Đọc báo Pháp – 17/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 17/01/2017

Donald Trump muốn Liên Hiệp Châu Âu biến mất ?

Mai Vân

Bầu cử sơ bộ trong cánh tả Pháp và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đả kích Châu Âu là hai sự kiện chia nhau tựa đầu trang nhất báo Pháp hôm nay 17/01/2017. Đáng chú ý nhất là nhận định trên báo Libération, không ngần ngại tự hỏi là phải chăng Donald Trump muốn Liên Hiệp Châu Âu tan rã.

Trong mục Thế Giới, Libération đã dành hai trang để phân tích các tuyên bố đả phá Châu Âu của tổng thống tân cử Mỹ, dưới hàng tựa lớn : « Hoa Kỳ – Châu Âu : Donald Trump tiếp tục công việc giải thể ». Theo tờ báo cánh tả Pháp, qua hai cuộc phỏng vấn ông Trump lại loan báo một sự đoạn tuyệt quan trọng với Châu Âu và đường lối chính quyền Obama trên các lãnh vực từ ngoại thương, quốc phòng đến ngoại giao.

Một cơn chấn động, Libération nhận xét. Nhất là đối với những người còn hoài nghi : Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump rõ ràng mong muốn Liên Hiệp Châu Âu biến mất. Và đây là một sự thay đổi về địa chiến lược quan trọng nhất từ sau Thế chiến II.

Châu Âu không còn cách nào khác là phải siết chặt hàng ngũ nếu không muốn bị tan rã. Tuy đòn tấn công của ông Trump vào Đức sẽ khiến Paris và Berlin siết chặt quan hệ, nhưng tờ báo cũng cho rằng có nguy cơ nước khác sẽ không đi theo, nhất là các nước Đông Âu.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ hỗ trợ Anh Quốc trong việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ký thỏa thuận tự do mậu dịch với Luân Đôn, và ông cũng sẽ lợi dụng sự lo sợ của các nước Đông Âu, là Hoa Kỳ của ông Trump sẽ bỏ rơi họ khi xích lại gần với Nga, ví dụ như Ba Lan chẳng hạn, đang ước ao đón tiếp quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Cuối cùng, Libération báo động : Nếu Brexit thành công, thì các đảng dân túy ở các nước sẽ noi theo và thúc đẩy chính quyền đi theo chiều hướng này. Một quan điểm cũng được Les Echos đồng chia sẻ, cho là ông Trump đang thêm lửa thêm củi cho các đảng dân túy ở Châu Âu.

Donald Trump khiêu khích Châu Âu

Về phần mình, Le Figaro treentrang nhất cũng nhận thấy tổng thống tân cử Mỹ « đang khiêu khích Châu Âu ». Les Echos cũng tán đồng khi cho là ông Trump « đặt cược trên sự tan rã của Châu Âu ».

Dưới tựa đề « Trước ngày nhậm chức, Trump thách thức Châu Âu », Le Figaro nhắc lại : 5 ngày trước khi vào Nhà Trắng, tổng thống tân cử Mỹ lại « tấn công vào quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hoan nghênh Brexit, đánh giá NATO lỗi thời, và chỉ trích chính sách nhập cư của thủ tướng Đức », loạt tấn công được tờ báo gọi là « một trận mưa pháo ». Le Figaro tự hỏi liệu là mối liên minh chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương từ Thế Chiến Thứ II có sẽ bị ông Trump « quét đi » ?

Nhật báo thiên hữu Pháp nhìn thấy một tình hình rất lộn xộn, với nhiều cộng tác viên của ông Trump không đồng ý với những phân tích cũng như những phát biểu về đường hướng ngoại giao của ông Trump. Thế nhưng các chuyên gia Châu Âu cũng cảnh báo là Bruxelles nên chuẩn bị những tình huống xấu nhất vì ông Trump dự tính thực hiện những lời nói của ông.

Trong phần nhận định, Le Figaro rất bực mình trước thái độ của ông Trump nhưng cho rằng Châu Âu cũng có phần lỗi : « Mối đe dọa Trump đối với Châu Âu thật ra chỉ là phản ánh sự bất lực của chính Châu Âu ».

Bởi vì, trên chính trường quốc tế, tân tổng thống Mỹ có vẻ chỉ quan tâm đến hai tác nhân : Nga mà ông Trump muốn biến thành đối tác, và Trung Quốc mà ông muốn tấn công. Còn Châu Âu thì rõ ràng bị ông khinh miệt, xem như một đám yếu đuối vô tích sự, « chủ nghĩa lý tưởng và lắm điều ».

