Tin Việt Nam – 19/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/01/2017

Công an ngăn cản,

trấn áp các cuộc tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa

Hôm nay 19/01/2017, hàng trăm người dân Việt Nam tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An cùng nhau xuống đường tham gia nghi lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1974. Hãng thông tấn AFP loan tin như trên.

Người dân mang vòng hoa, khẩu hiệu, băng rôn với những dòng chữ như “Anh hùng tử – khí hùng bất tử”, “Trường Sa – Hoàng Sa- Việt Nam”, “Quyết tử đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam”,…

Các nghi lễ tri ân diễn ra sôi nổi, bất chấp sự phản đối, đàn áp của chính quyền, công an. Từ 2 ngày trước, tư gia của các nhà tranh đấu nhân quyền trên khắp cả nước đã bị công an canh gác, ngăn chặn. Từ Hà Nội anh Nguyễn Hữu Vinh cho biết:

Sáng nay một số người chúng tôi tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ để tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Mọi việc diễn ra bình thường cho tới khi chúng tôi ra về thì bị một đám người mà sau này công an ở đấy xác nhận là công an mặc thường phục xông vào bắt bớ, cướp giật điện thoại, bắt một số người đưa lên xe buýt đánh đập một số người và đưa họ về công an Long Biên. Họ bỏ đói chúng tôi đến khoảng 2 giờ chiều thì họ cho công an phường lên chở chúng tôi về nhà. Tôi đã yêu cầu họ lập biên bản về việc bắt giữ chúng tôi cũng như những hành động, lời nói lỗ mảng, chửi bới hay hành hạ chúng tôi nhưng họ lơ chuyện ấy đi và vẫn làm công việc của họ.

Đánh đập thô bạo

Anh Trương Dũng người có mặt trong sự kiện hôm nay cho biết về việc anh Phạm Quang Thuận bị bắt và bị an ninh đánh đập thô bạo trên bờ hồ trong khi mọi người diễu hành:

Khi ra được giữa đường an ninh họ xô vào họ nhảy vào đánh anh Phạm Quang Thuận rất là đau sau đó họ đạp cây thánh giá và tôi không biết có ai ghi lại được hình ảnh này hay không. Sau đó an ninh vào bắt chúng tôi và một số anh em khác nữa lên ô tô. Khi lên ô tô buýt rồi họ nhảy vào chửi bới chúng tôi rất là thô tục.

Tại Nghệ An, một thanh niên trẻ tường thuật lại việc anh em tổ chức thả vòng hoa xuống biển tưởng niệm 75 chiến sĩ hy sinh trong trận Hoàng Sa năm 1974 như sau:

Sáng nay vào khoảng 9 giờ 30 khoảng 20 bạn trẻ trong tỉnh Nghệ An đã có mặt để đưa vòng hoa xuống biển ghi nhớ ngày các chiến sĩ quân lực VNCH đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa. Chính quyền đã ra tay ngăn cản và sau đó nhờ người dân đổ vào khiến họ rút lui và chúng tôi đã thả được vòng hoa tưởng niệm xuống biển Nghệ An ghi nhớ ngày hy sinh của anh hùng chiến sỹ VNCH.

Trong khi đó tại Sài Gòn nhà báo Sương Quỳnh ghi nhận lại buổi lễ kỷ niệm sáng hôm nay:

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khi đưa ra thông báo để người dân Sài Gòn đến tưởng niệm 75 tử sĩ Hoàng sa thì ngay tối hôm qua rất nhiều người đã bị chặn không cho ra khỏi nhà như các anh Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Phạm Đình Trọng, bị canh gác gay gắt nhất. Sáng nay thì nhà báo Lê Phú Khải, anh Lê Công Giàu trong ban chủ nhiệm, nhà thơ Hoàng Hưng, anh Hoàng Dũng, anh Trần Minh Phước, chị Kim Chi, chị Ánh Hồng đã có mặt được cùng với hơn một trăm người dân đến được và buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Chính quyền không tổ chức, đưa tin bất cứ buổi lễ tưởng niệm nào tại Việt Nam trong ngày 19 tháng Giêng năm nay. Cách đây 43 năm hải quân Trung Quốc đã tấn công chiếm các đảo tại Hoàng Sa do quân lực VNCH trấn giữ.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-police-prevent-pp-fr-commemorating-75-soldiers-in-paracel-islands-clash-01192017082228.html

 

43 năm ngày mất Hoàng Sa

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Ngày 19 tháng Một hàng năm, người dân Việt không thể quên cuộc chiến đấu dũng cảm của quân đội VNCH chống lại quân xâm lược Trung Quốc để bảo vệ phần đất Hoàng Sa của tổ quốc.
43 năm đã trôi qua, một tổ chức mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa ra đời vừa nhắc nhở vừa âm thầm san sẻ những khó khăn, mất mát mà người thân của 75 anh hùng khi xưa gặp phải như một cách hòa giải giữa những con người cùng tổ quốc và mang chung một niềm đau mang tên một vùng đất đã mất vào tay Trung Quốc.

Trận đánh không cân sức

“Diễn biến được coi là khởi đầu trận hải chiến diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng năm 1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Với lực lượng hải quân áp đảo, Trung Quốc đã tấn công và chiếm các đảo có quân đội của Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ.

Đúng 10h25 ngày 19 tháng Giêng năm 1974, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc nhằm tái chiếm Hoàng Sa.

Vào lúc 11h10, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa buộc phải rút lui khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nhập vùng (tàu hộ tống 281, 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa rút). 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn hải pháo yểm trợ. Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Quốc.”

… lúc nào anh em tụi tôi cũng nghĩ rằng mình đứng ra để chống lại bọn xâm lược để giữ đảo nhưng mà không được do điều kiện khách quan thôi.

