Tin khắp nơi – 16/12/2016
Thượng đỉnh Nga-Nhật ký hợp đồng kinh tế,
nhưng không ký hòa ước
SEOUL —
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc hai ngày hội đàm không có đột phá nào đáng kể về bất đồng lớn nhất giữa hai nước, đó là vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã có từ Thế chiến thứ II.
Hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu đã họp tại Tokyo sau những cuộc hội đàm ngày hôm trước ở khu du lịch suối nước nóng ở miền tây nam của Nhật.
Tại thủ đô Tokyo, cảnh sát đã ngăn không cho những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đến gần địa điểm cuộc họp thượng đỉnh. Những người biểu tình đòi Nga trả lại quần đảo mà người Nga gọi là Kuril ở tây Thái Bình Dương mà quân đội Liên Xô chiếm vào cuối Thế chiến thứ II và đuổi khoảng 17.000 cư dân Nhật ra khỏi các hải đảo mà người Nhật gọi là quần đảo Chishima.
Nga và Nhật Bản không ký hòa ước sau chiến tranh bởi vì tranh chấp về chủ quyền của quần đảo đó chưa giải quyết được.
Đầu tư cho hòa bình
Tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tiềm năng của hòa ước và hai bên nhất trí rằng tăng cường hợp tác kinh tế sẽ giúp mở ra những điều kiện để tiến đến một thỏa thuận trong tương lai về nhóm hải đảo này.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Abe nói rằng “không có sự tin tưởng lẫn nhau thì không thể đạt được mục tiêu.”
Trong tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu đã ký 68 thỏa thuận hợp tác, trong đó có nhiều hợp đồng phát triển năng lượng.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) ký một biên bản ghi nhớ thành lập một quỹ đầu tư 1 tỉ đôla để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Công ty năng lượng Novatek của Nga công bố các thỏa thuận ký với công ty Mitsubishi và Marubeni của Nhật về một dự án khí hóa lỏng ở Bắc Cực.
Ông Grant Nesham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn đàn Chiến lược của Nhật Bản ở Tokyo nói rằng nước Nhật lâu nay luôn cố dùng hứa hẹn đầu tư kinh tế lớn vào Nga để đổi lại việc trao trả chủ quyền các hải đảo đó lại cho Nhật, nhưng Moscow không sẵn lòng nhượng bộ:
“Luôn luôn có trở ngại trong việc trao trả lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược từ góc nhìn chiến lược về địa lý của an ninh quốc phòng Nga. Đồng thời, sự thật đơn giản là những hải đảo này Nga đã chiếm được sau một cuộc chiến tranh mà người Nga đã đổ rất nhiều xương máu.”
Quần đảo Kuril nằm gần các thủy lộ chính nối Nga với Thái Bình Dương, ở trong khu vực biển có nguồn thủy sản và có lẽ cả trữ lượng dầu khí dồi dào.
Tổng thống Putin nói rằng Nga có thể sẽ nới lỏng các quy định để cho người Nhật đến thăm quần đảo Kuril.
Một cố vấn kinh tế của Điện Kremlin hôm thứ Năm nói rằng hai bên sẽ ra một tuyên bố về tiềm năng hợp tác kinh tế trên các hải đảo đang tranh chấp này tại cuộc họp thượng đỉnh, và bất cứ hoạt động nào trên các đảo này cũng phải tuân thủ luật lệ của Nga.
Giá trị quân sự
Năm ngoái Nga loan báo kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Kuril, cùng với 4 căn cứ khác ở Bắc Cực trong khuôn khổ của kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin vạch ra.
Tokyo đã bày tỏ lo ngại về việc Nga quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp này.
Hôm thứ Năm, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nối lại cuộc đối thoại an ninh.
Các cuộc đối thoại cấp bộ về an ninh đã bị đình hoãn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, và Hoa Kỳ cùng với các nước thuộc nhóm G7 đã chế tài Nga.
Tin nói Nga đã chi tiêu hơn 600 tỉ đôla trong thập niên qua để hiện đại hóa quân đội, trong đó có chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, chiến đấu cơ và máy bay trực thăng.
Trung Quốc
Việc Nga và Nhật Bản thắt chặt các mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Bắc Kinh với Moscow.
Kể từ năm 2012, Trung Quốc và Nga đã 5 lần diễn tập quân sự chung với nhau, trong đó có một cuộc thao dượt hải quân ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, hồi tháng 9, trong khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước láng giềng.
Tokyo và Bắc Kinh cũng tranh chấp chủ quyền các hải đảo ở Biển Ðông Trung Hoa. Hai nước tố cáo nhau về những hành động quân sự gây hấn, trong đó có những vụ chiến đấu cơ hai bên đối đầu nhau trong không phận Thái Bình Dương.
http://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-nga-nhat-ky-hop-dong-kinh-te-khong-ky-hoa-uoc/3638898.html
Chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống Mỹ
không được phép sai sót
WASHINGTON —
Một trong những chỉ dấu tiêu biểu của nền dân chủ Mỹ là sự chuyển giao quyền lực êm thắm từ tổng thống mãn nhiệm sang cho người kế nhiệm. Công cuộc chuẩn bị cho nhiệm vụ to lớn này phải mất mấy năm trời để biến thủ đô Washington thành một cuộc trình diễn được truyền hình toàn cầu trong ngày lễ nhậm chức đó. Các tư lệnh quân đội lập kế hoạch cho ngày trọng đại này trên một bản đồ khổng lồ trải ra bên trong vận động trường DC Armory.Tấm bản đồ là một phiên bản thu nhỏ của thủ đô Washington.Các giới chức từ khắp nơi trên nước Mỹ quy tụ về vận động trường DC Armory để lên kế hoạch cho tuyến đường diễu hành trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống thứ 58 của Hoa Kỳ.
Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Lucas Hernandez nói với đài VOA:
“Có rất nhiều đơn vị di chuyển. Chúng tôi chỉ có một diện tích bó hẹp quanh khu vực trụ sở Quốc hội trong một khoảng thời gian rất ít mà tất cả các sự kiện phải được thực hiện và hoàn thành mà không được phép sai sót trong ngày quan trọng đó.”
Để tập dượt, các Lực lượng Vũ trang trải một bản đồ của thủ đô Washington có chiều dài 18m và rộng 12m. Bản đồ này tập trung vào tuyến đường diễu hành và khu vực hậu cần có sự phối hợp của quân đội với chính quyền liên bang và địa phương.
Ông Arron Lovely là một sĩ quan Lục quân Mỹ:
“Chúng tôi rất phấn khởi trước sự hợp tác của quân đội với các cơ quan liên bang để thực hiện sự kiện này trong thành phố, bởi vì chúng tôi sẽ phải di chuyển rất nhiều người qua những đám đông rất lớn.”
Ông Malik Freeman, một sĩ quan Lục quân, tham gia hoạch định chương trình cho ngày lễ này:
“Chúng tôi sẽ đón khoảng từ 7.000 tới 8.000 quân nhân từ 40 bang đến, do đó chúng tôi phải đảm bảo việc đưa họ tới đó, đưa họ tới khu vực chịu trách nhiệm của họ để họ làm nhiệm vụ của họ trong ngày nhậm chức tổng thống, và trả họ về đơn vị của họ nội trong khung thời gian 72 giờ đồng hồ.”
