Đọc báo Pháp – 21/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 21/12/2016

Khủng bố Berlin : Cả châu Âu bị thách thức

Anh Vũ

Cả châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ tấn công khủng bố dùng xe tải đâm vào chợ Noel Berlin tối ngày 19/12/2016, làm 12 người chết và 48 người bị thương. Sự kiện tiếp tục là chủ đề bao trùm các tờ báo Pháp ra hôm nay. Nỗi lo sợ khủng bố không chỉ còn riêng của nước Đức, mà của cả châu Âu.

Trang nhất các tờ báo như Le Figaro, Libération và La Croix đều đăng một tấm hình bà thủ tướng Angela Merkel trong bộ đồ đen cùng các quan chức chính quyền Đức tới thị sát hiện trường vụ tấn công khủng bố với nét mặt u buồn chưa hết thảng thốt.

Tựa chính của Le Figaro « Khủng bố Hồi giáo làm rung chuyển nước Đức ». Libération chạy tựa bằng một từ ngắn ngủi « Touchée », vừa có nghĩa xúc động, đồng thời cũng có nghĩa nước Đức bị dính khủng bố. Các báo đều dành nhiều trang bài cho sự kiện, và báo nào cũng dành bài xã luận để bày tỏ quan điểm về vụ khủng bố Berlin.

Với đa số các báo Pháp, khủng bố Hồi giáo cực đoan giờ không còn là chuyện riêng của một nước nào. Xã luận của Le Figaro than lên rằng : « Cái gì đó đã thay đổi từ tối thứ Hai ở châu Âu. Trong máu của những người vô tội, trong nước mắt của một dân tộc. Có cái gì đó đã thay đổi, bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử gần đây, nước Đức rộng lớn bị đánh như vậy. Lần này nước Đức là nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố lớn do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiến hành ».

Trước đây không phải ở nước Đức không có khủng bố, nhưng đó là những vụ nhỏ lẻ. Mục tiêu của những vụ lớn vẫn tập trung vào nước Pháp. Vì thế theo Le Figaro, sự kiện ngày 19 tháng 12 này chắc chắn sẽ khiến người Đức không còn ngây thơ nghĩ rằng khủng bố lớn không đụng đến họ, chính phủ của bà Angela Merkel không còn hồn nhiên trong chính sách nhập cư rộng lượng nữa.

Xã luận Le Figaro kết luận : « Khủng bố Hồi giáo không còn là vấn đề của nước Đức, hay của nước Pháp. Đó là việc một nền văn hóa, một thế giới, một nền văn minh đang bị nhằm đánh. Sau Berlin, các nước châu Âu tự thấy phải đoàn kết, tỏ cho thấy có hiệu quả » trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên các báo cũng có chung một quan điểm là không nên vì phải đối phó với khủng bố mà mỗi nước lại co mình lại, đưa vấn đề kiểm soát biên giới trở lại, mỗi nước mạnh ai nấy lo.

Xã luận Libération nêu một loạt ví dụ, khủng bố vẫn xảy ra : « ở Mỹ, nước vẫn giữ nguyên biên giới, ở Anh Quốc, nước được bảo vệ bằng biển xung quanh. Hay ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kenya, Thái Lan, những nước hoàn toàn khác với châu Âu, có đường biên giới khép kín mà khủng bố vẫn xảy ra ? Vì thế đặt vấn đề tính thống nhất của Liên Hiệp Châu Âu, xem lại kiểm soát biên giới chỉ là một thứ bung xung mị dân đánh lạc hướng dư luận ».

Cùng quan điểm với Libération, xã luận Le Monde khẳng định « Khép mình lại là hão huyền, là một ảo tưởng nguy hiểm ; cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo phải thông qua tăng cường hợp tác giữa các thành viên chứ không phải bằng sự phân rã châu Âu… ».

