Tin Việt Nam – 24/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/01/2017

Thành công chính trị

của phụ nữ Mỹ gốc Việt trong năm 2016

Điểm lại năm 2016, chưa bao giờ có nhiều phụ nữ gốc Việt ra tranh cử và thành công tại Hoa Kỳ như cuộc bầu cử hồi tháng 11 vừa qua, như tường thuật của nhà báo Đỗ Dzũng từ tờ Người Việt, California:

Lần đầu tiên trong lịch sử, có một phụ nữ gốc Việt đắc cử vào Hạ Viện Liên bang Hoa Kỳ.

Ðó là bà Stephanie Murphy (Dân Chủ), tên Việt Nam là Ðặng Thị Ngọc Dung, ở Florida. Bà thắng Dân Biểu John Mica (Cộng Hòa), một người làm dân biểu Quốc Hội gần 24 năm.

Tại Los Angeles County, California, nữ Luật sư Kim Nguyễn thắng đối thủ là người bản xứ, ông David Berger, phó biện lý Los Angeles County, và trở thành chánh án tiểu bang, làm việc tại quận hạt đông dân nhất Hoa Kỳ.

So với năm 2014, là năm có nhiều người Việt ứng cử nhất, và là năm gần nhất, số lượng người Việt ra ứng cử trong năm 2016 chỉ kém một người.

Nếu như năm 2014 có 33 người Việt ra ứng cử thì năm 2016 có 32 người.

Tuy nhiên, trong số 33 người ra ứng cử năm 2014, chỉ có sáu người là phụ nữ. Còn trong số 32 người ứng cử năm 2016, có tới 13 người là phụ nữ, một mức tăng hơn gấp đôi.

Năm 2014, trong số 17 người gốc Việt thắng chỉ có bốn người là phụ nữ:

Bà Janet Nguyễn, người Việt Nam đầu tiên đắc cử thượng nghị sĩ California, sau khi làm giám sát viên Orange County tám năm;

Bà Dina Nguyễn, thắng chức ủy viên Hội đồng Thủy cục Orange County, sau khi làm nghị viên Garden Grove hai nhiệm kỳ;

Bà Vân Lê, tái đắc cử chức ủy viên Học Khu East Side, San Jose;

Bà Hương Nguyễn, lần đầu tiên đắc cử chức ủy viên Học Khu Evergreen Community College, San Jose.

Năm 2016, trong 13 phụ nữ gốc Việt ứng cử, có bảy người thắng cử (53.8%) và đều trúng vào chức vụ mới.

Trong số bảy phụ nữ đắc cử này, có sáu người lần đầu tiên ứng cử.

Trong số 19 ứng cử viên nam, có bảy người thắng cử (36.8%), nhưng lại có bốn người đương nhiệm, có nghĩa là tái đắc cử.

Ðiều này cho thấy, không những nữ ứng cử viên gốc Việt tranh cử nhiều hơn trong năm 2016, mà còn thắng cử nhiều hơn, với chức vụ mới hơn, và cao hơn nữa.

Vì sao phụ nữ gốc Việt thành công về chính trị?

Sự thành công của phụ nữ gốc Việt tại Hoa Kỳ có thể giải thích bằng ít nhất hai lý do sau đây:

Thứ nhất, có thể vì năm 2016 nước Mỹ lần đầu tiên có nữ ứng cử viên tổng thống nên có nhiều cử tri nữ đi bầu hơn, và có thể dồn phiếu cho phụ nữ nhiều hơn.

Nên nhớ, ngay cả bà Hillary Clinton, dù thua ông Donald Trump phiếu đại cử tri, nhưng lại thắng ông tới gần 3 triệu phiếu phổ thông.

Thứ nhì, trong số năm phụ nữ Việt đắc cử tại Orange County, có ba người ứng cử trong các địa hạt mới được phân chia và nhỏ hơn.

Năm 2014, bà Janet Nguyễn đã tạo nên lịch sử, thành người Việt Nam đầu tiên ngồi trong Thượng Viện một tiểu bang ở Hoa Kỳ, và trở thành dân cử gốc Việt cao cấp nhất nước Mỹ.

