Tin Việt Nam – 14/01/2017
Ngư dân chặn Quốc lộ 1A yêu cầu
bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra
Vào lúc 10 giờ sáng hôm nay 14/01/2017, khoảng gần 1.000 bà con ngư dân xứ Đông Yên đã tập trung chặn ngang đường quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Con ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh yêu cầu nhà cầm quyền đền bù thiệt hại trong thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra hồi tháng 04/2016 vừa qua.
Lưới và cá được đổ ra giữa quốc lộ gây nghẽn tắc giao thông suốt nhiều giờ đồng hồ.
Một người dân tại cuộc biểu tình phản đối này cho Đài Á Châu Tự Do RFA biết:
“Người dân là của Đông Yên nhưng một phần nằm ở phường Kỳ Sơn và một phần nằm bên xã Kỳ Nam lúc nhiều nhất tầm khoảng trên dưới 1000 người. Người dân không đồng ý về vấn đề bồi thường không thỏa đáng nên người dân ra ngoài đường họ chặn đường phản đối.
Mất đâu từ 10 giờ sáng cho đến 2 giờ chiều mới thông xe được.
Chính quyền không đến giải quyết vấn đề gì cả chỉ có lực lượng công an giao thông đứng đó thôi không làm gì cả chỉ điều tiết xe chuyển hướng đi đường khác thôi, chằng có ai đại diện chính quyền đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết cho người dân cả.
Cha xứ Đông Yên do ngài vắng mặt cho nên ngài nhờ Ban Hành Giáo lên nói với người dân là giải tán hết đê thông đường xe.
Không có một xô xát nào đáng tiếc cả”.
Ngoại trưởng John Kerry và chuyến thăm Việt Nam
Trùng với thời gian Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc và ký 15 văn kiện Việt-Trung, hôm thứ Năm (12/1), Ngoại Trường Hoa Kỳ John Kerry sang thăm Việt Nam. Điểm đầu tiên ông đến là thành phố Hà Nội. Đón Ngoại Trưởng John Kerry tại sân bay Nội Bài có đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cùng các tùy viên Đại sứ Quán Hoa Kỳ.
Tại Hà Nội, Ngoại trưởng John Kerry gặp và làm việc với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, thăm xã giao Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào Thứ Sáu (13/1), và bàn thảo với giới chức cấp cao Hà Nội một số vấn đề có liên quan đến tiến trình mở rộng quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Dù chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ được đăng tải một cách hạn chế trên các phương tiện truyền thông trong nước, nhưng với các trí thức có uy tín, chuyến thăm Việt Nam cuối nhiệm kỳ của ông John Kerry mang ý nghĩa quan trọng.
Giáo Sư Chu Hảo, Viện Trưởng Viện Phan Châu Trinh – Việt Nam, chia sẻ: “Chuyến thăm lần này của Ngoại Trường Hoa Kỳ Jonh Kerry tới Việt Nam trong thời kỳ cuối của nhiệm kỳ mà ông đảm nhận, tôi, cũng như nhiều trí thức có quan tâm đến tình hình đất nước, tình hình phát triển của Việt nam cũng như phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thực lòng mà nói là tôi rất mừng! Bởi vì hơn ai hết, Jonh Kerry cũng như John Mc. Cain là những người có nhiệt tâm rất lớn trong việc kết nối mối quan hệ ban giao giữa Việt nam và Hoa Kỳ trong suốt nhiều năm nay. Tôi tin rằng trong chuyến đi này, ông sẽ có những thông điệp và những chương trình làm việc cụ thể để mở ra cho Việt nam nhiều cơ hội hơn, tạo cơ hội phát triển tốt hơn cho Việt Nam…”.
Một số bạn trẻ ở Hà Nội tỏ ra hào hứng, vui mừng khi nghe tin Ngoại Trưởng Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam. Theo các bạn trẻ này, thêm một lần nữa, những sứ giả của nền chính trị tiến bộ, dân chủ đang đến Việt Nam.
Một bạn trẻ Hà Nội tỏ ra rất vui khi nghe tin ông John Kerry đến Việt Nam: “Nghe tin này tôi rất là hào hứng!”.
Rời Hà Nội, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ vào Sài Gòn để thăm và làm việc với giới chức thành phố này. Tại đây, ông có bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ và có buổi nói chuyện với một số bạn trẻ của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á.
