Tin khắp nơi – 20/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/01/2017

Trump cam kết đoàn kết nước Mỹ trước lễ nhậm chức

Ông Donald Trump cam kết đoàn kết nước Mỹ khi phát biểu trước những người ủng hộ tại buổi hòa nhạc vào đêm trước lễ nhậm chức tổng thống.

Phát biểu tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington DC, Tổng thống đắc cử cũng hứa đem lại thay đổi.

Ông Trump trước đó đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, Virginia.

Buổi hòa nhạc Làm nước Mỹ vĩ đại lần nữa tổ chức đêm 19/1 mở cửa cho công chúng với sự góp mặt của các ngôi sao nhạc country Toby Keith và Lee Greenwood.

“Chúng ta sẽ đoàn kết nước Mỹ”, ông Trump phát biểu vào cuối của buổi hòa nhạc.

“Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tuyệt vời cho tất cả mọi người.”

Những người ủng hộ ông đổ dồn về Washington DC, và ông nhắc nhở rằng nhiều người từng nghi ngờ cơ may thành công của chiến dịch của ông.

Ông cam kết mang lại công ăn việc làm, tăng cường quân đội và củng cố biên giới và nói thêm: “Chúng ta sẽ thực hiện những điều mà chưa từng được làm cho nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.”

‘Chỉ số IQ cao nhất’

Ông xuất hiện cùng vợ, Melania tại bữa tiệc trưa cùng các thành viên của chính quyền mới.

Người sắp là đệ nhất phu nhân nói: “Ngày mai chúng ta bắt đầu công việc.”

Ông Trump nói trước cử tọa: “Chúng ta có rất nhiều người thông minh. Tôi có thể nói với quý vị rằng tôi tập hợp nội các có chỉ số IQ cao nhất từ trước đến nay.”

Lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ

Sau buổi hòa nhạc, ông Trump nghỉ ngơi tại Blair House, nhà khách tổng thống nằm cách Nhà Trắng vài bước.

Ông dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào 12:00 trưa hôm 20/1 tức 0:00 hôm 21/1 giờ Việt Nam.

Trump bị kiện tội phỉ báng

Tỷ phú George Soros phát động cuộc tấn công tổng thống đắc cử.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Soros gọi ông Trump là “kẻ lừa đảo và có tham vọng độc tài”.

Ông Trump đã đề cử 21 thành viên nội các cũng như sáu vai trò khác cần được Thượng viện thông qua.

Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu hôm 20/1 để xác nhận Tướng James Mattis, đề cử bộ trưởng quốc phòng, và tướng về hưu John Kelly, bộ trưởng an ninh nội địa.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38662856

 

Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ diễn ra thế nào?

Bas du formulaire

Ngày 20/1 chứng kiến lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, người sẽ là tổng thống thứ 45.

Ông sẽ chính thức kế nhiệm ông Barack Obama.

Chánh án đương nhiệm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ làm lễ tuyên thệ cho tân tổng thống vào trưa (hay 17:00 GMT) ngày 20/1.

Trước đây, tổng thống tân cử chỉ làm lễ vào ngày 4/3. Nhưng sau khi Tu chính án 20 được thông qua năm 1933, sự chậm trễ được giảm đi.

Lời thề tại buổi lễ đánh dấu việc chuyển giao quyền lực hòa bình, ở trước Nhà Quốc hội Mỹ.

Tiếp theo đó là cuộc diễu hành dọc Đại lộ Pennsylvania, và cuối ngày là nhiều buổi khiêu vũ.

Lịch trình sự kiện

20 tháng Giêng

Ông Trump và vợ Melania uống cà phê sáng với vợ chồng Tổng thống Barack Obama. Hai cặp vợ chồng sau đó sẽ đi đến Đồi Capitol (Quốc hội).

9:30 sáng, giờ Mỹ (14:30 GMT): Lễ nhậm chức bắt đầu bằng các màn ca hát.

11:30: Phát biểu khai mạc, và phó tổng thống Mike Pence tuyên thệ.

11:45 – 12h: Nhiệm kỳ của Tổng thống Obama chính thức chấm dứt. Đến thời điểm đó, ông Trump đọc lời tuyên thệ và rồi đọc diễn văn.

3 giờ chiều: Ông Trump và ông Pence tham dự lễ diễu hành 2.4 cây số dọc Đại lộ Pennsylvania.

7 giờ tối – 11 giờ: Vợ chồng ông Trump và Pence dự ba lễ khiêu vũ.Ông Trump dự lễ ở Nhà thờ Tân giáo St John’s gần Nhà Trắng.

21 tháng Giêng

10 giờ sáng: Ông Trump và ông Pence dự lễ cầu nguyện ở Nhà thờ Quốc gia Washington. Cùng giờ đó, cuộc diễu hành của các nhóm phụ nữ ở Washington cũng bắt đầu.

Ai sẽ có mặt?

Dự kiến vợ chồng cựu tổng thống Bill Clinton sẽ tham dự.

Các cựu tổng thống George W Bush, Jimmy Carter đã xác nhận sẽ đến.

Ông George HW Bush (tức ông Bush bố) không khỏe và đã viết thư chúc mừng ông Trump, xin lỗi vì không thể dự lễ.

Ai sẽ không dự?

Hơn 50 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ công khai nói sẽ không dự, do có mâu thuẫn giữa ông Trump và dân biểu John Lewis.

Ông Lewis thuộc số sẽ không đến.

Có các cuộc phản đối?

Nhiều cuộc tuần hành – cả ủng hộ và phản đối ông Trump – sẽ diễn ra tại Washington DC cuối tuần này.

Quan trọng nhất, cuộc tuần hành của các nhóm phụ nữ ở Washington có thể thu hút tới 200.000 người hôm 21/1.

Sự kiện này nhằm ủng hộ bình đẳng giới và sắc tộc, y tế rẻ, quyền phá thai và quyền bỏ phiếu – những vấn đề được cho là bị đe dọa khi ông Trump lên nhậm chức.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38692041

 

5 giờ thần tốc biến Tòa Bạch Ốc thành ngôi nhà Trump

Nhân viên Tòa Bạch Ốc chỉ có khoảng 5 giờ đồng hồ để cấp tốc dọn đồ đạc của gia đình Tổng thống Obama và biến nơi đây thành ngôi nhà ấm cúng sẵn sàng chào đón Đệ Nhất Gia đình mới của nước Mỹ.

Theo tiết lộ của Cựu Quản gia Tòa Bạch Ốc Stephen Rochon với USA Today, các nhân viên phải đảm bảo khi ông Donald Trump bước vào Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên trong ngày nhậm chức tổng thống 20/1, thì các bộ vét của ông đã được treo trong tủ quần áo, ảnh chân dung của ông đã được trưng bày, bàn chải đánh răng của ông phải được đặt cạnh tuýp kem đánh răng với nhãn hiệu ưa thích của ông trong phòng tắm.

“Toàn bộ ngôi nhà phải được bố trí theo ý của gia đình sắp dọn vào”, ông Stephen Rochon nói.

Nhưng điều vô cùng quan trọng là Toà Bạch Ốc vẫn thuộc về gia đình của Tổng Thống Obama cho tới giây phút tân Tổng thống làm lễ tuyên thệ nhậm chức.

Cựu quản gia Tòa Bạch Ốc cho biết không ai được đụng vào bất cứ đồ đạc nào trong Tòa Bạch Ốc cho tới khi gia đình Tổng thống Obama rời khỏi tòa nhà.

“Chỉ có khoảng năm giờ đồng hồ”, ông Rochon cho biết về thời gian chuyển tiếp để dọn nhà khi Tổng thống George W. Bush rời đi và Tổng thống Obama đến ở Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2009.

Ông Rochon cho biết ông đã đứng dõi theo chiếc xe limousine chở gia đình Tổng thống Bush rời khỏi Tòa Bạch Ốc. “Ngay khi tôi bước vào trong, thì đó là lúc tôi ra dấu hiệu và tất cả chúng tôi lập tức hành động”.

“Hành động” ở đây, theo lời ông Rochon, là mọi người sẽ phải lập tức dọn tất cả những vật dụng của gia đình cựu tổng thống, từ tivi, thảm trải nền nhà cho tới các vật dụng trong phòng trẻ em…, đóng gói để gửi đi, và mở gói các kiện hàng của gia đình tân tổng thống ra, sắp xếp theo ý thích của họ để khi đến nơi, gia đình tân tổng thống sẽ cảm nhận được đây là ngôi nhà của họ.

Quản gia Tòa Bạch Ốc cho biết sở dĩ có sự gấp rút chuẩn bị như thế là vì các nhân viên Tòa Bạch Ốc không muốn gia đình cựu tổng thống có “cảm giác họ bị đuổi khỏi nhà dù đây là ngày cuối cùng.

Các chìa khóa trong Tòa Bạch Ốc cũng sẽ được chuyển giao cùng lúc với trọng trách, tức là khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức.

Không như hầu hết các gia đình tổng thống trước, khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump sẽ đến ở Tòa Bạch Ốc, nhưng phu nhân Melania và cậu con trai 10 tuổi, Barron, sẽ vẫn ở lại tòa tháp Trump ở New York cho đến ít nhất là tháng Sáu, để tránh làm gián đoạn việc học của cậu con út nhà Trump.

http://www.voatiengviet.com/a/nam-gio-than-toc-bien-toa-bach-oc-thanh-ngoi-nha-trump/3684946.html

 

Quê hương Melania Trump tiết lộ gì

về Đệ nhất phu nhân Mỹ

Guy De LauneyPhóng viên BBC, World Tonight và Radio 4

Món ăn mang tên “Burger Tổng thống” được bày biện thịnh soạn với những miếng khoai tây rán hình tròn như đồng đô la và cả một miếng pho mát màu vàng như màu tóc của ông Donald Trump.