Năm 2016, bà Stephanie Murphy tạo nên cột mốc cao hơn và thành vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất toàn quốc, sau khi tuyên thệ nhậm chức Dân biểu Hạ Viện Mỹ, tại Washington, DC hôm 3/01/2017.

Điểm qua các gương mặt:

Stephanie Murphy Ðặng Thị Ngọc Dung

Trong bầu cử 8/11/2016 tại Địa hạt 7, Florida, bà Stephanie Murphy (Dân chủ) được 181,758 phiếu (51.5%) trong khi Dân biểu John Mica (Cộng hòa) được 171,412 phiếu (48.5%)…

Báo Orlando Sentinel viết:

“Chưa bao giờ Dân Biểu Mica gặp một đối thủ như bà Stephanie Murphy, vì bà là một khuôn mặt mới với câu chuyện đời lý thú.”

Sau hơn 20 năm, ông John Mica phải đương đầu với một cuộc tái tranh cử gay go nhất nhưng vẫn “xem thường” người phụ nữ gốc Việt này.

Bà Stephanie Ngọc Dung viết trên Facebook:

“Tôi lấy làm vinh dự và cảm thấy nhỏ bé trước sự tín nhiệm mà cư dân miền Trung Florida dành cho tôi để đại diện họ tại Quốc Hội Hoa Kỳ.”

Bà Ðặng Thị Ngọc Dung cùng gia đình vượt biên năm 1979 khi mới được 6 tháng tuổi.

Sau thời gian ở Malaysia, gia đình bà định cư tại Hoa Kỳ, nhờ sự bảo trợ của Giáo hội Tin Lành.

Thời gian đầu, cha mẹ bà phải lao động tay chân để nuôi sống gia đình.

Học đại học tại College of William and Mary, Virginia, và tốt nghiệp cử nhân kinh tế, bà lấy bằng cao học quan hệ quốc tế ĐH Georgetown, Washington, DC.

Từng làm chuyên viên an ninh quốc gia trong Văn phòng Bộ Trưởng Quốc phòng và cố vấn chiến lược cho Deloitte Consulting, bà cũng làm việc tại Sungate Capital, một công ty chuyên về đầu tư và là giáo sư ngành kinh doanh tại ĐH Rollins College, Florida.

Bà sống tại Winter Park cùng chồng và hai con, Liêm và Maya.

Kim Nguyễn

Trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016, tranh cử chức chánh án Tòa Thượng thẩm California, đơn vị 158, Los Angeles County luật sư Kim Nguyễn trở thành vị dân cử gốc Việt tại Mỹ phiếu cao nhất từ trước tới nay, được 1,102,711 phiếu (52.07%), thắng đối thủ David Berger (1,015,216 phiếu – 47.93%).

Trước khi đắc cử chánh án, Luật Sư Kim Nguyễn làm việc tại Bộ Tư Pháp California, đại diện cho các giới chức dân cử và cơ quan cấp tiểu bang trong các vụ kiện liên quan đến luật bầu cử, luật hiến pháp, luật tiểu bang, và ngân sách tiểu bang.

Cha mẹ Luật sư Kim Nguyễn đến Mỹ năm 1975, ban đầu sống trong trại tị nạn ở Arkansas, rồi được chuyển về trại Camp Pendleton, California.

Sau đó, cha mẹ bà định cư tại San Francisco, và bà chào đời tại thành phố này rồi về sống ở San Gabriel Valley, Los Angeles County.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Kim Nguyễn vào đại học UCLA và tốt nghiệp hạng danh dự.

Từ Giấc mơ Mỹ sang Khát vọng châu Á?

Học luật tại ĐH Harvard, bà từng làm thư ký cho Chánh án Alfred T. Goodwin, Tòa Phúc thẩm Liên bang, Khu vực 9, rồi dạy học tại đại học luật Loyola Law School.

Sau đó bà làm việc cho một công ty luật tư nhân và cũng là thành viên của Hiệp Hội Luật Sư Người Mỹ Gốc Châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp hội Nữ Luật sư Los Angeles và là luật sư tình nguyện cho Advancing Justice Los Angeles.

