Tin khắp nơi – 14/12/2016
Mỹ: Chớ dùng chính sách ‘một nước Trung Hoa’ để mặc cả
Tòa Bạch Ốc ngày 13/12 nhấn mạnh chớ nên dùng chính sách “một nước Trung Hoa” như một lá bài để mặc cả với Bắc Kinh sau khi Tổng thống tân cử Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ không cần thiết bị ràng buộc bởi lập trường lâu nay rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Đưa ra những dấu hiệu thêm cho thấy ông Trump sẽ gặp chống đối tại Washington nếu ông nỗ lực đảo ngược một nguyên tắc đã kéo dài hơn 4 thập niên về mối liên hệ Mỹ-Trung, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói cá nhân ông ủng hộ “chính sách Trung Quốc” và không ai nên vội vàng kết luận rằng Tổng thống tân cử sẽ bỏ nguyên tắc này.
Ông Trump đã gây bão ngoại giao khi phát biểu trên kênh truyền hình Fox News đại ý rằng cớ gì Mỹ lại bị ràng buộc bởi chính sách “một nước Trung Hoa” mà không có điều kiện, kể cả điều kiện về thương mại. Tuyên bố này được đưa ra tiếp sau một vụ phản đối trước đây của Trung Quốc về việc Tổng thống tân cử điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2 tháng 12 vừa qua.
Đây là vấn đề rất nhạy cảm đối với Trung Quốc vốn xem Đài Loan như một tỉnh khó trị, và Bắc Kinh đã bày tỏ “quan tâm sâu sắc” đối với bình luận mới đây của ông Trump.
Trung Quốc gọi chính sách “một nước Trung Hoa” là căn bản trong mối quan hệ Mỹ -Trung, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo những động thái làm thiệt hại “những quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc rốt cuộc sẽ là ‘gậy ông đập lưng ông’.
Một số nhà phân tích cảnh báo là ông Trump có thể khiêu khích một cuộc đối đầu quân sự nếu ông đưa vấn đề Đài Loan đi quá xa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói Hoa Kỳ cam kết tuân thủ nguyên tắc “một nước Trung Hoa” và sẽ không dùng Đài Loan để chiếm lợi thế trong bất cứ thỏa thuận nào với Bắc Kinh.
Sau cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Đài Loan, chính quyền Obama cho hay các cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc đã nói chuyện với các giới chức Trung Quốc để trấn an họ là chính sách “một nước Trung Hoa” vẫn không thay đổi.
Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, trong một bài bình luận ngày 13/12 viết rằng rõ ràng là ông Trump không hiểu chính sách này.
http://www.voatiengviet.com/a/my-cho-dung-chinh-sach-mot-nuoc-trung-hoa-de-mac-ca/3635500.html
Google vào Cuba
Google vừa ký thỏa thuận với chính phủ Cuba, theo đó công ty internet khổng lồ sẽ được quyền cung cấp dịch vụ truy cập vào kho dữ liệu của Google tại Cuba, tạo được một chỗ đứng quan trọng trong lãnh vực mạng điện toán đang bắt đầu phát triển rất nhanh tại đảo quốc này.
Thỏa thuận đạt được hôm thứ Hai sẽ cho phép Google cài đặt các máy chủ trên quốc đảo này để lưu trữ những nội dung phổ biến nhất.
Bà Tania Velesquez, Giám đốc Thương mại và tiếp thị của ETESCA, cơ quan truyền thông của chính phủ Cuba, nói với các nhà báo rằng thỏa thuận này sẽ nâng cao trải nghiệm Internet cho tất cả người dân Cuba:
“Thỏa thuận sẽ rút ngắn thời gian truy cập vào các nội dung của Google trên Internet, cung cấp dịch vụ với chất lượng và tốc độ cao hơn, tối ưu hóa năng lực của hệ thống mạng quốc tế của ETECSA để có thể đáp ứng nhu cầu băng thông rộng cho Cuba”.
Chủ tịch Google Eric Schmidt đã chính thức ký kết thỏa thuận với bà Velesquez tại trụ sở ETESCA ở Havana.
Cuba là một trong nước có tỷ lệ sử dụng internet thấp nhất thế giới. Một số nhà phân tích nói chỉ có khoảng 5% công dân nước này có quyền truy cập vào các trang web của thế giới.
Chính phủ Cuba đã giải quyết vấn đề bằng cách cung cấp các điểm wifi ở các thành phố lớn, nhưng tốc độ chậm và giá dịch vụ quá đắt so với mức sống của phần lớn người dân Cuba, khoảng 2 đôla/giờ, trong khi mức lương công nhân trung bình ở nước này chỉ khoảng 20 đôla.