Trên phương diện là lời chúc mừng Tổng thống đắc cử của Mỹ thì xem chừng đây không phải là hình thức chúc mừng trang trọng nhất. Nhưng nó thể hiện tình cảm và chút hài hước mà chẳng bao lâu dường như sẽ trở thành đặc tính của vùng Sevnica, một thị trấn ở Slovenia, nơi người sẽ trở thành Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Melania, từng sống những năm tháng tuổi thơ ở đây.

“Chúng tôi làm món burger để nó có chút gì đó giống ông Trump,” đầu bếp Bruno Vidmar của nhà hàng tại Sevnica vừa cười vừa nói.

“Món ăn có ớt cay nóng vì những tuyên bố của ông Trump rất nóng – và đi kèm với những miếng khoai tây rán hình đồng đô la vì ông là một doanh gia thành công.”

Sevnica là một thị trấn nhỏ, vì thế ông Bruno dường như không phải tìm kiếm lâu để hỏi người biết rất rõ liệu bà Melania thích ăn món gì tráng miệng. Hay ít nhất bà từng thích ăn gì khi lớn lên tại thị trấn chỉ có chưa tới 5.000 người mà khi đó bà được biết với cái tên Melanija Knavs.

Ngoài một siêu thị Lidl mới được mở thêm ở rìa thị trấn thì dường như không có thay đổi là bao kể từ khi bà rời khỏi nơi đây khi còn là một thiếu nữ để đến sống tại thủ đô Ljubljana của Slovenia. Tòa lâu đài cũ, nhiều phần được xây từ thế kỷ thứ 12, tọa lạc trên đỉnh đồi trông xuống thị trấn Sevnica.

Chính thị trấn là một địa điểm được xây dựng khá hài hòa giữa cái cũ và cái mới dọc con sông Sava và bao quanh là những ngọn đồi được trồng rừng. Cơ quan Quảng bá Du lịch Slovenia giới thiệu Sevnica là “một địa điểm tuyệt vời cho những ai thích đi dã ngoại, đi bộ, xe đạp hay câu cá”.

Nếu đường xá ít băng giá hơn thì chắc chắn chuyến đi thú vị xuyên rừng cây tới Gostišče Ob Ribniku, một quán ăn và nhà khách ở bên một hồ nhỏ, sẽ rất thú vị. Bên trong biệt thự bằng gỗ theo kiểu truyền thống bạn có thể trò chuyện với một trong những người biết về những năm tháng thủa thiếu thời của Đệ nhất phu nhân tương lai.

“Chúng tôi là hàng xóm – và chúng tôi thường đi cũng đường tới trường với cô ấy,” Mateja Zalezina, người chủ Gostišče Ob Ribniku và chồng bà là ông Dejan, nói.

“Buổi chiều khi đi học về chúng tôi thường chơi với nhau ở trước khu nhà. Ngay cả khi đó cô ấy cũng rất bận vì mẹ cô ấy là nhà thiết kết thời trang và Melania là một trong những người mẫu cho công ty Jutranjka chuyên về thời trang trẻ em.”

Mateja chả tin là mình đã tiên đoán được cô hàng xóm của bà có thể tiến rất xa khỏi Sevnica, và lại càng không thể nghĩ tới việc đến tận Tòa Bạch Ốc. Nhưng bà nói Melania là người khá đặc biệt.

“Cô ấy học rất giỏi. Cô và chị cô ấy, Ines, rất chăm học. Sau khi tan trường chúng tôi chơi trò ‘gumi-twist’, nhảy dây chun, và cô chơi trò này rất giỏi. Cô có thân hình của một người mẫu – có đôi chân rất dài – và cô luôn thắng!”

Nhà hàng này còn có thực đơn gồm ba món mang tên “Thực đơn Melanija” nhân danh người bạn học cũ của Mateja. Nhưng giống như món ăn được phục vụ tại quán Rondo, người ta không có cảm giác đây là món ăn làm ra để kiếm tiền mà chỉ là một chút thể hiện tình cảm quý mến.

“Tôi rất mừng cho cô ấy – cô đã đạt được mức tối đa,” Dejan nói. “Tôi hy vọng mọi người ở Sevnica sẽ theo dõi lễ tuyên thệ nhậm chức. Chúng tôi sẽ có mặt tại nhà hàng cùng bạn bè và sẽ nâng cốc chúc mừng họ.”

Trở lại thị trấn cổ bên dưới lâu đài, Thị trưởng Sevnica, ông Srecko Ocvirk, không dự định làm gì đặc biệt để đánh dấu kỷ nguyên của ông Trump. Nhưng ông hy vọng nó sẽ khiến thị trấn này trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

“Những du khách đầu tiên tới đây là các nhà báo giống như ông,” ông nói. “Nhưng nay chúng tôi thấy số du khách đang gia tăng. Chúng tôi cũng chờ đợi các nhóm du khách đi theo tour tới sau lễ tuyên thệ nhậm chức. Nhờ vậy Sevnica và vùng này sẽ được biết đến nhiều hơn.”

Một nhân viên của trường tiểu học tại thị trấn cũng trở nên nổi tiếng trong vùng. Giáo viên môn nghệ thuật, Nena Bedek, là bạn thân của Melania cho tới khi bà rời khỏi trường và đi học tại thủ đô Ljubljana của Slovenia.

“Cô ấy là một người đáng tin cậy và là một người bạn tốt. Nhưng cô ấy chưa bao giờ muốn là người nổi bật, mặc dù cô ấy đẹp và rất chăm chỉ. Cô ấy yêu thích đọc sách và vẽ. Cô được nuôi dạy tron gia đình có phong thái nghệ thuật, cô biết cái gì là cái đẹp vì công việc của mẹ cô, một nhà thiết kế thời trang. Tôi còn giữ những kỷ niệm đẹp và cô ấy vẫn luôn ở trong trái tim tôi.”

Thị trấn còn có rất nhiều hình thức ăn mừng trước sự kiện trọng đại này như có những loại rượu, mật ong hay các loại đồ ăn khác nhau để vinh danh vợ chồng Tổng thống Mỹ, và Nena tin là những thứ này vẫn chứa đựng tinh thần của vùng Sevnica.

“Chúng đều là những thứ rất dễ thương và đầy thiện cảm – không có cái gì là ác ý cả – và cũng khá hài hước. Tôi nghĩ là nó vẫn không vượt quá giới hạn – nhìn chung là chúng đều dễ thương.”

Có lẽ nó cũng giống như chính thị trấn Sevnica này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38692582

 

Nên hay không nên

thiết kế trang phục cho Melania Trump ?

Thụy My

Cùng với việc Donald Trump đắc cử, bà Melania bỗng trở nên chủ đề gây tranh cãi trong giới thời trang Mỹ quốc. Nhiều nhà tạo mốt từ chối vẽ kiểu trang phục cho phu nhân tổng thống, một điều chưa từng thấy từ trước tới nay.

Trong khi đó, may trang phục cho tổng thống phu nhân là cơ hội duy nhất để trở nên nổi bật, nhất là trong dịp lễ nhậm chức. Bà Michelle Obama còn đi xa hơn, sử dụng như một công cụ quảng bá mạnh mẽ, với sự chọn lựa kỹ càng, và đòi hỏi cao nơi các nhà tạo mốt đơn lẻ.

Cho đến ngày 08/11/2016, mọi cuộc tranh luận pha trộn giữa thời trang và bầu cử tổng thống Mỹ đều xoay quanh bà Hillary Clinton, ứng cử viên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, và được các nhà tạo mốt yêu thích. Bà Melania Trump không được ai quan tâm đến.

Sững sờ trước chiến thắng của đối thủ bà Clinton, nhiều nhân vật trong giới tạo mốt đã chĩa mũi dùi vào mục tiêu duy nhất : đệ nhất phu nhân tương lai.

Nhà tạo mẫu Pháp sinh sống tại New York, Sophie Theallet là người đầu tiên vào giữa tháng 11/2016 cho biết sẽ không thiết kế cho bà Melania Trump, để phản đối « những lời tuyên bố phân biệt chủng tộc, khinh thị nữ giới và bài ngoại trong chiến dịch tranh cử của chồng bà ». Những người khác đã theo chân, nhất là các nhà tạo mốt nổi tiếng thế giới như Marc Jacobs, Derek Lam, Phillip Lim và Christian Siriano.

Marc Jacobs giải thích: « Cá nhân tôi muốn tập trung công sức để giúp đỡ cho những ai sẽ là nạn nhân của ông Trump và những người ủng hộ ông ta ». Còn Christina Logothetis, cố vấn hình ảnh và là chủ blog The Style of Politics nói : « Tôi không nhớ đã từng có những ví dụ khác về các nhà tạo mốt từ chối làm việc kiểu này hay không ».

Ngược lại, Diane Von Furstenberg, nhà tạo mốt đồng thời là chủ tịch nghiệp đoàn thời trang Mỹ (CFDA) rất có ảnh hưởng, nói với trang web Women’s Wear Daily : « Bà Melania đáng được tôn trọng như các đệ nhất phu nhân khác. Vai trò của chúng ta trong thế giới thời trang là quảng bá cho cái đẹp, sự cởi mở và đa dạng ».

Các nhà thiết kế Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Carolina Herrera, Zac Posen và Thom Browne cũng cho biết sẵn sàng vẽ kiểu cho Melania Trump. Nhà tạo mốt Pháp Jean-Paul Gaultier nhận định : « Bà ấy tự chọn trang phục cho mình rất giỏi, tôi chẳng có nhận xét nào không tốt về bà », và theo ông, « đây không phải là vấn đề chính trị ».

Nhà thiết kế Stefano Gabbana do viết trên Twitter để cảm ơn đệ nhất phu nhân tương lai của Hoa Kỳ đã mặc bộ váy đen hiệu D&G trong bữa tiệc tân niên, đã nhận lãnh một trận bão chỉ trích trên mạng xã hội. Nhà tạo mốt người Ý biện bạch với tờ Corriere della Sera : « Tôi không phân biệt ai, và tôn trọng tất cả mọi người, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với các ý tưởng của họ ».