Luật Sư Kim Nguyễn hiện cư ngụ tại South Pasedena cùng với chồng và hai người con.

Kimberly Hồ

Dược Sĩ Kimberly Hồ là người tạo nên lịch sử tại Westminster, California, trong cuộc bầu cử ngày 8/11/ 2016, vì là phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử nghị viên thành phố này.

Bà xuất thân trong một gia đình cựu quân nhân VNCH, thân phụ là cựu Ðại Tá Hồ Sĩ Khải, chỉ huy trưởng Trường Pháo binh QLVNCH.

Trước khi đắc cử nghị viên, bà từng là ủy viên quy hoạch Westminster trong ba năm và là ủy viên giao thông, và phục vụ trong Ban Ðặc nhiệm Tài chánh Westminster.

Từng được Hội Tiểu Thương California bầu chọn là “Doanh Gia Xuất Sắc 2009” bà còn được biết nhiều qua các chương trình phát thanh, truyền hình tại Orange County.

Bà Kimberly Hồ qua Mỹ cùng gia đình năm 1975 khi mới 11 tuổi.

Bà có bằng cử nhân ĐH UCLA, cao học quản trị kinh doanh đại học UCI rồi được học bổng theo học ngành dược ĐH University of the Pacific, Stockton, California, và tốt nghiệp dược sĩ tại đại học USC, Los Angeles.

Frances Nguyễn

Bà Frances Nguyễn là phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử ủy viên Học Khu Westminster, sau khi chiến thắng trong ngày 8 Tháng Mười Một, 2016.

Cùng gia đình đến Mỹ năm 1975 và chưa nói được tiếng Anh, bà tốt nghiệp cử nhân ĐH Cal Poly Pomona, quản trị kinh doanh tại ĐH Argosy và từng là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California (1985-88).

Từng là ủy viên hội đồng cố vấn một số ủy ban trong Học khu Ðại học Cộng đồng Coastline và Sở Cảnh sát Westminster, bà cũng là thành viên ban giảng huấn ĐH Coastline Community College.

Bà là người Việt Nam đầu tiên làm chủ tịch Phòng Thương Mại Westminster (2009-2010).

Thu-Hà Nguyễn

Bà Thu-Hà Nguyễn đắc cử chức nghị viên Garden Grove, Ðịa Hạt 3, hôm 8/11/, 2016.

Người cha quá cố của bà, một thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến VNCH, là người có ảnh hưởng với bà, qua các hoạt động cộng đồng và phục vụ cư dân.

Bà cho biết từng làm việc rất nhiều năm với các hội đoàn trẻ trong cộng đồng, như Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, Ðoàn Thanh Niên Cao Ðài, Ðoàn Thanh Niên Cờ Vàng…

Năm 2004, bà Thu-Hà Nguyễn chính thức thành lập nhóm “Vietnamese Young Marines” để sát cánh cùng các đoàn thể cựu quân nhân VNCH.

Tốt nghiệp ĐH UC Irvine và cao học khoa học tại ĐH Cal State Dominguez Hills, bà từng làm nhà nghiên cứu tại Quest Diagnostics.

Bà đang đứng đầu một nhóm làm việc nhằm phát triển phương pháp học mới trong việc kiểm tra bệnh ung thư.

Bà hiện cư ngụ tại Garden Grove cùng chồng và ba người con.

Kim Bernice Nguyễn

Cô Kim Bernie Nguyễn đắc cử nghị viên Garden Grove hôm 8/11 2016, thắng đối thủ Rick Montoya, người từng nộp đơn kiện Garden Grove dựa trên Ðạo Luật Quyền Bầu Cử California, dẫn đến việc thành phố phải chia làm sáu địa hạt để bầu ra sáu nghị viên.

Cô chính là tác giả của việc vẽ các địa hạt này và được hội đồng thành phố chấp thuận.

Kim Bernie Nguyễn có cha là một người tị nạn Việt Nam, mẹ là di dân gốc Mexico.

Sống ở Garden Grove hơn 15 năm cô là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học và đại học.