Thỏa thuận vừa đạt cho phép người dân Cuba truy cập vào mạng lưới các máy chủ được gọi là Google Global Cache với các trang dịch vụ của Google như Gmail và YouTube kết nối toàn cầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thúc đẩy việc cải thiện truy cập internet như một phần trọng tâm trong những nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên cho tới nay, Cuba vẫn chưa cho phép các công ty Hoa Kỳ tham gia vào hệ thống mạng điện toán của nước này, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ ngưng các cải thiện quan hệ giữa hai địch thủ thời Chiến tranh Lạnh, trừ phi Cuba có những nhượng bộ về chính trị và các mặt khác.
http://www.voatiengviet.com/a/google-vao-cuba/3634573.html
Ông Trump hứa giao doanh nghiệp lại cho con trai
trước khi nhậm chức
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với báo chí “trong tương lai gần” về việc bổ nhiệm nội các và về doanh nghiệp riêng mà ông sẽ giao lại cho các con trai.
Thông báo trên Twitter vào cuối ngày thứ Hai xuất hiện chỉ vài ngày trước khi một cuộc họp báo, hiện đã được hoãn lại, về việc làm thế nào ông Trump tách ra khỏi công việc kinh doanh dính tới những lợi ích toàn cầu để tập trung vào nhiệm vụ tổng thống để tránh xung đột lợi ích. Hôm thứ Hai, một phụ tá của ông Trump cho biết những câu hỏi này sẽ được trả lời vào khoảng tháng Giêng.
Ông Trump viết trên Twitter rằng trước ngày 20/1, tức ngày tuyên thệ nhậm chức, ông sẽ giao lại công việc kinh doanh cho các con trai Don và Eric đảm nhiệm, cùng với các giám đốc điều hành khác. Ông cũng cam kết “không có giao dịch mới nào sẽ được thực hiện” trong thời gian ông giữ chức tổng thống.
Điều không rõ là mức độ chính xác về việc ông Trump sẽ tách ra khỏi doanh nghiệp của mình hoặc những hoạt động kinh doanh nào mà ông tuyên bố “sẽ không có giao dịch mới nào”. Các chuyên gia pháp lý nói chỉ có cách duy nhất mà tân tổng thống đắc cử có thể tránh hoàn toàn xung đột lợi ích là bán tất cả cổ phần toàn cầu của mình.
Bắc Kinh: Vi phạm nguyên tắc ‘một TQ’ gây bất ổn
Trung Quốc hôm 14/12 cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp hoặc thiệt hại nào đối với nguyên tắc “một Trung Quốc” sẽ có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, trong khi Đài Bắc tuyên bố rằng việc duy trì hòa bình là mối quan tâm của mọi nước.
Hôm 11/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc lâu nay rằng Đài Loan là một phần của “Một Trung Quốc”.
Phát biểu này lại làm Trung Quốc tức giận, nhất là sau cuộc điện đàm trước đó của ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Vấn đề này rất nhạy cảm đối với Trung Quốc, vì Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh ly khai, và Bắc Kinh đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về những nhận xét của ông Trump.
Ông An Fengshan, phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo thường kỳ rằng vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Ông nói: “Duy trì nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ là cơ sở chính trị để phát triển quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ, và là nền tảng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.”
Ông An nói tiếp: “Nếu nền tảng này bị can thiệp hoặc bị phá vỡ, việc phát triển ổn định lành mạnh mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ sẽ mất ý nghĩa, và hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Hội đồng các vấn đề đại lục thuộc quốc hội Đài Loan cho biết rằng quan hệ hòa bình là một trách nhiệm song phương giữa hai bên eo biển Đài Loan.
Phát ngôn viên Hội đồng Chiu Chui-cheng nói: “Đài Loan đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan và toàn khu vực là lợi ích của tất cả các bên. Đài Loan cân bằng sự phát triển của mối quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ và quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.”
Trung Quốc lo ngại sâu sắc về bà Thái và Đảng Dân Tiến của bà. Trung Quốc tin rằng Đài Loan muốn thúc đẩy nền độc lập chính thức của hòn đảo, và đây là điều Bắc Kinh không mong muốn.
Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan, và sau tuyên bố của ông Trump, một số cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc cho rằng giải pháp quân sự hiện là điều cần thiết.
Hôm 13/12, một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ cho biết rằng chi tiêu quốc phòng của Đài Loan chưa theo kịp với các mối đe dọa của Trung Quốc và cần phải được tăng lên.
