Tin khắp nơi – 25/01/2017
Chia rẽ đảng phái trong tiến trình
chuẩn thuận nhân sự vào Nội các Trump
ĐIỆN CAPITOL —
Hôm thứ Ba, Thượng viện Mỹ chỉ chuẩn thuận được một người trong số những nhân vật được Tổng thống Trump đề cử vào các chức vụ chủ chốt trong chính phủ của ông: Thống đốc Nikki Haley được chuẩn thuận vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Từ điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, thông tín viên Michael Bowman của VOA tường thuật rằng các đảng viên Đảng Cộng hoà tố cáo các chính khách Đảng Dân chủ là sử dụng các chiến thuật nguy hiểm để trì hoãn tiến trình chuẩn thuận nhân sự, trong khi phe Dân chủ nhất mực khẳng định họ chỉ làm nhiệm vụ của mình theo hiến pháp.
Cho tới bây giờ, các nhân vật đã được chuẩn nhận vào Nội các chính phủ Tổng thống Trump gồm có Bộ trưởng Quốc phòng John Mattis, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly, và Giám đốc CIA Mike Pompeo. Hiện chưa biết số phận của hơn một chục nhân vật chủ yếu được ông Trump đề cử vì họ đang được cứu xét tại Thượng viện.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer bày tỏ sự bực dọc của ông:
“Chúng ta đang ngồi đây và đòi Tổng thống phải xúc tiến nghị trình của ông tại một thời điểm khi mà các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang cố trì hoãn việc chuẩn thuận một số đông nhân vật đã được đề cử vào nội các của Tổng thống Trump. Xin quý vị hãy hoàn tất nhiệm vụ đó. Nền kinh tế và sự an toàn của đất nước chúng ta tuỳ thuộc vào đó.”
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ thuộc nhóm thiểu số trong Thượng viện tự họ không thể ngăn chặn các quyết định bổ nhiệm nhân sự, tuy nhiên họ có thể trì hoãn việc biểu quyết trong nhiều ngày, là điều đã xảy ra cho ông Rex Tillerson, người được ông Trump chọn vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, gây bực dọc cho các nghị sĩ Đảng Cộng hoà.
Thượng nghị sĩ Bob Corker phát biểu:
“Vào một thời điểm trong lịch sử đất nước khi mà biết bao nhiêu biến cố đang xảy ra trên khắp thế giới, cản trở một người đang chờ được chuẩn thuận, làm trì chậm tiến trình chuẩn thuận của người đó, thật tình tôi phải nói là một hành động trả đũa tiểu mọn.”
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Đảng Dân chủ tức thời phản bác:
“Chúng tôi tự hào về công việc mình đang làm.”
Ông cùng các nghị sĩ Đảng Dân chủ khác bênh vực hành động của mình là đúng đắn:
“Thử hỏi có phải chúng ta, cả các nghị sĩ Cộng hoà lẫn Dân chủ, đều có nghĩa vụ bảo đảm là mình phải xem xét kỹ lưỡng những người được đề cử? Họ sẽ nắm quyền lực rất lớn trên cuộc sống của mỗi người dân Mỹ. Bỏ một chút ít thời giờ để tìm hiểu xem họ thực sự nghĩ gì, và sẽ làm gì trong các tình huống nào, xứng đáng với thì giờ chúng ta bỏ ra bây giờ.”
Các đảng viên Đảng Cộng hoà lưu ý rằng hồi năm 2009, họ đã giúp một tay để đẩy nhanh nhiều nhân vật được Tổng thống lúc bấy giờ là ông Obama đề cử trong suốt tiến trình chuẩn thuận.
Thượng nghị sĩ John Cornyn của Đảng Cộng hoà phát biểu:
“Tại thời điểm này trong chính phủ của Tổng Thống Obama, 5 ngày sau khi ông nhậm chức, có tới 14 Bộ trưởng Nội các được chuẩn thuận. Cho tới giờ này, chỉ có 3 người được chuẩn thuận vào chính phủ của Tổng thống Trump. Các bạn Đảng Dân chủ của chúng ta cần phải bỏ lại sau lưng chuyện quá khứ, cuộc bầu cử đã qua rồi, và giờ chúng ta có nhiệm vụ cai trị đất nước.”
Nhưng những nhân vật được ông Trump đề cử là những nhân vật đặc biệt, cần phải được xem xét đặc biệt, theo các chính khách Đảng Dân chủ.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer:
“Chúng tôi gọi đây là ‘Nội các đầm lầy’, toàn những tỷ phú và chủ ngân hàng. Chưa từng có một nội các chính phủ nào mà quy tụ nhiều người giàu có đến như vậy. Chưa từng có một nội các nào gồm nhiều người có thể có những xung đột lợi ích tiềm tàng như vậy.”
Với thế đa số của họ tại Thượng viện, Đảng Cộng hoà có thể chuẩn thuận tất cả những nhân vật được Tổng thống Trump đề cử, dù là có sự hợp tác của Đảng Dân chủ hay không. Vấn đề ở đây là, họ có thể hoàn tất công việc này nhanh chóng tới đâu?
