Tin khắp nơi – 21/01/2017
TT Trump thăm trụ sở CIA sau khi đi lễ tại Nhà thờ Quốc gia
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ bỏ một phần thời giờ trong ngày làm việc đầu tiên hôm thứ Bảy 21/1 để đến thăm Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), một trong những cơ quan tình báo Mỹ mà ông đã có bất đồng trong thời gian qua.
Chuyến thăm đã được Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer xác nhận trên trang Twitter hôm nay.
Ông Trump trong thời gian gần đây đã chỉ trích CIA và các cơ quan tình báo khác về tuyên bố của họ liên quan tới vụ tin tặc do Nga thực hiện. Trong mấy tuần qua, ông Trump cáo buộc CIA là làm lộ một hồ sơ – chưa được kiểm chứng, theo đó Nga nắm trong tay những thông tin nhạy cảm do họ thu thập để có thể sử dụng để chi phối ông Trump.
Ông Trump đến thăm Cơ quan Tình báo Trung ương sau khi các dân biểu Đảng Dân chủ trong quốc hội thành công trong cố gắng trì hoãn việc chuẩn thuận dân biểu Mike Pompeo, người được ông Trump đề cử vào chức vụ Giám Đốc CIA. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà lên án cố gắng này của Đảng Dân Chủ, nói rằng làm như thế đã đẩy cơ quan tình báo này vào tình trạng không có lãnh đạo trong cuối tuần này.
Trước khi đi thăm CIA, Tổng thống Mỹ mới nhậm chức đã đến dự lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Quốc gia cùng với gia đình và Phó Tổng thống Mike Pence cùng phu nhân Karen.
Trong ngày thứ nhì từ khi nhậm chức, một cuộc biểu tình phản đối một số chính sách của ông Trump thu hút đông đảo người tham dự ngay tại quảng trường quốc gia, tại chính địa điểm nơi ông làm lễ tuyên thệ nhậm chức ngày hôm qua.
Tuần hành của Phụ nữ ở thủ đô Washington
sắp khởi sự về hướng Toà Bạch Ốc
Những người tham gia cuộc Tuần hành của Phụ nữ tại thủ đô Washington đã bắt đầu di chuyển về hướng Toà Bạch Ốc sau một cuộc tập họp năng động kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ, khi các đám đông hò reo để hưởng ứng các diễn giả, gồm các ngôi sao trong ngành truyền thông và các nhà đấu tranh cho nữ quyền.
Một rừng mũ màu hồng từ địa điểm tập hợp ở góc đường số 3 và đại lộ Independence, đã túa ra khắp mọi hướng. Các phóng viên VOA có mặt tại hiện trường tường thuật rằng đại lộ Independence đông kín người cho mãi tới đường số 14, và đám đông lan rộng về hướng Bắc từ địa điểm này.
Ban tổ chức nói họ dự kiến nửa triệu người tham gia cuộc tuần hành mà theo ấn định sẽ kết thúc tại Toà Bạch Ốc.
Quan sát đám đông hôm nay, đạo diễn Michael Moore nói bất kể mục tiêu của cuộc tuần hành là gì, thì “chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu đó.”
Bà Gloria Steinem, biểu tượng của phong trào nữ quyền nói với đám đông: “Đôi khi chúng ta phải dấn thân để khẳng định những niềm tin của chính mình. Đôi khi ngồi nhà viết email rồi bấm vào nút ‘send’ để gửi đi, là không đủ.”
Trước đó, phát biểu trước đám đông, nữ diễn viên gốc Latinh America Ferrera tuyên bố: “Chúng ta là nước Mỹ”, và: “Chúng ta sẽ không thay đổi từ một quốc gia của di dân thành một quốc gia của sự ngu dốt”.
Cuộc tuần hành diễn ra 1 ngày sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump. Mục đích là để phản đối các chính sách của Tổng thống Trump, và bênh vực các quyền của phụ nữ.
Các xe buýt và hệ thống xe điện ngầm đông nghẹt người và trong một số trường hợp, phải đóng cửa một số các trạm dừng.
