Tin Việt Nam – 26/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 26/01/2017

Cuộc triển lãm ‘giấy mời’

lên làm việc của công an Việt Nam

Cuộc triển lãm trên mạng trưng bày ‘giấy mời lên làm việc’ sau gần hai tháng thực hiện đã thu hút gần 100.000 số lượt người vào xem. Cuộc triển lãm độc đáo này do các nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam thực hiện, trưng bày hơn 150 văn bản do chính quyền gửi đến người dân như giấy mời, giấy hay lệnh triệu tập.

Giới hoạt động nói rằng cuộc triển lãm cho thấy chính quyền đã lợi dụng các loại giấy mời khác nhau để đe dọa và sách nhiễu những tiếng nói phản biện.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho VOA biết lý do của cuộc triển lãm này:

“Do cơ quan nhà nước, mà cụ thể là công an, họ nghĩ là họ có quyền, họ muốn làm gì thì họ làm. Cứ mỗi việc là người ta gửi giấy mời xuống tới công dân và bắt công dân, áp lực công dân phải tới đồn công an, làm những việc mà họ cần. Thực ra những việc đó là họ cần người dân. Nếu muốn người dân hợp tác thì họ phải xin người dân để người dân cung cấp thông tin cho họ… Ngược lại họ rất uy quyền. Họ ngộ nhận họ có những quyền như vậy. Họ cứ gởi giấy mời và buộc dân phải tới đồn công an làm việc.”

Ông Huỳnh Công Thuận, người từng tham gia các đợt biểu tình chống chính sách bá quyền của Trung Quốc cho VOA biết:

“Người khởi xướng là anh Huỳnh Ngọc Chênh. Do thời gian gần đây nhiều người bị mời, mời một cách rất lạ lùng, bị triệu tập với những lý do rất vớ vẩn. Hai vợ chồng ảnh bị mời liên tục. Do đó ảnh có ý làm triển lãm. Ai có giấy mời từ xưa đến giờ, cũ nhất, hàng độc đáo, hàng lạ lùng, hoặc cũ xưa nhất thì đưa lên.”

Ông Huỳnh Công Thuận cho biết ông đã được trao giải thưởng là người có giấy mời cũ nhất. Ông đã nhận lệnh mời của công an phải đi “học tập” vào năm 1979 và một giấy mời khác năm 1987. Ông Thuận cho biết ông không nhớ nổi ông đã nhận tất cả bao nhiêu giấy mời, có giấy với rất nhiều lý do rất vô lý từ chính quyền, kể từ khi ông tham gia các cuộc biểu tình chống ý đồ bá quyền của Trung Quốc. Ông Thuận cho biết đã có lần nhận được giấy mời đi kèm với lệnh áp tải:

“Cái đợt anh Điếu Cày bị bắt, tôi bị triệu tập 3, 4 đợt. Có khi gửi đợt 1, gửi đợt 2, và đem xe hụ còi đến chở đi luôn. Đợt đó là lúc Trung Quốc tổ chức Olympic ở Bắc Kinh. Họ giữ chúng tôi 2 ngày mà lại mượn danh là triệu tập.”

Theo cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cuộc triển lãm được sự hưởng ứng của giới tranh đấu, những người liên tục bị gọi lên làm việc với chính quyền. Người có giấy mời nhiều nhất như bà Dương Thị Tân với 51 giấy mời và giấy triệu tập, ông Phạm Bá Phải nhận được 39 giấy mời và giấy triệu tập… Nhìn chung, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, khi gửi giấy mời mà người dân không đến, thì chính quyền gửi giấy triệu tập.

Trên diễn đàn của cuộc triển lãm người ta thấy các nhà hoạt động như cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn, nhà vận động Phạm Thanh Nghiên, nhà báo tự do Trương Duy Nhất, blogger Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, blogger Nguyễn Văn Thạnh, luật sự Hà Huy Sơn… đều đã nhận rất nhiều giấy mời và giấy triệu tập.

Ông Chênh giải thích ý nghĩa của cuộc triển lãm:

“Tôi làm cuộc triển lãm này để nói lên rằng cơ quan pháp luật mà không hiểu biết pháp luật và lạm dụng quyền của mình để xúc phạm quyền lợi của người dân. Tôi đưa lên cũng nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm với nhau: việc gì mình cần thì mình đến, nếu không cần thì mình không đến. Đồng thời cũng muốn góp ý với cơ quan nhà nước là phải hiểu các quyền của mình ở mức nào, và quyền của người dân ở mức nào. Và phải làm cho đúng pháp luật.”

Theo nhà báo cũng như là blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nhiều người đã nhận các loại giấy triệu tập mà không rõ lý do bị triệu tập, nhưng vì họ không còn lưu giữ các giấy tờ đó nên không tham gia vào cuộc triển lãm độc đáo này. Ông Chênh khuyến khích các nhà tranh đấu nên lưu giữ các loại giấy mời và triệu tập để làm bằng chứng cho điều mà ông cho là cách thực thi pháp luật sai trái của nhà nước.

http://www.voatiengviet.com/a/cuoc-trien-lam-giay-moi-len-lam-viec-cua-cong-an-viet-nam/3691841.html

 

Mỹ: San Jose chính thức cấm treo cờ đỏ sao vàng

Chính quyền San Jose ở California, nơi có đông người Mỹ gốc Việt sinh sống, mới đây đã thông qua lệnh cấm treo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tại các cơ quan công sở của thành phố.

