Tin Việt Nam – 02/01/217

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 02/01/217

Trái cây Trung Cộng đổi nhãn tiếp tục

tràn ngập chợ Việt Nam trong dịp tết

Báo Tuổi Trẻ vừa có bài tường thuật nói rằng hàng trăm tấn trái cây từ Trung Cộng tràn xuống chợ nông sản Thủ Đức, Sài Gòn, và tung ra khắp thị trường Miền Nam sau khi gỡ bỏ nhãn hiệu “made in China” để dán vào nhãn Việt Nam hoặc Hoa Kỳ.

Trước tết dương lịch vừa qua, người ta ước tính mỗi ngày có khoảng 60 chiếc xe vận tải nặng đổ trái cây từ biên giới phía bắc vận chuyển về chơ nông sản ở Thủ Đức và đang tiếp tục để cung cấp trái cây cho thị trường Việt Nam trong tháng chuẩn bị đón tết nguyên đán. Loại trái cây chiếm số lượng lớn nhất của Trung Cộng đang được phân phối tại chợ Thủ Đức là cam sành, quít, nho, táo. Một số tiểu thương cho biết, họ chấp nhận trái cây Trung Cộng vì độ bóng, mượt, nhìn rất ngon và đặc biệt là để lâu không héo, có thể giữ trong kho suốt một tuần lễ vẫn không bị hư thối.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời giới chức Tổng Cục Hải quan Cộng sản Việt Nam xác nhận rằng, Việt Nam chi mỗi năm khoảng 4,000 tỉ đồng (175 triệu USD) để nhập cảng trái cây từ Trung Cộng. Đáng lo là số trái cây của Hoa Lục chứa đầy chất độc hoá học sau đó được dán nhãn Việt Nam, hoặc của Mỹ để tung ra thị trường đánh lừa người tiêu thụ.

Đây là một vấn nạn đã kéo dài từ lâu, nhưng chính quyền CSVN vẫn không có cách giải quyết. Điều đáng buồn là chính thương lái người Việt vì lợi nhuận đã tiếp tay cho vấn nạn này.

Song Châu / SBTN

Share this:

http://www.sbtn.tv/trai-cay-trung-cong-doi-nhan-tiep-tuc-tran-ngap-cho-viet-nam-trong-dip-tet/

 

Hàng loạt cán bộ ở tỉnh Đắk Nông xài bằng giả

Ở Việt Nam có 225,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và khoảng 63% sinh viên không có việc làm sau khi rời ghế nhà trường. Vậy nhưng, có rất nhiều cán bộ không học hành đàng hoàng, chỉ với tầm bằng giả vẫn có thể ngồi ở những vị trí mà nhiều người thèm muốn.

Tờ Tiền Phong cho biết, Phòng An ninh điều tra tỉnh Gia Lai phát hiện ra đường dây sản xuất bằng giả. Từ đó, công an phanh phui ra 3 cán bộ của tỉnh Đắk Nông sử dụng bằng giả để được thăng chức và tăng lương.

Điều đặc biệt là cả ba người này đều ở chung một huyện, trong đó có hai người làm chung cơ quan. Đó là ông: Cao Văn Lạc-Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút; ông Hà Phước Phát, Tổ trưởng Hành chính Tổng hợp Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút và bà Trần Thị Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cư Jút.

Ngay sau khi việc sử dụng bằng giả để thăng chức, tăng lương bị phát hiện, có hai người “khiển trách về mặt đảng và chính quyền”, còn một người không bị làm sao cả.

Hai người bị “khiển trách” là ông Cao Văn Lạc và Hà Phước Phát. Trong khi đó, bà Trần Thị Hạnh không hề mảy may sứt mẻ. Giải thích điều này, ông Lê Văn Mừng-phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cư Jút cho biết, hai ông Lạc và Phát bị kỷ luật là do sử dụng chứng chỉ “nghiệp vụ sư phạm giả. Còn bà Hạnh chỉ mới chụp hình, cung cấp tin tức cho ông Lạc để nhờ ông làm bằng giả. Sự việc chưa hoàn tất nên chưa thể bị coi là có tội. Do vậy, bà Hạnh không bị kỷ luật.

Phóng viên báo Tiền Phong liên lạc với ông Hà Phước Phát, ông này cho rằng mình là nạn nhân. Ông Phát cho biết, trước đây ông cùng ông Lạc, bà Hạnh cùng nộp hồ sơ đăng ký học Nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, cả 3 người này đều không học ngày nào.

Bỗng đến cuối năm 2015, ông Phát “bất ngờ” nhận được “Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm” có dấu đỏ do một trường Đại học ở tận Hà Nội cấp. Sau khi nhận được bằng cấp “từ trên trời rơi xuống”, ông Phát giấu kín trong tủ. Mãi đến khi công an Gia Lai phát hiện ra đường dây làm bằng giả, rồi phanh phui ra cả ba người nói trên, ông đem cái chứng chỉ giả ấy ra nộp cho công an chứ không hề biết nó “thật hay giả”.

Theo thống kê của tỉnh Dak Nông, từ năm 2015 đến nay phát hiện ra khoảng 20 trường hợp làm bằng giả để nộp cho cấp trên nhằm thăng chức, tăng lương. Vậy trên cả nước, con số này là bao nhiêu?

Hàng loạt câu hỏi tiếp tục được người dân đặt ra: những con người không có trình độ, kém đạo đức này sẽ đưa đất nước đi về đâu? Tại sao một đất nước Việt Nam không thiếu người đủ tài đức, mà vẫn phải cam chịu bị lãnh đạo bởi những kẻ bất tài, vô đạo đức trong gần nửa thế kỷ?

Ngọc Quân/SBTN

http://www.sbtn.tv/hang-loat-can-bo-o-tinh-dak-nong-xai-bang-gia/

 

Chảy máu chất xám – bao giờ chấm dứt?

Lan Hương, phóng viên RFA

Nhiều bạn trẻ Việt Nam không muốn công tác trong nước mà tìm cách định cư ở nước ngoài để sinh sống, làm việc.

Số liệu thống kê mới nhất của bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới. Trong số này có đến khoảng 70% không trở lại Việt Nam để làm việc mà quyết định phát triển sự nghiệp của bản thân nơi xứ người.