Phe Dân chủ chỉ trích ông Trump
về những tuyên bố về bầu cử vô căn cứ
WASHINGTON —
Chưa đầy một tuần sau lễ nhậm chức Tổng thống, các nghị sĩ Ðảng Dân chủ cảnh báo tân Tổng thống Donald Trump rằng ông nên tập trung vào việc thực hiện những hứa hẹn mà ông đã đưa ra khi tranh cử và thôi cố chứng minh cho những chuyện không đúng sự thật. Cảnh báo này được đưa ra ngay sau khi ông Trump tuyên bố rằng lễ đăng quang của ông có số người tham dự đông nhất từ trước tới nay, và rằng lẽ ra ông đã thắng cả số phiếu phổ thông lẫn phiếu cử tri đoàn trong cuộc tổng tuyển cử.
Ông Trump giành được 306 phiếu đại cử tri, so với bà Hillary Clinton chỉ giành được 232 phiếu, bảo đảm thắng lợi bầu cử không thể tranh cãi. Nhưng kết quả kiểm phiếu sau cùng cho thấy số phiếu phổ thông mà bà Clinton giành được vượt số phiếu của ông Trump tới 3 triệu phiếu. Sau lễ nhậm chức, ông Trump nói kết quả đó phản ảnh các vụ gian lận bầu cử. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã xác nhận cáo buộc đó của ông Trump hôm thứ Ba 24/1:
“Trong phát biểu của tổng thống, ông nói từ 3 đến 5 triệu người có thể đã đi bầu bất hợp lệ, căn cứ trên những nghiên cứu mà ông được xem. Nhưng tổng thống nói rất rõ rằng ông thắng cử căn cứ vào 306 phiếu đại cử tri mà ông đã giành được.”
Chính quyền của ông Trump cũng quả quyết rằng lễ nhậm chức tổng thống của ông có số người tham dự cao nhất từ trước tới nay, trái ngược với tường trình và hình ảnh do truyền thông báo chí loan tải. Theo ước tính từ nhiều nguồn, số người tham gia cuộc tuần hành phản đối của phụ nữ một ngày sau lễ nhậm chức, cao hơn xa so với số người đến xem lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Trump.
Những người theo Cộng hòa của ông Trump tìm cách lánh xa vụ tranh cãi này. Nhưng khi bị các phóng viên báo chí hỏi dồn, Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan nói:
“Tôi đã phát biểu về vấn đề này rồi. Tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy là có gian lận bầu cử, và tôi đã làm rõ, rất rõ vấn đề này.”
Ông Ryan sau đó nhanh chóng đổi sang đề tài khác. Nhưng các nghị sĩ Dân chủ đã gởi đi một thông điệp đến tân tổng thống nhấn mạnh rằng ông sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về những gì ông đã nói.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số Dân chủ ở Thượng viện, nói:
“Ông không thể lãnh đạo một chính phủ, ông không thể giúp dân chúng, ông không thể bảo vệ an toàn cho đất nước nếu ông không chấp nhận sự thật, những dữ kiện thực tế. Đơn giản và rõ ràng như vậy. Nếu ông không bắt đầu làm như vậy, thì đất nước này sẽ gặp rắc rối to.Và đó sẽ không phải là rắc rối của Ðảng Dân chủ, hay Ðảng Cộng hòa, rắc rối của lập trường cấp tiến hay bảo thủ — mà là rắc rối vì người ta đã lẫn tránh sự thật.”
Trong phát biểu hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của bang New York cũng khiển trách các đảng viên Cộng hòa đã không phản ứng đủ mạnh trước những tuyên bố không có cơ sở của Tổng thống Trump.
“Khi những điều không đúng sự thật được nói ra, các đồng sự của chúng ta bên Đảng Cộng hòa có nghĩa vụ phải bác bỏ những điều đó, chứ không phải tìm cách nói vòng vo, lẩn tránh vấn đề.”
Ông Schumer còn nói rằng, trong cương vị tổng thống, ông Trump không nên nói về bầu cử hay số người đến xem lễ đăng quang của ông, mà nên chú tâm vào những việc như ông sẽ kiến tạo bao nhiêu việc làm mới.
Một trong những hứa hẹn khi ra tranh cử của ông Trump là khôi phục ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ, và đàm phán lại các hiệp định thương mại mà ông tin là phương hại tới người lao động Mỹ.
Nhật phóng vệ tinh viễn thông quân sự đầu tiên
Nhật Bản ngày 24/1 phóng vệ tinh viễn thông quân sự đầu tiên của mình để tăng cường dung năng băng thông rộng của Lực lượng Tự vệ quốc gia trong khi củng cố một chuỗi đảo men theo rìa phía nam của Biển Hoa Đông.
Dưới chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, quân đội Nhật Bản vươn ra hoạt động xa hơn các đảo nhà trong khi Tokyo đóng vai trò lớn hơn nhằm đối phó với hoạt động quân sự đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Vệ tinh vừa phóng là một trong ba vệ tinh được gọi là băng X được hoạch định tăng gấp bốn lần dung năng băng thông rộng, hợp nhất một mạng lưới viễn thông rời rạc, quá tải và mở rộng thông tin liên lạc ra thêm nhiều khu vực.
Nhật Bản và Trung Quốc đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông về một nhóm đảo không người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hai nước cũng có mâu thuẫn về việc khai thác những mỏ khí đốt nằm chồng chéo giữa những vùng đặc quyền kinh tế mà cả hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Nhật Bản, đồng minh chính của Mỹ ở Châu Á, lo ngại rằng sự gia tăng hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc trong khu vực này là dấu hiệu cho thấy họ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng quân sự từ Biển Đông kế cận như một thách thức đối với sự thống trị hàng hải của Mỹ.
