Tin khắp nơi – 14/01/2017
Obamacare đang trên đường bị ‘bãi bỏ’
Hạ viện Mỹ đã thực hiện bước đi đầu tiên hướng tới phá bỏ một đạo luật chăm sóc sức khỏe (còn gọi là Obamacare) do Tổng thống Barack Obama chủ trương.
Đảng Cộng hòa đã thông qua một biện pháp ngân sách để trình một dự luật – mà đảng Dân chủ không thể ngăn chặn – để thu hồi đạo luật trên.
Nhưng thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội còn quan ngại về khả năng thay thế đối với Obamacare.
Cuộc đối đầu chính sách đặt ra một dấu hỏi lớn về bảo hiểm y tế cho hơn 20 triệu người Mỹ.
Biện pháp được thông qua tại Hạ viện, với kết quả bỏ phiếu khá áp đảo 227-198, là một đòn đánh vào di sản của Tổng thống Obama một tuần trước khi ông rời nhiệm sở.
Bốn ủy ban đã được chỉ thị soạn thảo một dự luật nhằm bãi bỏ đạo luật vào ngày 27 tháng Giêng.
Bước đi đầu tiên
Thượng viện đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ 51-48 hôm thứ Năm.
Bằng bước đi đầu tiên hướng tới hủy bỏ Obamacare, chúng tôi tới gần hơn việc giúp cho người dân Mỹ giảm nhẹ các vấn đề mà đạo luật này đã gây raChủ tịch Hạ viện Paul Ryan
“Bằng bước đi đầu tiên hướng tới hủy bỏ Obamacare, chúng tôi tới gần hơn việc giúp cho người dân Mỹ giảm nhẹ các vấn đề mà đạo luật này đã gây ra”, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.
“Nghị quyết này mang lại cho chúng ta những công cụ mà chúng ta cần để tiếp cận từng bước sửa chữa những vấn đề này và đưa người dân Mỹ trở lại kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe của họ.”
Obamacare đã cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế cho hàng triệu người không được bảo hiểm thông qua công việc.
Luật này cấm các hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho những người đã bị bệnh, kiềm chế chi phí y tế cho người bệnh và người già.
Nhưng đạo luật này đã bị tác động mạnh do phí bảo hiểm tăng, các khoản chi phí lớn và động thái của các công ty bảo hiểm quốc gia trên thị trường.
Dưới tác động nhất định của ông Donald Trump, nhiều nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc với Giá cả phải chăng (Obamacare) nhưng những người bảo thủ vẫn chưa nhất trí về một kế hoạch mới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38623259
Quốc Hội Mỹ khởi động tiến trình bãi bỏ Obamacare
Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn thuận bước đi đầu tiên tiến tới việc bãi bỏ luật chăm sóc sức khỏe mang đậm dấu ấn của Tổng thống Obama.
Các dân biểu đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu về một biện pháp ngân sách chỉ thị các ủy ban soạn thảo một dự thảo luật để bãi bỏ chương trình chăm sóc sức khoẻ giá phải chăng, thường được gọi là Obamacare, trước ngày 27 tháng 01.
Thượng viện đã chuẩn thuận một kế hoạch tương tự hôm 12/01. Hai cuộc biểu quyết diễn ra trong tình trạng chia rẽ giữa hai chính đảng, không có bất kì nhà lập pháp Dân Chủ nào ủng hộ đề xuất này.
Các kế hoạch về ngân sách còn ngăn cản các nhà lập pháp Dân Chủ sử dụng chiến thuật ‘kéo dài những phát biểu” trước diễn đàn quốc hội nhằm ngăn chặn nỗ lực dỡ bỏ Obamacare trong tương lai.
Đây là một bước cần thiết đối với đảng Cộng Hòa vì họ cần tới 60 phiếu mới có thể chấm dứt chiến thuật hoãn binh như vậy, trong khi đảng Cộng Hòa chỉ có 52 ghế trong Thượng Viện.
Biện pháp này không cần được Tổng thống Obama thông qua bởi đây được coi là một tiến trình phê duyệt ngân sách trong nội bộ Quốc Hội.
Vài năm về trước, Hạ viện đã từng tiến hành hơn 60 cuộc bỏ phiếu nhằm dỡ bỏ Obamacare, tuy nhiên các nỗ lực đó của phía đảng Cộng Hòa đều vô vọng, bởi Tổng thống Obama tuyệt đối sẽ không ký vào văn kiện này chừng nào mà ông còn tại vị.
Tổng thống tân cử Donald Trump vận động tranh cử với lời hứa sẽ huỷ bỏ Obamacare, ông hối thúc Quốc Hội hãy nhanh chóng thay thế chương trình chăm sóc sức khoẻ của đảng Dân Chủ.
Các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa trong Quốc hội vẫn chưa cho biết họ sẽ đề nghị chương trình nào để thay thế Obamacare.
Bộ luật về chăm sóc sức khỏe giá phải chăng đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010, giúp cho hơn 20 triệu người Mỹ có bảo hiểm sức khỏe, điều mà họ trước đây không có khả năng chi trả. Tuy nhiên bộ luật này cũng gặp nhiều khó khăn, bao gồm bảo phí tăng, và việc một số hãng bảo hiểm tư nhân lớn quyết định gạt sang một bên chương trình này.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người dân Mỹ phản đối việc huỷ bỏ Obamacare, trừ phi có một chương trình thay thế hợp lý.
http://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-my-khoi-dong-tien-trinh-bai-bo-obamacare/3676332.html
Takata bị Mỹ phạt 1 tỷ đôla vụ bê bối túi khí
Hãng sản xuất phụ tùng ô tô Nhật Takata đồng ý nộp phạt 1 tỷ đôla ở Mỹ vì che giấu lỗi nguy hiểm khiến túi khí trên xe phát nổ.
