TIN ÐẶC BIỆT VỀ TT HOA KỲ DONALD TRUMP 21.01.2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

TIN ÐẶC BIỆT VỀ TT HOA KỲ DONALD TRUMP 21.01.2017

Phản hồi từ người Việt trong nước về tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

21.01.2017

Donald Trump là vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, đối với người Á Đông, số 45 là con số thiêng, nó hàm chứa quá trình biến thiên và trùng khởi của dãy số tự nhiên, trong đó, sự trùng khởi của các quẻ trong bát quái cũng rơi vào con số 45. Điều này mang hàm ý có một chu kỳ mới đang mở ra. Liệu vị Tổng thống thứ 45 với những cá tính khá đặc biệt cùng với một nội các khá mới mẽ và cũng đầy cá tính này có làm thay đổi thế giới?

Mặc dù cách xa Hoa Kỳ gần nửa vòng trái đất, và mối quan hệ Mỹ – Việt cũng không gần gũi, đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…nhưng mối quan tâm của người dân Việt Nam đối với chuyện ai là Tổng thống Hoa Kỳ lại hết sức đặt biệt.

Bà Vũ Thị Cẩm Vân, doanh nhân tại Đà Nẵng, chia sẻ: “Theo tôi, việc một người có tuổi đời và kinh nghiệm khá cao và có trí thông minh, có sức năng động của một doanh nhân tài giỏi lên làm Tổng thống một quốc gia giữ vị trí siêu cường quốc là một tin mừng! Bởi vì hơn ai hết, ông Donald Trump có ý chí của một người làm kinh tế từng trải qua nhiều thăng trầm, và có sự thông minh, nhạy bén của một doanh nhân thành đạt, bên cạnh đó, ông có những cá tính đặc biệt, điều này dẫn đến những quyết định có tính đột phá của ông. Tôi tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ có nhiều biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. Và chính sách đối ngoại của ông Trump cũng cho thấy thế giới sẽ có những thay đổi đáng kể…”.

Đà Nẵng và Sài Gòn là những thành phố có số người Mỹ đến đây làm việc nhiều nhất trong những năm trước 1973. Mối quan tâm của người dân Đà Nẵng đối với các kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu mặc dù đã có một thời ngăn sông cấm chợ trong mọi vấn đề liên quan đến Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump thắng cử lần này cũng là một đề tài nóng trong giới trí thức, văn nghệ ở đây.

Nghệ sĩ thạch ảnh Lê Nguyên Vỹ – Đà Nẵng, chia sẻ: “Khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, có nhiều người vui vì tin này mà cũng có nhiều người buồn vì tin này. Người vui vì thấy ông Trump có cá tính, có những phát biểu mạnh miệng và có những quyết định liên quan đến Biển Đông, họ hi vọng rằng ông Trump sẽ can thiệp mạnh tay hơn về vấn đề biển Đông. Nhưng những người trầm tĩnh thì lại thấy buồn vì rất có thể ông Trump sẽ bán đứng Việt Nam cho Trung Quốc…”.

Riêng với giới trí thức trẻ, đặc biệt là những trí thức quan tâm đến môi trường, thiên nhiên và xã hội ở Việt Nam, vấn đề ai làm Tổng thống của một siêu cường có khả năng chi phối các đối tác trên thế giới như Hoa Kỳ luôn là vấn đề họ quan tâm hàng đầu. Một số bạn trẻ xem vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là một Tổng thống Hậu Hiện Đại với phong cách và cá tính đủ mạnh để phá vỡ mọi đại tự sự về chính trường của Hoa Kỳ qua nhiều thập kỉ nay.