Vụ phóng vệ tinh hôm 24/1 đánh dấu sự tái tục thành công một chương trình đã bị đình chỉ hồi năm ngoái vì gặp sự cố.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-phong-ve-tinh-vien-thong-quan-su-dau-tien/3691125.html
Trung Quốc khuyến cáo Mông Cổ
về chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Trung Quốc ngày 24/11 nói họ hy vọng Mông Cổ đã học được một bài học và sẽ giữ lời hứa không mời nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma trở lại sau chuyến thăm của ông vào tháng 11 khiến mối quan hệ giữa hai nước nguội lạnh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma được tôn kính như nhà lãnh đạo tinh thần ở nước Mông Cổ đại đa số theo Phật giáo, nhưng Trung Quốc coi ông là một kẻ ly khai nguy hiểm và cảnh báo Mông Cổ trước chuyến thăm rằng việc này có thể gây tổn hại cho mối quan hệ.
“Chuyến thăm lén lút của Đạt Lai Lạt Ma đến Mông Cổ mang tới ảnh hưởng tiêu cực cho mối quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ,” Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ Tsend Munkh-Orgil qua điện thoại.
“Chúng tôi hy vọng Mông Cổ ghi tâm khắc cốt bài học này,” ông nói, theo một thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trung Quốc cũng hy vọng Mông Cổ sẽ “nghiêm chỉnh giữ lời hứa của mình” không mời Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa, ông Vương nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ không đưa ra bình luận gì nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông lấy làm tiếc về tác động tiêu cực do chuyến thăm gây ra và tái khẳng định lập trường của chính phủ ông rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không được mời nữa, lần đầu tiên được nêu ra vào tháng 12 năm ngoái.
Một tuần sau chuyến thăm hồi tháng 11, Trung Quốc áp đặt phí nhập khẩu hàng hóa thô từ Mông Cổ, tính thêm chi phí vận chuyển đối với hàng hóa đi qua cửa khẩu biên giới vào khu vực Nội Mông phía bắc của Trung Quốc.
“Mông Cổ kiên quyết ủng hộ chính sách một Trung Quốc, nhất quán với lập trường rằng Tây Tạng là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, và rằng vấn đề Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc,” Bộ trưởng ngoại giao Mông Cổ được dẫn lời nói.
Mông Cổ trước đó đã nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế với nước láng giềng phía nam hùng mạnh của mình và sử dụng vốn đầu tư và trình độ kỹ thuật của Trung Quốc trong những dự án khai khoáng và cơ sở hạ tầng.
Tòa án Tối cao Anh phán quyết về Brexit
Tòa án tối cao Vương quốc Anh hôm thứ Ba ra phán quyết rằng quốc hội phải là nơi phê duyệt các kế hoạch khởi động tiến trình để nước Anh tách ra khỏi khối Liên hiệp châu Âu.
Chánh án Toà Tối cao David Neuberger công bố phán quyết được thông qua với đa số phiếu 8-3, ông nói quyết định này là dựa trên quan điểm rằng rút ra khỏi EU sẽ đi tắt qua pháp luật Anh và còn thay đổi các quyền mà công dân Anh từng được hưởng.
Chính phủ của Thủ tướng Theresa May trước đó muốn bà May sử dụng quyền hành pháp, đơn cử Điều 50 của hiệp ước EU để bắt đầu tiến trình tách ra khỏi EU.
Sau khi có phán quyết, Bộ trưởng Tư pháp Jeremy Wright cho biết chính phủ sẽ tuân thủ phán quyết này và “làm tất cả những gì có thể để thi hành”.
Hồi năm ngoái, cử tri Anh đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý có kết quả sít sao, chọn rút ra khỏi EU.
Ông Wright cho biết hôm thứ Ba rằng việc thực thi quyết định của cử tri giờ đây là một vấn đề chính trị, không phải vấn đề pháp lý.
http://www.voatiengviet.com/a/toa-an-toi-cao-anh-phan-quyet-ve-brexit/3690203.html
14 người chết vì tuyết lở ở Ý
Các nhân viên cứu hộ Ý nói số người chết do vụ lở tuyết hồi tuần trước ập xuống một khách sạn sang trọng trên núi đã nâng số tử vong lên thành 14 người.
Các đội tìm kiếm ở Ý đã tìm thấy thêm năm thi thể trong đêm từ đống đổ nát của Khách sạn bốn sao Rigopiano tại thị trấn Farindola, và sau đó là hai thi thể nữa khi lính cứu hỏa tiến sâu hơn vào tòa nhà đổ nát.
Một số người đã được cứu sống từ khu nghỉ dưỡng sang trọng. Khu này đã bị chôn vùi hôm 18/1 dưới một khối tuyết khổng lồ và đất đá. Vụ lở tuyết xảy ra vì một loạt trận động đất mạnh đã làm rung chuyển khu vực Abruzzo ở miền trung.
Mười lăm người vẫn còn trên danh sách bị mất tích.
Một phát ngôn viên của ngành cứu hỏa cam kết các đội cứu hộ sẽ tiếp tục làm việc ngày đêm cho đến khi tất cả mọi người đã được tìm thấy. Hy vọng vẫn còn người sống sót đã tăng lên hôm thứ Hai khi ba chú chó con của khách sạn được tìm thấy và vẫn còn sống.
