Tin Việt Nam – 14/12/2016
Việt Nam vẫn đàn áp tôn giáo
Việt Nam bị cho là một trong những quốc gia đàn áp tôn giáo trên thế giới. Điều này được đề cập đến trong một dự luật về tự do Tôn giáo của quốc hội Hoa Kỳ đã được Hạ viện thông qua vào ngày hôm qua và đang chờ tổng thống Mỹ ký duyệt.
Dự luật này do hai dân biểu đồng soạn thảo là ông Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa, và bà Anna Eshoo thuộc đảng Dân Chủ.
Theo thông cáo báo chí của văn phòng dân biểu Chris Smith phát đi hôm qua thì dự luật này sẽ giúp cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ý thức rõ hơn về những vi phạm tôn giáo trên phạm vi toàn cầu.
Dự luật được ủng hộ bởi nhiều tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ.
Trước đây vài tuần đã có những đề nghị từ chính giới Mỹ là đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, gọi tắt theo tiếng Anh là CPC.
Ông Nguyễn Ngọc Già bị hành hạ trong tù
Tù nhân chính trị Nguyễn Đình Ngọc, thường được biết đến dưới tên blogger Nguyễn Ngọc Già bị hành hạ trong tù do thẳng thắn đấu tranh với cán bộ trại giam.
Tin tức do người thân blogger Nguyễn Ngọc Già nhận được từ chính ông này chuyển ra cho biết ông bị cùm chân hai lần trong thời gian qua, lần thứ nhất vào tháng 7, và lần thứ hai vào tháng 8 năm nay. Trong hai lần này tù nhân Nguyễn Đình Ngọc đều bị biệt giam trong những điều kiện rất tồi tệ.
Lý do bị cùm chân được cho biết vì phản đối ban quản lý trại giam, yêu cầu cải thiện chế độ lao tù. đang lâm vào tình trạng suy kiệt về sức khỏe.
Blogger Nguyễn Ngọc Già trước khi bị bắt từng có bài viết gửi đăng trên trang web của Đài RFA cũng như trả lời phỏng vấn về những vụ việc đáng chú ý trong nước.
Ông bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2014, và bị kết án 3 năm tù giam, ba năm quản chế với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/blogger-nngia-jailed-in-bad-conditions-12142016092432.html
Việt Nam vẫn tìm cách ‘giải mã’ ông Trump
Giới quan sát cho rằng chính quyền Hà Nội “vẫn đang tìm hiểu” chính sách đối ngoại của chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để định hướng các bước đi sắp tới trong quan hệ với Washington.
Với những tuyên bố ít ỏi liên quan tới Việt Nam của ông Trump, việc tìm hiểu và đánh giá của Hà Nội sẽ không phải dễ dàng, theo các chuyên gia.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, nói với VOA Việt Ngữ:
“Theo tôi, bây giờ, hầu như tất cả các nước đều vẫn đang tìm cách có được thông tin cũng như là dự đoán và giải mã cách tiếp cận của ông Trump đối với các vấn đề thế giới nói chung và quốc gia của mình nói riêng. Tuy nhiên, mọi dự đoán vẫn chỉ là dự đoán mà thôi. Chúng ta vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định những dự đoán đấy. Có lẽ vẫn cần thời gian để các chính sách của ông Trump định hình. Và điều đầu tiên chúng ta phải biết đội ngũ nhân sự, đặc biệt là vị trí ngoại trưởng của ông Trump là ai. Việt Nam tôi nghĩ cũng ở trong tình huống như vậy và đấy cũng là điều dễ hiểu”.
Hồi tháng Chín vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã quyết định không đưa việc cân nhắc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, vào nghị trình để đợi đến sau khi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ kết thúc.
Nay, với việc ông Trump thắng cử và từng tuyên bố sẽ rút Mỹ, một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, khỏi TPP, kỳ vọng của Hà Nội về thỏa thuận này dường như xa vời, theo giới quan sát.