Ký giả Uyển Ca – Huế – Việt Nam, là người viết nhiều bài phân tích về mối quan hệ Việt – Mỹ với nhiều bút danh khác nhau, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc ông Trump đắc cử và đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy lần này, vấn đề chính trường Hoa Kỳ đã phá vỡ các đại tự sự về chính trị. Với khả năng nhạy bén của một doanh nhân, sự sắc sảo, thông minh và đầy cá tính của ông Trump sẽ làm cho nước Mỹ thay đổi và thế giới cũng thay đổi theo. Bởi dù sao đi nữa, quy luật nước mạnh dẫn dắt thế giới vẫn còn đúng cho đến thời điểm này. Hơn nữa, vấn đề Biển Đông là vấn đề mà hầu hết các đời Tổng thống Hoa Kỳ đều ngại nhắc đến, họ đã tránh trớ một cách khéo léo, trong khi đó, ông Trump đặt thẳng vấn đề về Biển Đông và nội các của ông cũng vậy. Đặc biệt, nội các của ông Trump hầu hết là những doanh nhân, các tỉ phú và triệu phú của Hoa Kỳ, họ đã từ bỏ các tập đoàn để chuyên tâm vào nhiệm vụ chính trị. Tôi tin là thế giới sẽ thay đổi, theo chiều kích nào thì chưa đoán được!”.

Một kỷ nguyên mới của Hoa Kỳ được mở ra mà trong đó, ánh sáng hay bóng tối vẫn còn là một ẩn số.

Donald Trump, một cái tên mới trên chính trường quốc tế sẽ bắt đầu với rất nhiều điều mới lạ trong thời gian tới.

http://www.voatiengviet.com/a/phan-hoi-tu-nguoi-viet-trong-nuoc-ve-tan-tong-thong-my-donald-trump/3685830.html 

Donald Trump : « Cơn ác mộng » ?

Minh AnhĐăng ngày 20-01-2017 
media
Barack Obama (P) và tổng thống tân cử Donald Trump trước khi chuyển giao quyền lực, Washington, ngày 20/01/2017.REUTERS/Jonathan Ernst

Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Đây là chủ đề chính được các báo Pháp ngày 20/01/2017 bàn luận nhiều nhất. Libération chạy tít trên trang nhất : « Trump : Bắt đầu một thời kỳ ». Bên trong, tờ báo phân tích « Một nước Mỹ không lưới dây an toàn ».

Một số người hy vọng là sau khi thắng cử, Donald Trump sẽ thay đổi, trở thành một vị tổng thống khôn khéo hơn. Thế nhưng, trong hai tháng rưỡi qua, ông vẫn duy trì cách hành xử, phương pháp như trước đây, liên tục sử dụng mạng xã hội Twitter để tấn công những người chống đối, đưa ra những tuyên bố dối trá, tỏ thái độ thù ghét báo chí, công khai chỉ trích các cơ quan tình báo.

Ông đã làm cộng đồng quốc tế kinh ngạc qua các tuyên bố thiếu chính xác, thậm chí trái ngược, liên quan đến các hồ sơ ngoại giao quốc tế nhậy cảm như cuộc xung đột Palestine-Israel, lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.

Libération cho rằng Donald Trump đã lập một nội các theo đúng hình ảnh của ông : Da trắng, chủ yếu là đàn ông, giàu có và già nua. Và rất thiếu kinh nghiệm. Tương lai đầy bất trắc bắt đầu từ hôm nay, thứ Sáu 20 tháng Giêng.

Thế nhưng, xã luận của Libération còn đi xa hơn với tựa đề « Ác mộng ». Người ta có thể lo sợ, lạnh toát người, mồ hôi chảy ròng ròng ở sống lưng khi hình dung ra cảnh ông Obama trao cho ông Trump chiếc va-ly chứa đựng mã khóa vũ khí nguyên tử. Kể từ hôm nay trở đi, không gì có thể kiểm soát nổi. Vấn đề đối với tân chủ nhân Nhà Trắng là người ta lo sợ điều ông ta có thể làm chứ không phải là những gì mà ông sẽ làm.

Nếu như Donald Trump là một mỏ vàng để giới báo chí khai thác, thì ông ta lại là một ác mộng đối với các nhà phân tích, viết xã luận vì khó có thể tiên đoán được điều ông sẽ làm, giải thích được hành động, cử chỉ của ông ta trong tư cách tổng thống. Đây là điều chắc chắn duy nhất.