Một cuộc điều tra về thảm họa đang được tòa án ở Pescara tiến hành. Một số nói rằng các dịch vụ ứng phó khẩn cấp đã quá chậm chạp. 11 giờ sau khi vụ lở tuyết, các đội cứu hộ đầu tiên đã phải dùng giày trượt tuyết để đến nơi giữa một cơn bão tuyết.
http://www.voatiengviet.com/a/tuyet-lo-o-y-14-nguoi-chet/3690171.html
Nga chiếm ưu thế dàn xếp địa chính trị Trung Đông?
WASHINGTON —
Vào lúc hòa đàm Syria diễn ra tại Astana, thủ đô Kazakhstan, Hoa Kỳ bị gạt sang bên lề. Đại sứ Hoa Kỳ tại Kazakhstan George Krol có mặt với tư cách quan sát viên trong khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và phe nổi dậy Syria cố gắng đạt một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Vòng hòa đàm Syria lần này do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian, không có sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ.
Liệu sự thiếu vắng tiếng nói mạnh mẽ của Mỹ có đồng nghĩa là Nga có ảnh hưởng mạnh hơn ở Trung Đông? Điều này sẽ có ý nghĩa thế nào đối với ảnh hưởng trong tương lai của Mỹ ở Trung Đông?
Ông Michael Kofman, nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, nói:
“Tôi chắc chắn là Nga, Iran và các nước khác hiểu rằng sẽ rất khó khăn để thực sự mở một cuộc đàm phán nghiêm túc và đạt được các lợi ích mà không có sự tham gia của Mỹ. Vì vậy, tôi tin rằng tất cả những việc này nằm trong ý đồ chính trị nhằm buộc Hoa Kỳ đứng trước một sự đã rồi, và lôi kéo Mỹ tham gia và về phần lớn đồng thuận với quan điểm mà Nga đã nêu ra”.
Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson của Tổng thống Donald Trump thừa nhận rằng Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang đặt ra các điều khoản về những gì diễn ra ở Syria. Ông Tillerson nói với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ rằng Washington cần tiếp tục đóng một vai trò và hợp tác với các đồng minh truyền thống, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác NATO quan trọng và lâu đời.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-chiem-uu-the-dan-xep-dia-chinh-tri-trung-dong/3690018.html
Ông Tập Cận Bình muốn quân đội ‘không tham nhũng’
Ngay trước dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục quân đội nước này cần phải cải tổ, Reuters tường thuật.
Khi tới thăm một đơn vị quân đội theo truyền thống dịp tất niên, ông Tập nói quân đội phải trong sạch, không còn tình trạng tham nhũng và tuân thủ các mệnh lệnh của Đảng Cộng sản trong vấn đề cải tổ cũng như huấn luyện.
Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thường chọn thời điểm gần cuối năm âm lịch, trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán để đi thăm các đơn vị, địa phương có tầm quan trọng trong chính sách, hoặc những nơi có vấn đề cần chú ý trong năm tới, Reuters nói.
Khi tới thăm binh lính đóng tại Trương Gia Khẩu, thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc, ông Tập nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là trong các lực lượng có vũ trang.
“Cần phải thanh lọc hoàn toàn và kỹ lưỡng những ảnh hưởng độc hại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu,” truyền hình nhà nước dẫn lời ông Tập, người đồng thời giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nói.
Cả hai đều từng là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, và đều bị cách chức do bị cáo buộc tham nhũng.
Ông Quách bị tù chung thân hồi năm ngoái. Ông Từ chết do bệnh ung thư hồi 2015, trước khi ra hầu tòa.
Hiện ông Tập đang theo dõi giám sát chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó gồm việc cắt giảm 300 ngàn quân nhân các cấp, và việc phát triển các vũ khí tối tân như chiến đấu cơ tàng hình và có thêm các tàu hàng không mẫu hạm.
Ông Tập nói Trung Quốc cần xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh bằng cách nâng cao nhận thức chính trị, tiến tới cải tổ và đảm bảo tuân thủ pháp luật, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Việc đi chúc Tết cũng là hoạt động được các lãnh đạo Việt Nam thực hiện vào mỗi dịp cuối năm.
Hôm 20/1 Tổng Bí thư đồng thời Chủ tịch Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng tới thăm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Bên cạnh việc thăm hỏi, chúc Tết, ông Trọng đặt yêu cầu cho lực lượng này cùng các lực lượng có vũ trang nói chung là phải “bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ”, trang tin Đài Tiếng nói Việt Nam nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38736498
Tin nói giám đốc FBI được ông Trump yêu cầu ở lại
Tổng thống Donald Trump có ý định giữ Giám đốc FBI James Comey lại trong chức vụ của ông, một người nắm rõ quyết định này cho biết hôm 24/1, giữa lúc có tin cho hay giới chấp pháp và các cơ quan tình báo của Mỹ đang săm soi những phụ tá của ông Trump về mối quan hệ của họ với Nga.
Ông Comey, theo Đảng Cộng hòa, đã bị phe Dân chủ chỉ trích dữ dội vì loan báo chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 rằng FBI đang điều tra thêm những email liên quan đến việc ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton sử dụng máy chủ cá nhân.