Để làm cho ông Trump thay đổi ý kiến, Châu Âu không thể chỉ dựa trên những « giá trị » của mình, mà đã đến lúc phải xét đến những « quyền lợi » trên mặt thương mại cũng như ngoại giao. Thay vì la ó, lo sợ, thì Châu Âu phải cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn : nhập cư, an ninh, biên giới … và chỉ khi nào Châu Âu tìm lại được sự tin tưởng của dân chúng, tức của chính mình, thì mới có thể trả lời ông Trump. Nhưng trước mắt, Le Figaro thấy có vẻ hơi khó, vì hai nước đầu tàu Châu Âu là Pháp và Đức đều đang lao vào các cuộc bầu cử.

Bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp : 2 ứng viên nổi trội Valls và Macron

Libération dành cả trang đầu và 5 trang trong cho ứng viên tổng thống Manuel Valls, « con người thực tế ». Cựu thủ tướng đã đến tòa soạn gặp ban biên tập của Libération để bảo vệ thành quả của ông và đề cập đến tương lai mà ông dành cho nước Pháp.

Le Monde cũng chọn đề tài này làm tựa chính trang nhất, nhưng lại chú ý đến ứng Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, và nói về « Động lực Macron khiến các ứng viên tổng thống khác bối rối ».

Bóng đá tại Trung Quốc và karoshi ở Nhật Bản

Về Châu Á, báo Les Echos nhìn lên vùng Đông Bắc Á, chú ý đến một số sự kiện xã hội, thể thao, như việc Trung Quốc đang tìm cách hạn chế việc thuê cầu thủ bóng đá nước ngoài, tiêu tốn những khoản tiền không lồ và bị chỉ trích dữ dội.

Một hiện tượng khác được tờ báo nêu bật và tìm hiểu là hiện tượng gọi là « Karoshi » ở Nhật Bản, với việc người dân làm việc quá độ, đến nỗi làm nhiều người tự tử. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở tất cả các công ty lớn nhỏ. Về mặt chính thức, trong năm 2015, có 93 vụ tự tử được các thanh tra lao động xác nhận là do Karoshi, nhưng cảnh sát thì cho biết là có đến 2 159 ca tự tử do stress nghề nghiệp.

Hàn Quốc: Quan hệ mờ ám

giữa Samsung với bà Choi và tổng thống Park ?

Dĩ nhiên là Les Echos trở lại vụ tai tiếng ở Hàn Quốc với sự kiện mới nhất là người thừa kế của Samsung bị đề nghị bắt giam. Theo nhật báo, chẳng có gì đáng ngạc nhiên về thông tin người thừa kế và cũng là phó chủ tịch của Samsung Lee Jae-Yong bị viện kiểm sát đề nghị bắt giam đã rơi như một quả bom xuống Hàn Quốc vào hôm qua.

Cuộc điều tra cho thấy là từ 3 năm qua tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc có quan hệ « mờ ám » với bà Choi Soon Sil và tổng thống Park Geun Hye. Mọi việc bắt đầu từ tháng 9/2014, tổng thống Park đã gặp riêng phó chủ tịch Samsung và yêu cầu hỗ trợ cho « các triển vọng trong môn thể thao đua ngựa » Hàn Quốc. Cuộc trao đổi có lẽ đã thành công vì một tháng sau đó giám đốc Samsung trở thành phó chủ tịch Liên Đoàn Đua Ngựa Hàn Quốc KEF.

Thế nhưng lúc bấy giờ không ai chú ý là con gái bà Choi, Chung Yoo Ra là thành viên của đội kỵ sĩ Hàn Quốc và được chính tổng thống yêu cầu bộ trưởng Thể Thao nâng đỡ. Cô Chung Yoo Ra đã không làm thất vọng và giành huy chương vàng ở Á Vận Hội. Nhưng từ năm 2015, yêu cầu tài trợ đối với Samsung tăng tốc : tổng thống Park lại gặp riêng Lee Jae Yong, yêu cầu hỗ trợ Liên Đoàn KEF và đóng góp vào việc thành lập hai hiệp hội mới Mir et K-Sports.

Và liên tục từ 2015 sang 2016, Samsung tài trợ cho thể thao Hàn Quốc nhất là cho hiệp hội Core Sport, rót hơn 15 triệu euro. Ngoài ra còn trung tâm thể thao mùa đông – Korea Winter Sports Elite Center, do một cô cháu của bà Choi Soon Sil điều hành, nhận được một khoản tiền lớn tương đương 1,2 triệu euro. Và tổng thống Park đã gặp phó chủ tịch Samsung lần thứ 3 cho việc tài trợ này.

Riêng đối với hai hiệp hội Mir và K-Sports nói trên thì Samsung đã tặng mỗi hiệp hội 10 triệu euro cho việc thiết lập. Những sự kiện này đã được phanh phui trong cuộc điều tra từ tháng 10 về bà Choi Soon Sil, bị tố cáo lạm quyền, tham nhũng, can thiệp vào công việc nhà nước.