Về tình trạng này, chuyên gia kinh tế- tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lý giải nguyên nhân:

Tình hình chảy máu chất xám và những học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp. Lý do thì có thể có nhiều, có thể nêu vài lý do như sau: thứ nhất là tiền lương cho người trí thức quá thấp, tiền lương cho một ông tiến sĩ ở nước ngoài học về thì cũng chỉ khoảng 3,5 – 4 triệu, không thể đủ sống ở những thành phố như Hồ Chí Minh và ở Hà Nội. Đấy là một lý do.

Việc quản lý tiền lương không thể áp dụng được cho tất cả mọi nơi bởi vì nguồn nhân sách không cho phép.
– Tiến sĩ Lê Đăng Doanh 

Cũng có những người thì sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, họ vẫn sẵn sàng làm việc, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là khả năng phát triển và phát huy kiến thức và tài năng của họ là thấp. Có những trường hợp những người tiến sỹ đó về không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực để giảng dạy. Có người thì được phân công làm thư ký khoa, tức là một chức hành chính chỉ nhận công văn giấy tờ, thế rồi những người đó sau đó cũng bỏ đi. Thứ ba, là điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của họ. Phòng thí nghiệm thì chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu, còn tài liệu và cách tiếp cận thông tin, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng hạn chế.

Nhà hoạt động xã hội, tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm rằng Việt Nam cũng như các nước chậm phát triển khác ở châu Á đều bị nạn chảy máu chất xám gây ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân một phần còn là do những người có tài không được trọng dụng.

Thực tế ở các nước phát triển, chính phủ luôn khuyến khích những người tài giỏi và tạo điều kiện cho họ phát triển thêm kỹ năng, thậm chí là khuyến khích những người như vậy nhập cư vào đất nước của họ.

Chủ trương chưa thành công

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ghi nhận chính phủ Việt Nam đã nhận rõ được tình trạng chảy máu chất xám và đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để thu hút nhân tài, đưa ra những đặc cách hấp dẫn hơn chẳng hạn như mức lương cao vượt hơn hẳn mức bình thường, sẵn sàng trả lương ngàn đô cho những nhân tố tài năng, hay những người từng du học nước ngoài. Tuy nhiên việc thực hiện những biện pháp như thế đến nay có thể nói là chưa thực sự hiệu quả bởi nguồn ngân quỹ của Nhà nước hạn hẹp; trong khi đó thì quá trình để phát triển hệ thống phục vụ nghiên cứu cho nhân tài đòi hỏi nhiều thời gian:

Việc quản lý tiền lương không thể áp dụng được cho tất cả mọi nơi bởi vì nguồn nhân sách không cho phép. Điều quan trọng là khả năng phát triển, tức là những người đó phải được sử dụng vào đúng vị trí, tạo điều kiện có phòng thí nghiệm, có cơ sở nghiên cứu, có cộng tác viên, có một môi trường nghiên cứu khoa học dân chủ, cầu thị, tôn trọng ý kiến khác nhau, không quy chụp, thành kiến với những người có ý kiến khác mình. Tất cả những cái đó cần phải có thời gian, và quan trọng nhất là cần phải có người đứng đầu đơn vị khoa học đó có trình độ, thái độ cầu thị, ủng hộ tranh luận dân chủ, ủng hộ ý kiến đa chiều. Đó là điều quan trọng hơn rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có nhận định về các chủ trương, chính sách khuyến khích nhân tài của chính phủ Việt Nam:

Việt Nam nói thì nhiều nhưng mà họ làm thì không được mấy cả. Chúng ta nhìn thấy từ thời Hồ Chí Minh, những người tài như Trần Đại Minh, Lý Đức Thảo, theo phục vụ cho chính quyền thì hoạt động cũng luôn cầm chừng. Những người có tư tưởng độc lập, nhất là về vấn đề xã hội. Đấy là sáu, bảy chục năm trước cũng như thế. Cho đến thời gian vừa rồi họ cũng hô hào nhiều nhưng mà bản thân nhà nước về cơ bản không làm được cái gì cả. Cải thiện môi trường là một việc, họa chăng ra thời gian vừa qua hoặc trong thời gian tới thì khu vực tư nhân là khu vực có thể thu hút nhân tài. Chứ còn bản thân khu vực nhà nước với một chính quyền như thế này thì tôi nghĩ không thể thu hút được nhân tài bởi vì những nhà khoa học người ta không quen với kiểu của các quan chức nhà nước là, thường ăn bổng lộc là chính chứ không phải bằng thù lao hay lương.

Mong mỏi gì trong tương lai

Trước vấn nạn chảy máu chất xám của Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra rằng rằng cần phải có những chuyển biến, đổi mới trong chính sách đãi ngộ nhân tài của Chính phủ, và những thay đổi trong hệ thống doanh nghiệp trong nước để biến Việt Nam thành một môi trường thực sự hấp dẫn, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho những con người tài năng. Ông Lê Đăng Doanh đề ra một số gợi ý:

Nhà nước và doanh nghiệp phải vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, vận dụng các chất xám của các chuyên gia, nhà trí thức nhiều hơn, do đó có thể sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.
– Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Hiện nay đã có một số nhà khoa học về nước và thành lập một số doanh nghiệp tư nhân như các công phần mềm hay các công ty về khoa học. Ví dụ như tiến sĩ Nguyễn Thành Mỹ đã thành lập công ty Mỹ Lan hoạt động rất có kết quả ở Trà Vinh, rồi ở Hà Nội thì có công ty cổ phần phích nước Rạng Đông đã thiết lập một trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và đã thu hút được nhiều giáo sư, các chuyên gia trong nước và đã mời các giáo sư Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sang làm việc.

Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới đây, yêu cầu phải phát triển một cách bền vững, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động sẽ đòi hỏi nhà nước và doanh nghiệp phải vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, vận dụng các chất xám của các chuyên gia, nhà trí thức nhiều hơn, do đó có thể sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Môi trường làm việc là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc quyết định nơi sinh sống, công tác của đội ngũ nhân tài. Nhận thấy môi trường làm việc ở Việt Nam chưa thực sự thân thiện, cởi mở để thu hút nguồn chất xám, chuyên gia Lê Đăng Doanh đã cho đó là một điểm yếu mà chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét để thay đổi tình hình trong tương lai.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-will-vn-brain-stop-being-drained-lh-01022017101207.html

 

33 người chết vì tai nạn giao thông

trong ngày đầu năm mới

Trong ngày đầu năm mới cũng có 33 nạn nhân thiệt mạng và 22 người bị thương vì tai nạn giao thông. Đây là số thống kê do Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an Việt Nam đưa ra.

Trong năm ngoái, tổng số nạn nhân chết vì tai nạn giao thông trên cả nước được cho biết gần 9 ngàn người.

Trước tình hình đó, công an thủ đô Hà Nội cho biết sẽ triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đô thị từ nay cho đến giữa tháng hai năm 2017.

Phòng Cảnh sát An toàn Giao thông Thành phố Hà Nội cho biết trong đợt ra quân cao điểm lần này ngoài việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn giao thông, thì sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp bị cho là can thiệp vào việc xử lý của công an giao thông.

Cảnh sát giao thông tại nhiều địa phương khác ở Việt Nam cũng tiến hành ra quân kiểm soát an toàn giao thông, trong đó có kiểm tra 9 lỗi được chính thức bắt đầu đưa vào xử phạt. Trong đó có các lỗi không làm thủ tục sang xe chính chủ, vừa điều khiển phương tiện giao thông, vừa nghe điện thoại, nhắn tin; không thắt đai an toàn…

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/traffic-accident-in-the-first-day-of-new-year-in-vn-01022017094536.html

 

Giới hoạt động dân chủ bị tấn công ra sao?

Thông tín viên Việt Nam

Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội biểu tình là quyền công dân được qui định tại điều 25, Hiến Pháp năm 2013 của nước Việt Nam hiện nay. Thế nhưng một khi những người dân có ý thức lên tiếng và bày tỏ quan điểm của họ qua hành động biểu tình thì họ bị cơ quan chức năng trấn áp mạnh tay.

Bị đánh đập dã man

Sau khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển, người dân tại hai thành phố lớn của Việt Nam gồm Hà Nội và Sài Gòn xuống đường phản đối.

Một trong những người đó là anh Lê Sỹ Bình, gốc Nghệ An, hiện sinh sống tại Sài Gòn. Tuy nhiên khi tham gia cuộc biểu tình hôm ngày 8 tháng 5, anh bị bắt trước hết về đồn Công an Bến Nghé và rồi sau đó di lý về công an Bình Chánh. Tại cả hai nơi anh bị còng tay và bị đánh đập như lời thuật lại của anh:

“Gặp toàn những tay đao phủ, không có mặc sắc phục công an gì cả. Họ hỏi cung mà kiểu như không cho mình giải thích. Cái xương sống họ cứ nhảy lên nện, lên gối vào đầu và vai. Khi chịu đòn mình cảm giác như chết rồi.”

Một nhà hoạt động xã hội độc lập khác là anh Đỗ Đức Hợp kể lại những lần anh bị bắt và đánh đập mà theo anh là vô cớ chỉ vì anh công khai lên tiếng về những vấn đề xã hội hiện nay:

Gặp toàn những tay đao phủ, không có mặc sắc phục công an gì cả. Họ hỏi cung mà kiểu như không cho mình giải thích. Cái xương sống họ cứ nhảy lên nện, lên gối vào đầu và vai. Khi chịu đòn mình cảm giác như chết rồi

– Anh Lê Sỹ Bình

“Lần đầu tiên bị đánh là ngày 1 tháng 5 ở đường Bà Huyện Thanh Quan và sau đó về đồn công an phường 15 quận Tân Bình họ đánh tiếp và còng tay tôi suốt 13 tiếng đồng hồ. Lần thứ 2 là ngày 8 tháng 5 tại đường Hồ Tùng Mậu và họ lôi vào công an phường Bến Nghé và đánh liên tục. Lần thứ 3 là ngày 25 tháng 6 trên đường tôi đi đám cưới một người anh, họ đánh tôi trên đường Hoàng Sa. Những người mang danh luật pháp của chế độ cộng sản họ còn tồi tệ hơn những người dân anh chị, xã hội đen.”

Theo anh Đỗ Đức Hợp thì những người ra tay đánh anh hành xử còn tồi tệ hơn những thành phần thuộc giới giang hồ; vì dù sao những tay anh chị trong giới này không xuống tay tàn độc như những người hành hung anh và những nhà hoạt động xã hội khác.

Mới hôm 20 tháng 12 vừa qua, khi các thành viên của nhóm xã hội dân sự độc lập có tên Hội Anh Em Dân Chủ tiến hành hội nghị thì tư gia của nhiều thành viên tại khắc ba miền đều bị canh giữ, bao vây, cắt Internet.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội, một thành viên của hội này, trình bày lại sự việc xảy ra đối với gia đình ông hôm 20 tháng 12:

“Đêm hôm đó tầm khoảng 8 giờ 30, tôi thấy một đoàn người bao vây xung quanh nhà tôi. Đồng thời lúc đó điện nhà tôi đã bị mất và internet không thu hay phát sóng được, hệ thống điện thoại cũng bị tê liệt không dùng được. Cũng thời điểm đó thì nhà tôi thấy hàng loạt những tiếng kêu xung quanh nhà. Sau đó tôi ra mới phát hiện rằng họ ném đá vào cửa kính và mái nhà nhà tôi.”

Tác dụng ngược

Hành xử của lực lượng chức năng mặc sắc phục cũng như thường phục đối với những nhà bất đồng chính kiến và hoạt động như vừa nêu theo ông Phạm Văn Trội là cách hành xử theo luật ‘rừng’ dù rằng ở Việt Nam có không biết cơ man nào là luật.

“Tôi khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm thượng tôn pháp luật mà áp dụng luật ‘rừng’ để áp dụng cho những người bất đồng chính kiến, những người có quan điểm trái chiều với chế độ.

Những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từng phải ra vào đồn công an và bị hành hung như lời kể của hai anh Lê Sỹ Bình và Đỗ Đức Hợp đều cho rằng biện pháp của lực lượng an ninh chìm- nổi đối với họ là phản tác dụng.