Quyết định được đưa ra hôm 24/1 sau nhiều giờ thảo luận với số phiếu ủng hộ và chống tương ứng là 11-0, theo nghị viên Tâm Nguyễn, người đề xuất ý tưởng này.

Ông Tâm nói rằng đó là “niềm vui lớn” và theo ông, “người dân San Jose thoát khỏi một sự ám ảnh, hãi hùng, vô hình nào đó để người ta thực sự cảm thấy yên bình và tự do trên đất nước Hoa Kỳ”.

Nghị viên này cho biết rằng số người tới phát biểu hậu thuẫn “áp đảo” những tiếng nói chống đối. Các hình ảnh video cho thấy đám đông hàng chục người cầm cờ của Việt Nam Cộng hòa hò reo sau khi kết quả được công bố.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng lệnh cấm vi phạm quyền của những người nhập cư sau này, vốn coi cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ đại diện cho Việt Nam, ông Tâm nói:

“Sự thật chỉ có 4 người tới nói, [họ] không phải là sinh viên. Họ là lớp trẻ tại Mỹ, nói lên quan điểm của họ. Còn tuyệt nhiên, các du sinh [Việt Nam] tại đây chỉ đi qua du học, hưởng lợi cuộc sống, không hề quan tâm. Họ cũng chẳng biết lá cờ đó là cái gì đâu. Tôi thấy tất cả mọi người đều muốn qua đây và trốn lại ở Mỹ nhiều hơn”.

Còn về nhận định nói rằng quyết định của San Jose sẽ ảnh hưởng tới quan hệ làm ăn giữa phía Việt Nam và các doanh nghiệp ở thành phố, ông Tâm nói rằng “người làm business họ khôn ngoan hơn; họ không liên quan tới chủ nghĩa, chính trị gì cả”.

Trước động thái của San Jose, một bạn đọc tên Thiên Thu viết cho VOA Việt Ngữ: “Con người hãy sống với hiện tại. Quá khứ hơn 40 năm đã trôi vào dĩ vãng xa xôi thì hãy cho nó qua luôn. Muốn sống thanh thản và hạnh phúc thì hãy sống với hiện tại…”

Theo quan sát của phóng viên VOA Việt Ngữ, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được treo tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York, tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington cũng như tại các sự kiện đón tiếp các quan chức cấp cao ở trong nước sang thăm Nhà Trắng.

Còn tại các cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Việt hay trường học tại một số nơi có đông người Việt sinh sống, vẫn thấy treo lá cờ vàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước kia.

Về lý do đưa ra đề xuất nhận được các phản hồi trái chiều, nghị viên Tâm Nguyễn cho biết rằng San Jose đã theo chân thành phố Westminster cũng nằm tại California cấm treo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam để, theo ông, “phản đối việc một cá nhân tên là Hùng Cửu Long mang lá cờ đi khắp nước Mỹ và dọa sẽ làm ồn ào tại quận Cam”.

Trả lời báo chí sau chuyến đi Mỹ hồi cuối năm ngoái, doanh nhân Hùng nói rằng ông làm vậy vì “mục tiêu hòa hợp dân tộc”.

Về vấn đề ông Hùng nêu, nghị viên Tâm nói rằng “hòa hợp, hòa giải là mỹ từ quá xa [vời]”, và “điều cụ thể là chính người nắm quyền trong nước phải bớt đánh đập, đàn áp, bóc lột dân chúng”.

Hà Nội lâu nay vẫn luôn khẳng định không tống giam, đàn áp người bất đồng chính kiến mà chỉ bắt những ai vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền lại bác bỏ tuyên bố này.

http://www.voatiengviet.com/a/my-san-jose-chinh-thuc-cam-treo-co-do-sao-vang/3693277.html

 

Người Việt ở Mỹ với Tết Đinh Dậu

Hà Vũ

Người Việt tại Mỹ nói chung không bỏ những tập tục, nhất là trong ba ngày Tết. Nhà nào cũng có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh. Còn cây nêu và tràng pháo chỉ có ở những vùng đông người Việt định cư nhất là tại Little Saigon, được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn.

Tâm trạng người Việt ăn Tết tại Mỹ khác nhau, tùy người. Ông Sỹ, cư ngụ tại quận Cam, năm nay trên 75 tuổi, chia sẻ:

“Năm đầu tiên tôi qua bên này đến hôm Giao Thừa buồn không thể tưởng tượng được. Tôi nhớ Thế Lữ có nói ‘Giũ áo phong sương nơi gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang,’ mình thì ngược lại. Trong khi mình đón xuân thì dân bản xứ thản nhiên như một ngày thường, nó cũng gây một cái buồn nhưng lâu dần rồi cũng quen đi.”

Ông Quan sống trên 20 năm tại vùng Falls Church, tiểu bang Virginia, nơi có khu chợ Eden và có đông người Việt định cư, cho biết:

“Đối với tôi từ lúc sang Mỹ đến bây giờ, năm nào Tết Việt Nam, thứ nhất tôi vẫn tham gia những sinh hoạt của cộng đồng để chào đón mùa Xuân như chợ Tết chẳng hạn. Thứ hai, trong nhà cũng trang hoàng nhà cửa, cúng ông bà, rước ông bà theo như tập tục cổ truyền.”

Tuy nhiên, với những tập tục khác như kiêng cử, xin xăm hay hái lộc đầu năm thì ông không tin, nên không làm:

“Riêng tôi những vụ đó quả tình tôi không tin lắm nên không làm, không hái lộc đầu năm gì hết.”