Chiều 13-1, ông Kerry đã có cuộc nói chuyện với lãnh đạo và các sinh viên trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Linh mục Lê Ngọc Thanh, khách mời tham dự buổi gặp gỡ, cho biết không thấy sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự ở Sài Gòn trong sự kiện này.
Đây là chuyến thăm Việt Nam cuối cùng của ông John Kerry trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, nhưng ông khẳng định sẽ còn tiếp tục quay trở lại trong thời gian tới. Ông nói dù ở cương vị nào, là công dân của nước Mỹ, ông sẽ tiếp tục góp phần vào mối quan hệ đang ngày càng gần gũi giữa hai nước trong thời gian tới.
Ngày 14/1, Ngoại trưởng Kerry sẽ thăm Cà Mau, thảo luận với giới chuyên gia địa phương về những vấn đề môi trường đang ảnh hưởng đến khu vực và cách thức hai nước có thể bắt tay phát triển năng lượng thay thế và cơ sở hạ tầng bền vững, quản lý nước và nguồn lực sinh thái.
http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-john-kerry-va-chuyen-tham-viet-nam/3675701.html
HRW chỉ trích nhân quyền Việt Nam
Hôm thứ Sáu, 13/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền trong đó đánh dấu sự suy giảm nghiêm trọng tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đáng lo ngại là tại Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Phúc trình nhân quyền chỉ ra rằng các chính phủ siết chặt kiểm soát hoạt động của truyền thông báo chí và thông tin liên lạc bằng việc áp dụng các luật lệ về tội phạm mạng, nổi loạn và đặt ra nhiều hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết có dấu hiệu gia tăng đàn áp và kiểm duyệt của nhà nước gây ảnh hưởng đến cộng đồng trên mạng.
Trong một email gởi cho đài VOA, ông Robertson viết:
“Các chính phủ đang đe dọa các quyền của người dân ngày càng nhiều, những người bày tỏ những gì họ muốn trên mạng Internet và thành lập các hội nhóm để lên tiếng cho quyền lợi của mình.”
Ông cho biết nhiều chính phủ của các nước Đông Nam Á có chính sách đàn áp, và xem Internet là mối đe dọa cần ngăn chặn.
Bản phúc trình cũng cáo buộc chính phủ Thái Lan và Việt Nam đã đàn áp việc đưa tin trên mạng trực tuyến và truyền thông trong năm qua.
Tại Việt Nam, bản phúc trình lưu ý việc “các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền” phải đối mặt với “sự đe dọa và sách nhiễu liên tục của công an”, và bị “biệt giam hay bỏ tù chỉ vì thực hiện quyền cơ bản của họ.”
Các nhà hoạt động nhân quyền từng hy vọng rằng giới lãnh đạo mới từ sau Đại hội Đảng Cộng sản XII năm 2016 sẽ giảm bớt việc trấn áp. Nhưng ông Brad Adams, Giám đốc châu Á của HRW, cho biết niềm hy vọng này đã “tiêu tan”.
Trong năm 2016, tại Việt Nam có ít nhất 19 người, bao gồm các blogger nổi tiếng, đã bị kết án tù dài hạn. Các nhân viên thường phục hay ẩn mặt “tấn công thường xuyên nhằm vào các blogger nhân quyền và những người vận động bằng các hành vi rất rõ ràng nhưng họ không bị trừng phạt.”
http://www.voatiengviet.com/a/hrw-chi-trich-nhan-quyen-vietnam/3675302.html
Trọng – Bình ký kết 15 văn kiện ‘quan trọng’ ở Bắc Kinh
Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, cùng Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, hôm 12 tháng Giêng ký kết 15 văn kiện hợp tác “quan trọng” trong chuyến thăm đang diễn ra tại Bắc Kinh. Nhưng một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam nói các văn kiện chỉ là “bề mặt” trong chuyến đi của ông Trọng.
Theo bản tin truyền hình của VTV1, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được Chủ Tịch Trung Quốc đón tiếp long trọng với 21 phát đại bác, và các quan chức cùng đoàn thể Trung Quốc nghênh đón 2 bên khi ông Trọng tiến vào Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh.
