Tin Việt Nam – 25/12/2016
Thanh Trúc, RFA
Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ, được biết đến qua Mục sư Nguyễn Công Chính với bản án 11 năm tù giam, sẽ không được phép tổ chức lễ Giáng Sinh năm nay.
Hôm 22/12, một thầy truyền đạo người dân tộc trong giáo hội này bị đánh vì phản đối lệnh triệu tập cũng như lệnh cấm tổ chức lễ Giáng Sinh.
Công an tra khảo, cấm tổ chức Giáng Sinh
Người báo tin này là vợ Mục sư Nguyễn Công Chính, cũng từng bị công an sách nhiễu đánh đập trước đây:
“Tôi là Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính. Từ ngày 15/12 cho đến ngày hôm nay những anh em đồng đạo trong Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ chúng tôi, đặc biệt một số anh em ở tình Đak Lak, thì ngày nào cũng bị công an tỉnh Dak Lak bắt lên khảo tra và cấm anh em chúng tôi không được thờ phượng, không được tổ chức lễ Giáng Sinh trong mùa lễ này.
Anh em không đồng ý thì công an tỉnh Dak Lak dùng vũ lực đánh đập anh em, đó là tin tôi mới được báo lại. Khi họ đưa giấy mời thì chúng tôi vẫn có giấy mời và ngày giờ đàng hoàng, nhưng khi lên trên đó làm việc thì họ cấm anh em bằng miệng thôi, họ không có văn bản rõ ràng.”
Thanh Trúc: Xin bà cho biết rõ hơn về trường hợp một thầy truyền đạo ở Dak Lak bị công an đánh hôm 22/12 vừa qua?
Bà Trần Thị Hồng: Công an tỉnh Dak Lak bắt thầy truyền đạo Y Khen và đánh đập thầy rất dã man. Thầy Y Khen B’đáp là người dân tộc Ê-đê. Y Khen B’Đáp và Y Ven là hai thầy ở Dak Lak, nhưng người bị đánh ở đây là thầy Y Khen.
Chúng tôi có hình ảnh 2 thầy và có giấy triệu tập của công an địa phương ở tỉnh Dak Lak. Khi mà họ đưa giấy mời thì anh em không đồng ý, họ dùng lực lượng công an xuống để áp tải anh em đi.
Đây là những thầy đã từng bị bắt và kêu án, đã từng nhiều năm ở trong tù rồi, nay họ được về và đang tiếp tục bị đàn áp. Chúng tôi có đủ bằng chứng để chứng minh sự đàn áp về mặt tôn giáo ở tại Daklak.
Thanh Trúc: Theo bà thì trong tình hình như vậy, Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ có dám tổ chức thánh lễ, có hội họp để cầu nguyện không?
Bà Trần Thị Hồng: Chúng tôi đã từng ra đến chính phủ để mà đăng ký về tư cách pháp nhân rồi nhưng chính phủ nói đợi thời gian xem xét, cuối cùng thì bị công an địa phương đàn áp.
Cho nên khi đến mùa lễ Giáng Sinh thì chúng tôi chỉ thờ phượng một cách âm thầm, chứ còn đến đăng ký thì họ không bao giờ cho phép đâu.
Sức khỏe Mục sư Nguyễn Công Chính trong tù
Thanh Trúc: Nhân đây xin được hỏi thêm là hôm 11/12 vừa qua bà cho biết tin mục sư Nguyễn Công Chính bị dời từ trại giam An Phước ở Bình Dương về Xuân Lộc ở Đồng Nai. Ngày 13/12 bà đi thăm nuôi và được gặp mặt ông, bà thấy sức khỏe của mục sư Chính như thế nào?
Bà Trần Thị Hồng: Tình trạng sức khỏe của ông rất kém bởi vì hiện ông đang bị cách ly tức biệt giam, kèm theo đó bịnh huyết áp của ông cũng nặng rồi bịnh viêm xoan mũi cấp tính nữa.
Ông không được điều trị, thuốc men tôi đem vô thỉ họ cũng trả về họ không cho ông dùng. Kinh Thánh, Thánh ca tôi đem vô họ cũng trả về.
Thanh Trúc: Thưa bà Trần Thị Hồng, hiện tại bản thân bà còn bị trở ngại gì không?