Còn về mối quan hệ tổng thể nói chung giữa Hà Nội và Washington, tiến sĩ Hiệp nói thêm:
“Tôi cũng như một số nhà quan sát khác tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chịu nhiều chi phối của các yếu tố cấu trúc và động lực của quan hệ song phương nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì trong thời gian tới, đó là chưa kể những thông tin nói rằng giữa lưỡng đảng của Hoa Kỳ là Dân chủ và Cộng hòa không đạt được nhận thức chung hay đồng thuận rằng cần phải tiếp tục, phát triển hơn nữa quan hệ song phương. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng không nên quá lo lắng. Có thể có một số các cái thay đổi, ví dụ như Mỹ rút ra khỏi TPP chẳng hạn, thì nó có thể ảnh hưởng ít nhiều tới quan hệ song phương, nhưng về tổng thể, tôi tin rằng quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển”.
Tuy vậy, trong một bài bình luận viết trên tờ ‘The Straits Times’ tháng trước, tiến sĩ Hiệp viết rằng Hà Nội cần “khôn ngoan chuẩn bị cho tình thế xấu nhất” khi mối quan hệ với Washington “mất đà”, và trong tình thế đó Việt Nam “sẽ cần phải hướng tới các đối tác kinh tế và chiến lược như ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên hiệp châu Âu”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chủ yếu nêu tên Việt Nam khi nói tới chuyện việc làm của người Mỹ rơi vào tay công nhân các nước khác.
Ngoài TPP, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam theo dõi động thái của chính quyền của Tổng thống tân cử Trump đối với biển Đông. Trong một động thái gây bất bình cho Trung Quốc, người đánh bại bà Hillary Clinton mới đây đã gián tiếp chỉ trích các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Ông Renato de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, hiện nghiên cứu ở Washington DC, cho rằng với những tuyên bố cứng rắn gần đây của ông Trump đối với Bắc Kinh nhất là vấn đề tranh chấp biển Đông và quan hệ với Đài Loan, có thể thấy rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ “dùng sức mạnh để đương đầu với Trung Quốc”.
Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:
“Căng thẳng sẽ dâng cao, và sẽ có thêm đối đầu. Nhưng tôi hy vọng rằng nó sẽ không dẫn tới sự đối đầu thẳng thừng về mặt chiến lược. Chúng ta đã thấy những gì chính quyền Trump đã thể hiện về việc Hoa Kỳ sẽ duy trì chính sách và hòa bình ở khu vực thông qua sức mạnh”.
Dù theo đánh giá của các nhà quan sát, hiện vẫn chưa rõ chính sách của ông Trump đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, phát biểu tại một cơ quan nghiên cứu về chính sách công ở thủ đô Washington DC mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh bày tỏ lạc quan rằng mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục phát triển.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở thủ đô Washington nói thêm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tân chính quyền Mỹ để củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một cách thực tiễn, lâu dài và bền vững.
Ông Vinh cũng hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, mà Việt Nam sẽ tổ chức vào năm sau.
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-van-tim-cach-giai-ma-ong-trump/3634845.html
Việt Nam và Úc ký thỏa thuận trao trả người xin tị nạn
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia Peter Dutton hôm 12/12 đã ký một văn bản ghi nhớ ở Canberra về việc Úc trao trả người xin tị nạn Việt.
AAP đưa tin, thỏa thuận chính thức này “sẽ tạo cơ chế chính thức cho việc đưa trở về những công dân Việt Nam không có quyền nhập cảnh hoặc ở lại Australia bất hợp pháp, bao gồm những người bị chặn lại trên biển”.
Ông Dutton cho biết thêm rằng chính phủ hai nước đã cùng nhau làm việc để đưa 113 người Việt trên 3 chiếc tàu bị Australia chặn bắt trên biển từ năm 2015.