Trong những năm gần đây, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Đài Loan chưa đến 3% tổng sản phẩm quốc nội, và một số chuyên gia quân sự và chính trị tại Đài Loan cho biết cần phải có một mức độ tối thiểu cho chi tiêu quốc phòng.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi nói với Reuters rằng “chi tiêu quốc phòng của Đài Loan tính tới cả các mối đe dọa từ bên ngoài cũng như ngân sách hàng năm của quốc gia”.
Còn tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói rằng Hoa Kỳ cần phải xử lý các vấn đề Đài Loan một cách thận trọng để tránh các mối quan hệ xấu với Trung Quốc do can thiệp không cần thiết.
Ông Sảng nói: “Vấn đề về Đài Loan đang bị đe dọa. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhiều lần nói rằng chúng tôi phản đối việc Hoa Kỳ và Đài Loan thiết lập quan hệ chính thức hoặc thiết lập mối quan hệ quân sự.”
http://www.voatiengviet.com/a/tq-doa-neu-vi-pham-nguyen-tac-mot-trung-quoc/3635850.html
Mỹ tiêu diệt 3 thủ lĩnh hàng đầu của IS ở Syria
Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Hoa Kỳ đã giết chết thủ lĩnh quan trọng của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, trong đó có hai chiến binh đã tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố năm ngoái ở Paris.
Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Peter Cook cho biết: “Bộ ba đang cùng nhau lên kế hoạch để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu phương Tây tại thời điểm bị không kích”.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại úy Jeff Davis, cho biết những kẻ lập mưu đã bị nhắm trúng trong lúc đi trên một chiếc xe ở Raqqa, thủ đô trên thực tế của IS, vào ngày 4 tháng 12.
Theo các giới chức Mỹ, hai chiến binh Salah Gourmat và Smmy Djedou đã tham gia vào các cuộc tấn công Paris năm ngoái, khiến 130 người thiệt mạng.
Phát biểu tại Italy hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter xác định bộ 3 là những cộng sự thân tín của lãnh đạo phụ trách các hoạt động bên ngoài, Abu Mohammed al-Adnani, người đã bị giết chết trong một cuộc không kích hồi đầu năm nay.
Ông Davis cho biết Gourmat còn được biết tiếng về việc gợi hứng cho các cuộc tấn công đơn lẻ ở phương Tây. Djedou được xem là kẻ tuyển dụng chính cho nhóm khủng bố và cũng là kẻ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công tự sát ở các quốc gia phương Tây.
Thủ lĩnh thứ ba bị tiêu diệt là Walid Hamman, quốc tịch Pháp, đã bị kết án vắng mặt ở Bỉ vì một cuộc tấn công bị phá vỡ năm 2015.
IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công năm ngoái ở Paris. Trong đó, những kẻ đánh bom tự sát và các tay súng đã phát động một cuộc tấn công phối hợp trên khắp thủ đô nước Pháp, gồm một buổi hòa nhạc khiến 90 người thiệt mạng.
http://www.voatiengviet.com/a/my-tieu-diet-3-thu-linh-hang-dau-cua-is-o-syria/3634820.html
Hoãn kế hoạch sơ tán ở Aleppo, giao tranh tiếp diễn
Kế hoạch sơ tán dân thường và lực lượng nổi dậy ở Aleppo, Syria, hôm 14/12 đã bị trì hoãn, và một lệnh ngừng bắn tại thành phố bị phá vỡ khi các trận giao tranh vẫn tiếp diễn tại các khu vực còn lại cuối cùng do các lực lượng nổi dậy chiếm đóng.
Đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tạm dừng giao tranh ở Aleppo và thực hiện việc cứu trợ cho hàng ngàn người có nhu cầu thực phẩm và y tế, nhưng các đề xuất ngừng bắn từ các nước Nga, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại.
Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được công bố hôm 13/12, với việc sơ tán dân cư dự kiến bắt đầu vào sáng sớm ngày 14/12. Nhưng đến trưa 14/12, các nhà hoạt động cho biết khu vực ở phía đông Aleppo vẫn còn pháo kích.
Cho đến nay vẫn chưa thực hiện được việc sơ tán.
Theo đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin, kế hoạch sơ tán sẽ giúp hầu hết các chiến binh đối lập di chuyển đến Idlib, một thành phố có 165.000 cư dân, cách Aleppo 60 km về phía tây nam.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura hôm 13/12 bày tỏ quan ngại về tình hình ở phía đông Aleppo. Ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc tiếp cận khu vực đông Aleppo ngay lập tức để xác nhận thỏa thuận ngừng bắn và giám sát việc sơ tán thường dân.