Hãng cũng nhận tội hình sự, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Takata sẽ trả khoản phạt 25 triệu đôla, bồi thường 125 triệu đôla cho những người bị thương vì túi khí của họ và 850 triệu đôla cho các hãng xe sử dụng sản phẩm này.
Lỗi túi khí khiến ít nhất một chục người thiệt mạng và hơn 100 bị thương trên toàn thế giới.
Hầu hết các nhà sản xuất ôtô lớn đều bị ảnh hưởng bởi lỗi túi khí, và khoảng 100 triệu túi khí Takata bị thu hồi trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Takata Shigehisa Takada, cho biết: “Takata hối tiếc sâu sắc về những trường hợp đó và cam kết đưa ra giải pháp khắc phục.”
Takata trước đó thừa nhận một số bộ phận bơm phồng túi khí của họ bung ra với lực quá mạnh và làm văng mảnh kim loại vào xe.
“Trong hơn một thập kỷ, Takata liên tục làm sai lệch dữ liệu kiểm tra liên quan đến mức độ an toàn của sản phẩm. Họ đặt lợi nhuận và kế hoạch sản xuất lên trên an toàn của người dùng”, ông Andrew Weissmann, đại diện Bộ Tư pháp cho biết.
“Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và bạn bè những nạn nhân của việc hãng Takata không đảm bảo sự an toàn cho hệ thống túi khí do họ sản xuất,” Calvin L Scovel, thanh tra Bộ Giao thông Vận tải nói.
Ba cựu giám đốc điều hành Takata cũng bị nhà chức trách Mỹ buộc tội hôm 13/1 vì trách nhiệm của họ trong vụ bê bối.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38621429
Trump ‘sẵn lòng làm việc với Nga và Trung Quốc’
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết ông sẵn lòng làm việc với Nga và Trung Quốc.
Ông Trump nói với tờ Wall Street Journal rằng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sẽ vẫn còn “hiệu lực ít nhất một thời gian”, nhưng sau đó có thể được dỡ bỏ.
Ông cũng cho biết chính sách Một Trung Quốc mà theo đó Mỹ không thừa nhận Đài Loan có thể được đàm phán lại.
Trong khi đó, một ủy ban của Thượng viện Mỹ sẽ điều tra cáo buộc Nga tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cho biết các biện pháp trừng phạt Nga có thể được dỡ bỏ nếu Moscow giúp Washington trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và trong các vấn đề khác.
“Nếu Nga thực sự giúp chúng ta thì tại sao lại trừng phạt nếu người ta đang làm những điều thật sự tuyệt vời?”
Ông cho biết hy vọng một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được sắp xếp.
Liên quan đến Bắc Kinh, ông Trump cho biết Trung Quốc đã cho phép các công ty Mỹ cạnh tranh bằng cách thả nổi đồng tiền của họ.
Tiếng hót mùa đông của Đỗ Nam Trăm
Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ không cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi ông nhậm chức.
Việc ông chất vấn về chính sách Một Trung Quốc tháng trước khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng giận dữ.
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện thề cam kết tiến hành cuộc điều tra “dù nó dẫn đến đâu”.
Họ sẽ thẩm tra các hoạt động mạng và tình báo của Nga.
‘Sự hiểu biết đầy đủ’
Những người bị thẩm vấn gồm các nhân vật trong chính quyền Mỹ hiện tại và êkíp của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ủy ban phát đi thông cáo hôm 13/1 cho biết, “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là có sự hiểu biết đầy đủ về quy mô hoạt động tình báo Nga gây tác động đến Hoa Kỳ.”
Ủy ban này sẽ thẩm tra xem có bất kỳ liên lạc giữa Nga và những người liên quan đến các chiến dịch tranh cử Mỹ.
Họ cho biết các trát hầu tòa sẽ được ban hành “nếu cần thiết”.
Phần lớn công việc này không được công khai, dù các thượng nghị sĩ nói rằng họ sẽ tổ chức buổi điều trần khi có thể.
“Ủy ban sẽ lần theo dấu các thông tin tình báo đến bất cứ nơi nào. Chúng tôi sẽ tiến hành cuộc điều tra rốt ráo,” thông cáo viết.
Các thượng nghị sĩ nói rằng sẽ có báo cáo mật và báo cáo công khai dựa trên kết quả cuộc điều tra.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38582730
Dân biểu đảng Dân chủ tuyên bố
mất tin tưởng vào Giám đốc FBI
Sau khi dự phiên điều trần tình báo đầu tiên về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, các đại biểu Đảng Dân chủ bày tỏ sự bất bình đối với lãnh đạo Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ- FBI trong vấn đề gây nhiều tranh cãi này.
Sau buổi điều trần kín do Giám Đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và Giám Đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ James Comey chủ trì, dân biểu Hank Johnson thuộc Đảng Dân chủ, đại diện bang Georgia, nói với báo chí:
“Niềm tin của tôi vào khả năng của Giám Đốc FBI có thể tiếp tục lãnh đạo cơ quan này trong những ngày khó khăn trước mắt đã bị lung lay…”
Ông Comey là nhân vật chính trong vụ tranh cãi xoay quanh kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và bị nhiều thành viên Đảng Dân chủ chỉ trích về vai trò của ông, khi ông loan báo một cuộc điều tra mới vào vụ máy chủ email của bà Hillary Clinton không lâu trước ngày bầu cử, mà phe Dân chủ tin là đã phương hại tới cơ may thắng cử của bà Clinton.
Ông Johnson nói ông rời phiên điều trần với rất nhiều thắc mắc chưa được giải đáp và cần thời gian tìm hiểu thêm vấn đề này.
Ông nói FBI phải thực hiện một cuộc điều tra đáng tin cậy, và người lãnh đạo FBI cần duy trì sự tôn trọng của ngành lập pháp.