Lãnh đạo hai đảng Cộng Sản thảo luận “các định hướng lớn”, trong đó có vấn đề trên biển. Cả hai đồng ý không để những tranh chấp Biển Đông làm tổn hại đến mối quan hệ hai quốc gia.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình cho biết “hai quốc gia sẽ mở rộng các trao đổi quân sự và đào sâu hợp tác an ninh”.
Cũng trong buổi thảo luận này, hai ông Trọng – Bình ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có các thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai đảng, hợp tác kinh tế, quốc phòng…
Từ góc nhìn khác, Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, nói với VOA rằng những thỏa ước trên chỉ là “bề mặt”.
“Tất cả những ký kết, thỏa ước như vậy có lẽ chỉ là bề mặt thôi. Ẩn giấu bên trong có một cái gì đặc biệt hơn. Đó mới là cái chính chứ không phải thỏa ước bên ngoài”. Lời Tiến Sĩ Dũng.
Theo phân tích ông Phạm Chí Dũng, không thể xem vấn đề quan hệ Việt – Mỹ – Trung là nội dung quan trọng trong chuyến đi của ông Trọng đến Bắc Kinh lần này. Lý do là vì ngay cả các lãnh đạo hay các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc hiện cũng không nắm được “ông Trump như thế nào” để có thể đưa ra các kế sách thích hợp. Do đó, giả thuyết ông Trọng đi “tham vấn” về chiến lược đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thích đáng.
“Nếu ông Trọng đến Trung Quốc không hẳn với ý bàn về mối quan hệ đu dây chiến lược, mà có thể về một số vấn đề khác. Tôi cho những vấn đề khác đó có thể liên quan đến tình hình Việt Nam, vấn đề triều chính Việt Nam, đặc biệt là về những nhân sự có thể ông Trọng muốn sắp xếp, một lúc nào đó khi ông Trọng nghỉ thì sẽ có người thay”. Tiến Sĩ Dũng phân tích.
Theo nhà bình luận của Việt Nam, uy tín ông Trọng gần đây giảm sút “đáng kể” sau thất bại trong vụ xử phạt Trịnh Xuân Thanh và các quan chức liên quan. Vì vậy, khả năng Tổng Bí Thư Việt Nam sang Bắc Kinh “tham khảo” về các biện pháp xử lý hiệu quả các đảng viên hư hỏng, “tự diễn biến”, “tự suy thoái” là nội dung có thể xảy ra.
Ngay sau khi có tin tức về việc ông Trọng ký kết các văn kiện “quan trọng” với Trung Quốc, nhiều ý kiến từ công luận tỏ ra hoài nghi về nội dung bên trong cũng như mục đích thực sự trong chuyến thăm của người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tới Bắc Kinh lần này.
Một số nhà phân tích nói phản ứng của công luận Việt Nam một phần là do tâm lý “bài Trung”.
Hôm nay (13 tháng Giêng), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục hội kiến Thủ Tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.
Chuyến đi của ông Trọng tới Bắc Kinh kéo dài đến hết ngày 15 tháng Giêng.
http://www.voatiengviet.com/a/trong-binh-ky-ket-15-van-kien-quan-trong-o-bac-kinh/3675249.html
Đề xuất cáp treo vào Tân Sơn Nhất gây tranh cãi
Đề xuất làm cáp treo từ công viên Gia Định đến phi trường Tân Sơn Nhất để chống nạn kẹt xe quanh khu vực này được xem là ý tưởng “táo bạo” nhưng “không tưởng”.
Đề xuất làm cáp treo vào phi trường Tân Sơn Nhất được ông Bùi Xuân Cường, Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Hồ Chí Minh, loan báo hôm 11 tháng Giêng về công tác chuẩn bị cho dịp Tết Đinh Dậu 2017, khi phi trường Tân Sơn Nhất được dự đoán sẽ quá tải, tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn.
Trả lời VOA hôm 13 tháng Giêng, người đưa ra ý tưởng làm cáp treo vào Tân Sơn Nhất, ông Vũ Huy Thắng, Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Bilco, cho biết lý do đưa ra đề xuất trên: “Tôi là kỹ sư về cơ khí, từng làm nhiều tuyến cáp treo, dự án cáp treo ở Việt Nam nên tôi hiểu về cáp treo. Vừa rồi thấy trên báo có tin là làm tuyến tàu điện ngầm từ công viên Hoàng Văn Thụ vào Tân Sơn Nhất mất khoảng hơn 5.000 tỷ thì tôi nghĩ ngay, nếu thay bằng giải pháp cáp treo thì sẽ nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều.”
