Tin khắp nơi – 24/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Châu Á muốn Mỹ lãnh đạo khu vực

Châu Á Thái Bình Dương, khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới, mong muốn Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở đây.

Mặc dù lợi ích lâu dài của Washington và sự can dự của Mỹ ở khu vực châu Á được đón nhận ở khu vực, nhưng những phát biểu từ Washington, nhất là sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống, đôi khi làm các nước châu Á thấy bối rối.

Do đó, theo báo cáo của tổ chức Asia Foundation công bố tại Washington đầu tháng này, trong khi hầu hết các quốc gia châu Á muốn Mỹ tiếp tục vai trò tái cân bằng chiến lược lâu dài, họ cũng đang chào đón một Trung Quốc đang nổi lên để giúp cho sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Tế của Đại học Chulalongkon có trụ sở ở Bangkok, nhận định mặc dù chính sách xoay trục châu Á được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nhưng trong hầu hết 8 năm qua, chính sách này không được thực hiện một cách thích hợp. Do đó, theo ông, nhiều nước châu Á, nhất là trong khu vực Đông Nam Á, đã tìm đến Nhật, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng thế lực trong vùng.

Giáo sư Pongsudhirak:

“Ở Đông Nam Á, Nhật có vai trò giống như là Mỹ đã từng đóng. Các nước Đông Nam Á, họ không muốn tìm đến Trung Quốc. Không ai muốn cả. Nhưng họ bị bắt buộc phải làm thế vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Và khi Nhật Bản tiến lên 1 chút (trong vai trò lãnh đạo) họ ủng hộ ngay.”

Theo giáo sư Pongsudhirak, một trong những tác giả của bản báo cáo, Thái Lan và Philippines đã không còn là đồng minh của Mỹ trong khu vực nữa vì họ đã thất vọng về Mỹ và tìm đến Trung Quốc.

Mỹ là một cường quốc chính ở châu Á trong 70 năm qua. Chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Tổng thống Barack Obama được đưa ra năm 2010 phát ra những tín hiệu về sự chuyển dịch quyền lực về kinh tế, chính trị và chiến lược hướng về châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Asia Foundation về “Quan điểm châu Á về vai trò của Mỹ ở khu vực”, trong khi châu Á hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh và đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của khu vực thì đang có những mối lo ngại rằng chính quyền tiếp theo ở Mỹ sẽ lưỡng lự trong vai trò lãnh đạo.

Bản báo cáo này cho biết đã có nhiều ý kiến ở Mỹ về việc chấm dứt những cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở châu Á và nhận định rằng điều này sẽ làm phương hại nặng nề đến lợi ích của cả Mỹ và khu vực, và sẽ đẩy các quốc gia châu Á tìm đến những cường quốc khác để đảm bảo cho an ninh của chính họ.

Giới chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục có mặt ở châu Á để kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sau 35 năm phát triển kinh tế nhanh chóng với chính sách mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc giờ đây đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Giáo sư Pongsudhirak nói nếu Mỹ không tiếp tục hướng về châu Á thì khu vực này sẽ vẫn phải tiếp tục tiến lên mà không có Mỹ.

Ông cho biết: “Nếu (Mỹ) không can dự, không tiếp tục thì chính sách tái cân bằng sẽ được thay đổi bằng cách nào đó, có thể dưới một cái tên khác hoặc bắt đầu lại nhưng điểm mấu chốt là phải tái cân bằng lại những lợi ích chung và tiếp tục can dự bằng một cách khác. Còn nếu Mỹ không muốn thì Đông Nam Á vẫn sẽ tiếp tục tiến lên. Thái Lan và Philippines đã nhìn thấy điều đó và họ đã làm rồi.”

Theo Trung tâm Nghiên cứu PEW, phần lớn người dân ở Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật và Indonesia muốn Mỹ là một thế lực đối trọng với Trung Quốc.

http://www.voatiengviet.com/a/chau-a-muon-my-lanh-dao-khu-vuc/3648885.html

 

Mỹ lên án IS thiêu sống 2 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ

Hoa Kỳ lên án vụ hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết.

Một nhóm theo dõi hoạt động khủng bố có trụ sở ở Hoa Kỳ và các nguồn tin truyền thông cho biết là một băng video do IS phát tán chiếu cảnh hai tù binh của IS, là hai quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiêu sống tới chết ở Syria hôm thứ Năm.

Nhóm SITE Intelligence Group chuyên theo dõi các hoạt động trên mạng của IS cho biết tổ chức IS ở tỉnh Aleppo tại Syria đã tung lên mạng một đoạn video chiếu cảnh hai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa ra khỏi một chiếc cũi, cả hai bị trói bằng xích sắt rồi sau đó bị thiêu sống.

Hiện chưa kiểm chứng được tính xác thực của đoạn video này một cách độc lập.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Peter Cook nói trong một thông báo:

“Nếu sự thật là đúng như vậy thì Hoa Kỳ cực lực lên án hành động dã man này, đây là lý do tại sao chúng tôi quyết tâm đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIL. Chúng tôi xin chia buồn cùng các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã đóng một vai trò thiết yếu trong liên minh quốc tế chống ISIL. Sự phẫn nộ này sẽ củng cố thêm quyết tâm của chúng tôi, tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và toàn thể liên minh để tiêu diệt ISIL ở Syria, Iraq và những nơi khác.”

Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã phổ biến một video tương tự vào tháng 2 năm 2015, chiếu cảnh một phi công lái máy bay chiến đấu người Jordani bị IS bắt, rồi phóng hoả thiêu sống trong khi bị nhốt trong một chiếc cũi.

http://www.voatiengviet.com/a/my-len-an-is-thieu-song-2-binh-si-tho-nhi-ky/3648384.html

 

Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ gây tổn hại quan hệ mậu dịch

Báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 23/12 lên tiếng báo động và khuyến cáo về ‘một cú ngã bài với Mỹ’ sau khi Tổng thống tân cử Donald Trump đề cử ông Peter Navarro, một kinh tế gia có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia của Tòa Bạch Ốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh về những lợi ích thương mại của cả đôi bên Mỹ-Trung, cảnh báo động thái của tân chính quyền Mỹ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ song phương.

Ông Navarro, một học giả và có thời là cố vấn đầu tư, là tác giả cuốn sách “Chết vì Trung Quốc: Mỹ mất nền sản xuất như thế nào.” Sách được làm thành một phim tài liệu nói về tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự tại châu Á.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/12 tuyên bố theo dõi từng bước đi của toán chuyển tiếp của ông Trump cùng chiều hướng chính sách của Tổng thống tân cử và nói rằng hợp tác giữa 2 nước là lựa chọn duy nhất.

Ông Trump, một đảng viên Cộng hòa đặt thương mại là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử và chống lại điều ông gọi là những thỏa thuận thương mại tồi tệ Hoa Kỳ đã ký kết với những nước khác. Ông đe dọa sẽ áp đặt thuế quan cao đối với Mexico và Trung Quốc sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2017.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, Shen Dangyang, ngày 23/12 lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thấy được những lợi ích hỗ tương về thương mại với Trung Quốc và rằng hợp tác sâu rộng giữa hai nước sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên ông nhấn mạnh là Hoa Kỳ cần cẩn thận để không lặp lại những sai lầm.

Những biện pháp thương mại nghiêm ngặt với Trung Quốc thường bị trả đũa, trong đó có việc Bắc Kinh đặt thuế quan cao hay phạt tiền các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Trong ngày 23/12, Trung Quốc loan báo liên doanh General Motors với Mỹ tại Trung Quốc sẽ bị phạt 28, 95 triệu đô la vì độc quyền giá cả.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-canh-bao-my-cho-gay-ton-hai-quan-he-mau-dich/3649200.html

 

Tập Cận Bình ủng hộ nỗ lực ngăn Hong Kong độc lập

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 23/12 tuyên bố chính phủ trung ương Trung Quốc mạnh mẽ ủng hộ những nỗ lực của chính quyền Hong Kong ngăn chặn những hoạt động thúc đẩy độc lập cho trung tâm tài chính toàn cầu này.

Lãnh đạo Trung Quốc ngày càng quan ngại về các cuộc biểu tình gần đây tại Hong Kong và phong trào đòi độc lập tại cựu thuộc địa Anh vốn được trao trả cho Hoa lục vào năm 1997 với lời hứa tự trị.

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp ở quần thể Trung Nam Hải, nơi đặt các tòa nhà của chính phủ, ông Tập nói với trưởng quan hành chánh Hong Kong Lương Chấn Anh rằng chính phủ trung ương hoàn toàn ủng hộ việc làm của ông Lương.

Ông Tập nói thêm rằng sự thành công của Hong Kong dưới thỏa thuận khi trao trả lại cho Trung Quốc về “một quốc gia, hai hệ thống” là điều hiển nhiên trước mắt mọi người, dù ông công nhận không phải mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió.

Vẫn theo lời Chủ tịch Trung Quốc, Hong Kong đang phát triển bền vững về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, và Bắc Kinh muốn người dân Hong Kong hạnh phúc, hài hòa.

Trước đây trong tháng, ông Lương đột nhiên tuyên bố sẽ không tái ứng cử chức vụ Trưởng quan hành chánh vào năm tới vì lý do gia đình.

Ông Tập cho biết tôn trọng quyết định này và ca ngợi những việc làm của ông Lương nhất là đối với những vấn đề quan trọng như ngăn chặn phong trào đòi độc lập và giải quyết những cuộc biểu tình bạo động phù hợp với Luật Căn bản của Hong Kong.

http://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-ung-ho-no-luc-ngan-hong-kong-doc-lap/3649193.html

 

Singapore kêu gọi Hong Kong trả lại 9 xe bọc thép

Singapore ngày 23/12 tuyên bố đang chờ được trả lại 9 chiếc xe bọc thép bị thu giữ tại Hong Kong tháng rồi.

9 xe quân sự bọc thép trên đường được đưa từ Đài Loan sang Singapore hôm 23/11 bị hải quan Hong Kong thu giữ, dẫn tới căng thẳng giữa Trung Quốc với Singapore về mối quan hệ giữa đảo quốc sư tử với đảo tự trị Đài Loan mà Trung Quốc xem là một tỉnh của mình.

Bắc Kinh cảnh cáo các nước chớ có duy trì quan hệ quân sự với Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Singapore cho hay trong ba tuần qua, họ đã truyền đạt quan điểm chính thức của họ về hành động của chính quyền Hong Kong.

Bộ nói đang mong giải pháp hoàn toàn cho vấn đề và chờ chính quyền Hong Kong trả lại tài sản cho họ.