Sau khi hoàn tất bậc cử nhân khoa học chính trị tại đại học UC Santa Cruz, cô đang làm việc cho CalOptima, một cơ quan lo về bảo hiểm y tế cho cư dân Orange County.

“Vì kiến thức và khả năng của cô, cùng với tấm lòng phục vụ công chúng, Nghiệp Ðoàn Cứu Hỏa Garden Grove chính thức ủng hộ cô vì thấy cô sẽ là một người ủng hộ an toàn công cộng trong hội đồng thành phố,” nghiệp đoàn nhân viên cứu hỏa Garden Grove cho biết khi ủng hộ cô vào chức nghị viên.

Dina Nguyễn

Luật Sư Dina Nguyễn vừa thắng cử chức ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove, Ðịa Hạt 5, vượt qua hai ứng cử viên khác, trong đó có ủy viên đương nhiệm là bà Linda Paulsen-Reed, người ngồi trong hội đồng giáo dục này gần 20 năm.

Ðây cũng là chức vụ dân cử thứ ba của Luật Sư Dina Nguyễn, và là chiến thắng thứ tư sau năm lần tranh cử.

Năm 2006, bà đắc cử chức nghị viên Garden Grove và bốn năm sau, bà tái đắc cử.

Vì luật giới hạn nhiệm kỳ ở Garden Grove bà không thể tái ứng cử năm 2014, thay vào đó, bà ứng cử chức ủy viên Hội Ðồng Thủy cục Orange County, Khu vực 1, và đắc cử.

Như vậy, hiện nay, Luật Sư Dina Nguyễn giữ hai chức vụ dân cử cùng một lúc.

Bà Dina Nguyễn từng là nhân viên tòa án Orange County trong 18 năm. Trong lúc đi làm bà ghi danh học và tốt nghiệp trường luật của đại học Pacific Coast University, Long Beach.

Đến Mỹ năm 1975, bà hiện cư ngụ tại Garden Grove với gia đình.

Bài dài hơn của nhà báo Đỗ Dzũng đã đăng trên số Tết Đinh Dậu của báo Người Việt, Orange County, California.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38721860

 

Giá xăng tăng, người lao động thêm chật vật

Có thể nói rằng hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có mức độ tàn phá môi trường hàng đầu khu vực, thậm chí hàng đầu thế giới. Liệu việc tăng giá xăng lên cao gấp gần sáu lần giá xăng của Mỹ và số tiền tăng này được gọi là thuế bảo vệ môi trường có làm cho môi trường Việt Nam thay đổi tốt hơn không?

Câu hỏi này dường như khó trả lời bởi hầu hết các mặt hàng mua bán trên thị trường Việt Nam đều chứa từ 5% đến 20% thuế bảo vệ môi trường từ nhiều năm nay nhưng thuế càng nặng thì môi trường càng thêm xấu đi. Và vấn đề thuế môi trường chứa trong mỗi lít xăng tương đương với 0,4 Mỹ kim trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người có công việc liên quan đến nguồn nhiên liệu này như ngư dân, thợ cày trong nông nghiệp và giới tài xế lái taxi.

Ông Bảy, ngư dân Xuân Thiều – Đà Nẵng – Việt Nam, chia sẻ: “Nghề biển thì cả năm nay khổ rồi, giờ thêm giá xăng tăng nữa, khó sống lắm. Ăn Tết cũng không vui vẻ gì đâu, không thể bằng mọi năm được. Khó khăn rồi!”.

Ngư dân miền Trung Việt Nam vừa trải qua thảm họa môi trường, giờ phải gánh thêm nạn xăng, dầu tăng giá, hầu như những ngày cận Tết là những ngày không vui đối với hầu hết ngư dân miền Trung.

Ông Thiên, ngư dân chuyên đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, chia sẻ: “Phải làm sao chứ cứ tăng giá xăng dầu như thế này thì đánh bắt khó khăn lắm. Vì nghề đánh bắt thì dùng dầu là chủ yếu. mà hải sản lúc này bán không có được như trước, giờ thêm giá xăng dần tăng thì khổ lắm!”.