– Ông Lữ Công Bảy

Những dòng chữ ngắn ngủi miêu tả lại trận đánh không cân sức trong tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm vẫn ám ảnh nhận dân Việt Nam. Chúng có hiệu lực giữ lại trong lòng người Việt một hình ảnh khó phai, ấy là ngày mà lá cờ đỏ 5 sao của Trung Quốc được kéo lên tại đây khiến niềm uất hận khôn nguôi của Việt Nam càng thêm sâu đậm

43 năm, một khoảnh khắc của lịch sử nhưng lại cả một giai đoạn của những gian lao và mất mát. Trong không khí u ám trầm buồn của ngày 19 tháng Giêng cuộc chiến ấy chừng như vẫn vỗ mãi tiếng sóng âm ỉ và kiên trì vào bờ trí nhớ của người trong cuộc.

Nói với chúng tôi vào ngày kỷ niệm lần thứ 43 này bà quả phụ của Thiếu tá Ngụy Văn Thà một trong những anh hùng của trận đánh chia sẻ:

Tới ngày giỗ của ảnh thì mình cũng thấy tuy rằng buồn nhưng suy nghĩ lại tuy rằng ảnh mất nay cũng được 43 năm rồi mình rất tôn trọng sự hy sinh của ảnh và mình cũng thấy buồn nhưng không biết sao giờ vì ảnh đã hy sinh để bảo vệ cho biển đảo Tổ quốc Việt Nam thì mình cũng nên hãnh diện vì điều đó.

Ông Lữ Công Bảy, Thượng sĩ giám lộ Tàu HQ4 Trần Khánh Dư một trong những chiến hạm tham gia trận đánh cho biết cảm giác của ông về ngày kỷ niệm này:

Sau 43 năm tôi thấy những kỷ niệm mà chúng tôi đã đứng ra để bảo vệ tổ quốc thì mặc dù là mình không hoàn thành nhiệm vụ, không giữ được mảnh đất tổ tiên thế nhưng lúc nào anh em tụi tôi cũng nghĩ rằng mình đứng ra để chống lại bọn xâm lược để giữ đảo nhưng mà không được do điều kiện khách quan thôi.

Nhịp cầu Hoàng Sa

Lịch sử oái oăm đã phân cách hai bờ chiến tuyến nhưng hướng về tổ quốc chung thì chỉ có một, điều này thể hiện rất rõ trong thái độ của hầu hết người Việt Nam yêu nước trong đó có Thiếu tướng Lê Kế Lâm, chuẩn đề đốc, nguyên Giám đốc học viện Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết suy nghĩ của ông:

Những người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển, từng thước đảo của Việt Nam thì tôi tôn trọng, tôn vinh những người đó. Tôi nghiêng mình kính cẩn trước những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Chúng tôi được biết từ năm 2014 một chượng trình mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa đã được hình thành nhằm gây quỹ hỗ trợ cho gia đình thân nhân của những người đã trực tiếp chiến đấu trong trận đánh này. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái người đại diện cho Nhịp Cầu Hoàng Sa tại hải ngoại cho biết:

Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa mà chúng tôi thay mặt ở hải ngoại này để hoạt động phải nói là thoạt đầu có một vài trờ ngại tâm lý bởi vì đồng bào chúng ta ở hải ngoại là một cộng đồng được hình thành trong sự trốn chạy chế độ cộng sản cho nên mọi người đóng góp đều muốn dành khoản tiền đó để đóng cho những chiến sĩ VNCH đã tử trận trong trận Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974.

Tôi nghiêng mình kính cẩn trước những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

– Thiếu tướng Lê Kế Lâm

Sau đó với thời gian thì mọi người hiểu rằng những người binh sĩ bộ đội chết trong trận Gạc Ma năm 1988 cũng là những người đã nằm xuống để bảo vệ sự độc lập của tổ quốc Việt Nam cho nên số người đóng góp cho Gạc Ma ngày càng nhiều hơn thành ra phải nói rằng đây là điều rất mừng bởi vì cũng như những người chủ trương trong Nhịp Cầu Hoàng Sa trong nước nói trân Hoàng Sa và trận Gạc Ma những người đó ngồi lại với nhau lần đầu tiên trogn hơn 50 năm vừa qua. Những người Việt Nam không bắn nhau vì cùng phục vụ lý tưởng bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam cho đến giờ.

Cách đây một tuần lễ, Nhịp Cầu Hoàng Sa đã tổ chức cuộc gặp mặt thật cảm động của những thân nhân các binh sĩ chiến đấu trong hai trận đánh Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988 tại Dinh Độc Lập. Ông Lữ Công Bảy cũng có mặt tại cuộc hội ngộ này kể lại:

Trong dịp này thì bà con rất vui vì từ hồi đó giờ anh em Hoàng Sa với Gạc Ma chưa hề gặp nhau hôm nay nhờ có Nhịp Cầu Hoàng Sa cho nên bà con thân nhân của anh em gặp nhau vui lắm trong tình cảm hào hợp hòa giải dân tộc anh à.

Sau khi Nhịp Cầu Hoàng Sa được thành lập thì bà góa phụ Ngụy Văn Thà rồi bà góa phụ Trí, ba bốn bà góa phụ nữa đều được Nhịp Cầu Hoàng Sa ưu ái góp sức làm nhà cho họ ổn định cuộc sống. Phiên anh em tụi tôi thì chưa bởi vì phải la cho mấy bà cô nhi quả phụ trước rồi sau này mới tới an hem. Bây giờ người ta ở rải rác mà không có điều kiện để liên hệ với mình. Tôi gặp hay nghe thì tìm tới nhưng anh em người ta quên không còn nhớ gì nhiều thành ra tôi cũng không dám đứng ra mà xác nhận điều gì cho anh em.