Bốn ngày sau cuộc bầu cử, bà Clinton ở nơi riêng tư đã đổ lỗi cho ông Comey về việc bà thất cử, bà nói với những nhà tài trợ rằng ông Trump đã có thể đã sử dụng những phát biểu của giám đốc FBI về những email này để công kích bà trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử.
Hôm Chủ nhật, ông Comey nhận được một cái bắt tay nồng ấm và một cái vỗ nhẹ vào lưng từ ông Trump trong một buổi tiếp tân tại Tòa Bạch Ốc. Ngày thứ Ba, ông Trump không xác nhận ông Comey sẽ ở lại hay không khi ông được hỏi về việc này trong một cuộc họp với những giám đốc điều hành hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô của Mỹ tại Tòa Bạch Ốc.
Tin tức về ông Comey tiếp tục tại chức được báo New York Times loan tải đầu tiên. Bài báo cho biết ông Comey đã nói với những đặc vụ hàng đầu của ông rằng ông Trump đã yêu cầu ông tiếp tục giữ chức vụ mà ông đã nắm giữ kể từ năm 2013.
Giám đốc FBI được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 10 năm, nhưng có thể bị Tổng thống sa thải bất cứ lúc nào. Ví dụ, cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 đã sa thải ông William Sessions sau khi một báo cáo của cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tư pháp tiết lộ hành vi trái đạo đức của ông như sử dụng máy bay của FBI cho những chuyến đi mang tính cá nhân.
http://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-giam-doc-fbi-duoc-ong-trump-yeu-cau-o-lai/3690709.html
Ông Trump sắp ra lệnh xây bức tường Mexico,
ngưng nhận người tị nạn
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang chuẩn bị ra lệnh xây dựng một bức tường dọc theo biên giới với Mexico và áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với những người được phép vào nước Mỹ, theo lời một số quan chức chính phủ và các chuyên gia về di trú.
Ông Trump dự kiến sẽ ký các sắc lệnh đầu tiên liên quan đến vấn đề di trú trong chuyến thăm Bộ An ninh Nội địa trong ngày thứ Tư 25/1.
Những động thái này được tiến hành theo lời hứa được ông thường xuyên lặp đi lặp lại trong chiến dịch tranh cử, rằng ông sẽ thắt chặt các biện pháp an ninh để bảo vệ đất nước.
Ông Trump muốn xây một bức tường dọc theo suốt chiều dài biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico. Hiện nay chỉ có hàng rào ở một số khu vực biên giới. Ông Trump còn hứa là sẽ buộc Mexico phải trả kinh phí xây bức tường này. Ông nói thoạt tiên Quốc hội sẽ ủy quyền cho chính phủ trả kinh phí xây tường và sau này, chính phủ Mexico sẽ phải hoàn trả lại khoản kinh phí trên.
Mexico đã nhiều lần tuyên bố sẽ không trả tiền xây bức tường này. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto sẽ đi thăm Tòa Bạch Ốc vào tuần tới.
Những người thông thuộc với các lệnh về di trú cho biết ông Trump đang cân nhắc việc ngưng nhận người tị nạn trong bốn tháng, và cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ ít nhất là 30 ngày đối với bất cứ ai đến từ Iraq, Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen. Lệnh cấm được cho là có dành các trường hợp ngoại lệ đối với những người thuộc các thiểu số tôn giáo tại nước họ đang phải đối mặt với chính sách đàn áp.
Ông Trump thường dùng các cuộc tập hợp trong chiến dịch tranh cử để chỉ trích chính sách nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ. Ông nói “Chúng ta không hề biết những người này là ai”. Ban đầu, ông đề xuất một lệnh cấm nhận người từ các quốc gia Hồi giáo. Đề xuất này đã bị chỉ trích mạnh mẽ, sau đó ông đổi lập trường thành các nước có liên quan đến khủng bố.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Tòa Bạch Ốc cho biết ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người Mỹ, trong lúc cố gắng giúp đỡ những người bị buộc phải rời quê hương của họ vì chiến tranh, khủng bố và bất ổn chính trị.
Chính quyền Obama nói những người tị nạn là “những người bị sàng lọc kỹ lưỡng nhất” khi nhập cảnh Hoa Kỳ. Họ bắt buộc phải qua kiểm tra an ninh, kiểm tra các dữ liệu về quá trình và sinh trắc học, bị rà soát bởi các cơ quan công lực và tình báo, và qua các cuộc phỏng vấn kỹ càng trước khi được phép vào Hoa Kỳ. Với nhiều người tị nạn, quá trình này mất tới hai năm.
Trong năm 2016, Mỹ đã nhận khoảng 85.000 người tị nạn, trong đó có hơn 12.500 người Syria. Ông Obama đặt mục tiêu cho năm tài khóa 2017, bắt đầu vào tháng Mười, là nhận 110.000 người tị nạn.
Hong Kong sẽ gửi trả xe bọc thép cho Singapore
Hong Kong cho biết sẽ gửi trả chín xe bọc thép của Singapore mà họ thu giữ hồi tháng 11/2016.
Lô xe Terrex bị tịch thu khi đang trên đường từ Đài Loan về sau đợt huấn luyện quân sự.
Vụ việc làm dấy lên tranh cãi ngoại giao giữa Singapore và Trung Quốc.
Giới chức Hong Kong cho biết trong vụ này có một hành vi phạm luật và có thể dẫn tới truy tố hình sự.
