Tin Việt Nam – 17/01/2017
Hiệu trưởng trường tiểu học Cồn Sẻ dùng dao chém
phụ huynh học sinh khi biểu tình trước cổng trường
Vào sáng ngày 16 tháng 01 năm 2017, khoảnh hơn 100 phụ huynh học sinh Trường tiểu học Cồn Sẻ ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã tập trung biểu tình trước cổng trường, nhằm yêu cầu ngành giáo dục thanh tra các khoản thu và ban giám hiệu trường lạm thu các khoản đóng góp trong năm học 2016-2017.
Người dân đã cầm các banner có biểu ngữ với nội dung: “ÔNG NGUYỄN MINH KHAI HÃY RỜI KHỎI TRƯỜNG TIỂU HỌC CỒN SẺ”, “ÔNG NGUYỄN MINH KHAI PHÁ HẠI NỀN GIÁO DỤC NƯỚC VIỆT”, “THẾ HỆ CHÚNG TÔI ĐÃ MÙ, ĐỪNG ĐỂ CON EM CHÚNG TÔI NGU”… trước cổng trường.
Nhà cầm quyền thị xã Ba Đồn đã đưa công an, an ninh đến để kiểm soát và yêu cầu bà con giải tán.
Một người có mặt tại hiện trường cho biết khi người dân Cồn Sẻ đến trường biểu tình tại trường, thị ông hiệu trưởng tìm cách chạy trốn, và trước đó đã cố thủ trong người một con dao thái to, sắc bén. khi thấy ông ta chạy trốn, thì người dân đã giữ ông ta lại. Ông này đã lấy con dao trong người ra cố thủ, chém 1 người dân tên là Mai Lưu bị thương khá nặng. Hiện tại, công an đang điều tra sự việc.
Trao đổi với phóng viên SBTN, ông Mai Lưu cho biết: “Trước đây, Sở giáo dục tỉnh Quảng Bình, phòng giáo dục thị xã Ba Đồn đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông hiệu trưởng Nguyễn Minh Khai, vì có hành vi tham nhũng trong giáo dục. Tuy nhiên, không biết lý do gì mà ông ta vẫn cứ tiếp tục làm hiểu trưởng Trường tiểu học Cồn Sẻ và còn làm suốt 25 năm qua. Đặc biệt, trong năm học 2016-2017 này, ban giám hiệu trường còn thu nhiều khoản sai với quy định pháp luật làm cho người dân chúng tôi tức giận. Vì vậy, sáng nay, người dân chúng tôi đã tập trung trước cổng trường để biểu tình và yêu cầu ông hiệu trưởng phải từ chức. Ông Khai đã rút con dao Thái trong người ra doạ nạt. Khi bị người dân chúng tôi khống chế để lấy dao, ông ta đã vung dao và chém vào bàn tay trái của tôi khiến tay tôi bị thương nặng nên phải khâu 10 mũi…”.
Được biết, cách đây gần một tháng, đoàn Thanh tra thị xã Ba Đồn công bố kết quả thanh tra ông Nguyễn Minh Khai, hiệu trưởng Trường Tiểu học Cồn Sẻ, trong đó nêu rõ sẽ đình chỉ công tác và thuyên chuyển ông Khai. Thế nhưng cho đến nay, ông Nguyễn Minh Khai vẫn tiếp tục công tác như bình thường, như chưa hề có gì xảy ra. Có vẻ như quý cấp chính quyền đã bao che có “quy trình” cho ông Khai.
Môi trường học đường tại Việt Nam ngày nay đầy dẫy nhưng dấu hiệu bạo lực, xuống cấp về đạo đức, cả từ ban giám hiệu, thầy cô giáo cho đến học sinh.
Nguyên Nguyễn/SBTN
Tu viện cổ ở Thủ Thiêm
vẫn bị ép phải di dời để xây khu đô thị mới
Từ năm 2015, một tu viện ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh, phải đối mặt với sức ép di dời để nhường đất cho một phần của khu đô thị mới thuộc Quận 2.
