Tin khắp nơi – 26/01/2017
Tên lửa tầm xa của Trung Quốc ‘nhắm vào Mỹ’
Trung Quốc mới triển khai các tên lửa đạn đạo liên lục địa gần biên giới Nga với tầm bắn có thể đánh trúng các mục tiêu ở Mỹ, Canada và châu Âu, báo chí quốc tế dẫn lời các chuyên gia nhận định.
Trước đó, tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin rằng Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa tối tân DF-41 (Đông Phong 41) do nước này thiết kế tới tỉnh đông bắc Hắc Long Giang, giáp với Nga.
Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Konstantin Sivkov, chủ tịch cơ quan nghiên cứu có tên gọi Viện các vấn đề địa chính trị, cho rằng các tên lửa này “không nhắm vào Nga” vì nếu không “chúng phải được đặt sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc hoặc ở biên giới phía nam”.
Ông Sivkov nhận xét tiếp rằng chính Mỹ hay Canada và thậm chí là châu Âu mới lọt vào tầm ngắm, và rằng việc triển khai tên lửa nhằm “đáp trả các mối đe dọa của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/1, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng các thông tin liên quan tới loại tên lửa tầm xa của Trung Quốc “chỉ là sự đồn đoán trên mạng”.
Dưới thời kỳ nắm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, Nga được coi là tiến gần hơn tới Trung Quốc sau khi Washington và Moscow có những bất đồng về vấn đề Ukraine và các vụ tấn công mạng.
Theo nhận định của Hindustan Times, Nga nay có thể hướng về Mỹ sau khi tân Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Cả ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ca ngợi lẫn nhau.
http://www.voatiengviet.com/a/ten-lua-tam-xa-cua-tq-nham-vao-my/3693202.html
Tổng thống Donald Trump ra lệnh xây tường biên giới Mexico
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 25/1 đã ký sắc lệnh xây bức tường dọc theo biên giới giữa miền nam nước Mỹ với Mexico. Sắc lệnh này nằm trong các kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn di dân bất hợp pháp, hạn chế người tị nạn vào nước Mỹ, và răn đe các thành phố bảo vệ di dân bất hợp lệ.
Tổng thống Trump nói với đài truyền hình ABC News về cam kết của ông sẽ xây bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico:
“Quý vị phải hiểu rằng điều mà tôi đang làm phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ, và cũng tốt cho Mexico. Chúng tôi muốn thấy một nước Mexico ổn định và vững mạnh.”
Đối với các nhân viên tuần tra biên giới, hành động này là tin đáng phấn khởi. Họ than phiền rằng di dân bất hợp pháp thường xuyên phá rào, và châm lửa đốt hàng rào.
Ông Jim Chilton, một giới chức tuần tra biên giới tại bang Arizona nói rằng bức tường biên giới sẽ chấm dứt tình trạng di dân bất chấp rủi ro có thể nguy hiểm tới tính mạng để liều mình vượt qua vùng sa mạc nóng như thiêu đốt. Ông Chilton nói:
“Nếu họ bảo đảm được an ninh biên giới, di dân sẽ không mất mạng trong khu vực tuần tra của chúng tôi.”
Nhưng những người tranh đấu cho quyền của di dân như Đức Giám mục Randy Mayer, phản đối bức tường thành biên giới:
“Bức tường thể hiện một thái độ thiếu tôn trọng đối với đất nước và nhân dân nước láng giềng của chúng ta. Lẽ ra chúng ta phải khuyến khích việc xây những cây cầu nối giữa hai bên.”
Tại thị trấn Hyattsville của bang Maryland, di dân bất hợp pháp đã gặp những người tình nguyện để học cách ứng phó như thế nào khi đối mặt với nhân viên công lực. Tổng thống Trump cho biết ông dự định sẽ tăng cường các hoạt động để thực thi luật di trú.
Bà Maria Herrera, một di dân không có giấy tờ hợp lệ, nói:
“Ông Trump có quyền lực rất lớn, và điều đó khiến chúng tôi rất lo sợ.”
Nhưng ông Dan Stein, chủ tịch Hiệp hội Cải cách Di trú Mỹ, nói những cách làm này cản trở giới hữu trách trong việc thực thi pháp luật:
“Điều mà các tổ chức này làm trên thực tế, là gây khó khăn hơn cho giới chấp pháp trong việc xác định ai được và ai không có quyền ở lại, với mục đích cản trở công tác thực thi luật di trú.”
Thị trưởng thành phố Rutland Vermont, ông Christopher Louras hy vọng sẽ nhận 100 người tị nạn Syria về thành phố của ông trong năm nay. Ông nói:
“Chúng tôi xem việc tái định cư người tị nạn không những là một cơ hội để mở rộng tấm lòng nhân ái, mà còn có tiềm năng phục vụ lợi ích của cộng đồng, giúp đáp ứng nhu cầu bổ sung dân số cho thị trường nhân dụng của chúng ta.”
Nhưng tin tức nói rằng Tổng thống Trump có thể ngưng nhận người tị nạn từ Syria và các nước mà chính quyền của ông cho là “hang ổ của khủng bố.”
Trong khi đó, nhiều thành phố Mỹ bảo vệ và cho phép di dân bất hợp pháp lưu trú, chẳng hạn như New York, đang chờ xem liệu Tổng thống Trump có thực hiện lời đe doạ sẽ cắt ngân quỹ liên bang dành riêng cho thành phố của họ, trừ phi họ rút lại quy chế là một thành phố bảo vệ di dân không có giấy tờ hợp lệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines:
Liên minh quân sự Mỹ-Phi vẫn nguyên vẹn
Mỹ sẽ nâng cấp và xây dựng các cơ sở tại các căn cứ quân sự ở Philippines trong năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines cho biết hôm thứ Năm. Động thái này nhằm mục đích củng cố liên minh Mỹ-Philippines đang trở nên căng thẳng vì Tổng thống Rodrigo Duterte chống đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước ông.