Đối với những người bày tỏ sự phản kháng, thì thái độ này trước hết mang tính biểu tượng. Đó là vì Melania Trump dường như không có nhu cầu được vẽ kiểu riêng, đa số trang phục bà mặc trong những lần xuất hiện trước công chúng gần đây đều được tự mua lấy trên internet.

Hơn nữa, các chọn lựa của bà hầu hết đều nhắm vào sản phẩm của các nhà tạo mốt châu Âu. Những tên tuổi lớn như Gucci – mà bà đã mặc một bộ trang phục màu cánh sen của nhãn hiệu này trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, Balmain hay Dolce & Gabbana, và cả nhà thiết kế Serbia Roksanda Illincic hay nhà tạo mốt New Zealand sống tại Anh, Emilia Wickstead. Donald Trump thì cũng thích gu thiết kế châu Âu, chẳng hạn ông rất chuộng các bộ vét của nhà may Ý Brioni.

Nhìn chung, theo Christine Logothetis, Melania Trump « có vẻ chỉ quan tâm đến khía cạnh thẩm mỹ » và « không thực sự chú ý lắm đến nhà tạo mốt ». Hoàn toàn trái ngược với đương kim đệ nhất phu nhân Michelle Obama, vốn ăn mặc đa dạng và sẵn sàng ủng hộ các nhà thiết kế da đen ít nổi tiếng như Duro Olowu và Tracy Reese.

Thường mặc trang phục đơn sắc, kiểu dáng ít phá cách, không có họa tiết, tô điểm bằng các loại phụ kiện, Melania Trump rõ ràng muốn theo phong cách lịch lãm, cổ điển của bà Jacky Kennedy. Nhà thiết kế Vera Wang cho rằng : « Đệ nhất phu nhân cần phải hỗ trợ cho thời trang Mỹ, như những người tiền nhiệm ». Nhà tạo mốt nổi tiếng Tom Ford, mà tên tuổi từng gắn với Gucci, Yves Saint Laurent – là một trong những người đã từ chối giải thích lý do: « Tổng thống hay đệ nhất phu nhân là đại diện cho nhân dân, tốt nhất nên mặc những trang phục mà đa số người Mỹ có thể vói tới, và sản xuất tại Mỹ. Trang phục của tôi thì được may tại Ý và giá rất đắt ».

Rốt cuộc tin giờ chót cho biết nhà tạo mẫu Ralph Lauren (Mỹ) nhận vẽ kiểu trang phục cho bà Melania mặc trong ngày lễ nhậm chức của Donald Trump, còn nhà thiết kế Pháp gốc Đức Karl Lagerfeld may váy dạ hội cho đêm khiêu vũ. Rõ ràng họ không cùng quan điểm với Tom Ford.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-nen-hay-khong-nen-thiet-ke-trang-phuc-cho-melania-trump

 

Anh Quốc vẫn không thoải mái về Tổng Thống Trump

Theo tiêu chuẩn lịch sử của mô hình xã hội tranh luận cổ xưa nhất thế giới, thì đây là một vấn đề tế nhị.

Kiến nghị chính thức là “Quốc Hội này hoan nghênh sự chấm dứt quyền bá chủ của nước Mỹ.” Nhưng kiến nghị này có thể diễn tả lại bằng lời lẽ dịu dàng hơn, “Liệu lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump có đánh dấu ngày tàn của sự lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ?”

Đây là câu hỏi tâm điểm của những gì được tranh luận vào ngày thứ Năm, đêm trước lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 45 của ông Trump, do các sinh viên tại Cambridge Union đặt ra. Kiến nghị không được thi hành, nhưng cũng không được sự ủng hộ của tân tổng thống Mỹ – ngay cả đối với những người cho rằng sự lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ vẫn còn kéo dài nhiều năm nữa.

Ông Malcolm Rifkind, một trong những người tranh luận và là cựu Ngoại Trưởng, nói “nhiều người bồn chồn và lo lắng về việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Tôi là một trong những người này và tôi không ngần ngại nói lên điều đó.”

Tuy nhiên ông nói thêm, “ngay cả một tổng thống Mỹ như ông Donald Trump cũng làm tôi ít lo ngại hơn nếu cường quốc bá chủ toàn cầu đó lại là Nga hay Trung Quốc hay một số quốc gia chuyên chế khác.”

Tại phòng hội của Cambridge Union và trên toàn nước Anh – một nước hãnh diện có một mối quan hệ đặc biệt với nước Mỹ – hiện đang có lo lắng ngày càng tăng đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Sự lo lắng này được chính phủ Bảo Thủ cầm quyền chia sẻ, ngay cả khi chính phủ này đặt lòng tin vào lời hứa được đưa ra công khai vào cuối tuần qua để nhanh chóng thi hành một thỏa thuận thương mại giữa Anh với Mỹ sau khi Anh ra khỏi Khối EU.

Vào lúc tách rời khỏi EU, Anh Quốc rất cần ký những thỏa thuận thương mại mới để giúp nước này phục hồi sau vụ Brexit.

Một thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp đẩy các viễn ảnh kinh tế của Anh bên ngoài thị trường Châu Âu. Việc ông Trump ủng hộ Brexit và lời hứa nhanh chóng ký kết hiệp ước thương mại là những lời lẽ êm dịu đối với London.

Và nghi vấn gần đây của ông Trump về việc EU có thể sống còn hay không đã là một cái phao cho những người chống lại việc Anh ra khỏi EU. Tuy nhiên cũng có những nguy hiểm trong việc trở thành hợp tác chặt chẽ với ông Trump.

Lâu nay, Anh vẫn nỗ lực cân bằng các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, và các Bộ Trưởng trong chính phủ lo ngại thấy cuộc vận động tranh cử của ông Trump bắt đầu vào lúc Anh Quốc thương thuyết với EU về việc rời khỏi khối này. Các giới chức chính phủ Anh nói họ không thể làm các đối tác tại Châu Âu nổi giận vào lúc họ thương thuyết những điều khoản ra khỏi Châu Âu tốt nhất có thể được; bị các nhà lãnh đạo Châu Âu gán cho nhãn hiệu thân ông Trump sẽ có phản ứng ngược đối với Anh trong những cuộc thương thuyết ra khỏi EU sắp tới.

Ngày thứ Ba vừa qua, Thủ Tướng Anh, Theresa May, đọc bài diễn văn mạnh mẽ phát họa cách thức sẽ làm để xử lý việc Anh nhanh chóng rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng bà bảo đảm tự tách rời khỏi những hoài nghi về Châu Âu của tân tổng thống Mỹ, người vốn đã tiên đoán hiện tượng Brexit từ lâu.

Các Bộ Trưởng của Anh Quốc chia sẻ những lo ngại của các đối tác Châu Âu về những gì tổng thống Trump sẽ làm đối với NATO, khi ông gọi tổ chức này là “lỗi thời.” Và họ lo ngại việc xé rời những thỏa thuận phòng vệ tập thể có từ lâu nay của Phương Tây, đặc biệt dưới ánh sáng của việc ông Trump xếp Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, và Tổng Thống Nga ngang hàng với nhau.

Như những đối tác Châu Âu khác, các giới chức Anh cũng lo ngại khi ông Trump nói muốn “có những thỏa thuận tốt với Nga” hay gỡ bỏ những chế tài áp đặt lên Nga vì đã sát nhập Crimea để đổi lấy việc giảm bớt vũ khí hạt nhân. Những người này nói gỡ bỏ chế tài có thể là Hoa Kỳ ủng hộ những hành vi xâm lấn của Nga đối với Ukraine và tạo nguy cơ khiêu khích của Nga tại các nước vùng Baltic.

Ông Nicholas Soames, một nhà lập pháp bảo thủ Anh và là cháu nội của nhà lãnh đạo Churchill thời Thế Chiến Thứ Hai, viết trên Twitter tuần này: “Ông Trump cần chứng tỏ ông không ngây thơ và hiểu mục đích của ông Putin là hủy diệt Liên Minh Xuyên Đại Tây Dương và làm suy yếu EU.”

http://www.voatiengviet.com/a/anh-van-khong-thoai-mai-ve-tong-thong-trump/3684844.html

 

Các ‘đại gia’ tài trợ cho lễ nhậm chức của ông Trump

Một trong những điều gây chú ý về lễ nhậm chức được hứa hẹn “rất đặc biệt” của Tổng Thống thứ 45 của Mỹ, Donald Trump, là chuyện tiền nong, chi phí. Đây được xem là sự kiện tốn kém nhất của nước Mỹ. Thông thường, nguồn kinh phí dành cho lễ nhậm chức tổng thống đến từ các nhà tài trợ và tiền thuế của dân.

Washington Post ước tính lễ nhậm chức lần này của ông Trump dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng từ $175 triệu đến $200 triệu cho toàn bộ sự kiện, bao gồm các cuộc diễu hành, các bữa tiệc chính thức, dạ hội, chi phí an ninh, vận chuyển, vệ sinh… Nhưng kênh tin tức ABC News nói kinh phí này thậm chí còn cao hơn.

Với chi phí lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim như trên, điều mà nhiều người Mỹ quan tâm là có bao nhiêu tiền đến từ các nhà tài trợ, vì phần còn lại sẽ lấy từ tiền thuế của dân.

Cho tới sáng 20 tháng Giêng, thông tin từ Ủy Ban Phụ Trách Lễ Nhậm Chức Tổng Thống cho biết đã có được ít nhất $90 triệu từ các “đại gia” tài trợ cho sự kiện này. Con số này phá kỷ lục trước đây là $55 triệu tài trợ cho lễ nhậm chức lần đầu của Tổng Thống Barack Obama.

Hãng máy bay Boeing, tập đoàn xăng dầu Chevron, hãng giải khát Coca-Cola, hãng điện thoại truyền thông AT&T, Verizon… là những tên tuổi đã bỏ hầu bao chi trả cho ngày nhậm chức của ông Trump.

Tin cho hay Boeing chi $1 triệu, Chevron chi $500 ngàn, Verizon chi $100 ngàn cho các sự kiện ngày 20 tháng Giêng.

Theo quy định, những người vận động hành lang sẽ không được phép tài trợ cho sự kiện này.

Các nhà tài trợ sẽ được chọn một trong các gói quà, bao gồm vé mời cho buổi ăn tối đặc biệt dưới ánh nến, các buổi hòa nhạc có bắn pháo hoa và dạ hội nhậm chức.

Các nhà tài trợ chờ đợi gì từ tân tổng thống? Theo Business Insider, các nhà tài trợ cho lễ nhậm chức có thể là những công ty chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các đề xuất chính sách từ đội ngũ của ông Trump. Chẳng hạn, đại tập đoàn Boeing hiện đang rất phụ thuộc vào các hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Trong khi ông Trump trước đây từng dọa sẽ bỏ chiếc chuyên cơ Air Force One do Boeing thực hiện. Các chính sách đối ngoại của ông Trump cũng có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bán máy bay của Boeing tới các quốc gia như Iran và Trung Quốc.

Mỹ có quy định chặt chẽ về người được phép tài trợ cho các chiến dịch vận động của các ứng cử viên, nhưng không áp dụng cho lễ nhậm chức. Đến năm 2002, ủy ban phụ trách lễ nhậm chức đã yêu cầu phải công khai tên của các công ty và cá nhân tài trợ trên $200. Và danh sách này phải được công bố trong vòng 90 ngày sau lễ nhậm chức.

Tổng thống Barack Obama và George W. Bush đã tự nguyện công bố chi tiết danh sách này trước thời hạn. Năm nay, đội ngũ của ông Trump đã phá tiền lệ này.

Tại lễ nhậm chức năm 2009, ông Obama cấm nhận các khoản đóng góp trên $50 ngàn. Điều này được thay đổi vào lễ nhậm chức lần thứ hai của ông năm 2013. Lúc đó, các đại công ty như AT&T đã đóng góp hàng trăm ngàn đôla cho sự kiện này.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-dai-gia-tai-tro-cho-le-nham-chuc-cua-ong-trump/3684764.html

 

Một số điều thú vị về Lễ Nhậm chức Tổng thống Mỹ

Ngày Nhậm chức Tổng thống của Mỹ là một sự kiện trọng đại diễn ra mỗi bốn năm. Bạn có biết ngày lễ này có một lịch sử phong phú và đầy những điều thú vị không?

Kinh thánh

Không có quy định sử dụng kinh thánh khi tuyên thệ, nhưng việc này đã trở thành truyền thống. Mỗi một tổng thống bắt đầu với Lyndon Johnson vào 1965 đều để vợ mình cầm Kinh thánh khi họ giơ tay đọc lời tuyên thệ.

‘Vì thế xin Chúa giúp con’

‘So help me God’ (Vì thế xin Chúa giúp con) là câu nói cuối cùng trong lời tuyên thệ. Nó được thêm vào trong mỗi buổi lễ nhậm chức từ năm 1933 tới nay. Nhiều người tin rằng George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ, thêm vào câu này khi ông nhậm chức, nhưng giới sử học nói có những bằng chứng cho thấy không phải vậy. Có những buổi lễ nhậm chức khác trong lịch sử mà câu này không được thêm vào.

Những câu nói bất hủ

Một số bài diễn văn nhậm chức tổng thống đã để lại cho hậu thế những danh ngôn bất hủ và lưu truyền khắp thế giới. Chẳng hạn như câu: “Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ” của Tổng thống Franklin Roosevelt khi ông nhậm chức vào năm 1933. Hay câu nói nổi tiếng của Tổng thống John Kennedy vào năm 1960: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước.”

Tổng thống nói sai

Tổng thống đôi khi cũng nói sai trong giây phút tuyên thệ long trọng. Đó là trường hợp của Tổng thống Barack Obama vào năm 2008. Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts đọc sai lời tuyên thệ, ông Obama hơi lúng túng và lặp lại lỗi sai này của vị Chánh án. Họ phải tuyên thệ lại đêm hôm sau trong Tòa Bạch Ốc. Ông Obama cũng tuyên thệ hai lần vào năm 2013 vì ngày nhậm chức rơi vào Chủ nhật. Ông phải cử hành một buổi lễ riêng tư vào đúng ngày 20 tháng 1 và một buổi lễ công cộng vào ngày thứ Hai. Vì thế coi như ông Obama nhậm chức bốn lần, bằng với kỷ lục của Tổng thống Roosevelt.

Và dù ai là tổng thống thì Ngày Nhậm chức không phải nhằm mục đích tôn vinh cá nhân họ mà là tôn vinh nước Mỹ và nền dân chủ của Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/mot-so-dieu-thu-vi-ve-le-nham-chuc-tong-thong-my/3684412.html

 

Donald Trump qua những con số

63 triệu

Đây là tổng số phiếu bầu phổ thông mà ông Trump nhận được trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11. Chính xác là 62.979.879, theo kết quả bầu cử cuối cùng đã được chứng thực. Con số này kém con số của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton gần 2,9 triệu phiếu dù ông Trump thắng số phiếu Đại cử tri đoàn. Ông Trump tuyên bố giành “chiến thắng áp đảo” nhưng thực tế là cách biệt về số phiếu bầu phổ thông của ông xếp thứ ba trong số những ứng cử viên thua số phiếu phổ thông nhưng thắng số phiếu Đại cử tri đoàn, tức là xếp thứ 47 trên 49 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1824.

20 triệu

Tài khoản Twitter của ông Trump giờ đã có hơn 20 triệu người theo dõi, khiến ông trở thành người thứ 68 trong số những người được theo dõi nhiều nhất trên trang mạng xã hội này theo công cụ đo lường TwitterCounter. Twitter là công cụ giao tiếp đặc biệt hữu hiệu đối với ông Trump trong suốt quá trình vận động tranh cử và kể cả giai đoạn chuyển tiếp quyền hành, và không có lý do gì để tin rằng ông sẽ ngưng dùng Twitter khi ông chính thức trở thành tổng thống. Nếu như Tổng thống Franklin Roosevelt nổi tiếng với khả năng tận dụng sức mạnh của radio, Tổng thống John Kennedy phát huy lợi thế nhờ TV thì Tổng thống Trump sẽ thống trị bằng Twitter và truyền hình thực tế.

103

103 vị trí trong hệ thống tòa án liên bang đang chờ ông Trump bổ nhiệm, kể cả một vị trí thẩm phán trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Đó là con số cao bất thường mà ông Trump thừa hưởng, gần gấp đôi thời Tổng thống Obama và Bush nhậm chức. Vì sao con số này quan trọng? Đó là vì ông Trump sẽ có một cơ hội đặc biệt để tái định hình nhánh tư pháp của Mỹ với những thẩm phán có nhiệm kỳ trọn đời. Nhiều vấn đề gây tranh cãi như phá thai, hôn nhân đồng tính, di dân, luật kiểm soát súng, vân vân có phần chắc sẽ lại trở thành tâm điểm của những cuộc chiến pháp lý gay gắt và những phán quyết đưa ra có thể đưa xã hội Mỹ đi theo đường hướng bảo thủ hơn.

71

Ông Trump sẽ là tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất từng nhậm chức và ông sẽ tròn 71 tuổi vào tháng 6 tới. Trước đây Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức khi chưa tròn 70 tuổi và ông vẫn là tổng thống lớn tuổi nhất tại nhiệm, 77 tuổi khi ông rời nhiệm sở. Trải qua 16 tháng vận động tranh cử vất vả dọc ngang khắp nước Mỹ, ông Trump giờ đây sẽ đảm nhiệm công việc thuộc loại căng thẳng và nhiều áp lực nhất thế giới. Hãy nhìn Tổng thống Obama sau tám năm thì sẽ rõ. Ông Trump công bố rất ít thông tin về những chỉ số sức khỏe của mình, chỉ biết rằng ông không hút thuốc lá hay uống rượu bia.

0

Không có hồ sơ khai thuế nào được ông Trump công khai tính tới thời điểm này. Điều này phá vỡ một truyền thống được mọi tổng thống tuân thủ hơn 40 năm qua. Khi bị báo chí thúc ép về vấn đề này, ông Trump liên tục đưa ra lý do rằng hồ sơ khai thuế của ông đang được kiểm toán, nhưng Sở Thuế vụ nói việc kiểm toán không hề ngăn cản bất kỳ ai công khai hồ sơ thuế của mình. Ông Trump nói rằng “người Mỹ không quan tâm” tới hồ sơ khai thuế của ông nhưng khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy điều ngược lại. Một trang hồ sơ khai thuế năm 1995 của ông Trump được báo New York Times tiết lộ vào năm ngoái cho thấy ông Trump báo lỗ kinh doanh 916 triệu đôla và có thể đã tránh đóng thuế liên bang một cách hợp pháp trong 18 năm.

http://www.voatiengviet.com/a/donald-trump-qua-nhung-con-so/3684405.html

 

Ba vấn đề có hệ lụy sâu rộng

đeo bám ông Trump vào Tòa Bạch Ốc

Mối quan hệ với cộng đồng tình báo

Mối quan hệ hiện tại giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và cộng đồng tình báo Mỹ có thể được mô tả là đầy chông gai, đôi khi thù địch. Đó là bởi vì những lãnh đạo tình báo hàng đầu của Mỹ đều kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Dù giới tình báo không đưa ra đánh giá liệu việc này có ảnh hưởng tới kết quả bầu cử hay không, song ông Trump xem kết luận này mang động cơ chính trị nhằm làm cho chiến thắng của ông mất tính chính danh. Ông Trump lên Twitter dè bỉu giới tình báo bằng giọng điệu đả kích và ngờ vực. Sau khi lộ tin cho hay ông Trump đã được báo cáo về những tuyên bố chưa được kiểm chứng nói rằng Nga nắm trong tay những thông tin gây tổn hại về ông, ông phẫn nộ so sánh giới tình báo Mỹ với Đức Quốc xã. Trong những ngày tháng tới ông Trump hàng ngày sẽ phải nghe báo cáo của họ để đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đã có những tổng thống hoài nghi thông tin mà giới tình báo thu thập nhưng chưa một ai đả kích họ gay gắt và công khai như ông Trump. Dè bỉu những người mà hàng ngày có thể đương đầu với nguy hiểm phục vụ đất nước có thể gây tổn hại rất lớn, không chỉ đối với nhuệ khí của hàng trăm ngàn nhân viên tình báo mà nghiêm trọng hơn là với an ninh quốc gia.

Mối quan hệ với Nga/Putin

Nếu ông Trump có một lập trường nhất quán xuyên suốt thì đó là việc ông bày tỏ sự ngưỡng mộ và không ngần ngại tán dương Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù trong cuộc họp báo gần đây ông Trump nói rằng ông chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử, song ông nhanh chóng đề cao mối quan hệ hữu hảo mà ông muốn có với ông Putin. Lập trường này trái ngược hoàn toàn với lập trường của chính Đảng Cộng hòa của ông muốn áp đặt những chế tài mạnh hơn nữa lên Nga, nước mà các chính quyền Mỹ suốt hàng chục năm qua vẫn xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của mình. Những lời tán dương và thái độ ngưỡng mộ ra mặt của một tổng thống Mỹ dành cho một tổng thống Nga là điều chưa từng thấy từ trước đến nay. Và với những phát biểu của ông Trump như NATO “đã lỗi thời” và Thủ tướng Đức Angela Merkel phạm “sai lầm thảm họa” về chính sách di dân, không khó hiểu vì sao nỗi lo sợ bao trùm các thủ đô Tây Âu khi ngày nhậm chức của ông Trump tới gần. Trật tự an ninh hậu Thế chiến thứ Hai có thể bị đe dọa nếu ông Trump nhất quyết dang rộng vòng tay với Nga, và hệ lụy của chính sách đối ngoại này là điều mà các nhà lãnh đạo Tây Âu không dám nghĩ tới.

Mâu thuẫn lợi ích

Một vấn đề nan giải của ông Trump khi làm tổng thống là những mâu thuẫn lợi ích từ đế chế kinh doanh trải rộng khắp toàn cầu của ông. Chưa một tổng thống Mỹ nào nhậm chức với khối lượng tài sản khổng lồ như ông Trump với hơn 500 công ty ở Mỹ và ở nước ngoài mà ông sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý. Nhiều chuyên gia giám sát đạo đức chính phủ đề nghị ông bán hết tài sản của mình và để chúng vào một quỹ tín thác mù mà ông không biết tới. Nhưng trong cuộc họp báo gần đây luật sư của ông cho biết ông quyết định giao lại toàn bộ hoạt động kinh doanh cho hai người con trai tiếp quản thay vì những người quản lý độc lập. Kế hoạch này đã bị những chuyên gia đạo đức chính phủ gọi là “vô nghĩa” và “không đáp ứng những tiêu chuẩn mà mỗi một tổng thống đã đáp ứng suốt 40 năm qua.” Không khó để hình dung từ giờ trở đi những ai muốn gây ảnh hưởng tới nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới có thể tiếp cận hai người con trai của ông thông qua những thỏa thuận kinh doanh. Ông Trump viện dẫn luật pháp nói rằng tổng thống không có mâu thuẫn lợi ích. Điều này về lý thuyết là đúng, nhưng tất cả các tổng thống tiền nhiệm đều tự nguyện tách mình khỏi những lợi ích cá nhân để đặt lợi ích công lên đầu. Các chuyên gia giám sát đạo đức nói rằng những mâu thuẫn lợi ích của ông Trump, nếu không được giải quyết thỏa đáng, có thể gây nên khủng hoảng hiến pháp và làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với nhiệm quyền tổng thống của ông.

http://www.voatiengviet.com/a/ba-van-de-co-he-luy-sau-rong-deo-bam-ong-trump-vao-toa-bach-oc/3684395.html

 

Washington sẵn sàng

cho những ngày biểu tình chống ông Trump

Washington trở thành một pháo đài trước lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump vào ngày thứ Sáu 20 tháng 1 năm 2017. Thủ đô nước Mỹ dự trù sẽ phải đối phó với hơn 250.000 người biểu tình vào lúc ông Trump thuộc đảng Cộng hòa tuyên thệ nhậm chức.

Cảnh sát tiên đoán có khoảng 900.000 người, cả người ủng hộ lẫn người chống đối, sẽ tràn ngập Washington để dự lễ nhậm chức của ông Trump, bao gồm lễ tuyên thệ trên tam cấp Điện Capitol và một cuộc diễn hành đến Tòa Bạch Ốc với những người dự khán đứng dọc theo các con đường.

Nhiều người tham dự sẽ là những người biểu tình bất mãn vì những lời bình luận khiếm nhã của nhà phát triển địa ốc New York dành cho phụ nữ, di dân và người Hồi Giáo cũng như quyết tâm của ông rút lại luật cải cách y tế thường được gọi là Obamacare và kế hoạch xây một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Những người ủng hộ ông Trump thán phục kinh nghiệm của ông trong việc kinh doanh, như là một nhà phát triển địa ốc, và ngôi sao truyền hình thực tế, và xem ông như một người bên ngoài Washington và là người giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng An ninh Nội địa sắp mãn nhiệm Jeh Johnson nói mục đích của cảnh sát là nhằm tách rời các nhóm để tháo gỡ căng thẳng, tương tự như các đại hội chính trị hồi năm ngoái.

Ông Johnson nói trên kênh truyền hình MSNBC hôm thứ Năm “Mối quan ngại là một số những nhóm này thân ông Trump, những nhóm khác chống ông Trump, và họ có thể không thuận thảo với nhau tại cùng một địa điểm.”

Có khoảng 28.000 nhân viên an ninh, nhiều kilômét hàng rào, cấm đường, rào cản trên đường phố và những xe hốt rác chở đầy cát thuộc thành phần bảo vệ an ninh chung quanh gần 8 kilômét vuông tại trung tâm Washington.

Có khoảng 30 nhóm mà các người tổ chức nói sẽ thu hút khoảng 270.000 người biểu tình chống hay ủng hộ ông Trump nhận được giấp phép biểu tình hay tuần hành trước, trong và sau lễ tuyên thệ nhậm chức. Sẽ có nhiều người biểu tình không giấy phép.

Một nhóm người biểu tình có tên là Disrupt J20 cho biết sẽ tổ chức biểu tình tại 12 điểm kiểm soát và chặn việc tiếp cận các lễ hội tại Quảng trường Quốc gia.

Cho đến nay cuộc biểu tình lớn nhất sẽ là cuộc Tuần hành của Phụ nữ tại Washington vào ngày thứ Bảy mà các nhà tổ chức hy vọng thu hút đến 250.000 người. Hàng trăm cuộc biểu tình Tuần hành của Phụ nữ liên hệ đến việc phản đối ông Trump cũng được dự trù tổ chức trên toàn nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Một cuộc biểu tình tại Washington sẽ diễn ra với khói thuốc cần sa khi những nhà hoạt động bày tỏ sự chống đối Thượng nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Alabama Jeff Sassions được ông Trump chọn làm bộ trưởng tư pháp vì ông chỉ trích việc hợp pháp hóa cần sa.

Các giới chức cảnh sát và an ninh hứa bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tập họp ôn hòa của những người biểu tình được hiến pháp qui định.

Đám đông ngày thứ Sáu dự trù ít hơn con số 2 triệu người đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Obama vào năm 2009, và bằng với khoảng 1 triệu người có mặt tại lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Obama cách đây 4 năm.

Diễn hành trong ngày nhậm chức sẽ được tổ chức dọc theo Đại lộ Pennsylvania, ngang qua Khách sạn Quốc tế Trump. Khách sạn này là nơi tụ hội của những người biểu tình kể từ khi có cuộc bầu cử Tổng thống và hiện được bao vây bằng những hàng rào.

Ông Trump sẽ tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại nhà thờ vào ngày thứ Bảy, kết thúc lễ nhậm chức.

http://www.voatiengviet.com/a/washington-san-sang-cho-nhung-ngay-bieu-tinh-chong-ong-trump/3684372.html

 

Những quyết định đầu tiên

của tân tổng thống Trump : nói dễ, làm khó

Vài giờ sau lễ nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Donald Trump về mặt hình thức sẽ ký những sắc lệnh đầu tiên. Nhưng cần có thời gian để thực hiện lời hứa. Phân tích của thông tín viên Anne –Marie Capomaccio từ Washington.

Lễ tuyên thệ của tổng thống Donald Trump có gì mới ?

Anne – Marie Capomaccio : « Lễ tuyên thệ lần này có một số thay đổi so với truyền thống của nước Mỹ. Nhưng đấy không hẳn là theo ý muốn của ông Trump hay các cộng tác viên của ông ta. Điều mà ban lãnh đạo mới mong muốn là thay thế Charlie Brotman, 88 tuổi, người từng điều khiển chương trình buổi lễ trọng đại này từ năm 1957, khi tổng thống Eisenhower tuyên thệ cho một nhiệm kỳ thứ hai.

Từ đó tới nay Brotman đã 15 lần chủ trì các buổi lễ tuyên thệ qua nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ. Một số thay đổi khác đáng chú ý lần này, là ban tổ chức đã rút ngắn thời gian lễ diễu hành trên đường phố của tân chủ nhân Nhà Trắng xuống còn có một tiếng rưỡi đồng hồ. Chỉ có rất ít các ngôi sao trong làng giải trí Hoa Kỳ đến dự lễ nhậm chức của ông Trump. Ê-kip của tân tổng thống Mỹ đành phải chấp nhận điều đó và cho rằng, hôm nay là ngày hội của quần chúng và điều ấy có ý nghĩa hơn là một buổi lễ long trọng để đón các ngôi sao điện ảnh của Hollywood.

Donald Trump điểm tín nhiệm thấp kỷ lục

Anne – Marie Capomaccio : « Donald Trump đang giữ một kỷ lục : có hơn 40 cuộc tuần hành chống đối Trump đã được cấp giấy phép. Đáng chú ý nhất là cuộc biểu tình ngày mai, Thứ Bảy 21 tháng Giêng của nữ giới ở Washington. Cùng lúc là hàng loạt các cuộc biểu tình của giới chống sử dụng súng ống, của thanh niên … Đây là sự kiện chưa từng xảy ra ở thủ đô Washington. Tỷ lệ chống đối Donald Trump cũng cao chưa từng có. Thêm vào đó là hơn 50 dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ vắng mặt trong buổi lễ hôm nay để phản đối việc Donald Trump đả kích John Lewis, một nhà đấu tranh vì các quyền công dân Mỹ »

Thay thế báo chí bằng Twitter

Anne – Marie Capomaccio : « Đây chính là điểm rõ rệt nhất. Donald Trump sử dụng các mạng xã hội một cách thường trực và đây là cách để ông trực tiếp chuyển tải những thông điệp của mình đến tận cử tri. Ai cũng biết là ông Trump không mấy có thiện cảm với báo giới và từng tuyên bố thẳng thừng : báo chí là một phương tiện đã lỗi thời.

Phải nói là đôi khi Donald Trump đã thực sự thành công trong việc qua mặt báo chí. Biện pháp này đã rất hiệu quả trong thời gian vận động tranh cử. Không có lý do gì để Donald Trump thay đổi cung cách một khi chính thức trở thành tổng thống. Có điều, trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Hillary Clinton đối thủ của Donald Trump đã giành nhiều hơn ông tới gần 3 triệu lá phiếu của cử tri và giờ đây Donald Trump phải là một vị tổng thống của tất cả công dân Mỹ, kể cả những thành phần đã không bỏ phiếu cho ông ».

Những quyết định đầu tiên của Donald Trump ?

Anne – Marie Capomaccio : « Chưa có gì được thông báo một cách cụ thể nhưng căn cứ vào những tuyên bố gần đây nhất của ông Trump và những hứa hẹn trong lúc vận động tranh cử, thì quyết định đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 sẽ là bãi bỏ luật bảo hiểm y tế – Obamacare.

Tuy nhiên Donald Trump báo trước là đạo luật này sẽ được thay thế bằng một bộ luật khác một khi Obamacare chính thức bị xóa bỏ. Điều đó có nghĩa là thủ tục còn dài, vì quyết định này còn phải được bên Lập pháp thông qua.

Kế tới là những quyết định của tổng thống Trump liên quan đến chính sách đón nhận người tị nạn Syria, đến các hiệp định tự do mậu dịch, từ TPP đến hiệp ước thương mại với các nước Bắc Mỹ. Thế rồi Donald Trump cũng đã cam kết xây một bức tường giữa biên giới Hoa Kỳ với Mêhicô mà các chi phí tốn kém do người Mỹ đài thọ trong thời gian đầu, bởi vì phía Mêhicô dứt khoát từ chối tài trợ cho dự án đó. Cách nay 2 ngày, phát ngôn viên của ông Trump cho biết là nội hôm nay, tức là sau khi tuyên thệ nhập chức tổng thống sẽ ban hành 4 hay 5 sắc lệnh … »

Nhưng tất cả đều đòi hỏi thời gian

Anne – Marie Capomaccio : « Điều đó rất chính xác đối với luật bảo hiểm y tế, bởi hủy bỏ luật Obamacare sẽ khiến hơn 20 triệu dân Mỹ mất bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc rút lui khỏi các hiệp định tự do mậu dịch cũng đòi hỏi thời gian và buộc Hoa Kỳ phải đàm phán lại với các đối tác thương mại.

Trên vấn đề người nhập cư, từ chối nhận người tị nạn Syria là một chuyện, trục xuất 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ đang sống trên đất Mỹ lại là một chuyện khác. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian. Dù vậy tổng thống Trump có thể xét lại quyết định của người tiền nhiệm là Barack Obama cho phép hợp thức hóa trường hợp của những người nhập cư đã đặt chân lên lãnh thổ Hoa Kỳ lúc còn nhỏ. Nhưng chắc chắn là quyết định này sẽ làm dấy lên công phẫn trong dư luận. Vả lại chính ông Obama đã hứa là sẽ lên tiếng nếu như một số những giá trị cơ bản của nước Mỹ bị vi phạm».

Kinh tế : hiệu ứng Trump chỉ là hình thức bề ngoài

« Nếu chúng ta căn cứ vào thông báo chính thức thì đúng là các tập đoàn công nghiệp, của các công ty như Amazon, Carrier hứa không di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài, hay các hãng xe hơi như Ford, Toyota, Fiat Chrysler và gần đây nhất là General Motors và cả hệ thống siêu thị WalMart đẩy mạnh đầu tư ở Mỹ. Các hãng này cam kết tạo việc làm cho người lao động Mỹ.

Ông Trump dọa trừng phạt, đánh thuế hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đồng thời hứa hẹn giảm thuế cho các doanh nghiệp. Tân tổng thống Mỹ không khỏi hài lòng khi thấy các doanh nghiệp phải nhượng bộ. Tuy vậy giới chuyên gia kinh tế cho rằng, hầu hết các thông báo của các tập đoàn vừa kể đều đã được tính trước và không kiên quan gì đến những tuyên bố hay lời hù dọa của ông Trump. Thành thử chúng ta có thể nói hiệu ứng Donald Trump chỉ là hình thức bề ngoài.

Thực chất của vấn đề là từ quyết định giảm thuế cho doanh nghiệp đến quyền phá thai, hủy bỏ luật bảo hiểm y tế, hay khả năng Hoa Kỳ rút lại những cam kết chống biến đổi khí hậu … đều là những hồ sơ đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện. Có lẽ tới cuối nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên, ông Donald Trump cũng chưa thực hiện được ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-nhung-quyet-dinh-dau-tien-cua-tan-tong-thong-trump-noi-de-lam-kho

 

Mỹ: Biểu tình lớn chống Trump tại New York

Trọng Thành

Tại New York, ngày 19/01/2017 hàng nghìn người tập hợp phản đối Trump tại quảng trường Columbus Circle và dọc theo đại lộ bao quanh công viên Central Park West, nơi có tòa tháp Trump International Tower, được coi là một đại bản doanh của tân tổng thống Hoa Kỳ.

Tham gia vào cuộc biểu tình có thị trưởng New York, Bill de Blasio, và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nam diễn viên Robert de Niro, Alec Baldwin (người nổi tiếng với các màn diễu nhại Trump trong thời gian gần đây), nữ ca sĩ Cher, đạo diễn Michael Moore hay tài tử Mark Ruffalo.

« Hãy chống Trump mỗi ngày », « công lý và quyền dân sự cho tất cả »,  « tình yêu mạnh hơn thù hận » là vài trong số các biểu ngữ.

Nghệ sĩ Robert de Niro kêu gọi : « Trong mọi hoàn cảnh, người Mỹ chúng ta, người New York chúng ta, những người yêu nước chúng ta hãy đoàn kết để bảo vệ quyền của chúng ta, quyền của các công dân ». Một người tham dự cho biết ông đến đây là bởi sợ rằng toàn bộ các thành quả 50 năm vừa qua của nước Mỹ, về các quyền dân sự, quyền tự do ngôn luận, quyền được chăm sóc sức khỏe, nữ quyền, quyền của người đồng tính… sẽ bị tước đoạt.

Thị trưởng New York tuyên bố ngày ông Trump nhậm chức sẽ « không phải là điểm kết thúc, mà là khởi đầu » cho một cuộc chiến mới. Thị trưởng Bill de Blasio là người liên tục chống lại Donald Trump. Ngay sau kết quả bầu cử ngày 08/11/2016, ông đã gặp Trump để cảnh báo là New York sẽ bảo vệ đến cùng truyền thống tiếp nhận người nhập cư, trước các đe dọa trục xuất hàng triệu người của chủ nhân Nhà Trắng tương lai.

Riêng tại châu Âu, theo AFP, nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối Trump sẽ diễn ra hôm nay, đặc biệt tại Luân Đôn  Berlin, Bruxelles, Praha…

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-my-bieu-tinh-lon-chong-trump-tai-new-york

 

TQ bổ nhiệm tân lãnh đạo hải quân

Trung Quốc mới bổ nhiệm tân chỉ huy lực lượng hải quân, truyền thông quốc gia nói hôm thứ Sáu.

Việc thay đổi nhân sự diễn ra vào lúc Trung Quốc đẩy nhanh việc phát triển quân sự, khiến các nước láng giềng lo lắng, đặc biệt là trong chuyện mở rộng đội tàu hải quân nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Chỉ huy mới của lực lượng hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) là Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, người đã dẫn dắt Hạm đội Nam Hải (là vùng biển Việt Nam gọi là Biển Đông), trang tin China Daily nói.

Giới quan chức hải quân trong khu vực nói các tàu của Trung Quốc nay đang ngày càng đeo bám và nổi trội so với tàu chiến của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại các vùng biển có tranh chấp, Biển Đông và Biển Hoa Đông, ngay cả trong các đợt triển khai thường lệ.