Bánh chưng, bánh tét, dưa món-củ kiệu là những món ăn không thể thiếu trong ba ngày Tết của hầu hết gia đình người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thường các cửa hàng Việt Nam tại Mỹ đều bày bán các loại bánh này. Cũng có nhiều gia đình có truyền thống tự tay gói lấy, như gia đình ông Thắng ở Houston, bang Texas.

Ông Thắng:

“Năm nào em cũng gói cả, cho mấy đứa đem cho xui gia cho đỡ tốn, rồi sẵn đó gói cho bạn bè anh em. Chịu khó làm khoảng một ngày chớ mấy, ngày cuối tuần, thứ sáu, thứ bảy, Chủ nhật gì đó là xong thôi.”

Houston là thành phố có người Việt định cư đông hàng thứ hai trên nước Mỹ, chỉ sau khu quận Cam, và San Jose ở California, nên các sinh hoạt trong dịp Tết cũng khá phong phú, thường do các chùa, nhà thờ và cộng đồng tổ chức.

Ông Thắng tiếp lời:

“Chùa, nhà thờ tổ chức nhiều rồi, không biết cộng đồng có tổ chức hay không nhưng hàng năm ở đây đầu năm là có xe hoa của dân biểu Hugo Võ nhưng năm nay không nghe, có lẽ là do cuộc bầu cử vừa rồi khuấy động quá, bận rộn, cuối cùng ông không làm được hay chăng.”

Ông Sỹ cho biết là tuy hoàn cảnh của ông không cho phép ông hưởng được mùa xuân vui vẻ đầm ấm cùng bạn bè, bà con thân thuộc vì phải chăm sóc người vợ đau yếu.

Về sự khác biệt giữa Tết ở Việt Nam và Tết ở Mỹ, ông Sỹ so sánh:

“Khi qua bên này rồi tôi mới thấy trên thế giới này có lẽ không có nơi nào, nước nào có mùi vị Tết như ở Việt Nam mình, có một không khí rộn ràng, thậm chí sau 75, Việt cộng vô khác với mình, nhưng vẫn có điểm chung là đêm Giao Thừa mọi người đem ra ngoài đường nấu bánh chưng chờ đợi giao thừa thành ra có một không khí thiêng liêng ghê lắm.”

Thế nhưng, phải đến quận Cam, bang California vào dịp Tết mới thấy được truyền thống ngày Tết Nguyên Đán được người Việt tị nạn tại Mỹ gìn giữ như thế nào.

Cô Ngọc Lan, phóng viên báo Người Việt có trụ sở tại California, cho biết tập tục truyền thống dựng nêu, đốt pháo, vẫn được duy trì tại đây:

“Dựng nêu chỉ có ở Phước Lộc Thọ và trong diễn hành dịp Tết. Còn ở nhà hoặc là ở những cơ sở thương mại bình thường người ta không làm cái đó nữa. Đốt pháo thì nhiều bắt đầu từ ngày đưa ông Táo, nhứt là ở ngay trước Phước Lộc Thọ có chợ hoa, mỗi ngày đều có đốt pháo hết và các cơ sở thương mại gần đó. Nhưng thông thường vào tối 30, các chùa đốt pháo rất nhiều. Đến sáng mồng một nhà dân cũng như các cơ sở thương mại đốt rất nhiều và múa lân vẫn được duy trì.”

Cô Ngọc Lan cho biết thêm là tập tục đóng cửa trong mấy ngày Tết của các cơ sở thương mại rồi mở cửa vào ngày tốt vẫn còn, nhưng rất ít:

“Cách đây vài năm có chợ Việt Nam khá lớn, họ đóng cửa suốt mấy ngày luôn, đến ngày tốt mới mở cửa lại. Nhưng thường người ta không đóng để khỏi phải khai trương lại tại vì những dịp đó thì người ở các nơi khác đổ về Little Saigon rất đông, thành ra một cơ hội để họ làm ăn nên tập tục đóng cửa rất hiếm.”

Gần đây xuất hiện đề nghị của giáo sư Võ Tòng Xuân tại Việt Nam gây tranh cãi trong nước rằng bỏ Tết Ta, chỉ ăn Tết Tây vì Tết Ta tại Việt Nam quá rườm rà, kéo dài cả tuần lễ, hoang phí thì giờ và tiền bạc. Cô Ngọc Lan cho rằng việc này không khả thi đối với người Việt sống ở nước ngoài:

“Những người ở hải ngoại là những người muốn giữ cái Tết bởi vì cái Tết đối với những người xa xứ là một dịp để người ta nhớ về quê hương nhớ về tổ tiên. Năm nay đặc biệt Tết rơi vào cuối tuần nhưng những năm trước Tết không rơi vào cuối tuần nhưng là một dịp để sum họp gia đình vả lại ở đây ăn Tết không rườm rà và cầu kỳ như ở Việt Nam thành ra việc bỏ Tết không phải là chuyện để người Việt hải ngoại bàn cãi.”

Năm nay, mưa nhiều trong mấy ngày gần Tết tại California nên số người vui chơi mua sắm Tết không nhộn nhịp như trước, dù các hội chợ được tổ chức lớn hơn.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-o-my-voi-tet-dinh-dau/3692748.html

 

Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam nên làm gì?

Trà Mi-VOA

Một ngày sau khi tân Tổng thống Donald Trump hôm 23/1 ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Trung Quốc tuyên bố cam kết tiếp tục dấn chân vào tiến trình hội nhập kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương trong tinh thần cởi mở, nhiều thành phần và minh bạch.