Giá xăng tăng kéo theo vật giá của các mặt hàng khác tăng tỉ lệ, bởi hầu hết các hàng hóa khi ra chợ đều phải qua vận chuyển, các khâu tưới tiêu cũng cần dùng đến nguồn năng lượng xăng, dầu. Chính vì vậy, sự tăng giá cộng hưởng của ngày cận Tết khiến cho hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, người mua sắm không còn đủ cảm hứng để mua, người bán hàng xót ruột vì bán hàng không chạy.

Bà Tư, bán rau củ quả ở chợ Hội An – Việt Nam, chia sẻ: “Mấy bữa nay chợ ế ẩm quá, gần Tết mà chẳng có mấy người mua, ngồi cả ngày, giá các thứ đồ cũng tăng nên buôn bán khó khăn quá!”.

Giá xăng tăng đột ngột tại Việt Nam khiến cho nhiều tài xế taxi phải dở khóc dở cười bởi mới tải qua lũ lụt, trải qua thời gian khủng hoảng kinh tế, khách đi taxi ngày càng ít đi mà các hãng taxi lại mọc ra quá nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh giá cước gay gắt. Hầu hết các tài xế taxi hoạt động theo nguyên tắc ăn chia tỉ lệ 50/50 với các hãng và tài xế tự chịu nhiên liệu để chở khách. Gặp phải tình trạng hiếm khách, cộng với giá xăng tăng trong dịp Tết cận kề, điều ảnh ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của giới xế lái taxi.

Vương – tài xế taxi, chia sẻ: “Tụi em lái taxi như thế này là ăn chia với công ty, mình tự đổ xăng để chạy. Xăng tăng giá làm tụi em khốn đốn lắm. Nhiều bữa phải xin tiền gia đình để mua xăng bù lỗ, sinh hoạt cũng phải xin tiền gia đình…”.

Mặc dù giá xăng tăng quá khả năng chịu đựng nhưng hầu hết giới lao động tại Việt Nam đều phải dùng đến xăng. Bởi do đặc thù khoảng cách giữa nơi làm việc và nhà ở, do đường sá bụi bặm nên người ta trốn càng nhanh khỏi con đường càng tốt. Hầu hết các cây xăng vẫn hoạt động bình thường, sức bán vẫn không có sự giảm sút đáng kể.

Một nhân viên cửa hàng bán xăng dầu trực thuộc Petrolimex Việt Nam tỏ ra lạc quan: “Giá dầu có tăng chút đỉnh chứ giá xăng chưa tăng, nhìn chung thì việc tiêu thụ xăng dầu cũng chưa có gì thay đổi, người ta vẫn mua bình thường. Không có vấn đề gì”.

Thông tin giá xăng tăng ngay trong thời điểm Tết Nguyên Đán cận kề, sau hàng loạt vấn đề như đồng bằng Sông Cửu Long bị hạn mặn, biển miền Trung bị nhiễm độc, cả miền Trung bị ngập lụt, nhà cửa hư hại do xả đập thủy điện… cộng với kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, đời sống của người lao động Việt Nam thêm một lần nữa phải thắt lưng buộc bụng.

http://www.voatiengviet.com/a/gia-xang-tang-nguoi-lao-dong-them-chat-vat/3689071.html

 

Mỹ rút TPP, Việt Nam sẽ lệ thuộc TQ nhiều hơn

Chính quyền của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố một chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, mà khởi đầu là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuyên bố này được Nhà Trắng đưa ra ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump hôm thứ Sáu, 20/1, nêu rõ chiến lược thương mại của tân chính phủ: “Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi TPP và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mới cũng vì lợi ích của người lao động Mỹ.”

Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn cho VOA biết “Quyết định rút khỏi TPP ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho TPP, họ đào tạo cán bộ chuẩn bị cho hiệp định quan trọng này. Bây giờ tất cả phải dừng lại hết.”

Luật sư Định cho biết Việt Nam sẽ phải mất thêm thời gian nữa để thương thuyết cho các hiệp định song phương để thay thế TPP và “với chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump, thì điều kiện thương mại sẽ ngặt nghèo hơn đối với Việt Nam trong tương lai.”