Ngũ Giác Đài đã bật đèn xanh để xúc tiến công tác này trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Philippines đạt được vào năm 2014. Trước đây, ông Duterte đe dọa sẽ huỷ bỏ hiệp định này với những phát biểu thù nghịch đối với Hoa Kỳ, cường quốc từng cai trị Philippines như một thuộc địa.
Lên tiếng trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana khẳng định: “Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường vẫn được tiến hành”.
Gọi tắt là EDCA, hiệp định này cho phép mở rộng hơn nữa việc triển khai luân phiên tàu hải quân, máy bay và binh sĩ Mỹ trú đóng tại 5 căn cứ ở Philippines, và lưu trữ các thiết bị để hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và kiểm tra an ninh hàng hải.
Ông Lorenzana cho biết Washington cam kết xây các nhà kho, doanh trại và các đường băng tại năm địa điểm đã thỏa thuận, và ông Duterte có biết về các dự án này, ông hứa sẽ tôn trọng các thỏa thuận đã có với Hoa Kỳ.
Tuần này, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain, người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đề xuất kinh phí quân sự mới lên tới 7,5 tỷ đôla cho các lực lượng Mỹ và các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tình hình địa chính trị tại châu Á đã có nhiều biến chuyển bởi thái độ thù nghịch của Tổng thống Philippines đối với Washington, đề nghị của ông Duterte xích lại gần Trung Quốc, và cuộc bầu cử tại Mỹ, đưa ông Trump vào Toà Bạch Ốc. Ông Trump đã ra dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông sẽ cứng rắn hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Philippines khẳng định họ không muốn tham gia bất cứ cuộc đối đầu nào trên tuyến hải lộ chiến lược và mặt khác, cũng không phương hại tới những hứa hẹn của Trung Quốc, mở rộng thương mại và đầu tư và đề nghị cung cấp các thiết bị quân sự cho Philippines, điều mà ông Duterte đã vận động thành công, từ khi ông bất ngờ đảo ngược chính sách đối ngoại.
Ông Lorenzana cho biết Philippines đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp từ 2 đến 3 chiếc tàu cao tốc, 2 máy bay không người lái, súng bắn tỉa và một robot để xử lý bom, trong gói tặng phẩm trị giá 14 triệu đôla từ Trung Quốc.
Gói vũ khí sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động chống nhóm cực đoan Hồi giáo Abu Sayyaf ở miền nam Philippines.
Vẫn theo ông Lorenzana, Nga cũng đề nghị cung cấp các thiết bị như tàu, tàu ngầm, máy bay và trực thăng cho Philippines.
Cũng như với Trung Quốc, đây là kết quả của một cuộc “chiến dịch lấy lòng” của ông Duterte, khi ông ca ngợi Nga và tài lãnh đạo của lãnh đạo Nga. Năm ngoái, ông Duterte nói nếu Nga và Trung Quốc xây dựng một “trật tự mới” trên thế giới, ông sẽ là người đầu tiên tham gia.
Ông Duterte nổi giận khi Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về những vụ giết người không qua xét xử trong chiến dịch chống ma túy mà ông phát động, sau khi lên nhậm chức hồi tháng Sáu.
‘Người dân Bắc Hàn sẽ lật đổ chế độ’
Quan chức ngoại giao cao cấp của Bắc Hàn nói Kim Jong-un sẵn sàng tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân nhưng chế độ Bình Nhưỡng rồi sẽ có ngày sụp đổ.
Vào tháng Tám năm ngoái, Thae Yong-ho đã trở thành một trong những quan chức cấp cao nhất từ trước tới nay đào tẩu từ Bắc Hàn. Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề tại Seoul, ông nói với phóng viên BBC Stephen Evans ông tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chuẩn bị để tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân, nhưng chế độ này rồi sẽ có ngày sụp đổ.
Có những khoảnh khắc người đàn ông đào tẩu nói Anh thành thạo chững lại. Giọng ông run và ông dừng lại. Mắt ông đỏ hoe.
Những khoảnh khắc đầy cảm xúc đến yên lặng đó là khi Thae Yong-ho nghĩ về anh trai của mình hiện còn đang ở Bắc Hàn.
Ông nói với BBC rằng ông chắc chắn rằng gia đình ông đã bị trừng phạt vì vụ đào tẩu của mình. Việc nhận biết điều này khiến ông vừa đau lòng nhưng lại vừa thôi thúc ông chống lại chế độ.
“Tôi chắc chắn rằng người thân của tôi và các anh chị em của tôi đã bị đưa tới các khu vực hẻo lánh và khép kín hoặc đến các trại tù, và điều đó thực sự làm tôi hết sức đau lòng,” ông nói.
Nếu ông có thể tưởng tượng anh trai mình hét lên với ông rằng nỗi đau đớn từ nhà tù ở Bắc Hàn thì ông sẽ nói gì?
“Đó thực sự là một câu hỏi mà thậm chí tôi không muốn nghĩ tới. Đó là lý do tại sao tôi rất quyết tâm làm mọi thứ có thể để kéo đổ chế độ để cứu không chỉ gia đình tôi mà còn cả toàn bộ người dân Bắc Hàn khỏi tình trạng nô lệ.”
Từ Trung Quốc nhìn vào Bắc Hàn thấy gì?
Các thành viên gia đình gần gũi nhất của ông ở London đã thuyết phục Thae Yong-ho đào thoát. Con trai nhỏ của ông học hành tốt tại một trường công ở Tây London.