Singapore yêu cầu trả những chiếc xe vốn được tàu thương mại vận chuyển. Họ nói rằng lô xe bọc thép là tài sản của một nước có chủ quyền vì vậy được miễn trừ ngoại giao.
Vụ việc khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc càng thêm căng thẳng.
Bắc Kinh nổi giận trước những gì họ xem là Singapore trợ giúp những nước phản đối yêu sách của họ ở Biển Đông.
Singapore có mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan và do diện tích đất eo hẹp nên đảo quốc thường huấn luyện quân sự tại Đài Loan trong nhiều thập kỷ.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà một ngày nào đó sẽ trở về với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Hôm 24/1, giới chức Hong Kong cho biết đã hoàn tất điều tra và lô xe bọc thép sẽ được gửi trả, nhưng họ vẫn có thể thực hiện hành động pháp lý.
Bộ Ngoại giao Singapore bình luận đây là “kết quả tích cực” và cảm ơn Hong Kong vì đã “hợp tác giải quyết vấn đề”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38703773
Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc
Chính phủ Thái Lan quyết định mua tầu ngầm của Trung Quốc, giúp hải quân Thái nghiên cứu chiến thuật, xem tầu ngầm của nước khác sẽ hoạt động như thế nào khi chiến tranh xảy ra.
Đô Đốc Jumpol Loopikanon, phát ngôn viên của hải quân Thái cho hay thỏa thuận sẽ được ký kết trong năm nay. Chiếc tầu ngầm mua của Trung Quốc trị giá 380 triệu dollars, sẽ được trả trong vòng 6 năm.
Cũng ngày hôm nay, Bộ Quốc Phòng Thái cũng thông báo trong 3 năm tới, sẽ mua 40 chiếc xe tăng do Trung Quốc chế tạo.
Trong khi đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok thông báo Đô Đốc Harry Harris, Tư Lệnh Lực Lượng Quân Sự Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ đến Thái Lan vào ngày 14 tháng Hai sắp tới.
Đô Đốc Harris đến Thái để quan sát cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp mang tên Hổ Mang Vàng, là cuộc tập trận lớn nhất Châu Á-Thái Bình Dương, diễn ra hàng năm tại Thái Lan. Ngoài Hoa Kỳ và Thái, cuộc tập trận năm nay còn có sự tham gia của 29 nước.
Kể từ năm 2014 khi quân đội Thái đảo chánh lật đổ chính phủ dân sự đến giờ, Đô Đốc Harris là viên chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ đến Thái. Vì thế, Bộ Quốc Phòng Thái nói rằng đây là một sự kiện đặc biệt không chỉ cho mối quan hệ giữa 2 nước, mà còn xác nhận tầm quan trọng của cuộc tập trận.
Được biết Hoa Kỳ gửi 3,800 binh sĩ tham gia cuộc tập trận. Tổng số binh sĩ Thái và các nước là khoảng 8,500 người.
Tổng thống Trump mời Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ
Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ghé thăm nước Mỹ vào cuối năm nay.
Tin này được Nhà trắng loan báo hồi chiều hôm qua, sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo để thảo luận về hợp tác kinh tế và quốc phòng.
Bản thông cáo do Nhà Trắng phổ biến cũng cho thấy Tổng Thống Hoa Kỳ và Thủ Tướng Ấn cam kết sát cánh trong cuộc chiến bài trừ khủng bố.
Quan hệ Mỹ-Ấn khởi sắc từ năm 2014, sau khi Thủ Tướng Modi đắc cử và thực hiện kế hoạch mở rộng quan hệ chiến lược với Washington. Quan hệ này bào gồm cả chính sách hợp tác quốc phòng, trong đó có cả mục đích ngăn cản mức bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ
sắp thăm Nhật và Nam Hàn
Tin từ Lầu Năm Góc cho hay tuần tới, ông James Mattis, Tân Tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ thăm Nhật Bản và Nam Hàn, thể hiện mối quan tâm đặc biệt của chính phủ Donald Trump với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện vẫn chưa có lịch trình chuyến công du đầu tiên của ông Mattis kể từ khi nhậm chức hồi cuối trước, tuy nhiên chuyến đi được xem là rất quan trọng, vì Nhật và Nam Hàn là hai nước đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á.
Hai tuần trước đây khi ra điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Liên Bang Hoa Kỳ, ông Mattis có nói Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực quan trọng hàng đầu của nước Mỹ.
Dựa theo đó, nhiều nhà quan sát tin rằng dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Trump, Hoa Kỳ sẽ gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực, trong bối cảnh Bắc Hàn vẫn có những hành động mang tính khiêu khích ở Bán đảo triều Tiên và Trung Quốc tiếp tục bành trướng quân sự ở Biển Đông.
Giới thạo tin tại Washington D.C. cho hay trong chuyến viếng thăm, ông tân tổng trưởng quốc phòng Mỹ sẽ khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh, chiến lược, đồng thời yêu cầu Tokyo đóng góp thêm để giúp Hoa Kỳ trang trải gánh nặng tài chánh khi đóng quân ở Nhật để bảo vệ an ninh cho Nhật Bản.
Có đồn đãi nói rằng ông Mattis sẽ lên tiếng ủng hộ việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn mở rộng hoạt động quân sự, để binh sĩ Nhật có thể tham chiến ở nước ngoài.