Tới 11g sáng, 275,000 người đã sử dụng hệ thống xe điện ngầm. So với cùng thời điểm này, hôm qua, ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Trump, chỉ có 193,000 người đi xe điện ngầm. Các giới chức thành phố cho biết là ngoài ra, còn có 1,800 xe buýt thường hoạt động ở các vùng ngoại ô đã đăng ký xin sử dụng bãi đỗ xe trong nội ô thành phố hôm thứ Bảy. Điều đó có nghĩa là có tới 100,000 người đã tới được trung tâm thành phố bằng xe buýt.
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm qua, Tổng thống Trump cam kết sẽ lãnh đạo một chính phủ dựa trên ý dân. Ông tuyên bố:
“Chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ chính quyền này sang chính quyền khác, hay từ đảng này sang đảng khác – mà chúng ta chuyển giao quyền lực từ thủ đô Washington, sang cho quý vị, cho nhân dân Mỹ.” Ông nói thêm rằng: “Ngày hôm nay là ngày của tất cả những người hiện diện ở đây hôm nay, và của tất cả mọi người đang theo dõi từ khắp nơi trên nước Mỹ. Hôm nay là ngày của quý vị. Đây là lễ ăn mừng của quý vị. Đây là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, là đất nước của quý vị.”
Lời tuyên bố đó dường như không thuyết phục được những người biểu tình đông đảo tập hợp ngày hôm nay để phản đối nhà lãnh đạo mới của Mỹ.
Ban tổ chức cho biết 673 cuộc tuần hành tương tự đã được lên kế hoạch trên khắp nước Mỹ tại các thành phố lớn như New York, San Francisco và Boston. Nhiều thành phố lớn khác của thế giới cũng tổ chức tuần hành để tỏ tình đoàn kết.
Tân Tổng thống Trump ký các văn kiện đầu tiên
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã ký các văn kiện đầu tiên, chính chức công nhận ông là Tổng tư lệnh của quân lực Hoa Kỳ.
Theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer, ông Trump đã ký một dự luật cho phép Tướng hồi hưu James Mattis nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Mattis đã nghỉ hưu cách đây 3 năm rưỡi, sau hơn bốn thập niên phục vụ quân đội.
Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 quy định phải giải ngũ 7 năm mới được bổ nhiệm vào nội các. Vào tuần trước, Quốc hội đã dọn đường để đẩy nhanh tiến trình chuẩn thuận Tướng Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, bằng cách hậu thuẫn giải pháp cho ông được miễn áp dụng quy định liên hệ, để ông có thể được đưa vào vị trí lãnh đạo Ngũ Giác Đài, cho dù ông giải ngũ vào năm 2013.
Ông Spicer còn loan báo trên trang Twitter cho biết tân tổng thống Trump còn ký hai văn kiện đề cử nhân sự chính thức và một văn kiện tuyên bố ngày Quốc gia Yêu nước.
Chứng kiến lễ ký các văn kiện này có các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội, thủ lãnh nhóm thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, và các thành viên gia đình ông Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/tan-tong-thong-trump-ky-cac-van-kien-dau-tien/3685922.html
Tân chính quyền Mỹ đặt ưu tiên hàng đầu
chống Hồi giáo khủng bố
Đánh bại ‘các nhóm Hồi giáo khủng bố cực đoan’ là mục tiêu chính sách hàng đầu của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo loan báo đăng tải trên Tòa Bạch Ốc không lâu sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm 20/1, tân Tổng thống đã hứa sẽ ‘đoàn kết thế giới văn minh chống lại khủng bố Hồi giáo cực đoan.’
Trong thông cáo nhan đề “Chính sách Đối ngoại Nước Mỹ hàng đầu”, chính quyền của tân Tổng thống nhấn mạnh “Đánh bại ISIS và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác sẽ là ưu tiên tối cao của chúng ta.”
Để đánh bại và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo và các nhóm tương tự, tân chính quyền Mỹ cho biết sẽ ‘theo đuổi các hợp tác quân sự chung và liên minh khi cần thiết,’ nỗ lực cắt đứt nguồn quỹ tài trợ cho các nhóm khủng bố, mở rộng chia sẻ thông tin, và dùng ‘cuộc chiến mạng’ gây gián đoạn các nỗ lực tuyển mộ và tuyên truyền của các nhóm.