Vụ việc xảy ra giữa thời điểm có những tín hiệu căng thẳng giữa Trung Quốc với Singapore, nước trong năm qua đã tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và đã bày tỏ quan ngại về lập trường xác quyết chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Singapore, Vivian Balakrishnan, nói đây không phải là một ‘sự cố chiến lược’ và rằng Trung Quốc lâu nay đã biết rõ mối quan hệ giữa Singapore với Đài Loan.

Singapore và Đài Loan có quan hệ quân sự lâu dài bắt đầu từ những năm 70.

Bắc Kinh và Singapore tái lập quan hệ ngoại giao trong thập niên 90.

Trung Quốc nhiều lần khuyến cáo Singapore chớ can dự vào tranh chấp Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với các nước bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Singapore không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng nước này có hải cảng lớn nhất Đông Nam Á, nền kinh tế mở của Singapore phụ thuộc vào tự do hàng hải trong khu vực.

http://www.voatiengviet.com/a/singapore-keu-goi-hong-kong-tra-lai-9-xe-boc-thep/3649182.html

 

Hội đồng Bảo an LHQ

thông qua nghị quyết chống khu định cư Israel

Nỗi bực dọc trong chính phủ của Tổng thống Obama về sự phát triển các khu định cư của Israel dường như đã dâng trào hôm thứ Sáu, khi Mỹ không can thiệp và để cho một nghị quyết chống Israel được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một động thái được coi là “bất thường” đối với Washington.

15 thành viên của Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết với 14 phiếu thuận trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon, miêu tả nghị quyết này là “đáng xấu hổ” và nói Israel trước đó trông đợi sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Ông Danon nói hành động của Hội đồng Bảo an là “một thắng lợi cho khủng bố, hận thù và bạo lực.”

Đại sứ Power nói Mỹ quyết định bỏ phiếu trắng là vì những quan ngại về sự phát triển của các khu định cư Do thái trong vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng ở Bờ Tây, sẽ đe doạ giải pháp hai nhà nước hậu đi đến hoà bình ở Trung Đông, bằng cách tạo ra một nước Palestine sống hoà bình bên cạnh Israel.

Nói chuyện với các nhà báo sau cuộc biểu quyết, quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên Hiệp Quốc, ông Riyad Mansour miêu tả nghị quyết mới nhất là “có ý nghĩa sau nhiều năm bất động” và là một bước hướng tới việc hàn gắn “một vết thương chưa lành trong suốt 70 năm qua” đã cản trở nỗ lực dẫn tới hoà bình và ổn định trong khu vực.

Ông Mansour nói:

“Chúng tôi cảm thấy hài lòng rằng rốt cuộc Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết quan trọng, có thể nói là lịch sử về các khu định cư, để duy trì giải pháp hai quốc gia, cho phép chúng tôi tiếp tục hy vọng.”

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Israel hãy “ngay lập tức và hoàn toàn chấm dứt mọi hoạt động định cư trên lãnh thổ của Palestine mà Israel chiếm đóng, kể cả khu vực Đông Jerusalem.”

Nói chuyện với các nhà báo, Phó cố vấn an ninh của Toà Bạch Ốc Ben Rhodes nói: “Lương tâm của chúng tôi sẽ cắn rứt nếu chúng tôi phủ quyết nghị quyết này.”

Ông Rhodes nói chính quyền Israel đã liên tục làm ngơ những quan tâm của Mỹ về sự phát triển của các khu định cư Do thái trên những lãnh thổ Palestine mà nước này chiếm đóng từ năm 1967. Ông lưu ý rằng hiện có tới 90,000 dân định cư sinh sống ở phía Đông làn ranh mà chính Israel đã tạo ra.

Tổng thống tân cử Donald Trump muốn Mỹ phủ quyết nghị quyết này. Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, ông dùng trang Tweeter cá nhân để cảnh báo: “Mọi sự sẽ khác sau ngày 20 tháng Giêng”, là ngày ông lên nhậm chức.

http://www.voatiengviet.com/a/hoi-dong-bao-an-lhq-thong-qua-nghi-quyet-chong-khu-dinh-cu-israel/3649392.html

 

Cư dân Aleppo bắt đầu trở về

sau khi lực lượng nổi dậy rút lui

Hàng trăm người Syria đã trở về Aleppo hôm thứ Sáu để xem những gì đã xảy ra cho nhà cửa của họ sau khi các chiến binh nổi dậy cuối cùng rời thành phố ngày hôm trước.

Cư dân đã băng qua các khu xóm mà chỉ vài ngày trước còn là tuyến đầu của trận chiến để giành quyền kiểm soát thành phố Aleppo. Họ bới trong những đống đổ nát để tìm những vật dụng cá nhân. Một số đã không được về nhà trong suốt 5 năm qua.

Trong khi phần lớn thành phố không còn tiếng súng, bạo động lẻ tẻ vẫn tiếp diễn ở một vài nơi.

Truyền hình nhà nước tường thuật rằng các chiến binh nổi dậy bên ngoài Aleppo đã pháo kích một khu xóm bên trong thành phố này hôm thứ Sáu, giết chết 3 người.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, vẫn giám sát tình hình bạo lực ở Syria, nói rằng các cuộc không kích đã tái diễn tại các khu vực thôn quê bên ngoài Aleppo còn nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy.

Các lực lượng nổi dậy đã đồng ý rút quân ra khỏi thành phố sau khi bị đẩy bật khỏi 90% vùng lãnh thổ họ đã từng kiểm soát trong một chiến dịch quân sự kéo dài một tháng trời do quân đội Syria phát động.

http://www.voatiengviet.com/a/cu-dan-aleppo-bat-dau-tro-ve-sau-khi-luc-luong-noi-day-rut-lui/3649356.html

 

Đức truy lùng đồng loã của nghi can tấn công tại Berlin

Nước Đức đang truy lùng những người có thể là đồng loã của nghi can tấn công tại Berlin, một ngày sau khi đương sự bị hạ sát trong một vụ đọ súng với cảnh sát Ý ở Milan.