Đối với Libération, điều quan trọng không phải là cách thức hành xử của Donald Trump mà là các hậu quả nhãn tiền của thời kỳ bốn năm ông làm tổng thống cho dù nhiệm kỳ mới bắt đầu từ hôm nay. Pháp cũng như châu Âu cần phải ý thức được là đang bị cô lập trước Hoa Kỳ, Anh, Nga và cả Trung Quốc. Do vậy, cần phải chú ý và dồn sức để khẳng định sự tồn tại của mình trong một trật tự thế giới mới.

Thế giới lưỡng cực của Donald Trump

Báo Le Monde tóm tắt quan điểm về thế giới của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Với hàng tựa « Thế giới lưỡng cực của Donald Trump », tờ báo cho rằng dù chưa nhậm chức, nhưng Donald Trump đã phân chia thế giới thành hai phe.

Một bên là những quốc gia thù nghịch, chống đối nước Mỹ và nền kinh tế Hoa Kỳ, ví dụ Trung Quốc, Mêhicô, Liên Hiệp Châu Âu, và các quốc gia này phải trả giá. Bên kia là những nước mà Hoa Kỳ cần ủng hộ hết mình.

Sự phân định này vốn đã được trình bày trong chiến dịch tranh cử, nay còn được thể hiện rõ hơn trong tiến trình chuyển giao quyền lực, trong các cuộc trả lời phỏng vấn hoặc qua các thông điệp trên Twitter của ông.

Những nước phải trả giá

Trước tiên là tân tổng thống Mỹ bị ám ảnh về Trung Quốc. Đây là quốc gia bị Donald Trump chỉ trích nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter. Ngoài vấn đề Đài Loan mà Donald Trump làm Trung Quốc khó chịu, nổi đoá, báo Le Monde cho rằng còn một vấn đề nữa mà báo chí chính thức Trung Quốc ít nói đến, đó là mối lo của Bắc Kinh về việc Mỹ và Nga đang xích lại gần nhau.

Một quốc gia khác cũng thường xuyên bị Donald Trump tấn công là Mêhicô. Ngoài những tuyên bố về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống tệ nạn nhập cư trái phép, ông Trump còn hứa hẹn xây một bức tường trên đường biên giới giữa hai nước và Mêhicô phải bỏ tiền ra xây, đàm phán lại hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ và đánh thuế tới 35% các sản phẩm của những công ty Mỹ di chuyển ra bên ngoài để sản xuất. Những tuyên bố của Donald Trump làm Mêhicô lo ngại vì thị trường Mỹ tiếp nhận tới 80% tổng xuất khẩu của nước này.

Đức và Liên Hiệp Châu Âu cũng nằm trong tầm ngắm của Donald Trump. Bên cạnh việc chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn của thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Trump còn tỏ ra nghi ngờ về trao đổi mậu dịch song phương, đồng thời lại tỏ ra hữu hảo với Anh. Tân tổng thống Mỹ còn thẳng thừng chỉ trích Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO là lỗi thời và điều này khiến một số nước châu Âu lo ngại vì từ trước đến nay vẫn trông cậy vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Bên được Mỹ ủng hộ

Trên đây là những quốc gia mà Donald Trump nhận định là phải trả nợ cho nước Mỹ. Còn phe các nước cần được Washington trấn an, ủng hộ, thì trước tiên là Nga. Tân tổng thống Mỹ không giấu giếm thiện cảm với tổng thống Nga Putin, hứa hẹn cải thiện quan hệ với Matxcơva và thậm chí bãi bỏ cấm vận Nga.

Israel cũng là quốc gia rất hài lòng với việc nước Mỹ có tổng thống mới. Donald Trump và các cộng sự của ông đã nhiều lần tuyên bố không quan tâm đến vấn đề chiếm đất Palestine xây dựng các khu định cư Do Thái và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, kẻ thù của Israel.

Châu Á lo lắng

Liên quan đến châu Á, Le Monde nhận thấy chính sách của Donald Trump còn chưa rõ ràng, ngoại trừ việc đòi Nhật Bản và Hàn Quốc phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho việc duy trì lính Mỹ ở hai nước này. Còn châu Phi thì dường như bị lãng quên. Theo một tài liệu của nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Donald Trump được báo chí công bố, có thể tân chính quyền Mỹ sẽ giảm viện trợ và giảm bớt các cam kết tại châu Phi. Thậm chí, mối ám ảnh về Trung Quốc cũng thể hiện trong tài liệu này : Liệu Mỹ có thể bị thua Trung Quốc hay không tại châu Phi ?