“Cáp treo phát huy hiệu quả rất lớn khi ở quãng đường ngắn khoảng 2,5 – 5 km”. Theo lời kỹ sư Vũ Huy Thắng.
Theo ông Thắng, chi phí làm cáp treo chỉ bằng 1/10 chi phí xây dựng tuyến tàu điện ngầm. Ngoài ra, cáp treo có thể đạt tới công suất 4.000 – 4.500 người/lượt/giờ nếu áp dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Thắng gặp một số chỉ trích từ phía các chuyên gia về giao thông tại Việt Nam.
Trả lời VietNamNet hôm 11 tháng Giêng, Tiến Sĩ Phạm Sanh, thuộc Đại Học Giao Thông Vận Tải, nói ý tưởng trên “táo bạo nhưng không khả thi.” Lý do, theo Tiến Sĩ Phạm Sanh, là vì cáp treo chỉ áp dụng trong các địa hình hiểm trở, có ít người bên dưới, tránh làm đường để bảo tồn các di tích văn hóa…
Chuyên gia giao thông này cũng cho rằng vấn đề an toàn là điều cần phải xem xét nếu thực hiện cáp treo.
Trả lời cho mối quan ngại này, ông Vũ Huy Thắng khẳng định có sự bảo đảm gần như tuyệt đối về vấn đề an toàn của cáp treo, nhưng ông Thắng cũng thừa nhận chưa “nghiên cứu kỹ” các vấn đề khác ngoài khía cạnh kỹ thuật.
“Nếu xét trên góc độ kỹ thuật thì hoàn toàn khả thi. Nhưng xét trên góc độ quy hoạch đô thị, thói quen của người Việt Nam không quen sử dụng các phương tiện công cộng thì tôi không dám nói. Tôi chưa nghiên cứu kỹ về việc này”.
VietNamNet dẫn lời Giám Đốc Cảng Vụ Hàng Không miền Nam, Trần Doãn Mậu, cho biết lượng hành khách và tần xuất chuyến bay vào dịp Tết năm nay tăng 19,6% so với Tết năm ngoái. Đợt cao điểm là vào ngày 27 và 28 tháng Chạp với khoảng 776 lượt chuyến bay và gần 113.000 hành khách qua phi trường Tân Sơn Nhất.
Để giải quyết nạn kẹt xe, mà dự kiến là sẽ rất “khủng khiếp” trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có kiến nghị vận động hành khách đi một mình tới sân bay và kiến nghị tới sân bay 3 tiếng trước giờ bay. Nhưng đến nay, hầu hết các kiến nghị đều vấp phải sự phản đối từ phía công luận.
http://www.voatiengviet.com/a/de-xuat-cap-treo-vao-tan-son-nhat-gay-tranh-cai/3675167.html
Đặng Xuân Diệu lần đầu tiên trả lời phỏng vấn
khi đặt chân đến Pháp
Tường An, thông tín viên RFA tại Paris
Tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu đã đáp chuyến bay VN 011 xuống phi trường Charles de Gaulle của thủ đô Paris lúc 7:10 sáng thứ Sáu 13/1/2017, sau khi được “tạm đình chỉ thi hành án” trong nhà tù Việt Nam để đến định cư tại Pháp.
Ngay sau khi được đón tiếp và đưa về đến nơi ở mới, Đặng Xuận Diệu đã dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn đặc biệt. Đây là lần đầu tiên anh trả lời phỏng vấn báo chí kể từ khi được ra khỏi nhà tù Việt Nam.
Cảm giác khó tả!
Tường An: Cám ơn anh Đặng Xuân Diệu đã nhận trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do RFA. Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi cảm giác của anh như thế nào khi đặt chân xuống phi trường Charles de Gaulle?
Đặng Xuân Diệu: Cảm giác khi tôi xuống phi trường Charles de Gaulle trong tâm trạng được gặp những người cùng chí hướng, rồi những người đã vất vả trong thời gian dài để tôi được tự do và có mặt tại sân bay Charles de Gaulle. Cảm giác rất là khó tả!