Cậu để tóc dài và tự hỏi nếu để tóc như vậy mà ở Bắc Hàn thì sẽ bị đối xử thế nào. Cậu hỏi là tại sao người dân Bắc Hàn lại bị cấm truy cập Internet?
Ông Thae nói rằng khi nói chuyện trong gia đình, họ bắt đầu trở nên thẳng thắn về chế độ, bởi vì “chúng ta không thể nói dối người trong gia đình của mình”.
Ông bắt đầu cuộc sống hai mặt, đi nói chuyện với các nhóm cực tả ở Anh về sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong khi tố cáo chế độ Bắc Hàn khi về tới nhà – và luôn phải nói với con trai của mình rằng đừng có hé lộ một lời nào.
Ông ngày càng hỏi những người mà ông đã gặp từ phương Tây về cuộc sống ở Seoul. Các nhà ngoại giao Bắc Hàn bao giờ cũng đi thành từng cặp hai người để người này theo dõi người kia. Vì vậy, ông thường hỏi về phương Tây khi đồng chí đi cùng mình vào nhà vệ sinh khi họ đi ăn cùng nhau tại một nhà hàng cà ri ở phía Tây London mà hai người hay lui tới.
Rồi cách đây tám tháng, ông Thae và gia đình mình biến khỏi đại sứ quán nơi họ sống và rồi xuất hiện tại Seoul. Ông không nói hành trình đó đã được thực hiện thế nào và liệu có cơ quan mật vụ của Anh hoặc Hoa Kỳ hay Nam Hàn tham gia hay không.
Nhưng ông đã nói về việc mình đổi ý. Con trai ông được nhận vào học ở trường Imperial College ở London. Nhưng bây giờ sẽ học tại Hàn Quốc – đời sinh viên của con ông rõ ràng là quá nguy hiểm ở London bởi có rủi ro bị mật vụ Bắc Hàn bắt cóc.
Ở London, ông Thae có vẻ luôn thoải mái. Ông ăn mặc chỉnh tề, ăn nói nhẹ nhàng và tham gia chơi quần vợt tại một câu lạc bộ ở ngoại thành – đó chính là những gì ông đã làm.
“Tôi thực sự nhớ cuộc sống của mình ở London, đặc biệt là ở Ealing. Ngay cả bây giờ tôi rất hối hận vì đã không nói lời tạm biệt với các thành viên câu lạc bộ quần vợt vì họ thực sự tốt và lịch thiệp. Nếu có thể, tôi muốn nói lời tạm biệt chính thức với các hội viên câu lạc bộ quần vợt St Columba.
“Con trai của tôi thậm chí còn gia nhập câu lạc bộ này khi cháu mới 8 tuổi. Chúng tôi có một huấn luyện viên thực sự tuyệt vời và ông ấy đã dạy cho cả gia đình chơi tennis, dạy tôi con tôi và vợ tôi.
“Tôi thực sự nhớ mùa xuân và mùa thu ở Anh và tôi thực sự muốn nói lời tạm biệt và cảm ơn.”
Là một nhà ngoại giao, ông Thae phải phục tùng chế độ tàn ác.
Ông không nhận rằng mình đã bao giờ từng phạm luật. Các nhà ngoại giao Bắc Hàn có tiếng là tham gia vào nhiều hoạt động bất hợp pháp từ tẩu tán tiền giả tới gian lận, nhưng ông Thae cho biết ông không tham gia, bởi vì ở châu Âu, luật pháp quá chặt và không thể làm như thế mà không bị bắt.
Tội duy nhất mà đại sứ quán Bắc Hàn thực hiện, ông nói, là lái xe mà không phải trả phí giao thông nội đô trong London và còn thiếu nợ khoản phí này, 100 ngàn bảng (125.000 USD).
Ông đã đưa anh trai của Kim Jong-un, Kim Jong-chul, tới buổi hòa nhạc của Eric Clapton tại Royal Albert Hall.
Ông Thae cho biết người này chỉ quan tâm đến âm nhạc. Ông muốn cho anh ta đi thăm danh lam khác ở London như Quảng trường Trafalgar nhưng người này chẳng hề quan tâm.
Còn Kim Jong-un thì ông Thae Yong-ho biết rất ít. Ông nói là nhà lãnh đạo Bắc Hàn sống một cuộc sống bí mật. Thậm chí không ai biết ông sống ở đâu.
Nhưng ông ta tàn nhẫn, theo ông Thae, và không nên đánh giá thấp khả năng gây hại mà ông ta có thể làm đối với người khác.
Ông Thae cho rằng nếu sự sống còn của ông Kim bị đe dọa, ông sẽ làm tất cả những gì ông có thể để hủy diệt mọi thứ.
Ông Kim chưa có khả năng tấn công Hoa Kỳ vào lúc này nhưng ông đang phát triển vũ khí và phương tiện hành động.
Bắc Hàn và vũ khí ‘máy bay giật lùi’
Bắc Hàn: Màn trình diễn vĩ đại, độc nhất vô nhị
Nhà ngoại giao Bắc Hàn đào tẩu nói rằng một khi có kho vũ khí hạt nhân có hiệu quả, nhà lãnh đạo Bắc Hàn sẽ sẵn sàng sử dụng.
“Kim Jong-un biết rằng vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất đảm bảo duy trì sự cai trị của mình. Và tôi nghĩ rằng Kim Jong-un sẽ bấm nút khai hỏa vũ khí nguy hiểm này khi ông ta nghĩ rằng mình và triều đại của mình bị đe dọa.”
Thậm chí ông ta sẽ phá hủy một thành phố như Los Angeles, dù việc trả đũa chắc chắn sẽ giết ông?