Giữa lúc cả nước Đức đang chuẩn bị cho đêm Noel thứ Bảy 24/12, nhà chức trách cho hay hàng trăm nhân viên điều tra sẽ làm việc trong suốt mùa nghỉ lễ để xúc tiến cuộc điều tra này.

Nói chuyện với các nhà báo ở Berlin hôm thứ Sáu, công tố viên trưởng Peter Frank cho biết các nhà điều tra đang tìm cách xác định liệu nghi can Anis Amri, một người Tunisia 24 tuổi, có được tiếp tay bởi một mạng lưới những kẻ ủng hộ y hay không.

Ông Frank nói các dấu tay xác nhận là Amri đã thực hiện cuộc tấn công đã giết chết 12 người và làm bị thương 56 người khác hôm thứ Hai vừa rồi. Tuy nhiên trưởng công tố Frank nói thêm rằng cuộc điều tra còn lâu mới chấm dứt. Ông nói:

“Điều rất quan trọng hiện nay là chúng ta phải tìm xem liệu có một mạng lưới những kẻ hậu thuẫn hoặc đồng loã với Amri hay không, những người được y tin cậy và đã tiếp tay chuẩn bị cho cuộc tấn công hay giúp hắn ta tẩu thoát sau đó.”

Người ta tin rằng Amri đã cướp một xe tải và lái chiếc xe này lao vào đám đông tại một ngôi chợ Giáng sinh ở Berlin. Nhóm Nhà Nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này.

Một băng video được liên kết với IS phát tán hôm thứ Sáu chiếu cảnh Amri tìm cách kích động thêm nhiều cuộc tấn công khác ở Châu Âu.

Băng thu hình, do hãng tin Amaq phát tán, chưa được kiểm chứng độc lập, nhưng trong quá khứ, các tài liệu do hãng tin có liên hệ với nhóm IS này công bố đều khá đáng tin.

Hôm thứ Sáu, cảnh sát Đức đã bắt giữ hai anh em đến từ Kosovo, bị tình nghi đang lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tấn công vào một trung tâm mua sắm ở Oberhausen thuộc bang Bắc Rhine-Westphalia ở Tây Đức.

Hiện không rõ liệu hai đương sự có liên hệ gì với vụ tấn công ở Berlin hay không.

http://www.voatiengviet.com/a/3649326.html

 

Nga: Hòa đàm cho Syria sẽ tổ chức ở Astana

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu cho biết Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã đồng ý mở hòa đàm ở thủ đô Astana của Kazakhstan để giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên vào dịp cuối năm, ông Putin nói chương trình sơ tán dân ra khỏi Aleppo hồi gần đây là “hoạt động nhân đạo quốc tế lớn nhất trong thế giới hiện đại” và sẽ không thể nào thực hiện được nếu không có sự “tham gia tích cực” của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng như “thiện chí và nỗ lực của Tổng thống Assad của Syria.”

Ông Putin cho biết bước tiếp theo cho Syria là một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc.

Cuộc hòa đàm ở Astana dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng Giêng.

Quân đội Syria cho biết đã tái chiếm thành phố Aleppo, đánh dấu thắng lợi lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad hoàn toàn kiểm soát thành phố Aleppo.

Các lực lượng nổi dậy đã đồng ý rút ra khỏi Aleppo sau một chiến dịch tấn công quân sự kéo dài một tháng. Trước đây lực lượng nổi dậy từng kiểm soát tới 90% diện tích thành phố này.

Chính phủ Syria loan báo tin tái chiếm Aleppo vài giờ sau khi đoàn xe sơ tán cuối cùng rời thành phố.

Hoa Kỳ vẫn quan ngại về chiến thắng của quân đội Syria, nêu lên tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng ở các khu vực khác của Syria, đồng thời cũng lo ngại cho tương lai của những người vừa sơ tán khỏi Aleppo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói: “Tôi không ở trong vị thế có thể phủ nhận tuyên bố của họ là đã chiếm lại toàn thể thành phố Aleppo, nhưng họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm ở Aleppo và đối với các cư dân Aleppo.”

Liên Hiệp Quốc cũng nêu lên những lo ngại về nguy cơ bạo lực gia tăng ở những nơi khác trên lãnh thổ Syria. Phát biểu tại Geneva hôm thứ năm, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria, ông Staffan de Mistura, cảnh báo rằng thành phố Idlib, điểm đến của nhiều người sơ tán, “có thể trở thành một Aleppo khác nữa.”

http://www.voatiengviet.com/a/nga-hoa-dam-cho-syria-se-to-chuc-o-astana/3648692.html

 

Israel chỉ trích nghị quyết của LHQ về các khu tái định cư

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói nghị quyết của LHQ kêu gọi chấm dứt việc xây dựng các khu tái định cư của Israel trên vùng lãnh thổ chiếm đóng là điều “đáng xấu hổ”.

Ông nhấn mạnh Israel sẽ không tuân theo nghị quyết mà 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ vừa bỏ phiếu vào hôm thứ Sáu 23/12.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói nghị quyết đã ‘giáng một đòn vào chính sách của Israel’.