Luật sư Định cũng cho biết ngay khi ông Trump sắp nhậm chức, Việt Nam đã dự báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi TPP, và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhanh chóng sang Trung Quốc mưu tìm sự hỗ trợ:

“Chính quyền đã ngay lập tức có một cuộc thương thuyết với Trung Quốc. Nhiều khả năng sẽ sớm ký một hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc. Rõ ràng việc rút khỏi TPP của Mỹ làm cho nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ nặng nề hơn. Chúng ta biết rằng lệ thuộc vào kinh tế sẽ lệ thuộc về chính trị.”

Ngoài ra, Luật sư Định nói rằng cơ hội có được công đoàn độc lập ở tuyến cơ sở và quyền lập hội của người dân theo như cam kết của Việt Nam trong TPP càng thêm mong manh:

“Việc rút khỏi TPP của chính phủ Hoa Kỳ khiến cho cơ hội mà người dân Việt Nam, người lao động Việt Nam có thể có được tổ chức công đoàn độc lập hoặc tổ chức xã hội dân sự càng xa vời hơn. Chỉ có những hiệp định thương mại có lợi cho Việt Nam như TPP thì mới có khả năng gắn chặt các chế tài nghiêm khắc, nếu Việt Nam vi phạm quyền lập hội và công đoàn độc lập.”

Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói: “Những thỏa thuận cứng rắn và bình đẳng về thương mại có thể được dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và đưa hàng triệu việc làm trở lại với nước Mỹ… Thông qua việc đạt được những thỏa thuận thương mại bình đẳng nhưng cứng rắn, chúng ta có thể đưa việc làm trở lại cho nước Mỹ, giúp tăng lương, bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ”.

Luật sư Định dự báo rằng các quyền lập hội và công đoàn độc lập ở những nước bên ngoài Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, có nhiều khả năng sẽ không được chính quyền của ông Trump đặt ưu tiên vì các chính sách của ông Trump cho thấy mọi hiệp định thương mại “phải bảo vệ người lao động trong nước Mỹ.”

Trong khi đó, theo luật sư Định, quyền tự do lập hội và quyền lập công đoàn độc lập là hai quyền then chốt, nhưng bây giờ nếu không có TPP thì Việt Nam sẽ sẵn sàng gạt bỏ hai quyền này. Trong tương lai, việc tranh đấu giành lấy quyền tự do lập hội và quyền lập công đoàn độc lập sẽ thêm khó khăn, luật sự Định nói:

“Sắp tới đây chúng ta sẽ rất khó khăn để tranh đấu cho hai quyền này được thực thi trên thực tế. Rõ ràng là như vậy. Hơn nữa chính phủ Việt Nam hiện nay không bị sự ràng buộc cụ thể từ chính phủ Hoa Kỳ, ngoại trừ hiệp định song phương BTA đã ký rất lâu và WTO nhưng hai hiệp định này thì rất lỏng lẻo, không tác động nhiều lắm đến quyền cơ bản của người lao động, và quyền lập hội như TPP. Vì vậy tôi cho rằng năm nay sẽ là một năm rất khó khăn của phong trào tranh đấu, bởi vì họ hoàn toàn có thể cứng rắn hơn để làm vừa lòng chính phủ Trung Quốc trong những cuộc biểu tình có thể có của người dân trong việc chống lại chính sách gây hấn của Trung Quốc.”

http://www.voatiengviet.com/a/my-rut-tpp-viet-nam-se-le-thuoc-tq-nhieu-hon/3688530.html

 

Người dân Vũng Áng đón Tết thế nào?

Anh Vũ, RFA

Sau những thiệt hại vì biển nhiễm độc do Formosa gây ra, Tết này người dân Vũng Áng sẽ ăn Tết như thế nào?

Không có việc làm, chưa được đền bù

Thảm họa môi trường biển miền Trung do sự cố môi trường của Formosa Hà Tĩnh gây ra vào tháng Tư năm 2016, đã đẩy hàng triệu người dân sống bám biển thuộc 4 tỉnh miền Trung lâm vào cảnh khó khăn khốn đốn. Và đến thời điểm năm hết Tết đến cũng vẫn như thế.