Soeur Đặng thị Mỹ Hạnh, thư ký Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, hôm 17/1 cho VOA biết chính quyền địa phương muốn gắn việc “giải phóng mặt bằng” một ngôi trường từng thuộc tu viện Dòng Mến Thánh Giá với việc di dời cả tu viện, nhưng phía tu viện không chấp nhận.
Giải thích về sự lắt léo trong ý định của chính quyền nhằm di dời tu viện, Soeur Mỹ Hạnh cho biết hồi năm 1975, tu viện đã cho chính quyền của những người cộng sản “mượn” trường học của tu viện. Đến năm 2015, khi có dự án xây đô thị mới ở Thủ Thiêm, ngôi trường trong diện bị phá dỡ để làm đường. Tu viện đã đề nghị chính quyền bồi thường nhưng họ từ chối. Chính quyền nói nếu “tính chung” cả tu viện và ngôi trường, thì họ sẽ bồi thường.
Theo Soeur Mỹ Hạnh, cho đến nay chính quyền chưa gửi văn bản chính thức đặt ra hạn chót di dời song họ có những hình thức gây sức ép khác:
“Họ cứ làm cách này cách kia. Họ nói là mình muốn được bồi thường trường học thì phải tính cả cơ sở nhà dòng thì họ sẽ bồi thường. Nhưng nhà dòng không bao giờ bằng lòng chuyện đó hết”.
Soeur Mỹ Hạnh cho hay chính quyền đã nhiều lần “hiệp thương” với tu viện. Phía chính quyền nói sẽ cấp đất ở nơi mới cũng như bồi thường chi phí di dời và xây dựng. Tuy nhiên, phía tu viện kiên quyết không ra đi, dù giá trị vật chất của khoản bồi thường có là bao nhiêu. Soeur thư ký của tu viện đưa ra quan điểm:
“Cơ sở này nhà dòng đã lập trên 177 năm rồi. Đây là tên gọi Thủ Thiêm, Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm thì phải gắn vào đất Thủ Thiêm này. Nhà dòng có bao giờ dự định di dời một cơ sở lớn như vầy. Mà chị em tu hành an cư lạc nghiệp. Mình ở một vị trí quá lâu nay rồi, không có muốn đi đâu hết”.
VOA đã cố liên lạc với Ban Bồi thường và Giải phóng Mặt bằng Quận 2 để nghe ý kiến từ phía họ, nhưng không có người trả lời điện thoại.
Lịch sử ghi chép lại rằng giáo đoàn Thủ Thiêm, nơi có Tu viện Dòng Mến Thánh giá, được thành lập năm 1840. Một nhà thờ gỗ được dựng lần đầu ở đó năm 1865.
Các tài liệu khác nhau cho thấy ở khu vực thuộc quy hoạch làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, có gần 30 công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, tịnh xá, tu viện, nhà thờ và nhà nguyện.
Tuy nhiên, tới giữa 2016, nhiều công trình trong số đó đã bị phá dỡ, di dời. Trong đó, sự kiện gây chú ý là hồi đầu tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã cưỡng chế việc di dời chùa Liên Trì dù các vị sư đã tọa kháng.
Một kiến trúc sư đề nghị không nêu tên sinh sống ở miền nam Việt Nam nói với VOA rằng cả chính quyền lẫn hai công ty thiết kế đều đã mắc một lỗi lớn trong quy hoạch khu Thủ Thiêm.
Ông nói sau khi nghiên cứu hồ sơ quy hoạch khu Thủ Thiêm, ông thấy chính quyền đã không nêu ra yêu cầu phải bảo tồn và tích hợp các di sản văn hoá, tôn giáo, kiến trúc vào khu đô thị mới. Trong khi đó, hai công ty thiết kế lần lượt là Sasaki của Mỹ và Norman Foster của Anh đều không có tư vấn, góp ý gì về vấn đề này. Các văn bản liên quan thể hiện điều đó. Vị kiến trúc sư cho rằng “đạo đức của hai công ty có vấn đề.”