Ngoài làm việc với Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia, tướng công an Việt Nam còn gặp gỡ và tiếp xúc với Tư lệnh Cảnh sát Liên Bang Australia Andrew Colvin, theo VNA.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm “khẳng định chuyến thăm lần này là dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan thực thi pháp luật Australia, trong đó có Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới”.
Ông Lâm được VNA trích lời nói: “Bộ Công an Việt Nam đánh giá cao và luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Australia nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn và sự ổn định của mỗi nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Trong một số năm trở lại đây, nhiều người Việt Nam đã bị chặn bắt trên biển khi tìm cách dùng thuyền tới Australia “xin tị nạn”.
Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.
http://www.voatiengviet.com/a/vietnam-va-uc-ky-thoa-thuan-trao-tra-nguoi-ti-nan/3634765.html
Rút tên Hoa Sen khỏi dự thảo quy hoạch ngành thép
Các báo lớn của Việt Nam đưa tin Bộ Công Thương không còn để tên Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư một dự án ở tỉnh Ninh Thuận trong bản dự thảo thứ nhì về quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng của Bộ nói với báo chí hôm 12/12 rằng việc để tên chủ đầu tư trong quy hoạch là “phản cảm”, nhưng ông cũng nói thêm là “việc rút tên không phải vì áp lực dư luận”.
Hoa Sen là một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất, buôn bán thép của Việt Nam. Hồi đầu tháng 9, có tin tập đoàn này dự định đầu tư 10 tỷ đôla để đưa Cà Ná thành dự án thép lớn nhất Việt Nam.
Trong cuộc đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 9, ban giám đốc tập đoàn đề xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư khu liên hợp luyện cán thép ở Cà Ná, công suất 6 triệu tấn/năm. Ngoài ra, theo tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế sẽ đạt 16 triệu tấn/năm.
Sau khi có tin này, nhiều nhà phân tích, cựu quan chức và một phần lớn công chúng đã phản đối. Họ nêu ra những lo ngại về tác hại đến môi trường của dự án, nhất là sau vụ xả thải trái phép gây thảm họa ô nhiễm biển của hãng Formosa, Đài Loan, trong một dự án thép lớn khác ở tỉnh Hà Tĩnh.
Những người phản đối còn dẫn ra mối lo về nguồn nước ở Ninh Thuận, một tỉnh vốn ít mưa và khô cằn. Ngoài ra là các quan ngại về khả năng thừa thép không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới.
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, phân tích thêm với VOA:
“Vấn đề vướng mắc lớn nhất chính là cung cầu, vấn đề ô nhiễm môi trường, và vấn đề về nguồn nước. Ở trong nước cũng như ở thế giới, không phải là có nhu cầu lớn như thế. Vấn đề nó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với xung quanh, đó là sự lo ngại lớn nhất của cả dân chúng và cả chính quyền của địa phương. Do đó người ta khó chấp nhận một dự án như thế. Tôi cho cái nguồn nước cũng là vấn đề hết sức bức bách đối với Ninh Thuận. Một tấn thép phải dùng mấy mét khối nước. Ninh Thuận là vùng khô hạn, thiếu nước. Hiện nay giải quyết nước sinh hoạt cho dân cũng đã gặp khó khăn. Nếu mà cái nhà máy lớn như vậy, tiêu thụ nước lớn như vậy thì chưa thấy phương án đưa ra giải quyết nguồn nước cho nhà máy ra sao. Nếu nhà máy có đưa ra thì chắc là phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Vấn đề đó sẽ được thảo luận và tôi cho rằng cũng khó được hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường thông qua”.
Trong cuộc nói chuyện với báo chí ngày 12/12, ông Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, cũng thừa nhận vấn đề nước là “chuyện đau đầu nhất” trong dự án thép này. Ông nói: “Nếu Ninh Thuận không cung cấp được nước thì nhà đầu tư phải từ bỏ dự án”.