Theo quy luật chung thì ai cũng vui mừng cả nhưng mà với bản thân thì cũng có một số điều trăn trở. Đó là hành trình mình đã lựa chọn, những công việc mà mình đang muốn, hay mục đích mà mình đang đặt ra thì chưa đến đâu cả. Mặc dù mình đã được ra khỏi nhà tù nhưng cũng còn biết bao nhiêu anh em vẫn còn chịu cảnh tù đày.
Mặc dù mình đã được ra khỏi nhà tù nhưng cũng còn biết bao nhiêu anh em vẫn còn chịu cảnh tù đày.
Đặng Xuân Diệu
Tường An: Anh có thể cho biết chính quyền Việt Nam đã quyết định trả tự do cho anh lúc nào? Và họ có nói lý do trả tự do cho anh hay không?
Đặng Xuân Diệu: Ở đây gọi là “tạm đình chỉ thi hành án”. Tôi được biết kế hoạch khoảng 5 giờ (thứ Năm 12/1/2017). Đến khoảng 11 giờ kém thì người ta bảo lịch lên sân bay, 5 giờ rưỡi người ta vào làm thủ tục, kiểm tra đồ đạc, tất cả để rồi tôi di chuyển từ trại giam sang sân bay Tân Sơn Nhất.
Lý do thì họ nói tôi được đi sang Pháp để định cư. Và họ cũng nói trong quyết định đình chỉ thi hành án này lên sân bay họ sẽ giao và nếu tôi không đi thì các cơ quan chức năng sẽ bắt trở lại.
Hành trình từ nhà tù VN đến Paris
Tường An: Anh có thể kể lại những diễn biến sự việc từ lúc được báo tin trả tự do cho tới lúc anh bước chân lên máy bay sang Paris?
Đặng Xuân Diệu: Quý vị và các bạn có biết là thủ tục để ra khỏi nhà tù người ta sẽ kiểm tra tư trang của mình và những đồ vật cấm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình lên sân bay thì Đại sứ quán Pháp đã có lịch hẹn sẽ gặp tôi trước khi lên sân bay khoảng 30 phút. Họ cũng đề nghị gặp riêng tôi chứ không có người của cơ quan chức năng chứng kiến. Thế nhưng bên phía Việt Nam thì không cho!
Và sau đó thì họ chuyển giao cho tôi một số tài liệu, giấy tờ liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh. Khi tôi lên máy bay lúc 11 giờ kém 10 , người ta giao cho tôi quyết định đình chỉ thi hành án, và tôi lên máy bay.
Quý vị cũng biết là trong quá trình thi hành án, tôi không sử dụng áo phạm nhân do cơ quan cấp phát, tôi chỉ sử dụng đồ cá nhân của tôi có đóng dấu “phạm nhân” ở sau lưng hoặc trước ngực. Thế nhưng khi tôi lên sân bay thì ở bên phía an ninh họ nói là họ sẽ gửi hành lý cho tôi và họ nói là họ sẽ đưa cho tôi và máy bay cùng phiếu gửi hành lý lại cho tôi.
Thế nhưng sau khi tôi sang sân bay Charles de Gaulle, kiểm tra lại hành lý mới biết áo của tôi đã bị an ninh đánh cắp!
Hầu như tất cả áo chemise, quần, áo dài có đóng dấu “phạm nhân” đều bị đánh cắp, chỉ trừ đồ lót.
Can thiệp của Đại sứ quán Pháp
Tường An: Trong thời gian anh ở tù thì có những phái đoàn ngoại giao nào đến thăm anh ạ?
Đặng Xuân Diệu: Có hai lần: một lần là của phái doàn ngoại giao tham tán Liên Hiệp Châu Âu EU ở Việt Nam, lần thứ nhất vào ngày 24/2/2016. Lúc đó Đại sứ Pháp có nhã ý mời tôi sang Châu Â. Lúc đó tôi đang trong tình trạng sức khỏe không bảo đảm, danh dự và tính mạng của tôi đang bị chà đạp nên tôi nói rằng tôi phải gặp gia đình rồi mới quyết định được.
Và lần thứ hai sau đó 6 tháng, tức là ngày 14/9, cũng phái đoàn EU. Lúc đó do sự tác động của nhiều phía, trong đó có cả gia đình, cơ quan chức năng của trại giam, trong đó có cả tham tán EU đã động viên nên rời khỏi nhà tù để chấp nhận sang định cư ở Pháp.