Tháng Giêng ở Washington thường rất lạnh với nhiệt độ luôn ở mức băng giá. Đó cũng là một khích lệ cho một sự chuyển giao suôn sẻ.
Bà Michelle Watson, sĩ quan của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, tham gia lập kế hoạch cho ngày lễ. Bà nói:
“Chúng tôi không muốn giữ các quân nhân ở đây lâu hơn mức cần thiết.”
Lễ nhậm chức của tổng thống sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 20/1. Thông thường Washington khá yên tĩnh vào các ngày thứ Sáu. Nhưng với việc một vị tổng thống rất đặc biệt đắc cử này, các kế hoạch trên giấy tờ có thể bị thay đổi ở thủ đô của nước Mỹ.
Ông Trump chỉ trích âm mưu lung lạc chiến thắng của ông
Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, ngày 15/12 chỉ trích các nỗ lực gây phương hại cho chiến thắng của ông trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton qua thông tin rằng Nga đã tấn công tin tặc để tăng cơ hội đắc cử cho ông.
Bình luận trên Twitter, ông Trump nói: “Nếu Nga hay bất kỳ chủ thể nào tấn công tin tặc thì tại sao Tòa Bạch Ốc không ra tay ngay? Tại sao họ chỉ lên tiếng sau khi bà Hillary thất cử?”
Trong cuộc phỏng vấn truyền hình, Kellyanne Conway, một trong những phụ tá hàng đầu của ông Trump đã phản bác gợi ý hôm qua của phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Johs Earnest rằng trong thời gian tranh cử ông Trump có thể đã biết việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và rằng “sự can thiệp của họ có tác động tiêu cực” cho cuộc vận động của bà Clinton.
Bà Conway nói với Fox News cho rằng phát biểu của ông Earnest là cực kỳ vô trách nhiệm.
Tại cuộc họp báo chính thức cuối cùng hồi tháng 7, ông Trump từng mời gọi các tin tặc Nga tìm kiếm những email đã bị xóa từ máy chủ cá nhân của bà Clinton. Sau đó một ngày, ông tuyên bố phát biểu đó chỉ mang tính giễu cợt châm biếm. Tuy nhiên, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói rằng đề nghị của ông Trump “có thể là chỉ dấu cho thấy ông ấy hiển nhiên đã biết rõ và kết luận, dựa trên dữ liệu hay nguồn tin nào có được, rằng Nga có can thiệp.”
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Moscow đã tấn công tin tặc các tài khoản email của Ủy ban Dân chủ Toàn quốc giúp đưa tới cuộc vận động bất thành của bà Clinton và tấn công máy tính của trưởng ban vận động cho bà Clinton, John Podesta, giúp ông Trump đắc cử.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-chi-trich-am-muu-lung-lac-chien-thang-cua-ong/3638638.html
Ông Trump chọn dân biểu Zinke làm Bộ trưởng Nội vụ
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 15/12 đề cử dân biểu Ryan Zinke, một cựu chỉ huy lực lượng Navy SEAL của hải quân Hoa Kỳ, làm Bộ trưởng Nội vụ.
Nếu được Thượng viện xác nhận, đảng viên Cộng hòa Zinke sẽ dẫn dắt cơ quan với hơn 70 ngàn nhân viên trên cả nước và trông coi hơn 20% đất liên bang kể cả các công viên quốc gia như Yellowstone và Yosemite.
Dân biểu Zinke từng đưa ra nhiều quan điểm ủng hộ than đá, loại nhiên liệu hóa thạch phát thải lượng CO2 cao. Sản lượng than đá đã bị cắt giảm nhiều dưới thời Tổng thống Barack Obama vì sự phát triển của các loại nhiên liệu cạnh tranh khác như khí thiên nhiên, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Ông Zinke, 55 tuổi, cũng đã giúp đưa ra dự luật mở rộng ưu đãi thuế cho các nhà máy năng lượng chạy bằng than đá chôn khí thải CO2 dưới lòng đất để chống biến đổi khí hậu, một biện pháp được các nhóm hoạt động về than đá và một số tổ chức bảo vệ môi trường dung hòa ủng hộ.
Ông Zinke là người ủng hộ quan điểm giữ đất công dưới quyền sở hữu liên bang, trái với một số đảng viên cùng đảng bên Cộng hòa muốn thúc đẩy tư hữu hóa đất đai hay đặt dưới quyền kiểm soát của các tiểu bang.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-chon-dan-bieu-zinke-lam-bo-truong-noi-vu/3638636.html
Ông Trump gặp các giám đốc công nghệ hàng đầu
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Tư đã gặp các lãnh đạo cấp cao nhất của các công ty công nghệ lớn nhất Hoa Kỳ. Rất nhiều người trong số họ đã chỉ trích ông dữ dội trong chiến dịch tranh cử năm nay. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận của họ không hề có chút dấu hiệu tồn tại của tình trạng đối đầu.
Cuộc họp diễn ra tại trụ sở của ông Trump ở thành phố New York, với sự tham dự của Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và Giám đốc điều hành của hãng xe Tesla Motors Elon Musk.
Vị tổng thống kế tiếp của Mỹ đã kêu gọi các CEO hãy gọi điện thoại trực tiếp cho ông nếu họ muốn nói chuyện, và đề nghị gặp lại nhau thường kỳ, khoảng ba tháng một lần.
Tổng thống mới đắc cử nói ông muốn bắt đầu một “cuộc đối thoại và hợp tác” để thúc đẩy đổi mới và tạo thêm công ăn việc làm.
Trước cuộc bầu cử, rất nhiều trong số các lãnh đạo công nghệ hàng đầu đã mạnh mẽ bày tỏ quan ngại về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vì những lời chỉ trích mạnh mẽ của ông đối với Trung Quốc, việc ông đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận thương mại và các kế hoạch hạn chế nhập cư, điều này sẽ hạn chế lượng nhân công có trình độ cao sẵn có cho các công ty công nghệ.
Hôm thứ Ba, nhân viên của hơn 200 công ty công nghệ đã ký một bức thư ngỏ thề sẽ không giúp cho ông Trump phát triển một hệ thống đăng ký dữ liệu theo dõi mọi người căn cứ vào tôn giáo của họ, hoặc dùng cho việc trục xuất.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-gap-cac-giam-doc-cong-nghe-hang-dau/3637699.html
Philippines: Bớt viện trợ Mỹ cũng chẳng sao
Chính phủ Philippines ngày 15/12 tuyên bố bớt viện trợ Mỹ cũng chẳng sao đối với Philippines. Tuyên bố được đưa ra sau khi một cơ quan của Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định tài trợ một chương trình xóa đói giảm nghèo thứ hai cho Philippines.
Tập đoàn MCC, cơ quan giảm nghèo của Mỹ, loan báo rằng hội đồng quản trị của họ “đã trì hoãn cuộc bỏ phiếu về việc tái tuyển chọn Philippines cho hợp đồng phát triển, chờ xem xét thêm các quan ngại về pháp quyền và các quyền tự do dân sự.”
Tùy viên báo chí tòa đại sứ Mỹ, Molly Koscina, nói MCC sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tại Philippines, nhưng như tất cả các quốc gia đối tác khác, Philippines cần chứng tỏ “cam kết về nhà nước pháp quyền, quá trình tố tụng xét xử theo luật pháp, và tôn trọng nhân quyền.”
Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10 đã nặng lời xúc phạm Tổng thống Barack Obama và có những chỉ dấu làm căng thẳng quan hệ với Mỹ sau khi bất bình về những chỉ trích của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu khiến 2000 người thiệt mạng kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền vào ngày 1 tháng 7.
Khế ước 5 năm đầu tiên của MCC với Philippines trị giá 434 triệu đô la chấm dứt vào tháng 5 năm nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, phản hồi động thái của MCC rằng “Chính phủ chúng tôi vẫn cam kết với những mục tiêu thúc đẩy quản trị tốt và nhà nước pháp quyền, và sẽ tiếp tục giao tiếp với hội đồng quản trị MCC đảm bảo cập nhật thông tin chính xác về chính sách và chương trình của chính phủ cho những thành viên của hội đồng.”
Bộ trưởng Tài chính Philippines Ernesto Pernia cho hay chính phủ Duterte có thể trông cậy vào những nguồn tài trợ khác trong vùng, kể cả từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á AIIB do Trung Quốc lãnh đạo. Chính phủ của ông Duterte đã cam kết nâng chi phí hạ tầng cơ sở hơn 100 triệu đô la để giúp nâng cao tăng trưởng kinh tế.
Sau khi thượng viện Philippines phê chuẩn việc Philippines là thành viên của định chế do Trung Quốc hỗ trợ này, một Thượng nghị sĩ Philippines trong tuần qua cho hay nước ông có thể vay của AIIB từ 200 đến 500 triệu đô la hàng năm để tài trợ cho những dự án hạ tầng cơ sở.
Bộ trưởng Pernia cho hay chính phủ đã gặp Ngân hàng Phát triển Á châu và Ngân hàng Thế giới trong những ngày gần đây và sẽ thảo luận với các giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc đang muốn tìm dự án đầu tư tại Philippines.
http://www.voatiengviet.com/a/philippines-bot-vien-tro-my-cung-chang-sao/3638640.html
Nhật sắp soán ngôi TQ thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ
Trung Quốc sắp bị Nhật Bản soán ngôi làm chủ nợ lớn nhất của Mỹ giữa bối cảnh ngân hàng trung ương Bắc Kinh đang phải cậy vào quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ trong khi đối tác Nhật hài lòng để cho đồng Yên sụt giá, theo dự báo của các kinh tế gia.
Các nhà đầu tư đang dõi mắt kỹ đến bất kỳ sự sụt giảm nào về số nợ công của Mỹ trong tay Trung Quốc vì hễ xuất hiện việc bán tháo trái phiếu là có thể tăng thêm áp lực đối với lãi suất của Hoa Kỳ, và việc này ngược lại sẽ làm phương hại cho tiền tệ Trung Quốc.
Những lời lẽ công kích của Tổng thống tân cử Donald Trump đối với chính sách thương mại và tiền tệ của Bắc Kinh cũng như việc ông chất vấn chính sách của Mỹ về ‘một nước Trung Hoa’ làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc bán trái phiếu của chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ.
Tuy nhiên, các cố vấn chính sách nhà nước Trung Quốc cho rằng khó xảy ra khả năng này.
Từ tháng 8 sang tháng 9, giá trị trái phiếu Mỹ Trung Quốc đang nắm sụt 28,1 tỷ đô la xuống còn 1,157 ngàn tỷ đô la, mức thấp nhất trong bốn năm qua, theo số liệu từ Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Con số của tháng 10 dự kiến sẽ còn giảm nữa, và Nhật có thể chiếm vị trí số 1 hiện nay của Trung Quốc.
Các số liệu của tháng 11 và 12 này sẽ quan trọng hơn và sẽ không được công bố cho đến tháng giêng năm tới. Những số liệu của hai tháng cuối năm này sẽ cho thấy chuyện gì đã xảy ra sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống hôm 8/11.
Các nhà đầu tư đã bán ra nhiều trái phiếu với dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ lên và thâm hụt ngân sách chính phủ sẽ lớn hơn vì ông Trump định cắt giảm thuế và mượn tiền để tài trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới.
Tính đến tháng 9 năm nay, Nhật vẫn giữ vị trí thứ nhì, nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ sau Trung Quốc, với tổng trị giá 1,136 ngàn tỷ đô la. Số này đã giảm 7,6 tỷ đô la so với tháng 8 trước đó, nhưng vẫn còn cao hơn tháng 12 năm ngoái 14 tỷ đô la.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm số trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm để bảo về đồng Nhân dân tệ, nhưng khó xảy ra tình trạng bán tống bán tháo.
Một cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc trong tháng này tuyên bố rằng Bắc Kinh nên dùng quỹ dự trữ ngoại hối để duy trì lòng tin thị trường vào đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, các cố vấn cao cấp về chính sách nhà nước cho rằng bán tháo trái phiếu Mỹ không nằm trong số các lựa chọn của lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp Bắc Kinh muốn trả đũa Washington.
Điều này, dĩ nhiên, cũng phụ thuộc vào việc ông Trump có thực hiện những lời đe dọa rằng sẽ công bố Trung Quốc là nước thao túng chỉ tệ, ban hành thuế suất trừng phạt lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, và hủy bỏ chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ hay không.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-sap-soan-ngoi-tq-thanh-chu-no-lon-nhat-cua-my/3638627.html
Quyết định triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc
nên dành cho tổng thống mới
Hôm thứ Năm, cựu lãnh đạo đảng đối lập chính của Hàn Quốc, người mà trong các cuộc thăm dò đang dẫn đầu các ứng cử viên có khả năng trở thành tổng thống kế tiếp, nói nên để quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ cho chính quyền sắp tới.
Trung Quốc lâu nay phản đối việc triển khai này.
Ông Moon Jae-in, 63 tuổi, đã thua bà Park Geun Hye 3% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi. Ông Moon Jae-in khẳng định ông sẽ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm 2017. Cuộc bầu cử cũng có thể được tổ chức sớm hơn nếu Tòa Bảo hiến quyết định luận tội bà Park và bà bị buộc phải rời khỏi chức vụ.
Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã thỏa thuận trong năm nay sẽ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD nhằm đáp trả các vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.
Nhưng Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc triển khai hệ thống phi đạn này ở Hàn Quốc, vì lo ngại radar của hệ thống có thể quét vào lãnh thổ nước này. Nga cũng phản đối việc này.
Hệ thống phòng thủ cũng bị phe đối lập ở Hàn Quốc chống đối, đặc biệt là ở các khu vực họ kiểm soát.