“Vâng, bởi vì ông ta biết rằng nếu ông mất quyền lực thì đó sẽ là ngày tàn của ông ấy, để ông có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí tấn công Los Angeles, bởi vì một khi người ta biết rằng rồi sẽ bị giết thì người ta có thể làm bất cứ điều gì. Đó là phản ứng bình thường của con người “.
Kim Jong-un sẽ chết một cách yên bình trong giường của mình? “Không, tôi chắc chắn rằng sẽ có ngày chế độ Bắc Hàn của Kim Jong-un sẽ sụp đổ bởi cuộc nổi dậy của người dân.”
Ông Thae tin rằng cuộc nổi dậy sẽ nổ ra khi thông tin về thế giới bên ngoài được phát tán bên trong Bắc Hàn.
Và ông Thae Yong-ho sẽ có ngày thấy anh trai của mình một lần nữa? “Tôi dám chắc là tôi sẽ thấy anh tôi và tôi mơ ước sẽ trở về quê nhà.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38761602
Phát hiện tình trạng nô lệ mới trong ngành đánh cá Indonesia
Thật khó hình dung trong thế kỷ này lại xảy ra chuyện nô lệ mắc kẹt trên các tàu đánh cá bị quất bằng roi cá đuối độc hại, bị ném những tảng nước đá vào người và bị bắn.
Ông Hlaing Min, 30 tuổi, một nô lệ trốn thoát khỏi Benjina, một trạm cân cá tại quần đảo Aru, phía đông Indonesia nói “Người tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu ăn những con cá này nên nhớ đến chúng tôi. Chắc hẳn đã một núi xương dưới biển, nhiều đến nỗi có thể chất thành đảo.”
Vào năm 2015, có hơn 1.300 ngư dân thuộc các nước Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào được cứu khỏi Benjina và Ambon, sau khi một cuộc điều tra của Thông tấn xã AP tiết lộ những điều kiện tàn bạo trên nhiều tàu nước ngoài hoạt động tại vùng biển Indonesia.
Những hình ảnh đặc biệt về những người đàn ông bị nhốt trong chuồng là thực tế kinh hoàng của nạn nô lệ thế kỷ 21.
Một phúc trình về nạn buôn người trong ngành đánh cá Indonesia được tiết lộ ngày 25/1 cho biết “Những người này bị buôn bán từ nước họ, hầu hết bị lường gạt, bị cưỡng bách làm việc trên 20 giờ một ngày trên một con tàu giữa biển, ít có hy vọng trốn thoát.”
Một số người bị giữ trên biển hàng năm trời.
Sau khi được cứu thoát, những ngư dân này được Tổ chức Di dân Quốc tế phỏng vấn.
Các ngư dân thuật lại tình cảnh họ phải làm việc quá giờ, 78% trong số 285 nạn nhân được phỏng vấn cho biết họ làm việc từ 16 đến 24 giờ một ngày trong những điều kiện tồi tàn, thức ăn bằng cháo cá, bị đối xử tàn bạo về thể chất lẫn tâm lý và ngay cả bị sát hại.
Các nhân chứng cho biết là yêu cầu được rời khỏi tàu có thể là một bản án tử hình đối với một số nạn nhân.
Những người này có thể bị xiềng trên boong tàu giữa ban ngày hay bị nhốt trong những hầm lạnh.
Phúc trình cho thấy những trường hợp tại Benjina và Ambon nêu bật tình trạng thiếu kiểm soát thích ứng trong ngành đánh cá và thiếu theo dõi điều kiện làm việc trên các tàu đánh cá cũng như các nhà máy chế biến.
Hải sản đánh bắt được do áp dụng hình thức nô lệ mới được đưa tới chuỗi cung cấp toàn cầu mà mấy ai biết được bao nhiêu mạng người đã phải đánh đổi cho sản lượng đó, phúc trình nêu rõ.
Vào năm 2015, chính phủ Australia cấp 2,17 triệu đô la cho IOM để hỗ trợ cho việc chăm sóc hàng ngày, hồi hương và giúp tái hội nhập những cựu ngư dân bị nô lệ hóa thuộc các nước Myanmar, Campuchia, và Lào, là những người bị kẹt trên những đảo thuộc tỉnh Maluku của Indonesia.
Phúc trình của IOM cũng kêu gọi tăng cường công tác kiểm soát, giám sát hoạt động của tàu bè trên hải phận Indonesia, tăng cường huấn luyện về phòng chống buôn người, tiến hành kiểm tra độc lập các hải cảng, tàu bè trên biển, và các trung tâm tại các cảng mà ngư dân có thể tìm tới để được bảo vệ.
Nhật lạnh nhạt trong việc mời Trung Quốc gia nhập TPP
Nhật Bản lạnh nhạt với ý kiến mời Trung Quốc gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa rút chân, vì ngại rằng làm như thế sẽ tăng tiến ảnh hưởng của Bắc Kinh và giảm mất ‘tiêu chuẩn vàng’ cho các luật lệ thương mại.
Các giới chức chính phủ cũng không nhiệt tâm bắt đầu những cuộc thảo luận thương mại hai chiều với Washington, dù có ý kiến cho rằng không thể loại trừ khả năng các cuộc thương lượng như thế và dù ông Trump đã tuyên bố ủng hộ chiều hướng thỏa thuận song phương trong khuôn khổ các kế hoạch kinh tế “Nước Mỹ trên hết”.
Hiện nay, điều này khiến cho Thủ tướng Shinzo Abe không còn cách nào khác là tái cam kết sẽ thuyết phục ông Trump rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là lợi ích của cả Hoa Kỳ lẫn kinh tế toàn cầu. Tân Tổng thống Mỹ đã ký một lệnh hành pháp hôm thứ hai rút Mỹ ra khỏi TPP.