Tại các diễn đàn kinh tế quốc tế gần đây từ thượng đỉnh G20 tới APEC hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc liên tục đưa ra những hứa hẹn, bày tỏ sẵn lòng cùng hợp tác với các nước vì thịnh vượng-phát triển kinh tế chung.

Và phản hồi ‘tức thời’ hôm 24/1 của Trung Quốc cho thấy dường như Bắc Kinh đã chờ đợi thời cơ từ lâu và sẵn sàng soán ngôi của Mỹ trở thành nước dẫn đầu luật lệ thương mại toàn cầu. Vậy vấn đề đang được nhiều người quan tâm và nêu lên là liệu Trung Quốc có thể hoàn thành tham vọng đi đầu về toàn cầu hóa hay không?

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hiệp quốc, hiện là tư vấn cho một số định chế quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Phi, người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam, cho rằng:

“Điều đó tùy thái độ của Trung Quốc, của Mỹ, và của các nước khác. Tôi không nghĩ là các nước họ sẵn sàng trao gửi cho Trung Quốc để Trung Quốc tàn phá nền kinh tế của họ.”

Ngoài niềm tin của các nước và uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế, nội bộ đầy mâu thuẫn của Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến Bắc Kinh khó có thể điền khuyết cho Mỹ, như nhận định của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, một nhà bình luận phụ trách chuyên mục kinh tế cho nhiều báo đài ở hải ngoại:

“Ông Tập Cận Bình nói chuyện tại Davos vừa qua muốn thay thế nước Mỹ trở thành nước vô địch về tự do mậu dịch toàn cầu. Thật sự, ngay trong nội bộ Trung Quốc cũng đang có nhiều vấn đề. Trung Quốc thấy Hoa Kỳ rút lui TPP như vậy mà cho là có thể trám vào chỗ trống đó trong khi nội bộ của họ, giữa các tỉnh, giữa tư doanh và quốc doanh của họ cũng đang có những mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế dẫn tới mâu thuẫn về quyền lợi chính trị.”

TPP do Mỹ dẫn đầu sụp đổ, các chính phủ và giới doanh nghiệp Châu Á đang chuẩn bị hướng mắt tới các hiệp định thương mại đa phương thay thế khác, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP).

Singapore đã lên tiếng sẽ tiếp tục tham gia vào các sáng kiến hội nhập thương mại khác trong khu vực trong khi Malaysia cho biết đang tìm các lựa chọn thay thế, kể cả RCEP, hiệp định dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/1 khẳng định Bắc Kinh “sẽ xúc tiến quá trình thương lượng RCEP và việc xây dựng Hiệp định Tự do Thương mại FTAAP của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm bổ sung xung lượng mới cho sự phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu.”

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng RCEP của Trung Quốc khó có thể lấp khoảng trống mà TPP để lại.

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:

“Tôi nghĩ điều đó không xảy ra vì RCEP do Trung Quốc đề xướng cũng mang tính chất toàn diện. Các hiệp ước khác mất từ 5, 7, 10 năm để thương thuyết. Cái RCEP Trung Quốc đề nghị mới từ 2014. Các nước trong hệ thống đó đều muốn làm ăn với Trung Quốc nhưng cũng đều hiểu rằng làm ăn với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ lấn lướt ở những mặt khác về kinh tế lẫn an ninh. Cho nên, chưa chắc giải pháp của Trung Quốc sẽ thành công với các nước khác kể cả Việt Nam, nhất là Việt Nam, nước đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng và sự lệ thuộc kinh tế quá lớn từ Trung Quốc. Tôi cho rằng không nhất thiết TPP bị Mỹ bỏ mà Việt Nam sẽ lật đật ôm chầm lấy hiệp ước RCEP của Trung Quốc. Hơn nữa, trong RCEP ngoài Việt Nam còn các nước khác nữa, mà các nước không ngây thơ gì mà không nhìn thấy dụng tâm của Trung Quốc.”

Chưa biết Trung Quốc sẽ được lợi tới mức nào sau khi Mỹ từ bỏ TPP, nhưng trước mắt, quyết định của tân chính quyền Trump được xem là sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á, khi Mỹ đánh mất cơ hội tạo đồng minh tại khu vực, nhất là vùng Đông Nam Á, nơi đang rất cần sự hiện diện của Mỹ để cân bằng với một Trung Quốc ‘trỗi dậy.’

Ông Trump đã tỏ dấu cho thấy sẽ thay thế đàm phán đa phương ‘toàn diện’ kiểu TPP bằng các hiệp định tự do mậu dịch song phương với từng nước một, điều mà Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng sẽ khó khăn hơn:

“Bây giờ Trump muốn có lợi cho Mỹ thì phải nói chuyện với từng nước một, khó khăn hơn, mà họ cũng phải đòi hỏi những điều kiện như TPP thôi.”

Song, khi Mỹ chuyển từ đàm phán TPP sang đàm phán tự do mậu dịch tay đôi thì các nước như Việt Nam ‘vẫn còn cơ hội’ và ‘dễ áp dụng hơn’ vì đã có một số cam kết trước từ thỏa thuận tự do mậu dịch song phương BTA, theo nhận xét của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:

“Tôi cho rằng điều đó còn dễ cho Việt Nam áp dụng hơn TPP vì TPP có những quy định mang tính chất ‘toàn diện, phức tạp’ làm thay đổi cả hệ thống chính trị-xã hội của Việt Nam, hay của các nước tham dự.”