Các nỗ lực của quốc hội Mỹ nhằm điều tra sự can thiệp của Nga đã bị trì trệ trong mấy ngày gần đây. Hôm thứ Sáu, Uỷ ban Tình báo Thượng viện lật ngược quyết định trước đó và chọn giải pháp mở một cuộc điều tra vào hành động can thiệp của Nga.
Phần lớn các đại biểu Đảng Dân chủ tại cả lưỡng viện quốc hội kêu gọi thành lập một uỷ ban lưỡng đảng để điều tra vụ này.
Tổng thống tân cử Donald Trump hôm thứ Tư lần đầu tiên nói ông tin là Nga đã đóng một vai trò trong cuộc bầu cử tại Mỹ, nhưng cùng lúc ông tìm cách giảm tầm quan trọng của vụ việc này, nói rằng ông tin là Nga có can thiệp, nhưng một nước khác cũng có thể làm điều đó.
Ông Trump sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt Nga,
nhưng không lâu
Tổng thống tân cử Donald Trump nói ông sẽ duy trì các biện pháp chế tài chống lại nước Nga do chính phủ của TT Obama áp đặt, nhưng có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Wall Street Journal đăng trên trang mạng của báo này vào chiều tối Thứ sáu 13/1, ông Donald Trump cho biết ông sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt “trong một thời gian ngắn” nhưng có thể sớm tháo gỡ các biện pháp này nếu Nga tiếp tay trong cuộc chiến chống khủng bố và đồng thời giúp Mỹ đạt được các mục tiêu quan trọng khác.
Ông Trump cho biết là sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong một diễn biến khác, một bài viết của báo Washington Post nói rằng Nga đã mời chính quyền Trump dự một vòng đàm phán hòa bình Syria tổ chức tại Astana, thủ đô của Kazakhstan, vài ngày sau lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trump.
Nguồn tin này cho biết Đại sứ Nga tại Washington, ông Sergey Kislyak, đã đưa ra lời mời này vào tháng trước trong một cuộc điện đàm với ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Chính phủ của Tổng thống Obama không được mời dự đàm phán.
Tin cho hay ông Flynn đã nhiều lần tiếp xúc qua điện thoại với đại sứ Kislyak hôm 29 tháng 12, là ngày Tổng thống Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và áp đặt các các biện pháp chế tài khác để đáp trả các hành động của Nga tìm cách ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ hôm qua cho biết chính phủ Obama có biết về các cuộc điện đàm ấy, cũng như những liên lạc thường xuyên khác giữa ông Flynn và đại sứ Nga.
Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên của ông Trump nói ông Flynn và đại sứ Nga đã liên lạc với nhau hôm 28/12 để dàn xếp một cuộc cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Putin sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Phát ngôn Spicer còn cho biết hai ông Trump và Putin cũng đánh điện trao đổi lời chúc mừng Giáng sinh.
Các cuộc thảo luận giữa chính phủ sắp tới và các chính phủ nước ngoài không phải là điều bất thường, nhưng các cuộc điện đàm xảy ra trong cùng ngày chính phủ Mỹ thực hiện các biện pháp chế tài đối với Nga, nêu lên nghi vấn về liệu ông Flynn và đại sứ Nga có bàn với nhau về lối đáp trả của Nga hay không.
Một ngày sau khi hàng chục quan chức Nga bị trục xuất, và một số biện pháp trừng phạt khác được áp đặt, ông Putin tuyên bố sẽ không trả đũa. Ông Trump hoan nghênh quyết định của nhà lãnh đạo Nga.
Các cuộc điện đàm thường xuyên giữa ông Flynn với đại sứ Nga lần đầu tiên được báo Washington Post tường thuật hôm Thứ Năm vừa rồi. Cây viết bình luận của tờ báo, ông David Ignatius, cho rằng các cuộc điện đàm ấy có thể vi phạm Đạo luật Logan, một đạo luật ban hành cách đây 200 năm, nghiêm cấm các công dân Mỹ tìm cách gây ảnh hưởng một nước khác giữa lúc đang có tranh chấp giữa chính phủ nước này với chính phủ Mỹ.
Cố vấn của Trump: TPP sẽ phải chết
Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ không vực dậy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương dưới bất cứ hình thức nào nhưng sẽ khẩn trương theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương, một cố vấn chính sách trong toán chuyển tiếp của ông Trump cho biết.
“TPP đã chết. Tôi không còn lời lẽ nào mạnh hơn để nhấn mạnh việc này,” người cố vấn không muốn nêu tên cho biết.
Ông còn nhấn mạnh thêm rằng TPP, hay bất kỳ thỏa thuận đa phương nào tương tự như TPP mà có tên gọi khác, đều bị khai tử.
Hôm thứ tư, người được ông Trump đề cử làm Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson, cho hay ông không phản đối TPP nhưng tán đồng một vài quan điểm của ông Trump rằng thỏa thuận đó có thật sự phục vụ cho tất cả các lợi ích của Mỹ một cách tốt nhất hay không.
Người cố vấn của ông Trump tối ngày 12/1 cho biết phát biểu của ông Tillerson chỉ là quan điểm cá nhân về lý thuyết tự do mậu dịch mà thôi, và rằng tân chính phủ Mỹ sẽ không theo đuổi các thỏa thuận mậu dịch đa phương.
Vẫn theo nguồn tin này, thay vào đó, chính phủ của ông Trump sẽ gia tốc hiện thực hóa các thỏa thuận song phương.
Cố vấn của ông Trump còn cho biết thêm rằng tân chính phủ quyết tâm đảo ngược tình trạng lâu nay để cho mậu dịch Trung Quốc gây hại cho ngành sản xuất Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/a/co-van-cua-trump-noi-tpp-se-phai-chet/3675737.html
Australia: TPP chưa chết
Australia khẳng định Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP ‘chưa chết’. Tuyên bố được đưa ra trước các cuộc đàm phán mậu dịch quan trọng giữa Australia với Nhật tại Sydney vào thứ bảy tuần này bất chấp thái độ phản đối TPP của Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump.
