Bộ 4 T buộc Facebook, Youtube nghĩa vụ hợp tác chặn thông tin xấu độc
15/01/2017
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ với Góc nhìn thẳng về Thông tư 38(ảnh: Phạm Huyền) |
Ban hành thông tư về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới
Những quy định này sẽ góp phần xây dựng môi trường hoạt động, kinh doanh bình đẳng minh bạch hơn cho nền kinh tế số.
Để tìm hiểu sâu về vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về những điểm bất cập lớn nhất đang tồn tại hiện nay trong dịch vụ cung cấp thông tin công cộng qua biên giới?
Ông Lê Quang Tự Do: Hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã diễn ra từ rất lâu. Tuy nhiên phải đến lúc này, Bộ Thông tin và truyền thông mới ban hành được một Thông tư với các quy định khá chi tiết rõ ràng về các hoạt động công cộng qua biên giới.
Bởi vì chúng tôi phải nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá các thực trạng, làm sao khi ban hành thông tư, vừa phù hợp với quy định của pháp lý của Việt Nam, đáp ứng chủ trương quản lý và phát triển internet ở Việt Nam, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặc tích cực thì chúng ta đều biết rồi. Nhưng hoạt động này có nhiều vấn đề khá đau đầu. Ví dụ như các thông tin xấu, độc tràn lan hiện nay trên mạng xã hội, các thông tin gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt cung cấp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị , trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia.
Các hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp các thông tin công cộng xuyên biên giới vào Việt Nam, gần như họ không phải thực hiện các quy định của pháp luật ở Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp internet trong nước đều phải chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam.
Điều đó tạo ra sự bất bình đẳng cho việc hoạt động, kinh doanh trên mạng giữa các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài. Chưa nói đến chuyện an ninh chính trị, an ninh lợi ích quốc gia. Riêng vấn đề này, đã gây khó khăn cho công tác quản lý thông tin ở trong nước của chúng ta.
Nhà báo Phạm Huyền:Liệu tới đây, khi thông tư 38 có hiệu lực thì các nội dung thông tin xấu, độc từ các trang web, mạng xã hội như Facebook, Youtube cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài có bị chặn dịch vụ hay không? Và thực tế, liệu khả năng của chúng ta có làm được việc này?
Ông Lê Quang Tự Do: Chúng ta phải làm sao vừa quản lý, phát triển internet và thông tin trên mạng, nhưng vừa làm sao để đảm bảo các thông tin xấu độc không bị lan truyền đến người Việt Nam trong nước đang sử dụng . Đây là một chủ trương chính sách lớn và cần có lộ trình để thực hiện.
Hiện nay, chúng ta đang cần cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ, đặc biệt như dịch vụ mạng xã hội và các trang web vào Việt Nam, họ phải phối hợp với Việt Nam để xử lý các thông tin xấu độc đó. Thông tư 38 giải quyết vấn đề này.
Có hai cách, đối với thông tin xấu độc đe doạ trực tiếp đến lợi ích quốc gia, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của chúng ta thì chúng ta có biện pháp để ngăn chặn ngay, sau đó mới yêu cầu họ có biện pháp khắc phục.
Đối với thông tin vi phạm các quy định khác trong quy định pháp luật của Việt Nam, chúng ta xây dựng thiết lập cơ chế này qua Thông tư 38, để yêu cầu các tổ chức, chủ các trang web, trang mạng xã hội đó phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước gỡ bỏ, ngăn chặn.
Trước đây, khi Thông tư 38 chưa ra đời, chúng ta cũng đã có cơ chế phối hợp thực hiện việc này. Nhưng với Thông tư này, yêu cầu, các quy định về vấn đề này chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch hơn trước.
Tôi tin rằng việc ngăn chặn thông tin xấu độc, phối hợp với các tổ chức trong ngoài nước ngăn chặn sẽ hiệu quả hơn.
Nhà báo Phạm Huyền:Ông có thể nói rõ hơn, chúng ta nhận diện thông tin xấu độc như thế nào?
Ông Lê Quang Tự Do: Các thông tin xấu độc, tiêu cực đã được quy định rõ trong Nghị định 72 của Chính phủ năm 2013. Đó là các hành vi bị cấm như lợi dụng internet để sử dụng vào mục đích sai phạm như tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa các tin bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm danh dự cá nhân, tung tin xúc phạm, bịa đặt gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tất cả những điều đó đã quy định ở Khoản 1, Điều 5, Nghị định 72.
Nhà báo Phạm Huyền: Với những tồn tại bất cập mà ông vừa phân tích, ông có kỳ vọng gì về việc Thông tư 38 sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra?
Ông Lê Quang Tự Do: Nếu nói một Thông tư, hay một Nghị định mà giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, mà phức tạp như môi trường internet thì tôi nghĩ, khó, không có một luật pháp nào mà giải quyết được hết.
Tất cả các điều khoản pháp luật quy định cũng chỉ là trên giấy tờ. Cái quan trọng nhất là phải làm sao đi vào cuộc sống. Điều đó cần 2 yếu tố. Cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện tốt, nghiêm minh các quy định này. Thứ hai là cần sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thứ hai là các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các cơ sở hạ tầng cho môi trường internet ở Việt Nam cần cung cấp phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan quản lý, để khi có sự cố, sai phạm nghiêm trọng xảy ra, chúng ta hoàn toàn có khả năng, có công cụ để yêu cầu gỡ bỏ, ngăn chặn nội dung sai phạm này.
Phạm Huyền
(VietNamNet)