Trong khi đó bài xã luận mang tiêu đề « Sống tự do » của La Croix viết : « Berlin bị đánh giữa tim, sau Nice, Paris, Bruxelles, Luân Đôn, Madrid…. Châu Âu giờ là trọng tâm của các kế hoạch khủng bố. Qua nhiều năm, lục địa của chúng ta đang chứng kiến mối đe dọa thường trực đó…. ». Để nỗi sợ hãi ngự trị lúc này tức là đem lại chiến thắng cho những kẻ khủng bố. La Croix kết luận : chỉ có « hợp tác thì châu Âu mới mong chiến thắng được khủng bố. Vì không chỉ đơn thuần một quốc gia này hay quốc gia khác bị tấn công khủng bố nhắm vào. Mục tiêu của những kẻ reo rắc cái chết là toàn bộ giá trị của chúng ta. Đoàn kết tất cả, chúng ta sẽ bảo vệ các giá trị đó tốt hơn ».

Đức : Cuộc sống vẫn phải tiếp tục

La Croix nhận định « Sau cơn sốc, nước Đức bước vào kỷ nguyên mới ». Theo tờ báo, cuộc sống vẫn phải tiếp tục ngay ngày hôm nay tại Berlin. Hơn 60 khu chợ Noel tại thủ đô hôm qua đóng cửa, hôm nay được mở lại, các lễ hội đón năm mới theo dự trù vẫn được tiến hành, nhưng được đặt dưới sự kiểm soát cao độ. Toàn bộ hệ thống an ninh sẽ được rà soát, tăng cường.

Với riêng thủ tướng Đức, bà Angela đang phải chịu áp lực chính trị lớn sau vụ tấn công này. Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa đến ngày bầu Quốc hội, đó là dịp để bà Angela Merkel ra ứng cử nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 4. Người ta đang trông đợi những phản ứng của bà trước đe dọa khủng bố. Thảm kịch Berlin sẽ khơi dậy nhiều tranh luận đặc biệt về chính sách đón tiếp người nhập cư tị nạn của chính phủ Đức hiện nay.

Pháp : Báo động “cao” nâng thành “đặc biệt cao” ?

Bên cạnh nhiều trang bài dành cho vụ khủng bố Berlin, Libération có bài liên hệ với nước Pháp, đất nước có nguy cơ khủng bố cao nhất châu Âu, với bài “Pháp vẫn trong báo động đỏ”.

Libération cho hay, sau vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin, chính phủ Pháp ngay lập tức đã thông báo một loạt các biện pháp tăng cường an ninh, cho dù từ 6 tháng nay, lực lượng cảnh sát Pháp vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.

Hôm qua, tổng thống Pháp François Hollande nhắc lại rằng nước Pháp vẫn bị đe dọa cao độ và tiếp tục huy động lực lượng và tập trung « cảnh giác ở mức đặc biệt cao ».

Các khu chợ Noel ở Pháp từ hôm qua đều được tăng cường các khối bê tông làm vật cản, bên cạnh đó lực lượng cảnh sát, hiến binh trang bị súng tiểu liên được điều động cắm chốt xung quanh chợ cũng như các tụ điểm đông người.

Một minh họa cho mối đe dọa khủng bố « đặc biệt cao » với nước Pháp, theo Libération, đó là từ giữa tháng 11 vừa qua, liên tục có các vụ bắt giữ các đối tượng có liên quan đến Hồi Giáo cực đoan ở nhiều vùng của nước Pháp. Theo chính quyền, từ hôm 14/7, ngày xảy ra vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, an ninh Pháp đã phá vỡ được 12 âm mưu khủng bố, nếu tính cả năm 2016 là 17 vụ.

Nga độc quyền xử lý hồ sơ Syria ?

Vẫn ít nhiều liên quan đến khủng bố là chủ đề cuộc chiến Syria. Các báo đều không thể bỏ qua hội nghị ngoại trưởng ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Matxcơva hôm qua bàn về cuộc xung đột Syria đang đi vào bước ngoặt mới.

Các báo Pháp đều có chung một quan sát là Nga đã giành thế thượng phong trên cuộc cờ Syria. Les Echos có bài : « Hơn bao giờ hết, Nga ở trung tâm cuộc chơi tại Syria ». Tờ báo kinh tế ghi nhận, « ngày 20/12/2016 sẽ còn được ghi lại trong biên niên sử như là ngày mà Trung Đông bị đẩy về phía tam giác ngoại giao Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà cách đây vài tuần khó có khả năng xảy ra ».