Vết thương trong lòng người dù sao cũng dễ hàn gắn nhưng đất đai bị mất vào tay giặc thì thật khó thu hồi. Lòng tham lam của phương Bắc đối với Hoàng Sa và Trường Sa trước phong phú tài nguyên, vị trí chiến lược cũng như thói quen bành trướng của nước lớn vẫn hằn sâu trong các trang sử của người Việt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/43-years-the-day-of-lost-of-paracel-ml01192017100904.html

 

15 văn kiện hợp tác Việt – Trung gây nhiều tranh cãi

Cát Linh, phóng viên RFA

Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là quốc gia được Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chọn làm nơi bắt đầu cho chuyến đi công vụ đầu năm 2017, từ ngày 12 đến ngày 15/1/2017. Chuyến đi kết thúc với 15 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai quốc gia. Tính chất và nội dung của 15 văn kiện này đang tạo ra nhiều tranh luận trong và ngoài nước.

Tiêu cực

Chuyến đi thăm được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo và miêu tả là nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lơi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Ngay khi đặt chân đến Bắc Kinh, chiều ngày 12/1, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký kết 15 văn hiệp hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nội dung cụ thể được nêu trong 15 văn kiện chưa được loan báo, ngoại trừ những tiêu đề chính. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng đây là những văn kiện không minh bạch, và mang tính chất tiêu cực.

Ông Trọng đang làm một việc trái luật. Ngay cả điều 4 của Hiến pháp cũng không có khoản nào qui định anh được làm việc này.

– Ông Nguyễn Khắc Mai 

“Chúng tôi đánh giá là đại tiêu cực. Và chúng tôi yêu cầu phải công khai từng văn kiện, từng câu từng chữ rõ ràng và quốc hội phải xem xét, nghiên cứu, rồi phê phán, chỉ ra chỗ nào được, chỗ nào không được, chỗ nào đúng chỗ nào sai.”

Việc ký kết nhiều văn kiện trong một chuyến đi công vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh đã từng diễn ra rất nhiều lần, trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến chính trị, đến đào tạo cán bộ, kinh tế… Nhưng riêng lần này, ông nhận định đó là “những ký kết phi pháp”

“Vì không ai cho phép và không có cái luật nào là anh Tổng bí thư dẫn một đoàn đi ký kết những văn kiện như vậy được. Ông Trọng đang làm một việc trái luật. Ngay cả điều 4 của Hiến pháp cũng không có khoản nào qui định anh được làm việc này. Cái này là cách làm của Đảng cộng sản Liên Xô cũ. bây giờ nó đã giải tán rồi? Phương thức ấy vẫn sử dụng là không đúng.”

Ghi điểm về ngoại giao

Tiến sĩ Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc nhấn mạnh tuy phản ứng của nhiều người cho rằng bản thông cáo chung của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng về cuộc thăm viếng Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không chứng minh sự tiến triển gì.

Nhưng với cá nhân ông có nhận định khác, đặc biệt về hình thức ngoại giao:

“Trong thông cáo đó, giọng điệu thoải mái hơn, nhìn vấn đề được đề cập cụ thể hơn. Ngoài ra thì tôi có thể cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều ghi được điểm về mặt ngoại giao.”

Tiến sĩ Vũ Cao Phan nhận thấy qua chuyến đi thăm này, Việt Nam đã tỏ ra không kém cạnh, không thua thiệt với các nước đã chìa bàn tay với Trung Quốc, đã bước theo kịp tình hình chung của khu vực. 15 văn kiện hợp tác vừa được ký kết đã chứng tỏ Việt Nam cũng tạo được một điểm nhấn sau Malaysia và Philippines.

Trong thông cáo đó, giọng điệu thoải mái hơn, nhìn vấn đề được đề cập cụ thể hơn. Ngoài ra thì tôi có thể cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều ghi được điểm về mặt ngoại giao.”

– Tiến sĩ Vũ Cao Phan

Và ngược lại, sau quan hệ nồng ấm với Philippines và Malaysia thì Trung Quốc rất cần chứng tỏ cũng làm được như vậy với Việt Nam, là nước có nhiều quan hệ nhất với Trung Quốc, cả về được lẫn chưa được.

Với ghi nhận của Tiến sĩ Vũ Cao Phan thì Trung Quốc đánh giá quan hệ với Việt Nam là quan trọng nhất. Do đó, với 15 văn kiện này, Trung Quốc đã ghi được điểm trong công tác ngoại giao sau khi thắt chặt quan hệ với các nước khác trong khu vực.

Đối lập với nhận định này, ôngNguyễn Khắc Mai cho rằng 15 văn kiện hợp tác ấy như một bước tiếp theo của 16 chữ vàng với 4 tốt, điều mà theo ông là lâu nay đã bỏ đi và xã hội xem đó là một sự “đầu hàng nhục nhã”.

“Riêng cá nhân tôi đây là một đại hoạ chứ không phải mối lo nữa. 16 chữ thực chất là cái thòng lọng mà Tàu buộc vào Đảng cộng sản Việt Nam, chính phủ, chính quyền Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam nữa. vẫn chiếm đảo, xây dựng đảo, uy hiếp đường hàng không hàng hải của Việt Nam.”

Hai vấn đề quan trọng vẫn không tiến triển

Cá nhân Tiến sĩ Vũ Cao Phan không quan trọng về số lượng của văn kiện được ký kết là 15 hay con số nào khác sẽ được ký kết thêm. Điều ông đưa ra làm vấn đề chính chưa được giải quyết và đặt nền tảng xây dựng một cách hoà bình, bình tĩnh, hữu nghị, đó là kinh tế và Biển Đông. Theo ông, đây cũng chính là hai vấn đề nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước.

“Tóm lại đứng về mặt ngoại giao và hình thức thì ta có thể nhìn như thế. nhưng về chất lượng của chuyến đi với hai vấn đề quan trọng giữa Việt Nam – Trung Quốc là kinh tế và Biển đông thì tôi thấy không tiến triển.”

Đây cũng là nhận định của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai khi nói về những nội dung mà ông đánh giá là tiêu cực của 15 văn kiện hợp tác.