Vẫn theo chuyên gia này, ngay cả khi xảy ra một cuộc chiến thương mại thật sự giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ thì vẫn có lợi cho các nước thứ ba vốn lệ thuộc vào Trung Quốc và trông đợi sự can thiệp của Hoa Kỳ, như Việt Nam:

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:

“Trận chiến mậu dịch chưa xảy ra mà các nước đã thấy Trung Quốc đang bành trướng và cần một người ngăn chặn điều đó. Người đó là chính quyền của ông Trump bây giờ. Ông Trump đã nói rõ ràng Trung Quốc lấn về kinh tế và an ninh và từ nay sẽ không được lấn nữa, sẽ phải nói chuyện lại. Tôi cho rằng hoàn cảnh đó vẫn có lợi cho các nước đệ tam, trong đó có Việt Nam.”

Thế nhưng, giới phân tích cho rằng để hưởng được cái lợi đó đòi hỏi các lãnh đạo Việt Nam phải quyết tâm ‘thoát Trung.’

Tác giả các bài viết về kinh tế, về chính sách xã hội của Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chia sẻ quan điểm:

“Việt Nam phải giữ thế độc lập thôi. Hiện tại, bây giờ những gì Việt Nam làm ăn với Trung Quốc đều trong thế rất bất lợi. Vì vậy, Việt Nam phải cố gắng làm sao đừng lệ thuộc họ nữa mà Việt Nam có thể làm được. Không nhất thiết phải làm việc với Trung Quốc. Làm với Trung Quốc hiện giờ cơ bản là nhập nguyên liệu của họ. Họ cho mượn vốn để nhập những nhà máy từ Trung Quốc về, không tốt gì cả, kỹ thuật xấu, ô nhiễm môi trường mà cơ bản là để phục vụ Trung Quốc, xuất khẩu dưới tên Việt Nam ra nước khác.”

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng trong một thế giới mới nhiều biến đổi và đầy ẩn số phía trước, đã đến lúc Việt Nam không thể trông chờ hay cậy nhờ vào một sức mạnh nào khác ngoài ý chí cải cách của chính mình, cải cách để đáp ứng với những yêu cầu mới trên sân chơi quốc tế và để tận dụng cơ hội cho chính mình:

“Việt Nam phải cải cách những gì có lợi cho người dân, kinh tế Việt Nam thay vì cải cách vì Hoa Kỳ đòi hỏi. Mỹ bây giờ bảo rằng chuyện của quý vị, quý vị trong nhà ráng lo lấy nhưng khi làm ăn với tôi phải theo quy cũ thế này. Việt Nam vẫn nên tự cải cách để có được một hệ thống kinh tế thông thoáng, tạo được sức cạnh tranh cao hơn. Nhân cơ hội đó có thể thoát được ảnh hưởng đã quá lớn về kinh tế, quân sự, an ninh từ Trung Quốc.”

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, Việt Nam chưa cho biết có kế hoạch cụ thể như thế nào.

TPP, hiệp định tự do thương mại với sự tham gia của 12 nước Châu Á-Thái Bình Dương kể cả Mỹ và Việt Nam, nhưng không có Trung Quốc, do chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đề xướng, được Bộ trưởng các nước ký hồi tháng 2 năm ngoái sau hơn 5 năm thương thuyết.

Hiệp định RCEP do Trung Quốc dẫn đầu gồm 16 nước, trong đó có 10 nước ASEAN và các bạn hàng khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

http://www.voatiengviet.com/a/my-rut-khoi-tpp-viet-nam-nen-lam-gi/3692774.html

 

Tòa nhà cao nhất Việt Nam ‘nóng’ trên báo quốc tế

Landmark 72, tòa nhà được coi là cao nhất Việt Nam, xuất hiện trên truyền thông quốc tế trong vụ việc có liên quan tới người anh em của cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.

Chính phủ Mỹ tuần trước đã yêu cầu Hàn Quốc bắt ông Ban Ki-sang vì bị nghi dính líu tới một vụ hối lộ trong vụ bán khu cao ốc nằm tại Hà Nội.

Ông Ki-sang từng là giám đốc điều hành của tập đoàn xây dựng của Hàn Quốc Keangnam, vốn từng sở hữu Landmark 72.

Người anh em của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là một trong bốn người bị truy tố hôm 10/1 trong vụ việc được coi là ảnh hưởng tới cơ hội tranh cử tổng thống của ông Ban Ki-moon.

Ông Joo Hyun “Dennis” Bahn, một nhà môi giới bất động sản ở New Jersey, cháu trai của ông Ki-moon và là con trai của ông Ki-Sang, mới đây cũng đã bị bắt.

Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, theo Reuters, từng ra thông cáo cho biết rằng ông “không hay biết gì” về các vụ làm ăn của những người họ hàng.

Theo cáo trạng của tòa án ở New York, năm 2013, tập đoàn Keangnam gặp khó khăn về tài chính nên phải bán tòa nhà Landmark 72.

Các công tố viên Mỹ cho rằng hai cha con ông Ban Ki-sang “đã chi hàng triệu đôla để hối lộ một quan chức quốc gia Trung Đông giấu tên dàn xếp cho nước đó dùng quỹ đầu tư của nước đó để mua lại tòa nhà này”, theo Reuters.

Anh Nghĩa Trần, một người môi giới nhà đất cho khu vực tòa nhà Landmark 72, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người thuê “cũng biết và quan tâm tới thông tin” về người anh em của ông Ban.

Anh nói thêm:

“Liên quan tới đời sống thì họ cũng để ý thôi, nhưng thực ra là không ảnh hưởng gì đâu. Em của Ban Ki-moon liên quan tới vụ chuyển giá và bên Hàn Quốc đã điều tra. Các cái việc của chủ đầu tư không ảnh hưởng gì. Kể cả em ông Ban Ki-moon có làm sao thì cũng không ảnh hưởng gì”.

Trong khi đó, một người cho thuê căn hộ tên Nguyễn Nam cũng cho VOA Việt Ngữ hay rằng ông cũng biết tới vụ việc, nhưng “nó không ảnh hưởng gì”.

Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay gồm 72 tầng. Tập đoàn Keangnam khai trương tháp này năm 2012 với giá hơn một tỷ đôla.

Tuy nhiên, nhiều bê bối tại tập đoàn này cộng với việc không thể thanh toán khoản tiền hàng trăm triệu đôla còn nợ các tổ chức, nên tòa nhà đã được giao bán đầu năm 2015.

http://www.voatiengviet.com/a/toa-nha-cao-nhat-viet-nam-nong-tren-bao-quoc-te/3693174.html

 

Vụ Formosa: Kỷ luật bốn quan chức không lộ tên

Có bốn quan chức bị phạt liên quan tới thảm họa cá chết ở miền Trung, Việt Nam tuyên bố.

Đây là quyết định phạt đầu tiên được áp dụng với các quan chức chính phủ trong suốt chín tháng qua, sau sự cố môi trường xảy hồi tháng Tư 2016.

Một phó tổng cục trưởng của Bộ Tài nguyên Môi trường bị cách chức ủy viên Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020.

Quan chức này còn bị hạ chức và chuyển sang làm việc ở đơn vị khác.

Ngoài ra, có hai trưởng phòng và một phó phòng của Tổng cục bị khiển trách, cảnh cáo, đồng thời bị điều chuyển công tác.

Tên của bốn người này không được tiết lộ.

Trước đó, hồi tháng Mười Một, một cựu lãnh đạo Hà Tĩnh bị Đảng Cộng sản ‘kiểm tra sai phạm’.

Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khi đó bị cho là có những sai phạm liên quan tới việc chấp thuận thời hạn đầu tư của Formosa tại địa phương ‘không đúng thẩm quyền’.

Ông Võ Kim Cự bị ‘kiểm tra sai phạm’ vụ Formosa

Sau nhiều tháng cá chết một cách bí ẩn, gây giận dữ cho công chúng, chính phủ và một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, Formosa Hà Tĩnh, hồi tháng Năm 2016 đã đạt thỏa thuận bồi thường 500 triệu đô la (tương đương khoảng 11 nghìn tỷ đồng).

Bắt đầu từ hồi tháng Mười, giới chức đã tiến hành bồi thường lần một cho các nạn nhân sự cố cá chết tại bốn tỉnh miền Trung.

Trang tin VietnamNet nói số được chi trong đợt này là 3 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, trong những ngày giáp Tết, chính phủ chỉ đạo tạm cấp kinh phí bồi thường đợt hai, với tổng số tiền khoảng gần 1.700 tỷ đồng.

Sự cố cá chết hàng loạt đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trong dân chúng tại nhiều nơi.

Hồi trung tuần tháng Mười Hai, một số ngư dân tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã biểu tình bằng cách chặn đường tại Quốc lộ 1.

Những người phản đối Formosa nói rằng tính đến thời điểm đó họ vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38757683

 

Hộ chiếu Trung Quốc có hình lưỡi bò

không được cấp visa điện tử vào Việt Nam

Công dân Trung Quốc với hộ chiếu in đường  chủ quyền hình lưỡi bò sẽ không được áp dụng chế độ cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an cho biết như vừa nêu trong cuộc họp báo chiều ngày 25/1/2017 tại Hà Nội.

Việt Nam hiện đang thực hiện thí điểm cấp thị thực nhập cảnh điện tử áp dụng cho công dân 40 quốc gia kể cả Trung Quốc. Tuy vậy tất cả những công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có đường chủ quyền 9 đoạn, tức đường lưỡi bò, sẽ bị phía Việt Nam từ chối cấp thị thức nhập cảnh điện tử.

Theo qui định thị thực nhập cảnh điện tử có giá trị 1 lần không quá 30 ngày. Hầu hết các cửa khẩu nhập cảnh của Việt Nam đều cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng visa điện tử. Bao gồm 8 của khẩu đường không, 13 cửa khẩu đường biển và 13 cửa khẩu đường bộ.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/cn-ox-tongue-line-passport-will-not-get-evisa-of-vn-01262017075332.html

 

Một dự án thép mới được duyệt tại Quảng Ngãi

Chính phủ Việt Nam vừa chấp thuận một dự án thép khác tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Vào tối ngày 25 tháng 1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản truyền đạt ý kiến của thủ tướng về việc đồng ý chủ trương đầu tư ‘dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất’. Theo văn bản này, Bộ công thương có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở của dự án theo quy định của chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo nhà thầu tuân thủ các cam kết về công nghệ, thiết bị, các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định của pháp luật.

Dự án thép mới được bật đèn xanh là dự án kết thừa của công ty trách nhiệm hữu hạn Guang Lian Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) bị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi rút phép đầu tư hồi năm ngoái sau 10 năm xin phép hoạt động vì vi phạm pháp luật về đất đai.

Dự án mới của tập đoàn Hòa Phát có công suất 4 triệu tấn một năm với vốn đầu tư khoảng 60,000 tỷ đồng. Sản phẩm dự kiến là thép xây dựng, thép cuộn cán nóng.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vietnam-approved-another-steel-plan-01262017084552.html

 

Hoa Tết ế ẩm, nông dân lỗ nặng

Những ngày trước tết Đinh Dậu, những người bán hoa tết gặp phải tình cảnh hoa ế ẩm, lỗ nặng.