Ông Mistura cũng ước tính rằng vào cuối ngày 13/12 có tới 50.000 thường dân vẫn còn kẹt lại ở phía đông Aleppo, cùng với 1.500 binh lính của các lực lượng nổi dậy.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói với Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên rằng LHQ sẵn sàng giúp đỡ thực hiện một thỏa thuận cuối cùng.
Ông Ban nói: “Chúng tôi nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế, phải ưu tiên cho việc sơ tán an toàn cho thường dân ra khỏi phía đông Aleppo, và để đảm bảo rằng những người đã đầu hàng hoặc bị bắt giữ được đối xử nhân đạo và phù hợp với luật pháp quốc tế.”
http://www.voatiengviet.com/a/hoan-ke-hoach-so-tan-o-aleppo-giao-tranh-van-tiep-tuc/3635869.html
Lực lượng thân chính phủ Syria
giết chết ít nhất 82 thường dân
Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã nhận được các báo cáo về việc các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Syria đã giết chết ít nhất 82 thường dân ở bốn khu vực khác nhau trong thành phố Aleppo.
Tuy nhiên, phát ngôn viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Rupert Colville nói tại Geneva rằng rất khó để xác minh các báo cáo trên, và các báo cáo không cho biết rõ ràng chính xác những vụ giết người đã xảy ra lúc nào.
Hôm thứ Ba, Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ cảnh báo có hàng ngàn người dân ở miền đông Aleppo “không có nơi an toàn để chạy đến” và kêu gọi những người tham gia chiến đấu bảo vệ dân chúng.
Lời kêu gọi được đưa ra khi các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad gia tăng cuộc hành quân tái chiếm những quận do phiến kiểm soát còn lại ở miền đông Aleppo.
Nhiều người dân đang chạy trốn, một số khác đi theo các chiến binh của phe nổi dậy vào các quận mà họ vẫn còn chiếm giữ, nhưng hầu hết dân chúng tiến đến vùng do chính phủ kiểm soát ở phía tây Aleppo. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 13.346 thường dân đã rời khỏi các quận do phe nổi dậy kiểm soát trong 24 giờ qua.
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, có trụ sở ở Anh, trong tháng qua có ít nhất 415 thường dân, bao gồm 47 trẻ em, đã bị giết chết trong khu vực do phiến quân chiếm giữ, và hàng trăm người khác bị thương.
2 phụ nữ Yazidi nhận giải Sakharov
Hai phụ nữ Yazidi bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo bắt cóc năm 2014 và bị sử dụng như những nô lệ tình dục được trao giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận.
Bà Nadia Murad và bà Lamiya Aji Bashar đã được công bố là người thắng giải trong tháng Mười. Hai bà đã được trao giải thưởng hôm thứ Ba lễ trao giải ở Strasbourg, Pháp.
Hai phụ nữ nằm trong số khoảng 7.000 phụ nữ và các bé gái Yazidi bị bắt cóc và bán làm nô lệ tình dục dưới sự cai trị của Nhà nước Hồi giáo. Khoảng 5.000 người khác đã bị giết trong âm mưu thanh trừng giáo phái.
Những người này bị bắt đi từ ngôi làng gần Sinjar, tây bắc Iraq, vào năm 2014. Vụ Nhà nước Hồi giáo bao vây khu vực này đã dẫn tới các cuộc không kích đầu tiên của liên quân do Mỹ dẫn đầu vào tháng 8 năm 2014, sau đó chiến dịch oanh kích mở rộng sang các khu vực khác ở Iraq và Syria.
Bà Murad và bà Bashar đã tích cực nâng cao nhận thức về cách đối xử với người Yazidi. Liên hiệp quốc gọi hành động của Nhà nước Hồi giáo đối với người Yazidi hành động diệt chủng.
Trong khi nhận giải thưởng, bà Bashar nói bà đã quyết định trở thành một “tiếng nói cho những người không thể cất tiếng” và kêu gọi các thành viên quốc hội không bao giờ cho phép những điều này xảy ra một lần nữa. Bà cũng kêu gọi phải có sự hỗ trợ tâm lý cho những đứa trẻ là nạn nhân trong cuộc thanh trừng này.
Bà Murad nói Hồi giáo Nhà nước nhắm mục tiêu vào những người chống lại hệ tư tưởng của họ, và những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm ở cấp quốc tế.
Bà Murad nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái rằng mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo là loại bỏ tất cả người Yazidi vì coi họ là những kẻ ngoại đạo. Bà thúc giục Hội đồng phải có hành động để giải phóng các khu vực người Yazidi và quét sạch nhóm cực đoan này.