Các cuộc thảo luận thương mại giữa Thủ tướng Australia với Thủ tướng Nhật cũng diễn ra giữa căng thẳng khu vực dâng cao với các hành động lấn lướt của Trung Quốc có thể dẫn tới mâu thuẫn với tân chính quyền sắp tới của Mỹ.
“Hãy còn sớm để nói rằng TPP đang giãy chết. Chúng ta cần cho người Mỹ thời gian để giải quyết vấn đề này,” Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciobo, phát biểu trên đài ABC hôm 13/1.
TPP nhắm cắt giảm các rào cản thương mại quy tụ 12 nước tham gia sẽ không có hiệu lực nếu thiếu Mỹ. Thỏa thuận được thương lượng 5 năm nay đòi hỏi sự chuẩn thuận thông qua tại ít nhất 6 nước chiếm 85% GDP của toàn khối.
Vì vậy, TPP khó lòng tiến tới nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Australia nói nếu TPP bị khước từ, Australia sẽ hướng tới các thỏa thuận mậu dịch tự do với các nước Châu Á riêng rẽ.
Nhật là nước thành viên TPP duy nhất đã thông qua Hiệp định này.
http://www.voatiengviet.com/a/australia-tpp-chua-chet/3675740.html
Nga, TQ nhất trí về biện pháp chống phi đạn Mỹ
Tân Hoa Xã ngày 13/1 loan tin Trung Quốc và Nga nhất trí có thêm “các biện pháp đối lại” với kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống chống phi đạn tại Hàn Quốc.
Tân Hoa Xã trích dẫn thông cáo được loan báo sau một cuộc họp an ninh Trung-Nga cho biết thêm là những biện pháp này “sẽ nhằm bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc và Nga và cán cân chiến lược trong vùng.”
Tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã tổ chức tập trận chung chống phi đạn sau khi Washington và Seoul bắt đầu thảo luận về việc bố trí hệ thống phòng vệ THAAD chống phi đạn để đối phó với bất cứ đe dọa nào của Bắc Triều Tiên.
THAAD hiện đang được bố trí tại một sân gôn Hàn quốc. Moscow và Bắc Kinh lo ngại hệ thống ra-đa hùng hậu này sẽ đe dọa an ninh hai nước mà không giúp làm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Vào tháng 10 năm ngoái Trung Quốc và Nga cho biết sẽ tổ chức một cuộc tập trận thứ hai trong năm nay.
Việc Bắc Triều Tiên nỗ lực phát triển khả năng vũ khí hạt nhân gây bất bình Trung Quốc, nước lớn duy nhất ủng hộ ngoại giao và kinh tế cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại là THAAD và các radar của hệ thống này có tầm hoạt động lan đến lãnh thổ Trung Quốc.
Hôm thứ năm, Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc tuyên bố Seoul có thể phàn nàn với Trung Quốc về những hành động của Bắc Kinh dường như để trả đũa quyết định của Seoul triển khai hệ thống chống phi đạn Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-quoc-nhat-tri-ve-bien-phap-chong-phi-dan-my/3675713.html
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ sớm phục hồi
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng từ lệnh cấm lưu hành bản tệ mệnh giá cao, nhưng sự suy thoái sẽ không kéo dài và nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới này sẽ sớm phục hồi.
Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo trên khi Ấn Độ đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và Thủ tướng Narendra Modi nói Ấn Độ sẽ trở thành một trong những nền kinh tế số hóa đứng nhất thế giới.
Trong một báo cáo công bố vào tuần này, Ngân hàng Thế giới hạ mức dự báo tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc tháng 3 từ 7,6 % xuống còn 7 %. Nguyên nhân là do giá trị tiền tệ của Ấn Độ hai tháng qua có “sự sụt giảm vừa phải” do dân chúng rút khoảng 86 % tiền mặt ra khỏi hệ thống ngân hàng từ khi giấy bạc có mệnh giá cao đã bị cấm lưu hành trong một nỗ lực của chính phủ nhằm tăng lượng dự trữ trong ngân hàng và siết chặt kiểm tra việc trốn thuế.
Dự báo này cũng phù hợp với dự báo của chính phủ Ấn Độ. Chính phủ nói rằng mức tăng trưởng sẽ sụt giảm khoảng 0.5%.
Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng sẽ phục hồi sớm, điều này làm cho các nhà làm chính sách Ấn Độ phấn khởi. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói: “Ấn Độ dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng, với mức tăng trưởng 7,6% trong năm tài chính 2018-2019 và sẽ tăng đến mức 7,8% trong năm tài chính 2019-2020.”
Các nhà phê bình chỉ trích lệnh cấm lưu hành tiền tệ bất ngờ như vậy đã làm gián đoạn nghiêm trọng sự phát triển nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào tiền mặt và cảnh báo rằng hậu quả sẽ còn kéo dài.
http://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-the-gioi-du-bao-kinh-te-an-do-se-som-phuc-hoi/3675386.html
Nhiều tranh cãi trong cuộc bầu cử ở Hồng Kông
Cuộc đua giành các chức vụ lãnh đạo ở Hồng Kông diễn ra quyết liệt chưa từng thấy kể từ khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Và nghị sự của cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính sắp tới dường như sẽ có nhiều tranh cãi.
Một cựu quan chức cao hàng thứ nhì của đặc khu này đang bị tù vì tội hối lộ, còn cựu lãnh đạo cao cấp nhất – ông Tăng Ấm Quyền – cũng đang ra tòa về tội tham nhũng, nhưng ông đã tuyên bố vô tội. Danh sách nhân chứng của bên công tố trong vụ án này có 2 cựu bộ trưởng.
