Chính sách của Nga về Ukraine trong khuôn khổ một ‘chuyển biến’ rộng lớn hơn
Theo VOA – al-Pessin – 25.04.2014
LONDON — Sự can thiệp của Nga vào Ukraine gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia, nhưng một số người cho rằng điều đó lẽ ra phải nằm trong dự kiến một phần dựa vào một điều gì đó đã xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái ở Armenia không được chú ý mấy.
Những nụ cười rạng rỡ đã được các ống kính ghi lại khi Tổng thống Armenia gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 và bày tỏ ý định tham gia Liên đoàn Hải quan do Nga lãnh đạo. Nhà lãnh đạo Armenia đã bỏ ngang hơn hai năm thương lượng về một thỏa thuận lập hội với Liên hiệp châu Âu.
Áp lực của Nga có tác dụng trong tình huống đó, nhưng lại phản tác dụng hai tháng sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cũng làm như thế, châm ngòi cho nhiều tháng biểu tình, một cuộc đàn áp tàn bạo và việc ông bị quốc hội lật đổ, nơi các thành viên trong chính đảng của ông lại bỏ phiếu chống lại ông.
Ðiều đó khiến Tổng thống Putin đứng trước lựa chọn – chấp nhận những thay đổi tại Ukraine và có khả năng mất đi quan hệ đặc biệt của ông với thêm các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ, hoặc có biện pháp và hy sinh mối quan hệ của ông với phương Tây.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khu vực tại Armenia, ông Richard Giragosian phát biểu qua Skype:
“Chính sách của Nga đã biến chuyển đáng kể, ở chỗ các giới hạn và hạn chế không còn áp dụng được nữa. Và điều quan trọng hơn là Nga nay kiên quyết và cam kết đẩy ngược trở lại và rút ra khỏi việc giao tiếp với EU trong cái được gọi là ‘gần nước ngoài.”’
Sự chuyển biến gây bất ngờ cho các nhà lãnh đạo Âu châu, nhưng lẽ ra họ không nên lấy làm ngạc nhiên, nhất là có liên quan đến Ukraine, theo bà Nina Schick thuộc trung tâm nghiên cứu Châu Âu Mở ở London.
Bà nói: “Một số người sẽ nói rằng đó là một sai lầm mà các nhà lãnh đạo Âu châu đã mắc phải khi họ không chú trọng nhiều hơn đến lập trường của Nga. Thực tế là vòng ảnh hưởng của Nga ở Ukraine lớn hơn nhiều so với có lẽ điều mà họ muốn thú nhận.”
Nhưng ông Richard Giragosian không đồng ý và nói rằng 25 năm sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, điều hợp lý là trông đợi Nga chấp nhận việc các nước chư hầu trước đây của họ xoay qua phương Tây. Ông nói chính sách hiện hành của Nga đi ngược lại với chính quyền lợi của họ.
Ông Giragosian giải thích: “Ðó là một sự theo đuổi ngắn hạn và thiển cận. Thực vậy, họ đang tạo dựng hoặc cố gắng dựng lại một Bức Màn Sắt mới qua khu vực của khối Liên bang Xô Viết cũ.”
Theo ông Giragosian, các quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ sẽ cưỡng lại những động thái như thế và phương Tây sẽ áp đặt các giá cả kinh tế đáng kể nếu Nga tiếp tục dùng vũ lực để tìm cách áp đặt ý muốn của họ lên Ukraine hay các lân quốc khác.