Thông cáo Tòa Bạch Ốc cũng dường như báo hiệu một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, điều mà ông Trump từng tuyên bố sẽ theo đuổi. ‘Chúng ta luôn vui lòng khi cựu thù trở thành bạn và khi những người bạn cũ trở thành đồng minh,’ thông cáo viết.
Ngoài ra, thông cáo cũng nhắc lại lời cam kết của ông Trump lúc tranh cử rằng sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Thông cáo nêu rõ ‘Các chính sách thương mại sẽ được thực thi bởi người dân và vì người dân, và sẽ đặt nước Mỹ lên hàng đầu.’
Vợ, phụ tá của ông Trump
thu hút sự chú ý với lựa chọn thời trang
Tân đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump gợi nhớ tới biểu tượng thời trang Jacqueline Kennedy hôm thứ Sáu trong ngày lễ nhậm chức của chồng Donald Trump.
Bà Trump, 46 tuổi, cựu người mẫu đầu tiên trở thành Đệ nhất Phu nhân, chọn áo khoác cắt lửng màu xanh lơ quấn ngang cổ của nhà thiết kế người Mỹ Ralph Lauren với bộ váy cùng màu làm trang phục dự lễ nhậm chức tại Washington.
Nhưng bộ trang phục thu hút nhiều sự chú ý nhất là của Kellyanne Conway, một phụ tá cao cấp của Tổng thống Donald Trump. Bà đội chiếc mũ đỏ rực, mặc áo khoác hai màu màu xanh dương và trắng với hàng nút bằng đồng thau gợi nhớ đến thời Cách mạng Mỹ.
Ngược lại trang phục của bà Trump, cũng được phối với găng tay dài cùng tông màu, giày gót nhọn và tóc bới cao buộc nhẹ, gợi nhớ tới những năm 1960.
Tạp chí thời trang Elle nói lựa chọn của bà Melania “gần giống hệt” phong cách của bà Kennedy trong ngày nhậm chức của chồng vào năm 1961.
Bộ trang phục này, như những bộ váy khác mà các đệ nhất phu nhân từng mặc trong ngày lễ nhậm chức, sau đó sẽ được đưa vào Viện bảo tàng Smithsonian để trưng bày.
Trang phục của bà Melania Trump trong Ngày Nhậm chức trước đó đã là chủ đề đồn đoán của nhiều người sau khi những nhà thiết kế hàng đầu như Tom Ford, Marc Jacobs và những người khác công khai nói rằng họ sẽ không thiết kế trang phục cho cựu người mẫu cao 1 mét 8 này trong ngày trọng đại của bà vì họ chống đối những chính sách của chồng bà.
Ralph Lauren cũng từng thiết kế những bộ âu phục nữ mà đối thủ của ông Trump, Hillary Clinton, mặc trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016 và cả bộ mà bà mặc trong Ngày Nhậm chức hôm thứ Sáu.
Bà Melania Trump bắt đầu sự nghiệp bằng việc làm người mẫu thiếu niên ở quê nhà Slovenia của bà và hình ảnh của bà đã được đăng trên trang bìa của những tạp chí thời trang lớn như Vogue và GQ.
Đài Loan mong siết chặt quan hệ với Mỹ
dưới thời Tổng thống Trump
Đài Loan bị cô lập về ngoại giao mong hợp tác quân sự nhiều hơn và có thêm những chuyến viếng thăm cấp cao từ Hoa Kỳ dưới thời ông Donald Trump dù đôi dường như đang xúc tiến cẩn trọng để tránh những phản ứng bất lợi từ Trung Quốc.
Trong những bình luận trong tuần rồi, ông Trump cho biết sẵn lòng với việc thương thuyết lại chính sách của Mỹ cấm xem Đài Loan tự trị là một quốc gia. Trung Quốc, nước tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan, đã phản ứng một cách giận giữ, trong đó có yêu cầu một phái đoàn không chính thức của Đài Loan không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.