Bà Trần Thị Hồng: Từ ngày 13 tôi đi thăm nuôi trở về là tôi bị công an tỉnh Gia Lai bố rắp, canh giữ mẹ con tôi ngày đêm. Họ không có đánh đập tôi như vào tháng Tư năm 2016 , tuy vậy họ canh giữ tôi ngày đêm.
Khi tôi đưa con đi học thì họ cũng áp tải đi, khi tôi về họ cũng áp tải về, coi tôi giống như một phạm nhân vậy đó. Nhà tôi họ canh giữ ngày đêm, tối đến thì họ canh gác phía ngoài phía trong.
Họ biến ngôi nhà của mẹ con tôi không khác gì nhà tù cả, không cho tôi ra khỏi địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo qui định của trại giam Long Khánh, Đồng Nai một tháng họ cho thăm nuôi một lần. Nếu đi thăm nuôi thì tôi phải xuống Sài Gòn, từ Sài Gòn xuống Đồng Nai, từ Đồng Nai đi tiếp tới Long Khánh rồi từ Long Khánh lại đi vô tiếp tới trại giam.
Một đoạn đường rất xa xôi, rất khó khăn, đó là một trong những điều tôi thấy lo lắng.
***
Trên đây là một số thông tin mới nhất về trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính và Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ mà ông là một trong những người truyền đạo.
Mục sư Nguyễn Công Chính bị bắt ngày 28/04/2011, với cáo buộc “âm mưu chống phá nhà nước Việt Nam”, vi phạm Điều 87 Bộ Luật Hình. Phán quyết 11 năm tù giam mà tòa sơ thẩm tuyên buộc đối với mục sư Nguyễn Công Chính được tòa phúc thẩm sau đó giữ y án.
Không chỉ mục sư Nguyễn Công Chính bị đối xử hà khắc trong tù, vợ ông là bà Trần Thị Hồng cùng 4 con nhỏ thường xuyên bị công an chận đường đe dọa, thậm chí mạnh tay hành hung bà.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/church-on-highlands-bannned-xmas-tt-12232016124337.html
Trao đổi Thư tín ngày 24.12.2016
Hòa Ái, RFA
Những âm thanh rộn ràng vui tươi vang lên từ các nhà thờ và khắp ngõ ngách trong nhịp sống ở thành thị tới nông thôn, khiến hết thảy chúng ta nhận ra thêm một mùa lễ Giáng sinh lại về và một năm mới sắp đến với tha nhân. Trong không khí lễ lạc cuối năm, người Việt thường chào hỏi nhau qua câu “Giáng sinh an lành và Năm mới hạnh phúc”.
Riêng trong dịp lễ cuối năm 2016, cũng những lời chúc tụng như thế, nhưng Hòa Ái ghi nhận những người con dòng dõi Lạc Hồng ít nhiều ngậm ngùi cho quê hương Việt Nam trong bối cảnh đất nước sau 30 năm đổi mới.
Việt Nam sau 30 năm đổi mới
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện chính sách Đổi mới từ năm 1986 và kiên định theo đuổi mục tiêu sẽ trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020. Suốt ba thập niên đổi mới quốc gia, hiện trạng của Việt Nam như thế nào?
Nợ công đang ở mức báo động, chiếm gần 64% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chia trung bình là mỗi người dân phải gánh khoản nợ gần 29 triệu đồng và Ngân hàng Thế giới-World Bank dự báo mức nợ công của Việt Nam tiếp tục tăng trong hai năm tới.
Về nông nghiệp, mặc dù Việt Nam vươn lên trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng gạo và nông sản nhưng đời sống của người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, mô hình xây dựng nông thôn mới không đạt hiệu quả; kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…gây nên sự xáo trộn, làm ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân, mà điển hình là làn sóng di cư rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long đáng báo động.
Về mặt kinh tế thương mại và tài chính ngân hàng, người đứng đầu Chính phủ Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ xấu của Việt Nam là vấn đề nghiêm trọng, quá trình quốc hữu hóa doanh nghiệp nhà nước còn quá nhiều bất cập, nhiều dự án ngàn tỷ thua lỗ, và không ít những dự án, công trình lợi bất cập hại như nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung hay các đập thủy điện đồng loạt xã lũ trong mùa mưa bão đã đẩy đời sống người dân đến cảnh khốn cùng.
