ mọi cáo buộc về động cơ chính trị liên quan đến việc làm của bà.
Đó là lời kêu gọi mới nhất được Human Rights Watch, Giám Sát Nhân Quyền đưa ra hôm nay qua một văn bản có nội dung nhấn mạnh đến đợt bắt giữ mới các nhà hoạt động và các blogger ở Việt Nam trong thời gian qua.
Ngoài bà Trần Thị Nga, bị bắt ngày 21 tháng 1 năm 2017 và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống chính phủ bằng cách truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết có nội dung chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giám Sát Nhân Quyền còn nêu tên những nhà hoạt động khác cũng bị bắt giữ trong tháng 1 năm 2017 này như cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai, bị bắt ngày 19, nhà hoạt nhân quyền Nguyễn Văn Hóa, bị bắt ngày 11, ông Nguyễn Danh Dũng, bị bắt hồi tháng Mười Hai 2016 vì liên quan đến Thiên An TV là một kênh trên YouTube có nội dung phê phán chính phủ.
Human Rights Watch cũng nhắc đến tên blogger Hồ Hải, tức bác sĩ Hồ Hải, hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, bị bắt hồi tháng Mười Một 2016, và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt hồi tháng Mười 2016.
Ông Brad Adams, giám đốc phân ban Á Châu của Human Rights Wath, chỉ trích chuyện Việt Nam coi việc truy cập Internet và đăng tải quan điểm có ý phê phán là một tội hình sự là một điều khôi hài. Ông nói các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nói thẳng và rõ ràng rằng họ sẽ xem lại quan hệ đối với Việt Nam nếu chính phủ nước này tiếp tục bỏ tù những tiếng nói ôn hòa.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-new-wave-of-arrest-01272017083737.html
Vui Tết với hài kịch chính trị
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Trong không khí rộn rã mừng xuân mới Đinh Dậu trên khắp mọi miền đất nước, cùng với những bài viết mô tả sự tất bật chuẩn bị Tết của cư dân đô thị, truyền thông báo chí Việt Nam cũng góp phần làm vui ngày Tết với những hoạt động chính trị đầy tính khôi hài mà chỉ Việt Nam mới có.
Xóa tư cách để tước “lộc”
Câu chuyện đập ruồi diệt muỗi làm trong sạch Đảng của tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài nhiều tháng qua, nhưng vẫn loay hoay với vấn đề kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương hai nhiệm kỳ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhân vật này bị quy trách nhiệm về sự thối nát ở Bộ Công thương với những vụ bổ nhiệm mờ ám, cùng với hàng chục dự án kinh tế làm mất mát hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách.
Từ đầu tháng 11 năm 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng ủy Bộ Công thương của ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011-2016. Cách chức vụ cũ không còn nữa của một người khi họ đã về hưu, là hành động khó giải thích và từng gây tranh cãi trong công luận. Gần ba tháng sau, ngày 23/1/2017, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức Bộ trưởng. Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định xử lý kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng. Hầu hết báo chí trong nước đã đưa tin với nội dung giống nhau như vừa nêu. Báo chí do nhà nước quản lý cũng không có bất kỳ giải thích pháp lý nào về hình thức kỷ luật gọi là xóa tư cách nguyên Bộ trưởng.
Kỳ quái thực sự đây là một quái thai, không thể dùng từ khác được…việc tước tư cách nguyên bộ trưởng có thể dính tới những cái lộc ăn theo mang tính cách phân biệt đối xử…
– TS Nguyễn Quang A
Trả lời chúng tôi vào tối 29 Tết Đinh Dậu, TS Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội cho rằng, trên miệng người cộng sản nói, họ đấu tranh cho sự công bằng xã hội nhưng trong thực hiện họ luôn sử dụng chính sách phân biệt. Từ thời xa xưa trong lúc dân đói khổ cùng cực thì những ông to trong Bộ Chính trị, trong Trung ương Đảng được ưu đãi về điều gọi là sống theo tiêu chuẩn cộng sản chủ nghĩa. Đến bây giờ tương tự như thế, tuy người dân không quan tâm lắm, nhưng đó là chuyện các tiêu chuẩn cho cán bộ lãnh đạo, từ người bảo vệ, bác sĩ riêng, cho đến lúc chết thì chôn ở đâu, có tổ chức quốc tang hay không, lễ tang thế nào… Tất cả những điều đó là sự phân biệt đối xử. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:
Kỳ quái thực sự đây là một quái thai, không thể dùng từ khác được…việc tước tư cách nguyên bộ trưởng có thể dính tới những cái lộc ăn theo mang tính cách phân biệt đối xử…những chuyện như thế người dân phải lên tiếng buộc họ dẹp những trò, chính sách phân biệt đối xử hết sức bậy bạ này đi…họa chăng nó là có cái ý như thế, trừng phạt ông Hoàng ở những tiêu chuẩn ông ấy không được hưởng nữa.