Các nhà phân tích tại Đài Bắc và Mỹ kỳ vọng chính quyền ông Trump sẽ làm việc với Trung Quốc về chính sách “một nước Trung Hoa” đối với Đài Loan, thuật ngữ chính trị của Bắc Kinh.
Nhưng đồng thời ông Trump sẽ xây dựng một mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan đã có kể từ những năm 1970, đặc biệt nếu điều đó có lợi cho doanh thương. Washington cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979 để đổi lấy quan hệ với Trung Quốc một nước lớn hơn và đang phát triển nhanh chóng.
Trung Quốc ngăn trở hơn 170 đồng minh ngoại giao không được đối xử Đài Loan như một quốc gia, và chỉ có 21 nước chính thức công nhận Đài Loan. Bắc Kinh chỉ muốn mang Đài Loan về dưới cờ của nước này dù có sự chống đối sâu rộng tại Đài Loan.
Viễn ảnh của mối quan hệ với Hoa Kỳ bất chợt mạnh mẽ hơn làm nhiều người Đài Loan nức lòng nhưng khiến Trung Quốc lo ngại sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn điện đàm với ông Trump ngày 2 tháng 12 năm ngoái. Hai bên thảo luận về an ninh và vị thế quốc tế của Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn vẫn hy vọng tránh khiêu khích Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa cuộc điện đàm của ông Trump bằng cách thuyết phục một đồng minh của Đài Loan ngả theo Trung Quốc, và đưa tàu sân bay Trung Quốc tiến gần Đài Loan trong tuần trước.
Tăng cường các cuộc tiếp xúc quân sự – bao gồm việc bán vũ khí cho Đài Loan – các chuyến viếng thăm cấp cao và gia tăng thương mại sẽ làm Trung Quốc khó chịu, nhưng đây là những điều các chính phủ trước đây của Hoa Kỳ đã làm đối với Đài Loan.
Hoa Kỳ là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan và đồng ý bán một số lớn vũ khí cho Đài Loan trong năm 2010 và 2015.
Ông Trump nói ông chống lại những thỏa thuận thương mại đa quốc như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước, tạo nên hy vọng tại Đài Loan là ông Trump có thể thay vào đó cứu xét thương mại song phương hay những thỏa thuận đầu tư có ý nghĩa về kinh tế đối với các công ty Mỹ.
Biểu tình chống TT Trump trở nên bạo động,
200 người bị bắt
Biểu tình chống TT Trump trở nên bạo động, 200 người bị bắt
Những người biểu tình trong ngày nhậm chức của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu 20/1 đã đập vỡ cửa kính của các cửa hàng, đốt xe cộ, chặn các chốt kiểm soát an ninh và gây thiệt hại vật chất giữa lúc những người ủng hộ chào mừng tân Tổng thống Mỹ.
Cảnh sát thủ đô Washington cho hay họ đã bắt giữ ít nhất 217 người trong ngày.
Hàng trăm người biểu tình kéo nhau xuống đường hôm thứ Sáu, với những mục đích khác nhau. Một số giương biểu ngữ và phản đối ôn hoà trong khi các nhóm khác xung đột với cảnh sát bằng cách ném đá và chai lọ.
Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và lựu đạn choáng.
Có lúc một chiếc xe limousine bị phóng hoả làm những cột khói bốc lên không tại một địa điểm chỉ cách đoàn diễu hành của ông Trump có vài dãy phố.
Trước đó, một nhóm người biểu tình mang mặt nạ đã đập vỡ cửa kính của một chi nhánh Ngân hàng America, và một tiệm McDonald’s. Một nhóm người phóng hoả đốt nhiều thùng rác gần Toà Bạch Ốc.
Một nhóm gồm 75 người biểu tình mặc trang phục màu đen bị cảnh sát bao vây tại cổng vào của một toà văn phòng giữa lúc ông Trump đang tuyên thệ nhậm chức. Hành động này dẫn đến một cuộc đôi co trước khi cảnh sát bắt giữ được những người biểu tình.