Bà Park đang gặp khó khăn lớn sau khi quốc hội biểu quyết luận tội bà hồi tuần rồi. Thời điểm của cuộc bầu cử tiếp theo và sự thay đổi của chính quyền ở Mỹ đã góp phần đặt ra câu hỏi là khi nào thì hệ thống THAAD sẽ được triển khai.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Seoul, ông Moon nói việc này cần phải chờ cho đến khi Hàn Quốc có tổng thống mới.
Tháng trước, tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ ở Hàn Quốc nói các bộ phận của THAAD sẽ được đưa tới Hàn Quốc trong vòng từ 8 đến 10 tháng.
Ông Moon cũng nói về khả năng tái đàm phán thỏa thuận triển khai hệ thống trên và nói rằng làm như vậy sẽ không gây tổn hại đến mối quan hệ với Hoa Kỳ. Ông nói nếu đắc cử, ông sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Hiện Mỹ đang có 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc.
Trong cuộc khảo sát hôm thứ Năm của Realmeter, ông Moon hiện đang dẫn đầu các ứng cử viên có thể trở thành tổng thống, với tỷ lệ 24%. Trong khi đó, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon có tỷ lệ ủng hộ 19,5%. Ông Ban được trông chờ sẽ tham gia vào cuộc đua, mặc dù ông chưa hề tuyên bố ý định này.
Ngưng sơ tán ở Aleppo vì phe đối lập vi phạm lệnh ngừng bắn
Việc sơ tán người dân ra khỏi thành phố Aleppo đã bị đình chỉ, làm hàng ngàn người bị mắc kẹt. Hôm thứ Sáu, vẫn còn xảy ra các vụ nổ súng gần đoàn xe chở người dân ra khỏi thành phố.
Truyền thông nhà nước Syria cho biết các lực lượng nổi dậy đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ. Cho đến nay vẫn chưa rõ khi nào cuộc sơ tán sẽ tiếp tục.
Trước đó, Tổng thống Nga cho biết Nga đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để bắt đầu một vòng hòa đàm mới cho Syria với mục tiêu là sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trên khắp nước.
Phát biểu hôm thứ Sáu trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Vladimir Putin cho biết ông và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đưa ra đề xuất để tổ chức đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập, có thể sẽ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Phát biểu này của ông Putin được đưa ra khi nhiều người dân đang chuẩn bị rời khỏi thành phố Aleppo bị chiến tranh tàn phá, theo chân hàng ngàn người đã di tản hôm thứ Năm trong một lệnh ngừng bắn được thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chủ yếu nhượng lại những khu vực cho chính phủ Syria kiểm soát.
Hôm thứ Năm, tại một cuộc mít tinh để cảm ơn cử tri ở Pennsylvania, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho biết sẽ tạo ra “vùng an toàn” ở Syria. Ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ xây dựng và giúp xây dựng các khu an toàn ở Syria, do đó người dân sẽ có cơ hội. Tôi đau lòng khi theo dõi những gì đang xảy ra ở Syria.”
Trong những phát biểu đầu tiên của vị tổng thống đắc cử về vai trò của Hoa Kỳ ở Syria, kể từ khi thắng cử, ông Trump cho biết ông sẽ yêu cầu các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư đóng góp tài chính cho các khu an toàn này.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tiến hành một phiên họp khẩn cấp vào hôm nay, thứ Sáu để thảo luận về vấn đề Aleppo. Pháp là nước kêu gọi cuộc họp này, Pháp muốn các nhà quan sát quốc tế có mặt để giám sát việc sơ tán dân thường, sau nhiều năm giao tranh trong thành phố. Các thỏa thuận ngừng bắn trước đây gần như bị đổ bể ngay lập tức làm ngưng các nỗ lực sơ tán thường dân.
Các lực lượng nổi dậy Syria chỉ còn chiếm giữ một khu vực nhỏ ở phía đông Aleppo, trong khi đó các lực lượng Syria được Nga hỗ trợ đã chiếm lại thành phố. Hôm thứ Năm Tổng thống Bashar al-Assad cho biết rằng lịch sử sẽ ghi nhận những gì ông gọi là “giải phóng Aleppo.”
Ông Assad nói trong một video được đăng trên tài khoản Twitter chính thức của ông rằng: “Những gì đang xảy ra hiện nay đang được mỗi công dân Syria ghi nhận trong lịch sử. Việc này không phải bắt đầu ngày hôm nay. Nó đã có cách đây 6 năm khi bắt đầu cuộc khủng hoảng và chiến tranh chống lại Syria.”
Tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tàn sát bừa bãi, không chỉ là tai nạn chiến tranh, cũng không chỉ là sự thiệt hại tài sản, mà là sự tàn sát có mục đích, đây chính là một chính sách nhằm khủng bố thường dân.”
Ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để cứu sống người dân và tiếp tục thúc đẩy tất cả các bên ở Syria đưa ra giải pháp và cho phép các nhóm nhân đạo tiếp cận thường dân khắp Syria. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng đây chính là một thời điểm chính phủ Syria và quân đội Nga có một cơ hội để đưa ra quyết định, một quyết định chiến lược vì hòa bình.”
Ông Kerry nói: “Hoàn toàn không có biện minh cho sự tàn bạo bừa bãi và man rợ chống lại dân thường do chế độ Syria và đồng minh của Nga và Iran gây nên trong vài tuần qua, thực sự là trong vòng 5 năm qua.”
EU nhất trí gia hạn chế tài Nga
Giới lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu ngày 15/12 nhất trí gia hạn các biện pháp chế tài kinh tế chống lại Nga thêm nửa năm nữa cho tới giữa 2017 vì tình hình bất ổn ở Ukraine, theo nguồn tin từ giới ngoại giao.
Tiến trình chính thức gia hạn trừng phạt trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, và tài chính của Nga sẽ diễn ra đầu tuần tới.
Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU.
EU ban hành chế tài Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine ở Hắc Hải hồi năm 2014.
Cuộc xung đột ở đây vẫn tiếp diễn và cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 10 ngàn người.
Ba Lan nằm trong số các nước EU muốn kéo dài chế tài Nga nhưng Italy, một tiếng nói đi đầu trong khối, lập luận tìm cách tạo lại các quan hệ thương mại với Moscow.
EU chưa ban thêm các chế tài mới với Nga vì vai trò của Moscow trong cuộc xung đột ở Syria dù hồi tháng 10 một số lãnh đạo EU đã lên tiếng đe dọa.
http://www.voatiengviet.com/a/eu-nhat-tri-gia-han-che-tai-nga/3638631.html
Nghi can tấn công xe lửa Paris nhận lệnh từ IS
Nghi can chính trong vụ tấn công xe lửa cao tốc năm ngoái ở miền Bắc nước Pháp khai báo nhận lệnh hành động từ một thành viên hàng đầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, AP dẫn lời luật sư của đương sự cho biết hôm nay 15/12.
Luật sư của Ayoub El Khazzani nói trong lời khai hôm qua trước một thẩm phán chống khủng bố tại Paris, nghi can cho hay nhận lệnh từ Abdelhamid Abaaoud. Vài ngày sau các cuộc tấn công Paris, Abaaoud đã thiệt mạng trong một đợt truy quét của cảnh sát.
El Khazzani, quốc tịch Ma-rốc, lên tàu cao tốc ở Brussels đi Paris, mang theo một súng trường tấn công và 270 viên đạn. Ngoài ra, nhà chức trách còn cho biết thêm là nghi can cũng trang bị một súng ngắn, 1 bình xăng, và một con dao rọc giấy.
Nghi can El Khazzanni bị truy tố tội giết người có dự mưu mang tính chất khủng bố.
4 hành khách khống chế được El Khazzanni trên chuyến xe lửa hôm 21/8/15 gồm một người Anh và ba người Mỹ đã được Tổng thống Pháp Francois Hollande trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh vì kịp thời khống chế tay khủng bố, cứu nguy cho hàng trăm hành khách trên tàu.
http://www.voatiengviet.com/a/nghi-can-tan-cong-xe-lua-paris-nhan-lenh-tu-is/3638607.html
EU họp, sắp đặt cho Thủ tướng Anh rời họp sớm
Hôm thứ Năm, các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã họp thượng đỉnh tại Brussels sau một năm đầy biến động đối với nhóm 28 quốc gia thành viên, giữa lúc bắt đầu xuất hiện những nghi vấn về tính toàn vẹn cũng như tương lai của khối.
Trong số những thách thức lớn nhất sẽ được bàn thảo tại cuộc họp một ngày ở Brussels hôm thứ Năm là việc liệu có tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga vì vụ Ukraine hay không, cuộc khủng hoảng di dân, và quyết định rời khỏi EU của Anh hồi tháng Sáu.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã được sắp xếp để rời khỏi cuộc họp trước các lãnh đạo của 27 nước thành viên khác. Các nhà lãnh đạo này sẽ dự bữa tối và thảo luận không chính thức về quan điểm của họ đối với Brexit.
Việc không mời lãnh đạo Anh dự bữa tối là một trong những dấu hiệu đầu tiên của thực tế là nước Anh, nền kinh tế lớn thứ hai của EU, sắp không còn là một thành viên của khối nữa. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của bà May đã hạ giảm điều mà một số nhà quan sát giải thích là sự chống đối nhẹ nhàng với nhà lãnh đạo Anh.
http://www.voatiengviet.com/a/eu-hop-sap-dat-cho-thu-tuong-anh-roi-hop-som/3638053.html
Gia hạn trừng phạt Iran trở thành luật,
dù không có chữ ký TT Obama
Hôm thứ Năm, Tòa Bạch Ốc cho biết dự luật gia hạn lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran thêm 10 năm nữa sẽ trở thành luật mà không có chữ ký của Tổng thống Barack Obama. Nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện hiệp ước quốc tế hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói:
“Dù không cần thiết, nhưng chính quyền đã nói rõ rằng việc gia hạn Luật trừng phạt Iran là hoàn toàn phù hợp với những cam kết của chúng ta trong kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Theo quan điểm đã có từ lâu này, việc gia hạn Luật trừng phạt Iran sẽ trở thành luật mà không có chữ ký của Tổng thống”.
Những sự kiện làm thế giới đảo lộn năm 2016
BBC Tiếng Việt mời nhà báo Hồng Nga của BBC và nhà báo tự do Phạm Cao Phong điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong năm 2016 của thế giới, cả hai ý kiến cùng cho rằng đây là một năm đầy bất ngờ và biến động, với những hệ quả sẽ còn ảnh hưởng và kéo dài trong những năm tới.
Nhà báo tự do Phạm Cao Phong lựa chọn ba vấn đề chính là “sự thắng lợi giấu mặt nhưng toàn diện và gần như áp đảo của Tổng thống Vladimir Putin trong tất cả các mặt trận,” việc Thủ tướng Đức đón tiếp “thành công” hàng triệu di dân, và sự kiện người dân và Quốc hội Nam Hàn phế truất nữ Tổng thống Park Guen-hye.
Trong khi đó nhà báo Hồng Nga nhắc tới sự kiện được cả thế giới quan tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, phán xử của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, và phân tích về nhân vật gây tranh cãi ở châu Á, ông Rodrigo Duterte.
BBC tóm lược một số nét chính từ cuộc thảo luận hôm 14/12. Quý vị có thể xem lại toàn bộ chương trình chất lượng cao tại đây.
‘Tại sao là Vladimir Putin?’
Nhà báo Phạm Cao Phong: Tổng thống Vladimir Putin là người kiến tạo ra những nhà lãnh đạo của thế giới hôm nay.
Ông Putin chơi ván bài Syria, mà nếu thực sự muốn đánh Daesh [tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, còn biết đến là IS] thì với tiềm năng quân sự của Nga với Hezbolla, với quân đội Syria có thể đánh được.
Nhưng Putin không đánh mà có một kiểu trả thù lại Liên minh châu Âu đã phản đối khi sát nhập Crimea vào Nga, thì Putin chơi kiểu gì? Đánh để cho dân chạy rồi lại đánh, mà không quây lại để đánh – tạo ra gánh nặng.
BBC: Vậy những gì đang diễn ra ở châu Âu một phần do tác động của cuộc khủng hoảng di dân?
Nhà báo Phạm Cao Phong: Gánh nặng đó khủng khiếp vì chúng ta phải chìa tay ra giúp đỡ, những giá trị nhân đạo của châu Âu bắt buộc phải làm điều đó.
… Vladimir Putin lợi dụng điều đó để hàng mấy triệu người Syria, Afghanistan vào châu Âu và làm đảo lộn tiến trình phát triển kinh tế, tiến trình văn hóa.
Nhà báo Hồng Nga: Không ai có thể phủ nhận là khủng hoảng di dân hiện đang ảnh hưởng tới tất cả những diễn biến hiện nay trên toàn cầu, nhưng chưa đủ chứng cứ để có thể kết luận được đó có chính là bàn tay của Vladimir Putin.
Một khía cạnh nữa, là trong những cuộc chiến, như Syria chẳng hạn, hay những cuộc chiến khác, thì những nước nhỏ, yếu bao giờ cũng bị kẹt giữa các cường quốc. Có thể nói rằng đó là Mỹ, Anh hay Nga, nhưng cuối cùng thì những người chịu chết chóc là ai, cũng chính là dân thường.
Diễn biến Biển Đông
Nhà báo Hồng Nga: Về phiên tòa The Hague hôm 12/07, đã có sự phấn khích trước khi có phán xử của tòa… Nhưng rất đáng buồn là từ đó đến giờ không có gì thay đổi ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn giữ những gì mà họ đã chiếm, họ vẫn cơi nới những gì họ đã có trong tay, họ vẫn tiếp tục tuần tra, ngăn cản ngư dân của các nước khác đánh bắt.
Vậy câu hỏi là những phiên tòa như vậy, các tổ chức quốc tế đi đến đâu nếu như không có chế tài thực hiện cụ thể nào, và ai sẽ là người đứng ra để thực hiện các chế tài nếu có.
Như anh Phong nói, là trong năm nước thường trực trong Hội đồng Bảo an thì Trung Quốc nằm ở đấy rồi, và hiện giờ Nga bỗng trở thành đồng minh ruột của họ. Vậy ai sẽ giúp để áp đặt những chế tài đó và thực hiện như thế nào?
Nhà báo Phạm Cao Phong: Donald Trump lật lại ván bài hệt như Kissinger chơi với Việt Nam năm 1972, là sử dụng một nước nhỏ đề kiềm chế một nước đang lên.
… Donald Trump ngày 09/12 đã điện cho bà Thái Anh Văn, là đã chơi ván bài đó. Trung Quốc có dám dằn mặt Đài Loan không? Tôi nghĩ là không.
Trung Quốc cũng cần một Biển Đông ổn định để xuất khẩu đi, vì nếu xuất khẩu mà tình hình trên biển căng thẳng như thế, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mà dưới 6% thì sẽ loạn, hơn 1 tỷ người sẽ không có công ăn việc làm.
Và còn những thế lực như Nhật Bản, rồi các Hạm đội 3, Hạm đội 7 của Mỹ có để cho như vậy không?
Nhà báo Hồng Nga: Khi nhắc tới sự kiện Biển Đông thì cũng cần nhắc tới những nhân tố khác như Việt Nam và Philippines. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte là một nhân vật rất gây sóng gió, gây bàn luận, gây tranh cãi trong cả một năm nay.
… Ông ta là nhân vật màu mè, cũng như ông Donald Trump gây ra nhiều xáo trộn rồi tranh cãi, nhưng ông ta cũng chỉ làm những gì mà ông ta nghĩ là có lợi cho đất nước ông ta.
Lãnh đạo Việt Nam có lẽ sẽ không lấy làm lạ khi thấy rằng vì lợi ích của Philippines mà ông ta phải xích lại gần với Trung Quốc, phải tách ra xa Hoa Kỳ một chút, và vì người dân mà phải hòa hoãn một chút với Trung Quốc để người dân có thể được đánh bắt ở vùng tranh chấp – tuy là giữ nguyên phán quyết nhưng không làm cho tình hình rối ren, phức tạp hơn.
Qua vụ này Việt Nam càng trở nên cô đơn hơn lúc nào hết trong lập trường ở Biển Đông. Vì xưa nay, nước nhỏ mà yếu như Việt Nam phải có bạn, phải có đồng minh ít nhất là về mặt lập trường, chủ trương, chính sách, nhưng trong năm vừa rồi nhiều cuộc khủng hoảng, rối ren như vậy mà bạn bè hoặc đồng minh hiện giờ chưa thấy.
Rất khó cho Việt Nam, nếu đơn thương độc mã, để giải quyết những vấn đề không chỉ đối nội mà còn là đối ngoại phức tạp như Biển Đông.
Biến động
Nhà báo Phạm Cao Phong: Mọi người đều nghĩ sẽ có nhiều sự biến động trong năm tới và năm nay là năm bản lề cho những biến động ấy. Donald Trump lên thì có rất nhiều sự kiện cần theo dõi, chẳng hạn như không phải là Một Trung Quốc nữa, thì Trung Quốc sẽ xử sự thế nào.
Và chúng ta cần nhìn nhận cuộc chiến khủng bố như thế nào? Như Tổng thống Obama và cũng như Thủ tướng Manuel Valls của chúng tôi nói, đây là một cuộc thế chiến, vì nó xảy ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở Pháp, ở nhiều nước khác.
Chúng ta cần nhìn thấy vấn đề là sự co cụm, sự thoái lui của Toàn cầu hóa và tư tưởng dân túy thắng lớn ở gần như tất cả các nước châu Âu.
Bấm vào đây để xem đánh giá, bình luận của các nhà báo về năm 2016.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38343398
Nga nói cáo buộc của Mỹ về việc tấn công email là ‘sỗ sàng’
Việc Hoa Kỳ nói Nga tấn công tin tặc vào hệ thống email chính thức mà không có chứng cứ, là ‘sỗ sàng’, Điện Kremlin nói.
“Họ cần phải hoặc là chấm dứt nói về chuyện này, hoặc rốt cuộc phải đưa ra bằng chứng nào đó,” phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ có hành động đáp trả Nga vì cáo buộc can thiệp chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
“Chúng tôi cần và sẽ hành động,” ông nói với đài phát thanh NPR.
Nga đứng trước cáo buộc của Mỹ về việc xâm nhập email của Đảng Dân chủ và một trợ lý của bà Hillary Clinton, điều mà điện Kremlin kiên quyết phủ nhận.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng bác cáo buộc mà ông gọi là “vô lý” và có động cơ chính trị.
Lúng túng và yếu kém
Theo một chuyên gia từ Nga, vụ lùm xùm mới nhất này cho thấy sự lúng túng và yếu kém của chính Đảng Dân chủ.
Ông Vassily Kashin, nhà phân tích khoa học chính trị, nói với BBC rằng thu thập thông tin tình báo là “điều bình thường” trong xã hội hiện đại.
Theo ông, “tình báo kỹ thuật và can thiệp bầu cử là hai chuyện khác hẳn nhau”.
“Giữa Hoa Kỳ và Nga không có thỏa thuận nào về cấm không được tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo về nhau.
Tình báo là công việc bình thường, cần thiết và thậm chí là có ích trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc còn làm việc này mạnh và rộng rãi hơn Nga.Vassily Kashin, chuyên gia chính trị học
Nga có quyền do thám Mỹ và Mỹ cũng có quyền do thám Nga. Đồng thời cơ quan an ninh hai bên cũng có quyền làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn và phòng chống.
Tình báo là công việc bình thường, cần thiết và thậm chí là có ích trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc còn làm việc này mạnh và rộng rãi hơn Nga.
Chỉ khi nào từ thu thập thông tin tình báo dẫn đến hoạt động lật đổ thì mới có thể phản ứng như Đảng Dân chủ đang làm. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy có hoạt động như vậy, thí dụ chưa có bằng chứng chuyển dữ liệu của một đảng cho đảng kia.
Nếu như Hillary Clinton và bộ sậu của bà ta không tuân thủ quy định về an ninh để bị tin tặc xâm nhập thì đó chính là lỗi của bà ta. Và Clinton cùng Obama đang có nguy cơ khiến Nhà Trắng bị xem là đáng thương và yếu kém khi không biết làm gì hơn là chỉ trích đối thủ và liên hệ của ông ta với nước ngoài.”
Kremlin liên quan
Các cơ quan tình báo nói rằng họ có nhiều bằng chứng cho thấy những tin tặc Nga liên quan đến điện Kremlin đứng sau vụ hack.
Hôm 15/12, phát ngôn viên Nhà Trắng nói Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến các cuộc tấn công mạng.
Vài giờ sau, ông Obama cho hay: “Tôi nghĩ rằng không còn nghi ngờ gì nữa, một khi bất kỳ chính phủ nước ngoài mưu toan tác động đến tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Mỹ, chúng tôi cần phải và sẽ hành động, vào thời điểm và địa điểm do chúng tôi chọn.”
“Một số phần của việc đáp trả có thể được công khai, một số khác thì không.”
“Ông Putin cũng nhận biết được thái độ của tôi về chuyện này, vì tôi đã trao đổi với ông ta.”
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ có hành động gì trong lúc ông Obama sẽ rời Nhà Trắng ngày 20/1.
Việc rò rỉ các email đã gây bất lợi cho Đảng Dân chủ tại thời điểm rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của họ.
CIA kết luận rằng động cơ của Nga là nhằm tạo thuận lợi cho ông Trump, nhưng không có bằng chứng được công bố.
Ông Trump cáo buộc đảng Dân chủ bịa đặt sự dính líu của Nga để che đậy thất bại của họ.
Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ông Putin, và việc ông chọn người làm ngoại trưởng – ông trùm dầu khí Rex Tillerson, người có quan hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Nga – làm dấy lên quan ngại.
Ông Trump viết trên Twitter hôm 15/12: “Nếu Nga hoặc bên nào khác tấn công mạng thì tại sao Nhà Trắng lại chờ đợi quá lâu để hành động? Tại sao họ chỉ phàn nàn sau khi Hillary thua cuộc?”
Tuy nhiên, chính quyền Obama hồi tháng Mười đã cáo buộc Nga tấn công các website chính trị Mỹ và tài khoản email người của đảng Dân chủ với mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38326883
Hàn Quốc : Các nhà điều tra muốn khám phủ tổng thống
Theo AFP, hôm nay 16/12/2016, vào lúc tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bị Quốc Hội bỏ phiếu phế truất vì vụ tai tiếng quân sư lạm dụng tín nhiệm và tham nhũng, nhóm các nhà điều tra độc lập về vụ này cho biết muốn khám xét các văn phòng trong phủ tổng thống.
Trong vụ bê bối gây chấn động Hàn Quốc, Bà Park bị nghi ngờ đã tạo điều kiện cho bà bạn thân Choi Soon-Sil lợi dụng thu lợi bất chính từ những tập đoàn kinh tế lớn. Mặc dù hôm 09/12, bà Park Geun-Hye đã bị Quốc Hội bỏ phiếu thông qua thủ tục phế truất tổng thống, nhưng cuộc điều tra vẫn tiếp tục mở rộng.
Hôm nay, ông Lee Kyu-Chul, phát ngôn viên của nhóm điều tra độc lập cho biết là họ thấy “cần thiết phải khám xét một số văn phòng của phủ tổng thống”.
Nhóm điều tra độc lập này gồm các cựu công tố viên, cảnh sát, thẩm phán và luật sư do các dân biểu chỉ định. Nhóm này chịu trách nhiệm tiếp tục các điều tra còn dở dang của Viện Công Tố.
Nhóm điều tra độc lập trước đó đã có ý định khám xét văn phòng của tổng thống, nhưng họ không được phép với lý do luật quy định phủ tổng thống được coi như là một công trình quân sự cần được bảo mật đặc biệt.
Ông Lee cho biết nhóm đang nghiên cứu về các cơ sở pháp lý để phản bác lại lý do của phủ tổng thống. Viện Công tố Hàn Quốc cũng từng nói về bà tổng thống như là một “ nghi can”của vụ án.
Thủ tục phế truất tổng thống Park Geun-Hye còn phải đợi Tòa Bảo Hiến thông qua trong vòng thời hạn 6 tháng thì mới có hiệu lực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161216-han-quoc-cac-nha-dieu-tra-muon-kham-phu-tong-thong
Chính quyền Damas cho ngừng chiến dịch di tản khỏi Aleppo
Theo AFP, hôm nay 16/12/2016, chế độ Barchar al-Assad bất ngờ cho ngừng chiến dịch sơ tán thường dân và quân nổi dậy ra khỏi Aleppo, giữa lúc vẫn còn hàng nghìn người dân mắc kẹt trong thành phố đổ nát.
Đúng vào lúc, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo tiến hành thương lượng với đại diện phe đối lập vũ trang thông qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ thì tại Syria, chính quyền Damas, sáng nay, đã quyết định ngừng việc sơ tán thường dân và quân nổi dậy ra khỏi Aleppo với lý do các nhóm vũ trang không tôn trọng các điều kiện của thỏa thuận.
Theo tin của truyền hình Syria, lý do ngừng chiến dịch sơ tán là vì “các nhóm quân khủng bố đã cố đưa ra khỏi Aleppo vũ khí hạng nặng và con tin”, tức những người thân chính quyền.
Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (CICR) khẳng định đã phải ngừng chiến dịch sơ tán, đồng thời yêu cầu các bên giao tranh phải làm sao để chiến dịch sơ tán được tiếp tục trở lại trong điều kiện an toàn.
Trong suốt đêm qua, các đoàn xe bus và xe cứu thương đã đi vào khu phố cuối cùng của quân nổi dậy tại Aleppo. Do sợ bị bắt giữ trả thù nếu đi bằng xe của chính phủ, nhiều người dân đã di tản bằng phương tiện riêng của mình, trong điều kiện rất nguy hiểm.
Theo ước tính của Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, khoảng 8500 người, trong đó có chừng 3000 chiến binh đã được đưa ra khỏi thành phố địa ngục.
Hôm nay, tại Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An dự kiến có cuộc họp khẩn cấp để bàn về việc triển khai các quan sát viên quốc tế giám sát chiến dịch di tản thường dân và quân nổi dậy.
Sau hơn 4 tháng tấn công dồn dập với sự hỗ trợ của không quân Nga và các lực lượng đồng minh trên bộ, quân đội của chính quyền Bachar al-Assad đã chiếm lại hơn 90% thành phố Aleppo mà quân nổi dậy kiểm soát từ năm 2012.
Ngoài Aleppo, lực lượng nổi dậy còn kiểm soát một số điểm tại tỉnh Idleb, một số vùng phụ cận thủ đô Damas. Những nơi này cũng đang bị quân đội của Bachar al-Assad bao vây.
Phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan de Mistura ước tính còn khoảng 40 nghìn người bị bao vây trong các vùng cứ điểm quân nổi dậy rút về.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161216-chinh-quyen-damas-cho-ngung-chien-dich-di-tan-khoi-aleppo
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay dọa Tây phương
Tú Anh
Chỉ cách nay vài tháng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không do dự bắn hạ oanh tạc cơ Nga. Ankara kêu gọi NATO trợ giúp bảo vệ đồng minh chống xâm lăng. Thế mà giờ đây, hai tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Vladimir Putin liên kết thành cặp « người hùng » thách đố Tây phương.
Vào lúc cuộc chiến Syria đi vào khúc quanh mới, từ Tokyo, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã điện đàm và « hội ý » với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đề xuất « một giai đoạn mới » : ngưng bắn toàn diện ở Syria và đàm phán chính trị.
Theo AFP, người ta không quên, vào tháng 11/2015, khi chiếc máy bay oanh tạc Sukhoi của Nga bị bắn cháy trên vùng trời biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria trong lúc oanh kích lực lượng chống chế độ Bachar al Assad thì Matxcơva và Ankara thóa mạ nhau không tiếc lời. Tổng thống Putin tố cáo tổng thống Erdogan « buôn dầu hỏa » với Daech. Tổng thống Erdogan đáp lại, lên án ông Putin là « kẻ phạm tội ác chiến tranh ».
Trang sử « khói lửa » này đã được lật qua. Đồng thuận chiến lược Nga – Thổ đã được thể hiện một cách ngoạn mục trên chiến trường Syria. Trong khi không quân Nga trút hàng trăm tấn bom xuống Aleppo để tìm một chiến thắng quân sự cho đồng minh Damas, bất chấp sinh mạng thường dân, thì Ankara hoàn toàn im lặng, không một lời phản đối. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim còn tuyên bố « chưa bao giờ chúng tôi hiểu nhau như thế ».
Lập trường « phải lật đổ Bachar al Assad » bằng mọi giá đã được Ankara dẹp qua một bên, nhưng Ankara vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu chiến lược củng cố thế lực trong khu vực bằng cách dựa vào Matxcơva, cũng có quyền lợi tương đồng.
Theo phân tích của AFP, trong năm 2016, hai ông Erdogan và Putin đối đầu với nhiều thách thức : bên trong, kinh tế suy yếu, bên ngoài đối chọi với Mỹ và châu Âu.
Từ khi chiếm bán đảo Crimée, tổng thống Putin bị Tây phương trừng phạt kinh tế, thương mại và cấm cửa G8. Can thiệp quân sự vào Syria và đàn áp đối lập tại Nga càng làm mối bất hoà với Tây phương lớn hơn. Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, sau những cải cách can đảm đầu tiên của một nhà chính trị Hồi giáo thế tục, ông Erdogan thụt lùi trên mọi lĩnh vực từ nhân quyền, tự do ngôn luận cho đến tự do chính trị. Sau vụ đảo chính hụt (15/07/2016), hàng trăm ngàn người, từ sĩ quan quân đội, cảnh sát, công chức cho đến chính trị gia đối lập (40 000 theo con số chính thức ) bị tổng thống Erdogan thanh trừng, tống giam. Bốn chục tờ báo bị đóng cửa.
Con đường Ankara vào Liên Hiệp Châu Âu xem như bế tắc nhưng quan hệ với Nga thì ngọt ngào như tuần trăng mật vì tham vọng tương đồng. Tổng thống Putin muốn nước Nga được tôn trọng như một đại cường giống như thời Liên Xô cũ. Trong khi đó, tổng thống Erdogan không giấu ước mơ thời hùng cường của đế chế Ottoman, thủ lĩnh của mọi tín đồ Hồi Giáo. Khi tuyên bố « người Thổ Nhĩ Kỳ chúng tôi bị giam trong nhà tù 780.000 km2 », tổng thống Erdogan không che dấu tham vọng phát huy ảnh hưởng Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Tình hình quốc tế hiện nay, với Hoa Kỳ co cụm, với Liên Hiệp Châu Âu bị khủng hoảng Brexit, rất thuận lợi cho Matxcơva và Ankara xem nhẹ Tây phương, bắt tay nhau chia chác ảnh hưởng tại Syria.
Vấn đề là uy thế chính trị của hai « người hùng » này không xây dựng trên cơ sở đem lại niềm tin cho dân chúng vào một thể chế công bằng, mà trái lại, thả lỏng cho thành phần đặc quyền đặc lợi làm giàu, để mua chuộc sự ủng hộ của họ.
Thêm vào đó, kinh tế của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu lạc quan. Chuyên gia kinh tế Charles Robertson, ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, của Nga, dự báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tránh khỏi một cuộc khủng hoảng trong trung hạn.
Điều chắc chắn là nếu thành viên Thổ Nhĩ Kỳ của NATO theo Nga thì kẻ đáng lo là châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161216-nga-va-tho-nhi-ky-bat-tay-doa-tay-phuong
Tin tặc Nga – Bầu cử Mỹ : Obama tuyên bố trả đũa Matxcơva
Trong cuộc họp báo cuối cùng năm 2016, ngày 16/12/2016 tổng thống Barack Obama thông báo sẽ « trả đũa » Nga tấn công tin học khuấy nhiễu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Nhà Trắng trực tiếp tố cáo tổng thống Nga Vladimir Putin đã « can thiệp ». Căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva leo thang vài tuần trước khi Donald Trump nhậm chức tổng thống.
Vào lúc 14 giờ 15 chiều nay, giờ Washington, cuộc họp báo của tổng thống Barack Obama được phát trên đài phát thanh NPR. Nhưng ngay từ tối hôm qua 15/12/2016, một số trích đoạn đã được công bố. Tổng thống sắp mãn nhiệm đã dành nhiều thời gian cho hồ sơ tin tặc Nga « can thiệp » vào bầu cử Mỹ ngày 08/11/2016, giúp ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đắc cử.
Ông Obama cam kết : nếu như một chính quyền nước ngoài, dù là ai đi chăng nữa, đã tìm cách nhúng tay vào bầu cử tổng thống của nước Mỹ, thì chắc chắn là Washington sẽ « trả đũa (…) vào thời điểm được nước Mỹ ấn định (…) một số những biện pháp đó sẽ được công khai, số khác thì không ».
Hãng tin Pháp ghi nhận Barack Obama không trực tiếp nêu đích danh tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng trước đó, một trong những cố vấn thân cận của tổng thống sắp mãn nhiệm là Ben Rhodes, trên đài truyền hình MSNBC đã chính thức gắn liền vụ việc với « trách nhiệm » của tổng thống Nga.
Về phần tổng thống tân cử, Donald Trump một lần nữa bác bỏ những cáo buộc ông đắc cử nhờ được điện Kremlin giúp đỡ. Qua mạng Twitter, ông Trump nêu lên hai câu hỏi : « Nếu đúng là Nga hay bất kỳ một ai khác đã can thiệp thì tại sao Nhà Trắng mãi bây giờ mới phản ứng ? Tại sao chính quyền không lên tiếng ngay sau thất bại của Hillary Clinton ? ».
Bản thân Barack Obama khẳng định tình báo Mỹ từ ngày 07/10/2016, tức một tháng trước bầu cử, đã tố cáo Matxcơva tiến hành các vụ tấn công tin học.
Giới phân tích ngạc nhiên là tổng thống tương lai của Hoa Kỳ làm ngơ trước những báo cáo của Cơ Quan Tình Báo CIA và Cục Điều Tra Liên Bang FBI về một vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ. Lập trường của tổng thống tân cử Donald Trump đi ngược lại với khuynh hướng bài Nga của các thành phần bảo thủ tại Mỹ.
Matxcơva mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc của Hoa Kỳ.
Tin tặc Nga thâm nhập Lầu Năm Góc
Quan hệ Nga-Mỹ còn tiếp tục căng thẳng với tin bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng đã bị tin tặc Nga thâm nhập hồi năm 2015. Đài CBS ngày hôm qua 15/12/2016 căn cứ vào thông tin từ tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, cho biết ông đã được Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ NSA báo động là hệ thống tin học của bộ Quốc Phòng Mỹ bị tấn công.
Mật mã và chữ ký điện tử của chính tướng Dempsey bị đánh cắp. Đài truyền hình CBS của Mỹ không loại trừ khả năng, đợt tấn công năm 2015 nhắm vào Lầu Năm Góc là nhằm trả đũa vì Washington trừng phạt việc Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina. Tạm thời, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chưa bình luận về tin trên.