Quyền con người đã khiến tôi mạnh mẽ hơn khi nhận những đòn thù vô cớ, sai trái hiếp pháp và pháp luật. Những cách hành xử của họ đáng phải lên án.

Anh Đỗ Đức Hợp

Anh Lê Sỹ Bình khẳng định:

“Không làm nhụt chí được. Nếu nhụt chí thì cả năm nay tôi không tham gia một cái gì cả. Tiếp tục sau đó tôi vẫn cứ đi để mà ủng hộ cho anh em. Miễn sao mà mình làm việc đúng là được, còn hành động của công an dùng bạo lực để đàn áp một người như tôi thì tôi cho đó là một hành động nhỏ nhặt.”

Cũng như tuyên bố của anh Đỗ Đức Hợp:

“Quyền con người đã khiến tôi mạnh mẽ hơn khi nhận những đòn thù vô cớ, sai trái hiếp pháp và pháp luật. Những cách hành xử của họ đáng phải lên án.”

Có thể nói kịch bản ứng xử của chính quyền Hà Nội các cấp từ trung ương đến địa phương đối với các nhà bất đồng chính kiến, giới hoạt động xã hội dân sự dường như không có gì thay đổi. Khẩu hiệu mà chính những người cộng sản dùng để tuyên truyền trong cuộc đấu tranh giai cấp của họ ‘nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh’ không hề được thấm nhuần.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/democracy-activists-were-attacked-in-year-2016-01022017072408.html

 

Quan hệ Việt-Mỹ thời Donald Trump:

Yếu tố Trung Quốc nổi cộm

Trọng NghĩaNgô Nhân Dụng

Năm 2016 vừa kết thúc đã được đánh giá là một năm đánh dấu sự bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Mỹ-Việt, với tuyên bố vào tháng 5/2016 của tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Thế nhưng năm mới 2017 đã mở ra với một ẩn số lớn cho Hà Nội : Quan hệ với tân chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump sẽ ra sao trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Phải nói là tình hình Biển Đông trong những ngày cuối năm 2016 nổi cộm với những thông tin liên tiếp về những động thái quyết đoán của Trung Quốc, trong lúc Hoa Kỳ gần như bất động vì bận bịu với công việc bàn giao quyền lực giữa tổng thống mãn nhiệm Barack Obama và tổng thống tân cử Donald Trump.

Trong những ngày cuối tháng 12 năm 2016, Bắc Kinh đã phái tàu sân bay Liêu Ninh và đội chiến hạm bảo vệ đi vào Biển Đông, sau khi Hải Quân nước này công khai thách thức Hải Quân Mỹ khi thu giữ trong một vài ngày một chiếc tàu lặn Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, bất chấp mọi luật lệ quốc tế. Trước đó thì một trung tâm nghiên cứu Mỹ đã công bố loạt ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy rõ việc Bắc Kinh đang quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà Trung Quốc đã chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa.

Tất cả những diễn biến trên chắc chắn sẽ tác động đến thời sự Biển Đông trong năm 2017. Theo chuyên san The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, các động thái quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ còn gia tăng trong năm nay tại Biển Đông, trong bối cảnh một trong những nước Đông Nam Á từng đi đầu trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh là Philippines lại có dấu hiệu ngả theo Trung Quốc. Với việc Manila lên làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, ASEAN vốn đã bất lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ lại càng thụ động hơn.

2016 : Việt Nam, nước cứng rắn nhất với Trung Quốc về Biển Đông

Trong số các nước bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trong năm 2016, Việt Nam đã nổi lên thành quốc gia duy nhất đã có những động thái cụ thể nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, như chuyển pháo phản lực ra Trường Sa – điều mà chính quyền không hề chính thức công nhận – và củng cố thêm ít nhất là hai « đảo » dưới quyền kiểm soát của mình là Đá Lát và Trường Sa Lớn, bị ảnh vệ tinh phát hiện.

Vấn đề đối với Việt Nam là đồng minh chiến lược quan trọng của mình trong việc kháng lại Trung Quốc ở Biển Đông là Hoa Kỳ, lại chuẩn bị thay đổi chính quyền sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 08/11/2016, với chiến thắng của ông Donald Trump, một người từng xác định quyết tâm tập trung cho nước Mỹ cho nên được cho là có thể ít quan tâm hơn đến Biển Đông so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Chính trong bối cảnh nêu trên mà việc ông Trump cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam « để tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia » khi ông nhận điện chúc mừng của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc 14/12, cũng như lời chỉ trích Trung Quốc « xây một khu phức hợp quân sự lớn giữa Biển Đông » trong một tin nhắn Twitter ngày 04/12, đã được giới quan sát rất chú ý.

Động thái ngoại giao khéo léo đối với Donald Trump

Trả lời ban Việt Ngữ RFI về nội dung cuộc điện đàm giữa thủ tướng Việt Nam và tổng thống tân cử Mỹ, nhà báo Ngô Nhân Dụng của tờ Người Việt tại California cho rằng chính quyền Việt Nam đã có một cử chỉ ngoại giao khéo léo khi chúc mừng ông Donald Trump :

Ngô Nhân Dụng :Khi để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump, chính phủ Việt Nam đã có 1 quyết định rất hay, rất đáng làm : Ai cũng chúc mừng, Việt Nam mà không thì gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ 

Nhưng ý nghĩa của chuyện đó như thế nào, thì còn phải chờ xem chính sách ngoại giao của chính phủ Trump được thể hiện ra sao, và nhất là mối bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao, vì đó là điều quan trọng, sẽ ảnh hưởng tới bang giao Mỹ-Việt Nam.

Đối với nhà báo Ngô Nhân Dụng, tất cả những nội dung cuộc điện đàm – được chính phủ Việt Nam nêu lên một cách chi tiết, hay được phía ê kíp của tổng thống tân cử Mỹ xác nhận một cách ngắn gọn – chỉ mang tính chất xã giao thông thường, còn thực chất vấn đề thì phải chờ đến sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức và triển khai chính sách đối ngoại của mình, trong đó nhân tố quan trọng vẫn quan hệ Mỹ-Trung, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.