Quyền Cảnh sát trưởng vùng thủ đô Washington nói rằng trong số nhóm biểu tình này có người trang bị bằng thanh sắt và búa.
Những người biểu tình nói họ có mặt là để phản đối các chính sách của ông Trump và những điều mà họ lo sợ sẽ xảy ra dưới chính quyền của ông Trump.
Trước đó độ 1 giờ, một nhóm biểu tình ủng hộ các quyền của thổ dân Mỹ phong toả một chốt kiểm soát an ninh dẫn đến quảng trường quốc gia. Họ dùng những sợi dây xích và một rừng người biểu tình để chặn đường những người ủng hộ ông Trump mang mũ với khẩu hiệu của ông, là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Cảnh sát đã cắt những sợi dây xích và bảo vệ những người tham gia lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ.
Cảnh sát cho hay 6 nhân viên cảnh sát bị thương trong các cuộc biểu tình xảy ra trong ngày.
Nguồn tin này cho biết những người bị bắt giữ sẽ bị câu lưu qua đêm và sẽ xuất hiện trước toà vào ngày hôm sau, thứ Bảy về tội danh biểu tình bạo động.
Vào lúc mặt trời bắt đầu lặn, những người biểu tình đốt một lửa trại lớn chỉ cách Toà Bạch Ốc có vài dãy phố. Cảnh sát cho biết vẫn tiếp tục giám sát an ninh quanh các địa điểm tổ chức các lễ lạc mừng ngày nhậm chức của Tổng thống Trump.
Ước tính có khoảng 900.000 người tập trung tại Quảng trường Quốc gia đối diện Điện Capitol, nơi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Cuộc biểu tình lớn nhất dự kiến diễn ra vào ngày 21/1 mang tên Cuộc tuần hành của Phụ nữ với trên dưới 200.000 người tham gia.
http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-bao-dong-chong-trump-trong-ngay-le-nham-chuc/3685265.html
Dân chúng một số nước biểu tình phản đối ông Trump
Khoảng 200 thành viên của những tổ chức tranh đấu tập trung tại 9 cây cầu khác nhau dọc theo sông Thames ở London, thủ đô Anh Quốc, vào sáng sớm để treo các biểu ngữ với các thông điệp như “Xây cầu không xây tường” và “Đoàn kết chống lại nỗi lo sợ Hồi giáo”.
Tại Manila, thủ đô Philippines, hàng trăm người biểu tình do các nhà hoạt động cánh tả dẫn đầu tuần hành đến tòa đại sứ Mỹ, yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte phải cảnh giác đối với ông Trump và giữ chính sách đối ngoại độc lập trong quan hệ với Mỹ.
Hô to khẩu hiệu “Bỏ ông Trump”, những người biểu tình đốt cờ Mỹ gần tòa đại sứ và cũng yêu cầu Mỹ rút binh sĩ và những căn cứ khỏi Philippines.
Trước đó tại Sri Lanka, một nhóm nhỏ nhưng ồn ào tụ tập bên ngoài tòa đại sứ Mỹ, mang theo các biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu lên án những nhận xét của ông Trump về những vấn đề trong đó có môi trường, chiến tranh và di dân.
Cảnh sát tăng cường an ninh bên ngoài tòa đại sứ Mỹ ở Colombo trong lúc có không đến 100 người thuộc các chính đảng, những tổ chức nhân quyền và lao động biểu tình trong hơn một giờ đồng hồ.
Tuy nhiên có những người khác hoan nghênh ông Trump, trong đó có một trong những tổ chức Phật giáo đăng quảng cáo nguyên trang báo chúc ông sống lâu.
Một tổ chức Hindu cánh hữu trước đây trong tuần cho biết sẵn sàng chào mừng ông Trump “đăng quang” vào ngày thứ Sáu, gọi ông là “Vua của thế giới”.
Những thành viên của Hindu Sena, hay quân đội tại Ấn Độ, đặt một tràng hoa lên một bức ảnh được cắt ra của ông Donald Trump và chấm dấu đỏ trên trán hay còn gọi là tika để chúc ông may mắn.