Một ngay sau vụ đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại giữa thủ đô Ankara, các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao của ba nước trên đã họp nhau tại Matxcơva để bàn về số phận tương lai của Syria. Cuộc họp này còn được dư luận chú ý nhiều bởi nó vắng bóng hoàn toàn những tác nhân từng có mặt ngay từ đầu tiến trình giải quyết hồ sơ Syria như : Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.

Le Figaro nhận định « tương lai của Syria được bàn thảo ở Nga ». Bộ ba Iran-Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã áp đặt một tiến trình riêng giải quyết hồ sơ Syria. Họ thống nhất sẽ gặp nhau ở Kazakhstan để đưa ra một giải pháp chính trị cho Syria. Một thỏa thuận đang được thương lượng với chế độ Damas và phe đối lập. Theo Le Figaro, thì « trong suốt 5 năm, các nước phương Tây đã hoàn toàn thất bại không đưa được Syria thoát khỏi cuộc chiến hỗn loạn ». Đến giờ, tương lai của Syria nằm trong tay ba nước Thổ-Nga-Iran.

Nhờ can thiệp có hiệu quả vào chiến trường Aleppo làm thay đổi cán cân lực lượng, Nga ở thế làm chủ cuộc chơi. Nhưng để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, theo Le Figaro, con đường còn dài. Trong mối liên minh tay ba trên vẫn còn những trục trặc bất đồng.

Chính vì thế mà, mặc dù bất ngờ xảy ra vụ sát hại đại sứ Nga tại Ankara hôm 19/12, Matxcơva và Ankara vẫn cố gắng giảm thiểu tác động đến quan hệ hai nước vừa mới được cải thiện và đang trở nên quan trọng trong những ngày tới.

Ngoài ra người ta đang trông chờ nước Mỹ dưới chính quyền Trump. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Donald Trump đã cam kết hợp tác với Nga. Tờ báo kết luận : « mối liên minh này sẽ được trắc nghiệm kể từ ngày 20 tháng Giêng năm tới, ngày ông Trump chính thức nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ ».

Đôi mắt đẹp nhất của điện ảnh Pháp đã khép lại

Trong không khí ngột ngạt của khủng bố chết chóc, có một sự ra đi gây xúc động và tiếc nhớ nhiều trên các trang văn hóa của báo Pháp hôm nay. Thần tượng điện ảnh Pháp, nữ tài tử Michèle Morgan vừa qua đời hôm qua 20/12, ở tuổi 96.

Libération có bài viết « Michèle Morgane, cái liếc mắt cuối cùng ». Bà là một ngôi sao lớn của điện ảnh Pháp của những năm 1930 – 1940. Với đôi mắt xanh sâu thẳm đa tình và tài năng diễn xuất tuyệt vời Michèle Morgan đã mê hoặc biết bao nhiêu thế hệ người hâm mộ điện ảnh Pháp, qua những tác phẩm để đời như Quai des Brumes năm 1938 của đạo diễn Marcel Carné, Remorques của Jean Grémillon hay Khúc giao hưởng thứ 6 (của Beethoven).

Với Le Figaro, Michèle Morgan là một phụ nữ thuần Pháp, một minh tinh với 65 phim, biểu tượng gợi tình của thời kỳ mà xã hội Pháp còn mang nặng định kiến. Và tờ báo viết : « đôi mắt đẹp nhất của điện ảnh đã khép lại mãi mãi ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161221-vu-khung-bo-berlin-ca-chau-au-bi-thach-thuc

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Trung Quốc chiêu dụ thêm một đồng minh của Đài Loan. Hôm nay, 21/12/2016, Trung Quốc đã hoan nghênh quyết định của Sao Tome và Principe, một quốc gia ở vùng Tây Phi, cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Bị mất một trong số ít các đồng minh của mình, Đài Bắc lên án Bắc Kinh lợi dụng tình hình tài chính khó khăn của Sao Tome và Principe để áp đặt chính sách “Một nước Trung Quốc duy nhất”. Theo chính quyền Đài Bắc, hành động này của Trung Quốc sẽ gây thêm căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