Một là ông Henry Tang, người ra tranh cử chức đặc khu trưởng vào năm 2012 nhưng thất bại vì một cuộc điều tra cho thấy ông dính líu vào một vụ xây dựng trái phép tại nhà ông. Hai là bà Carrie Lam, người đã từ chức bộ trưởng hôm thứ Năm để ra tranh cử chức đặc khu trưởng. Việc chọn trưởng đặc khu sẽ do ủy ban gồm 1.200 thành viên, đa số thân Bắc Kinh, biểu quyết vào tháng 3 sắp tới.
Thời điểm xét xử ông Tăng tạo ra một bối cảnh không may cho chiến dịch tranh cử đặc khu trưởng sắp tới. Đó cũng là một lời nhắc nhở về các mối quan hệ thân mật giữa cá nhân và doanh nghiệp có thể được mở rộng giữa chính phủ với các doanh nghiệp giàu có và các nhân vật ưu tú mà chính quyền thường dựa để mưu tìm hậu thuẫn chính trị.
Mọi việc vẫn chưa xong đối với bà Lam. Bà đang là tâm điểm của các vụ tranh cãi liên quan đến một kế hoạch sử dụng một phần chính của khu đất trong một khu phố văn hóa để xây dựng một bảo tàng lưu giữ các hiện vật từ Bảo tàng Hoàng gia ở Bắc Kinh. Chỉ bà Lam biết đề nghị thành lập bảo tàng viện được giữa kín này và những thông tin đó chỉ được tiết lộ cho công chúng ngay trước khi bà tuyên bố ra tranh cử.
Có ít nhất 3 ứng cử viên nữa cùng ra tranh cử với bà Lam. Hai người còn lại là thẩm phán Woo Kwok-hing và nhà lập pháp Regina Ip, người đã bị phỉ báng trong cuộc biểu tình quy mô lớn vào năm 2003, khi ấy bà làm Bộ trưởng an ninh.
Ứng cử viên thứ tư là cự Bộ trưởng Tài chính John Tsang, người đang chờ Bắc Kinh chấp thuận việc ông xin từ chức.
http://www.voatiengviet.com/a/nhieu-tranh-cai-trong-cuoc-bau-cu-o-hong-kong/3675360.html
Các lực lượng Iraq chiếm lại trường Đại học Mosul
Các lực lượng Iraq đang dần dà chiếm lại quyền kiểm soát trường Đại học Mosul giữa lúc họ đang giao chiến với các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo.
Các giới chức nói họ tin rằng không còn thường dân nào trong khuôn viên rộng lớn của nhà trường.
Trung Tướng Abdelwahab al-Saadi thuộc Lực lượng chống Khủng bố Iraq nói các lực lượng dưới quyền ông đã hoàn toàn đẩy lùi các phần tử chủ chiến ra khỏi các trường đại học Kỹ thuật, đại học Nha khoa và khuôn viên ban khảo cổ học.
Các lực lượng Iraq cho biết họ đã chiếm được 3 trong tất cả 5 chiếc cầu tại thành phố Mosul.
Các giới chức cho hay sức kháng cự của IS chống các lực lượng Iraq đã yếu đi so với lúc trước.
Trung Uý Zain al-Abadeen cho biết lực lượng chính phủ chỉ bị tấn công bằng xe bom có 4 lần, so với 20 lần một ngày như trước đây. Vẫn theo lời ông thì quân Nhà Nước Hồi giáo thay vì dùng xe bọc sắt như trước, giờ chỉ sử dụng xe dân sự.
Mosul là thành phố lớn thứ nhì của Iraq.
http://www.voatiengviet.com/a/cac-luc-luong-iraq-chiem-lai-truong-dh-mosul/3676204.html
Nhiều vụ nổ làm rung chuyển
thành phố Deir el Zour ở đông Syria
Một tổ chức giám sát tình hình Syria nói các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo đã phát động một cuộc tấn công vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Syria ở thành phố Deir el Zour.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria -có trụ sở ở Anh, tường thuật rằng trong cuộc tấn công dữ dội, nhiều vụ nổ đã làm rung chuyển thành phố Deir el Zour nằm về hướng Đông của Syria.
Tổ chức giám sát này tường thuật rằng có hơn 30 người đã chết trong cuộc giao tranh, trong đó có 20 phần tử thánh chiến IS và 12 binh sĩ Syria.
Các giới chức nói chính quyền Syria đã dùng máy bay chiến đấu để đánh trả các phần tử chủ chiến.
Nhóm Nhà Nước Hồi giáo, gọi tắt là IS, kiểm soát phần lớn tỉnh Deir el-Zour, nhưng các lực lượng chính phủ Syria đang kiểm soát thủ phủ của tỉnh này.
Thành phố này đã bị quân Nhà Nước Hồi giáo vây hãm từ năm 2014, nhưng các lực lượng chính phủ vẫn cầm cự được nhờ nhận được tiếp tế qua cầu không vận.
Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, các phần tử thánh chiến IS đã chuẩn bị cho chiến dịch tấn công này từ lâu, và mới đây đã điều động lực lượng tiếp viện và đạn dược tới mặt trận này.
http://www.voatiengviet.com/a/is-tan-cong-thanh-pho-deir-el-zour-cua-syria/3676198.html
Thụy Sĩ hạn chế biểu tình chống Tập Cận Bình
Nhà chức trách Thụy Sĩ ra lệnh cho cuộc biểu tình dự kiến của các nhóm ủng hộ Tây Tạng chống chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, phải chấm dứt trước khi ông Tập đặt chân tới Bern vào chủ nhật tuần này, một nỗ lực nhằm tránh sự đối đầu tương tự như sự cố đã xảy ra nhân chuyến công du của một Chủ tịch Trung Quốc cách đây 18 năm.
Thành viên của cộng đồng Tây Tạng tại Thụy Sĩ và các ủng hộ viên có thể biểu tình 2 tiếng đồng hồ trước trưa chủ nhật tại trung tâm thủ đô, giới hữu trách địa phương cho biết.
Ông Tập bay tới Zurich vào trưa chủ nhật và sau đó sẽ đặt chân tới thủ đô Thụy Sĩ dự buổi yến tiệc. Ông sẽ có các cuộc thảo luận với giới chức Thụy Sĩ vào thứ hai và thứ ba ông sẽ tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos.
Trong chuyến thăm của cựu Chủ tịch Trung Quốc, Giang Trạch Dân vào năm 1999, người biểu tình đã phản đối mạnh mẽ với băng rôn, biểu ngữ, và trứng thối ném vào phái đoàn Trung Quốc.
Lần này, khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội Thụy Sĩ sẽ bị đóng cửa từ sáng chủ nhật tới chiều thứ hai.
Tổ chức Ân xá Quốc tế quan ngại rằng Thụy Sĩ đã để áp lực từ Trung Quốc lấn áp các quyền dân sự của công dân.
Sau cuộc nổi dậy chống lại ách cai trị của Trung Quốc bất thành gần 60 năm trước, hàng chục ngàn người Tây Tạng trong đó có lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma đã bỏ xứ ra nước ngoài sống tị nạn. Thụy Sĩ là nơi có cộng đồng Tây Tạng lưu vong lớn nhất nhì Châu Âu, với 6500 thành viên.
http://www.voatiengviet.com/a/thuy-si-han-che-bieu-tinh-chong-tap-can-binh/3676037.html
TT Syria bị nghi
có liên hệ tới các cuộc tấn công vũ khí hóa học
Lần đầu tiên, các nhà điều tra quốc tế nghi ngờ Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, và người em trai chịu trách nhiệm sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Syria, theo một tài liệu Reuters ghi nhận.
Một cuộc điều tra chung cho Liên hiệp quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học OPCW trước đây chỉ xác định các đơn vị quân đội và không nêu tên bất cứ cấp chỉ huy quân sự hay quan chức nào.
Hiện nay một danh sách các cá nhân đã được lập ra trong đó có ông Assad, và người em trai tên Maher cùng những nhân vật cao cấp khác, có liên hệ đến một loạt các vụ tấn công bằng bom Clorine trong hai năm 2014 và 2015. Theo một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, quyết định sử dụng vũ khí độc hại được đưa ra từ cấp cao nhất trong chính phủ Syria.
Không thể tiếp xúc anh em ông Assad để yêu cầu bình luận về tin này, nhưng một giới chức chính phủ Syria nói các cáo buộc cho rằng lực lượng chính phủ sử dụng vũ khí hóa học “không có căn bản sự thật”. Chính phủ Syria đã liên tiếp phủ nhận dùng loại vũ khí như vậy trong cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm nay và nói rằng tất cả những vụ tấn công nêu lên trong cuộc điều tra là do phe nổi dậy và Nhà nước Hồi Giáo thực hiện.
Nguồn tin của Reuters cho biết danh sách chưa được công bố được dựa trên sự phối hợp các chứng cứ do toán của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học và Liên hiệp quốc tại Syria cộng với thông tin từ các cơ quan tình báo phương Tây và khu vực cung cấp.
Ban điều tra chung của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học và Liên hiệp quốc có tên gọi là Cơ chế Điều tra Chung, được lãnh đạo bởi một uỷ ban gồm 3 chuyên gia độc lập, với sự hỗ trợ của một toán bao gồm các nhân viên kỹ thuật và điều hành. Tổ chức này được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc giao nhiệm vụ xác định những cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.
Luật quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học. Sử dụng vũ khí hóa học có thể cấu thành tội phạm chiến tranh.
Dù ban điều tra không có quyền lực tư pháp, nhưng bất cứ những người nào bị liệt kê có thể trở thành nghi can bị truy tố.
Syria không phải là một thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có thể đưa các tội phạm chiến tranh bị cáo giác ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các cường quốc hiện nay về cuộc chiến Syria khiến việc này hãy còn xa vời.
Một nghị sĩ da mầu tẩy chay lễ nhậm chức của Trump
Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Donald Trump sẽ thiếu vắng một gương mặt đáng chú ý. Đó là ông John Lewis, nghị sĩ Mỹ gốc Phi tiểu bang Georgia, một biểu tượng từng sát cánh với Martin Luther King đấu tranh cho các quyền công dân. Vị nghị sĩ này phản đối tính chính đáng của người kế nhiệm ông Barack Obama.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet gởi về bài tường trình :
Ông John Lewis, trong chương trình truyền hình Meet the Press, sẽ được phát sóng vào ngày mai, Chủ Nhật 15/01, đã dám khẳng định những gì các thành viên đảng Dân Chủ đang thầm nghĩ.
Ông nói : « Tôi không xem tổng thống đắc cử như là một tổng thống hợp pháp. Tôi nghĩ là Nga đã góp tay giúp ông này trúng cử. Và họ đã giúp hủy hoại ứng viên Hillary Clinton. Điều đó không tốt, không đúng và đó không phải là tiến trình dân chủ ».
Chính vì lý do này, lần đầu tiên từ năm 1987, năm John Lewis đặt chân vào Quốc Hội, ông đã quyết định không tham dự lễ nhậm chức của tổng thống. Nhiều người xem đấy như là một cách thức để nhà đấu tranh vì quyền công dân đáp trả việc ông Trump cho đến lúc đắc cử luôn nghi ngờ tính chính đáng của vị tổng thống da mầu đầu tiên, ông Barack Obama, người mà ông Trump tố cáo là không phải công dân Mỹ.