Nhưng tôi nghĩ đối một người làm to và bị chính các đồng chí của mình, chính cái đảng của mình nói là tham nhũng, lạm quyền…thì đối với những người như thế chắc họ cũng chẳng cần đến những tiêu chuẩn ấy, rồi đến chuyện mất cái tiếng, mất cái vinh dự hay không…tôi nghĩ bây giờ đã đỡ nhiều rồi, có khi chỉ một thời gian ngắn nữa thì người ta thấy cái gọi là vinh đấy thì lại trở thành nhục và tôi nghĩ rằng tất cả những chuyện ấy chỉ thành trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Trên mạng xã hội, theo trang FB Trương Huy San, cho dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội có xóa chữ “nguyên” thì ông Vũ Huy Hoàng vẫn đã là bộ trưởng hai nhiệm kỳ. Và, tiếng Việt vẫn không có từ nào thay thế để gọi ông ngoài hai từ “nguyên” hay “cựu” bộ trưởng.
FB Trương Huy San nhận định, hình thức xử lý nên áp dụng với ông Vũ Huy Hoàng lẽ ra phải là khởi tố ông nếu có đủ căn cứ pháp lý và “ tước hàm bộ trưởng” của ông theo nghĩa tước đi các đặc quyền đặc lợi mà cái “hàm” này mang lại.
Ông Trương Huy San nêu ý kiến, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan điều tra cũng nên tiếp tục làm rõ nguồn tiền mua các bất động sản và cổ phiếu Sabeco và những nơi khác của ông Vũ Huy Hoàng và các thành viên trong gia đình.
Khả năng truy tố ông Vũ Huy Hoàng
Đáp câu hỏi của chúng tôi về khả năng tiếp theo, khi đến lượt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra biện pháp kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, TS Nguyễn Quang A phát biểu:
Chỉ thị 15 của chính Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qui định bên công an điều tra không được phép điều tra đảng viên, mà phải báo cáo cho tổ chức Đảng để họ xử lý trước đã, khi nào họ xử lý xong, họ đuổi thằng cha phạm pháp ấy ra khỏi Đảng để Đảng đỡ mang tiếng thì lúc đó cảnh sát điều tra mới vào, mới có thể truy tố tội phạm bắt tù …Đây là thủ tục chính thống của Đảng Cộng sản và chính thủ tục này đã vạch mặt sự thối nát, sự coi thường luật pháp của chính Đảng Cộng sản này.
Với người dân Việt Nam dẫu còn rất kém về mặt nhận thức, thì người ta vẫn nhận ra đây là một trò hết sức vớ vẩn và nó là gậy ông đập lưng ông đối với chính ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta.
– TS Nguyễn Quang A
Tôi nghĩ việc hủy tư cách nguyên bộ trưởng của ông Hoàng, cũng có thể là biện pháp làm như thế. Nhưng tôi nghĩ, với người dân Việt Nam dẫu còn rất kém về mặt nhận thức, thì người ta vẫn nhận ra đây là một trò hết sức vớ vẩn và nó là gậy ông đập lưng ông đối với chính ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta.
Hai ngày 25 và 26 Tết Đinh Dậu, nhiều báo điện tử như Dân Trí, VnExpress, Một Thế giới và Đất Việt đã đưa tin về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 24/1/2017 đã kỷ luật khiển trách bà Hồ thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương vì có phần trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh vào các chức vụ tại Bộ Công thương trái qui định. Đặc biệt ông này làm thất thoát 3.300 tỷ đồng ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC, nhưng không bị truy cứu mà được chuyển về Bộ Công thương với vị trí cao nhất là vụ trưởng quy hoạch làm Thứ trưởng, để từ đây được điều động về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đắc cử Quốc hội khóa 14. Khi bị Tổng Bí Thư quyết tâm hạch tội, ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế.