Không nên ngộ nhận : Biển Đông chỉ là phụ với ông Trump

Câu hỏi đặt ra là mối quan hệ Washington-Bắc Kinh sẽ ra sao với ông Donald Trump, đặc biệt là khi trong thời gian gần đây, tổng thống tân cử Mỹ đã nhiều lần đả kích Trung Quốc, kể cả việc Bắc Kinh đã xây dựng những « pháo đài khổng lồ » giữa Biển Đông ? Trên vấn đề này, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng không nên ngộ nhận về quan điểm của tổng thống tương lai của nước Mỹ, ông Trump rất cứng rắn với Trung Quốc, nhưng trên vấn đề kinh tế thương mại mà thôi, còn vấn đề an ninh Biển Đông chỉ là phụ :

Ngô Nhân Dụng :Ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc, trong tất cả mọi chuyện, chứ không chỉ trong vấn đề Biển Đông… 

Có lẽ điều mà ông Trump nhấn mạnh nhất, ngay từ khi tranh cử cho đến khi đắc cử rồi, vẫn là chuyện về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy chỉ nhắc đến chuyện Trung Quốc xây những pháo đài khổng lồ ở Biển Đông nhân dịp nói về vấn đề bang giao về kinh tế.

Thành ra vấn đề an ninh ở Biển Đông, vấn đề đụng chạm giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách « xây những pháo đài khổng lồ », đó chỉ là chuyện phụ bên cạnh các vấn đề giao thương, kinh tế, trị giá đồng yuan với đô la, thuế xuất nhập cảng giữa hai nước…

Khi nào ông Trump với Trung Quốc đụng độ nhau về kinh tế, thương mại, lúc đó chính phủ Trump có thể mang vấn đề Biển Đông ra để làm đề tài « cãi nhau » tiếp, và việc cãi nhau đó có thể không phải là vấn đề chính trong bang giao giữa hai nước, mà chỉ là một vấn đề phụ mà chính quyền Trump trong tương lai sẽ đưa ra để làm áp lực thêm với Trung Quốc khi hai bên nói chuyện về kinh tế và thương mại.

Thành ra chúng ta không thể trông đợi là chính phủ Trump sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề Trung Quốc đang lập những căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Quan hệ Mỹ-Trung : Sóng gió trước mắt ?

Riêng về chính sách Biển Đông của ông Donald Trump, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng trước mắt, chính quyền Trump vẫn duy trì đường lối của tổng thống Mỹ tiền nhiệm là Obama, dùng nguyên tắc tự do hàng hải để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền. Vấn đề là hồ sơ Đài Loan đang khuấy động quan hệ Mỹ-Trung, và quan hệ này trong ngắn hạn, sẽ phải trải qua một giai đoạn sóng gió.

Ngô Nhân Dụng :Có lẽ chính phủ Trump hiện giờ tỏ ra vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ Obama, tức là dùng quyền giao thông hàng hải tự do làm lý do chính để tìm cách ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở trong vùng Biển Đông.

Từ xưa đến nay, chính sách của các chính phủ Mỹ từ thời Nixon là chỉ công nhận một nước Trung Hoa, và đối với Biển Đông là không can dự vào vấn đề chủ quyền các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa… các chính phủ Mỹ từ xưa đến giờ luôn cho là họ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền (ở Biển Đông), để cho chính phủ các nước tự tranh cãi với nhau, Mỹ chỉ lo một chuyên thôi : Làm sao cho giao thông trên vùng biển đó không bị tắc nghẽn vì những xung đột giữa các nước đó.

Thành ra, sau khi ông Trump đã tuyên bố những câu nẩy lửa – như tại sao phải giữ lấy chính sách một nước Trung Hoa làm gì – hoặc là có hành động như nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn tổng thống Đài Loan, những chuyện đó có thể khiến cho bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong mấy tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền.

Căng thẳng Mỹ Trung không phải là một điều mới lạ, và khi mà Bắc Kinh biểu dương lực lượng thì Washington cũng đã phản ứng bằng cách phô trương sức mạnh. Đây là điều đã từng xấy ra thời tổng thống Bill Clinton, vào năm 1995, khi để răn đe Trung Quốc về việc bắn tên lửa thị uy qua eo biển Đài Loan, Mỹ đã phái hai hàng không mẫu hạm đến khu vực để khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng minh Đài Loan.

Mỹ-Trung khó có khả năng gây hấn với nhau vì Biển Đông

Đối với ông Ngô Nhân Dụng, kỳ này, chuyện Mỹ-Trung căng thẳng với nhau hoàn toàn có thể xẩy ra, và gay gắt hơn trước đây, nhưng rõ ràng là khó có khả năng Washington và Bắc Kinh gây chiến với nhau vì Biển Đông.

Ngô Nhân Dụng :Những chuyện hai bên diễu võ đã từng xẩy ra trong quá khứ, và rất có thể Trung Quốc sẽ có những hành động như vậy, và kỳ này sẽ mạnh hơn, chẳng hạn như ta biết, họ đang đưa những giàn phòng không lớn đến những hòn đảo nhân tạo mà họ đã lập ở Biển Đông. 

Thì chính phủ Mỹ cũng có thể có những hành động biểu dương lực lượng mạnh hơn, nhưng bình thường mà nói, không thể nào tin rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh với nhau chỉ vì những hòn đảo nho nhỏ ở Đông Nam Á, ở trong Biển Đông.

Thành ra cuộc « biểu diễn » đó sẽ còn tiếp tục, nhưng không nhất thiết đưa đến đứt đoạn về bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Bối cảnh đó sẽ quyết định là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Việt Nam cần duy trì quan hệ thân hữu với Mỹ

Tóm lại theo nhà báo Ngô Nhân Dụng do việc bang giao giữa chính quyền Trump với Trung Quốc sẽ tác động đến quan hệ Mỹ-Việt, chính quyền Việt Nam cần đẩy mạnh chính sách thân hữu với Hoa Kỳ để có được một đồng minh chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông :

Ngô Nhân Dụng : Tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tìm cách tỏ ra thân thiện hơn với nước Mỹ, vì đó là những chính sách mà những nước như Singapore chẳng hạn vẫn theo từ trước đến giờ một cách hết sức khôn ngoan.