Nhưng John Lewis cũng góp thêm tiếng nói đồng tình với những ai cho rằng, nếu không có vụ tin tặc Nga đánh cắp các thông tin của Ủy ban vận động tranh cử quốc gia của đảng Dân Chủ, kết quả bầu cử có lẽ cũng đã khác. Obama và Hillary Clinton, tuy công nhận vai trò của tin tặc Nga, nhưng chưa bao giờ đi đến tuyên bố công khai, với một sự chắc chắn như nghị sĩ tiểu bang Georgia, là tin tặc Nga đóng một vai trò quyết định trong chiến thắng của Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/xa-hoi/20170114-mot-nghi-si-da-mau-khong-du-le-nham-chuc-cua-donald-trump
Các nhà khoa học báo động về biến đổi khí hậu ở Nam Cực
Nhiệt độ tăng, băng tan chảy nhanh, mưa thay cho tuyết, ô nhiễm không khí. Đó là những tác động đáng lo ngại của biến đổi khí hậu tại vùng Nam Cực, theo lời báo động của các nhà khoa học được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 14/01/2017.
Giám đốc Viện Nam Cực của Achentina, Rodolfo Sanchez báo động rằng khi ông đến vùng này vào thập niên 1990, không bao giờ có mưa, thế mà bây giờ ở Nam Cực mưa rơi thường xuyên, thay vì tuyết rơi.
Tốc độ băng tan chảy tại vùng Nam Cực cũng đang khiến các nhà khoa học rất lo ngại. Những nơi mà trước đây chỉ thấy màu trắng xóa, thì nay đã để lộ các sườn núi và các bờ sông.
Trong thế kỷ 20 vừa qua, các căn cứ quân sự ở vùng Nam Cực đã được chuyển thành các phòng thí nghiệm để các nhà khoa học từ nhiều nước cùng nhau nghiên cứu về tương lai của hành tinh chúng ta.
Theo các nhà khoa học, Nam Cực là nơi tốt nhất để quan sát biến đổi khí hậu và họ đã nhận thấy là nhiệt độ trung bình tại vùng này đã tăng rất nhanh và tốc độ tan chảy của băng cũng rất đáng lo ngại.
Hiện tượng băng tan chảy làm thay đổi độ mặn của nước biển, làm rối loạn các vi sinh vật, các loài nhuyễn thể, vốn là thức ăn của cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt.
Tuy nhiên, các nhà cổ sinh vật học lại « hoan nghênh » hiện tượng băng tan chảy, vì cách đây 75 triệu năm, loài khủng long sống rất nhiều ở vùng Nam Cực, vào thời mà vùng này còn rừng rậm, còn là nơi cung cấp thức ăn cho loài này. Nay với băng tan chảy, các nhà cổ sinh vật học có thể tìm thấy dễ dàng hơn các dấu tích của khủng long ở Nam Cực.
http://vi.rfi.fr/khoa-hoc/20170114-cac-nha-khoa-hoc-bao-dong-ve-bien-doi-khi-hau-o-nam-cuc
Trump : Lễ nhậm chức « không trọn vẹn » vì biểu tình lớn ?
Hàng trăm nghìn người Mỹ đang chuẩn bị biểu tình phản đối Donald Trump vào Nhà Trắng. Nhiều cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trên khắp nước Mỹ, nhất là tại Washington.
Theo AFP ngày hôm nay 14/01/2017, dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình nhỏ với khoảng chừng vài ngàn người tham dự vào ngày 20/01 tới đây, với hy vọng gây xáo trộn buổi lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Lực lượng an ninh ước tính có khoảng 800.000 người ủng hộ Trump cũng có mặt tại Washington.
Nhưng cuộc hẹn lớn nhất của những người phản đối sẽ là vào ngày 21/01, cho một “cuộc tuần hành của phụ nữ”, đã được chính quyền cho phép. Ý tưởng ban đầu là do một nữ luật gia về hưu, bà Teresa Shook đưa ra trên mạng xã hội Facebook, đang sống bình yên tại Hawai. Gần 190.000 người đã đáp lời kêu gọi, và khoảng 253.000 người cho biết có quan tâm đến sự kiện.
Bên cạnh sự kiện “Tuần hành của nữ giới”, nhiều dấu hiệu khác cho thấy một sự huy động đông đảo người phản đối Trump trong lễ nhậm chức. Trên các trang mạng xã hội, xuất hiện các hashtags như: #Whylmarch, #womensmarch hay như #NotMyPresident.
Sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng cũng là một dấu hiệu khác. Các ca sĩ nhóm nhạc Katy Perry and Cher, diễn viên Scarlett Johansson thông báo tham gia.
“Tuần hành nữ giới” kêu gọi sự tham gia của đông đảo người dân không phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc, văn hóa và tư tưởng chính trị, đã được nhiều tổ chức cấp tiến, bài Trump ủng hộ. Trong số này có cả những người đấu tranh vì quyền công dân, cho người nhập cư, người Hồi Giáo, các nhà bảo vệ môi trường, ủng hộ phá thai, ngừa thai, quyền nữ giới…
Đặc biệt, cuộc tuần hành này cũng đã được tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Planned Parenthood, mạng lưới kế hoạch hóa gia đình lớn nhất nước Mỹ công khai ủng hộ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170114-trump-le-nham-chuc-%C2%AB-khong-tron-ven-%C2%BB-vi-bieu-tinh-lon
Nhật Úc tăng cường quan hệ quân sự
Lãnh đạo Nhật Bản và Úc tuyên bố hai nước sẽ tăng cường quan hệ quân sự, cam kết bảo đảm ổn định khu vực và tiếp tục thúc đẩy thương mại. Tuyên bố này được đưa ra nhân cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm nay, 14/01/2017 tại Sydney.