Giải thưởng Sakharov được đặt theo tên của ông Andrei Sakharov, một nhà khoa học Liên Xô bất đồng chính kiến đã qua đời năm 1989, và được trao hàng năm cho những người tranh đấu cho nhân quyền.
http://www.voatiengviet.com/a/hai-phu-nu-yazidi-nhan-giai-sakharov/3634832.html
Trung Quốc: Một quan chức cấp cao bị tù do tham nhũng
Cựu bí thư thành ủy Nam Kinh, Dương Vệ Trạch bị tòa án thành phố Ninh Ba kết án 12 năm rưỡi tù giam về tội tham nhũng.
Hãng thông tấn Reuters loan tin ông này bị cơ quan chống tham nhũng của đảng cộng sản Trung Quốc điều tra từ đầu năm ngoái. Tại tòa, ông này thú nhận có nhận các khoản hối lộ hoặc đưa trực tiếp cho ông ta hay thông qua bà vợ tổng trị giá hơn 16 triệu Nhân dân tệ, tương đương gần 2 triệu 4 trăm ngàn đô la Mỹ.
Tại tòa bị cáo bày tỏ ăn năn và hợp tác với cơ quan chức năng qua việc trả lại tiền tham nhũng.
Reuters cho biết không thể liên lạc với luật sư của ông Dương để hỏi thêm thông tin.
Ông Dương Vệ Trạch nhậm chức bí thư thành ủy Nam Kinh hồi năm 2011.
Giao tranh ác liệt lại tiếp diễn ở Aleppo
Một thỏa thuận nhằm cho các phiến quân và dân thường sơ tán khỏi đông Aleppo dường như đã không thực hiện được; tin tức nói nơi này đang bị nã pháo dữ dội.
Thỏa thuận ngừng bắn được tuyên bố tại Aleppo hôm thứ Ba và các xe buýt được đưa tới để chở người ra khỏi khu vực bị tàn phá nặng nề.
Nhưng việc giao tranh đã lại tiếp tục hôm thứ Tư. Các nhà hoạt động người Syria nói các cuộc không kích đã được nối lại, nhắm vào vùng do phe phiến quân kiểm soát.
Việc đổ vỡ thỏa thuận vốn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trung gian đàm phán được cho là do chính phủ Syria đưa ra nhiều đòi hỏi.
Tin tức nói phe phiến quân muốn cho di tản các chiến binh bị thương và dân thường ra các thị trấn lân cận.
Đông Aleppo nằm trong tay phiến quân kể từ 2012. Nhưng phần diện tích họ nắm giữ đã bị thu hẹp dần trong những tháng gần đây, kể từ khi quân chính phủ với sự yểm trợ của không lực Nga đã tiến hành cuộc tiến công lớn.
Theo thỏa thuận sơ tán người, các dân thường và phiến quân từ đông Aleppo được phép đi tới các vùng do phiến quân kiểm soát tại bắc Syria.
Việc sơ tán lẽ ra bắt đầu từ 05:00 (03:00GMT), nhưng đã không diễn ra như kế hoạch. Tin tức nói việc nã pháo được nối lại sau đó ít giờ.
Nga, đồng minh của Syria, nói rằng quân đội Syria đã nối lại việc pháo kích sau khi các phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38310021
HSBC đóng cửa 1/4 chi nhánh tại Anh trong 2 năm
Ngân hàng HSBC đóng cửa hơn 1/4 chi nhánh ở Anh trong hai năm qua, một phần của tổng số 1.000 chi nhánh sẽ bị dừng hoạt động, khảo sát của Hội Người tiêu dùng Which? cho hay.
Hội Người tiêu dùng cho biết HSBC đóng 321 chi nhánh từ tháng 1/2015, tức 27% mạng lưới của họ.
Cùng thời điểm, một ngân hàng nhỏ hơn, Co-operative đóng cửa hơn một nửa chi nhánh.
HSBC cho biết hầu hết khách hàng bây giờ sử dụng dịch vụ internet banking trên điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, Which? nói rằng trong khi có 56% người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến năm ngoái, vẫn còn 20 triệu người trưởng thành không – hoặc không thể – sử dụng tiện ích này.
Nguyên do là nhiều người trong số họ không có Internet băng thông rộng.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc chi nhánh ngân hàng đóng cửa – Tây Nam nước Anh, xứ Wales và Scotland – chủ yếu là vùng nông thôn và việc kết nối Internet không đảm bảo.
Ngân hàng Lloyds thông báo rằng họ có kế hoạch đẩy nhanh kế hoạch đóng cửa khoảng 200 chi nhánh trong năm 2017.
HSBC cho biết sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới chi nhánh để có mạng lưới bền vững trong tương lai.
Nhưng họ cũng nói ngày càng ít người vào các chi nhánh.