(Reuters) – Mỹ trả cho Nhật 4.000 ha đất. Đây là đợt trao trả đất lớn nhất trong hơn 40 năm qua, kể từ khi Nhật Bản giành lại quyền kiểm soát Okinawa năm 1972, vốn bị Mỹ chiếm đóng từ năm 1945. Việc trao trả đất ngày 21/12/2016 được thực hiện theo thỏa thuận Mỹ-Nhật từ năm 1996. Hơn một nửa diện tích trao lại cho chính quyền tỉnh Okinawa thuộc Khu Vực Huấn Luyện Miền Bắc của Mỹ, hiện là cơ sở lớn nhất của quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Việc trao trả này là một diễn biến tốt đối với tỉnh Okinawa, sẽ giảm bớt được khoảng 70% gánh nặng về chi phí đồn trú của lính Mỹ tại Nhật Bản.

(AFP) – Indonesia phá vỡ âm mưu khủng bố tự sát nhân lễ Giáng Sinh. Cảnh sát Indonesia hôm nay, 21/12/2016, loan báo đã tiêu diệt 3 nghi phạm, bị cho là thuộc thành phần Hồi Giáo cực đoan, bắt sống một người. An ninh đã tìm thấy nhiều quả bom trong ngôi nhà của những người này. Theo một phát ngôn viên cảnh sát, các nghi can đã không đầu hàng khi bị bao vây, thậm chí còn ném một quả bom về phía cảnh sát. Theo kế hoạch, các nghi phạm dự định tấn công cảnh sát giao thông tại một nơi đông người qua lại, sau đó sẽ kích nổ bom tự chế lớn, khi đám đông tụ tập lại.

(AFP) – Nổ ở chợ bán pháo hoa lớn nhất Mêhicô. Ít nhất 31 người chết, 72 người bị thương trong tai nạn xẩy ra ngày 20/12/2016 tại ngôi chợ ở thành phố Tultepec gần thủ đô Mêhicô, chuyên bán các loại pháo hoa và thu hút đông đảo khách hàng và người xem vào dịp Giáng Sinh. Vụ nổ đã kéo theo hỏa hoạn lớn. Sau 3 tiếng đồng hồ thì lửa được dập tắt. Nhà và xe hơi cạnh khu chợ bị hư hại khá nhiều. Giới điều tra chưa xác định được nguyên nhân.

(AFP) – Án tử hình giảm khá mạnh tại Mỹ. Theo kết luận trong báo cáo công bố ngày 21/12/2016 của Trung Tâm Thông Tin về Án Tử Hình DPIC, một trung tâm độc lập theo dõi vấn đề này, năm 2016 có lẽ sẽ kết thúc với số án thấp nhất, 31 trường hợp, giảm 37% so với 2015. Mức thi hành án cũng rất thấp, chỉ có 20 vụ hành quyết, mức thấp nhất từ năm 1991 đến nay. Trên nguyên tắc thì án tử hình vẫn còn được áp dụng ở 2/3 các bang ở Mỹ, nhưng đã trở thành những trường hợp hiếm hoi.

(AFP) – Scotland vẫn muốn là thành viên của thị trường Châu Âu. Hôm qua, 20/12/2016, thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon đã trình bày kế hoạch để cho vùng này vẫn là thành viên của thị trường duy nhất, mặc dù Anh Quốc đã quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ( Brexit ). Cụ thể kế hoạch này dự trù là Scotland sẽ vẫn là thành viên của thị trường duy nhất thông qua Không gian Kinh tế châu Âu và Hiệp hội Tự do Mậu dịch, giống như Liechtenstein, Iceland và Na Uy, ba nước không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 vừa qua, cử tri vùng Scotland đã bỏ phiếu cho việc nước này vẫn ở lại trong Liên Hiệp, trong khi cử tri Anh Quốc bỏ phiếu thuận cho Brexit. Hôm qua, thủ tướng Scotland đã dọa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161221-tin-doc-nhanh

 

Có nên tin vào các thăm dò dư luận ?