Được hỏi về một thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Nhật Bản, ông Abe nói ông sẽ không dự đoán chính sách thương mại của ông Trump cho đến khi nào nội các của ông Trump được chuẩn nhận và những chính sách của Mỹ trở nên rõ ràng hơn.
Ngày 25 tháng 1, Australia và New Zealand cho biết họ hy vọng cứu TPP bằng cách khuyến khích Trung Quốc và những nước châu Á khác gia nhập. Chilê đã mời bộ trưởng các nước khác trong TPP cùng Trung Quốc, Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3 năm nay để thảo luận làm thế nào tiến hành Hiệp định này. TPP không thể có hiệu lực nếu không có tham dự của Hoa Kỳ trừ phi thay đổi các qui luật, do đó thỏa thuận này hiện nay bị đóng băng.
Nhật Bản hy vọng TPP sẽ giúp đồng minh an ninh Washington trụ lại châu Á và lập ra một thể chế dựa trên luật lệ mà cuối cùng có thể thu hút sự tham gia của Trung Quốc. Ông Abe cũng cố gắng chào mời hiệp định 12 quốc gia này là một cơ chế thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế trong nước.
Tuy nhiên mời Trung Quốc vào bàn thương thuyết về TPP hiện nay có nguy cơ tăng tiến sức mạnh của Bắc Kinh và làm suy yếu những qui luật thương mại của đối tác về những vấn đề từ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và những nguyên tắc quản lý tiền tệ cho đến hỗ trợ cho các xí nghiệp quốc doanh.
Trung Quốc hiện chưa cho biết rõ có muốn gia nhập TPP hay không. Tuy nhiên Trung Quốc hiện đang thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Vùng (RCEP) bao gồm 16 nước có những mục đích ít tham vọng hơn về những qui luật thương mại. Cho đến nay RCEP tiến triển chậm.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-lanh-nhat-trong-viec-moi-tq-gia-nhap-tpp/3692739.html
Trung Quốc chưa tiết lộ có muốn gia nhập TPP hay không
Trung Quốc vẫn kín tiếng về việc có muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay không sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã ra chỉ dấu cho thấy khả năng Trung Quốc tham gia hiệp định thương mại này nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chưa lên tiếng về việc này.
Đặc biệt Trung Quốc chú trọng đến việc thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế Vùng Toàn diện bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, và các nước Đông Nam Á.
Trung Quốc cũng nhiệt tình thúc đẩy một khu vực tự do thương mại châu Á Thái Bình Dương.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thoạt đầu tạo TPP như một phương cách để đề ra các qui luật về thương mại, bỏ Trung Quốc ra ngoài.
Lên tiếng với hãng tin Sky News, phát ngôn viên thương mại Jason Clare của đảng Lao động Australia nói trên lý thuyết Trung Quốc có thể gia nhập TPP, nhưng điều đó khó xảy ra vì các điều khoản về chống tham nhũng, tiêu chuẩn môi trường và lao động khiến cho Trung Quốc trước mắt khó gia nhập.
Trong khi đó, một bộ trưởng cao cấp liên bang của Australia chỉ trích việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP.
Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Christopher Pyne nói TPP vẫn còn là “một giải pháp sống” đối với Australia và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sai lầm khi rút khỏi hiệp định này.
TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-chua-tiet-lo-co-muon-gia-nhap-tpp-hay-khong/3692731.html
Philippines yêu cầu Mỹ xoá tên
thủ lãnh Cộng sản lưu vong khỏi danh sách khủng bố
Philippines muốn Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gạch tên thủ lãnh Cộng sản Philippines lưu vong ra khỏi danh sách khủng bố của Mỹ để ông này có thể về nước dự hoà đàm, các nhà thương thuyết của chính phủ Philippines cho biết hôm thứ Tư.
Phiến quân theo chủ nghĩa Cộng sản Mao Trạch Đông đã phát động cuộc nổi dậy chống chính phủ Philippines trong suốt gần 5 thập niên, ít nhất 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
Nhưng các cuộc đàm phán về một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh đã tái tục dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, từ khi lên cầm quyền hồi năm ngoái, ông đã kêu gọi hãy xúc tiến các nỗ lực hòa bình vì lợi ích phát triển kinh tế.
Ông Jose Maria Sison, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Philippines, đã sống ở Hà Lan trong ba thập niên qua. Ông đã bị đưa vào danh sách khủng bố của Hoa Kỳ hồi năm 2002, khiến ông không thể du hành.
Trưởng đoàn thương thuyết của chính phủ Philippines Silvestre Bello cho biết sẽ yêu cầu ông Trump xoá tên ông Sison ra khỏi danh sách khủng bố.
Trong một thông cáo, ông Bello và đội thương thuyết của ông cho biết: “Chính phủ Philippines sẽ đề nghị Tổng thống Trump gạch tên người sáng lập Đảng Cộng sản, là ông Sison, ra khỏi danh sách các phần tử khủng bố quốc tế để dọn đường cho ông được hồi hương mà không bị bắt”.
Ông Duterte và ông Sison đã đồng ý gặp nhau ở bất kỳ quốc gia châu Á trung lập nào, một khi ông Sison đã được xóa tên khỏi danh sách. Nhưng ông Bello cho biết các cuộc đàm phán có thể được tổ chức tại Philippines.
Quân đội Nhân dân Mới của cộng sản Philippines là một lực lượng vũ trang gồm 3.000 quân, chủ yếu hoạt động ở khu vực phía đông và phía nam Philippines.