Tại nhiều địa phương, người bán hoa tết gặp phải tình cảnh người mua thưa thớt khiến một số tiểu thương phải bán tống bán tháo các loại hoa cây cảnh trước tết để thu hồi vốn.

Tại Đà Nẵng, mưa liên tục được cho là nguyên nhân khiến cây cảnh tết ế ẩm. Vào sáng 28 tết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huỳnh Đức Thơ đã phải đi khảo sát chợ hoa Đà nẵng để tìm cách hỗ trợ người bán. Lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tìm cách hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các hộ bán hoa, cây cảnh ở chợ.

Trong khi đó, vào ngày 28 tết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng gửi thư kêu gọi người dân, công nhân viên chức trong tỉnh mua giúp dân. Ông Căng viết trong thư rằng người trồng hoa đã thiệt hại nặng nề, tỉnh đã dùng nhiều phương pháp hỗ trợ nhưng cuộc sống của người trồng hoa vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Phú Yên hôm nay cũng đã quyết định giảm 50% tiền thuê vị trí bán hoa tết vì trời mưa kéo dài. Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hoa cho biết đến ngày 29 tết, cơ quan chức năng thành phố Tuy Hòa đã chi trả lại số tiền giảm giá cho người bán hoa tết là 220 triệu đồng.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/flower-merchant-suffer-loss-before-tet-01262017083543.html

 

Việt Nam tìm bạn mới

để tránh bị hút vào cuộc đọ sức Mỹ-Trung

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại và an ninh mạnh mẽ hơn với các nước như Ấn Độ, Pháp và Nhật Bản. Theo phân tích của nhà báo James Hookway trên tờ Wall Street Journal ngày 17/01/2017, Hà Nội đang sử dụng lá bài đối tác an ninh và thương mại để gia tăng các mối quan hệ ở châu Á và xa hơn nữa, để khỏi bị lôi cuốn vào tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khi ông Donald Trump nhậm chức.

Nhà báo Mỹ nhận xét : Động thái này là dấu hiệu cho thấy là các nước châu Á đang phải thích nghi đường lối sau khi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP của ông Obama sụp đổ, và không rõ là chính quyền mới ở Mỹ sẽ theo phương hướng nào đối với khu vực.

Sau các chuyến viếng thăm của lãnh đạo Pháp và Ấn Độ trong những tháng gần đây, thì đến lượt thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp lãnh đạo Việt Nam vào thứ Hai 16/01 bàn về kinh doanh và an ninh.

Theo ông Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam, giảng viên trường đại học Leiden (Hà Lan), « nhu cầu phát triển một cách nghiêm túc các quan hệ chiến lược xuất phát từ việc ông Donald Trump được bầu lên », và nhân vật này vẫn còn là một « ẩn số ».

Đặt Hà Nội vào trung tâm càng nhiều hiệp định thương mại và an ninh càng tốt

Các viên chức Việt Nam nói là chiến lược hiện nay là đặt Hà Nội vào trung tâm của càng nhiều hiệp định thương mại và an ninh càng tốt, đồng thời giảm căng thẳng với Trung Quốc khi có thể.

Bài báo nhắc lại : Trong một thông cáo vào đầu tháng này, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nói rõ : « Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách hữu hảo với tất cả các nước, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ trên cơ sở độc lập, tự chủ và luật pháp quốc tế ».

Việc có thêm đối tác đặc biệt cần thiết đối với Việt Nam. Trong những thập niên gần đây quốc gia cộng sản này đã chuyển mình thành một nước thương mại và rất cần sự tự do hàng hải ở Biển Đông. Giới kinh tế cũng nêu bật Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, sẽ mở cửa và giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường Mỹ vốn đang là thị trường lớn nhất.

Đối với Mỹ, Việt Nam là một đối tác kinh tế phát triển nhanh, và cũng là một đồng minh quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải ngoài khơi Việt Nam, sao cho không bị ảnh hưởng thương mại cũng như quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc cản trở.

Nỗ lực Mỹ -Việt

Tháng 7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng Sản Việt Nam đến Nhà Trắng và gặp tổng thống Mỹ Obama. Tháng 5 vừa qua thì đến lượt Barack Obama viếng thăm Việt Nam và bãi bỏ cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập niên. Động thái này được xem như một nỗ lực đưa cả hai nước thoát hẳn khỏi quá khứ chiến tranh Việt Nam. Không lâu sau đó thì tàu chiến Mỹ ghé cảng Cam Ranh. Đây là lần đầu tiên từ ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Chính quyền mới ở Mỹ có thể có một cách tiếp cận ‘diều hâu’ hơn đối với Trung Quốc và sẽ có lợi đối với Việt Nam. Trong cuộc điều trần ở Thượng Viện, Rex Tillerson người được đề cử đứng đầu ngành ngoại giao đã cho là phải ngăn không cho Trung Quốc đến các đảo mà họ mới bồi đắp ở Biển Đông. Tuy nhiên, chủ trương của tân chính phủ Mỹ muốn thúc đẩy hoạt động công nghiệp ngay trên lãnh thổ Mỹ có thể tác hại đến Việt Nam.

Nhật – Ấn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam

Trong các trao đổi không chính thức, các quan chức Việt Nam nói là họ không rõ là phải chờ đợi cái gì. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập mạng lưới chằng chịt của những liên minh về an ninh, thương mại để đưa thêm nhiều tàu hải quân ngoại quốc đến khu vực và giúp duy trì tự do thông thương trên biển là chọn lựa ngày càng được xem là đúng đắn nhất.