Nghị quyết được thông qua sau khi Hoa Kỳ không dùng đến quyền phủ quyết để ngăn cản, là điều chưa từng có tiền lệ vì trước nay Washington vẫn bênh vực Israel trước những nghị quyết nhắm vào nước này.

Dự thảo của nghị quyết do Ai Cập đệ trình đã được rút lại sau khi Israel nhờ đến Tổng thống tân cử Donald Trump can thiệp, nhưng lại được các nước khác như Malaysia, New Zealand, Senegal và Venezuela đưa lên.

Nghị quyết, được 14 nước thành viên thông qua và không có phiếu phủ quyết nào, với Hoa Kỳ là nước duy nhất bỏ phiếu trống, yêu cầu Israel ‘ngưng xây dựng các khu tái định cư trên lãnh thổ nước này chiếm đóng của Palestine, bao gồm cả khu Đông Jerusalem’.

Nghị quyết nói các khu định cư Do Thái đã ‘vi phạm một cách trắng trợn luật pháp quốc tế và là trở ngại lớn cho việc đạt giải pháp ‘hai nhà nước’, và cho việc đạt hoà bình dài lâu, toàn diện, công bằng’.

Đây cũng là một trong những bất đồng lớn nhất giữa Israel và Palestine.

Có khoảng 500.000 người Do Thái sinh sống tại 140 khu tái định cư được Israel xây dựng kể từ khi Tel Aviv chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem vào năm 1967.

Phản ứng của Israel: ‘Kết bè kéo đảng tại LHQ’

Ông Netanyahu nói: “Israel phản đối bản nghị quyết nhục nhã có ý đồ chống lại Israel của LHQ và sẽ không tuân thủ theo các điều khoản nêu trong đó.

“Tại thời điểm mà Hội đồng Bảo an không làm gì để ngăn việc sát hại nửa triệu người ở Syria thì họ lại kết bè kéo đảng chống lại nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông là Israel và gọi Bờ Tây là ‘khu chiếm đóng’.”

Ông Netanyahu còn nói chính phủ của ông Obama “không chỉ thất bại trong việc bảo vệ Israel trước nạn bè cánh tại LHQ mà còn cấu kết với các nước này sau lưng Israel”, và cho biết mong muốn được hợp tác ngay với ông Trump.

Tel Aviv cũng thông báo đã triệu hồi đại sứ tại New Zealand và Senegal về nước để tham vấn, đồng thời ngưng tất cả các chương trình viện trợ cho Senegal.

Hiện tại Israel không có quan hệ ngoại giao với Malaysia và Venezuela.

Palestine nói gì?

Phát ngôn viên cho ông Abbas nói: “Nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã giáng một đòn vào chính sách của Israel, biểu lộ sự đồng tâm của cộng đồng quốc tế chống lại việc xây dựng các khu tái định cư, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ cho giải pháp hai nhà nước.”

Đại sứ Palestine tại LHQ, Riyad Mansour nói: “Quyết định của Hội đồng Bảo an, dù hơi chậm, nhưng rất đúng thời điểm, rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.”

Phản ứng của Hoa Kỳ

Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại LHQ, Samantha Power, nói nghị quyết đã phản ánh “thực tế tại thực địa” là các khu định cư ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại.

“Vấn đề liên quan khu tái định cư ngày càng tệ và có nguy cơ làm đổ vỡ giải pháp hai nhà nước,” bà nói.

Chỉ trích ông Netanyahu, bà nói tiếp: “Không thể có chuyện cùng lúc mở rộng các khu tái định cư đồng thời tiếp tục giải pháp hai nhà nước để chấm dứt xung đột.”

Dẫu sao, theo bà Power, thì Hoa Kỳ đã không bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết vì văn bản này ‘quá tập trung’ vào vấn đề khu tái định cư.

Bà nói thêm rằng dù các khu tái định cư có được tháo dỡ thì hai bên vẫn phải đối diện với ‘một số sự thật nhức nhối’ và sẽ có những ‘chọn lựa khó khăn’ để có thể đạt hòa bình.

Trong khi đó, ông Trump, người sẽ lên nhậm chức vào hôm 20 tháng Giêng tới đây, viết trên tài khoản Twitter sau khi nghị quyết được thông qua: “Đối với LHQ, mọi thứ sẽ thay đổi sau ngày 02 tháng Giêng.”

Vào hôm thứ Năm 22/12, ông Trump đã kêu gọi hội đồng bác bỏ nghị quyết.

“Hòa bình giữa Israel và Palestine chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp giữa hai bên, chứ không phải thông qua các yêu cầu do LHQ đề ra,” ông nói.

Phân tích của Barbara Plett Usher, phóng viên BBC: Hoa Kỳ đảo ngược chính sách

Nghị quyết phản ảnh sự đồng thuận của quốc tế cho rằng các khu tái định cư là nguy cơ khiến nhà nước Palestine không còn tồn tại để tham gia đàm phán bất cứ hòa ước nào trong tương lai.

Nhận định này được chính phủ ông Obama ủng hộ mạnh mẽ và do đó Hoa Kỳ đã không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, là văn bản có nội dung chỉ trích Israel.