Minh Anh

Nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit), bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với thắng lợi của Donald Trump, bầu cử sơ bộ của cánh hữu Pháp với việc cựu thủ tướng François Fillon trở thành ứng viên tổng thống… Các sự kiện dồn dập trong vài tháng qua, gần như không được các viện điều tra dự báo, tất yếu đặt ra câu hỏi : Có nên tin vào các cuộc thăm dò dư luận ?

Các viện thăm dò dư luận đã lộ rõ những giới hạn của mình. Nếu như trước đây đã có lần bị tố cáo là tạo dựng, hướng dẫn công luận, giờ đây, các cơ quan thăm dò bị chỉ trích là không đủ khả năng nắm bắt, cảm nhận được « nhịp đập » của xã hội.

Trong cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2016, dường như chỉ có một thăm dò dư luận luôn dự báo thắng lợi của Donald Trump ; còn tại Pháp, không một viện thăm dò nào dự báo cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị loại ngay trong vòng một cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu và cánh trung hữu, cũng như việc François Fillon sẽ về đầu, bỏ xa ứng viên Alain Juppé luôn luôn được coi là ứng viên tất yếu vào vòng hai, thậm chí là ứng viên tổng thống của phe này.

Thế nhưng giới chuyên gia nhấn mạnh, các cuộc thăm dò dư luận không mang tính tiên đoán kết quả bỏ phiếu và bao giờ cũng có tỷ lệ sai sót, lớn hay nhỏ tùy quy mô mẫu điều tra, tức là nếu số người được hỏi cao, đa dạng hơn thì tỷ lệ sai sót sẽ nhỏ.

Sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và đặc biệt là sau cuộc lựa chọn sơ bộ ứng viên tổng thống trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và cánh trung hữu, giới chuyên gia Pháp vẫn khẳng định, phương pháp thăm dò dư luận tại Mỹ và Pháp khác nhau và các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp vẫn rất cần thiết và khả tín, vấn đề là phải hiểu đúng vai trò và biết diễn giải thăm dò dư luận.

Mẫu chuẩn : 1000 người hay 2000 người ?

Trên đài phát thanh Franceinfo, ông Gael Sliman, chủ tịch viện thăm dò dư luận Pháp Odoxa giải thích, tại Pháp, mẫu điều tra bao gồm nhiều tầng lớp xã hội và có một tỷ lệ hạn định số người cho mỗi tầng lớp này. Trong khi đó tại Mỹ, các nhà điều tra áp dụng phương pháp ngẫu nhiên (aleatoire).

Trong chương trình « Tranh luận trong ngày » trên đài RFI ngày 21/11/2016, ông Frederic Dabi, phó giám đốc viện thăm dò dư luận IFOP giải thích :

« Cần phải thích ứng nội dung cuộc thăm dò dư luận với đối tượng thăm dò. Một cuộc điều tra về ý định bỏ phiếu có mẫu đối tượng thăm dò là 1000 người. Để nâng cao tính khả tín, đôi khi chúng tôi nâng lên thành 2000 người. Nhưng tôi nhắc lại, mẫu thăm dò phổ biến là 1000 người.

Tại Pháp, về cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống ở cánh hữu và sắp tới là trong cánh tả, có lẽ cần phải có mẫu thăm dò lớn hơn nữa. Từ khóa chủ chốt của tất cả các cuộc thăm dò dư luận là tính đại diện. Cần phải làm sao cho mẫu thăm dò phản ánh sát nhất với thực tế đa dạng của nhóm cử tri.