Tại Hà Nội hôm 16/01, thủ tướng Nhật Abe thông báo sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, cộng thêm vào số 6 chiếc đã cung cấp trước đây và cho là điều đó sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển trong vùng lãnh hải của mình. Ông Abe chủ trì việc ký kết một loạt thỏa thuận đầu tư và thiết lập liên doanh, trong đó có đầu tư của Mitsubishi vào một nhà máy nhiệt điện.

Thủ tướng Nhật nói rõ : « Hòa bình và thịnh vượng của khu vực tùy thuộc vào việc các vùng biển có được mở cho tự do lưu thông hay không. Chúng tôi sẽ làm việc cùng với Việt Nam để những nguyên tắc ứng xử cơ bản trên biển – tự do hàng hải, tôn trọng pháp quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp – được xác lập một cách vững chắc. »

Trong một dấu hiệu là Nhật Bản có thể tiếp tục chính sách như là đối với Việt Nam, ông Abe đã đến thăm Philippines, Úc và Indonesia vào tháng này.

Trước thủ tướng Nhật Bản, thủ tướng Ấn Độ đã thăm Việt nam vào tháng 9, và có thỏa thuận mới về an ninh, Ấn Độ cũng đã đồng ý huấn luyện phi công chiến đấu cơ Việt Nam. Ngoài ra Ấn Độ cũng thương lượng việc bán hỏa tiễn cho Việt Nam, cụ thể là loại địa đối không Akash, như báo chí Ấn tiết lộ.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng đến Việt Nam vào tháng 9, bàn về thương mại với hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu, trên nguyên tắc có hiệu lực vào đầu năm tới.

Trung Quốc vẫn được xem trọng

Chiến lược của Việt Nam có khả năng làm Trung Quốc bực mình. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, đã nêu lên mối quan ngại là việc mua bán hỏa tiễn giữa Việt Nam và Ấn Độ « có thể nhắm vào Trung Quốc » và gây bất ổn trong khu vực. Theo tờ báo : « Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên ».

Theo phân tích của giáo sư Carlyle Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, mục tiêu tối hậu của Việt Nam là làm sao tránh được việc phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

« Việt Nam thiết lập mạng lưới đối tác là để đứng ngoài cuộc tranh đua Mỹ Trung và cung cấp phương tiện để Việt Nam lèo lái giữa các cường quốc để bảo vệ nền độc lập của mình. »

Nhưng chiến lược mới không có nghĩa là Việt Nam bỏ bê Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Và vào lúc ông John Kerry thăm Việt Nam tuần trước, trong vòng công du cuối cùng của ông trong tư cách ngoại trưởng Mỹ, thì ông Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh gặp các lãnh đạo Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170126-viet-nam-tim-ban-moi-de-tranh-bi-hut-vao-cuoc-do-suc-my-trung

 

Việt Nam : RSF lên án ba vụ bắt giữ « để phòng ngừa »

Trọng Nghĩa

Tổ chức bảo vệ nhà báo Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), trụ sở tại Pháp ngày 25/01/2017 đã lên tiếng tố cáo các vụ bắt giữ « để phòng ngừa » mà chính quyền Việt Nam vừa tiến hành, nhắm vào ba blogger và nhà báo trong những ngày trước Tết. Phóng Viên Không Biên Giới đã kêu gọi trả tự do tức khắc cho những người bị bắt, và hủy bỏ mọi cáo trạng nhắm vào họ.

Trong một bản thông cáo báo chí, Phóng Viên Không Biên Giới cho biết vụ bắt giữ gần đây nhất là nữ blogger nổi tiếng Trần Thị Nga, bị bắt tại nhà riêng ở tỉnh Hà Nam ngày 21 tháng Giêng. Bà Nga bị cáo buộc là đã đăng bài có nội dung « chống nhà nước » lên mạng, và bị truy tố theo điều 88 của Luật Hình Sự, quy định từ 3 đến 20 năm tù về tội « tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. »

Nạn nhân thứ hai, theo RSF, là ông Nguyễn Văn Oai, một « nhà báo công dân » từng bị tù trong quá khứ. Ông bị bắt ngày 19 tháng Giêng tại tỉnh Nghệ An với tội danh chống lại cảnh sát và rời khỏi nhà trong thời gian bị quản chế. Ông Oai bị bắt năm 2011, và bị kết án 4 năm tù giam kèm theo 3 năm quản chế theo điều 79 luật hình sự, phạt tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân »

Người thứ ba là nhà báo công dân Nguyễn Văn Hòa, đã bị biệt giam trong hơn một tuần sau khi bị bắt ngày 11 tháng Giêng. Chỉ cách nay ba hôm, gia đình ông Hòa mới biết tin ông bị giam giữ và bị buộc tội theo Điều 258, trừng phạt việc « lạm dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước ». Ông Hòa gần đây đã đưa tin về các cuộc biểu tình chống nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, đã gây ô nhiễm nghiêm trọng vào tháng Tư năm 2016.

Phóng Viên Không Biên Giới cho rằng những người bị bắt chỉ « bảo vệ lợi ích chung », nhưng lại bị chính quyền Việt Nam « chụp mũ » là « tuyên truyền chống nhà nước ». RSF yêu cầu cộng đồng quốc tế gây sức ép trên Việt Nam để trả tự do cho các blogger và nhà báo công dân nói trên.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170126-viet-nam-rsf-len-an-ba-vu-bat-giu-%C2%AB-de-phong-ngua-%C2%BB