Tại Budapest, những người ủng hộ Thủ tướng Viktor Orban của Hungary dự trù tổ chức tiệc trên đường phố vào chiều thứ Sáu để chào mừng lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
Năm diễn giả trong đó có ông Zsolt Bayer, một nhà văn nổi tiếng nhắm vào người Roma và di dân, sẽ đọc diễn văn tại buổi sinh hoạt có tên là “tiệc mừng lễ nhậm chức cho một trật tự thế giới tốt đẹp hơn”.
Là một nhà lãnh đạo duy nhất của EU ủng hộ những chính sách di dân của ông Trump, ông Orban đã đặt Hungary lên tuyến đầu của cánh chống đối di dân một cách mạnh mẽ của châu Âu trong cuộc khủng hoảng di dân 2015-2016.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân xá Quốc tế đưa ra một tuyên bố lúc ông Trump chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc, cảnh báo là nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể đánh dấu sự thụt lùi trong cuộc tranh đấu cam go vì tự do tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Vài trăm người, hầu hết là những người Mỹ sống ở nước ngoài, tổ chức biểu tình chống Tổng thống tân cử Donald Trump tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản vào ngày thứ Sáu, vài giờ trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tại Washington.
Các nhà hoạt động bênh vực quyền của phụ nữ dự trù tổ chức biểu tình tại các thành phố khác nhau ở châu Á vào ngày thứ Bảy, một ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/dan-chung-mot-so-nuoc-bieu-tinh-phan-doi-ong-trump/3685244.html
Thủ lãnh các phong trào cực hữu Âu châu tụ tập tại Đức
Các thủ lãnh của những nhóm cực hữu theo dân tộc chủ nghĩa đến từ nhiều nước Âu châu đã tụ họp tại Đức hôm thứ Bảy 21/1 để trình bày những ý kiến của họ về cái gọi là “Một châu Âu tự do” sẽ đạp đổ Liên minh châu Âu và khởi đầu một năm trong đó họ dự báo sẽ có nhiều biến động giúp họ đạt được những kết quả bầu cử bất ngờ như ông Trump đã làm tại Hoa Kỳ.
Hội nghị quy tụ bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Quốc gia và là người hy vọng có thể giành được chiếc ghế tổng thống Pháp, ông Geert Wilders thuộc Đảng Tự do (PVV) của Hà Lan, ông Matteo Salvini thuộc đảng Liên đoàn phía Bắc Italia, ông Frauke Petry thuộc đảng Alternative của Đức (AFG) và một đại diện của Đảng Tự do của Áo.
Đảng Tự do, với lập trường chống Hồi giáo của ông Wilders, có thể giành chiến thắng với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan ngày 15/3 năm nay. Bà Le Pen là một trong những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4 và tháng 5. Vào tháng 9, đảng Alternative của ông Petry hy vọng sẽ thắng cử vào quốc hội Đức.
Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào năm ngoái, các nhà lạnh đạo theo chủ nghĩa dân túy càng ngày bị ảnh hưởng với xu hướng này. Hội nghị của họ có khẩu hiệu “Tự do cho châu Âu.” Mục tiêu là để tăng cường mối quan hệ giữa các đảng chính trị có cùng tư tưởng.
Ban tổ chức cho biết hội nghị hôm thứ Bảy sẽ giúp liên kết “các chính trị gia hàng đầu của một châu Âu mới”.
http://www.voatiengviet.com/a/thu-lanh-cac-phong-trao-cuc-huu-au-chau-tu-tap-tai-duc/3686078.html
Thủ tướng Đức cam kết với Hoa Kỳ
thương mại và chi tiêu quân sự
Schontal, Đức. (Reuters) – Thủ Tướng Đức Angela Merkel cam kết tìm kiếm sự thỏa hiệp với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như thương mại và chi tiêu cho quân sự.