Đó là nguyện vọng lớn nhất của gia đình, đặc biệt là mẹ già của tôi mong muốn. Đó là lần mà tôi đã đồng ý sang định cư tại Pháp.
Tiếp tục tranh đấu cho quê hương
Tường An: Hiện giờ sức khỏe của anh như thế nào?
Đặng Xuân Diệu: Tôi sang đây được mọi người tiếp đón, cho nên về mặt tinh thần thì tôi rất là thoải mái và cuộc sống thấy rất là ấm cúng. Còn về thể xác thì sau một thời gian dài chấp hành án và nhiều ngày tuyệt thực vì bất công cho nên tôi nghĩ thể xác của tôi có một số trục trặc và tôi cũng dự định sẽ đi kiểm tra sức khỏe để có những con số cụ thể.
Tôi vẫn mong muốn góp một phần sức nhỏ bé của mình để thay đổi được xã hội cũng như nền chính trị của Việt Nam ngày càng được tự do và dân chủ thực sự.
Đặng Xuân Diệu
Tường An: Thưa anh, dù anh mới đặt chân xuống Pháp chưa được 24 giờ, câu hỏi này có thể là hơi quá sớm nhưng cũng xin được hỏi anh có dự định gì cho tương lai hay không ?
Đặng Xuân Diệu: Đúng là câu hỏi hơi sớm. Tôi đến đây, điều kiện hay phương tiện để tôi làm được cái gì thì lúc này tôi chưa xác định được. Nhưng mục đích thì không sớm vì tôi vẫn mong muốn góp một phần sức nhỏ bé của mình để thay đổi được xã hội cũng như nền chính trị của Việt Nam ngày càng được tự do và dân chủ thực sự.
Mục đích của tôi như thế, có phương tiện hỗ trợ trong chừng mực nào thì tôi sẽ hy sinh, cố gắng để làm trong chừng mực đó.
Tường An: Xin cám ơn anh Đặng Xuân Diệu đã dành cuộc phỏng vấn đầu tiên cho đài Á Châu Tự do, và cũng xin chúc anh những ngày may mắn, bình an trên nước Pháp!
Đặng Xuân Diệu: Nhân đây tôi cũng muốn gửi lời cám ơn tất cả thính giả của Đài Á Châu Tự Do RFA cũng như những người trong thời gian qua đã ủng hộ tôi về tinh thần, vật chất!
Cám ơn những người đã chào đón tôi ở tại nước Pháp!
Và tôi muốn cám ơn một cách đặc biệt đến những cá nhân, tổ chức, cơ quan đã vận động cho tôi có được tự do ngày hôm nay tại đất nước Pháp!
Luật sư Lê Công Định ‘bị chặn gặp’ Ngoại trưởng Kerry
Bas du formulaire
Luật sư Lê Công Định, cựu tù nhân chính trị ở Sài Gòn nói ông bị chính quyền Việt Nam ‘ngăn chặn’ tham dự cuộc gặp với Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ, ông John Kerry, người đang thăm Việt Nam.
Trả lời BBC về phản ứng nếu có của phía Mỹ sau khi nhận được thông tin từ về việc ông cho là đã bị ‘ngăn chặn tiếp xúc ông John Kerry, theo lời mời của phía Mỹ’, Luật sư Lê Công Định nói:
“Sau khi chủ động hỏi và được tôi thông báo, phía Tổng lãnh sự quán Mỹ đã hồi đáp rằng trường hợp của tôi đã được báo cáo đầy đủ cho Đại sứ quán ở Hà Nội và phái đoàn của Ngoại trưởng Kerry.”
Chia sẻ trên Facebook cá nhân hôm 13/01/2017, người từng bị kết án 5 năm tù và 3 năm quản chế tại gia, nhưng được ra tù sớm vào tháng 2/2013, Luật sư Lê Công Định viết:
“Việc ngăn chặn thô bạo tại nhà hôm nay khiến tôi phải huỷ bỏ cuộc gặp chiều nay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry theo lời mời của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, một lần nữa cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân nói riêng và nhân quyền nói chung.”
“Không diện kiến Ngoại trưởng John Kerry nhưng tác động của việc không đi gặp lại tốt hơn đi gặp, chắc chắn là điều cần làm đối với một người tranh đấu như tôi trong hoàn cảnh hiện tại. Thứ Sáu ngày 13 đầu năm 2017 không phải là một ngày tồi tệ vậy.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38610936