Tổng Thống đắc cử Donald Trump và biệt lập thuyết Nixon – Trọng Đạt
Khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra tại Âu châu, Á châu, người Mỹ chủ trương không can thiệp, cho rằng Hoa kỳ nằm giữa hai đại dương không bị đe dọa. Nhưng ngày 7-12-1941 khi quân Nhật tấn công Trân châu Cảng gây thiệt hại nặng cho Hải quân Mỹ họ mới tham gia cuộc chiến.
Trận đánh lớn bất ngờ này mở đầu cho một thời thời đại mới, thời đại tầu sân bay, kẻ địch có thể đem máy bay, tầu chiến, quân đội tới tận đất nước mình để đánh chiếm. Sau Thế chiến, Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp tại ngoại quốc, ngày 24-2-1947 Tổng thống Truman quyết định bảo vệ Hy Lạp, Thổ nhĩ Kỳ khỏi sự đe dọa của Cộng Sản (1) mở đầu cho thời đại can thiệp (interventionism). Năm 1946 Trung hoa lâm vào cuộc chiến tranh Quốc-Cộng, Mỹ can thiệp giúp đỡ Tưởng Giới Thạch nhưng không tận tình lắm so với Nga giúp Mao Trạch Đông nên Trung Hoa mất vào tay Cộng sản cuối năm 1949. Truman bị dư luận trong nước chỉ trích vì để mất nước Tầu, tỷ lệ ủng hộ giảm từ 70% xuống còn một nữa
Người Mỹ bỏ rơi Tưởng Giới Thạch vì vai trò chống Nhật của ông đã hết. Ngày 5-12-1949 Mao đã ra lệnh sửa chữa các sân bay, chuẩn bị đổ bộ chiếm Đài Loan. Ngày 5-1-1950 TT Truman tàn nhẫn tuyên bố thừa nhận Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc, ông ta nói sẽ không can dự vào cuộc tranh chấp, sẽ không viện trợ quân sự cho Tưởng, có nghĩa là công khai tuyên bố bỏ Đài Loan (2). Mỹ công kích Tưởng và các Tướng lãnh QDĐ bất tài, tham nhũng làm mất Trung Hoa để tự bào chữa cho dã tâm của mình.
Giữa năm 1950 Bắc Triều Tiên được Nga Sô, Trung Cộng yểm trợ vượt vĩ tuyến 38 xâm lăng Nam Triều Tiên. Sô Viết đã chiếm được Đông Âu và Trung Hoa, họ đã có bom nguyên tử tháng 8-1949 nhờ đánh cắp tài liệu, bây giờ Nga công khai đương đầu với Mỹ. Cuộc chiến bùng nổ, Mỹ hốt hoảng vì CS Nga, Tầu bành trướng mạnh, Truman vội cuống cuồng đưa quân vào nam Triều Tiên can thiệp dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc. Mỹ lại tuyên bố bảo vệ Đài Loan vì nay đã thấy rõ mối đe dọa CS bành trướng, họ cương quyết không nhường CS dù là một tấc đất. Khi bỏ rơi Trung hoa năm 1949 họ không nghĩ tới hậu quả tai hại này, đồng thời 1950 họ cũng bắt đầu giúp Pháp bảo vệ Đông Dương chống CS bành trướng
Đài Loan thoát chết, Mỹ bảo vệ hòn đảo này để phòng thủ cho chính họ.
Năm 1965, TT Johnson đưa quân vào miền nam VN chống chiến lược tầm ăn dâu của CS , cho tới 1968 số quân Mỹ tại đây đã lên tới hơn nửa triệu. Cuộc chiến tốn kém, chết người gây phân hóa đất nước trầm trọng khiến tân Tổng thống Nixon ngày 8-6-1969, mở cuộc họp với Tổng thống Thiệu, các vị phụ tá, cố vấn tại Midway để bàn về kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ rút quân về nước.