Quyết định của Hoa Kỳ được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận trong nội bộ chính quyền Mỹ về việc Tổng thống Obama sẽ đưa ra quan điểm như thế nào về giải pháp hai nhà nước trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Nhưng người kế nhiệm là ông Donald Trump đã nói rõ sẽ ủng hộ chính phủ Israel, dù có phải can thiệp một cách không chính thức, trước khi có kêu gọi ông Obama phủ quyết nghị quyết của LHQ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38426609

 

Tunisia bắt cháu nghi phạm tấn công Berlin

Các lực lượng an ninh Tunisia vừa bắt giữ một người cháu trai của nghi phạm tấn công chợ Giáng Sinh tại Berlin, Anis Amri, cùng hai người khác, giới chức nước này nói.

Bộ Nội vụ Tunisia nói ba người này, từ 18 đến 27 tuổi, là thành viên của một “chi bộ khủng bố”, và cho biết các đối tượng đã bị bắt giữ hôm thứ Sáu.

Amri, sinh ra tại Tunisia, 24 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Milan của Ý hồi đầu giờ sáng hôm thứ Sáu.

Vụ tấn công bằng xe tải hôm thứ Hai vào khu chợ ở Berlin đã khiến 12 người chết và 49 người bị thương.

Tuyên bố của Bộ Nội vụ Tunisia nói cháu trai của Amri thừa nhận đã liên lạc với chú mình qua app chat được mã hoá Telegram.

Tuyên bố nói thêm là người cháu cũng nói anh ta ủng hộ nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hôm thứ Sáu, IS ra một đoạn video cho thấy cảnh Amri cam kết trung thành với lãnh đạo của tổ chức này, Abu-Bakr al-Baghdadi.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38427872

 

Úc phá được ‘âm mưu khủng bố’ Ngày Giáng sinh

Cảnh sát Australia nói họ đã chặn được một cuộc tấn công khủng bố lớn tại Melbourne vào ngày Giáng sinh.

Ba người đàn ông bị bắt trong cuộc bố ráp vào sáng sớm ngày thứ Sáu đang đối mặt với tội danh khủng bố. Ba người khác bị giữ nhưng sau đó được thả.

Cảnh sát cho biết âm mưu này liên quan tới sử dụng chất nổ và vũ khí khác.

Các mục tiêu bị cáo buộc tấn công bao gồm các địa điểm chính quanh Melbourne, như Nhà thờ St Paul, Quảng trường Liên bang và nhà ga xe lửa chính.

Sáu người đàn ông và một phụ nữ đã bị bắt giữ trong cuộc đột kích hôm thứ Sáu vì bị tình nghi “chuẩn bị hoặc lên kế hoạch cho một cuộc tấn công khủng bố,” cảnh sát nói.

Một phụ nữ và hai người đàn ông sau đó đã được thả.

Ba người đàn ông khác, có tên là Hamza Abbas, 21 tuổi, Ahmed Mohamed, 24 tuổi, và Abdullah Chaarani, 26 tuổi, đã không chịu nhận tội và sẽ ra tòa tháng Tư. Một người đàn ông khác vẫn đang bị giam giữ.

Cảnh sát trưởng Bang Victoria Graham Ashton nói rằng sau vụ bắt giữ hôm thứ Sáu thì không còn mối đe dọa cho công chúng.

Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết đây là một trong những âm mưu khủng bố lớn nhất bị chặn trong những năm gần đây.

“Họ muốn người Úc có cảm giác lo sợ, họ muốn chia Úc, họ muốn chúng tôi đổ lỗi cho nhau, nhưng chúng tôi sẽ không để họ làm vậy,” ông nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38425478

 

Syria: Putin gọi điện hoan nghênh Assad

về chiến thắng ở Aleppo

AFP đưa tin, hôm qua, 23/12/2016, điện Kremlin thông báo là tổng thống Vladimir Putin đã điện đàm với tổng thống Syria Bachar Al Assad để hoan nghênh thắng lợi quân sự tại Aleppo mà nguyên thủ Nga coi đây là một sự « giải phóng ».

Theo Matxcơva, thì từ nay, mục tiêu của Nga và Syria là tập trung vào việc tái lập hòa bình tại Syria. Lần cuối cùng tổng thống Nga điện đàm với đồng nhiệm Syria là vào tháng Ba năm nay.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường niên, tại Matxcơva, với sự hiện diện của hơn 1400 nhà báo, nguyên thủ Nga đã tự hào khẳng định là chính sách về Syria của ông đã thành công.

Từ Matxcơva, thông tín viên Elena Volochine tường trình :

« Trong màn trình diễn hoành tráng hàng năm và được truyền hình trực tiếp, Vladimir Putin xuất hiện với thái độ tự tin, quyết tâm, thậm chí còn tự đắc. Ông tự hào về bản thành tích và những thành công của mình, ví dụ như thắng lợi quân sự của chế độ Bachar Al Assad ở thành phố Aleppo, Syria.

Không hề nhắc tới những tội ác mà ông bị cáo buộc, Vladimir Putin tự cho mình là một nhà giải phóng, một vị cứu tinh. Ông nói : Hơn 100 ngàn người được sơ tán khỏi Aleppo. Và tôi muốn nói để tất cả mọi người nghe rõ điều này : Đó là một chiến dịch nhân đạo quốc tế lớn nhất từ trước tới nay.

Nguyên thủ Nga nhắc lại, chiến dịch nhân đạo này được tiến hành với sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tổng thống Nga cho rằng giờ đây, liên minh này đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Các cuộc thương thuyết giữa chế độ Damas và phe đối lập sẽ được tổ chức tại Kazakhstan, dưới sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến lúc này, dường như Hoa Kỳ bị gạt ra bên lề trước một nhân vật mà một nhà báo coi là chủ nhân thế giới ».