Chuyện ông Trump sẽ làm gì đối với với Biển Đông, hoàn toàn tùy thuộc vào bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta biết rằng ông Trump, theo như nhận xét của các nhà tâm lý học, là người thích được mọi người khen ngợi hơn là bị người ta chê. Ai mà chê ông ấy một câu thì ông ấy nổi sùng lên và có khi ông ấy nhớ mãi, nhưng mà được ai khen ngợi thì ông ấy sung sướng ghê lắm. 

Thành ra việc chính phủ Việt Nam gọi điện thoại đến chúc mừng ông Trump là làm đúng, đánh vào tâm lý của ông Donald Trump. Hy vọng rằng trong tương lai, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đó, để có thể có nước Mỹ bên cạnh mình, trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Trong những tháng tới đây, người ta có lẽ sẽ rõ hơn về quan hệ Việt-Mỹ. Nếu suôn sẻ, rất có thể là ông Donald Trump sẽ đến Việt Nam vào cuối năm, nhân dịp Hà Nội làm chủ nhà đón hội nghị thượng đỉnh APEC.

*************

Bài phỏng vấn bình luận gia Ngô Nhân Dụng

Nhà báo Ngô Nhân Dụng tại California (Hoa Kỳ)02/01/2017 – Trọng NghĩaNghe

Thủ tướng Việt Nam gọi điện chúc mừng ông Trump : Quyết định đáng làm

Khi để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump, chính phủ Việt Nam đã có 1 quyết định rất hay, rất đáng làm : Ai cũng chúc mừng, Việt Nam mà không thì gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ.

Nhưng ý nghĩa của chuyện đó như thế nào, thì còn phải chờ xem chính sách ngoại giao của chính phủ Trump được thể hiện ra sao, và nhất là mối bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao, vì đó là điều quan trọng, sẽ ảnh hưởng tới bang giao Mỹ-Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ qua điện thoại giữa ông Phúc với ông Trump, người ta thấy phía chính phủ Việt Nam loan tin rất long trọng, chẩng hạn như nói rằng ông Trump đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình hữu nghị với Việt Nam, của hợp tác với Việt Nam, và ông Trump đã khen ngợi thành tựu của Việt Nam, nói rằng ông sẽ thúc đẩy bang giao giưa hai nước ngày càng thân hơn, cộng tác với nhau nhiều hơn.

Hai bên không nói gì về chuyện ông Trump sẽ xóa bỏ hiệp ước TPP, tức Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

Nhưng về phía Mỹ, nhóm chuẩn bị cầm quyền của ông Trump đã tường thuật lại cuộc điện đàm rất giản dị, nói rằng hai người đã bàn với nhau về rất nhiều vấn đề chung và đồng ý là sẽ cộng tác với nhau để làm cho bang giao giữa hai nước chặt chẽ hơn. Đó chỉ là câu nói hoàn toàn xã giao, không có ý nghĩa gì cụ thể cả.

Tóm lại, chuyện bang giao giữa Việt Nam với Mỹ không phải là sẽ thay đổi nhờ cuộc điện đàm giữa ông Phúc với ông Trump, mà tùy thuộc vào việc chính phủ Mỹ sẽ làm gì với Trung Quốc, vì đó mới là điều sẽ ảnh hưởng đến cả bang giao giữa Mỹ và Việt Nam.

Donald Trump thể hiện quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc

Ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc, trong tất cả mọi chuyện, chứ không chỉ trong vấn đề Biển Đông…

Có lẽ điều mà ông Trump nhấn mạnh nhất, ngay từ khi tranh cử cho đến khi đắc cử rồi, vẫn là chuyện về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy chỉ nhắc đến chuyện Trung Quốc xây những pháo đài khổng lồ ở Biển Đông nhân dịp nói về vấn đề bang giao về kinh tế.

Thành ra vấn đề an ninh ở Biển Đông, vấn đề đụng chạm giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách « xây những pháo đài khổng lồ », đó chỉ là chuyện phụ bên cạnh các vấn đề giao thương, kinh tế, trị giá đồng yuan với đô la, thuế xuất nhập cảng giữa hai nước…

Khi nào ông Trump với Trung Quốc đụng độ nhau về kinh tế, thương mại, lúc đó chính phủ Trump có thể mang vấn đề Biển Đông ra để làm đề tài « cãi nhau » tiếp, và việc cãi nhau đó có thể không phải là vấn đề chính trong bang giao giữa hai nước, mà chỉ là một vấn đề phụ mà chính quyền Trump trong tương lai sẽ đưa ra để làm áp lực thêm với Trung Quốc khi hai bên nói chuyện về kinh tế và thương mại.

Thành ra chúng ta không thể trông đợi là chính phủ Trump sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề Trung Quốc đang lập những căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Chính sách Biển Đông của chính quyền Trump dựa trên quyền tự do hàng hải

Có lẽ chính phủ Trump hiện giờ tỏ ra vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ Obama, tức là dùng quyền giao thông hàng hải tự do làm lý do chính để tìm cách ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở trong vùng Biển Đông.

Từ xưa đến nay, chính sách của các chính phủ Mỹ từ thời Nixon là chỉ công nhận một nước Trung Hoa, và đối với Biển Đông là không can dự vào vấn đề chủ quyền các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa… các chính phủ Mỹ từ xưa đến giờ luôn cho là họ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền (ở Biển Đông), để cho chính phủ các nước tự tranh cãi với nhau, Mỹ chỉ lo một chuyên thôi : Làm sao cho giao thông trên vùng biển đó không bị tắc nghẽn vì những xung đột giữa các nước đó.

Thành ra, sau khi ông Trump đã tuyên bố những câu nẩy lửa – như tại sao phải giữ lấy chính sách một nước Trung Hoa làm gì – hoặc là có hành động như nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn tổng thống Đài Loan, những chuyện đó có thể khiến cho bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong mấy tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền.

Nhưng mà bang giao Mỹ-Trung đã từng nổi sóng lên như vậy, và mỗi lần như vậy, chính quyền Trung Quốc thường tìm cách chứng tỏ là họ không sợ gì cả, biểu dương lực lượng để cho thấy là họ không sợ áp lực của Mỹ.