Trên mạng xã hội, khi biết tin tu viện của Dòng Mến Thánh giá đang chịu sức ép di dời, nhiều người bày tỏ sự bất bình và đưa ra bình luận rằng chính quyền hoặc “có tầm nhìn ngắn về văn hóa” hoặc “quá tham lam” trong việc phát triển đô thị. Về phần mình vị kiến trúc sư muốn giấu tên đưa ra nhận xét:
“Cách làm quy hoạch của Việt Nam khá là lỗi thời với lạc hậu. Các cách quy hoạch tiên phong với tiến bộ nhất thì người ta tìm cách cố gắng giữ lại tối đa tất cả những gì có giá trị lịch sử ở trong cái hiện trạng. Còn cái cách quy hoạch cũ là họ xóa bỏ toàn bộ, giải tỏa trắng. Đó là một cách quy hoạch sai lầm, với lại nó đã lạc hậu rồi”.
Một số người có kiến thức về quy hoạch đô thị viết trên mạng xã hội rằng Tp. HCM có thể dễ dàng điều chỉnh cục bộ bản quy hoạch Thủ Thiêm là có thể giữ lại gần như nguyên trạng quần thể tu viện Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm. Có người cho rằng việc đập bỏ cơ sở vật chất của một dòng tu có gần 177 năm lịch sử chuyên chú phụng sự xã hội có thể xem như một tội lỗi.
Chính sách đất đai khiến phân hóa giàu nghèo?
LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội
Bas du formulaire
Một người dân ở xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định mới nhờ tôi tư vấn pháp lý một việc, đó là gia đình ông từ mấy năm trước do nhu cầu sản xuất đã xây dựng một khu chuồng trại ấp trứng gia cầm và xưởng ép nhựa trên đất nông nghiệp trồng lúa.
Mới đây chính quyền huyện Nam Trực đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ với lý do công trình xây dựng trái phép, cùng trong danh sách các hộ bị cưỡng chế là 6 trường hợp khác.
Tôi giải thích cho vị khách hàng rằng ông muốn xây dựng hợp pháp thì phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền. Tôi hướng dẫn cho ông làm thủ tục thực hiện nhưng không biết liệu có được hay không.
Tự ý chuyển đổi
Đây là trường hợp điển hình cho tình trạng phổ biến hiện nay đó là tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích mà lâu nay thường bị quy cho là những hành vi vi phạm pháp luật.
Việc người dân có nhu cầu xây dựng chuồng trại nhà xưởng để sản xuất là sự thật, đây là nhu cầu chính đáng bộc lộ năng lực khát vọng vươn lên thoát nghèo nơi người dân. Và để có mặt bằng sản xuất kinh doanh thì người ta nhìn vào mảnh ruộng nhà mình vốn biết nó từ lâu không đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo tính toán hiện nay thì cấy một sào ruộng hai vụ lúa sau khi trừ đi các khoản tiền giống, tiền phân bón, tiền công cày bừa, tiền công cấy gặt, tiền thuốc sâu, tiền thủy lợi, và nhiều khoản khác thì một năm chỉ được vài trăm nghìn đồng. Nếu năm nào thời tiết không thuận lợi khiến sâu bệnh phá hoại hay chuột cắn thì coi như mất trắng, thực tế nhiều nơi ruộng bị người dân ‘bỏ sấm’ tức là bỏ không để cỏ mọc.
Đứng trước bài toán kinh tế so sánh giữa cấy lúa và sản xuất phi nông nghiệp người dân dễ dàng nhìn ra lời giải đáp và theo lẽ thường họ làm theo cái việc tất yếu là chuyển đổi mục đích sử dụng theo cách tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất.
Luật buộc họ phải xin phép trong khi sự cho phép lại theo cơ chế xin cho với những yếu tố mơ hồ.
Nhưng pháp luật về đất đai hiện nay lại trói buộc người dân khi không cho họ được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Luật buộc họ phải xin phép trong khi sự cho phép lại theo cơ chế xin cho với những yếu tố mơ hồ như vấn đề quy hoạch, khiến cho hành lang pháp lý thay vì là cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người dân thì đó lại là thử thách lớn nhất mà người dân phải vượt qua để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Đến khi người dân xây dựng và chính quyền cưỡng chế phá dỡ thì đó lại là lối xử lý bế tắc vô trách nhiệm, vì dù sao đi nữa đất đó cũng chẳng thể khôi phục trở lại làm đất nông nghiệp được, và đất đó cũng vẫn thuộc quyền sử dụng của chủ hộ. Không cho người dân xây xưởng sản xuất lại buộc người ta làm nông nghiệp trong khi họ không muốn thì sẽ ra sao?