Ông Sang, một người dân ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh cho biết, vào lúc này, những ngày giáp Tết, nhưng không khí đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu ở khu vực Vũng Áng vẫn im lìm như ngày thường. Hầu hết mọi người không có việc làm, như ông cũng ngồi không ở nhà. Ông chia sẻ:

“Thường các năm bằng giờ này là náo nức lắm rồi, nào là lá gói, bánh chưng tất cả đã chuẩn bị đầy đủ rồi. Còn năm nay thì chưa có gì. Tết nhất gì nữa, nhiều người họ còn phải đi kiếm gạo ăn cho qua ngày đấy.”

Theo chị Xoan, ở Đông Yên, Vũng Áng cho biết, đã qua ngày 23 tháng Chạp – ngày tiễn ông Công, ông Táo về Trời, song gia đình chị cũng như bà con chòm xóm cũng chưa có điều kiện để chuẩn bị đón tết, dù rằng chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết.

Theo chị, cho đến lúc này tiền đền bù sự cố biển độc vẫn chưa được nhà nước chi trả. Chị nói:

“Bây giờ bà con ở đây hoàn cảnh hết sức khó khăn, tiền bạc không có, ngày Tết đến rồi nhưng chính quyền vẫn chưa trả tiền đề bù. Tình hình tế thì chả có gì, các năm bây giờ thì đã rộn dịp lắm rồi. Còn năm nay, ở chỗ tôi chưa có động tĩnh gì là ngày tết cả, vẫn như ngày thường thôi”

Biền chết, làm sao ăn Tết?

Ông Sang cho biết lý do năm nay các gia đình làm nghề và sống bám biển không có điều kiện tổ chức ăn tết như mọi năm, vì biển chết nên bà con không có thu nhập nên không có tiền mua sắm tết. Ông chia sẻ:

“Ăn Tết bây giờ thì bà con không có tiền mua hàng, vì nghề biển không đi thì thu nhập không có. Thu nhập không có thì người ta lấy đâu ra tiền để ăn Tết?”

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn như vậy, nhưng theo chị Xoan mọi người vẫn cố gắng xoay xở có chút tiền để đón tết cổ truyền, dẫu rằng trong hoàn cảnh vô cùng túng quẫn. Chị nói:

“Tết cổ truyền thì kiểu gì cũng phải có, song quan trọng là lấy gì để tiêu bán, mua sắm cho con cái? Sang năm chắc còn khó khăn hơn, không biết làm ăn ra sao, lấy gì mà ăn đây? Như vợ chồng tôi từ ngày cá chết thì cũng treo túi và sắp chết đói rồi.”

Hy vọng Năm Mới

Khi được hỏi về những nguyện ước cho một mùa Xuân mới Đinh Dậu, anh Thành một người dân cho biết, dân chúng ở đây đa số là sống bám biển nhiều đời nay.

Biển nhiễm độc thì người dân cũng đã trắng tay, hy vọng duy nhất của anh là mong biển sạch trở lại để bà con có thể trở lại cuộc sống bình thường. Anh bày tỏ:

“Bây giờ chỉ có một mong muốn duy nhất, là làm sao cho biển sạch trở lại để được làm ăn như trước. Biển hết độc để người dân có thể nuôi tôm, nuôi cá.”

Còn chị Xoan cho rằng, nguyện vọng chung của mọi người dân ở đây là, chính quyền cần sớm có biện pháp khôi phục để trả lại một môi trường biển trong sạch như xưa. Chị nói:

“Nguyện vọng của tôi cũng như người dân là muốn Chính phủ khôi phục lại môi trường sạch cho người dân làm ăn. Vì ở đây, hầu hết người dân đều sống bám vào biển.”

Những người dân ở khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trao đổi, đều có chung một khát khao là làm sao biển mau sạch trở lại, để họ có thể sống một cuộc sống bình thường như trước khi biển nhiễm độc.

Đồng thời họ cũng cho biết, trong long họ luôn canh cánh nỗi lo về một thảm họa tương tự của Formosa Hà Tĩnh sẽ ập xuống đầu họ bất cứ lúc nào.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vung-ang-people-celebrate-tet-av-01242017145742.html