Thế nhưng báo chí có vẻ được bật đèn xanh và đã không chỉ dừng lại ở biện pháp kỷ luật khiển trách của Thủ tướng đối với bà Hồ thị Kim Thoa. Dân Trí có thể là báo điện tử sớm nhất trong các báo đưa tin về khối lượng cổ phiếu trị giá tới 718 tỷ đồng của Công ty Bóng đèn Điện Quang, mà Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình bà thủ đắc.
Con đường giàu sang của bà Thứ trưởng
Người đọc báo cảm nhận là, quan chức Bộ Công thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, không hiểu sao mà người nào cũng giàu nứt đố đổ vách. Tình trạng quan chức giàu lên nhanh chóng trong khi đa số người dân vẫn rất nghèo là thí dụ rõ nét về tình trạng bất bình đẳng về kinh tế. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
Khi một xã hội phân hóa giàu nghèo đến cùng cực, người thì quá giàu có, giàu đến mức không hiểu nổi từ đâu mà có tài sản giàu như thế trong khi người thì không có đủ áo mặc, trong mùa đông không có giày để mang, Tết thì cũng không có tiền để có một bữa cơm ngon. Đó chính là dấu hiện của một xã hội không có gì tốt đẹp mà người cầm quyền phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc điều chỉnh lại cuộc sống cho nó ra con người hơn…
Đất Việt Online và nhiều báo khác bật mí về con đường đi tới giàu sang của Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Theo đó 2000, bà Thoa là Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, một công ty quốc doanh thuộc Bộ Công thương. Trong quá trình cổ phần hóa công ty này bà Hồ Thị Kim Thoa từ năm 2005 tới 2010 còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch công ty.
Dù được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công thương từ năm 2010, nhưng tính đến 30/11/2016 bà Thoa vẫn nắm giữ hơn 1.600.000 cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang mã DQC, trị giá khoảng 102 tỷ đồng. Báo chí còn cho biết người thân ruột thịt trong gia đình bà Thoa đều là cổ đông lớn, có chức vụ tại Công ty Bóng đèn Điện Quang và có tổng trị giá cổ phiếu nắm giữ khoảng 718 tỷ đồng kể cả bà Thoa.
Liên quan tình trạng các công ty quốc doanh bị tham nhũng đục khoét trong quá trình cổ phần hóa, TS Nguyễn Quang A cho rằng chuyện ăn cướp tài sản công biến thành tài sản tư thông qua cổ phần hóa thì đã từng được cảnh báo từ 20 năm trước. Ông nói:
Đối với giám đốc các doanh nghiệp quốc doanh, các quan chức phụ trách doanh nghiệp quốc doanh trong quá trình cổ phần hóa thì nguy cơ hợp pháp hóa chuyện tham nhũng của họ bằng cách cổ phần hóa là chuyện thực sự đã diễn ra ở rất nhiều nước nguyên là cộng sản từ thời 1989-1990. Những bài học ấy đã được cảnh báo rất nhiều lần và không kém phần gay gắt ở Việt Nam…Tuy nhiên chuyện đó vẫn diễn ra hàng ngày…
Những bài học ấy đã được cảnh báo rất nhiều lần và không kém phần gay gắt ở Việt Nam…Tuy nhiên chuyện đó vẫn diễn ra hàng ngày…
– TS Nguyễn Quang A
Báo Đất Việt điện tử trích lời ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phóng chống tham nhũng cho biết, bà Hồ Thị Kim Thoa đang làm Thứ trưởng nên theo phân công nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vẫn trên Đất Việt Online, ông Nguyễn Bá Sơn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cho rằng, dư luận có quyền nghi ngờ Thứ trưởng Công thương lấy tiền ở đâu mà có tài sản quá lớn như vậy. Đại biểu Sơn nhấn mạnh, khi dư luận đã nghi ngờ thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề và trả lời công khai, số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào….
Bức tranh xám Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng nay được chấm phá thêm Hồ Thị Kim Thoa. Công cuộc làm trong sạch Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang dậm chân ở Bộ Công thương và giới phản biện cho rằng, những diễn biến cho tới lúc này mang dáng vẻ hài kịch chính trị. Như thế vui xuân đọc báo không thể không cười.