Yếu tố quy hoạch
Hộ gia đình nêu trên sau khi bị phá dỡ chuồng trại nhà xưởng thì hoạt động sản xuất bị đình trệ, gia đình lâm vào tình cảnh chơi vơi mà nếu không có giải pháp thì sẽ dần bị bần cùng kinh tế.
Cho nên việc cấm cản người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang là vấn đề bất cập nhất trong số các quyền của người sử dụng đất hiện nay.
Theo pháp luật hiện nay thì đất đai thuộc sở hữu nhà nước còn người dân chỉ được giao quyền sử dụng, người dân tuy không là chủ sở hữu nhưng cũng được thực hiện gần đủ các quyền của người sở hữu như được phép giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, cầm cố.
Duy chỉ còn vấn đề mục đích sử dụng thì vẫn bị bó buộc hạn chế, và mặc dù pháp luật cũng cho phép người dân được xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng những cơ chế đi kèm nhiều nhiêu khê nên gây nhiều hệ lụy tiêu cực.
Lấy ví dụ, một con đường quốc lộ được làm cắt ngang cánh đồng. Những hộ có ruộng ven đường rất muốn san lấp để xây dựng một quán bán hàng hay một xưởng mộc, xưởng cơ khí nhưng không được phép. Nhưng nếu một doanh nghiệp mua gom nhiều ruộng rồi lập đề án xin xây dựng nhà máy xí nghiệp thì lại được.
Khi đó thì thử hỏi yếu tố quy hoạch đâu phải là vấn đề, vì doanh nghiệp kia làm theo cái mục đích mà người dân cũng muốn làm. Vậy thì tại sao người dân thì không được làm mà doanh nghiệp thì lại được? Câu trả lời chỉ có thể là do yếu tố tiêu cực mua bán giấy phép dự án, một hình thức cấu kết giữa doanh nghiệp và quan chức trục lợi trên pháp luật mà thôi.
Một ví dụ khác cho thấy sự bất công lớn trong chính sách đất đai, ví như khu Dương Nội thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Nhiều gia đình có đất vườn hay đất nông nghiệp ở đây nếu họ được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì họ có thể cắt một sào 360m2 ra làm hai ba suất bán đi thu về nhiều tỷ đồng.
Nhưng họ không được làm thế vì quy định luật không cho phép, song cũng đất đó nếu một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xin phép chính quyền lập dự án thu hồi và bán với giá thị trường thì thu về không biết bao nhiêu tiền.
Yếu tố quy hoạch cùng sự cho phép trở thành cái mơ hồ tùy tiện lúc được lúc không, chính nó tạo ra sự bất công mà một đằng là bần cùng hóa người dân một đằng là tài phiệt hóa những doanh nghiệp bất động sản.
Cần mở rộng quyền
Hiện tôi cũng đang tư vấn pháp lý cho các hộ dân ở thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội liên quan đến việc khiếu nại dồn điền đổi thửa mà lý do chính là người dân không muốn bị lấy bớt đi 20,5m2 mỗi sào để làm giao thông thủy lợi nội đồng.
Tôi tư vấn cho bà con rằng ngoài việc đòi hỏi phải giao đủ diện tích thì anh chị cần đấu tranh đòi quyền cho người dân được tự chủ lựa chọn cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, vì đây là vấn đề bức thiết nhất của người sử dụng đất hiện nay, đòi quyền này không chỉ cho các anh chị mà là vấn đề của người dân cả nước.
Ví như sau dồn điền đổi thửa người dân phải được quyền lựa chọn loại hình canh tác như có thể trồng khoai tây, rau màu, trồng hoa, cây cảnh, ruộng trũng thì thả cá và có thể xây chuồng trại để chăn nuôi, chứ không thể cứ bắt người dân phải cấy lúa.
Các yếu tố quy hoạch đủ các loại phải được các cấp chính quyền tính toán thật khoa học rõ ràng để trở thành yếu tố thúc đẩy kiến tạo cho người dân sản xuất kinh doanh chứ không được trói buộc người dân.