Trước thông tin trong năm 2016, có hơn 200 người dân thiệt mạng, hàng trăm căn nhà bị ngập và hư hại, hàng chục ngàn héc-ta lúa và hoa màu bị hư hại do lũ mà dư luận cho rằng bởi nhân tai vì các đập thủy điện tập trung xã lũ theo “đúng quy trình”, thính giả Long Võ từ Việt Nam bày tỏ với RFA:
Phải rồi, xả lũ đúng quy trình nên người dân chết cũng đúng quy trình. Năm sau xả gấp đôi năm trước. Nhân mạng, tài sản cứ thế mà bị thiệt hại đúng quy trình. Ngày mai đến lượt tôi, rồi đến các bạn. Chúng ta nên sẵn sàng cho những cái chết đúng quy trình nếu chúng ta không lên tiếng
-Thính giả Long Võ
“Phải rồi, xả lũ đúng quy trình nên người dân chết cũng đúng quy trình. Năm sau xả gấp đôi năm trước. Nhân mạng, tài sản cứ thế mà bị thiệt hại đúng quy trình.
Ngày mai đến lượt tôi, rồi đến các bạn. Chúng ta nên sẵn sàng cho những cái chết đúng quy trình nếu chúng ta không lên tiếng.”
Chia sẻ của thính giả Long Võ cũng là suy nghĩ của nhiều người dân đang sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, bất kỳ ai có tiếng nói phản biện về hiện trạng quốc gia thì hầu như bị bắt bớ, giam cầm.
Hàng trăm tù nhân lương tâm trong các nhà tù dọc từ Nam ra Bắc với những tên tuổi như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hữu Vinh, Đinh Nguyên Kha, Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thuê, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… và còn rất nhiều người khác nữa phải chịu cảnh tù đày chỉ vì mong muốn đất nước quê hương được tốt đẹp hơn.
Và còn đó hàng triệu người dân Việt Nam đang sống trong một đất nước mà tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch đánh giá là vi phạm nhân quyền. Mời quý vị cùng nghe tâm tình của thính giả Đặng Xuân Hà, anh trai tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu:
“Em mình đã vào con đường đó rồi thì phải sống với tinh thần phó thác. Giúp được cho em mình điều gì thì cũng cố gắng hết mình. Còn cái gì ngoài khả năng, không thể làm được thì cũng phải phó thác. Mong mọi người quan tâm giúp đỡ bằng cách này hay cách khác, từ lời ăn tiếng nói hay động viên hay đấu tranh gì đó…Rất mong nhận được tiếng nói của cộng đồng.”
Tổng Bí thư thừa nhận Đảng CSVN suy thoái
Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã được thừa nhận mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 bị thất bại tại cuộc họp cuối cùng của Quốc Hội khóa 13, hồi tháng 4 năm 2016. Với những hậu quả tràn lan trong mọi mặt của quốc gia, vào đầu tháng 12 này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị suy thoái.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định nghiêm cấm không một ai được bôi nhọ, kích động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:
Tôi thấy chính các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam tự bôi nhọ và kích động chống phá nhau còn nhân dân thì vẫn kiên trì với sự nghiệp cách mạng vì dân giàu nước mạnh đấy thôi. Đó là người dân, trong đó có tôi thiết tha yêu cầu hãy đổi mới đất nước không theo chế độ Cộng sản
-Thính giả RFA
“Xấu thì nói xấu chứ chẳng lẽ nói tốt sao được. Tự mình bôi xấu mình rồi. Cần gì ai bôi mới xấu nữa.”
“Muốn xây dựng Đảng phải lấy dân làm gốc, lắng nghe những góp ý phê bình dù những lời khó nghe nhất. Vì trong một gia đình, một xã hôi, một tổ chức chỉ tự mình phê bình mình thì làm sao tiến bộ, làm sao hôi nhập? Mình không làm sai thì ai nói xấu mình được?”