Le Figaro : Donald Trump « tẩy xóa dấu vết » người tiền nhiệm

Đương nhiên, Le Figaro cũng chạy trên trang nhất « Ngày khởi đầu mọi việc đối với tổng thống Trump ». Tờ báo dành nhiều trang để nói về vị tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong đó có bài « Vừa nhậm chức và đã bị các kẻ thù bao vây ». Theo tờ báo, trong giới nghệ sĩ, giảng dạy nghiên cứu đại học và đặc biệt là trong giới truyền thông, một bầu không khí thù ghét tân tổng thống đang lan rộng.

Vậy ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Donald Trump sẽ làm gì ? Trong bài « Những quyết định đầu tiên được chờ đợi từ vị tổng thống thứ 45 » của nước Mỹ, báo Le Figaro cho biết, thực ra, mọi việc quan trọng sẽ bắt đầu từ thứ Hai 23/01. Sau nhiều lần hứa hẹn sẽ thực hiện các ưu tiên của ông ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, thậm chí còn lập ra cả một ê-kíp thực hiện « Dự án ngày đầu tiên », cuối cùng Donald Trump quyết định dành kỳ nghỉ cuối tuần (21-22/01) cho các hoạt động lễ hội. Trong một cuộc họp báo tại New York, Donald Trump đã nói, thứ Hai là ngày làm việc đầu tiên và sẽ có những lễ ký kết long trọng trong thứ Hai, thứ Ba và các ngày khác trong tuần.

Chắc chắn trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sẽ có nhiều nghị định được ký kết. Theo truyền thống, thì tân tổng thống sẽ ký sắc lệnh hủy bỏ một vài biện pháp mang tính biểu tượng của người tiền nhiệm. Ví dụ Obama đã ký sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo, chấm dứt các biện pháp cưỡng bức hỏi cung các nghi phạm khủng bố… Le Figaro tiên đoán là lĩnh vực mà Donald Trump mong muốn thực hiện chắc sẽ rất rộng và đa dạng.

Obama : Hậu Nhà Trắng ?

Sau khi quan tâm đến tân tổng thống Donald Trump, Le Figaro cũng không quên đề cập đến cuộc sống sau khi mãn nhiệm của vị tổng thống thứ 44 qua bài « Cuộc sống mới của Barack Obama ».

Mới có 55 tuổi, ông Obama là cựu tổng thống trẻ nhất kể từ cuối thế kỷ 19. Ông cũng là cựu tổng thống đầu tiên, sau khi rời Nhà Trắng, vẫn ở lại thủ đô Liên bang kể từ thời Woodrow Wilson, năm 1921. Gia đình Obama sẽ sống tại Washington DC cho đến năm 2019, tức là cho đến khi cô con gái út Sasha học xong trung học.

Theo nhận định của tờ báo, do còn trẻ, vẫn được lòng dân, có tài diễn thuyết, ông Obama sẽ có nhiều lựa chọn trong giai đoạn hậu tổng thống. Có một việc chắc chắn và tiếp nối truyền thống các cựu tổng thống, ông Obama sẽ viết hồi ký. Báo chí Mỹ nói đến một hợp đồng 20 triệu đô la. Đó là chưa kể hợp đồng mà cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng có thể sẽ ký.

Về mặt chính trị, dường như Obama đang mơ ước trở thành « người đỡ đầu » cho thế hệ lãnh đạo đảng Dân Chủ trong tương lai.

La Croix : Donald Trump và các ẩn số

Trang nhất La Croix nêu ra « Những ẩn số trong nhiệm kỳ tổng thống » của Donald Trump. Chưa bao giờ, trong lịch sử nước Mỹ, một vị tổng thống khi vào Nhà Trắng lại có lập trường không rõ ràng về các chính sách đối nội, đối ngoại và kinh tế, như ông Donald Trump.  « 10 câu hỏi trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump » : liệu Donald Trump sẽ thay đổi, không còn như Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử ? Ít có khả năng. Ông đã cho biết là sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội Twitter vì cho rằng giới truyền thông thù ghét ông.