Việc cưỡng ép người dân sử dụng đất chỉ vào một mục đích, đó là sự rập khuôn máy móc, lười biếng trong suy nghĩ hành động, nghèo nàn trong nhận thức hiểu biết của tầng lớp cán bộ mà rồi cuối cùng kìm hãm sự phát triển do không tạo ra hiệu quả canh tác.
Nay đứng trước bài toán đòi hỏi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và giảm tránh những bất công xã hội đang ngày một lan rộng, Chính phủ cần nhìn ra và tháo gỡ nới lỏng cho người dân được tự chủ trong mục đích sử dụng đất.
Những lo ngại về quy hoạch này nọ thực chất là sự níu giữ những quyền hạn lợi lộc hẹp hòi cho một bộ phận giới chức, trong khi người dân hơn ai hết chính họ biết cách sử dụng đất vào việc gì cho đạt hiệu quả, và hiệu quả kinh tế cho họ cũng chính là hiệu quả đem lại cho nền kinh tế.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38654266
Facebook ‘không có ý kiến về chặn thông tin xấu’
Facebook từ chối bình luận sau khi quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam lên tiếng Facebook, YouTube cần có nghĩa vụ “hợp tác chặn thông tin xấu”.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông được VietnamNet hôm 13/1 dẫn lời nói: “Các thông tin xấu, độc tràn lan hiện nay trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt cung cấp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia.”
“Đối với thông tin xấu đe dọa đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Việt Nam thì chúng ta có biện pháp để ngăn chặn ngay, sau đó mới yêu cầu họ có biện pháp khắc phục.”
“Hiện chúng ta đang cần cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ, đặc biệt như dịch vụ mạng xã hội và các trang web vào Việt Nam.”
“Họ phải phối hợp với Việt Nam để xử lý các thông tin xấu độc đó. Thông tư 38 giải quyết vấn đề này.”
Trang mạng này nói trong tiêu đề bài báo rằng ông Tự Do ám chỉ “họ” ở đây cụ thể là Facebook và YouTube.
Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm “quản lý chặt chẽ hơn các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.”
Hôm 17/1, BBC nhận được email phản hồi của bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy, đơn vị đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam.
“Chúng tôi cảm kích vì quý đài hỏi ý kiến của chúng tôi về sự việc liên quan Thông tư 38 gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam,” email viết.
“Tuy nhiên, chúng tôi không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin để chia sẻ vào thời điểm này.”
‘Mạnh miệng’
Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia công nghệ thông tin, nói: “Mỗi lần có một quan chức truyền thông mới lên thì lại có phát biểu mạnh miệng về việc chặn thông tin xấu trên mạng.”
“Thông tin xấu ở đây có thể hiểu là những nội dung mà lãnh đạo Việt Nam xem là nhạy cảm, không muốn thấy trên mạng xã hội.”
“Tuy vậy, những nội dung này không được các hãng Facebook hay Google [hãng thâu tóm YouTube] tạo ra mà do người dùng và được hiển thị theo thuật toán riêng của các hãng.”
“Vì thế, chính quyền muốn chặn nội dung thì buộc các hãng phải thay đổi thuật toán.”
“Điều này khó về mặt kỹ thuật.”
“Hơn nữa, thị trường Việt Nam quá nhỏ bé không đủ giá trị thương mại như Trung Quốc để những hãng này phải làm theo yêu cầu đó.”
“Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng đến nay, cả Facebook lẫn Google đều không có văn phòng chính thức ở Việt Nam mà chỉ thông qua một số cá nhân nên mức độ chế tài họ rất ít.”
Theo luật nước ngoài, tài khoản mạng xã hội thuộc nhóm bí mật đời tư của cá nhân, được bảo vệ và bất khả xâm phạm.Luật gia Nguyễn Đình Hà
Facebook ‘giúp TQ công cụ kiểm duyệt’
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, nói: “Theo tôi, Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài, không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam như Facebook, Google trên thực tế.”
“Có thể quan chức đưa ra thông tin này chủ yếu để tạo cái cớ nhằm xử lý một số cá nhân hoạt động dân chủ đang có tài khoản Facebook và YouTube.”