Trung Quốc muốn quản lý tranh chấp với Hoa Kỳ
Trung Quốc muốn đối thoại với tân chính quyền Hoa Kỳ để quản lý tranh chấp và thúc đẩy mối quan hệ song phương, nhưng chỉ trên cơ sở tôn trọng các ‘lợi ích cốt lõi’ của nhau, chẳng hạn như nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm Bắc Kinh nổi giận trước khi lên nhậm chức vì những phát biểu đặt nghi vấn về nguyên tắc “một Trung Quốc”, được hiểu theo nghĩa là Washington thừa nhận lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền đối với đảo quốc tự trị Đài Loan.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không từ giải pháp dùng vũ lực nếu cần thiết, để áp đặt quyền kiểm soát đối với Đài Loan. Tuy nhiên, người dân Đài Loan tỏ ra hoàn toàn lạnh nhạt với giải pháp phải nằm dưới quyền cai trị của Bắc Kinh.
Phát biểu tại một bữa tiệc đón Tết Âm lịch sắp tới, Ngoại trưởng Vương Nghị nói hướng đi tương lai của các quan hệ Trung-Mỹ đã “thu hút sự chú ý”.
Ông Vương phát biểu:
“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với tân chính phủ Hoa Kỳ, trên cơ sở tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ và tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau”.
Lời phát biểu của ông Vương đã được tải lên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày thứ Ba.
Ông cho biết thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tập trung vào việc hợp tác, quản lý và kiềm chế các vụ tranh chấp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ Trung-Mỹ nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho cả hai dân tộc”.
Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, dẫn lời đại sứ Trung Quốc ở Washington Thôi Miên Khải, nói trong khi chính quyền Trump vẫn chưa định hình chính sách về Trung Quốc, thì không thể đảo ngược xu hướng chung của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì đó là “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho cả hai nước.
Ông Thôi nói trong bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào, cả hai nước đều chịu hậu quả.
Ông Thôi nói:
“Hiện nay, nền kinh tế thế giới cần một động lực để phát triển mạnh hơn và tăng trưởng nhanh hơn, đó là trách nhiệm không thể tránh được của Trung Quốc và Hoa Kỳ, và là điều cần phải làm thay vì đi theo con đường dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại.”
Với quyết định của ông Trump huỷ bỏ Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Thôi nói Trung Quốc không thể đảm nhận vai trò của Hoa Kỳ trong cương vị là nước lãnh đạo toàn cầu, là nước đề ra các quy tắc quy định các hoạt động mậu dịch.
Ông nói: “Tôi tin rằng đây là một ý niệm sai lầm, bởi vì các quy tắc thương mại quốc tế không thể chỉ do Hoa Kỳ hay Trung Quốc đưa ra, mà thay vào đó, chúng nên được xây dựng và thực hiện bởi tất cả các quốc gia trên thế giới”.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-muon-quan-ly-tranh-chap-voi-my/3692135.html
Trung Quốc có thể
phát triển tên lửa không đối không tầm xa mới
Trung Quốc có thể thử nghiệm tên lửa không đối không tầm xa mới, có khả năng tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không, theo một tờ báo nhà nước Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm, sau khi hình ảnh của tên lửa mới xuất hiện trên mạng.
Theo nguồn tin này, Chủ tịch Tập Cận Bình đang giám sát một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, gồm máy bay tàng hình và hàng không mẫu hạm. Trước đó, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh.
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc nói Lực lượng Giải phóng Nhân dân gần đây đã đăng hình ảnh trực tuyến về chiến đấu cơ J-11B mang theo một tên lửa lớn không được xác định là loại nào trong cuộc tập trận hồi năm ngoái.
Nhà nghiên cứu không quân Fu Qianshao nói với tờ báo rằng ông tin là tên lửa này đã được thiết kế để nhắm bắn các mục tiêu giá trị cao ở khoảng cách xa, chẳng hạn như máy bay cảnh báo sớm, vốn thường nằm ngoài các khu vực tác chiến.
Điều đó cho thấy khả năng tên lửa đã cải thiện mà Trung Quốc đang nắm trong tay.
Lực lượng không quân Trung Quốc vẫn chưa chính thức lên tiếng về tên lửa mới này.
Thông thường, truyền thông nhà nước Trung Quốc có những tường thuật định kỳ về các vũ khí mới trước khi sự tồn tại của chúng được xác nhận chính thức.
Công tác hiện đại hóa quân đội được đẩy mạnh giữa lúc Trung Quốc đang gây lo ngại trong khu vực vì những hành động ngày càng hung hăng hơn nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, và khẳng định lập trường đối với Đài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, tàu Liêu Ninh, vừa di chuyển quanh Đài Loan trong một hoạt động mà Trung Quốc gọi là diễn tập thường kỳ, khiến Đài Loan phải tức tốc phản ứng bằng cách điều động chiến đấu cơ và tàu hải quân.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-co-the-phat-trien-ten-lua-khong-doi-khong-tam-xa-moi/3694090.html
Lời đe dọa ‘euro tan rã’ và cuộc gặp May-Trump
Ứng viên làm Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp châu Âu (EU) nói đồng euro có thể ‘tan rã’ trong vòng 18 tháng tới.
Giáo sư Ted Malloch, người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại EU nói nếu là người làm ăn, ông sẽ chọn khả năng đồng tiền chung châu Âu “sụt giá”.
Ông cũng nói Anh Quốc có thể thỏa thuận về tự do mậu dịch với Hoa Kỳ chỉ trong vòng 90 ngày.
Thủ tướng Anh, bà Theresa May sẽ thăm Washington DC và hội đàm với tân Tổng thống Trump vào thứ Sáu tuần này để bàn về quan hệ thương mại hai nước sau khi Anh rời EU.
Ông Malloch nói với BBC rằng quan điểm của ông là Anh cần “cắt đứt” với EU càng nhanh càng tốt và Hoa Kỳ mong muốn như thế.
Ông nói một khi đã ra khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu, Anh Quốc có thể bỏ qua luôn bộ máy quan liêu Brussels và ký các thương ước riêng.