Chương trình này phát sinh ra học thuyết Nixon, The Nixon Doctrine tháng bẩy năm 1969 chủ trương biệt lập (isolationism), không can thiệp. Sau hơn hai mươi năm chính sách Mỹ gánh vác trọng trách bảo đảm tự do trên thế giới dù tốn kém tới đâu. Nay thời kỳ này chấm dứt (1969), sự tổn thất do cuộc chiến VN khiến người ta không còn tha thiết việc can thiệp tại ngoại quốc chống CS bành trướng.
Thời kỳ can thiệp (interventionism) chấm dứt 22 năm sau kể từ ngày 24-2-1947 khi TT Truman quyết định bảo vệ Hy Lạp, Thổ nhĩ Kỳ khỏi sự đe dọa của Cộng Sản (3) cho tới ngày 25-7-1969 khi Trung đoàn I thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ rút trở về nước từ Quân khu IV của VNCH.
Năm 1972 Nixon bắt tay được Trung cộng tháng 2 và hòa với Nga tháng 6 nên Mỹ càng gần chủ trương biệt lập hơn, hết phải gửi quân can thiệp chống CS bành trướng như thời thập niên 50, 60, nay kẻ thù từ từ thành bạn chí cốt.
Tác giả Walter Isaacson cho rằng thuyết biệt lập của Nixon tô vẽ cho chương trình VN hóa chiến tranh một nét hoa mỹ hơn, thực ra là rút chạy, thuyết này không tiến xa hơn, khi cần họ vẫn can thiệp. Thực vậy TT Bush cha mở cuộc chiến vùng Vịnh (Gulf war) từ tháng 8-1990 tới cuối tháng 2-1991 để giải phóng Kuwait khỏi bàn tay xâm lăng của Iraq với khoảng 700,000 quân Mỹ. Năm 2001, 2003 TT Bush con cũng đưa trên 200,000 quân quân sang Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003 để mở cuộc chiền chống khủng bố. Dù sao nước Mỹ cũng đã sống hòa bình được hai chục năm kể từ ngày biệt lập thuyết của Nixon ra đời năm 1969.
Từ 2009 tới nay TT Obama chịu ảnh hưởng học thuyết Nixon, ngay từ khi lên nhậm chức năm 2009 ông đã tỏ ra ôn hòa với chính sách ngoại giao mềm, trái ngược với TT người tiền nhiệm Bush con.
Thế giới bước vào giai đoạn thiên hạ đại loạn, các cuộc nội chiến tại Syria, Libya, Ukraine, cuộc chiến tranh Do Thái Hamas…. nối tiếp nhau. Người dân và nhất là đảng đối lập chỉ trích Obama hiện án binh bất động. Họ chỉ trích ông vì Putin xâm lăng Ukraine và muốn trở lại thời Nga hoàng, tại Thái Bình dương Trung Cộng đang gây rối, chiến tranh Iraq, Syria, căng thẳng .. thế mà ông vẫn bình chân như vại. Những lời chỉ trích và biểu hiện của các chính khách cho rằng Tổng thống Mỹ cần có trách nhiệm gìn giữ hòa bình thế giới và Obama đã không làm đúng vai trò của mình.
Sở dĩ nay TT Obama hành động theo thuyết Nixon, đứng ngoài mọi tranh chấp quốc tế vì sợ thua ở một mặt trận khác là Cuộc chiến tại đất nhà và nhất là sợ mất phiếu cho đảng cũng như cho chính phủ của ông.
Nay ông TT Donald Trump mới đắc cử cũng chịu ảnh hưởng của biệt lập thuyết nhưng không giống như với đường lối của TT Obama. Trong thời gian còn tranh cử sơ bộ, ông cho biết các nước Nam Hàn, Nhật Bản, khối Nato sẽ phải đóng góp hơn, Mỹ sẽ không chi phí nhiều để bảo vệ họ như trước. Quan điểm của ông được phóng đại, hoặc diễn tả sai lạc kiểu trông gà hóa quốc nên nhiều nước đã lo âu, họ nói Donald Trump sẽ bỏ rơi các đồng minh, họ phải tự lực cánh sinh. Trong thời gian còn tranh cử Tổng thống, các thăm dò cho thấy bà Clinton chiếm ưu thế hơn nên họ cũng yên tâm.