“Nhìn chung lượng người ra vào các chi nhánh của chúng tôi giảm hơn 40%, trong lúc 93% giao dịch ngân hàng hiện hoàn tất qua Internet, điện thoại bàn hoặc điện thoại thông minh và 97% giao dịch rút tiền là tại máy ATM”, phát ngôn viên HSBC cho biết.
“Khi chúng tôi ra quyết định đóng cửa một chi nhánh, ưu tiên chính là đảm bảo rằng khách hàng và nhu cầu giao dịch của họ được đáp ứng một cách tốt nhất có thể.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38312543
Ukraina : Pháp và Đức muốn tiếp tục trừng phạt Matxcơva
Tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu triển hạn các biện pháp trừng phạt nước Nga nhân Thượng đỉnh 27 thành viên vào ngày thứ Năm 15/12/2016. Trên đây là tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức với báo chí sau cuộc gặp chiều thứ Ba 13/12 tại Berlin.
Trong bối cảnh một số thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích giải pháp trừng phạt kinh tế tài chính không hiệu quả và tại Washington, tổng thống tân cử Mỹ bổ nhiệm một nhân vật thân Nga làm ngoại trưởng, tổng thống Pháp lý giải là nếu không tiếp tục nỗ lực thì sẽ không có kết quả. Do vậy, Paris ủng hộ quyết tâm của Berlin cho đến khi nào phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn.
Các biện pháp trừng phạt Nga được ban hành vào tháng 07/2014 sau khi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị nổ tung trên bầu trời miền đông Ukraina làm 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Được triển hạn mỗi sáu tháng, lệnh trừng phạt (bao gồm các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và ngân hàng) sẽ đáo hạn vào cuối tháng Giêng 2017.
Bị Nga trả đũa ngưng nhập khẩu nông phẩm, một số thành viên châu Âu có nền kinh tế nông nghiệp quan trọng như nước Ý muốn bỏ cấm vận. Từ Matxcơva, ngoại trưởng Serguei Lavrov cho là hai nhà lãnh đạo Pháp- Đức có chủ trương « thâm hiểm và không xây dựng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161214-ukraina-phap-va-duc-muon-tiep-tuc-trung-phat-matxcova
TT Philippines thừa nhận tự tay giết tội phạm để làm gương
Trong một cuộc nói chuyện với doanh nhân tối qua, 13/12/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không ngần ngại thừa nhận là chính ông đã từng tự tay giết những kẻ tình nghi phạm tội ác trong thời kỳ ông làm thị trưởng Davao. Theo ông, đó là để làm gương cho cảnh sát.
Khi gợi lên những vụ cảnh sát giết những nghi phạm buôn lậu ma túy trong chiến dịch chống ma túy đã làm hơn 5000 người thiệt mạng từ khi ông lên làm tổng thống, cuối tháng 6 vừa qua, ông Duterte nói : « Tại Davao, tôi đã chính tay làm việc này để cho họ (cảnh sát) thấy là nếu tôi làm được thì tại sao họ không làm được… Tôi đã dùng một chiếc mô tô cỡ lớn đi trên các đường phố để phát hiện sự cố và gây chuyện để có thể hạ thủ ».
Cho đến nay, các tổ chức bảo vệ nhân quyền luôn tố cáo việc ông Duterte đã thành lập đội quân tử thần ở Davao, và đã giết hơn 1000 người. Trước những chỉ trích của quốc tế, đi đầu là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, tổng thống Philippines khẳng định ông sẽ không ngưng chiến dịch chống ma túy, mà theo ông, không hề vi phạm luật pháp, cảnh sát giết người để tự vệ, và người chết còn là do các băng đảng thanh toán lẫn nhau.
Nếu chiến dịch chống ma túy của ông bị phương Tây lên án vì con số tử vong quá cao và không ngừng tăng lên, thì đại sứ Trung Quốc tại Manila, vào tối thứ Hai, tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho Manila để giúp đỡ ông Duterte. Trước đó, khi lên tiếng ủng hộ ông Duterte, Bắc Kinh đã khiến cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc phẫn nộ.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines tiết lộ rằng Bắc Kinh đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí nhẹ cho Manila như súng trường chẳng hạn. Theo AFP, mới đây ông Duterte đã hủy bỏ đơn đặt mua 27.000 khẩu súng của Mỹ sau khi giới truyền thông cho là thương vụ đó sẽ không được thực hiện do mối quan ngại của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161214-tt-philippines-thua-nhan-da-tu-tay-giet-toi-pham-de-lam-guong
Bắc Kinh cảnh báo Đài Bắc : độc lập là tử lộ
Thứ Tư 14/12/2016, gần hai tuần sau cuộc điện đàm « lịch sử » giữa tổng thống tân cử Mỹ và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Bắc Kinh lên tiếng cảnh cáo chính phủ Đài Bắc : coi chừng đi vào đường cùng.
