Tin Việt Nam – 20/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/01/2017

Người Việt nói gì về lễ nhậm chức của Trump?

BBC ghi nhận ý kiến của một số nhà báo, chuyên gia người Việt nhân sự kiện Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1.

Quý vị luôn có thể gửi ý kiến bằng video cho BBC Tiếng Việt theo hướng dẫn tại đây.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump dự kiến diễn ra vào 9:30 hôm 20/1 tại Washington DC tức 21:30 cùng ngày giờ Việt Nam.

Đúng 12:00, Tổng thống tân cử Trump sẽ đọc lời Tuyên thệ Nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Hôm 20/1, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, một Việt kiều Mỹ, nói: “Tôi cho rằng trong lễ nhậm chức sắp diễn ra, ông Trump sẽ cố gắng đưa vào tính triết lý khi đề cập về đường lối, chính sách mà nội các của ông sẽ thực thi.”

“Nhiều khả năng bài phát biểu của ông ấy sẽ lặp lại câu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

“Nhưng có vẻ như thông điệp này chưa được người dân Mỹ chấp nhận hoàn toàn vì những lời đó chỉ mang tính khẩu hiệu, chứ với đa số người Mỹ, sự tin tưởng dành cho tân tổng thống còn thấp.”

“Từ góc độ chuyên gia tài chính, tôi mong đợi ông Trump mau chóng công bố chi tiết chính sách kinh tế rõ hơn trong những ngày tới.”

“Thực sự là tôi còn băn khoăn vì dường như chính sách đối ngoại của ông Trump với các nước đang đảo ngược chiều hướng của các chính quyền tiền nhiệm.”

“Nhưng nếu suy nghĩ tích cực, chúng ta cũng nên hy vọng rằng tân Tổng thống Trump sẽ đưa nước Mỹ và quan hệ Việt – Mỹ vào giai đoạn mới.”

Lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ

‘Hành động mạnh mẽ’

Từ bang California, Mỹ, nhà báo Khôi Nguyên, Tổng thư ký báo Người Việt Online, nói với BBC: “Lễ nhậm chức của ông Trump là sự kiện được dân Mỹ quan tâm chỉ sau ngày bầu cử.”

“Tôi được biết các nghi thức của sự kiện này cũng giống như lễ của những người tiền nhiệm của ông nhưng thời lượng diễn ra sẽ ngắn hơn.”

“Và dù có hơn 50 dân biểu liên bang tẩy chay, những người ủng hộ ông Trump vẫn đông đảo như thường.”

“Tôi không nghĩ rằng sau buổi lễ sẽ có bất ổn dù đã có những lời kêu gọi biểu tình phản đối Trump của phong trào phụ nữ tại các thành phố lớn.”

“Từ góc độ một người Việt sống ở Mỹ, tôi kỳ vọng sau ngày mai, tân tổng thống sẽ có tiếng nói, hành động mạnh mẽ hơn về tình hình khu vực Đông Nam Á và Biển Đông để Trung Quốc bớt hung hăng với các nước láng giềng.”

Trump bị kiện tội phỉ báng

Ông Khôi Nguyên nói thêm: “Lễ nhậm chức của ông Trump cho thấy dân Mỹ vẫn đang tiếp tục bị “chia rẽ” như hồi chiến dịch tranh cử của cả hai đảng.”

“Phe ủng hộ bà Clinton có vẻ không mấy hào hứng với sự kiện ông Trump tuyên thệ, trong lúc những người ủng hộ ông này lại “quá khích”.

“Sự chia rẽ này lớn và rõ rệt hơn hẳn những mùa bầu cử trước.”

Nhà báo cũng bày tỏ quan ngại về việc Tân tổng thống Trump “có thể tiếp tục những phát ngôn cổ súy cho làn sóng phân biệt chủng tộc”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38662858

 

Người Mỹ gốc Việt tranh cãi về Trump trước giờ nhậm chức

Bas du formulaire

Ngày 20/01/2017 nước Mỹ đón chào tân Tổng thống Donald Trump, nhưng vị doanh nhân thành chính trị gia này vẫn là tâm điểm của nhiều tranh cãi.

Ba người Mỹ gốc Việt tham gia Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt trước giờ ông Trump tuyên thệ nhậm chức chia sẻ vì sao ông là niềm hy vọng hay nỗi thất vọng của họ.

Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, sáng lập viên Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt từ Washington D.C cho rằng, ông Trump không đại diện cho những giá trị của Hoa Kỳ và khiến Việt Nam thân thiết với Trung Quốc hơn.

Trong khi đó cựu quân nhân Nguyễn Anh Tuấn từ Virginia bày tỏ sự ủng hộ vị tân tổng thống đắc cử từ những ngày đầu, và đặt hy vọng vào một thời kỳ mới cho nước Mỹ.

Nhà báo Trần Đông Đức từ Philadelphia cũng bình luận thêm về những chính sách và cách làm chính trị có phần ‘đặc biệt’ và ‘khác người’ của ông Donald Trump.

Video trích lại từ thảo luận phát trực tiếp qua Facebook Live hôm 19/01. Bấm vào đây để xem toàn bộ thảo luận.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-38692262

 

Giới hoạt động: Hy vọng ông Trump mạnh tay

và chấm dứt chính sách ‘đu dây’ của VN

Vào lúc còn chưa đầy 24 giờ trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, các nhà hoạt động và bloggers ở Việt Nam bày tỏ hy vọng vào tân chính quyền do nhà tỷ phú bất động sản lãnh đạo sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực cho Việt Nam nói chung, và cho phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền nói riêng.

Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy, cũng là một blogger, nhận xét với VOA rằng những chính sách của chính quyền Obama trong hai nhiệm kỳ qua mang nặng tính ngoại giao và không đủ mạnh để thúc đẩy dân chủ tại Việt Nam.

“Tôi thấy rằng đảng Dân chủ và ông Obama, nói chung theo tôi là người hoạt động về nhân quyền, dân chủ, tôi thấy sự tác động [của Mỹ] đối với phong trào dân chủ Việt Nam không nhiều. Mà nó mang nhiều biểu hiện theo kiểu ngoại giao nhiều hơn, và áp lực ngoại giao đối với Việt Nam là không đủ mạnh. Tôi hy vọng ông Trump sẽ làm khác với ông Obama”.

Blogger Nguyễn Tường Thụy nói ông hy vọng ông Trump sẽ “mạnh tay” hơn ông Obama về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Ông nói:

“Nếu chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách xoay trục thì tôi nghĩ về mặt địa lý, Việt Nam hết sức quan trọng. Nhưng không phải vì sự hết sức quan trọng ấy mà có thể nuông chiều nhà nước Việt Nam, chế độ Việt Nam. Mà họ phải có chính sách nào đó. Tôi rất hy vọng ở một chính sách mới làm cho Việt Nam thay đổi thực sự”.

Nhà báo tự do này cho rằng chính quyền của ông Trump không nên chấp nhận Việt Nam theo đuổi “chính sách đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc vì theo ông, đây là một chính sách “không phù hợp” với tình hình Việt Nam trong lúc này. Ông nói:

“Không nên để Việt Nam vừa đi với Trung Quốc vừa đi với Mỹ. Đây là một chính sách đu dây mà Nhà nước Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc 1955, 1975. Đó là cuộc đu dây giữa Liên Xô và Trung Quốc. Hiện nay là cuộc đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ. Tôi nghĩ rằng cuộc đu dây ấy trong thời kỳ ông Obama làm tổng thống thì cũng đã thành công. Nhưng tôi nghĩ khi ông Trump lên làm tổng thống thì Việt Nam phải dứt khoát. Tôi nghĩ ông Trump làm tổng thống Mỹ thì điều đó sẽ tốt hơn cho đất nước Việt Nam và phong trào dân chủ Việt Nam hơn là 2 nhiệm kỳ của ông Obama. Và tôi đang chờ đợi điều đó”.

Trong khi đó, anh Trịnh Bá Phương, con trai của bà Cấn Thị Thêu, một dân oan kiên quyết đấu tranh để giữ đất ở Dương Nội, nói gia đình anh và nhiều người dân Dương Nội đang là nạn nhân của những đòn đàn áp khốc liệt từ phía nhà nước Việt Nam. Sau khi mẹ anh bị đi tù, anh đã được Sứ quán Mỹ tại Việt Nam quan tâm, tìm hiểu và giúp đỡ. Vì vậy, anh rất quan tâm tới tiến trình chuyển giao quyền lực tại Hoa Kỳ.

Cũng như nhiều nạn nhân khác trong các vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, anh Phương hy vọng chính phủ của ông Trump sẽ thúc đẩy mạnh hơn cho dân chủ Việt Nam.

Anh Phương nói:

“Em mong muốn rằng nếu phía Hoa Kỳ quan tâm đến nhân quyền Việt Nam hơn nữa và áp đặt những chế tài nghiêm khắc hơn. Đặc biệt vừa qua, ông Obama có ký một dự luật chế tài các quan chức vi phạm nhân quyền. Em cũng có một chút hy vọng rằng sắp tới đây, thì phía Quốc hội, Thượng viện hoặc Hạ viện Hoa Kỳ sẽ căn cứ theo đó để chế tài quan chức Việt Nam, thúc đẩy nhân quyền Việt Nam. Em cũng đặt một chút niềm tin rằng khi ông Trump lên nhậm chức thì những chính sách của ông ấy có thể thúc đẩy nhân quyền Việt Nam”.

Một số nhà hoạt động nói chính quyền Việt Nam có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ ở Mỹ vì những chính sách mang nặng tính ngoại giao và thiếu hiệu quả của đảng này trước các vụ vi phạm nhân quyền và các quyền dân chủ ở Việt Nam. Vì lẽ đó, giới hoạt động và blogger thường có xu hướng ngược lại, là ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa như ông Trump.

Mặt khác, tỷ phú bất động sản của Mỹ còn là một “thần tượng” đối với nhiều người Việt Nam vì những thành công của ông trên thương trường.

http://www.voatiengviet.com/a/gioi-hoat-dong-hy-vong-ong-trump-manh-tay-va-cham-dut-chinh-sach-du-day-cua-vn/3683420.html

 

TS Jonathan London viết ‘thư gửi VN’

trước giờ Trump nhậm chức

Bas du formulaire

Trước giờ tổng thống tân cử Donald Trump lên nắm quyền, BBC giới thiệu bài tiến sỹ Jonathan London, người gốc Boston, viết trong bài ‘Thư gửi Việt Nam’ bằng tiếng Việt:

Lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ

Chúng ta đang sống những ngày rất lạ, và rất tiếc phải nói rằng mỗi ngày một xa lạ hơn và không còn cảm giác an toàn như trước.

Vốn thường nghi ngờ những lời lẽ đao to búa lớn, nhưng lúc này tôi lại đồng ý với nhận định rằng thế giới đang có nguy cơ rơi vào một cơn khủng hoảng sâu rộng chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II, riêng nước Mỹ thì rơi vào cơn khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ thời Nội chiến.

Đối với Việt Nam, nguy cơ bị tác động xấu là không thể coi nhẹ. Khác so với vài tháng trước, Việt Nam ngày nay không còn chỗ dựa ngoại giao “an toàn” nữa, ít nhất cho đến khi ẩn số Trump lộ diện.

Trong không khí bất an đó, tôi xin chia xẻ vài ý kiến về thời cuộc với tư cách là một công dân Mỹ và là bạn của Việt Nam – một Việt Nam của cả dân lẫn người trong bộ máy, của cả những người nghi ngờ về từ diễn biến, tự chuyển hoá, tự này tự kia…

Về an ninh quốc phòng. Thứ nhất, về an ninh quốc phòng, các bạn hãy bình tĩnh. Dù Trump có vô số những động thái khác lạ, nhưng quan điểm an ninh ở Biển Đông khó mà có thay đổi lớn so với thới Obama. Riêng về quân sự và ngoại giao, “chế độ mới” hẳn sẽ mạnh bạo hơn.

Tuy nhiên, liệu bộ sậu của Trump có hành động đủ cẩn trọng hay không là một câu hỏi lớn cho tương lai. Lúc này chỉ có một điều chắc chắn là không có chuyện Mỹ rút lui khỏi biển Đông và khoanh tay trước những đòi hỏi bất hợp pháp của Tập Cận Bình.

Điều đáng chờ đợi, thậm chí rất đáng chờ đợi, là một số nhân vật trong bộ sậu của Trump.

Chẳng hạn tướng Mattis (nick Chó Điên) được đánh giá là có trí tuệ và được tôn trọng từ lính đến sĩ quan. Trong khi đó, ông Rex Tillerson, ngoại trưởng mới được đề cử, vẫn còn là một ẩn số trong vấn đề Đông Á.

Tuần trước, phát biểu “cấm Bắc Kinh không được tiếp cận các đảo nhân tạo ở biển Đông” có lẽ là lời nói hơi thiếu thực tế, tuy nhiên nó là tín hiệu cho thấy ông không phải là người thuận theo Bắc Kinh. Hơn thế nữa, hợp đồng hợp tác dầu khí giữa ExxonMobil và Việt Nam mới ký tuần trước là một tín hiệu đáng ghi nhận khác (nhân tiện, cũng hy vọng rằng hợp đồng này không biến thành một vài căn nhà ở Tam Đảo).

Câu hỏi ở đây là liệu Mattis và Tillerson (nếu được phê chuẩn) cùng với những nhân sự khác của “chế độ mới” Hoa Kỳ có đủ năng lực cáng đáng nhiệm vụ hay không, và không kém phần quan trọng là khi cần họ có đủ ý chí lẫn trí tuệ để chống lại một Tổng thống độc tài như Trump hay không.

Còn Việt Nam thì sao?

Trong thời gian tới Việt Nam phải (và tôi tin sẽ) tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tắc trong khu vực. Tôi cũng khuyến nghị rằng dù kẻ lừa bịp đầu mầu cam nói gì đi nữa thì cũng hãy nhớ đại đa số các nước vẫn quyết tâm tìm kiếm một giải pháp an ninh bền vững cho Biển Đông.

Về kinh tế xã hội Thứ hai là kinh tế, vì chúng ta chưa rõ Việt Nam có cơ hội gì mới trong thời kỳ hậu Obama, nên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt vẫn y như cũ. Tất nhiên khả năng lớn là sẽ không còn hiệp định thương mại đa phương nữa. Ngay sau thắng lợi bầu cử (được Putin góp tay dàn dựng) của Trump, ta đã thấy cả Tập lẫn Abe đều đua nhau lấp đầy không gian mà Mỹ đã chiếm.

Với tổng giá trị của xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ chiếm tới 20% GĐP thì Mỹ là mối quan hệ kinh tế mà Việt Nam không thể bỏ qua. Trong khi đó, hai nước (dù Trump hoặc ai cầm quyền) vẫn còn chia sẻ những quyền lợi kinh tế xã hội. Ví thế tôi khuyến nghị Việt Nam cứ tiếp tục nỗ lực tái cấu lại nền kinh tế, đầu tư vào giáo dục sao cho hiệu quả hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân càng nhiều càng tốt.

Muốn Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn, hãy chọn con đường chính đại.

Hãy dũng cảm và sáng suốt để bảo vệ người lao động Việt Nam.

Hãy dứt khoát nói không với những dự án không đảm bảo môi trường.

Hãy hiểu và biết quý trọng giá trị câu ‘”dân cần nước sạch”.

Làm như thế thì Việt Nam mới có lực để ‘chịu phát triển’ bền vững, và có chất lượng hơn so với những năm gần đây.

Về giáo dục. Cải cách giáo dục cách khác so với trước— không chỉ nói suông mà không chỉ xem ngành là ngành hành chính: phải thực sự coi trọng, phát triển năng lực lẫn tinh thần sáng tạo của nhà giáo, nhà nghiên cứu, và toàn xã hội – và không chỉ những người mà đang ở đọ tưởi trẻ. Phải thực sự sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện, và thi nhiệm với những cách dạy hiện đại, phương pháp sư phạm mới. Mừng để thấy hiện nay đang có những nỗ lực về vấn đề này.

Quan trọng là những nỗ lực tiếp tục được để mạnh trong khi đó cách giới thiệu những ý tưởng, phương pháp được nghiên cứu, điều chỉnh và khuyến kích. Những cải cách này không thể mang tính ‘hành chính’ mà phải đưa sâu vào thình thần của giáo dục ở mọi bậc học và kể cả ngoài ngành.

Thị trường dĩ nhiên có vai trò của thị trường, nhưng không có nghĩa là phải hy sinh giáo dục phi lợi nhuận như chúng ta đang thấy. Đừng lạm dụng làm giầu bằng thương mại hoá mọi thể loại giáo dục. Việc những trường đại học phi lợi nhuận có tôn chỉ hoạt động dựa trên giá trị của những vĩ nhân như Phan Chu Trinh đang bị doạ đóng cửa, đang bị doạ bán là những sự kiện cực xấu.

Hãy đừng lấy PISA hoặc đào tạo ra vài nhà toán học thực giỏi làm thước đo. Tinh thần sẵn sàng đầu tư cho giáo dục của con cái sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta (tức là cộng đồng nhà giáo và người dân) không đòi hỏi và xây dựng được một hệ thống giáo dục thực sự phản ánh tinh thần cởi mở, phản biện khoa học.

Nếu không thế, chúng ta không có cơ sở gì để kỳ vọng đất nước Việt Nam cất cánh. Trong thời gian bất trắc này thì tốt nhất Việt Nam phải tìm cách để khắc phục những trở ngại còn lại để thực sự cải cách và đẩy mạnh nỗ lực cải cách.

Về chính trị, xã hội, và tương lai. Nguyên nhân nước Mỹ có một kẻ lừa bịp mị dân lên nắm quyền bắt nguồn từ những sai lầm của chính quyền Mỹ suốt 40 năm qua: mức sống của người lao động không được cải thiện cộng với sự suy yếu của nền tảng dân chủ do…. quyền lực nhóm!!!

Một nguyên nhân khác là chiến lược tranh cử của bà Hillary thiếu hấp dẫn, phản ánh bằng việc 1 tỷ đôla đã bỏ ra mà vẫn thua.

Dù nền dân chủ Mỹ có nhiều vấn đề từ lâu, nhưng Mỹ đến ngày hôm nay vẫn được coi là một nước tiêu biểu cho dân chủ và những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do. Tôi thừa nhận khoản khác giữa những nguyen tắc dân chủ ấy và tình hình thực tế ở bên Mỹ quá là báo động – cho đến mức tôi lo về tương lai về số phận của nước mình.

Việc một nhân vật có nét độc tài như Trump thắng cử cộng với tình hình ở Châu Âu, Nga v.v. dấy lên lo lắng về tương lai của dân chủ không chỉ là ở Mỹ mà còn cả trên thế giới.

Nhưng dù vậy, lý tưởng dân chủ vẫn luôn là nguồn cảm hứng. Vấn đề chỉ là bảo vệ và thúc đẩy như thế nào trong tình hình báo động của hôm nay. Ở đây vẫn phải lạc quan về Việt Nam.

Hiện nay người dân Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến số phận của đất nước mình.

Thủ tướng VN: ‘Không đổi mới là chết’

Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị.

Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết.

Dù không loại trừ khả năng Ngài/kẻ lừa bịp mị dân sắp vào Nhà Trắng có thể gián tiếp đem lại lợi ích cho Việt Nam, chúng ta có đủ lý do để lo ngại về những kịch bản trước mắt có thể xảy ra của khu vực cũng như trên thế giới.

Trong tình trạng bất an hôm nay, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, tham gia đóng góp và ra sức thúc đẩy một xã hội dân chủ hơn, văn minh, minh bạch, công bằng, và có trật tự.

Tôi nghĩ rằng dù ở Việt Nam hay ở Mỹ hay bất cứ ở nơi nào trên trại đất, những nỗ lực phát triển xã hội thể theo nguyện vọng dân chủ và nhân văn vẫn là vấn đề cốt lõi và cần được khuyến khích hơn bao giờ hết.

JL, Hà Nội

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đã đăng trên trang web cá nhân và Facebook của ông Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam hiện làm việc tại Đại học Leiden, Hà Lan.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38690371

 

Bệnh viện từ chối điều trị cho nhạc sĩ Tô Hải?

Thông tín viên Việt Nam

Nhạc sĩ Tô Hải, 90 tuổi, được nhiều người biết đến qua một số sáng tác cách mạng ‘đỏ’; nhưng về sau chính ông công khai thừa nhận thời kỳ theo đàng cộng sản là ‘sai lầm’.  Hiện ông đang rất ốm và bị bệnh viện từ chối điều trị.

Những hình ảnh vừa rồi ghi nhận được khi nhóm chúng tôi đến thăm ông tại căn nhà nhỏ ở chung cư Miếu Nổi, mặt tiền bờ kè kênh Nhiêu Lộc, Sài Gòn. Hiện nay ông phải điều trị tại nhà sau khi bệnh viện Hoàn Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh từ chối không điều trị tiếp cho ông.

Bà Lâm thị Ái, vợ của nhạc sĩ Tô Hải, kể lại sự việc:

Bác sĩ hỏi “nhưng người nhà làm công an hả, vì có công an vào hỏi thăm” vì vậy khi tôi ra về tôi nói với cụ là “chắc có chuyện gì rồi cho nên công an vô hỏi thăm nên mình phải về thôi”.
– Bà Lâm thị Ái

“Tôi hỏi “tôi muốn nghe chính bác sĩ nói về trường hợp của ông Hải phải xuất viện như thế nào?” thì cô nói “tất cả những xét nghiệm của ông trong mấy ngày nay đều tốt không bệnh nữa”.  Khi bác sĩ giải thích như vậy thì tôi ngạc nhiên lắm, tôi nói “hay là ông có chuyện gì bác sĩ nói thật với tôi”, bác sĩ nói “không có chuyện gì cả ông hết bệnh thì cho về thôi”  nhưng bác sĩ hỏi “nhưng người nhà làm công an hả, vì có công an vào hỏi thăm” vì vậy khi tôi ra về tôi nói với cụ là “chắc có chuyện gì rồi cho nên công an vô hỏi thăm nên mình phải về thôi.””

Những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập cũng đặt ra nghi ngờ cơ quan chức năng Việt Nam gây áp lực buộc bệnh viên nơi ông Tô Hải đang điều trị từ chối ông. Nguyên nhân được những nhà hoạt động nêu ra vì chính quyền quan ngại có nhiều thành phần đấu tranh, bất đồng chính kiến sẽ đến thăm ông tại bệnh viện.

Nhạc sĩ Tô Hải trong những năm gần đây được xem như thành phần trí thức “phản tỉnh”; tức nhận ra sai lầm nghe theo đảng cộng sản đi làm ‘cách mạng’.

Từ sau năm 1990, ông bắt đầu viết viết hồi ký và blog chỉ trích chính cuộc sống của bản thân ông trước đó, gọi loại nhạc chính ông sáng tác là “nhạc nô”, tức phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do trước đây, đích thân nhạc sĩ Tô Hải cho biết:

“Ngày xưa ở ngoài Miền Bắc anh em chúng tôi chẳng làm gì đáng tội cả; chỉ có viết tự do không theo yêu cầu của các ông thôi là các ông bắt đi “cải tạo”. Tất cả các chuyện đó bây giờ các ông đang sửa chữa đấy. Vừa rồi tại Huế lại tặng thưởng thêm cho Trần Dần, đưa Lê Đạt vào nhà tang lễ của quốc gia, in lại Phạm Quỳnh, in lại Nguyễn Văn Vĩnh. Tất cả những cái đó là các ông đều làm mà không nói ra. Chớ còn tôi thì bây giờ tôi chỉ nói ra hộ các ông thôi. Tôi thì tôi hy vọng, tôi mong rằng làm sao tất cả mọi người hãy thúc đẩy các nhà cầm quyền hôm nay có nhiều hành động và ứng xử có tiến bộ. Tôi chỉ xin mong dân chủ. Hãy cho chúng tôi được nói. Đừng bịt mồm chúng tôi nữa. Đừng truy tố chúng tôi vì những tội gọi hẳn là cái tội “nháy nháy”, là tội yêu nước nữa.”

Ngày xưa ở ngoài Miền Bắc anh em chúng tôi chẳng làm gì đáng tội cả; chỉ có viết tự do không theo yêu cầu của các ông thôi là các ông bắt đi “cải tạo”. 

– Nhạc sĩ Tô Hải

Cuốn hồi ký của ông tựa đề “Hồi ký của một thằng hèn” được in năm 2009. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn được nhạc sĩ Tô Hải viết về nỗi đau của một người không được sống làm người đúng nghĩa.

Cô Lâm Thị Ái chia sẻ đôi điều về một số hoạt động sáng tác của nhạc sĩ Tô Hải trong những năm gần đây.

“Sau khi in cuốn hồi ký một thằng hèn xong, thì cụ tiếp tục viết blog rất nhiều khoảng 4-500 bài, thì cụ nói ước mong được in tập hai của Hồi ký một thằng hèn tức là vượt qua nỗi sợ để cho con cháu các thế hệ sau này được đọc một giai đoạn lịch sử mà đất nước ngả nghiêng như thế này và cụ là người làm chứng.”

Khi phong trào viết blog ra đời, ông có một trang riêng mang tên ‘Nhát sỹ Bảo Thủ’ hay ‘Tô Hải’s blog. Bài viết mới nhất được đăng trên đó có tựa ‘Độc tấu New Style vui xuân 2017’; trong đó có đoạn viết “ Suốt quá trình làm “com-muy-nít” (communist) bưng bê bốn chục năm, /Dùng chữ nghĩa, dùng âm thanh tuyên truyền, dụ dỗ. . . bịp nhân dân/ 

Bỏ quê hương, ruộng đồng. bỏ gia đình, bỏ tổ tiên, mồ mả. . 

Nghe theo Đảng, Bác quang vinh, phá tất cả, bỏ tất cả, / Quyết vượt qua mọi gian khó, xây thế giới đại đồng. . .’”

Mong ước trong những ngày vừa qua của ông thổ lộ với bà Lâm thị Ái cũng như một số thân hữu đến thăm là ‘được sống đến ngày Việt Nam có dân chủ, không còn bị cai trị bởi một đảng duy nhất như lâu nay’.

Ông tên thật Tô Đình Hải, sinh năm 1927, tại Hà Nội, nguyên quán Tiền Hải, Thái Bình.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/composer-tohai-person-who-disown-the-communist-01182017132132.html

 

Thăm nghĩa trang Biên Hoà, bị công an hạch hỏi

Công an Việt Nam câu lưu một số nhà vận động nhân quyền trong 2 giờ khi họ đến thắp hương viếng mộ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại nghĩa trang Biên Hòa hôm 17/1 vừa qua.

Nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Đức, một trong những người bị câu lưu cho VOA biết ban quản lý nghĩa trang Biên Hòa (còn gọi là nghĩa trang Bình An) đã yêu cầu mọi người xuất trình giấy tờ tùy thân, ghi lại thông tin cá nhân trước khi đồng ý cho vào nghĩa trang viếng mộ. Ông Đức nói khách thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ VNCH trong sự rình rập, giám sát của cả an ninh thường phục lẫn sắc phục. Sau khi viếng xong thì khách bị bao vây, ông Đức cho biết:

“Rất là nhiều công an mật vụ, thường phục có, sắc phục có, trên 20 người, bao vây chúng tôi. Họ bế cổng lại, không cho chúng tôi ra. Họ bảo vào làm việc với họ. Họ giữ chúng tôi lại trong 2 tiếng đồng hồ. Rất nhiều lực lượng cơ động, thậm chí xe môtô của cảnh sát giao thông cũng vào nghĩa trang thì chúng tôi cũng không biết họ làm cái trò gì nữa.”

Ông Đức nói phía công an yêu cầu những người đi thắp hương phải “làm việc” với họ, trả lời rõ vì sao đến nghĩa trang. Mọi người phản đối cách hành xử vi phạm pháp luật, coi thường anh linh những người đã khuất và từ chối làm việc với công an.

Ông Trương Minh Đức yêu cầu gặp người chỉ huy của nhóm công an, yêu cầu mở cửa cho đoàn thăm viếng mộ ra về. Một người mặc thường phục, tự xưng là trưởng ban QLNT nói rằng “chúng tôi muốn biết các anh chị chụp hình với băng rôn khẩu hiệu gì?” Ông Đức nói với họ rằng “mọi người dân đều có quyền đi thăm viếng mộ những người đã nằm xuống”. Ông Đức trả lời với công an rằng nội dung của các băng rôn, khẩu hiệu là “khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tri ân 74 vị anh hùng VNCH đã vị quốc vong thân để bảo vệ Hoàng Sa cách nay 43 năm”.

Anh Đức cho biết sau khi bị giam lỏng gần 2 tiếng đồng hồ, công an mới mở cổng để mọi người rời khỏi nghĩa trang Biên Hòa.

Luật sư Lê Công Định, người có mặt trong nhóm viếng nghĩa trang chia sẻ trên Facebook: “Con đường dẫn đến Nghĩa trang Bình An được cố tình đặt tên là ’30 tháng 4′. Chắc ai cũng có thể hiểu rõ tâm ý và ngụ ý phía sau cách đặt tên như vậy. Đây có lẽ là nghĩa trang duy nhất mà ai đến viếng mộ phần bên trong đều phải khai rõ họ tên, số căn cước, địa chỉ cư trú trong một quyển sổ gọi là “Bảng ghi nhận thông tin vào khu vực Nghĩa trang nhân dân Bình An”.

Theo Luật sư Định, khách đến viếng đều bị một lực lượng an ninh chìm đông đảo theo sát. Anh Định viết: “Chúng tôi đến viếng nghĩa trang binh sĩ VNCH vừa để tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng xâm chiếm, vừa hương khói ngày Tết cho người nằm xuống vì quốc gia. Cá nhân tôi muốn tự mình đánh giá xem nhà cầm quyền thực tâm hoà giải dân tộc thế nào và có đúng như họ tuyên truyền hay không?”

“Thái độ thù hằn dành cho chúng tôi và hành động giữ người trái luật của họ sáng nay đã gửi ra một thông điệp rõ ràng là không hoà giải gì cả. Điều này thật đáng tiếc và tôi vô cùng thất vọng trước chính sách hai mặt này của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam”, luật sư Định viết.

Anh Trương Minh Đức cũng cho biết thêm việc thắp hương các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng hòa tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo ở sài gòn ngày 19/01 cũng gặp trở ngại khi nhiều nhà vận động nhân quyền bị chặn không cho ra khỏi nhà:

“Những người tham gia vận động cho tự do ngôn luận, tự do báo chí bị công an bao vây, canh nhà, như nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Huỳnh Công Thuận và một số người khác cũng bị bao vây. Họ không cho ra khỏi nhà. Tôi nghĩ họ muốn gây khó khăn cho việc tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị mất. Tôi nghĩ điều này rất phi lý.”

Ông Đức nói rằng đây không phải lần đầu tiên người dân đi thăm nghĩa trang Biên Hoà, nơi an nghỉ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, hoặc thắp hương tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản và gây khó khăn. Theo các nhà tranh đấu cho nhân quyền, với thái độ thù hằn như vậy của chính quyền thì con đường dẫn đến hoà hợp, hoà giải dân tộc hãy còn xa.

http://www.voatiengviet.com/a/tham-nghia-trang-bien-hoa-bi-cong-an-hach-hoi/3683738.html

 

Thủy quân lục chiến Mỹ tặng quà Tết cho trẻ em Việt Nam

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hôm 17/1 đã cùng với đơn vị Thủy quân Lục chiến trao quà “Toys for Tet” – “Đồ chơi Tết” cho các em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 3 ở Hà Nội.

Đây là một hoạt động truyền thống thường niên của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Theo trang Facebook cá nhân của Đại sứ Osius, các binh sĩ Thủy quân Lục chiến đã đi thu thập quà để tặng cho hơn 30 em đang sống tại Trung tâm bảo trợ nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017. Ông nói tham gia sinh hoạt này là một “vinh dự” và “trải nghiệm này đã gợi cho tôi nhớ lại ý nghĩa thực sự của mùa nghỉ lễ này”.

Trung tâm bảo trợ trẻ em số 3 được thành lập năm 1990. Đây là nơi tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi ở những địa điểm công cộng tại Hà Nội. Tin từ VnExpress cho hay cho tới nay, cơ sở này đã tiếp nhận khoảng 500 em và giúp tái hòa nhập hơn 400 em. Ngoài ngân sách nhà nước, cơ sở này cũng là nơi tiếp nhận nhiều hỗ trợ tài chính từ các cá nhân và tổ chức.

“Toys for Tet” là chương trình được sứ quán Mỹ thực hiện hàng năm tại Việt Nam. Chương trình này có hình thức tương tự như ‘Toys for Tots’, một sáng kiến của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ năm 1947.

http://www.voatiengviet.com/a/thuy-quan-luc-chien-my-tang-qua-tet-cho-tre-em-viet-nam/3683391.html