Sau khi Donald Trump thắng cử tối 8-11, nhiều nước mất tinh thần, để trấn an Nam Hàn ông Trump đã gọi điện thoại cho bà TT Phác Cận Huệ nhấn mạnh Mỹ vẫn tiếp tục chính sách bảo vệ Nam Hàn. Sự thực ông ta chỉ đặt vấn đề đóng góp cho cuộc phòng thủ, các nước Nam Hàn, Nhật, Âu châu … nay đều đã giầu có, kinh tế phát triển, họ phải đóng góp thêm với Mỹ. Cách đây khoảng 4, 5 năm tại Hán Thành có biểu tình đòi Mỹ rút quân, nước Nhật sống nhờ cây dù nguyên tử Mỹ làm giầu, cạnh tranh với Mỹ nhưng người dân Nhật vẫn biểu tình chống lính Mỹ, đòi Mỹ phải rút khiến cử tri Mỹ có khuynh hướng ủng hộ lập trường của Donald Trump. Nhật có nền kinh tế thứ ba trên thế giới, trình độ khoa học cao, năm 1941 hải quân Nhật có 10 hàng không mẫu hạm tối tân và mạnh nhất thế giới hồi đó… họ có thể tái võ trang chống Trung Cộng, Bắc Hàn nhưng vẫn thích dựa vào Mỹ vì sợ tốn kém.
Riêng về khối Nato, đã có người cho rằng không cẩn thiết duy trì sức mạnh vì nay Liên Sô sụp đổ, khối Varsovie của CS Đông Âu tan rã. Mỹ hiện đóng góp 70% chi phí phòng thủ cho khối Bắc đại Tây dương nhưng nhiều nước trong khu vực không chịu góp phần. Theo một bản tin của VOA, Washington kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng từ lâu, nay những lời lẽ cứng rắn của ông Trump khiến họ phải chú ý. Người Mỹ đóng góp khoảng 70% ngân sách hoạt động của NATO. Chỉ có 4 thành viên NATO là Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan đã làm đúng các cam kết đối với liên minh, là dành riêng ít nhất 2% GDP cho lãnh vực quốc phòng. Khối Bắc đại Tây dương không đồng quân điểm với nhau, cha chung không ai khóc, họ chia rẽ nay phải thay đổi quan niệm và đường lối
Mọi người đều biết trong thời kỳ chiến tranh VN thập niên 60, 70, các nước Tây Âu nhất là Pháp sống dưới cây dù nguyên tử của Mỹ nhưng vẫn biểu tình phản chiến, chống Mỹ xâm lược Bắc Việt, kết án Mỹ gây nhiều tội ác cho miền Bắc VN. Mười ba năm trước, các nước Pháp, Đức… chống đối cuộc chiến Iraq 2003 của TT Bush con dữ dội.. Vì thế người dân Mỹ đã không có cảm tình với họ và ủng hộ chính sách Donald Trump.
Những nhận định của phe đối lập, tả phái cho rằng Donald Trump bỏ rơi các nước đồng minh là hoàn toàn bịa đặt vô cân cứ có mục đích đâm bị thóc chọc bị gạo, gây chia rẽ, ông ta không hề nói thế, bảo vệ đồng minh là chủ trương lâu đời của nước Mỹ. Donald Trump cho biết cần tập trung vào việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhưng tránh không can thiệp vào việc lật đổ các chế độ nước ngoài như tại Trung đông hiện nay vì nó phức tạp, làm cạn kiệt tài nguyên và không biết sẽ đi về đâu. Điểm khác biệt giữa Donald Trump và các chính phủ tiền nhiệm là không tham dự vào những cuộc chiến lật đổ các nhà độc tài như Saddam Hussein, Gaddafi, Assad.. tại các nước Iraq, Libya, Syria…
Donald Trump chủ trương tăng cường quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân sự không phải để gây chiến mà là để tự vệ. Những tin đồn vô tình hoặc cố ý có mục đích không tốt, chưa có chứng cớ gì cho thấy ông ta chủ trương bỏ đồng minh. Ngày 2-12 vừa qua, cuộc điện đàm mười phút giữa Donald Trump và nữ Tổng thống Thái Anh Văn chứng tỏ một chính sách cứng rắn của tân Tổng thống với Hoa Lục. Ông ta cho rằng từ gần bốn thập niên qua, các chính phủ tiền nhiệm đã nhu nhược để cho Trung Cộng chèn ép Đài Loan. Phát ngôn viên Trung Cộng và giới tả phái Mỹ đánh giá Donald Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao là nhận thức thấp kém sai lạc, ông ta công khai chống Tầu từ nhiều năm trước, đã viết sách tố cáo họ ăn cướp việc làm của dân Mỹ, ăn cắp kỹ thuật Mỹ cũng như công khai tuyên bố sẽ ngăn chận Tầu đỏ.