“Cơ quan an ninh và Ban Tuyên giáo biết những người này và muốn các hãng tác động đến tài khoản mạng xã hội của họ để chặn những post và clip bị chính quyền cho là bất lợi, phản động.”
“Cho nên Thông tư 38 cũng giống như Điều 258 Bộ luật Hình sự thôi.”
“Đó là chưa kể xét ở khía cạnh khác, chặn thông tin của người dùng cũng là việc vi phạm nhân quyền.”
Theo luật nước ngoài, tài khoản mạng xã hội thuộc nhóm bí mật đời tư của cá nhân, được bảo vệ và bất khả xâm phạm.”
“Nếu muốn chặn thông tin của người dùng mạng xã hội, Việt Nam đang xâm hại quyền của khách hàng các hãng Facebook, Google.”
“Tôi nghĩ chính quyền nên bãi bỏ những luật, điều mơ hồ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân.”
“Thay vào đó, họ nên đối thoại để tiếp nhận những tiếng nói phản biện, đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn,” ông Hà nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38621430
Việt Nam ‘đổi mới nhưng không đổi màu’?
Tiếp tục chỉ trích ‘diễn biến hòa bình’, một cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng “Đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn”, trong bài trên tờ Quân đội Nhân dân trước Tết Đinh Dậu.
Ông Hà Đăng viết hôm 16/01/2017 về sự kiện khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990 như ‘cơn động đất chính trị’ của Thế kỷ trước.
Nhưng ông nêu lập luận rằng Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam “không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu”.
Theo ông, quá trình Đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản ở Việt Nam thực hiện đã có thành tựu to lớn và “làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?Hà Đăng
“Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý.”
Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?
‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’
Theo ông, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, “đổi mới nhưng không đổi màu”, là nguyên tắc đầu tiên.
Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cũng nhân đây đã thách thức giới chỉ trích:
“Tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?”
Phản ứng lại lập luận của ông Hà Đăng, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị hiện sống tại TPHCM lên tiếng trên Facebook cá nhân:
“Tôi rất sẵn lòng lên đài truyền hình quốc gia VTV1 trao đổi và tranh luận với ông Hà Đăng. Nếu thật sự ông tự tin vào các lập luận và chính nghĩa của ông thì ông nên thúc giục VTV1 tổ chức ngay buổi đối thoại này.”
Câu hỏi về chủ nghĩa xã hội
Từ nhiều thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tự nêu câu hỏi thế nào là ‘Định hướng xã hội chủ nghĩa’, nhất là khi Việt Nam đã vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận kinh tế thị trường.
Hơn 10 năm qua, hai kỳ Đại hội Đảng Cộng sản cũng có vẻ chưa giải quyết được vấn đề này.
Hồi giữa năm 2006, TS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM có bài trên báo Tuổi Trẻ, phân biệt ra con đường XHCN như là mục tiêu, hay là mô hình.
Ông cho rằng “chọn định hướng XHCN là mục tiêu phát triển xã hội” (phát triển, phồn vinh, công bằng, văn minh tiến bộ) là sự lựa chọn đúng…”
“Còn XHCN là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chung của thời đại, cũng như trong tiến trình đổi mới ở nước ta.”
“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…”
Thượng Đế và đấu tranh gia cấp mới
Việt Nam không phải là nước duy nhất phải suy tính về di sản nhập ngoại là chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ngay từ năm 2009, tại Trung Quốc đã có các ý kiến phải làm gì với chủ nghĩa Marxist và một quan điểm nói cần đặt Marx vào phạm trù niềm tin hơn là nghị trình chính trị.
Từ Khuông Địch, cựu bí thư Thượng Hải, Phó Chủ tịch Chính Hiệp khi đó đã nói với nhà báo Daniel Gross (Newsweek 25/11/2009) rằng đường lối của Karl Marx, chỉ còn “đóng vai trò đạo đức ở Trung Quốc, tựa như Thượng Đế với người Thiên Chúa Giáo ở Âu Mỹ”.