Theo hãng tin China News, trong một tuyên bố được xem như lời cảnh cáo đối với hải đảo bất trị, phát ngôn viên cơ quan chính phủ đặc trách quan hệ với Đài Loan, cho rằng Trung Quốc có « quyết tâm không gì lay chuyển và khả năng (quân sự ?) để ngăn chận mọi ý đồ độc lập và ly khai ở Đài Loan ». Do vậy, « thực tế sẽ chứng minh độc lập là tử lộ ».
Vào đầu tháng 12, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã làm Bắc Kinh chới với vì cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, một sự kiện chưa bao giờ xảy ra từ gần 40 năm nay, từ khi Washington bang giao với Bắc Kinh, giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm hay tân cử với một nguyên thủ Đài Loan.
Đến Chủ Nhật 11/12/2016, ông Donald Trump lại tiến xa thêm một bước khi đe dọa có thể sẽ không công nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161214-bac-kinh-canh-bao-dai-bac-doc-lap-la-tu-lo
Châu Âu đồng ý
nâng trần thuế hải quan chống bán phá giá
28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 13/12/2016, đã đồng ý trên một văn kiện cho phép Bruxelles áp đặt trừng phạt bằng cách nâng cao mức thuế hải quan trường hợp bán phá giá (dumping) nguyên liệu vào thị trường châu Âu. Đây là một biện pháp chủ yếu nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Cho đến nay, Châu Âu vẫn áp dụng biện pháp do Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đề xuất, tức là không áp đặt đối với một nước thứ ba một mức thuế cao hơn mức cần thiết để bảo vệ nền công nghiệp của mình trong các trường hợp dumping.
Thế nhưng, hiện chỉ có Châu Âu áp dụng quy tắc kể trên. Nếu so sánh thuế chống bán phá giá dumping đánh trên thép nhập từ Trung Quốc, thì mức thuế Mỹ áp dụng cao hơn mức của Châu Âu rất nhiều. Tình trạng đó kể từ nay sẽ chấm dứt. Hãng tin Pháp AFP trích dẫn một nguồn tin Châu Âu cho biết là « việc tự kiểm duyệt đó kết thúc », và mức thuế sẽ tăng cao.
Quốc vụ khanh Pháp đặc trách Ngoại Thương đã hoan nghênh quyết định của Liên Hiệp Châu Âu, xem đấy là một « bước tiến đáng kể trong việc sửa đổi quy định chống phá giá, cho phép bảo vệ tốt hơn công nghiệp Châu Âu trước nạn cạnh tranh bất chính trong mọi lãnh vực. »
Theo AFP, các bộ trưởng Thương Mại của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã mất 3 năm để thống nhất ý kiến trên vấn đề tăng thuế trừng phạt này : Pháp, Đức, Áo thì tán đồng trong lúc Anh và Thụy Điển thì chống lại. Cuối cùng vào hôm qua văn kiện đã được thông qua theo thủ tục đa số cần thiết. Tuy nhiên, văn bản còn phải chờ Nghị Viện và Ủy Ban Châu Âu chuẩn y.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161214-chau-au-nang-thue-hai-quan-ban-pha-gia-kt
« Liệu Trung/Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ? »
Quan hệ hai cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới bỗng nhiên căng thẳng, kể từ khi Donald Trump đắc cử. Tổng thống tân cử Mỹ liên tục có những tuyên bố làm Bắc Kinh nổi giận. Báo Liberation số ra ngày 13/12/2016, đặt câu hỏi « Liệu Trung – Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ? » và đưa ra các lập luận lý giải cho hai câu trả lời : Có và Không.
Có : Một cặp đang trên đường ly dị
Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Donald Trump khởi đầu trên những cơ sở không thể tồi tệ hơn. Vốn dĩ những cảnh báo của ứng viên đảng Cộng Hòa đã làm gia tăng mối nghi kỵ, nay những phát biểu từ sau cuộc bầu cử của vị tổng thống đắc cử lại càng gây căng thẳng hơn. Và những phát biểu này còn có thể làm chao đảo mạnh mẽ sự cân bằng trên thế giới hơn là xu hướng chiến tranh lạnh giữa Washington và Matxcơva.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo dựng được một cặp bài trùng không ai ngờ tới với chủ nhân Nhà Trắng, và họ đã cùng cam kết khẩn trương hành động đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Từ nay, tuần trăng mật đầy tính biểu tượng chuyển sang tuần trăng cay đắng. Khi đồng ý nói chuyện điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), ngày 02/12 vừa qua, ông Trump đã đụng chạm đến tâm gan Bắc Kinh. Chưa bao giờ, kể từ năm 1979 và kể từ khi đóng cửa sứ quán Mỹ tại Đài Loan đến nay, một tổng thống Hoa Kỳ lại nói chuyện điện thoại với đồng nhiệm Đài Loan.
Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Bắc Kinh tỏ ra lo ngại : « Lòng tin bị sứt mẻ. Quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Trump sẽ bắt đầu với sự cảnh giác lẫn nhau và điều này không hề hay ho gì ». Nhất là khi hai cường quốc lớn nhất thế giới lại cùng leo thang khẩu chiến. Đó là một ông Trump, có khả năng tung lên mạng xã hội Twitter một hai câu. Ông tố cáo Bắc Kinh « phá giá tiền tệ », « đánh thuế nặng nề » hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc và « xây dựng một tổ hợp quân sự rộng lớn » ở Biển Đông. Hoặc nặng nề hơn, vào ngày 11/12, khi ông đe dọa bỏ qua nguyên tắc cơ bản « một nước Trung Hoa », để có được các nhượng bộ từ phía Bắc Kinh, ví dụ trong lĩnh vực thương mại. Người hùng mới của nước Mỹ nói : « Tôi không muốn Trung Quốc chỉ đạo các hành động của tôi ».
Ngoài phát biểu nhắc nhở ngày 01/11, trong lúc đang diễn ra chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, để chống lại thái độ bi quan của Trump trong hồ sơ biến đổi khí hậu (theo Bắc Kinh, « một quan chức chính trị hiểu biết cần phải có các quyết định phù hợp với xu thế trên thế giới »), Bắc Kinh cho rằng Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao, và tỏ ra ôn hòa trước các chỉ trích của ứng viên đảng Cộng Hòa. Nhất là khi ông Trump đã hứa vứt bỏ thỏa thuận tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Bắc Kinh bị gạt ra ngoài…
Thế nhưng, từ hôm thứ Hai, 12/12, giọng điệu của Trung Quốc thay đổi hoàn toàn, Bắc Kinh bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về phát biểu mới của nhà tỉ phú địa ốc. Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo chính thống, đã nói thẳng rằng « không thể buôn bán » đổi chác với chính sách một nước Trung Hoa. Bài xã luận hùng hồn cảnh báo : nếu Trump tiếp tục khiêu khích, Bắc Kinh có thể « ủng hộ », thậm chí « trợ giúp quân sự » cho các đối thủ của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh tức giận cảnh báo không loại trừ khả năng tái sử dụng vũ lực quân sự lấy lại Đài Loan mà họ coi là lãnh thổ của mình từ năm 1949. Cuộc khủng hoảng này giống như ngoại giao ném đá hơn là ngoại giao bóng bàn. Hôm thứ Hai, 12/12, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) cảnh báo, những ai dám bác bỏ nguyên tắc một nước Trung Hoa thì không khác gì đang làm công việc « nâng đá để rồi đá sẽ rơi vào chân ».
Quan hệ giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan đang ở mức căng thẳng nhất. Hồi tháng Sáu, « cơ chế thông tin liên lạc song phương » cho phép có các tiếp xúc giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã bị cắt đứt. Lý do : theo Bắc Kinh, tân chính phủ trên đảo đã không thừa nhận quan niệm một nước Trung Hoa.
Sau tám năm xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou, từ năm 2008 đến 2016), thuộc Quốc Dân Đảng (KMT), từ giờ, Trung Quốc lo ngại là các nhóm thiểu số có tư tưởng ly khai nhất trong chính đảng của bà Thái Anh Văn, sẽ thúc đẩy bà xem xét lại « đồng thuận 1992 », một thỏa thuận giữa các quan chức Trung Quốc và Quốc Dân Đảng mặc nhiên chỉ thừa nhận có một nước Trung Hoa.
Libération trích nguồn tin từ tờ New York Times cho rằng cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Thái Anh Văn đã được Đài Bắc chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Một cựu thượng nghị sĩ, 92 tuổi, ông Bob Dole, trở thành người vận động hành lang cho Đài Loan, dường như đã nhận được 140 ngàn đô la (tương đương 131 ngàn euro) của chính phủ Đài Loan, nhằm thiết lập các tiếp xúc đầu tiên giữa nhóm cộng sự của ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn.
Sau cuộc điện đàm này, Trung Quốc đã bắn những mũi tên đầu tiên nhắm vào Đài Loan. