Biển Đông, Việt Nam đã đủ “đồ chơi” cần thiết!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông, Việt Nam đã đủ “đồ chơi” cần thiết!
Theo TTHN

Không chạy đua vũ trang, Việt Nam chỉ cần đủ các loại vũ khí trang bị để phòng thủ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
 
Giàn phóng tên lửa Kh-35 Uran-E trên tàu hộ tống Project 12418 của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Ba mươi năm, kể từ năm 1988, với lịch sử, với chiều dài của quá trình giữ nước của dân tộc Việt thì thời gian đó chỉ như cái “chớp mắt”. 30 năm, tuy dài so với một đời người nhưng cũng đủ để cho một thế hệ người Việt chứng kiến quá trình “Phủ Đổng vươn vai” nền quốc phòng Việt Nam.
Không còn gậy tre, chông tre để chống lại sắt thép của quân thù, không còn những hành động bi hùng khi những người lính Việt ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, không còn cảnh khi dân tộc Việt bất lực, trừng mắt nhìn hạm đội Hải quân giặc nghênh ngang xâm nhập vào vùng lãnh hải…
Đã đến lúc dân tộc Việt đủ khả năng cần thiết để bảo vệ vững chắc lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thiêng liêng của Tổ quốc. Đã đến lúc dân tộc Việt đủ sức để buộc kẻ thù phải trả giá đắt nếu lĩnh xâm phạm bờ cõi, núi sông, biển đảo Việt Nam.
QĐ Trường Sa, pháo đài tiền tiêu của Tổ quốc
Những người lính hải quân Việt Nam tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa và hoạt động cho Trường Sa từ năm 1988 trở về trước hiện nay chắc không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến quần đảo Trường Sa hiện tại.
Thay đổi theo thời gian là đương nhiên thôi, nhưng sự thay đổi ở QĐ Trường Sa là sự thay đổi rất lớn về cấu trúc, thay đổi rất lớn về thế, lực, mang tầm chiến lược, khiến cho những cựu chiến binh dày dạn chiến trận năm xưa cũng phải phấn khích, thở phào nhẹ nhõm.
Dù Việt Nam không giàu có như lân bang, nhưng bù lại chúng ta có vị thế địa quân sự lợi hại, cho nên chỉ một thay đổi nhỏ về lực là có thể tăng sức mạnh lên nhiều lần, như một quả cân nhấc bổng một vật ngàn cân là điều giải thích cho hiện thực này.
Việt Nam đã kéo tên lửa ra Trường Sa; Việt Nam đã mở rộng đường bay ở Trường Sa; Việt Nam đã nạo vét đảo Đá Lát gần Trường Sa…là những tin tức của phương Tây đưa ra đã làm dậy sóng thế giới và khu vực. Kẻ phản đối, người ủng hộ…đã phần nào làm Biển Đông nóng lên…
Đầu tiên phải khẳng định QĐ Trường Sa là của Việt Nam và do đó, Việt Nam muốn triển khai vũ khí hay gì gì là quyền của Việt Nam mà không ai có quyền can thiệp. Nếu là trang bị vũ khí thì chỉ để phòng thủ, nếu xây dựng bồi đắp chỉ để tôn tạo những gì đã có trước thiên nhiên xói mòn.
Thứ hai là Việt Nam có đưa ra hay không như PT đưa tin là không chắc chắn, nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam đã, đang và sẽ chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trên đảo, sẵn sàng triển khai các trang thiết bị cần thiết bất cứ lúc nào, bất cứ đảo nào, để bảo vệ chủ quyền.
Vẫn biết rằng, đất liền có mạnh thì đảo mới vững, nhưng kiên cố hóa các đảo nói chung và QĐ Trường Sa nói riêng là bước đầu tiên nâng cao sức mạnh chiến đấu của người lính đảo, là điểm tựa vững chắc cho những người lính làm nhiệm vụ ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
Có thể nói, QĐ Trường Sa của Việt Nam đã trở thành pháo đài giữa Biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp trong khu vực. Một pháo đài giữa Biển Đông nhưng không cô lập, bởi đất liền không chỉ hướng tới với tất cả con tim mà còn bằng sức mạnh có thể để bảo vệ.
Trong bài viết này chúng ta chỉ quan tâm đến những dấu ấn đặc biệt “những ước mơ đã thành hiện thực” trong những ngày tháng cuối năm 2016 và đầu năm mới 2017.
Những “sát thủ” có tiếng trên Biển Đông.
Chiếc tàu ngầm KILO thứ 6 đã chính thức sắp cập cảng Cam Ranh. Vậy là “Hạm đội tàu ngầm Biển Đông” của Việt Nam sau một thời gian xây dựng, huấn luyện đến nay đã chính thức tham gia vào “cuộc chơi”.
Kể từ khi Việt Nam có chiếc KILO đầu tiên đến giờ, giới quân sự tây, ta gì đã phân tích, mổ xẻ đủ hết cả rồi, nhưng có điều thú vị, quan trọng nhất của vấn đề là KILO Việt Nam làm nhiệm vụ gì, mục tiêu tác chiến ra sao…thì ngay cả cơ quan tham mưu, tình báo đối phương cũng đau đầu để nắm bắt.