Ông Từ Khuông Địch cũng nói tuy vậy, mô hình dân chủ với bầu cử tự do như Tây Phương là chưa thể áp dụng ở Trung Quốc vì dân số quá đông, sự khác biệt vùng miền, và nhất là thu nhập quá lớn.
Ông thẳng thắn nói nếu để bầu cử tự do, một ai đó hô lên khẩu hiệu ‘lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo’ sẽ được bầu chọn ngay và Trung Quốc sẽ rơi vào cuộc đấu tranh giai cấp mới (class warfare).
‘Tốt hơn cả các nước tư bản cùng mức’
XHCN là mô hình tổ chức xã hội thì trên thực tế đã và đang không còn tồn tại với sự lựa chọn trong xu thế phát triển chungTS Đào Công Tiến
Hồi năm 2012, khi sang thăm Cuba, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn nói về thành tựu 25 năm Đổi mới ở Việt Nam và cho rằng:
“Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế.”
Ông Nguyễn Phú Trọng không nêu tên các nước ‘tư bản chủ nghĩa’ đó là gì nhưng khẳng định đây là bằng chứng cho “sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội”.
Đến tháng 10/2016, sau khi đã tái đắc cử, TBT Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh đến công tác lý luận về định hướng xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam.
Ông cũng thừa nhận đây là công tác còn cần tiếp tục xây dựng, triển khai:
“Chúng ta cần tập trung đi sâu nghiên cứu và tổng kết nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,,,”, theo tờ Quân đội Nhân dân 20/10/2016.
‘Từ chức là thắng lợi’
Gần đây, trả lời phỏng vấn BBC nhân dịp kỷ niệm Liên Xô tan rã, ông Mikhail Gorbachev đã nhắc lại quan điểm rằng ông phải từ chức ngày 25/12/1991 vì đe dọa nội chiến:
“Chúng tôi tiến tới nội chiến và tôi muốn tránh nó.”
“Tôi không thể để điều đó xảy ra chỉ để bám níu quyền lực. Từ chức là thắng lợi của tôi.”
Trong diễn văn từ chức, Gorbachev nói nhờ chương trình cải tổ của ông, xã hội ở các nước Liên Xô cũ “đã có tự do”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38650446
Mỗi năm hàng chục ngàn người chết
do ô nhiễm khí than tại Việt Nam
Một báo cáo mới được công bố gần đây của Đại học Harvard và tổ chức Greenpeace International cho biết khí thải từ đốt than ở các nước Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần từ nay cho đến năm 2030 và khiến hàng chục ngàn người chết mỗi năm trong khu vực, chủ yếu tại các nước Indonesia và Việt Nam.
Thông báo của Greenpeace đưa ra hồi tuần trước cho biết nếu những nhà máy than đang trong kế hoạch được Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn tiến hành xây dựng theo dự kiến ở khu vực Đông Nam Á thì mỗi năm sẽ có khoảng 70,000 người chết vì ô nhiễm than. Con số này hiện nay được ước tính là 20,000 người.
Việt Nam hiện có nhu cầu về điện năng rất lớn với dự đoán nhu cầu tăng khoảng 13% mỗi năm để đáp ứng mức tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6.5 đến 7 % trong vòng 4 năm tới. Chính phủ Việt Nam mới đây đã giảm chỉ tiêu điện năng từ các nhà máy nhiệt điện từ 56.5% xuống còn 53.2% tổng lượng điện từ nay đến năm 2030 và bỏ 17 nhà máy điện chạy bằng than cỡ lớn.
Indonesia vừa trả về cho Việt Nam 70 ngư dân
Thông tấn xã Việt Nam hôm 17 tháng 1 cho biết phía Indonesia đã trao trả cho Việt Nam 70 ngư dân bị bắt giữ do vi phạm vùng biển của nước này vào cùng ngày và dự kiến sẽ 165 ngư dân bị bắt giữ được trả về Việt Nam từ giờ cho đến trước Tết Nguyên đán.
Tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta, Indonesia, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam hôm 17 tháng 1 cho biết đã có 49 người được đưa về trong ngày, số còn lại sẽ được đưa về vào ngày 18 tháng 1. Các đợt dự kiến tiếp theo là các ngày 19, 24 và 15 tháng 1.