Một trong những khó khăn lớn nhất của thăm dò dư luận là « ý định bỏ phiếu ma », tức là khi hỏi thăm dò thì họ nói là sẽ tham gia bầu cử, nhưng sau đó lại không đi bỏ phiếu. Tại Pháp, vấn đề này ít nghiêm trọng hơn. Trên cơ sở các dữ liệu của Viện Thống Kê và Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia, chúng tôi có thể xây dựng được các mẫu đại diện ở cấp quốc gia, vùng, tỉnh, thậm chí từng quận. Không nên hài lòng với các tiêu chí truyền thống như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…

Tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề « bỏ phiếu ma » : đó là những người ít được học hành, có bằng cấp thấp hơn mức trung bình trên phạm vi quốc gia và họ không muốn trả lời thành thật khi được hỏi thăm dò ».

Có một thực tế mà đôi khi, các cơ quan truyền thông phải tính tới khi đặt hàng thăm dò dư luận : đó là mẫu đại diện càng lớn (hỏi nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp) thì chi phí thực hiện thăm dò càng cao, cho dù thăm dò qua internet đỡ tốn kém hơn qua điện thoại hoặc cử điều tra viên xuống thực địa.

Đâu là phương pháp điều tra đúng ?

Liên quan đến việc « bỏ phiếu ma », tức là người được thăm dò không thành thật trả lời câu hỏi, thì có nhiều lý do. Chuyên gia Daniel Boy, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị ở Viện Khoa học Chính trị Paris, đưa ra ví dụ, tại Pháp, trong những năm 1950, người ta thường che giấu ý định bỏ phiếu cho đảng cộng sản ; trong những năm 1990, thì đối với đảng cực hữu Front National.

Những tưởng điều tra qua internet, người được hỏi không phải đối mặt với nhà điều tra thì hiện tượng « che giấu » này giảm, nhưng thực ra không hẳn như vậy. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống cũng cho thấy rõ điều này. Về phương pháp điều tra, ông Dabi có nhận định như sau :

« Cách nay 20 năm, người đi điều tra gặp trực tiếp người được hỏi. Tiếp sau đó là giai đoạn dùng điện thoại để hỏi, điều tra ; dường như đây là cách điều tra tốt nhất.

Mọi ngươì đều biết là ánh mắt, cách nhìn, lắng nghe của nhân viên điều tra tác động đến câu trả lời của người được thăm dò. Gần đây, điều tra dư luận được tiến hành qua internet. Đặc điểm của phương pháp này là không có nhân viên điều tra hiện hữu trước mắt người được thăm dò hoặc có tiếng nói ở bên kia điện thoại.

Do vậy, người được thăm dò sẽ có những câu trả lời thành thật hơn. Trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của cánh hữu Pháp, các cuộc điều tra dư luận qua internet cho kết quả khả tín hơn, sát gần với kết quả cuộc bỏ phiếu hơn so với cách điều tra qua điện thoại ».

Cũng trong chương trình « Tranh luận trong ngày » trên đài RFI ngày 21/11, về phần mình, nhà báo Jean Sébastien Ferjou, đồng sáng lập trang thông tin Atlantico, lưu ý :

« Không chỉ có các cơ quan thăm dò dư luận sai mà cả người đọc, diễn giải các cuộc thăm dò cũng sai. Đó là những sai lầm cơ bản, vốn vẫn mắc phải từ trước đến nay. Người ta sai lầm trong cách đọc đồ thị biểu hiện tỷ lệ được lòng dân.

Tỷ lệ này không phản ánh ý định bỏ phiếu. Nếu không thì cựu bộ trưởng Xã Hội Simone Veil, cựu thủ tướng Pháp Raymond Barre, hay Mẹ Theresa đã trở thành tổng thống. Sai lầm này đã lặp lại trong cách diễn giải về tỷ lệ được lòng dân của cựu thủ tướng Alain Juppé trong cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống của cánh hữu.

Sai lầm tiếp theo là nội dung câu hỏi thăm dò. Nếu hỏi người dân Pháp là ở cả cánh tả lẫn cánh hữu, ai sẽ là ứng viên tổng thống tốt nhất. Họ sẽ không quan tâm đến câu hỏi này. Cũng tương tự, nếu hỏi các cử tri cánh hữu rằng ai là ứng viên tốt nhất cho đảng Xanh và môi sinh, họ sẽ trả lời là Nicolas Hulot. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến nội dung câu hỏi ».