Theo quy hoạch, tại Cà Ná có khu công nghiệp cao nhưng nhiều năm qua tỉnh Ninh Thuận không thu hút được dự án nào. Ông Hoài cho rằng với bài toán lớn nhất là nguồn nước, chính phủ trung ương cần hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu giai đoạn đầu tiên là 30 triệu m³ và đến năm 2020 là khoảng 200 triệu m³.
http://www.voatiengviet.com/a/rut-ten-hoa-sen-khoi-du-thao-quy-hoach-nganh-thep/3634734.html
Mới nửa số tiền được bồi thường cho nạn nhân Formosa
Những người chịu thiệt hại sau thảm họa cá chết ở miền Trung chỉ mới nhận được 50% số tiền đền bù. Con số này dựa trên khoản 1340 tỉ đồng được ngân hàng nhà nước chi ra cho đến nay.
Đại diện Kho Bạc Nhà nước thừa nhận việc chuyển tiền đến cho nạn nhân như vậy là chậm; thế nhưng một lý do gây ra sự chậm trễ này là người dân không thể đi nhận tiền do mưa lũ trong những ngày qua.
Hồi đầu tháng tư năm nay, nhà máy thép Formosa của người Đài Loan đầu tư tại Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh đã thải hóa chất độc hại ra biển làm cá chết hàng loạt trải dài dọc ven biển các tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm và trả cho chính phủ Việt Nam một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ.
Theo qui định của nhà nước Việt Nam thì những thiệt hại của người dân chỉ được tính trong khoảng thời gian từ tháng tư cho đến hết tháng 9 năm 2016.
Thảm họa môi trường Vũng Áng đã làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình đòi đóng cửa nhà máy Formosa, đông tới hàng chục ngàn người. Những người biểu tình còn đưa đơn kiện Formosa, và đòi hỏi số tiền đền bù lớn hơn, vì cho đến nay ngư dân vùng bốn tỉnh miền Trung vẫn không thể sinh sống bằng nghề đánh cá như trước khi xảy ra tai họa.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở Nam Trung bộ
Mưa lớn trong 3 ngày qua đã làm cho các tỉnh miền Trung Việt Nam bị ngập lụt và thiệt hại nặng nề.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một đoạn quốc lộ số một đi ngang qua huyện Phú Lộc bị ngập nặng gây ra kẹt xe và đe dọa đến sự an toàn của người dân đi qua đoạn đường này. Mực nước ở các dòng sông Hương và sông Bồ đang lên cao.
Các con sông tại tỉnh Quảng Nam cũng đang có nguy cơ gây ra lũ lụt vì mưa lớn. Nhiều khu vực tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn đang bị nước lũ tràn về làm ngập lụt.
Tại tỉnh Phú Yên, một số xã của các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa cũng bị ngập nhưng nước đang rút dần. Tại tỉnh này có 3 người dân bị thương, 1 tàu đánh cá bị chìm, 600 hec ta ruộng lúa đang chín bị ngập lụt, có thể làm mất một sản lượng lên đến 30%.
Tỉnh Khánh Hòa được nói chịu thiệt hại nhiều nhất, với tổng số tiền thiệt hại có thể lên đến 40 tỉ đồng và 1 người dân thiệt mạng.
Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trung ương của Việt Nam thì đợt mưa lũ này có thể kéo dài đến ngày 18 tháng 12, thậm chí tại Thừa Thiên Huế, theo Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của tỉnh này thì mưa lũ có thể kéo dài đến cuối tháng 12.
Vì vậy cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo rằng sẽ có thể có lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ngập lụt ở các khu vực trũng từ tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài ra còn có một nguy cơ nữa là các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện đang và sẽ xả lũ, và có thể gây ngập lụt các khu trồng trọt và dân cư miền hạ lưu. Hiện nay đã có các đập A Vương, Dak Mi tại Quảng Nam, Sông Hinh tại Phú Yên, Ka La tại Lâm Đồng đang xả lũ.
Khủng hoảng chính trị tới ngưỡng báo động?
Trong khi việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng còn lúng túng trong Đảng, cũng như Quốc hội vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết hợp lý, lại xảy ra chuyện bỏ trốn của các cán bộ cao cấp có biểu hiện tham nhũng.
Cùng lúc, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ kinh tế cho một thanh niên 26 tuổi không một ngày nào làm việc trong guồng máy hành chính, việc này cho thấy sự lỏng lẻo mà dư luận gọi là tha hóa ngay tại trung ương.
Đây có phải là dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã vượt ngưỡng báo động? Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương để tìm hiểu thêm sự vận hành trong hệ thống về vấn đề nhân sự.
Hàng loạt sai phạm
Mặc Lâm: Thưa ông Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với hàng loạt chuyện bê bối trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, đặc biệt là các cá nhân vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi mới đây lại xảy ra chuyện bổ nhiệm sai nguyên tắc cho vị trí Vụ phó kinh tế trong Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Là người sinh hoạt lâu năm trong Đảng ông có nhận xét gì vể vụ bê bối này?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Tất cả những việc vừa xảy ra như các vụ bổ nhiệm từ Trịnh Xuân Thanh cho tới Phùng Quang Hải rồi bây giờ là anh Vũ Minh Hoàng vào Ban công tác Tây Nam bộ. . . . nó phản ảnh một trạng thái tất nhiên của chế độ vì ngay việc bổ nhiêm lãnh đạo đất nước của Trung ương Đảng, rồi Tổng bí thư, hay Bộ chính trị nó cũng không có quy trình gì tử tế đâu.
Làm gì có những biện pháp khoa học, văn minh, dân chủ để tuyển chọn người thủ lĩnh đâu? Tuyển tướng cốt chọn người thao lược, chớ kể con ông cháu cha. Trước hết phải chọn người tài, người thao lược thì hiện nay trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia chả thấy ông nào có tính cách thao lược cả, từ ông Trọng trở đi không thấy sự thao lược, thế thì chóp bu đã vậy thì bên dưới nhí nhố là chuyện bình thường thôi.
Trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu.
– Ông Nguyễn Khắc Mai
Thí dụ như trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu. Tư cách như thế từ bao nhiêu đại hội tới nay nó dẫn đến tình trạng người ta lợi dụng cái kiểu ấy để người ta bố trí những người phe cánh, con ông cháu cha rồi thông tự của mình, đấy là chuyện tất yếu của một hệ thống đã mang tính chất siêu phong kiến, nó tiếp nhận phong kiến và nó làm băng hoại thêm cho phong kiến, đấy là chuyện tất yếu mà nó phải xảy ra.
Mặc Lâm: Nhưng hình như Đảng cũng thấy sự nguy hiểm gần kề nên đã mạnh dạn kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp liên quan. Theo ông thì đây có phải là giải pháp mạnh mẽ và đưa ra kịp vào lúc này hay không?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Đấy là cái hạ sách. Xử lý một vài anh cán bộ tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy một vài anh trách nhiệm vụ việc ấy thì đấy là giải pháp bệnh nặng mà bôi dầu xoa bóp thì làm thế nào cải tạo được? Hết keo này đến keo khác hết vụ này đến vụ khác nó sẽ tiếp tục diễn ra như vậy và họ ngang nhiên khẳng định rằng họ làm như vậy là vì cán bộ vì dân vì nước! Họ ngang nhiên nói như vậy.
Triết lý chuyên chính vô sản
Mặc Lâm: Trong các lần chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhiều Đảng viên kỳ cựu cho rằng hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm tiếp tục tư duy và hành động theo mô hình của Xô viết cũ là chuyên chính vô sản, ông có cho điều này là đúng không?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Hiện nay tuy người ta không dám nói “chuyên chính vô sản” công khai nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này, thể chế chính trị này là “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản nghĩa là gì? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định: Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lê Nin.