Số ngư dân vừa được trả về Việt Nam là những người bị giam giữ từ 3 đến 4 tháng tại đảo Batam của Indonesia. Thông tấn xã Việt Nam trích lời ông Seivo Grevo, cán bộ trại giam của cơ quan kiểm ngư đảo Batam cho biết hiện ở trại giam này còn giữ 27 ngư dân Việt Nam.
Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ nặng
Bộ Công Thương Việt Nam vừa công bố kết luận thanh tra tại dự án Nhà máy Sản xuất Đạm Ninh Bình thuộc tập đoàn Hóa chất – Vinachem là chủ đầu tư. Kết luận nêu rõ dự án đã thua lỗ hàng chục triệu đô la kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay.
Theo kết luận của thanh tra, nhà máy đạm Ninh Bình do công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Đạm Ninh Bình quản lý đã liên tục thua lỗ ở mức ghi nhận là 1.719 tỷ đồng.
Báo cáo khả thi của Vinachem xác định từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi. Tuy nhiên, kết luận của thanh tra cho thấy trong năm 2015, công ty lỗ thêm 364 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dự án không có hiệu quả về kinh tế, dẫn đến tình trạng tạm dừng sản xuất.
Dự án đạm Ninh Bình được dầu tư với số vốn là 667 triệu đô la với công suất 560.000 tấn ure cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía bắc để thay thế phân đạm nhập khẩu. Vốn chủ sở hữu của công ty do Vinachem đóng góp là 100 triệu đô la. Phía Eximbank của Trung Quốc cho vay 250 triệu đô la với lãi suất 4% một năm với điều kiện phải do phía Trung Quốc làm tổng thầu. Tuy nhiên theo kết luật của Bộ Công thương, nhà thầu Trung Quốc (HQC) đã thi công chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký là 420 ngày gây phát sinh chi phí. Số lãi vay phải trả do sự chậm trễ này lên đến 527 tỷ đồng.
Metro Hà Nội : Các công ty Pháp
giành được hợp đồng 265 triệu euro
Hôm nay, 17/01/2017, theo bộ Giao Thông Pháp, tổ hợp ba công ty Pháp Alstom, Thales và Colas Rails (Bouygues), đã chính thức nhận được một hợp đồng trị giá 265 triệu euro, để cung cấp các thiết bị cho một tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Alstom cho AFP biết cụ thể : « Hợp đồng này bao gồm thang cuốn, hệ thống thông tin tín hiệu, các toa xe, hệ thống kiểm soát tốc độ, hệ thống cấp điện và thiết bị nhà kho ». Tập đoàn Alstom nhận được phần hợp đồng chính với trị giá gần 190 triệu euro. Hợp đồng được ký kết ít tháng sau chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp François Hollande.
Trong vòng mươi năm trở lại đây, tập đoàn Alstom đã được thầu tổng cộng 18 dự án xây dựng đường metro hoàn chỉnh trên thế giới.
Đọc thêm : Kinh nghiệm xây metro của Pháp trong tuyến Nhổn-Ga Hà Nội
Tuyến đường sắt đô thị nói trên là tuyến metro số 3 của Hà Nội (Nhổn – Ga Hà Nội), dài khoảng 12 km, với 12 ga. Tập đoàn Pháp Systra hiện là đơn vị thực hiện tổng thầu tư vấn xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị và cũng là một đơn vị giám sát. Dự kiến đường metro số 3 của Hà Nội sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Đại diện ngành Giao Thông Pháp, ông Alain Vidalies, hy vọng : « Hợp đồng có trị giá 265 triệu euro này sẽ trở thành một mẫu mực cho các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, cũng như ở khu vực Đông Nam Á ».
Hà Nội có tổng cộng 8 dự án đường sắt đô thị, trong đó mới có hai dự án được khởi công. Dự án đường metro số 2, Cát Linh – Hà Đông, do Trung Quốc đấu thầu, bị báo chí trong nước thường xuyên chỉ trích về thái độ thi công không nghiêm túc, thậm chí trì hoãn tiến độ.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170117-metro-ha-noi-cac-cong-ty-phap-gianh-duoc-hop-dong-265-trieu-euro