Bà nói thêm rằng bà sẽ làm việc để bảo tồn mối quan hệ quan trọng giữa Âu Châu và Hoa Kỳ. Tại cuộc họp báo ở thành phố Schoental, bà Merkel có giọng điệu hòa giải với ông Trump hơn là phó Thủ Tướng Sigmar Gabriel. Hôm qua, ông Gabriel tuyên bố Đức nên chuẩn bị một con đường khó khăn dưới thời tân tổng thống Hoa Kỳ. Mối quan hệ với Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, có thể là một chủ đề nóng trong cuộc vận động bầu cử trong những tháng tới, trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9. Nhà lãnh đạo bảo thủ của Đức, đang tái tranh cử nhiệm kỳ bốn và có mối quan hệ gần gũi với cựu tổng thống Barack Obama, được các thành phần cấp tiến trên toàn Đại Tây Dương coi như là một tiếng nói của lẽ phải để cân bằng với các đảng dân túy đang ngày càng phát triển ở Âu Châu.
Ông Trump từng chỉ trích quyết định của bà Merkel vào năm 2015, mở cửa biên giới Đức cho người tị nạn chạy trốn chiến tranh và xung đột. Ông tin rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia rời Liên Âu sau Anh và liên minh quân sự NATO đã lỗi thời. Nhiều nguồn tin chính phủ Đức trong tuần này nói với hãng tin Reuters rằng bà Merkel đang lên lịch để gặp ông Trump vào mùa Xuân. (Nguyên Trân)
http://www.sbtn.tv/thu-tuong-duc-cam-ket-voi-hoa-ky-thuong-mai-va-chi-tieu-quan-su/
Hàn Quốc : Bộ trưởng Văn Hóa
bị bắt khẩn vì “danh sách đen nghệ sĩ”
Đăng ngày 21-01-2017 Sửa đổi ngày 21-01-2017 14:45
Một tòa án tại Seoul vào hôm nay, 21/01/2017, xác nhận vừa ra lệnh bắt giam bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Cho Yoon Sun vì liên quan tới cáo buộc lập một danh sách đen bao gồm gần 10.000 văn nghệ sĩ, bị cho là chỉ trích chính quyền của tổng thống Park Geun-hye. Đây là bộ trưởng đương nhiệm đầu tiên bị bắt giam.
Theo các công tố viên Hàn Quốc, tội danh của nữ bộ trưởng Văn Hóa đã được « chứng thực và có nhiều lo ngại rằng các nghi phạm có thể phá bỏ bằng chứng », do đó cần phải bắt giam khẩn cấp.
Ngay từ ngày 18/01, bên công tố đã đề nghị tòa án ra lệnh bắt giữ bà Cho Yun Sun và cựu chánh văn phòng phủ tổng thống về tội danh lạm quyền và khai man. Ông Kim Ki Choon đã bị bắt giữ trước bà Cho Yun Sun.
Hai người này bị tình nghi là đã chỉ đạo việc lập ra một danh sách đen bao gồm các nghệ sĩ, nhà văn và những người khác hoạt động trong lĩnh vực văn hóa bị đánh giá là chỉ trích chính quyền đương nhiệm. Bà Cho và ông Kim lần lượt bị thẩm vấn từ ngày 17 tới 18/1 về cáo buộc chỉ đạo việc lập danh sách đen.
Đây là một danh sách đen gồm gần 10.000 tên, trong đó có đạo diễn Park Chan Wook, từng đoạt giải tại Liên Hoan Phim Cannes vào năm 2004, hay nhà văn Han Kang, từng thắng giải Man Booker quốc tế về văn học.
Cho đến nay, Phủ tổng thống Hàn Quốc luôn phủ nhận sự tồn tại của danh sách đen đó, riêng bà bộ trưởng Văn Hóa thì khai rằng đã từng nghe nói tới một sổ đen, nhưng chưa hề chỉ đạo việc lập danh sách đó.
Đối với nhóm công tố viên phụ trách điều tra vụ việc, hành động lập danh sách đen xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, và nhóm này đang tìm hiểu xem tổng thống Park Geun-hye có tham gia vào việc lập ra danh sách này hay không.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170121-han-quoc-bo-truong-van-hoa-bi-bat-khan-vi-danh-sach-den-nghe-si