Ông Malloch cũng phê phán chuyện EU tìm cách ngăn cản Anh Quốc bắt đầu ngay việc đàm phán với Hoa Kỳ về thương mại, coi đó là điều “phi lý”.
Ông ví chuyện này như là một ông chồng tìm cách “ngăn vợ ngoại tình”.
Anh và Mỹ ‘sẽ lãnh đạo thế giới’
Trước cuộc gặp với lãnh đạo Hoa Kỳ, bà Theresa May nói rằng Mỹ và Anh sẽ lại cùng lãnh đạo thế giới, theo BBC News.
Bà May đến Philadelphia để dự một hội nghị với các lãnh đạo Đảng Cộng hòa gồm cả ông Donald Trump.
Tại đó, Thủ tướng Anh của Đảng Bảo thủ sẽ có bài phát biểu về kế hoạch cho quan hệ Anh – Mỹ tới đây.
Gần đây nhất, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, bà May đã nêu ra các định hướng cho Anh về quan hệ với EU và Nato.
Tại Philadelphia, dự kiến bà May sẽ nói rằng sau khi ra khỏi EU (Brexit), Anh Quốc “độc lập, có chủ quyền và cái nhìn toàn cầu muốn nâng cao quan hệ với các bạn cũ” như Hoa Kỳ.
Sang ngày thứ Sáu, bà sẽ là lãnh đạo quốc tế đầu tiên hội đàm riêng với ông Trump trong Tòa Bạch Ốc.
Bà mang tặng ông Trump một chiếc bát hai quai dùng để uống rượu (quaich) của Scotland, xứ sở quê mẹ của Tổng thống Mỹ.
BBC đưa tin các cơ hội thương mại sau Brexit chủ đề an ninh, tình báo và tương lai của Nato sẽ nắm trọn nghị trình cuộc hội đàm May – Trump.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38757908
Tàu chiến Anh theo sát hàng không mẫu hạm Nga
Một tàu chiến và ba phi cơ Typhoon thuộc Không lực Hoàng gia Anh sẽ ‘theo dõi chặt chẽ’ chiếc hàng không mẫu hạm và các tàu khác của Nga đi qua nước Anh.
Hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov và các tàu khác của Nga trên đường từ Syria trở về Nga đang đi qua Eo biển Anh (English Channel).
Tàu khu trục HMS St Albbans đã tới vị trí đội tàu Nga khi các tàu này đi tới gần vùng lãnh hải của Anh.
Bộ Quốc phòng Anh nói các tàu Nga sẽ bị ‘hộ tống trong suốt hành trình’.
Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tàu Đô đốc Kuznetsov khi tàu này trở về Nga; một con tàu đáng hổ thẹn bởi nó có nhiệm vụ duy nhất là kéo dài những nỗi thống khổ của nhân dân Syria.”
Tàu Đô đốc Kuznetsov, hàng không mẫu hạm duy nhất của hải quân Nga, được hộ tống bởi một tàu tuần dương lớp Kirov mang động cơ nguyên tử, tàu Pyotr Velikiy, và một tàu lai dắt cứu hộ.
Đội tàu Kuznetsov đã đi qua Eo biển Anh hồi mùa thu năm ngoái, khi trên đường tới Địa Trung Hải.
Tàu này tới nhập cùng chừng 10 tàu khác ở ngoài khơi Syria trong thời gian Nga ném bom vào cái mà Moscow gọi là các phiến quân chống chính phủ tại Syria.
Bộ Quốc phòng Anh nói vào lúc 12:30 giờ Anh hôm thứ Tư, các tàu của Nga trên đường trở về đã tới gần khu vực ngoài khơi Dover thuộc Eo biển Anh.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38750716
Pháp điều tra vụ
việc làm giả mạo của phu nhân cựu thủ tướng Fillon
Ngành tư pháp nước Pháp ngày 25/01/2017 đã cho mở điều tra về thực hư công việc của bà Penelope Fillon, phu nhân của cựu thủ tướng François Fillon, sau khi một tờ báo Pháp tiết lộ là bà đã được trả lương 500.000 euros để làm tùy viên Quốc hội cho chính ông Fillon khi là dân biểu, và cho người thế ông khi ông Fillon lên làm thủ tướng.
Vụ việc này nổi cộm vì lẽ ông Fillon là ứng viên tổng thống cánh hữu, được cho là nhiều triển vọng trở thành tổng thống Pháp nhân cuộc bầu cử năm nay.
Theo tờ báo trào phúng Con vịt bị xiềng – Le Canard Enchainé – bà Fillon được trả lương để làm tùy viên Quốc Hội cho chồng và cho người thay thế ông từ năm 1998 đến năm 2007, và mới đây là năm 2012. Vấn đề là bản thân bà Penelope Fillon luôn chỉ giới thiệu mình là nội trợ, trong lúc không ai biết – kể cả những người cộng sự của ông Fillon – là bà có làm trợ lý thực sự hay không cho ông Fillon.
Viện công tố phụ trách các vụ án tài chính đã mở điều tra sau những tiết lộ nói trên để làm rõ vụ việc.
Trong một thông cáo tối hôm qua, ông Fillon đánh giá là « một cuộc điều tra sẽ cho phép dẹp tan một chiến dịch vu khống ». Ông đồng thời yêu cầu được gặp công tố viên phụ trách điều tra càng sớm càng tốt để giải trình. Cuộc điều tra được giao cho Cơ quan chống vi phạm tài chính và thuế, với tội danh tình nghi biển thủ công quỹ, lạm dụng tài sản công và tàng trữ đồ gian.
Bà Penelope Fillon đã được trả lương từ 1998 đến 2002, khi ông Fillon là dân biểu của vùng Sarthe, và bà đã làm cộng sự cho người thay thế chồng khi ông Fillon tham gia chính phủ (2002 – 2007) và tiếp sau đó vào năm 2012.