Số phận người thừa kế Samsung được định đoạt vào ngày 18/01

Dưới tựa đề « Người thừa kế tập đoàn Samsung bị đe dọa bắt giữ », nhật báo Pháp Le Monde cũng theo dõi sự kiện người thừa kế của đế chế Samsung có khả năng phải vào tù kể từ thứ Tư 18/01/2017. Theo tờ báo Pháp, với vụ tai tiếng mới này, quả là đệ nhất chaebol Hàn Quốc đã rơi vào cảnh họa vô đơn chí trong vỏn vẹn vài tháng.

Le Monde trước hết ghi nhận : Hôm qua, 16 tháng Giêng, công tố viên phụ trách điều tra về vụ bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền thế đã dẫn đến việc nữ tổng thống Park Geun Hye bị Quốc Hội truất phế vào tháng Mười Hai vừa qua, đã đề nghị bắt giam ông Lee Jae Yong, 48 tuổi người thừa kế của đại tập đoàn Samsung. Tòa án Seoul vào ngày mai (18/01) sẽ phán quyết về việc ban hành hay không lệnh bắt giữ.

Đối với Le Monde, đề nghị bắt giữ đã xác nhận quy mô vang dội của scandal tham nhũng và lạm quyền dính líu đến cấp cao nhất của Nhà Nước và giới quyền thế trong nền kinh tế Hàn Quốc, mà nhân vật đầu tiên bị sờ gáy lại chính là lãnh đạo của Samsung, đệ nhất chaebol tại xứ Kim Chi.

Cho đến nay, đã có cả chục người bị bắt trong vụ này. Ngoài nhân vật chính là bà quân sư Choi Soon Sil, cả chục người khác đã bị bắt trong đó có hai bộ trưởng (Văn Hóa và Xã Hội) và một cựu chánh văn phòng phủ tổng thống. Nếu lệnh bắt giữ ông Lee Jae Yong được ban hành, thì đây sẽ là doanh nhân đầu tiên phải vào tù trong vụ án.

Thứ Sáu tuần trước, nhân vật này đã bị thẩm vấn trong suốt 20 tiếng đồng hồ trong tư cách là nghi phạm, một điều hiếm thấy đối với con trai của đương kim chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, đồng thời là cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn là Lee Byung Chul. Dù chỉ có chức phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics, nhưng trong thực tế, Lee Jae Yong là người lãnh đạo chính của Samsung từ khi người cha bị bệnh tim vào năm 2014.

Samsung hào phóng

Theo ghi nhận của Le Monde, Samsung không phải là tập đoàn duy nhất đã hối lộ bà Choi Soon Sil để giành được những lợi ích quan trọng. Tất cả các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc, từ Hyundai SK, cho đến LG hay Lotte đều đã góp tiền vào các hiệp hội do chính bà cố vấn tổng thống thành lập. Bà Choi hiện đang bị xét xử về tội đòi những khoản hối lộ lớn từ các tập đoàn đó để đổi lấy các ưu đãi.

Ai cũng hối lộ, nhưng tại sao Samsung lại bị truy cứu đầu tiên ? Theo Le Monde, đó là vì tập đoàn này bị cho là hào phóng nhất. Lee Jae Yong đã góp đến 17 triệu đô la vào các hiệp hội của bà Choi, thậm chí còn ngấm ngầm chi ra hàng triệu đô la khác để cử các kỵ sĩ Hàn Quốc qua Đức tập huấn, trong số này có… con gái của bà Choi.

Đối với Le Monde, người thừa kế của Samsung không phải là trùm kinh doanh Hàn Quốc đầu tiên bị bỏ tù. Cung cách quản lý thiếu minh bạch của các chaebol và quan hệ chặt chẽ của các tập đoàn này với giới có chức có quyền trong chính quyền đôi khi gây nên những vụ bê bối. Một số lãnh đạo tập đoàn từng bị bắt vì gian lận thuế và tham nhũng, nhưng hầu như lúc nào họ cũng được hưởng chế độ giảm án.

Dẫu sao thì theo Le Monde, ngoài ông Lee Jae Yong, một loạt những người thân cận của ông sẽ bị tư pháp bắt giữ, và đây sẽ là một vố đau thứ hai đánh vào uy tín của tập đoàn số một của Hàn Quốc. Uy tín này đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vào cuối mùa hè vừa qua với vụ dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 của Samsung bị bốc cháy hoặc phát nổ, buộc tập đoàn phải ồ ạt thu hồi sản phẩm chủ lực của mình và đình chỉ công việc sản xuất.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170117-donald-trump-muon-lien-hiep-chau-au-bien-mat

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Phe Cộng sản Philippines vừa đàm, vừa dọa. Trưởng đoàn Mặt Trận Dân Chủ Dân Tộc Philippines, ông Fidel Agcaoili tuyên bố, hôm nay, 17/01/2017, sẽ tham gia vòng đàm phán thứ ba với chính quyền Manila tại Roma, thủ đô nước Ý, vào ngày 19/01/2017. Tuy nhiên, nhân vật này đe dọa : Hòa bình vẫn còn xa, phía chính phủ thiếu chân thành, chiến binh du kích rất thất vọng. Xung đột giữa chính quyền Philippines và du kích cộng sản kéo dài từ nửa thế kỷ nay.

(AFP) – Kim Jong-un chế giễu tổng thống mãn nhiệm Mỹ đưa em gái họ Kim vào danh sách đen. Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 17/01/2017, dẫn lời lãnh đạo Bình Nhưỡng : « Ông Obama nên được tư vấn tốt hơn để không mất thời gian vào những vấn đề nhân quyền này nọ, mà nên tập trung vào việc dọn khỏi Nhà Trắng ». Tuần trước, bộ Tài Chính Mỹ đưa Yo-Jong, em gái Kim Jong-un và sáu quan chức Bắc Triều Tiên khác vào danh sách đen của Mỹ, do các vi phạm nhân quyền « nghiêm trọng ».

(Reuters) – Sẽ có thêm nhiều nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên tại châu Âu đào tị. Đây là nhận định hôm nay, 17/01, với Yonhap của nguyên tham tán Sứ quán Bắc Triều Tiên tại Anh, ông Thae Yong-ho, 54 tuổi, người vừa chạy trốn hồi tháng 8/2016. Ông Thae Yong-ho là được coi là nhân vật cao cấp nhất trong chính quyền Bắc Triều Tiên đào tị từ 20 năm nay, tức là từ vụ bỏ trốn của ông Hwang Jang-yop, người khởi xướng ý thức hệ « Juche », tư tưởng chính thống của Bắc Triều Tiên.

(AFP) – Ngân hàng HSBC tài trợ cho việc phá hủy rừng Indonesia. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, hôm nay, 17/01, cáo buộc ngân hàng hàng đầu nước Anh đã tạo điều kiện cho vay 15,3 tỉ euro, đối với các công ty đang bị cáo buộc phá rừng để trồng cọ lấy dầu. Các công ty bị cáo buộc dùng thủ đoạn tước đoạt đất đai của người dân, mở rộng diện tích trồng cọ bất hợp pháp. Indonesia là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất dầu cọ, loại dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Hàng năm cứ vào mùa khô, rừng cháy rất nhiều tại Indonesia. Theo các nhà quan sát, cố tình đốt rừng là một thủ đoạn phổ biến để mở rộng các đồn điền trồng cọ tại nước này.

(AFP) – Na Uy : Lính Mỹ đổ bộ, Nga đổ quạu. Khoảng 300 thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ vào Na Uy trong đêm thứ Hai, 16/01/2017, trong một chiến dịch tập trận kéo dài 6 tháng. Đây là lần đầu tiên kể từ Thế Chiến Thứ Hai, Na Uy cho phép một đạo quân nước ngoài hoạt động. Tuy Oslo phủ nhận mọi liên quan đến chiến dịch của NATO tại Ba Lan và Baltic, sự kiện một đơn vị Mỹ đến gần biên giới Nga vào lúc một lữ đoàn thiết giáp đã đến Ba Lan đã làm cho Matxcơva nổi giận. Phát ngôn viên bộ Ngọai Giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Hoa Kỳ đã phá vỡ thế cân bằng trong khu vực, chạy đua võ trang và vực dậy Chiến Tranh Lạnh.

(Reuters) – Tòa Bảo Hiến Đức bác bỏ đề nghị cấm đảng « phát xít mới » NPD. Lý do là đảng NPD (Dân Tộc Dân Chủ) « không tỏ ra là một mối nguy hiểm đối với nền dân chủ ». Tòa Bảo Hiến Đức cũng khẳng định là tổ chức này có « các mục tiêu chống lại Hiến pháp », nhưng hiện tại không gì « cho thấy hoạt động của đảng này đạt được thành công ». Đảng NPD bị các cơ quan tình báo Đức coi là phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Yêu cầu cấm đảng phát xít mới do 16 bang của nước Đức đưa lên. NPD, được lập năm 1964, hiện có khoảng 5000 thành viên và có nhiều liên hệ với các nhóm « phát xít mới » rất bạo lực. Đảng này không có nghị sĩ nào tại Quốc Hội, và cũng mất ghế cuối cùng ở cấp bang hồi tháng 9. Năm 2003, đã từng có đề nghị cấm đảng NPD, nhưng thất bại. Về mặt chính trị, NPD đang bị cạnh tranh mạnh bởi cánh cực hữu, với đảng chống nhập cư AfD, hiện thu được 15% cử tri ủng hộ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170117-tin-doc-nhanh