Vì đối nội, Tập Cận Bình có thể găng với Mỹ trong năm 2017

Cuối năm nay (2017) ở Trung Quốc đặc biệt có Đại Hội Đảng Cộng Sản, là đại hội mà ông Tập Cận Bình muốn dùng để củng cố thêm vây cánh của mình, đưa thêm người của mình vào trong Bộ Chính Trị, và Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Thành ra từ nay đến tháng10, ông Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách để cho tất cả mọi người Trung Quốc thấy là ông rất cứng rắn, đặc biệt là đối với Mỹ.

Thành ra, sau khi lên cầm quyền mà ông Trump vẫn tiếp tục nói những câu như là không cần phải theo chính sách một nước Trung Quốc, thì ông Tập Cận Bình sẽ phải phản ứng mạnh.

Mà ngay bây giờ chúng ta đã thấy đã có những phản ứng rồi, khi mà Trung Quốc cho pháo đài bay có thể chở bom nguyên tử bay diễu ngang vùng biển phía nam, cũng như phía đông, bên cạnh Nhật Bản. Đó là hành động tự nhiên của ông Tập Cận Bình, phải tỏ ra rằng ông ấy cứng rắn đối với Mỹ.

Trước đây, ví dụ năm 1995, có lúc Trung Quốc đã tỏ ra mình đang nổi nóng như vây, khi chính phủ Clinton ở Mỹ đồng ý cho tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy được vào nước Mỹ đi thăm trường cũ của ông Huy là trường Cornell.

Ông Lý Đăng Huy qua Mỹ vào tháng Hai, thì đến tháng Sáu, tháng Bảy, Trung Quốc bắn hỏa tiễn qua eo biển Đài Loan. Họ làm liên tiếp như vậy trong mùa hè 1995, và đến tháng Ba năm 1996, họ lại bắn thêm một lần nữa.

Căng thẳng Mỹ-Trung nhưng không đến mức quá đà

Đấy là hành động coi như là để biểu dương lực lượng của chính phủ Trung Quốc hồi đó, và để đáp lại, thì Mỹ cũng biểu dương lực lượng, vào năm 1995, đã đưa 2 hàng không mẫu hạm đến bên cạnh Đài Loan và đi qua eo biển Đài Loan để chứng tỏ rằng nêu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì Mỹ sẽ bảo vệ.

Những chuyện hai bên diễu võ đã từng xẩy ra trong quá khứ, và rất có thể Trung Quốc sẽ có những hành động như vậy, và kỳ này sẽ mạnh hơn, chẳng hạn như ta biết, họ đang đưa những giàn phòng không lớn đến những hòn đảo nhân tạo mà họ đã lập ở Biển Đông.

Thì chính phủ Mỹ cũng có thể có những hành động biểu dương lực lượng mạnh hơn, nhưng bình thường mà nói, không thể nào tin rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh với nhau chỉ vì những hòn đảo nho nhỏ ở Đông Nam Á, ở trong Biển Đông.

Thành ra cuộc « biểu diễn » đó sẽ còn tiếp tục, nhưng không nhất thiết đưa đến đứt đoạn về bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Bối cảnh đó sẽ quyết định là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Việt Nam cần đến Mỹ bên cạnh mình để chống Trung Quốc ở Biển Đông

Tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tìm cách tỏ ra thân thiện hơn với nước Mỹ, vì đó là những chính sách mà những nước như Singapore chẳng hạn vẫn theo từ trước đến giờ một cách hết sức khôn ngoan.

Chuyện ông Trump sẽ làm gì đối với với Biển Đông, hoàn toàn tùy thuộc vào bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta biết rằng ông Trunp, theo như nhận xét của các nhà tâm lý học, là người thích được mọi người khen ngợi hơn là bị người ta chê. Ai mà chê ông ấy một câu thì ông ấy nổi sùng lên và có khi ông ấy nhớ mãi, nhưng mà được ai khen ngợi thì ông ấy sung sướng ghê lắm.

Thành ra việc chính phủ Việt Nam gọi điện thoại đến chúc mừng ông Trump là làm đúng, đánh vào tâm lý của ông Donald Trump. Hy vọng rằng trong tương lai, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đó, để có thể có nước Mỹ bên cạnh mình, trong việc đối đầu với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170102-quan-he-viet-my-thoi-donald-trump-yeu-to-trung-quoc-noi-com

 

Khách du lịch TQ đến VN tăng mạnh: mừng hay lo?

Theo con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 2,7 triệu người, tăng hơn 51% so với năm 2015 và chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.

Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng làm tăng nguồn thu cho du lịch Việt Nam, nhưng cũng gây nhiều hệ lụy khó lường cho những người hoạt động trong ngành du lịch.

Hướng dẫn viên Trung Quốc ‘nói sai sự thật’

Tờ South China Morning Post (SCMP) trích lời ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng kinh doanh công ty Du lịch In-Out Tour có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh nói: “Gần đây, một số hướng dẫn viên người Hoa không được cấp phép đã cho khách những thông tin không đúng về các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển đảo. Hướng dẫn viên Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật, gây lo lắng cho người dân và chính phủ Việt Nam.”

Theo báo này, nhiều hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc “chui” nói với khách trong đoàn của họ rằng dù Việt Nam không còn là lãnh thổ Trung Quốc và đã giành độc lập, nước này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và cống nạp cho Trung Quốc.

Nhiều hướng dẫn viên Trung Quốc bị cáo buộc xuyên tạc lịch sử địa lý Việt Nam, chẳng hạn như nói rằng bãi biển Mỹ Khê thực ra là thuộc về Trung Quốc.

Báo này trích lời ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, nói: “Theo luật, người nước ngoài không được làm hướng dẫn viên ở nước chúng tôi”. Lúc đầu, nhiều hướng dẫn viên Việt Nam rất vui vì đông khách Trung Quốc đến Việt Nam vào đầu năm 2016. Họ nghĩ họ sẽ “có thêm cơ hội để kiếm tiền và cải thiện mức sống”.

Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Họ đã mất mối làm ăn vì “các công ty du lịch Trung Quốc đã cho trưởng đoàn người Trung Quốc làm hướng dẫn viên”, ông Trà được báo SCMP dẫn lời.