Về tình hình tại Aleppo, Syria, theo AFP, sáng nay, quân đội của chính phủ đã tiến vào ba nơi vốn là cứ địa của phe nổi dậy, tại Soukkari, Zabdiyé và Al Machard và tiến hành rà soát, tìm kiếm các chất nổ, mìn mà quân nổi dậy cài đặt hoặc bỏ lại.

Trong khi đó, Matxcơva cho biết là tối hôm qua, hàng trăm cảnh sát võ trang thuộc quân đội Nga đã được triển khai để bảo đảm an ninh tại thành phố Aleppo.

Tuy nhiên, theo tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria, vào tối qua, quân nổi dậy đã bắn pháo vào thành phố này, làm ít nhất 6 thường dân thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161224-syria-putin-goi-dien-hoan-nghenh-assad-ve-chien-thang-o-aleppo

 

Phương Tây đón Giáng Sinh trong nỗi lo khủng bố

Minh Anh

Đức tiếp tục điều tra tìm tòng phạm trong vụ tấn công chợ Noel bằng xe tải. Nước Pháp cảnh báo mối họa khủng bố “vẫn rất cao”. Hoa Kỳ báo động khả năng tấn công khủng bố trong dịp lễ… Phương Tây năm nay đón Giáng Sinh trong bầu không khí căng thẳng trước mối đe dọa khủng bố ngày càng lớn.

Tại Đức, nhà chức trách tiếp tục điều tra về vụ tấn công khủng bố nhắm vào khu chợ Noel ở Berlin. Sau cái chết của Anis Amri người được cho là thủ phạm vụ tấn công, cơ quan điều tra Đức tìm hiểu xem hung thủ có đồng phạm hay không, ai đã giúp đỡ người này đi đến được Ý mặc dù cảnh sát đã được huy động tối đa để truy lùng hung thủ.

Theo lãnh đạo cơ quan chống khủng bố, Peter Frank, các nhà điều tra phải tái lập lộ trình chính xác của hung thủ từ Berlin (Đức) đến tận Milano (Ý), để tìm hiểu xem liệu có “một mạng lưới trợ giúp đồng phạm hay những người nào” đã giúp cho Anis Amri thực hiện vụ tấn công và tẩu thoát.

Còn tại Pháp, lãnh đạo ngành cảnh sát ông Jean-Marc Falcon, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Journal du Dimanche cho rằng mối đe dọa xảy ra khủng bố tại nước này “vẫn còn rất cao”. Tuy không có những “yếu tố chính thức” nào cho thấy rõ mối đe dọa đang đè nặng lên ngày lễ Noel, nhưng “rủi ro” vẫn còn đó.

Theo ông Falcon, nguy cơ tiềm tàng này không chỉ “rất cao” tại Pháp mà cả ở những nước châu Âu khác, những nước có tham gia vào liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech.

Về phần mình, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, FBI hôm nay cũng gióng lên hồi chuông báo động khả năng xảy ra một vụ tấn công khủng bố trong các ngày lễ. Báo động này được đưa ra sau khi kênh truyền hình CNN hôm qua tường thuật những trang mạng ủng hộ Daech cho đăng các lời kêu gọi tấn công vào các nhà thờ trong các ngày lễ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161224-phuong-tay-don-giang-sinh-trong-noi-lo-khung-bo

 

Trump công bố bức thư Putin mong muốn

cải thiện quan hệ Nga-Mỹ

Thùy Dương

Hãng tin Pháp AFP cho biết tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump hôm qua 23/12/2016 đã công bố bức thư mà tổng thống Nga Vladimir Putin gửi cho ông với mong muốn khôi phục quan hệ hợp tác tốt đẹp Nga – Mỹ và nâng quan hệ này lên tầm cao mới.

Đây là một bức thư ngắn chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới. Theo nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump, tổng thống tân cử đánh giá là bức thư này « rất dễ chịu ».

Trong thư, tổng thống Nga Putin kêu gọi áp dụng các biện pháp thực sự để khôi phục hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và nâng hợp tác quốc tế giữa Nga và Mỹ lên một tầm cao mới tốt đẹp hơn.

Tổng thống Nga cũng viết thêm là « những thách thức toàn cầu và trong khu vực mà hai nước phải đối đầu trong những năm qua cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ vẫn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định và an ninh trong thế giới hiện đại ».

Bức thư của tổng thống Nga cũng khẳng định là việc ông Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2017 có thể sẽ mở ra một trang mới cho mối quan hệ giữa Washington và Matxcơva.

Nga và Mỹ hiện đang trong giai đoạn khủng khoảng quan hệ trầm trọng nhất kể từ sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina và trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria, hậu thuẫn tổng thống Bachar al Assad đã gây nhiều căng thẳng nghiêm trọng giữa hai cường quốc.

Còn tổng thống tân cử Mỹ thì đã nhiều lần thể hiện mong muốn hâm nóng quan hệ với Vladimir Putin, người mà ông ca ngợi là có « tư chất lãnh đạo ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161224-donald-trump-cong-bo-buc-thu-vladimir-putin-mong-muon-cai-thien-quan-he-song-phuong

 

Iran và sáu cường quốc công bố một phần thỏa thuận hạt nhân

Minh Anh

Trong một động thái bất thường, Iran và sáu cường quốc hôm qua 23/12/2016 đã cho công bố sớm một phần bản thỏa thuận hạt nhân. Mục đích nhằm tỏ rõ quan điểm của Teheran là sẽ không vượt qua giới hạn về mức làm giầu chất uranium, giới hạn có thể được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Hãng tin AP cho biết những tài liệu này được công bố trên trang mạng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) ngày hôm qua. Tài liệu ghi ngày ký là 06/01/2016, vài ngày trước khi thỏa thuận được thực thi, nhưng chưa bao giờ được công bố cho đến tận ngày hôm qua.