Như đã nói trên cuối năm 1949 Mao chuẩn bị cho tấn công Đài Loan, TT Truman tuyên bố không can thiệp, ngay như nước Tầu vĩ đại mà họ còn bỏ huống hồ một hòn đảo xa xôi. Nhưng khi Trung Cộng hung dữ, hiếu chiến hơn Nga Sô đe dọa Đông Nam Á từ năm 1950 thì Mỹ cuống cuồng nhẩy vào, bảo vệ Nam Triều tiên, Đài Loan và cả Đông Dương. Thế là Đài Loan thoát chết và sống còn tới ngày hôm nay, mấy năm trước có bản tin cho hay họ vận động vào Liên hiệp quốc đổi lại sẽ đóng góp một tỷ Mỹ kim. Cuộc điện đàm lịch sử cho Trung Cộng thấy họ sẽ phải đương đầu với một chính phủ cứng rắn hơn. Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cho biết nay Nga và Trung Cộng sẽ không còn cơ hội ăn hiếp, đe dọa Đài Loan như trước đây, người dân Mỹ muốn vậy.
Obama chịu ảnh hưởng của học thuyết Nixon, tránh can thiệp bằng gửi bộ binh vì sợ sa lầy mà chỉ yểm trợ oanh tạc và viện trợ quân sự. Nixon phục Nga sô, họ không phải gửi một người lính nào sang VN, chỉ đứng ngoài giật dây bằng viện trợ mà vẫn chiếm được miền nam VN. Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến này ông chủ trương chỉ viện trợ quân sự mà không gửi quân tham chiến. Nixon nói từ sau chiến tranh VN, Hoa kỳ sẽ chỉ bất đắc dĩ mới gửi quân ra ngoại quôc. Vì thế ông lập Thuyết Nixon chủ trương trong tương lai trừ khi một siêu cường tham chiến Mỹ mới gửi quân, ta chỉ viện trợ quân sự kinh tế tương đương với sự trợ giúp của khối Sô viết, nước đồng minh của ta phải cung cấp nhân lực tự chiến đấu (4)
Donald Trump khác Obama ở chỗ chủ trương đánh dứt điểm bọn khủng bố ISIS nhưng không can thiệp lật đổ các chính phủ Ả rập như đã nói trên, không có nghĩa là bỏ đồng minh như nhiều tin đồn
Về chiến lược ông chủ trương chống Trung Cộng bành trướng nhưng hòa với Nga vì không thể chống cả hai cùng một lúc, vả lại nay Nga không quan trọng, dân số tụt xuống còn một nửa (145 triệu) so với thời Sô viết trước đây, kinh tế tụt xuống hàng thứ 7 trên thế giới (5). Trong một bài nhận định trên VOA, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore đánh giá tốt lập trường cứng rắn của Donald Trump đối với Trung Cộng tại biển đông, ông nói nếu nhường nhịn họ sẽ làm tới.