Đồn đãi còn nói ông Mattis và Thủ Tướng Shinzo Abe sẽ thảo luận với nhau về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và những nguy cơ gây nên bởi chương trình phát triển võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Bắc Hàn đang theo đuổi.
Vấn đề Bắc Hàn cũng là đề tài chính trong các cuộc thảo luận khi ông Mattis có mặt tại Seoul. Tin tức chúng tôi ghi nhận được cho hay chắc chắn việc đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD sẽ được nói tới.
Cuối năm ngoái, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã đồng ý sẽ dựng hệ thống phòng thủ tối tân này, nhưng tới giờ vẫn chưa triển khai.
Đầu tuần này, Quyền Tổng Thống Nam Hàn Hwang Kyo-Ahn thúc dục Hoa Kỳ lắp đặt hệ thống phòng thủ vừa nói, nhắc lại Bắc Hàn đang tăng tốc độ phát triển võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cũng cần nhắc lại mặc dù Hoa Kỳ và Nam Hàn đều nói hệ thống THAAD chỉ nhắm vào mục đích giúp bảo vệ an ninh cho bán đảo Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh và Matxcova đều lên tiếng phản đối, cho rằng hệ thống này sẽ giúp Hoa Kỳ thu thập tin tức liên quan đến hoạt động quân sự của họ.
Colombia :
TT Pháp ghé thăm trại giải giới của lực lượng FARC
Tổng thống Pháp François Hollande đã kết thúc chuyến thăm Colombia vào hôm qua, 24/01/2017 bằng chuyến ghé thăm một trại giải trừ vũ khí của du kích quân FARC. Tại đó, tổng thống Pháp đã nhắc lại lập trường ủng hộ tiến trình hòa bình đối với lực lượng FARC.
Tổng thống Pháp đã đến vùng núi Cauca, một trong những khu vực bị cuộc nội chiến tác hại nhiều nhất, và đi thăm một trại nơi mà các du kích quân đang chuẩn bị trở về đời sống dân sự sau 50 năm đấu tranh vũ trang.
Trại Caldono mà ông Hollande ghé thăm cùng với đồng nhiệm Colombia Juan Manuel Santos, là một trong 26 khu vực tạm trú của 5.700 chiến binh FARC. Họ sẽ giao nộp vũ khí dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Tại đó, một lần nữa, tổng thống Pháp đã hoan nghênh « tiến trình hòa giải » giữa chính quyền Bogota và lực lượng FARC, xem đấy là một « tấm gương cho thế giới ». Dĩ nhiên, ông Hollande đã cam kết hậu thuẫn cho tiến trình hòa bình tại Colombia.
Paris hiện đóng góp 17 triệu euro vào quỹ của châu Âu viện trợ cho Colombia, dự trù lên đến 95 triệu euro.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170125-colombia-tt-phap-ghe-tham-trai-giai-gioi-cua-luc-luong-farc
Hòa đàm Syria: Các bên trong cuộc
không hài lòng về tuyên bố chung
Hòa đàm Syria tại Astana, thủ đô Kazakhstan, kết thúc vào hôm qua, 24/01/2017, với một bản thông cáo chung cuộc theo đó, ba nước bảo trợ Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận thành lập một « cơ chế » thực hiện và kiểm soát lệnh ngưng bắn có hiệu lực từ 30/12/2016. Nhóm thực hiện việc thành lập cơ chế này sẽ bắt tay vào việc ngay vào tháng 02/2017 tại Astana.
Hội nghị Astana đã được Nga đánh giá « tích cực » , và được đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura hoan nghênh. Tuy nhiên, phe đối lập Syria lại hoàn toàn không hài lòng. Bản thông cáo chung không được cả đối lập Syria cũng như đại diện chính quyền Damas ký kết.
Đặc phái viên RFI tại Astana, Muriel Pomponne tường thuật như sau :
« Cuộc họp ở Astana kết thúc với một bản thông cáo chung ba bên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, 3 nước bảo trợ cho hòa đàm Syria. Nhưng ngược lại, chính quyền Syria cũng như phe nổi dậy đã không ký vào thông cáo, thậm chí họ cũng không có mặt trong phòng họp lúc ngoại trưởng Kazakhstan đọc thông cáo này.
Ba nước hỗ trợ thông báo thành lập một cơ chế 3 bên để giám sát ngưng bắn. Họ cũng nhấn mạnh trên việc phân biệt giữa kháng chiến với khủng bố và hỗ trợ vòng đàm phán chính trị tại Genève tổ chức vào ngày 08/02 tới đây.
Ngoài việc thành lập cơ chế 3 bên giám sát ngưng bắn có cả Iran, hội nghị Astana không đạt được gì nhiều.
Điểm mới so với thỏa thuận ngưng bắn vào cuối tháng 12, là Iran lần này có một vai trò. Thế nhưng, đối lập Syria rất thất vọng. Họ không muốn Iran tham gia, và muốn chiến binh Iran rút khỏi Syria, nhưng điều này không được đề cập đến. Thông cáo cũng không nói gì về việc chính quyền Damas vi phạm ngưng bắn viện lẽ tấn công các nhóm khủng bố.