Một số hướng dẫn viên Trung Quốc bị cáo buộc kể với đoàn của họ là Việt Nam ghét Trung Quốc, và không nên tin vào những điều hướng dẫn viên Việt Nam nói. Một số người còn bị cáo buộc nói với khách bằng tiếng địa phương Trung Quốc để hướng dẫn người Việt nói tiếng Quan Thoại hay tiếng Quảng Đông không hiểu họ nói gì, tờ báo này viết.

Báo Infonet trích lời ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng, nói hồi tháng Sáu 2016, “hơn 100 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung của Đà Nẵng gần như … biểu tình vì họ rất phẫn uất”. Ông Vinh cho biết nhiều đoàn khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không sử dụng hướng dẫn viên người Việt Nam.

Hồi tháng Bảy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã trục xuất bốn hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép. Những hướng dẫn viên này bị phạt khoảng 4.200 USD còn công ty lữ hành thuê họ bị tịch thu giấy phép hoạt động và phạt khoảng 560 USD. Cũng trong tháng này, tỉnh Khánh Hòa đã trục xuất 66 người Trung Quốc hoạt động trái phép trong ngành du lịch.

Khách du lịch Trung Quốc được cho là có một số nét đặc thù và nhiều khách Trung Quốc gây phản cảm ở Việt Nam. Hồi tháng Sáu, một khách Trung Quốc đã đốt tiền Việt Nam ở một quán bar tại Đà Nẵng. Hồi tháng Năm, một số khách Trung Quốc bị cáo buộc đã đe dọa nhân viên Sân bay quốc tế Cam Ranh gần Nha Trang.

Video trên trang Shanghaistchiếu hình du khách Trung Quốc tranh giành nhau trái cây miễn phí ở một khách sạn Việt Nam. Sau 6 giây đã không còn gì trên đĩa.

Nguồn thu cho kinh tế địa phương

Mặc dù có hệ lụy, nhiều người Việt Nam ghi nhận sức mua của khách du lịch Trung Quốc. Như lời ông Tuấn ở công ty In-Out Tour nói: “thực ra ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đang thúc đẩy ngành du lịch và kinh tế địa phương”.

Đà Nẵng và Nha Trang giờ đây là điểm đến yêu thích của nhiều người Trung Quốc. Chính quyền các thành phố này tìm cách đáp ứng nhu cầu của du khách Trung Quốc tốt hơn.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nói với tờ SCMP rằng khách du lịch Trung Quốc ức chế vì thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung người Việt Nam. Vì vậy, Sở du lịch Đà Nẵng đang đào tạo thêm nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu này.

Trong một tin có liên quan khác, hãng hàng không VietJet chuẩn bị mở đường bay hàng tuần từ Trịnh Châu đi Đà Nẵng vào ngày 12/1/2017.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38488211

 

Ý kiến về cam kết ‘chịu trách nhiệm

nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’

Bộ trưởng Công thương trong những ngày qua được chú ý nhiều sau khi cam kết ông ‘sẽ chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được một tờ báo Việt Nam hôm 30/12 dẫn lời: “Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ lụy nào.”

“Bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa.”

“Chúng tôi khẳng định không phải lợi ích nhóm hay bảo thủ bất chấp môi trường để phát triển dự án mà đó là quan điểm phát triển. Tuy nhiên, Bộ Công Thương luôn tiếp cận cởi mở, cầu thị, có trách nhiệm với tất cả những luồng dư luận về dự án này và quy hoạch này.”

Các báo trong nước ghi nhận lời Bộ trưởng Tuấn Anh nói ông “sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná có hệ lụy”.

‘Không đoái hoài tới phản biện khoa học’

Hôm 2/1, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Anh Tuấn, người từng thực hiện điều tra độc lập vụ Formosa gây thảm họa cá chết năm 2016, bình luận: “Nếu đó đúng là phát ngôn của Bộ trưởng Tuấn Anh thì những lời đó rất thiếu trách nhiệm, coi thường dư luận và coi trọng chức vụ của ông.”

“Tôi không hiểu tại sao ông ấy có thể phát ngôn như vậy sau hệ lụy của vụ Formosa ảnh hưởng đến sinh kế của cả triệu người dân ở miền Trung và thiệt hại kinh tế lên đến hàng triệu đôla.”

“Ai cũng biết từ khi một dự án thép bắt đầu thi công đến khi gây hậu quả thường mất bảy, tám năm. Lúc ấy thì đằng nào ông ấy cũng đã về hưu rồi.”

“Phát ngôn của ông Tuấn Anh và các quan chức khác về thép Cà Ná cho thấy phản biện và quan ngại xác đáng của các nhà khoa học cũng như các tổ chức xã hội dân sự không được đoái hoài đến.”

“Ngoài ra, ở đây còn có vấn đề xung đột lợi ích… [ông Tuấn Anh được cho là có quan hệ thân tình với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ] nên rất cần có quy trình giám sát, kiểm soát xung đột lợi ích trong dự án này.”

“Nếu có trám được lỗ hổng pháp lý này thì người dân mới có lòng tin về phát ngôn của quan chức.”

Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu?

Cùng ngày, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, một người dân Ninh Thuận, nói với BBC: “Nếu Bộ trưởng Tuấn Anh tự tin về việc ngành Công thương quản lý chặt chẽ dự án thép thì phát ngôn của ông có thể xem là dũng cảm.”

“Tuy vậy, tôi cũng như những người dân ở Ninh Thuận mong muốn rằng nếu chính phủ nhận thấy những người đề xuất dự án này đủ năng lực vận hành nhà máy thì cấp phép, nhưng phải đi kèm việc kiểm tra công nghệ thật gắt gao.”

“Bằng không thì nhà máy thép ra đời sẽ gây thảm họa tại vùng Nam Trung Bộ và khiến người dân vùng này đau khổ bởi những thiệt hại không thể bù đắp được.”

Dự án thép Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký với Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.

Dự án gây phản ứng mạnh trong dư luận do quan ngại về hệ lụy môi trường tương tự vụ Formosa gây thảm họa cá chết hồi năm ngoái.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38413043