Ngay cả câu hỏi Hoa Kỳ và Nga có thể trở thành đồng minh hay không, tân tổng thống Mỹ cũng trả lời mập mờ. Ví dụ, về việc trừng phạt Nga do sáp nhập Crimée và ủng hộ phe phiến quân ở đông Ukraina, ông Trump lúc đầu tuyên bố là có thể duy trì thêm một thời gian, nhưng sau đó, ông lại nói, tại sao lại trừng phạt một người khi họ đã làm được những việc lớn. Khi trả lời phỏng vấn báo chí châu Âu gần đây, Donald Trump nêu khả năng có thể đạt được một thỏa thuận với Nga : Bãi bỏ cấm vận đánh đổi lấy việc giảm vũ khí nguyên tử và hợp tác chống khủng bố.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-donald-trump-%C2%AB-con-ac-mong-%C2%BB-cho-hoa-ky

Tân Tổng thống Trump ký các văn kiện đầu tiên

Chứng kiến lễ ký các văn kiện đầu tiên có các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội, thủ lãnh nhóm thiểu số tại Hạ viện, và các thành viên gia đình ông Trump.

Chứng kiến lễ ký các văn kiện đầu tiên có các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội, thủ lãnh nhóm thiểu số tại Hạ viện, và các thành viên gia đình ông Trump.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã ký các văn kiện đầu tiên, chính chức công nhận ông là Tổng tư lệnh của quân lực Hoa Kỳ.

Theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer, ông Trump đã ký một dự luật cho phép Tướng hồi hưu James Mattis nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Mattis đã nghỉ hưu cách đây 3 năm rưỡi, sau hơn bốn thập niên phục vụ quân đội.

Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 quy định phải giải ngũ 7 năm mới được bổ nhiệm vào nội các. Vào tuần trước, Quốc hội đã dọn đường để đẩy nhanh tiến trình chuẩn thuận Tướng Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, bằng cách hậu thuẫn giải pháp cho ông được miễn áp dụng quy định liên hệ, để ông có thể được đưa vào vị trí lãnh đạo Ngũ Giác Đài, cho dù ông giải ngũ vào năm 2013.

Ông Spicer còn loan báo trên trang Twitter cho biết tân tổng thống Trump còn ký hai văn kiện đề cử nhân sự chính thức và một văn kiện tuyên bố ngày Quốc gia Yêu nước.

Chứng kiến lễ ký các văn kiện này có các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội, thủ lãnh nhóm thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, và các thành viên gia đình ông Trump.

Đài Loan mong siết chặt quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump

21.01.2017

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. 

Đài Loan bị cô lập về ngoại giao mong hợp tác quân sự nhiều hơn và có thêm những chuyến viếng thăm cấp cao từ Hoa Kỳ dưới thời ông Donald Trump dù đôi dường như đang xúc tiến cẩn trọng để tránh những phản ứng bất lợi từ Trung Quốc.

Trong những bình luận trong tuần rồi, ông Trump cho biết sẵn lòng với việc thương thuyết lại chính sách của Mỹ cấm xem Đài Loan tự trị là một quốc gia. Trung Quốc, nước tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan, đã phản ứng một cách giận giữ, trong đó có yêu cầu một phái đoàn không chính thức của Đài Loan không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.

Các nhà phân tích tại Đài Bắc và Mỹ kỳ vọng chính quyền ông Trump sẽ làm việc với Trung Quốc về chính sách “một nước Trung Hoa” đối với Đài Loan, thuật ngữ chính trị của Bắc Kinh.

Nhưng đồng thời ông Trump sẽ xây dựng một mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan đã có kể từ những năm 1970, đặc biệt nếu điều đó có lợi cho doanh thương. Washington cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979 để đổi lấy quan hệ với Trung Quốc một nước lớn hơn và đang phát triển nhanh chóng.

Trung Quốc ngăn trở hơn 170 đồng minh ngoại giao không được đối xử Đài Loan như một quốc gia, và chỉ có 21 nước chính thức công nhận Đài Loan. Bắc Kinh chỉ muốn mang Đài Loan về dưới cờ của nước này dù có sự chống đối sâu rộng tại Đài Loan.

Viễn ảnh của mối quan hệ với Hoa Kỳ bất chợt mạnh mẽ hơn làm nhiều người Đài Loan nức lòng nhưng khiến Trung Quốc lo ngại sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn điện đàm với ông Trump ngày 2 tháng 12 năm ngoái. Hai bên thảo luận về an ninh và vị thế quốc tế của Đài Loan.

Bà Thái Anh Văn vẫn hy vọng tránh khiêu khích Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa cuộc điện đàm của ông Trump bằng cách thuyết phục một đồng minh của Đài Loan ngả theo Trung Quốc, và đưa tàu sân bay Trung Quốc tiến gần Đài Loan trong tuần trước.

Tăng cường các cuộc tiếp xúc quân sự – bao gồm việc bán vũ khí cho Đài Loan – các chuyến viếng thăm cấp cao và gia tăng thương mại sẽ làm Trung Quốc khó chịu, nhưng đây là những điều các chính phủ trước đây của Hoa Kỳ đã làm đối với Đài Loan.

Hoa Kỳ là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan và đồng ý bán một số lớn vũ khí cho Đài Loan trong năm 2010 và 2015.

Ông Trump nói ông chống lại những thỏa thuận thương mại đa quốc như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước, tạo nên hy vọng tại Đài Loan là ông Trump có thể thay vào đó cứu xét thương mại song phương hay những thỏa thuận đầu tư có ý nghĩa về kinh tế đối với các công ty Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-mong-siet-chat-quan-he-voi-my-duoi-thoi-tong-thong-trump/3685362.html

Dân Nga ăn mừng lễ nhậm chức của ông Trump

21.01.2017

Ông Donald Trump trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1/2017.

Ông Donald Trump trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1/2017.

Điệm Kremlin có thể đã trải qua nhiều năm bêu xấu nước Mỹ, nhưng người Nga hy vọng ông Donald Trump sẽ mang đến một kỷ nguyên giảm căng thẳng, đánh dấu bằng lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1 với tiệc tùng và những đồ trang trí từ tiền lưu niệm cho đến “matryoshka”, những con búp bê xếp lồng vào nhau mang hình ảnh của ông.

Thủ đô Washington biến thành một pháo đài bao quanh khoảng 900.000 người tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump. Tại London, các nhà hoạt động chống ông Trump treo biểu ngữ trên cầu Tower với dòng chữ “Xây cầu, không xây tường”. Các cuộc biểu tình được dự trù ở tây Âu vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy.

Tuy nhiên theo ông Gennady Gudkov, một người chỉ trích ông Putin và là một cựu thành viên Quốc hội, thì Nga đang trong gọng kìm của “Trumpomania” với việc truyền thông nhà nước nói nhiều đến ông Trump hơn là những tin tức trong nước.

Ông Gennady Gudkov nói thêm một phần là do cuộc bầu cử Mỹ, không giống như những cuộc bầu cử ở Nga, không đoán trước được. Điện Kremlin hy vọng ông Trump sẽ nới lỏng những chế tài áp đặt lên Nga về việc sáp nhập Crimea, hợp tác với Nga chống Nhà nước Hồi giáo và cắt giảm những hoạt động quân sự của NATO gần biên giới Nga.

Một số người chống đối ông Trump tin là Điện Kremlin giúp ông Trump vào Tòa Bạch Ốc bằng cách xâm nhập máy chủ của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, lấy cắp và tiết lộ những tin tức bất lợi đối với bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này, nhưng ít người ở đây giữ bí mật về sự kiện là họ hài lòng khi ông Trump, chứ không phải bà Clinton, đắc cử.

http://www.voatiengviet.com/a/dan-nga-an-mung-le-nham-chuc-cua-ong-trump/3685315.html