Vậy mà anh còn giữ lại cái này thì vô phương! Không cấp này nó vượt qua luật pháp thì cấp khác. Ngay cái tư cách của những người lãnh đạo mà họ nói rằng họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho nhà nước, chức trách của họ là thế thì luật pháp nào quy định cái này? Chả có luật pháp nào quy định cả. Họ làm việc theo lối bất chấp luật pháp vậy thì cấp dưới nó ngu hơn nó đần hơn, tham hơn, lộng quyền hơn, nó sẵn sàng chà đạp những quy định của luật pháp.
Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lê Nin.
– Ông Nguyễn Khắc Mai
Muốn giải quyết tận gốc phải xem xét lại một cách hệ thống toàn bộ các vấn đề của thể chế chính trị. Rõ ràng phải xây dựng một chế độ pháp quyền thật sự của dân, vì dân và do dân. Hiện nay họ nói của dân, vì dân và do dân nhưng bắt đầu công việc thì gạt dân ra. Từ bầu cử cho đến luật pháp cũng như chính sách. . . cho nên những câu nói đầu miệng như thế chả giải quyết được gì cả.
Mặc Lâm: Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 lần này ông Tổng Bí thư nói nhiều đến việc tự diễn biến trong nội bộ đảng, ông có nghĩ là từ nhận thức và báo động này Đảng sẽ có thay đổi hay không?
Ông Nguyễn Khắc Mai: Hội nghị Trung Ương 4 khóa 11 thất bại, bây giờ là Trung ương 4 khóa 12 thì tôi thấy với tình hình này cũng không thể thành công được. Mà đây không phải là ý kiến của một mình tôi mà là ý kiến, ý nghĩ của một số khá đông kể cả những anh em trong Trung ương Đảng khi họ nói chuyện riêng với chúng tôi thì họ cũng bày tỏ thái độ như thế.
Đây là một vấn đề phải dũng cảm lắm. Gạt bỏ phe nhóm gạt bỏ ý thức hệ. Cũng phải gạt bỏ mô hình Xô viết đi. Hiện nay lãnh đạo của chúng ta không có đủ năng lực, vừa phải có một cái quyền, vừa phải có cái năng lực để lựa chọn giải pháp văn minh nhất, văn hóa nhất, tiến bộ nhất, dân chủ nhất để áp dụng. Đấy là cái bi kịch của dân tộc hiện nay.
Hàng Tết Trung Quốc đổ bộ sang Việt Nam
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Trong lúc người dân miền Trung đang còng lưng chống chọi với lũ lụt, nhà cửa hư hại, ruộng vườn tan nát và tài sản tiêu tán, thậm chí mạng người cũng mất…thì ở phía Bắc Việt Nam, hàng Tết từ Trung Quốc đã đổ bộ sang Việt Nam suốt hơn một tháng nay. Có thể nói rằng đây là mối nguy rất lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân miền Trung nói riêng!
Đủ các loại hàng Trung Quốc
Một người chuyên đi hàng từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, tên Vinh, chia sẻ: “Nói chung là bao nhiêu năm nay, từ ngày xưa rồi, Việt Nam mình tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều mà. Nhiều, hàng gì cũng có, từ hàng điện tử, tiêu dùng, may mặt và có thể cả thực phẩm nữa vì nó xuất sang Lạng Sơn nhiều mà…”
Ông Vinh cho biết thêm là dự tính của hầu hết các nhà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, Tết này sẽ chọn thị trường miền Trung làm chủ lực. Bởi với nhiều trận lụt đi qua, ruộng vườn, nhà cửa tan nát như đã thấy, người miền Trung sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính, thu nhập không có. Trong trường hợp này, hàng giá rẻ, hàng có mẫu mã tương đương của Trung Quốc sẽ là mặt hàng chủ lực dành cho miền Trung và các nhà buôn tin rằng miền Trung sẽ là nơi tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều nhất.
Ông này cho biết thêm là trong đợt hàng trái cây, gồm cam và táo vừa chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, ước chừng 30 ngàn tấn, trong đó, số lượng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã chiếm gần 15 ngàn tấn, số còn lại rải đều trên khắp đất nước Việt Nam. Và đáng quan tâm hơn nữa là hầu như tại thị trường miền Trung, số lượng gần 15 ngàn tấn cam Trung Quốc được tiêu thụ nhanh chóng, gần như đã bán hết trên thị trường. Số trái cây khác tại miền Trung cũng được tiêu thụ rất nhanh bởi giá thành rẻ, hình dáng bắt mắt và hợp với túi tiền vốn ít ỏi của người miến Trung sau lũ lụt.
Từ ngày xưa rồi, Việt Nam mình tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều, hàng gì cũng có…
– Anh Vinh, Lạng Sơn
Một người chuyên cung cấp hàng điện tử Trung Quốc về Lạng Sơn, tên Lan, hiện tại đã mở rộng chủng loại hàng sang các mặt hàng Tết, chia sẻ: “Cái đó mình thấy người ta bán trong quán tạp hóa nên mới biết chứ ban đầu em có đi loại hàng đó đâu. Thì bánh kẹo Tết, điện tử, chứ hàng Trung Quốc bao giờ sang đây mà không nhiều, thực phẩm, trái cây. Mứt thì có mứt dừa, cà rốt, các thứ ấy…”
Bà Lan cho biết thêm rằng hàng Trung Quốc nói chung không thể tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Đà Nẵng, mà chủ yếu tập trung ở các tỉnh nghèo. Với kinh nghiệm gần hai mươi năm chạy hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, bà Lan nói rằng không có thị trường nào tiêu thụ hàng Trung Quốc mạnh hơn thị trường miền Trung. Bắt đầu từ Thanh Hóa vào tận Phú Yên, thậm chí lan sang Ninh Thuận, Bình Thuận, hầu như chỉ có những tỉnh miền Trung vốn cẳn cỗi, nghèo khổ mới chuộng mặt hàng rẻ mà bắt mắt của Trung Quốc.
Đóng vai những người tập tọ đi buôn hàng Trung Quốc đưa vào Tây Nam Bộ và tỏ vẻ lo lắng khi thực phẩm, đặc biệt là trái cây Trung Quốc vận chuyển vào nơi đây quá xa xôi, có thể hư hại trên đường đi. Khi nghe chúng tôi bày tỏ lo lắng, bà Lan cười, nói rằng chúng tôi chưa có chút kinh nghiệm nào, nếu buôn hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc thì sợ hư hỏng trên đường đi bởi nông dân Việt Nam chỉ biết dùng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc tăng trọng nhưng không biết dùng thuốc bảo quản. Riêng hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là hàng trái cây, để đánh bại nông dân Việt Nam, nông dân Trung Quốc đã kết hợp thuốc tăng trưởng, tăng trọng và thuốc bảo quản thực phẩm rất nhuần nhuyễn.
Nghĩa là thuốc tăng trưởng và tăng trọng giúp cho vụ thu hoạch cam và táo chỉ diễn ra trong vòng một tháng thay vì ba tháng tại Việt Nam, từ khi cây cam, cây táo trổ hoa, nông dân Trung Quốc đã cho bơm thuốc tăng trưởng, gia súc thì dùng thuốc tăng trọng, trái cây và gia súc phát triển cực nhanh, vụ thu hoạch rút ngắn, sau đó, trước khi xuất vườn, họ cho bơm một đợt thuốc bảo quản. Loại thuốc này khiến cho một trái cam đã chín có thể tồn tại ít nhất là ba tháng trong bất kỳ môi trường nào, miễn là đừng vượt quá 50 độ C và đừng lạnh dưới 0 độ C thì trái cây vẫn cứ tươi bình thường.