“Nói nhân dân là chủ, thừa nhận có tiêu cực nhưng không cho phép ai chống Đảng vì đó là chuyện nội bộ của Đảng, để Đảng tự đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi. Thiệt là hài hước, thưa ông Nguyễn Phú Trọng.”
“Thật tình không hiểu ông Tổng Bí thư nói gì và muốn gì. Là người lãnh đạo đất nước như ông thì Việt Nam chỉ thêm nghèo và lạc hậu mà thôi.”
“Xấu thì nói xấu, không thể bẻ mồm nói tốt được. Cho dù nghĩ tốt nhưng thực hiện không tốt thì nên vứt đi cho vừa lòng đa số. Liên bang Xô Viết, khối Cộng sản Đông Âu đã sụp đổ từ mấy chục năm qua, đất nước của họ bây giờ đang tiến lên trong sự giàu mạnh rồi. Nếu thương nước, thương nòi thì hãy bỏ cái bóng ma cộng sản đi để trở về với thế giới tự do, nhờ sự tương trợ cho đất nước được thật sự phồn vinh.”
“Chủ nghĩa Cộng sản là một sản phẩm sai lầm của nhân loại. Sự sai lầm ấy cần thay đổi chứ không thể khắc phục được.”
“Tôi thấy chính các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam tự bôi nhọ và kích động chống phá nhau còn nhân dân thì vẫn kiên trì với sự nghiệp cách mạng vì dân giàu nước mạnh đấy thôi. Đó là người dân, trong đó có tôi thiết tha yêu cầu hãy đổi mới đất nước không theo chế độ Cộng sản.”
Đất nước Việt Nam đổi mới sau một chặng đường dài 30 năm với bức tranh có nhiều mảng tối trong tâm tưởng của hàng ngàn người dân được gọi tên là “Dân oan”. Những người dân bị buộc phải trở thành nạn nhân của sự oan khiêng, khuất tất vì Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo suy thoái, trong ngày lễ Giáng sinh năm 2016 nhen nhúm trong lòng chút ánh sáng hy vọng trước tin tử tù Hàn Đức Long được thả về nhà sau 11 năm tù oan.
Ông Nguyễn Trường Chinh, thân phụ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, bùi ngùi chia sẻ gia đình ông và gia đình tử tù Hồ Duy Hải ở Long An, đang trông đợi giây phút được đón đứa con thân yêu của họ như gia đình của tử tù Hàn Đức Long:
“Khi chúng tôi nghe tin Hàn Đức Long được thả tự do, chúng tôi rất xúc động và lâng lâng trong người không sao tả nỗi vì họ là một người oan sai được thả tự do. Còn con chúng tôi là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải chưa được.
Thành thử chúng tôi có một chút hy vọng làm sao nhà cầm quyền có thể nghĩ lại để cho con chúng tôi được minh oan. Chúng tôi vẫn đấu tranh liên tục, chưa ngừng nghỉ một phút nào cả, mà bản thân tôi cũng đấu tranh cho tất cả mọi người dân oan khác chứ không riêng gì con tôi.”
Trong không khí an lành của ngày Giáng sinh, Hòa Ái trò chuyện với bé gái Nguyễn Thị Thanh Hải, 10 tuổi, con của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, và được biết em đếm tuổi mới bằng số năm bố bị ở tù oan. Em nói cứ mỗi mùa Giáng sinh về, em gửi một điều ước đến ông già Noel trong niềm tin tuyệt đối rằng bố sẽ về mà thôi.
“Con muốn xin cho bố con được về. Con ao ước là bố con được về với con luôn.”
Quý thính giả quý mến, một điều ước, một món quà nhân dịp lễ Giáng sinh của bé Nguyễn Thị Thanh Hải đang trông đợi tưởng chừng như rất giản dị để trở thành hiện thực. Hòa Ái nguyện cầu một phép nhiệm màu sẽ đến với em.
Và Hòa Ái cũng mong rằng toàn thể quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do cho phép lòng mình được đơn sơ như trẻ nhỏ để tin tưởng quê hương Việt Nam chắc chắn được tươi sáng.
Mục Trao đổi Thư tín đến đây xin tạm dừng. Trước khi dứt lời Hòa Ái xin lưu ý Ban Việt ngữ đã thay đổi số điện thoại dành cho quý thính giả tại Hoa Kỳ để nghe các chương trình phát thanh của đài. Số điện thoại mới là số 605-477-9616.