Theo một nghị sĩ, chuyện xẩy ra là một đòn hèn nhắm vào ông Fillon, vào lúc ông thật sự khởi động cuộc tranh cử tổng thống và dự kiến tổ chức vào Chủ Nhật này một cuộc mit tinh lớn ở Paris.
http://vi.rfi.fr/phap/20170126-phap-mo-dieu-tra-ve-viec-lam-gia-cua-phu-nhan-cuu-thu-tuong-fillon
Trung Quốc công bố danh sách mới
các sản phẩm cấm xuất sang Bắc Triều Tiên
Hôm qua, 25/01/2017, Trung Quốc công bố một danh sách mới liệt kê các sản phẩm cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên sau khi Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng và tân chính quyền Mỹ phàn nàn là Bắc Kinh không gây sức ép mạnh mẽ để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Theo AFP, bộ Thương Mại Trung Quốc đã công bố danh sách cấm các sản phẩm « lưỡng dụng » có thể giúp Bắc Triều Tiên phát triển các loại vũ khí nguyên tử, hóa học, sinh học, cũng như chế tạo các loại tên lửa có thể chuyên chở các loại vũ khí hủy diệt này.
Danh sách bao gồm nhiều loại hóa chất, hợp kim hiếm, phần mềm máy tính, máy công cụ, động cơ máy bay … Bộ Thương Mại Trung Quốc nhấn mạnh là lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, không có bằng chứng cho thấy là danh sách này khác với danh sách các sản phẩm bị cấm vận ghi trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc được thông qua hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi Bắc Triều Tiên thực hiện một loạt vụ bắn thử tên lửa hồi tháng 9/2016.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, việc Trung Quốc công bố danh sách các sản phẩm cấm xuất khẩu vào lúc này là nhằm nhắc nhở Bắc Triều Tiên không được tiến hành các vụ thử hạt nhân hoặc bắn thử tên lửa trong dịp lễ Tết nguyên đán vì Bình Nhưỡng đã có những hành động tương tự vào dịp Tết năm ngoái.
Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn tỏ ra là gây áp lực với Bắc Triều Tiên vì trong những ngày qua, tân chính quyền Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh không gây đủ áp lực với Bình Nhưỡng. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện vừa qua, ông Rex Tillerson, người được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ, đã tố cáo Trung Quốc không thực hiện lời hứa và nhấn mạnh là nếu Trung Quốc không tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên thì Hoa Kỳ sẽ xem xét các hành động để buộc Bắc Kinh phải tôn trọng các nghị quyết này.
Đức bãi bỏ điều luật trừng trị
việc phỉ báng lãnh đạo nước ngoài
Theo tin Reuters, chính phủ Đức vào hôm qua, 25/01/2017, đã quyết định bãi bỏ tội danh « khi quân », dùng để trừng phạt các hành động phỉ báng lãnh đạo nước ngoài. Tội danh này từng bị đánh giá là lạc hậu, trước khi được tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sử dụng vào năm ngoái để kiện một nhà trào phúng Đức.
Bộ trưởng Tư Pháp Đức Heiko Maas giải thích là khái niệm khi quân hay phạm thượng hoàn toàn thuộc về quá khứ, không còn phù hợp với luật hình sự của Đức. Hành vi phỉ báng một lãnh đạo nước ngoài vẫn bị trừng trị nhưng không khác gì so với việc phỉ báng bất kỳ ai khác.
Quyết đinh thông qua ở cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng còn phải được Quốc Hội phê chuẩn
Hiện nay, điều khoản 103 bộ luật Strafgesetzbuch của Đức dự trù phạt đến 3 năm tù tội phỉ báng một thành viên chính phủ nước ngoài. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa trên điều luật này để đòi truy tố nhà trào phúng Đức Jan Bohmermann.
Nhân vật này là tác giả một bài thơ châm biếm đọc vào tháng 3 năm ngoái trên đài truyền hình nhà nước ZDF, chứa đựng đầy những ám chỉ tình dục nhắm vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Đức Merkel đã bị chỉ trích rất mạnh vì đã cho phép tiến hành thủ tục truy tố. Sau đó thì thủ tục tố tung hình sự đã bị bãi bỏ, nhà châm biếm được trắng án, nhưng vụ kiện vẫn tiếp tục trên bình diện dân sự.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170126-duc-bai-bo-dieu-luat-trung-tri-viec-phi-bang-lanh-dao-nuoc-ngoai
Seoul tìm cách đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh
Lo ngại bị Bắc Kinh trả đũa về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc, Seoul ngày 26/01/217 cho biết mong muốn cải thiện đối thoại và nâng cao mức độ hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
Tuyên bố trên được bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc đưa ra sau khi Trung Quốc từ chối cho phép các hãng hàng không dân dụng Hàn Quốc tăng chuyến bay vào dịp áp Tết Âm lịch và sau quyết định hạn chế hàng mỹ phẩm nhập từ Hàn Quốc vào thị trường Trung Quốc.
Nhìn từ Seoul, Hàn Quốc cần đề phòng khả năng các tập đoàn quốc gia bị Bắc Kinh trừng phạt vì dự án thiết lập hệ thống phòng thủ của Mỹ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tới nay Trung Quốc vẫn xem hệ thống lá chắn THAAD là một mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Bắc Kinh lo ngại các hoạt động phòng không và không gian Trung Quốc sẽ bị theo dõi.
Tháng 10/2016, báo chí Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ-Hàn sẽ phải « trả giá » cho việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD, cho dù Washington và Seoul cùng khẳng định việc lắp đặt hệ thống phòng thủ nói trên chỉ nhằm ngăn ngừa mọi đe dọa từ phía Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc.