Tham vọng Cách mạng Công Nghiệp lần thứ 4 ở Việt nam của ông Phúc?
Theo VNTB
Tham vọng Cách mạng Công Nghiệp lần thứ 4 ở Việt nam của ông Phúc: Trẻ em vùng Tây Bắc sau mỗi buổi tan trường lại nhọc nhằm mưu sinh |
Đón đầu xu hướng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 này, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định rằng: “Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng, một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hai là công nghệ thông tin và thứ ba là du lịch.”
Ông Phúc liệu có nhận biết được hết được những gì ông phát biểu hay không khi môi trường sạch bao gồm đất đai, nguồn nước và nguồn không khí sạch là điều kiện tiên quyết để có được nông nghiệp sạch và hữu cơ?
Có sạch được với nhiệt điện?
Từ giờ đến năm 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng của cả nước, chính phủ và Viện Năng Lượng của Bộ Công Thương đã quyết định tăng số lượng từ 19 trong năm 2015 lên đến 52 nhà máy nhiệt điện vào năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng nguồn than nhập khẩu sẽ được xây dựng tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An…Và sẽ có ít nhất 14 nhà máy nhiệt điện bao vây đồng bằng sông Cửu long nơi có vựa lúa gạo lớn nhất của cả nước.
Chỉ riêng một nhà máy nhiệt điện thôi sẽ cần sử dụng một lượng nước lớn gấp 3 lần số nước sạch cung cấp cho thủ đô Hà nội trong một ngày. Khi cả 14 nhà máy đi vào vận hành, chỉ riêng lượng nước nóng đến 40 độ C được thải ra mỗi ngày sẽ lên đến 70 triệu mét khối được đổ ra các hệ thống sông ngòi hay xả ra biển gây hại cho hệ sinh thái dưới nước. Thêm vào đó là số khí thải và chất thải sẽ gây tác động lên cây trồng, đất đai và ngấm cả vào nước ngầm trong khu vực thì cả miền đồng bằng sông Cửu long sẽ chẳng có cửa để sản xuất các nông sản hữu cơ hay nông sản sạch.
Lượng nước và khí thải từ các nhà máy nhiệt điện này sẽ tác động lớn vào môi trường thuỷ sản của Việt nam khi mà ông Phúc lại còn có cả tham vọng mở rộng diện tích nuôi tôm và phát triển tôm chất lượng cao. Làm sao lại có thể mở rộng diện tích nuôi tôm khi mà diện tích đất đai bị trưng thu để xây nhà máy nhiệt điện ở đồng bằng sông Cửu long, hay để xây nhà máy thép ở Cà ná. Làm sao có thể nuôi tôm chất lượng cao với nguồn nước và không khí ô nhiễm?
Ngay cả chính phủ Trung quốc còn cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên ba vùng kinh tế trọng điểm xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu nhưng Việt nam vẫn thích xây nhà máy nhiệt điện để rước công nghệ của Trung quốc về, mua than của Trung quốc để không nhằm có cái lợi cỏn con trước mắt là giảm chi phí so với đầu tư vào năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, tăng GDP mà còn để bức tử môi trường và giết chết cả tương lai.
Có sạch được với khu công nghiệp và thép?
Chưa hết, còn có đến 244 khu công nghiệp trải dài từ Huế cho đến tận Kiên giang và 60 khu công nghiệp ở phía Bắc. Trong đó có 178 được cho là đã có hệ thống xử lý nước thải và đi vào vận hành. Nhưng có trời mới biết chất lượng của các hệ thống xử lý nước thải này có xấp xỉ với chất lượng của hệ thống nước thải ở Formosa Hà Tĩnh hay không. Trong khi đó, số khu công nghiệp còn lại ( 126 KCN) vẫn ngày đêm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trong tương lai lại còn sẽ xuất hiện thêm khoảng 160 khu công nghiệp nữa.
Trong khi Trung quốc đang cắt giảm sản xuất hay cắt giảm sản lương thép vì giá than cốc cũng như giá nguyên liệu tăng, Việt nam lại muốn xây dựng thêm các nhà máy thép. Nhà nước Việt nam vẫn trước sau như một, rất cương định với thép khi ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho hay và khẳng định “làm thép dứt khoát phải làm”. 4 khu liên hợp thép quy mô lớn chủ yếu nằm ở vùng biển miền Trung ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cà Ná – Ninh Thuận, Nghi Sơn, và Quảng Ngãi đã và đang được xây dựng để dần thay thế cho các hàng loạt nhà máy thép có sản lượng thấp.
Các liên hợp thép này ngoài việc giúp làm thâm thủng ngân sách do chưa đủ khả năng sản xuất các mặt hàng thép đòi hỏi công nghệ cao như thép hợp kim, thép chế tạo mà vẫn sẽ vẫn tập trung vào sản xuất thép xây dựng vốn nguồn cung đã vượt quá cầu và không thể xuất khẩu được thì chỉ có từ lỗ nặng tới lỗ rất nặng. Bên cạnh đó, Formosa Vũng Áng đã minh chứng có hiểm hoạ môi trường nặng nề mà vùng biển miền Trung phải gánh chịu. Một khi cả 4 khu liên hợp thép này đi vào hoạt động thì ngư trường và vùng nuôi trồng hải sản ở khắp vùng eo biển miền Trung sẽ chỉ còn là huyền thoại.
Nông nghiệp hữu cơ với thuốc trừ sâu và hạt giống biến đổi gene?
Theo chương trình hành động của chính phủ về việc phát triển ứng dụng công nghệ sinh học thì mục tiêu cho năm 2011- 2015 là “Đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất”, năm 2015 Việt nam trở thành quốc gia thứ 29 canh tác cây biến đổi gen. Tiếp theo đó, đến năm 2020, diện tích cây biến đổi gen ở Việt Nam sẽ chiếm 30%-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới vì năng suất cao hơn và có khả năng kháng sâu tốt.
Nhưng chính phủ không đề cập đến những tác động không mong muốn đến sức khỏe con người có thể xảy ra trong tương lai, cũng như canh tác cây trồng biến đổi gen có thể ảnh hưởng đến các giống cây bản địa. Chưa kể đến việc nông dân bị phụ thuộc vào các công ty cung ứng giống và bị chi phối ép giá do mục tiêu lợi nhuận của các công ty này.
Thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật được nhập 90% từ Trung quốc và khá nhiều nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học quá nhiều và không đúng cách do thiếu hiểu biết hoặc do mục đích trục lợi. Với số thuốc hoá học được nhập về lên đến cả 100.000 tấn một năm, “môi trường Nông nghiệp Việt Nam có khoảng từ 150 – 200 tấn thuốc từ bao bì thải loại vào đồng ruộng”. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất do tồn lưu hoá chất ở các vùng nông thôn.
Các sản phẩm thuỷ sản gồm tôm và cá basa của Việt nam luôn bị khuyến cáo với người tiêu dùng Âu châu và Mỹ về dư lượng thuốc kháng sinh và không ít lần đã bị cấm nhập vào các quốc gia này. Nhưng người dân vẫn không ý thức được tác hại của việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật không cần thiết về lâu dài cho chính bản thân họ, cho người tiêu dùng lẫn môi trường.
Khát vọng của ông Phúc là “ xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế.” Nhưng khi vai trò của chính phủ còn quá mờ nhạt, chưa hướng dẫn được nông dân canh tác đúng hướng cũng như chính sách kinh tế bền vững thì không thể có được sản phẩm nông nghiệp sạch hay sản phẩm hữu cơ cho ngay thị trường trong nước chứ chưa nói đến việc có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Còn nông và ngư dân Việt nam vẫn phải bán lưng cho trời và bán mặt cho đất, vẫn còn chưa biết được mặt phải, mặt trái của giống cây biến đổi gen. Họ thậm chí còn chưa thể thực hiện công cuộc tự động hoá nông nghiệp với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin vốn là cơ sở của cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba, thì lấy đâu ra nội lực và tiềm năng Phù đổng để thập thò vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của công nghệ sinh học, công nghệ Nano, trí thông minh điện tử?