Điều bà Lan chia sẻ lý giải tại sao cùng là cam, mà trái cam mua từ vườn của người nông dân Hà Tĩnh, Nghệ An mang về để chỉ được chưa đầy 10 ngày đã chuyển màu và thối. Trong khi đó, trái cam mua ngoài chợ về để gần ba tháng vẫn không thấy héo hoặc thối. Nhưng bà Lan cũng chia sẻ thêm là thực sự bà không biết mức độ nguy hiểm của thực phẩm sau khi dùng thuốc hóa học quá nhiều đó sẽ đến đâu. Bà này tỏ ra lo lắng khi một số đồng nghiệp của bà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam đều bị ung thư mà theo bà thì có vẻ như họ đã quá tin tưởng vào hàng Trung Quốc nên đã dùng và tiếp xúc với nó quá nhiều, dẫn đến hậu quả bệnh tật, chết chóc…
Hàng Tết đã tràn ngập thị trường
Một tài xế chuyên chở hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, chia sẻ: “Hàng Tết thì trên Lạng Sơn nhiều, toàn hàng Tàu. Nhưng hàng Tết thì về hết rồi, nhưng mà đi buôn thì người ta buôn hết rồi, tầm này vãn rồi, giáp Tết rồi thì làm được bao nhiều…!”
Theo anh này, hiện tại hàng Tết của Trung Quốc đã có mặt đầy đủ trên 64 tỉnh thành Việt Nam. Bởi hiện nay không ai còn nhắc đến các chuyến hàng Tết trên cửa khẩu nữa mà đã chuyển sang các loại hàng bình thường để tiêu thụ cho dịp sau Tết. Các chuyến hàng Tết đã đóng lại cách thời điểm chúng tôi ghé Lạng Sơn chừng một tuần.
Thì bánh kẹo Tết, điện tử, chứ hàng Trung Quốc bao giờ sang đây mà không nhiều, thực phẩm, trái cây. Mứt thì có mứt dừa, cà rốt, các thứ ấy…
– Bà Lan, Lạng Sơn
Tìm hiểu thêm về vấn đề buôn bán hàng Tết từ Trung Quốc về Việt Nam, tài xế này cho biết là việc này dễ như lật bàn tay. Vì buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam luôn đạt mức một vốn bốn lãi nên các nhà buôn sẵn sàng chung chi mạnh tay cho nhân viên an ninh cửa khẩu. Chỉ cần có quen biết, có đường dây làm ăn nhịp nhàng với nhau thì cả nhà buôn và an ninh cửa khẩu cùng giàu. Dường như buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là một cú áp phe lớn và bền bĩ giữa nhà buôn với an ninh cửa khẩu. Và hàng Trung Quốc chỉ ngưng đổ vào Việt Nam khi và chỉ khi đóng các cửa khẩu Việt – Trung. Nhưng chuyện này có vẻ không bao giờ xảy ra, bởi hiện tại, hàng Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam với lưu lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một cái Tết nữa sắp về, đời sống của người dân miền Trung Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn không có gì khởi sắc. Sài Gòn ngày càng bị ngập nặng, đồng bằng Sông Cửu Long đang bị xóa dần bởi các con sông cạn dòng, núi rừng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn trơ trọi vì nạn lâm tặc lộng hành, biển miền Trung bị đầu độc bởi Formosa, ngư dân xếp lưới, thủy điện thả sức xả đập nhấn miền Trung Trong biển nước… Nhìn chung, năm 2016 là một năm khốn khó đối với Việt Nam. Sắp tới đây, mối nguy hàng Trung Quốc độc hại và rẻ tiền tràn lan trong dịp Tết sẽ là đầu mối của nhiều thứ bệnh tật và đau khổ lâu dài.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/cn-new-year-goods-landed-in-vn-12142016103500.html