Cụ thể, Tokyo và Canberra thông báo một hiệp định quốc phòng mới giữa hai nước nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hỗ trợ hậu cần và hợp tác trong các cuộc tận trận chung và trong các chiến dịch duy trì hòa bình.
Trong cuộc hội đàm ở Sydney, hai vị thủ tướng Nhật và Úc cũng đã bày tỏ mong muốn tăng cường phối hợp nhau trên các vấn đề như Biển Đông và mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Ông Shinzo Abe đã đến Úc hôm nay trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, với ưu tiên hàng đầu là an ninh khu vực. Thủ tướng Nhật cho biết ông muốn thảo luận với các nước bạn trong vùng về việc hợp lực để duy trì hòa bình khu vực. Chuyến công du châu Á này cũng là nhằm huy động sự ủng hộ cho Nhật trong bối cảnh tổng thống tân cử Mỹ sắp lên nhậm chức ngày 20/01 tới. Thủ tướng Abe đã là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên tiếp xúc với ông Trump sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Về kinh tế, sau cuộc hội đàm với thủ tướng Úc hôm nay, thủ tướng Nhật cho biết là hai nước sẽ cùng nỗ lực để bảo đảm cho Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương TPP được nhanh chóng có hiệu lực, bất chấp sự chống đối của tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Hiệp định, quy tụ 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, đã được Quốc Hội Nhật phê chuẩn vào tháng trước. Nhưng ông Trump đã báo trước là ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, vì theo ông đây là một hiệp định sẽ gây phương hại cho nước Mỹ, đặc biệt là về mặt việc làm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170114-nhat-uc-tang-cuong-quan-he-quan-su
El Salvador cam kết tăng cường quan hệ với Đài Loan
Đây cũng là thời điểm Trung Cộng nghi ngờ bà Thái đang tìm kiếm sự độc lập chính thức, thoát khỏi sự kiềm chế của đại lục. San Salvador là chặng dừng chân cuối cùng của bà Thái trong chuyến đi thăm 4 quốc gia trong khu vực. Trước đó, bà Thái dừng chân ở Honduras, Nicaragua và Guatemala.
Tuần trước, khi quá cảnh ở thành phố Houston tiểu bang Texas, bà Thái gặp gỡ các nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa, và điều đó khiến chính quyền Trung Cộng thêm giận dữ. Phát biểu tại thủ đô El Salvador, bà Thái nói về mối quan hệ giữa 2 đồng minh. Bà cho biết Đài Loan và El Salvador trải qua nhiều cuộc chiến trước khi củng cố nền dân chủ chính trị. Bà hy vọng từ ngày này trở đi, bà có cơ hội gặp gỡ chính phủ El Salvador nhiều hơn, để 2 nước giúp đỡ lẫn nhau phát triển nền dân chủ.
Tổng thống Salvador Sanchez Ceren ca ngợi việc các công ty Đài Loan đầu tư vào đất nước ông. Ông cho rằng mối quan hệ song phương mang lại nhiều sự tiến bộ tốt đẹp, với sự trao đổi thương mại hiện nay có giá trị lên tới 150 triệu Mỹ kim. Ngoài ra, ông rất vui mừng khi thấy 40 công ty Đài Loan đầu tư vào El Salvador với trị giá lên tới 18 triệu Mỹ kim. Trong chuyến trở về Đài Loan, bà Thái sẽ quá cảnh ở San Francisco, California. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/el-salvador-cam-ket-tang-cuong-quan-he-voi-dai-loan/
Hoa Kỳ thu giữ
lô hàng nhôm 25 triệu Mỹ kim của tỷ phú Trung Cộng
Washington, DC – Nhân viên quan thuế Hoa Kỳ vừa thu giữ lô hàng nhôm trị giá 25 triệu Mỹ kim có liên quan đến một tỷ phú Trung Cộng, người được cho là đang cất trữ một lượng lớn kim loại tại nhiều nước trên thế giới.
Đây là hành động mạnh tay nhất từ trước đến nay của chính phủ liên bang, nhằm điều tra xem liệu có hay không việc các công ty Hoa Kỳ thông đồng với ông trùm ngành sản xuất nhôm Trung Cộng Liu Zhongtian, để giúp mặt hàng nhôm Trung Cộng trốn thuế chống phá giá của Hoa Kỳ, bằng cách đưa số kim loại này đi vòng vèo qua nhiều nước để giấu xuất xứ.
Trước đó vào tháng 10, tờ Wall Street journal đưa tin rằng Bộ Nội An và Bộ Tư Pháp đang điều tra các công ty bị nghi phạm tội buôn lậu và gian lận tài chính, và đã thẩm vấn nhiều cựu nhân viên của các công ty có liên quan đến ông Liu.
Kim loại nhôm đang trở thành chủ đề tranh cãi trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, khi các nhà sản xuất Hoa Kỳ than phiền rằng, việc kinh doanh của họ đã bị ảnh hưởng bởi kim loại giá rẻ của Trung Cộng, được bán vào Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp.
Vào tháng 12, Bộ Thương Mại phát hiện hãng China Zhongwang, hãng sản xuất nhôm của tỷ phú Liu, đang bán nhôm vào Hoa Kỳ thông qua các nước khác để giấu xuất xứ, từ đó tránh được khoản thuế chống phá giá 374% áp dụng cho nhôm Trung Cộng. Các công ty do người của ông Liu quản lý đã chuyển nhôm đến nhiều nước trên thế giới để cất trữ.
Trong thời gian gần đây, một lượng lớn nhôm đang được tập trung về Việt Nam, và tổng số nhôm hiện nay tại Việt Nam được cho là chiếm 14% lượng nhôm toàn cầu. (Ngô Bảo)
http://www.sbtn.tv/hoa-ky-thu-giu-lo-hang-nhom-25-trieu-my-kim-cua-ty-phu-trung-cong/