“Những cam kết về kinh tế là rất dở hơi, vẫn kéo dài và nâng giá…”

Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Cao Phan, mặc dù phía Trung Quốc đã nhấn mạnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vượt qua Malaysia để đứng đầu Đông Nam Á, nhưng thực tế thì không như thế.

“Trong cái đứng đầu ấy thì Trung Quốc vẫn giữ lợi thế là Việt Nam vẫn phải nhập siêu trầm trọng. Đầu tư vào Việt Nam không tương ứng với quan hệ thương mại. Trong một chục nước đứng đầu đầu tư vào Việt Nam thì Trung Quốc xếp gần cuối.”

Về mặt kinh tế, tôi cho rằng không ghi được điểm nhấn nào ngoài việc Trung Quốc đưa vào thông cáo chung nói về kết hợp 2 con đường 1 vành đai và 1 con đường 1 vành đai.
– Tiến sĩ Vũ Cao Phan 

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra vào năm 2016, 10 nước có vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, QUần đảo Virgin, Hồng Kong, Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Thái Lan. Trung Quốc xếp thứ 9 trong bản thống kê xếp hạng.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan đề cập thêm đến việc đầu tư không hiệu quả như vấn đề gang thép Thái Nguyên, phân đạm Ninh Bình.

“Về mặt kinh tế, tôi cho rằng không ghi được điểm nhấn nào ngoài việc Trung Quốc đưa vào thông cáo chung nói về kết hợp 2 con đường 1 vành đai và 1 con đường 1 vành đai.”

Nhất đới nhất lộ là cách gọi mà báo chí Trung Quốc nhắc đến rất nhiều khi nói về chiến lược thương mại với Việt Nam. Phía Việt Nam thì đề cập đến điều này qua cách nói “Một con đường, một vành đai”. Chính sách này cũng đã gây không ít tranh cãi cho cả báo chí phương Tây với tên gọi “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hoặc “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”.

Tuy nhiên với “Hai con đường một vành đai” thì đây là lần đầu tiên được đưa vào văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt – Trung từ sau thoả thuận với Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Mặc dù Tiến sĩ Vũ Cao Phan cho biết Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhắc đến, nhưng phía Việt Nam không hưởng ứng trong suốt nhiều năm qua.

“Tôi phải đặt câu hỏi là Việt Nam có muốn duy trì “Hai con đường một vành đai” hay không vì chỉ có phía Trung Quốc đưa ra? Về kinh tế là thế. Về Biển Đông thì càng không.”

Ông khẳng định quan điểm của mình là phải có đàm phán về Biển Đông, ngay cả những vấn đề có thể hợp tác được như quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, là vấn đề Trung Quốc đã thực hiện đàm phán với Philippines ở quần đảo Scarborough.

Mặc dù nội dung chi tiết của 15 văn kiện hợp tác Việt Trung chưa được hơn 90 triệu người dân Việt Nam tường tận, thế nhưng với những phân tích của các nhà quan sát cùng với phản ứng của người dân trong nước, có vẻ như họ vẫn đang thấy sợi dây liên đới chặt chẽ giữa 15 văn kiện hợp tác và 16 chữ vàng, 4 tốt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/good-n-not-good-in-15-coop-agreements-of-vn-cn-01192017094714.html

 

Đồng bằng sông Cửu Long: Thiên đường đã mất

Kính Hòa, phóng viên RFA

Ô nhiễm mới và cũ

Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với diện tích khoảng 30 ngàn cây số vuông, được biết là một vùng nông nghiệp trù phú của Việt Nam, sản xuất nhiều lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã không phát triển mạnh trong những năm gần đây. Vùng đất này lại đang gặp những khó khăn mới từ ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa đang diễn ra nơi đây. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Cần Thơ cho biết:

Chúng ta biết rằng sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã đạt đến mức tối đa. Đất nông nghiệp đã được sử dụng gần hết, thậm chí tăng thêm số vụ, vì diện tích không tăng được nữa. Trong khi đó thì người nông dân vẫn còn nghèo, áp lực dân số gia tăng, mùa màng thất thường, thiên tai,… làm cho vùng nông thôn khó phát triển. Hướng phát triển cho một số tỉnh thành là người ta mở rộng các khu công nghiệp. Ở đồng bằng sông Cửu Long, phát triển công nghiệp đã hình thành, nguy cơ về ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải, đã được lưu ý. Chúng tôi đã cảnh báo một số nhà máy có thể gây ô nhiễm.”

Chúng ta biết rằng sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã đạt đến mức tối đa.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Một nhà máy mà Tiến sĩ Tuấn cảnh báo là nhà máy giấy của Trung Quốc Lee & Man đang xây dựng tại tỉnh Hậu Giang. Tờ báo mạng chuyên về vùng châu Á Thái Bình Dương là Diplomat trích lời ông Tuấn nói rằng nhà máy này sẽ sử dụng các nguồn nguyên liệu là giấy thải, cho nên qui trình chế biến sẽ có thể gây ô nhiễm trên diện tích rộng hai dòng chính của sông Cửu Long là Tiền Giang và Hậu Giang.

Áp lực dân số mà ông Lê Anh Tuấn đề cập cũng tạo nên một nguồn ô nhiễm lớn tại các đô thị đang phình ra của vùng đồng bằng, đó là rác thải. Tiến sĩ Tuấn cho chúng tôi biết việc xử lý rác thải tại đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn vì đất thấp rất gần mạch nước ngầm nên chôn rác không được tiện lợi. Việc áp dụng các phương pháp phân loại rác, tái chế rác hữu cơ làm phân bón có được tiến hành nhưng trên bình diện nhỏ, và chậm chạp.

Một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Minh Quang trích lời một giáo viên sống ở vùng đồng bằng Cửu Long rằng hiện nay không thể sử dụng nước ngầm hoặc nước của các dòng sông để uống nữa vì ô nhiễm thải ra từ các nhà máy.

Ô nhiễm tăng mạnh vào mùa khô khi thiếu nước mưa và một lượng nước lớn của sông Cửu Long bị ngăn lại trên thượng nguồn, không thể chảy về xuôi để rửa đi ô nhiễm từ con người cũng như nhiễm mặn, nhiễm phèn do điều kiện tự nhiên.

Ngoài những nguồn ô nhiễm mới do công nghiệp hóa mang lại, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn còn cho biết là tại các vùng chuyên nuôi cá, thâm canh lúa cũng bị ô nhiễm do sử dụng nhiều hóa chất.

Hiện vẫn chưa có thống kê riêng biệt về thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội thì ô nhiễm môi trường đang là một thách thức rất lớn cho Việt Nam.

“Thiệt hại về ô nhiễm môi trường của Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá là một năm có thể gây ra thiệt hại âm 5,2% Tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam, và đấy là một mức thiệt hại rất lớn đối với Việt Nam.”

Trong năm 2016, thảm họa môi trường do nhà máy Formosa của người Đài Loan gây ra ở vùng biển miền Trung được xem là thảm họa lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bế tắc

Ngày 9 tháng 1 năm nay, báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh có một bài phóng sự về việc hàng chục ngàn người dân tại vùng Đồng bằng miền Tây sông Hậu bỏ xứ đi kiếm ăn. Có hai nguyên nhân, thứ nhất là nông nghiệp không mang lại đủ công ăn việc làm cho một dân số đang tăng lên.

Thứ hai là ô nhiễm môi trường. Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải được báo Tuổi trẻ trích lời thừa nhận rằng môi trường suy thoái ở tỉnh Cà Mau đã làm cho việc trồng lúa nuôi tôm của người nông dân trở nên rất khó khăn.

Đứng trước những khó khăn về môi trường và kinh tế hiện nay, đã có những đề nghị là vùng đồng bằng sông Cửu Long nên giảm đi lượng lúa sản xuất mà chuyển sang việc trồng các loại cây khác bán có giá hơn, hoặc là sản xuất gạo hữu cơ rất được giá ở thị trường các quốc gia phát triển. Nhưng dường như người nông dân Việt Nam đang bị các đồng nghiệp láng giềng ở Campuchia qua mặt khi gần đây gạo hữu cơ của nước này đang bắt đầu tiến vào thị trường phương Tây, chưa kể những nông dân Thái Lan đã tiến xa từ lâu.

Việc phát triển công nghiệp sử dụng nhiều nhân công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết nhưng nếu không có liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp của nó có thể kéo theo những bất ổn về môi trường và xã hội trong tương lai.

-Ông Nguyễn Minh Quang

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết là do sản xuất thâm canh lúa trong một thời gian lâu, những cánh đồng ở đồng bằng Cửu Long bị kiệt sức so với ruộng đất bên Cam Pu Chia, khó thể áp dụng việc sản xuất các loại sản phẩm hữu cơ chất lượng cao.

Đó là về mặt kỹ thuật, nhưng một nguyên nhân quan trọng khác được tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa ra trong thời gian gần đây giải thích việc cản trở sức sản xuất của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chính là những chính sách. Hiện nay với chính sách hạn điền, người nông dân vùng sông Cửu Long không thể áp dụng khoa học kỹ thuật trên những mảnh ruộng quá nhỏ bé, ngoài ra do không có quyền làm chủ mảnh đất của mình vì về nguyên tắc đất đai là do nhà nước quản lý, người nông dân không muốn xúc tiến những dự án đầu tư dài lâu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ông đã từng viết báo đề nghị mở rộng hạn điền cũng như tăng quyền sở hữu cho nông dân. Ông nói tiếp:

Tuy nhiên để làm được điều đó thì nó đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn trong chính sách đất đai của chính phủ Việt Nam. Và đặc biệt là luật đất đai phải được sử đổi, vì luật đất đai vẫn chưa đặt ra vấn đề mở rộng diện tích hạn điền hay thừa nhận những người chủ trang trại, điền chủ, hay địa chủ,… những từ ngữ đó vẫn chưa phổ biến trong luật pháp Việt Nam.”

Một chuyên gia kinh tế khác là ông Bùi Kiến Thành, trong một lần trao đổi với chúng tôi cho rằng nguyên tắc sở hữu toàn dân về ruộng đất đã lỗi thời cần phải thay đổi. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng sắp tới đây Việt Nam chắc phải có thay đổi nhưng ông không biết là mức độ thay đổi sâu rộng đến đâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quang của Đại học Cần Thơ cảnh báo rằng việc phát triển công nghiệp sử dụng nhiều nhân công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết nhưng nếu không có liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp của nó có thể kéo theo những bất ổn về môi trường và xã hội trong tương lai.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-delta-kinhhoa-01182017100818.html

 

Vì sao từ bỏ Chủ nghĩa Xã hội?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Dư luận mấy ngày vừa qua bàn cãi, tranh luận lẫn cười cợt một cách ầm ĩ xoay chung quanh bài viết đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân của tác giả Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, có tựa đề: “Đòi từ bỏ Chủ nghĩa xã hội là sai lầm lớn”. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Tiến Trung, một người hoạt động đấu tranh dân chủ để làm sáng tỏ chủ đề này.

Mô hình mù mờ

Mặc Lâm: Trong bài viết này ông Hà Đăng cho là: “Sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội nói chung”, Anh có ý kiến gì về nhận định này?

Nguyễn Tiến Trung: Vậy cho tôi hỏi lại ông Hà Đăng là theo ông, mô hình Chủ nghĩa xã hội nào là đúng? Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Triều Tiên, hay Việt Nam đúng?

Ông Bùi Quang Vinh – nguyên  bộ trưởng bộ kế hoạch – đầu tư, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khi được hỏi về mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa đã nói thẳng: Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm?”

Nghị quyết Trung ương khoá 12: nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được lý giải và xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Bình đã phát biểu: Từ lâu, các đồng chí lãnh đạo cũng đã nêu ra phương thức của Đảng là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhưng đến nay chưa được thể chế hóa, chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng về phương thức lãnh đạo nói trên.

Như vậy có thể thấy là bản thân Đảng Cộng sản hiện tại không hề có bất cứ mô hình nào mà chỉ là sự chắp vá giữa kinh tế tư bản hoang dã không theo luật pháp và chính trị thì độc quyền.

Như vậy có thể thấy là bản thân Đảng Cộng sản hiện tại không hề có bất cứ mô hình nào mà chỉ là sự chắp vá giữa kinh tế tư bản hoang dã không theo luật pháp và chính trị thì độc quyền.
– Nguyễn Tiến Trung

Sở dĩ Đảng Cộng sản Việt am không dám nói rõ về mô hình “dân làm chủ, Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhà nước quản lý” vì bản thân câu đó mâu thuẫn nhau. Dân làm chủ là dân có quyền bầu lãnh đạo, nhưng việc Đảng Cộng sản tự nhận là lãnh đạo đã khiến quyền làm chủ bầu lãnh đạo quốc gia của người dân bị tước bỏ. Do đó sẽ không bao giờ có mô hình nào thoả mãn hai chuyện mâu thuẫn như vậy.

Nếu ông Hà Đăng cho rằng mô hình Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam là ưu việt thì tại sao lúc nào Đảng Cộng sản cũng nơm nớp lo sợ bị “diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ”, nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại vừa tuyên bố “Không đổi mới là chết”. Vậy nếu anh đúng và ưu việt sao còn phải sợ chết?

Mặc Lâm: Như anh vừa nói thì trong bài viết cũng khẳng định rằng nguyên nhân làm cho Chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô sụp đổ vì âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đế quốc chủ nghĩa” Anh có đồng ý không?

Nguyễn Tiến Trung: Đảng cộng sản Liên bang Nga vẫn hoạt động ở Nga và vẫn theo đuổi chủ nghĩa xã hội thì tại sao dân Nga không bầu cho Đảng Cộng sản Liên bang Nga lên nắm quyền? Chẳng lẽ chính người dân Nga lại là thế lực thù địch của Đảng Cộng sản Nga? Tại sao khi Gorbachov tuyên bố giải tán ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng nghĩa với việc giải tán Đảng Cộng sản LX thì gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản LX hầu như không có phản ứng gì?

Rõ ràng chế độ một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật gây bất công xã hội gây ra sự chán ghét chế độ ngay trong hàng ngũ Đảng viên Cộng sản. Và điều đó cũng đúng ở Việt Nam khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục lo sợ đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, thể hiện ngay ở nghị quyết hội nghị Trung ương 4, khoá 12 vừa qua. Và bài viết của ông Hà Đăng cũng nằm trong loạt bài chống tự diễn biến, tự chuyển hoá đó.

Cái cớ để độc quyền cai trị

Mặc Lâm: Tác giả Hà Đăng khẳng định Việt Nam học tập kinh nghiệm của Liên Xô nhưng hoàn toàn không có sự sao chép trong xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Theo anh điều này đúng hay sai?

Nguyễn Tiến Trung: Trước năm 86 thì Đảng Cộng sản VN hoàn toàn sao chép mô hình của Liên Xô thể hiện ở những điểm sau: về pháp luật thì điều 4 hiến pháp sao chép điều 6 hiến pháp liên xô để xác lập mô hình độc đảng toàn trị, coi nhà nước là công cụ chuyên chính vô sản để trấn áp các giai cấp và các thành phần khác trong xã hội; về sở hữu tài sản thì chỉ có 2 hình thức là sở hữu toàn dân và tập thể, về kinh tế thì chỉ có hai thành phần kinh tế là nhà nước và tập thể; chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…

Chính do sao chép Liên Xô một cách mù quáng nên đã dẫn đến khủng hoảng toàn diện, sụp đổ kinh tế nên Đại hội 4 năm 86 bắt buộc phải sửa sai khi cởi trói quyền tự do kinh doanh cho người dân sau đó. Tuy nhiên, việc sửa sai này vẫn còn nửa vời khi vẫn còn cái đuôi xã hội chủ nghĩa, vẫn lấy kinh tế quốc doanh là chủ đạo, sở hữu đất đai toàn dân, chính trị thì vẫn độc quyền nhà nước nghĩa là chế độ đảng trị, hiến pháp áp đặt… dẫn đến tham nhũng tràn lan, nợ công thì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là gây nguy cơ sụp đổ nền tài khoá quốc gia, dân oan mất đất khiếu kiện khắp nới, quyền làm chủ – quyền công dân – quyền con người của dân vẫn bị tước đoạt như quyền tự do báo chí – ngôn luận, lập hội – lập đảng, ứng cử – bầu cử.

Mặc Lâm: Nhưng ông Hà Đăng lại cho là “87 năm qua, những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự đứng đắn của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ củ Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó?” Nghe có hợp lý và thuyết phục không?

Bản thân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng mù mờ về Chủ nghĩa Xã hội khi thừa nhận không biết đến cuối thế kỷ này đã có Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam hay chưa?
– Nguyễn Tiến Trung

Nguyễn Tiến Trung: Trong các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chỉ được xếp cùng nhóm với Lào, Campuchia, dưới rất xa các nước ASEAN khác như Singapore, Malaysia, Indonesia. Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014 thì thậm chí Lào, Campuchia đã vượt mặt Việt Nam ở nhiều lãnh vực.

Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khi đảng cộng sản tự cho mình độc quyền chính trị là để tập trung nguồn lực quốc gia vào công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá quốc gia vào năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia và kể cả các quan chức đã công khai thừa nhận chuyện này là không thể.

Nguyên bộ trưởng bộ công thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng sản xuất con ốc vít cho Samsung. Ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Sinh Hùng đều cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ dẫn đến sụp đổ chế độ.

Bản thân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng mù mờ về Chủ nghĩa Xã hội khi thừa nhận không biết đến cuối thế kỷ này đã có Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam hay chưa? Dân Việt Nam không phải là chuột bạch để các lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể thử nghiệm những lý thuyết của họ.

Đảng Cộng sản lãnh đạo với lý thuyết Chủ nghĩa Xã hội cũng không bảo vệ được chủ quyền quốc gia khi để mất đảo Gạc Ma vào tay Trung Quốc năm 1988.

Điểm sơ qua vài nét để thấy đất nước ngày càng lụn bại chứ không hề có những thành tích gì có ý nghĩa lịch sử.

Lý thuyết Chủ nghĩa Xã hội cuối cùng thực ra chỉ là cái cớ để lãnh đạo Đảng Cộng sản tiếp tục độc quyền chính trị. Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa xã hội không đem lại quyền làm chủ cho người dân khi dân mất quyền tự do ngôn luận, lập hội, ứng cử – bầu cử… Đảng Cộng sản không đem lại được nền tảng quốc gia là pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp do toàn dân phúc quyết. Đảng Cộng sản cũng gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc khi liên tục nhìn dân như “thế lực thù địch”. Từ việc dân tộc bị chia rẽ dẫn đến nước yếu, Trung Cộng lăm le xâm lược và chiếm biển Đông.

Không ai yêu cầu Đảng Cộng sản phải từ bỏ Chủ nghĩa Xã hội. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản thích Chủ nghĩa Xã hội thì cứ thích và không ai có quyền áp đặt họ. Tương tự, Đảng Cộng sản không có quyền áp đặt bất kỳ chủ nghĩa hay ý thức hệ nào lên đầu dân tộc Việt Nam, họ cũng không có quyền áp đặt hiến pháp và bắt cả dân tộc phải tuân theo, và họ phải cầm quyền một cách chính danh, qua bầu cử tự do và công bằng, với sự tham gia của nhiều thành phần, đảng phái trong xã hội.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/socialism-why-abandon-it-ml-01192017113836.html

 

Gần Tết, lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh

Những ngày cuối năm, đặc biệt là giáp Tết dương lịch và Tết nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bắt đầu tăng mạnh.

Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt khoảng 5 tỷ USD cho tới thời điểm hiện tại. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM ra thông cáo báo chí và được báo Tuổi trẻ loan đi hôm nay 19/1. Như vậy lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2016 có giảm nhẹ so với năm trước đó là 2015, nhưng vẫn chiếm 57% so với tổng kiều hối trên cả nước.

Những ngày cuối năm, đặc biệt là giáp Tết dương lịch và Tết nguyên đán, kiều hối bắt đầu tăng mạnh. Tuy nhiên theo quan sát của các doanh nghiệp, lượng kiều hối chuyển vè Việt Nam trong năm 2017 có thể chịu nhiều tác động từ việc điều chỉnh chính sách kinh tế tại Mỹ và các chính sách quản lý nguồn lao động gắt gao tại một số quốc gia châu Á.

Được biết năm 2015, tổng lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến 14 tỷ USD, cao hơn khoảng 2 tỷ so với năm trước nữa là 2014.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/overseas-remittances-in-hcm-city-reach-5-billion-01192017090844.html

 

Giữ giá xăng, tăng giá dầu

Kể từ 3 giờ chiều thứ Năm 19/1/2017, giá bán lẻ xăng sẽ được giữ nguyên nhưng giá dầu vẫn tăng khoảng 300-500 đồng một lít theo quyết định của Liên bộ Công thương – Tài chính.

Theo đó, giá xăng RON 92 không cao hơn 17.594 đồng/lít, xăng E5 là 17.322 đồng/lít, dầu Diesel không cao hơn 14.047 đồng/lít. Mức giá tối đa của dầu hỏa là 12.600 đồng/lít và dầu madut là 11.623 đồng/lít.

Từ đầu năm 2017 đến nay, giá xăng dầu đã được điểu chỉnh 2 lần. Trong năm 2016, tổng số lần điều chỉnh giá xăng lên tới con số 23, trong đó 13 lần tăng, và 10 lần giảm.

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/petroleum-price-remains-oil-price-increases-01192017085910.html

 

Đại sứ Hoa Kỳ David Saperstein thăm Hội đồng Liên tôn

Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein đã có cuộc gặp với các đại diện của Hội đồng Liên tôn hôm thứ Bảy, 14/01, tại chùa Giác Hoa, thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Lâm Đồng, chánh sự Hứa Phi đại diện cho các sức sắc Cao Đài, đồng thời là đồng chủ tịch của Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN) cho VOA biết, các thành viên HĐLTVN đã lần lượt trình bày những hoàn cảnh khó khăn của mỗi tôn giáo gặp phải trong công tác giáo sự và ông đại sứ hứa sẽ trình lên chính phủ Mỹ để can thiệp giúp cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Theo ông Hứa Phi, ngoài ông ra, tham dự buổi gặp này còn có Hòa Thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, đại diện cho nhóm Tin lành, và Đạo huynh Lê Quang Hiển, đại diện cho Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Ông Hứa Phi cho biết cuộc tiếp xúc kéo dài gần hai giờ, nội dung trao đổi nhiều vấn đề quan trọng về tình hình tự do Tôn giáo và Nhân quyền tại Việt Nam:

“Chúng tôi cũng nêu tóm tắt tình hình hiện nay, các hội thánh tư gia hiện nay chưa được nhà nước Việt Nam cấp phép vẫn còn rất khó khăn. Việc chúng tôi nhóm lại để thờ phượng Chúa và sinh hoạt đạo sự mục vụ không được tự do.”

Ông Hứa Phi cho biết đại sứ Saperstein ghi nhận lại những ý kiến của các đại diện tôn giáo. Ông nói:

“Ông đại sứ ghi nhận tất cả các ý kiến của thành viên HĐLTVN. Ông nói rằng ông sẽ chuyển lời cho chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để can thiệp với chính quyền Việt Nam.”

Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho VOA biết tình hình tự do tôn giáo mà ông ghi nhận và đã trình bày với đại sứ Saperstein như sau:

“Tôi cũng trình bày rõ ràng rằng tình hình tôn giáo ngày càng đi xuống. Điển hình là nhà cầm quyền Việt Nam đã ủi sập chùa Liên Trì của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ủi sập thánh thất Cao đài Tuy An ở tỉnh Phú Yên.”

Được biết trước đây một tháng, ông David Saperstein đã gửi cho Hòa thượng Thích Không Tánh một bức thư nói về vụ việc chùa Liên Trì bị Nhà cầm quyền CSVN giải tỏa, cưỡng chế đập phá. Trong buổi gặp này, đại sứ David Saperstein trực tiếp đến thăm Hòa thượng Thích Không Tánh và cũng để gặp gỡ các vị chức sắc của Hội đồng Liên Tôn tại Việt Nam.

Đại sứ Saperstein viết trên Twitter rằng ông lấy làm đau buồn về việc chùa Liên Trì bị phá hủy. Ông cũng lo ngại cho tương lai của Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chánh sự Hứa Phi, khá nhiều đại diện của HĐLTVN được mời nhưng họ bị công an tìm mọi cách ngăn chăn như mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện cho Hội Thánh Tin lành Memnonite và ông Lê Văn Sóc, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Hòa Hào Thuần Túy. Riêng ông Hứa Phi bị nhiều người lạ mặt ném đá làm vở tất cả cửa kính và hệ thống phun tưới nước trong vườn nhà ông ở Lâm Đồng vào đêm trước khi ông đi Sài gòn gặp đại sứ Saperstein.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho VOA biết công an chặn ông không cho ra khỏi nhà và chặn cả bạn bè vào nhà thăm ông trong ngày 13 và 14 tháng 01:

“Công an địa phương và an ninh thành phố chặn ngay cổng nhà, không cho tôi ra khỏi nhà. Và các anh em đến thăm tôi, họ cũng không cho vào.”

Theo ông Hứa Phi, ông Lê Văn Sóc tại huyện Bình Minh, Vĩnh Long cũng đã bị công an tỉnh cấm không được rời khỏi nhà trong 2 ngày 13 và 14/1.

Giáo hội Phật giáo Hòa Hào Thuần Túy sau đó đã cực lực lên án hành dộng của công an Vĩnh Long đã vi phạm nghiêm trọng quyền đi lai của công dân, chà đạp thô bạo nhân quyền, quyền tự do tôn giáo.

http://www.voatiengviet.com/a/dai-su-hoa-ky-david-saperstein-tham-hoi-dong-lien-ton/3682627.html

 

ExxonMobil ký hợp đồng khai thác khí đốt ở biển Đông

Linh Ðan

Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ vừa trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông.

Hợp đồng được ký hôm 13/1 trong khi ngoại trưởng John Kerry đang ở thăm Việt Nam và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Trung Quốc. Theo truyền thông trong nước, tập đoàn PetroVietnam là đối tác ký kết hợp đồng với tập đoàn của Mỹ.

Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer cho rằng động thái này của Việt Nam là một phần trong chiến lược cân bằng với các cường quốc lớn. Theo giáo sư của đại học New South Wales, Việt Nam gọi đây là chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” các mối quan hệ với nước ngoài.

“Thực tế là Việt Nam biết rằng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc. Họ biết ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Việt Nam. Tôi được biết chuyến thăm này của ông Kerry đã bị hoãn nhiều lần nhưng cuối cùng cũng diễn ra. Và sau đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tới Việt Nam. Điểm đặc trưng của Việt Nam là luôn tìm cách cân bằng các cường quốc lớn.”

Giáo sư Thayer nói Việt Nam cần có khí đốt và cũng cần có các mối quan hệ tốt với các cường quốc.

Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử vào chức vụ ngoại trưởng, từng là giám đốc điều hành của ExxonMobil. Trong thời gian lãnh đạo công ty, ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Theo giáo sư Thayer, ông Tillerson có thể đã biết về việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ nếu tham gia khai thác dầu khí trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.

Theo giáo sư Thayer hợp đồng có được một phần là nhờ vào tiếng tăm của ông Tillerson và cho biết những tài liệu mà WikiLeaks tiết lộ trên internet cho biết như vậy.

“Tài liệu này cho thấy ông Rex Tillerson luôn nhờ tới bộ Ngoại Giao Mỹ, và dựa vào sự trợ giúp của họ trong nhiều năm với các thương vụ ở nước ngoài, kể cả ở Indonesia. Ông Tillerson không lạ lẫm gì với việc nhờ chính phủ Mỹ bảo vệ các quyền lợi của ông ấy. Bây giờ nếu đề cử của ông Trump được thông qua ông Tillerson sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ, và khi ấy nếu Trung Quốc phản đối mỏ Cá Voi Xanh thì công ty của ông ấy sẽ được sự trợ giúp của chính ông.”

Bắc Kinh chưa có phản ứng gì trước hợp đồng mới được ký kết này.

Mặc dù mỏ Cá Voi Xanh nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý tức là khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng “đường Lưỡu Bò” đi ngang qua những lô của mỏ Cá Voi Xanh. Bắc Kinh đã đe dọa Việt Nam cũng như các công ty dầu khí quốc tế tham gia dò tìm trên biển Đông nên các hoạt động của ExxonMobil đã bị khựng lại nhưng sau đó lại tiếp tục.

Mỏ Cá Voi Xanh được phát hiện vào tháng 8/2015. Truyền thông trong nước gọi mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách nhà nước.

http://www.voatiengviet.com/a/3681354.html