Bên cạnh đó, một lá thư thay mặt lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini, cho phép công bố các tài liệu trên cũng được đăng trên trang mạng của AIEA. Tuy nhiên, bức thư này không lý giải vì sao phải đợi cho đến hết gần một năm mới cho công bố thỏa thuận này.

Theo AP, việc công bố tài liệu này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ tương lai thông báo tìm cách hủy bỏ thỏa thuận. Hai quan chức của một trong số năm nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An có tham gia đàm phán, nhận định là việc công bố tài liệu cho thấy sự thống nhất của các nước trong về hồ sơ này, bất chấp các lời chỉ trích của các chuyên gia trong đó có các nghị sĩ Mỹ, cho rằng Iran sẽ không tôn trọng thỏa thuận hạt nhân.

Dưới sự giám sát của AIEA, thỏa thuận hạt nhân đã được Iran và năm nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và có thêm nước Đức thông qua vào trung tuần tháng 7/2015.

Thỏa thuận quy định Iran chỉ có thể làm giầu chất uranium ở mức thấp, không thể chế tạo được vũ khí nguyên tử và mỗi lần chỉ được sở hữu không quá 300 kg.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161224-iran-va-sau-cuong-quoc-cong-bo-mot-phan-thoa-thuan-hat-nhan

 

Hàn Quốc : Biểu tình lớn trước đêm Noel

đòi phế truất tổng thống Park

Thùy Dương

Theo AFP, hôm nay 24/12/2016, hàng chục ngàn người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình tại Seoul đòi bà tổng thống Park Geun-hye phải ra đi ngay lập tức trong lúc Tòa Bảo Hiến đang xem xét đề nghị phế truất đã được nghị viện thông qua.

Đây là phong trào biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc trước đêm Giáng Sinh và cũng là tuần thứ 9 liên tiếp người dân Hàn Quốc biểu tình đòi phế truất bà Park.

Các nhà tổ chức hy vọng cuộc biểu tình hôm nay mang không khí lễ hội, nhưng tình hình có vẻ căng thẳng vì những người thuộc phe bảo thủ, ủng hộ tổng thống Park cũng kế hoạch tập trung trên các đường phố gần đó.

Trong khi đó, bà Choi Soon Sil, bạn thân của tổng thống Park và là cũng là trung tâm của vụ bê bối chính trị tại Hàn Quốc, hôm nay, đã bị đưa ra tòa để trả lời thẩm vấn về tội hối lộ và chuyển giao tài sản tham ô ra nước ngoài. Ông Lee Kyu-chul, một phát ngôn viên của nhóm điều tra vụ bê bối cho biết : “Các cáo buộc trong bản cáo trạng chỉ là một phần rất nhỏ trong số 14 nội dung điều tra của các công tố viên đặc biệt “.

Choi Soon Sil, bị giam giữ từ tháng 10/2016, đã được đưa đến văn phòng công tố viên đặc biệt trong một chiếc xe của nhà tù. Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy bà Choi bị còng tay và mặc một bộ quần áo tù màu ghi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161224-han-quoc-bieu-tinh-lon-truoc-dem-giang-sinh-doi-phe-truat-ngay-lap-tuc-tong-thong-pa

 

Trung Quốc :

Tàu sân bay Liêu Ninh tập trận trên biển Hoàng Hải

Thùy Dương

Một tuần sau khi hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận ở biển Bột Hải, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh, quân đội Trung Quốc quyết định điều động tàu này tham gia cuộc tập trận thứ hai ở biển Hoàng Hải.

Theo AP, bộ Quốc Phòng Trung Quốc, hôm qua, 23/12/2016, thông báo là tàu Liêu Ninh đã tập trận trong nhiều ngày ở biển Hoàng Hải. Lần này, nhiều tiêm kích J-15 đã tham gia luyện tập, xuất kích từ hàng không mẫu hạm.

Theo Bắc Kinh, trong thời gian tới, tàu Liêu Ninh có thể tham gia các cuộc luyện tập ở biển khơi, rất có thể hàm ý nói đến những vùng biển đang có tranh chấp.

Hoàn Cầu Thời Báo đã dẫn lời một nhà phân tích quân sự nổi tiếng cho rằng Biển Đông sẽ là một vị trí “lý tưởng” vì các cuộc tập trận chung có thể diễn ra trên các vùng thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Việc tăng cường khả năng tác chiến của tàu sân bay Liêu Ninh và các di chuyển của tàu này được theo dõi chặt chẽ kể từ khi quân đội Trung Quốc tuyên bố con tàu này sẵn sàng chiến đấu.

Năm 2013, lần đầu tiên, tàu Liêu Ninh tiến vào vùng Biển Đông, cập cảng tại một căn cứ hải quân gần Tam Sa. Vào thời điểm đó, tàu sân bay này không được trang bị đầy đủ máy bay.

Tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành tập bắn đạn thật lần đầu tiên vào tuần trước, một đoạn phim của quân đội Trung Quốc cho thấy máy bay chiến đấu J-15 của nước này phóng tên lửa và tiêu diệt các mục tiêu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161224-trung-quoc-tau-san-bay-lieu-ninh-tap-tran-tren-bien-hoang-hai