Quý thính giả sau khi bấm vào dãy số vừa nêu, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh của Ban Việt ngữ, Đài RFA.
Nghe RFA qua RFAMobile Streamer App
Quý thính giả RFA trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị hãy sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android.
Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Thay mặt Ban Việt ngữ, Hòa Ái kính chúc quý vị một ngày lễ Giáng sinh an lành.
Con trai cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
xin rút khỏi hội đồng quản trị Sabeco
Hai ngày sau khi cựu bộ trưởng Bộ Công Thương cộng sản Việt Nam Vũ Huy Hoàng bị quốc hội ra nghị quyết “phê phán trước toàn dân” do những vụ bổ nhiệm bê bối của ông thời tại chức, con trai ông là Vũ Quang Hải đệ đơn xin rút lui khỏi hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phẩn Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Truyền thông trong nước hôm Chủ Nhật 25/12 đưa tin, Sabeco đã báo cáo việc ông Hải từ nhiệm lên Bộ Công Thương để xin chỉ thị. Theo báo mạng VnExpress, ông Vũ Quang Hải có giải thích về việc chọn thời điểm này để rút khỏi hội đồng quản trị. Theo đó, đây là thời điểm tốt để rút lui vì, theo lời ông Hải, kết quả kinh doanh năm 2016 của Sabeco là “hoành tráng”, và công việc thuộc trách nhiệm quản trị của ông “đã hoàn thành xong, để chứng minh năng lực của mình”.
Từ năm 25 tuổi, ông Vũ Quang Hải đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí Việt Nam PVFI. Sau đó ông được điều động về làm phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại, rồi chuyển sang làm kiểm soát viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba, và cuối cùng được điều chuyển về Sabeco làm phó tổng giám đốc.
Tháng 6 năm nay, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam VAFI đệ đơn tố cáo các vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là thiếu minh bạch, mang tính vụ lợi và bị nghiêm cấm theo luật phòng chống tham nhũng.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/con-trai-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-xin-rut-khoi-hoi-dong-quan-tri-sabeco/
Việt Nam có nguy cơ mất thị trường cá da trơn tại Liên Âu
Do những lo ngại về chất lượng cá da trơn xuất cảng, Việt Nam đứng trước nguy cơ đánh mất toàn bộ thị trường Liên Âu.
Ông Charles Diener, giám đốc và nhà sáng lập công ty OFCO Sourcing Vietnam có trụ sở tại Sài Gòn, đưa ra cảnh cáo vừa nêu tại một diễn đàn kỹ nghệ mới đây tại Hà Nội. Theo báo mạng VietnamNet hôm 20 tháng 12, thống kê mới nhất cho thấy trong 10 tháng kết thúc vào tháng 11 năm 2016, xuất cảng cá da trơn của Việt Nam sang Liên Âu giảm 11.5% còn 217.7 triệu Mỹ kim. Các thanh tra viên Liên Âu phát giác các lô hàng hải sản Việt Nam chứa quá nhiều nước và những liều lượng hóa chất và dược phẩm vượt mức hợp lệ.
Theo báo mạng VnExpress, mới đây các thanh tra viên ngay tại Việt Nam cũng đã tìm thấy những chất kháng sinh cấm và vi sinh vật gây bệnh trong 134 lô cá da trơn xuất cảng. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết như vừa nêu, nhưng không tiết lộ tổng khối lượng và giá trị của các lô hàng. Song song với Liên Âu, xuất cảng cá da trơn của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cũng đi xuống kể từ năm 2009. Kim ngạch xuất cảng năm 2015 là 285.1 triệu Mỹ kim, giảm gần một nửa so với 7 năm trước.
Hiện nay điều duy nhất giúp giữ cho kỹ nghệ này sống sót là nhu cầu từ Trung Cộng tăng vọt. Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất cảng cá da trơn sang Trung Cộng tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 235.5 triệu Mỹ kim, chiếm một thị phần bằng 17%.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/viet-nam-co-nguy-co-mat-thi-truong-ca-da-tron-tai-lien-au/