Nga đã áp đặt được một thông cáo chung không dẫn đến đâu. »
Ngoại trưởng Pháp đang công du Ả Rập Xê Út, vào hôm qua đã đề nghị đàm phán hòa bình Syria nối lại càng sớm càng tốt nhưng lần này dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Tình hình Syria cũng nằm trong chương trình cuộc họp giữa quốc vương Jordani và tổng thống Nga vào hôm nay tại Matxcơva. Hai bên cũng thảo luận về tiến trình hòa bình Israel-Palesstine và chống khủng bố.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170125-hoa-dam-syria-phe-doi-lap-khong-hai-long-ve-tuyen-bo-chung-cuoc
Châu Âu lo ngại về nạn bạo lực gia tăng đối với nhà báo
Một nghị quyết Hội đồng Nghị viện thuộc Hội Đồng Toàn Châu Âu thông qua ngày hôm qua, 25/01/2017, đã bày tỏ thái độ hết sức quan ngại trước tệ nạn bạo lực ngày càng tăng trong thời gian hai năm gần đây nhắm vào các nhà báo ở châu Âu, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Crimée.
Văn bản đã được Hội đồng nghị viện của tổ chức Hội Đồng Toàn Châu Âu, họp lại tại Strasbourg, miền đông nước Pháp, thông qua với 110 phiếu thuận, 15 phiếu chống và 9 người không bỏ phiếu.
Nghị quyết ghi nhận là kể từ tháng Giêng năm 2015, đã có 16 nhà báo thiệt mạng tại các nước trong số 47 thành viên của tổ chức, bên cạnh vô số nhà báo bị thương. Đặc biệt đáng lo ngại là tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina, với những vụ sát hại, hành hung, và bắt bớ nhà báo.
Một số trường hợp bạo lực đối với các nhà báo vẫn chưa được giải quyết, như trường hợp của phóng viên Pavel Sheremet người Belarus, đã bị giết chết trong một vụ xe gài bom vào tháng 7, và vụ nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Cambaz bị binh sĩ nổi loạn hạ sát bằng một viên đạn bắn vào đầu, vài giờ sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình các phương tiện truyền thông và các nhà báo đã xấu đi đáng kể do các nghị định được ban bố trong thời tình trạng khẩn cấp, Hội Đồng Toàn Châu Âu đã kêu gọi Ankara thả tất cả nhà báo bị bắt giữ mà không bị buộc tội tích cực tham gia khủng bố.
Tại nước này, hơn một trăm phóng viên đã bị bắt và bị giam cầm, và 330 ký giả đã bị tước thẻ nhà báo. Bên cạnh đó, khoảng 60 tờ báo và tạp chí, 16 kênh truyền hình, 23 đài phát thanh và ba hãng tin đã bị đóng cửa.
Hội đồng nghị viện của Hội Đồng Toàn Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về tình hình trong gần ba năm nay ở Crimée, bị Nga sáp nhập năm 2014, nêu ra trường hợp của đạo diễn người Ukraine Oleg Sentsov, bị bắt năm 2014. Oleg Sentsov đã bị cưỡng bức đưa qua Nga, và đã bị kết án 20 năm tù về tội danh « khủng bố ». Châu Âu kêu gọi Nga trao trả ngay nhân vật này cho Ukraina.
Hàn Quốc: Chánh Tòa Bảo Hiến đòi
sớm xét vụ truất phế tổng thống
Chánh Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc vào hôm nay 25/01/2017 đã kêu gọi các đồng nghiệp quyết định nhanh chóng về việc truất phế tổng thống Park Geun Hye. Vào cuối năm 2016, Quốc Hội đã bỏ phiếu truất phế tổng thống, nhưng còn phải chờ ý kiến Tòa Bảo Hiến. Định chế này có 180 ngày để xem xét.
Chánh Tòa Bảo Hiến Park Han – Chul sẽ kết thúc nhiệm kỳ 6 năm vào tuần tới. Một thẩm phán khác cũng sẽ ra đi vào tháng 3. Hai người này sẽ không được thay thế trước khi một tổng thống mới được bầu lên, do đó Tòa Bảo Hiến chỉ còn lại 7 thẩm phán thay vì 9.
Với nguyên tắc là quyết định của Tòa phải được 2/3 thẩm phán thông qua, tức là 6 trên 9. Do Tòa chỉ còn 7 người, bà Park Geun Hye chỉ cần được hai thẩm phán ủng hộ là có thể giữ được chiếc ghế tổng thống.
Trước khả năng đó, ông Park Han-Chul cho rằng Tòa Bảo Hiến không nên đợi cho đến khi thẩm phán thứ 2 mãn nhiệm và rời Tòa ngày 13/03 mà phải nhanh chóng lấy quyết định. Nếu Tòa Bảo Hiến thông qua việc truất phế, thì cuộc bầu cử tổng thổng mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau.
Kinh tế bị ảnh hưởng
Cuộc khủng hoảng chính trị làm chao đảo Hàn Quốc đã tác động đến nền kinh tế. Theo Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc, tăng trưởng quý tư 2016 đã giảm sụt, chỉ là 0,4%, so với 0,6% quý ba và 0,8% quý hai.
Nguyên nhân là tình trạng mua sắm, tiêu thụ của các hộ gia đình đã giảm tuột trong bối cảnh hiện nay. Ngành xây dựng cũng đình trệ, do đầu tư giảm sút. Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng năm 2017 sẽ là 2,5% thấp hơn tỷ lệ 2,7% của năm 2016.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170125-han-quoc-chanh-toa-bao-hien-doi-som-xet-vu-truat-phe-tong-thong