Bắc Kinh nói họ không có mục đích gây hấn và muốn kiểm soát các tranh chấp thông qua đối thoại song phương với các nước liên quan.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có tranh cãi ngoại giao với Hoa Kỳ liên quan tới các hoạt động tuần tra trong khu vực bằng tàu biển và máy bay.

Tân lãnh đạo hải quân Trung Quốc

“Tuy hải quân không tiết lộ khi nào việc chuyển giao diễn ra, nhưng các nhà quan sát tin rằng nó đã được thực hiện trong tuần này,” China Daily nói thêm.

Trong một thông cáo báo chí do Hải quân PLA công bố hôm thứ Sáu, ông Thẩm phát biểu tại một cuộc họp qua video với các sỹ quan và thủy thủ Hạm đội Hộ tống số 25 tại Vịnh Aden trong cương vị mới là Chỉ huy Hải quân PLA, trang tin Chinanews.com tường thuật.

Tuy không đưa ra tuyên bố chính thức nào về việc thay đổi, nhưng trong một tuyên bố đăng trên website của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã dùng chức danh mới đối với ông Thẩm.

Hồi 2014, ông Thẩm đã dẫn dắt một số tàu chiến Trung Quốc tại cuộc tập trận quốc tế ở Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), quanh các đảo của Hawaii. Đó cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quy mô lớn do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Sau cuộc tập trận, ông đã có chuyến thăm chính thức với danh nghĩa hải quân tới San Diego.

Ông Thẩm, 60 tuổi, thay thế cho vị chỉ huy sắp nghỉ, ông Ngô Thắng Lợi, 71 tuổi, người được Hoàn cầu Thời báo nói là rời vị trí do sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Ngô vẫn giữ vị trí trong Quân ủy Trung ương, theo China Daily, nhưng nhiệm vụ mới của ông là gì thì vẫn chưa rõ.

Ông Thẩm, người Thượng Hải, đã từng chỉ huy Đội tàu Khu trục số 10 thuộc Hạm đội Biển Bắc, rồi chỉ huy Căn cứ Hỗ trợ Hậu cần Lyushun của Hải quân.

Hồi 2010, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Học viện Hải quân Đại Liên, và được thăng chức chuẩn đô đốc.

Một năm sau đó, ông trở thành Chủ tịch Học viện Hải quân Nam Kinh.

Tháng Tám 2014, ông được bổ nhiệm làm phó chỉ huy Hạm đội Nam Hải rồi tới tháng Mười Hai, ông trở thành chỉ huy hạm đội này thay cho Trung tướng Hải quân Tưởng Vĩ Liệt, người được trao vị trí phó chỉ huy trưởng Hải quân Trung Quốc.

Ông được thăng chức phó đô đốc hồi tháng Bảy, theo tường thuật của trang tin Chinanews.com

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38684699

 

Xe hơi đâm chết người đi bộ ở Melbourne

Ba người thiệt mạng và 20 người bị thương sau khi một chiếc xe hơi được cho là có chủ ý tông vào những người đi bộ ở khu trung tâm Melbourne, Úc, cảnh sát cho hay.

Một người đàn ông bị bắt và “tình hình đã được kiểm soát”, cảnh sát nói.

Vụ việc được cho là không liên quan đến khủng bố, quyền Cảnh sát trưởng Victoria Stuart Bateson nói.

Vụ việc xảy ra tại Bourke St Mall, khu vực mua sắm sầm uất, trước 14:00 giờ địa phương (03:00 GMT).

Ông Bateson nói cảnh sát tin rằng người lái xe “cố tình tông vào đám đông”.

Truyền thông Úc đăng tải đoạn băng hiện trường cho thấy một chiếc xe màu nâu đỏ chạy bất thường gần ga xe lửa Flinders Street.

Cựu cảnh sát trưởng Victoria Christine Nixon cho biết bà nhìn thấy một chiếc xe đẩy em bé bị lật tại hiện trường nhưng không thấy em bé trong xe.”

Một nhân chứng nói với BBC rằng bà nhìn thấy những người đi bộ cố chạy thoát khi chiếc xe lao vào lối đi bộ.

“Chiếc xe cán một vài người bên ngoài các văn phòng và cửa hàng tiện lợi, hất tung họ lên rồi chạy tiếp” nhân chứng cho biết.

“Nó cán thêm một số người khác. Tôi không biết điều gì xảy ra. Mọi người la hét, bụi bốc lên mù mịt. Tôi tưởng một tòa nhà đang sập.”

Bệnh viện Royal Children xác nhận đang chữa trị cho 10 bệnh nhân sau vụ việc.

Bệnh viện St Vincent cho biết họ chữa trị sáu bệnh nhân.

Giải quần vợt Úc mở rộng diễn ra cách hiện trường khoảng 2km không bị ảnh hưởng, cảnh sát cho biết.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38662857

 

Tấn công tự sát ở Mali, 60 người chết

Một nhóm cực đoan có liên hệ với al-Qaida đã nhận trách nhiệm trong vụ tấn công tự sát hôm thứ 4 vào một trại quân sự ở bắc Mali, giết chết ít nhất 60 binh sĩ và phần tử nổi dậy phiến quân. 115 người khác bị thương trong vụ tấn công này.

Một chiếc ô tô chứa đầy chất nổ đã xâm nhập trại quân sự ở Gao giữa lúc hàng trăm binh sĩ đang tập hợp vào buổi sáng.

Nhóm Al Mourabitoune, có liên hệ với chi nhánh Bắc Phi của al-Qaida, cho hay họ đứng sau vụ đánh bom này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Idrissa Maiga nói vụ đánh bom hôm thứ 4 là một phần của “một cuộc chiến không tên.”

Các binh sĩ này trực thuộc Cơ chế hoạt động Hỗn hợp, nhóm quy tụ các lực lượng chính phủ và các cựu thành viên của nhóm nổi dậy Tuareg. Các chiến binh Tuareg đã thành lập các toán tuần tra để thi hành thoả thuận hòa bình Mali năm 2015.

Lực lượng ly khai Tuareg đã tranh thủ vụ đảo chính quân sự năm 2012 ở Mali để chiếm quyền kiểm soát khu vực phía bắc trong 1 thời gian ngắn trước khi bị các phần tử chủ chiến có liên hệ với al-Qaida đẩy bật ra khỏi nơi này.

Một lực lượng Pháp đã tái chiếm khu vực này từ tay các phần tử Hồi giáo.

Hàng nghìn binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ và binh sĩ Mali đang giám sát hiệp ước hòa bình mong manh đạt được giữa chính phủ Mali và các nhóm nổi dậy Tuareg.

Tổ chức Human Rights Watch nói các phần tử cực đoan Hồi giáo đã giết chết 29 binh sĩ gìn giữ hoà bình LHQ hồi năm ngoái, và vẫn đe doạ sẽ thi hành luật Hồi giáo Sharia ở miền Bắc và miền Trung Mali.

http://www.voatiengviet.com/a/tan-cong-tu-sat-o-mali-60-nguoi-chet/3683465.html

 

Thái Lan: tập đoàn quân sự lập ủy ban hòa giải chính trị

Trọng Thành

Ngày 20/01/2017, tập đoàn quân sự Thái Lan thông báo quyết định thành lập một nhóm làm việc, để tìm cách hòa giải các phe phái chính trị, trong bối cảnh kỳ hạn bầu cử Quốc Hội đang đến gần.

Theo Reutes, tướng Chaichan Changmongkol, vốn là thư ký thường trực của bộ Quốc Phòng, được chỉ định phụ trách nhóm. Theo viên tướng này, nhóm làm việc sẽ bao gồm tư lệnh các lực lượng vũ trang, các chuyên gia quân sự và chuyên gia dân sự. Nhóm sẽ có ba tháng làm việc để tiếp thu quan điểm của tất cả các bên và về từng chủ đề một, bao gồm các lĩnh vực như chính trị, giáo dục và các cải cách. Kết thúc thời gian làm việc nói trên, nhóm làm việc đặt kế hoạch các bên tham gia ký kết một thỏa thuận, để tạo điều kiện cho một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình.

Các đảng phái chính trị lớn của Thái Lan tuyên bố sẵn sàng tham gia tiến trình hòa giải, miễn là tiến trình này diễn ra công bằng. Cựu thủ tướng Yingluck tuyên bố, « tiến trình hòa giải phải trung lập, công bằng và tuân thủ pháp luật ».

Tập đoàn quân sự Thái Lan – lên nắm quyền từ năm 2014, sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck – hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội trong năm nay để khôi phục nền dân chủ. Nhiều người cho rằng trong tình hình hiện nay, bầu cử chỉ có thể diễn ra vào năm tới 2018.

Ông Kan Yuenyong, giám đốc điều hành của trung tâm tư vấn Siam Intelligence Unit, có trụ sở tại Bangkok dự đoán tiến trình hòa giải dưới sự điều hành của quân đội sẽ rất gian truân.

Nhiều chính trị gia Thái Lan lo ngại về tính trung lập của nhóm làm việc này và nghi ngờ thiện chí của quân đội. Một số người cho rằng quân đội đang tìm cách duy trì ảnh hưởng sau bầu cử.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170120-thai-lan-tap-doan-quan-su-muon-lap-uy-ban-hoa-giai-chinh-tri

 

Vụ Ioukos :

Nga bác quyết định của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu

Trọng Thành

Hôm qua 19/01/2017, theo AFP, Tòa Bảo Hiến Nga ra quyết định cho phép chính quyền không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu – CEDH yêu cầu Matxcơva đền bù cho các cổ đông của tập đoàn dầu mỏ khí Ioukos 1,9 tỉ đô la. Đây là lần thứ hai Nga phản đối quyết định của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu.

