‘Người Việt đang cực kỳ lạc quan về viễn cảnh kinh tế năm 2017’?
23/01/2017
“Đất nước mình có bao giờ được thế này không!” – lời ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đồng Cảm |
“Người Việt đang cực kỳ lạc quan về viễn cảnh kinh tế năm 2017” là tựa đề cực kỳ trơ trẽn của một tờ báo nhà nước, khi dẫn lại kết quả nghiên cứu của một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm là Indochina Research, trong khuôn khổ cuộc điều tra cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia.
Không chỉ “Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017”, Indochina Research còn công bố “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%”.
Để đối chiếu, hãy nhìn lại một kết quả khác của Liên hiệp quốc. Tháng 3-2016, Liên hiệp quốc cũng đã công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc, trong đó Việt Nam đứng thứ 96. Nhưng đánh giá về 2 bảng xếp hạng được công bố cách nhau không lâu, một chuyên gia nhà nước là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết ngay cả ở hạng 96, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét kết quả xếp hạng khá phiến diện, sẽ làm nhiều người bị… ru ngủ. Theo Tiến sĩ Hồng, nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ: từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…
“Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam” – Tiến sĩ Hồng bày tỏ.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về hạnh phúc thì đó đúng là giấc mơ, nhưng thực tế thì không phải như vậy: “Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?”.
Cần nói thêm, kết quả “lạc quan và hạnh phúc” của Indochina Research nêu ra, và được báo chí nhà nước tung hô diễn ra trong bối cảnh nợ công, nợ xấu ngập đầu, ngân sách gần như cạn kiệt, thảm họa Formosa, thảm họa xả lũ miền Trung và rất nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê trong Tết 2017.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền Việt Nam đã tung ra hàng triệu đô la mỗi năm để “quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, trên một số tờ báo nước ngoài và cả chi cho tổ chức nghiên cứu quốc tế. Thậm chí còn có dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để “mua” một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược.
Lê Dung
(SBTN)