Thăm dò dư luận : Công cụ phân tích chính trị trong các nền dân chủ

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, Arie Kapteyn, giáo sư kinh tế tại đại học Nam California, Los Angeles, Hoa Kỳ, là một trong ba chuyên gia đứng sau cuộc thăm dò dư luận USC Dornsife / Los Angeles Times và ông là người duy nhất thường xuyên nói đến khả năng Donald Trump thắng cử.

Trên báo Libération, chuyên gia này nêu ra một số yếu tố giải thích vì sao các thăm dò dư luận tại Mỹ đã sai lầm : Họ không thấy là thực tế có hai, thậm chí nhiều nước Mỹ, mà người ta đang sống trong các môi trường khác nhau và không biết những gì đang xẩy ra ở môi trường bên kia.

Hơn nữa, các cơ quan thăm dò không nhìn thấy hai hiện tượng : Những người thường xuyên không bỏ phiếu thì lần này lại ồ ạt đến phòng phiếu và những người bỏ phiếu cho Donald Trump đã không dám nói thật với các nhà thăm dò dư luận.

Bên cạnh đó, theo nhà báo Jean Sébastien Ferjou, trong thời gian gần đây, tại Pháp, có một số cơ quan thăm dò dư luận làm việc thiếu nghiêm túc, mang tính thiên vị. Họ khai thác yếu tố dung sai và điều chỉnh để thực hiện ý đồ của mình. Tuy nhiên, đó là những hiện tượng hiếm hoi và đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh, thăm dò dư luận vẫn là một trong những phương tiện cần thiết để phân tích chính trị trong các nền dân chủ.

« Đây là một công cụ của nền dân chủ. Thế nhưng, phải biết cách đọc các cuộc thăm dò dư luận. Về việc Donald Trump thắng cử tổng thống tại Mỹ, người ta có thể thấy được tiềm năng cử tri ủng hộ nhân vật này, cho dù hệ thống bầu cử tại Mỹ rất phức tạp. Cần phải xem xét nhiều yếu tố khi nghiên cứu về dư luận. Không nên chỉ dựa vào một cuộc thăm dò. Người ta đã luôn luôn nhắc nhở rằng kết quả một cuộc thăm dò dư luận là hình ảnh chụp vào một thời điểm nào đó, phản ánh tình hình ở thời điểm đó.

Nhưng tôi muốn bổ sung thêm yếu tố xu hướng, sự năng động dẫn đến khả năng thay đổi. Khi đặt một câu hỏi vào các thời điểm khác nhau mà ta có được các câu trả lời khác nhau, thì phải hiểu rằng dư luận đang thay đổi. Trong cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống của cánh hữu Pháp vừa qua, các cuộc thăm dò dư luận không nhầm về xu hướng biến đổi dư luận trong trường hợp François Fillon ».

Cuối cùng, chuyên gia Dabi lưu ý là thăm dò dư luận chỉ tồn tại ở những quốc gia có nền dân chủ phát triển :

« Tại các nước toàn trị, độc tài như Chilê dưới thời Pinochet trước đây hay tại các nước độc tài ở châu Phi, không hề có các cuộc thăm dò dư luận thực sự về các vấn đề chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận mang tính tiếp thị thì vẫn có, và đó là các hoạt động kinh doanh, làm ăn. Tại Maroc, các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu bầu cử bị cấm.

Như vậy, các cuộc thăm dò dư luận là một công cụ của sinh hoạt dân chủ và vẫn cần thiết. Cần biết lựa chọn, khai thác những yếu tố tích cực của các cuộc thăm dò dư luận, bởi đó là một bức ảnh vào thời điểm nào đó, phản ánh một xu thế, một yếu tố góp phần giúp hiểu rõ vấn đề hơn và đồng thời cũng phải biết gạt bỏ những yếu tố tiêu cực ».

http://vi.rfi.fr/phap/20161221-co-nen-tin-vao-cac-cuoc-tham-do-du-luan-hay-khong