Các nghị sĩ Nga đã mở đường khi ra luật vào tháng 12/2015, đặt Tòa Bảo Hiến Nga lên trên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu CEDH. Tòa Bảo Hiến Nga nhấn mạnh : « Trong trường hợp quyết định của một tổ chức quốc tế đi ngược lại với các nguyên tắc và chuẩn mực của Hiến Pháp, nước Nga có quyền không thực thi quyết định đó ». Đối với chủ tịch Tòa Bảo Hiến, tập đoàn Ioukos từng là thủ phạm của nhiều vụ trốn thuế và để lại nhiều khoản nợ quan trọng, « đe dọa các cơ sở của Nhà nước xã hội và dân chủ ». Nhà nước Nga do vậy buộc phải có các biện pháp có trách nhiệm để đền bù các tổn thất của Ioukos.

Phán quyết nói trên của tòa án Nga liên quan đến quyết định hồi tháng 7/2014 của CEDH buộc Nga phải bồi hoàn gần 2 tỉ đô la cho các cựu cổ đông của tập đoàn Ioukos, của tỉ phú và nhà đối lập Mikhail Khodorkovski, do « những bất hợp lệ » trong các thủ tục thuế chống lại tập đoàn này trong những năm 2000.

Về quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, chủ tịch Tòa Bảo Hiến Nga cũng trấn an với việc yêu cầu chính quyền Nga nỗ lực tìm ra thỏa hiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông lương thiện, nạn nhân của các hành động bất hợp pháp của doanh nghiệp, và các nhà quản lý. Lãnh đạo Tòa Bảo Hiến Nga cũng hy vọng duy trì các quan hệ « tốt đẹp » giữa Nga và hệ thống tư pháp châu Âu, được đánh giá là « có vai trò nền tảng trong việc bảo vệ các nhân quyền và quyền tự do của công dân ».

Hội Đồng Toàn Châu Âu đã bày tỏ « thái độ quan ngại », sau quyết định của tòa án Nga.

Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu, thành lập năm 1959, trực thuộc Hội Đồng Toàn Châu Âu. Tòa bao gồm 47 thẩm phán, mỗi quốc gia trong số 47 thành viên của Hội Đồng được quyền cử một đại diện.

Lần đầu tiên Nga không tôn trọng quyết định của tòa án châu Âu là vào tháng 4/2016, liên quan đến quyền bỏ phiếu của những người bị giam giữ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-vu-yukos-nga-chong-lai-quyet-dinh-cua-toa-an-nhan-quyen-chau-au

 

Bắc Kinh tăng cường kiểm duyệt

trước ngày tổng thống Mỹ tuyên thệ

Tú AnhĐăng ngày 20-01-2017 Sửa đổi ngày 20-01-2017 14:47

Cơ quan kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc ra lệnh cho báo chí tiết giảm các bài tường thuật về lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vì lo sợ phản ứng của cộng đồng xã hội phá vỡ quan hệ Mỹ-Trung.

Theo Finantial Times ngày 20/01/2017, cán bộ tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ thị cho báo chí Trung Quốc chỉ được sử dụng những thông tin, bình luận chỉ trích buổi lễ tuyên thệ của Donald Trump do Tân Hoa Xã hay báo đảng cung cấp.

Báo mạng được lệnh không mở phần “bình luận” cho độc giả để tránh những nhận định “bốc lửa”.

Lệnh kiểm duyệt cũng có hiệu lực đối với truyền thông Nhà nước sử dụng tiếng nước ngoài. Elyse Ribbons, ký giả một chương trình phát thanh Anh ngữ cho biết phải tạm ngưng mục “tranh luận trực tiếp” vì có “can thiệp từ bên ngoài”.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh luôn e dè tác động của biến cố quốc tế nhưng thái độ cấm đoán triệt để nhân lễ nhậm chức của Donald Trump cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc hoang mang không biết ứng xử ra sao với một vị tổng thống tính khí bất lường.

Mối lo ngại này được giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu Xing Dou), đại học Bách Khoa Bắc Kinh phân tích như sau :

“Kể từ nay, kẻ thù số một của Mỹ không phải là Nga mà là Trung Quốc. Tôi lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung mới. Nguyên nhân thứ nhất, các nước Tây phương không chấp nhận một chế độ cộng sản tại Trung Quốc. Tự thân điều này đã là một yếu tố rất quan trọng.

Thứ hai, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Hoa Kỳ lo ngại bị Trung Quốc cạnh tranh.

Chiến tranh lạnh sẽ lan sang các lãnh vực khác như chính trị, quân sự và kinh tế. 

Washington rất có thể sẽ đóng lại chính sách của tổng thống Obama đã phát triển thương mại Mỹ-Trung. Ông Donald Trump sẽ thọc gậy bánh xe để cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Không những ông Donald Trump sẽ ban hành biện pháp thuế quan 45% đánh lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông ấy còn tố cáo Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ và từ chối công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường. 

Những tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump cho phép dự báo quan hệ Mỹ-Trung rồi đây sẽ xấu hơn nhiều so với tình trạng hiện nay”.

Tokyo kêu gọi tăng cường trục Mỹ- Nhật

Về phản ứng của Nhật, trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội ngày 20/01/2017, thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ tăng cường quan hệ giữa Tokyo với Washington, mặc dù ứng cử viên Trump trước đây đã có những tuyên bố gây lo ngại cho các nước trong khu vực.

Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã dọa rút lực lượng Mỹ ra khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu hai nước này không tăng đáng kể mức đóng góp tài chính cho việc bảo vệ an ninh. Tại Nhật Bản hiện có khoảng 47 000 lính Mỹ đang trú đóng.

Philippines biểu tình chống Trump

Trong khi đó hàng trăm người Philippines đã biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Manila phản đối ông Donlad Trump vì thái độ bị xem là mang tính kỳ thị nam nữ, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Một số biểu ngữ ghi chữ “Trump, rác rưởi”. Những người biểu tình ném thùng rác vào các bức ảnh của nhà tỷ phú Mỹ. Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư, và nhiều người lo ngại trước việc người lao động Philippines ở Mỹ trở thành nạn nhân của kỳ thị chủng tộc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170120-bac-kinh-tang-cuong-kiem-duyet-truoc-ngay-tong-thong-my-tuyen-the

 

NATO « rất lo ngại » vì tin tặc gia tăng tấn công

Tú Anh

Trong bài phỏng vấn trên báo Đức Die Welt, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO Jens Stoltenberg cho biết ông rất lo ngại vì các vụ tấn công của tin tặc đã gia tăng đến 60% trong năm 2016. NATO và tình báo Đức không loại trừ khả năng các cuộc bầu cử tại châu Âu sẽ bị « thao túng » như trường hợp Hoa Kỳ.

Trên nhật báo Die Welt 19/01/2017, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg cho biết trong năm qua tin tặc tấn công NATO nhiều hơn năm trước 60%. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở của NATO bị tin tặc tìm cách xâm nhập 500 lần. Do vậy, theo lãnh đạo NATO, tin tặc sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử trong năm nay (Hà Lan, Pháp và Đức).

Không gọi đích danh nước Nga mà quan hệ đang căng thẳng với NATO, ông Jens Stoltenberg khẳng định « thủ phạm không phải là cá nhân mà là do các định chế Nhà nước hậu thuẫn ».

Cũng trong ngày 19/01, giám đốc tình báo Đức Hans-Georg Maassen thẩm định, nhiều khả năng tin tặc sẽ phá bầu cử Quốc Hội Đức tương tự như trường hợp nhắm vào đảng Dân Chủ Hoa Kỳ và ứng cử viên Hillary Clinton.

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian hồi đầu năm cũng cho biết đã « phá vỡ 24.000 âm mưu tấn công trong năm 2016, tăng gấp đôi so với 2015.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-nato-%C2%AB-rat-lo-ngai-%C2%BB-vi-tin-tac-gia-tang-tan-cong

 

Mỹ bố trí một phi đoàn F-35B tại miền nam Nhật Bản

Tú Anh

Phi đoàn Chiến đấu cơ xung kích 121 của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã đến căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi Nhật Bản, cách nay một tuần nhưng thông tin này mới được tiết lộ ngày 18/01/2017. Tổng cộng 16 chiếc máy bay siêu thanh thế hệ 5 đa năng được bố trí đối diện với bán đảo Triều Tiên và không xa khu vực Senkaku/Điếu Ngư xung khắc với Trung Quốc.

Để thay thế các chiến đấu cơ F-18 và AV-8B bị xem là cũ kỹ, Hoa Kỳ tăng cường cho liên minh quân sự Mỹ-Nhật các chiến đấu cơ tàng hình F-35B. Mười chiếc đầu tiên đã đến căn cứ Thủy Quân Lục chiến Mỹ tại Iwakuni, tỉnh Yamaguchi. Sáu chiếc khác sẽ được chuyển đến vào tháng 6/2017.

Theo báo mạng của Nhật, The Diplomat, đây là lần đầu tiên F-35B hoạt động ngoài nước Mỹ. Phi vụ đầu tiên là tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trang mạng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cho biết thêm chiến đấu cơ F-35B là máy bay yểm trợ chiến thuật tương lai của binh chủng với nhiều đặc tính : siêu thanh, tàng hình, ra-đa cực mạnh, trang bị hệ thống tác chiến điện tử mà cũng vừa là oanh tạc cơ có khả năng lên thẳng, hoạt động trong mọi thời tiết .

Căn cứ của phi đoàn F-35B cũng là căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đóng tại Yamaguchi, đối diện với bán đảo Triều Tiên.

Cũng để tăng cường cho liên minh quốc phòng Mỹ-Nhật, kể từ mùa thu 2017, Hoa Kỳ sẽ đưa đến Nhật Bản chiến hạm lớn nhất của Hải quân Mỹ, USS Wasp, và F-35B cơ hữu.

F-35A cũng sẽ được trang bị cho quân đội Nhật Bản. Tháng 11/2016, Tokyo ký hợp đồng mua 42 chiếc và dự kiến trang bị thêm 100 chiếc nữa trong thập niên tới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170120-my-bo-tri-mot-phi-doan-f-35b-tai-mien-nam-nhat-ban