Dù can thiệp hay biệt lập cũng đều để phục vụ quyền lợi nước Mỹ trước hết. Từ 1947 cho tới đâu thập niên 70, trong vòng hai chục năm Hoa Kỳ đã nhiều lần can thiệp vào những cuộc chiến tranh ngăn chận bành trướng của CS quốc tế tại Á châu. Từ sau 1972, khi Nixon đã hòa được với Nga, bắt tay được Trung Cộng, cuộc chiến chống Cộng sản bành trướng chấm dứt kéo dài hai chục năm cho tới 1990. Đầu thập niên 90 Mỹ lại tiếp tục can thiệp bằng cuộc chiến chống Iraq xâm lăng thời TT Bush cha 1990, và Bush con chống khủng bố năm 2001, 2003 để bảo vệ an ninh Hoa Kỳ
Đúng như lời cựu bộ trưởng Quốc Phòng McNamara đã nói thế giới trong tương lai không bao giờ hết chiến tranh, hết nội chiến, sẽ tới ngoại chiến, năm 1990 Iraq tiến chiếm Kuwait, nội chiến tại Nam Tư cũ, những biến cố tại Chechnya, Somalia, Haiti, Sudan, Burundi, Armenia và Tajikistan. Xung đột chủng tộc, tôn giáo vẫn còn mãi. Chủ nghĩa quốc gia sẽ là sức mạnh trên thế giới (6)
Sự can thiệp quân sự của Mỹ vẫn diễn ra khi cần bảo vệ quyền lợi kinh tế, an ninh cho Hiệp chúng quốc.
Năm 1968, người dân Mỹ quá chán nản cuộc chiến sa lầy tại Đông Dương nên đã bầu cho một đảng khác, chính phủ khác để mang quân về nước tái lập hòa bình. Năm 1972 đánh dấu một kỷ nguyên mới sau 20 năm Hoa Kỳ can thiệp quân sự chống bành trướng CS tại Á châu. Và rồi 20 năm sau đó Hoa Kỳ lại tiếp tục cuộc chiến gửi quân can thiệp vì quyền lợi của nước Mỹ tại Trung đông. Thập niên 2000, TT Bush con sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, Iraq và rồi người dân bầu cho một chính phủ khác để giải quyết tình trạng bế tắc này
Cho tới nay tân tổng thống Donald Trump có chính sách, kế hoạch riêng của ông nhưng không phải là rút bỏ khu vực Á, Âu để co cụm lại tại Tây Bán Cầu, mà là xây dựng một đất nước hùng mạnh về quân dự, kinh tế.
Một điều chắc chắn là dù chính phủ nào, đảng nào cũng luôn ý thức cái tương quan môi hở răng lạnh cổ điển như tự bao giờ. Họ không thể từ bỏ đường lối cố hữu phòng thủ đất nước từ xa để bảo vệ thị trường tài nguyên, quyền lợi an ninh kinh tế của nước Mỹ tại khắp mọi nơi trên thế giới.
(1) www. Classbrain.com. Truman Doctrine 1947. Ngày 12-3- 1947 TT Truman đưa ra Quốc hội đề nghị cấp ngân khoản 400 triệu để giúp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị CS đe dọa. Thông điệp gửi Quốc hội được coi là thuyết Truman. Người ta sợ nếu hai nước này mất, CS có thể lan qua Iran, Ấn Độ
(2) Trần Vũ, Vì Sao Trung Quốc Không Giải Phóng Được Đài Loan? trang mạng Đời Sống Và Pháp Luật 2013
Chinese Civil War (Wikipedia) cũng nói tương tự
(3) Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 239-241
(4) No More Vietnams, Third World War, trang 213, 217
(5) Kinh tế gia Samuelson nói trong cuốn Economics trang 830 (in 1970)
“Thập niên 1970 cũng như thập niên 1960 Tổng sản lượng kinh tế của Nga vào khoảng một nửa Tổng sản lượng Mỹ”
(In the 1970s, as in the 1960s, U.S.S.R real GNP is about one-half United States real GNP)
Hồi đó Nga đứng thứ nhì sau Mỹ.
(6) In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, in 1995, chương 11 Những Bài Học Của Việt Nam, The Lessons of Vietnam, trang 324