Chính xác thì vũ khí trang bị trên 6 tàu ngầm Việt Nam là loại tên lửa gì, thủy lôi gì, loại nào là chủ trong các tàu ngầm…biết được rõ điều này có nghĩa là phần nào biết được nhiệm vụ, mục tiêu tác chiến của KILO Việt Nam trên Biển Đông.
Bí mật về chiến thuật, bí mật về công nghệ (vũ khí trang bị…) chính là sự khác biệt của KILO Nga, KILO Việt Nam, KILO Trung Quốc và KILO Ấn Độ với nhau trong tác chiến. Vì thế, tàu ngầm KILO trên Biển Đông luôn là bí ẩn và khi nó trong tay Việt Nam thì sức răn đe không phải là nhỏ.
Kẻ thù phải “suy nghĩ 2 lần” khi hành động.
Tên lửa diệt hạm
Chúng ta không đề cập đến hệ thống Bastion-P của Việt Nam mà chỉ cần một loạt phóng trúng đích là các tên lửa Yakhon có thể buộc đối phương ngừng cả một chiến dịch. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến loại tên lửa diệt hạm Kh-35 không kém gì “Harpoon” và “Exocet” bởi 2 lý do cực kỳ quan trọng:
Một là, Kh-35 được trang bị trên tất cả các loại tàu tên lửa của Việt Nam là loại tên lửa diệt hạm chủ yếu, chủ lực của Hải quân Việt Nam. Kh-35 có tầm bắn lý thuyết là 260km và chỉ cần một quả cũng có thể buộc thủy thủ tàu trọng tải 5000 tấn phải mang phao cứu sinh.
Hai là, Việt Nam được chuyển giao công nghệ và đã chế tạo thành công Kh-35E. Như vậy Việt Nam hoàn toàn tự chủ được số lượng tên lửa theo yêu cầu chiến lược. Điều này tối quan trọng.
Điều đáng nói ở đây là loại tên lửa này cho phép cải tiến nâng cấp tăng tầm bắn không giới hạn, ví dụ có thể sử dụng nhiên liệu có hiệu năng cháy tốt hơn sẽ làm tăng tầm bắn của tên lửa…Do đó, thế lực thù địch có ý đồ xấu xa lại mất ăn mất ngủ, đau đầu về tính năng kỹ chiến thuật của Kh-35E.
Mới đây, Trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng QP Việt Nam, về vấn đề chuyển giao công nghệ tên lửa, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ là “sẽ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ tên lửa. Việc chuyển giao công nghệ sẽ được tiến hành theo các giai đoạn, đảm bảo cho tới lúc Việt Nam có thể tự sản xuất được tên lửa trong nước”.
Vậy, “dây chuyền công nghệ chế tạo tên lửa cho Việt Nam” sản xuất ra loại tên lửa nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn không phải là BrahMos, không phải là Kh-35 mà sẽ là loại tên lửa chiến lược? Hy vọng đây là loại tên lửa có tầm bắn đủ để bảo vệ QĐ Trường Sa.
“Tia chớp” Molnya
Đây là tàu tên lửa hiện đại đứng thứ hai sau “báo đen” Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam. Chúng ta không nêu Gepard 3.9 vì nó không có điều “đặc biệt” như Molnya.
“Tia chớp” hay “ong độc” Molnya là tàu tên lửa có tính độc đáo và cực kỳ lợi hại.
– Molnya nhỏ, nhanh, nhưng hỏa lực mạnh, chỉ cần một loạt phóng trúng mục tiêu thì sẽ đánh chìm cả tàu sân bay.
– Molnya là vũ khí chiến thuật nhưng có thể trở thành vũ khí chiến lược tùy theo tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa được trang bị trên tàu.
– Molnya có khả năng sống sót cao vì cơ động nhanh.
– Molnya phù hợp với lối đánh sở trường của Hải quân Việt Nam.
Vậy, điều đặc biệt quan trọng ở đây là Việt Nam đã tự đóng được loại tàu chiến này (đã đóng được 4 chiếc) và như trên đã nói, Việt Nam đã sản xuất được tên lửa Kh-35…thì đối phương sẽ vô cùng cảnh giác với loại tàu tên lửa này của Việt Nam hơn Gepard 3.9.
Người Trung Quốc đã đánh giá không sai khi coi Molnya là một “bầy ong độc” trên Biển Đông.
Nói chung, chuẩn bị sẵn sàng chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc thì bao nhiêu cũng không đủ. Sức răn đe kẻ thù lớn bao nhiêu thì nền hòa bình được giữ vững bấy nhiêu.
Các “đồ chơi” của Việt Nam trên Biển Đông đã gửi đi một thông điệp cứng rắn rằng, nên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hy vọng dùng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt là không khả thi, giá sẽ trả vô cùng đắt cho bất cứ ai liều lĩnh.
Lê Ngọc Thống
(Blog Lê Ngọc Thống)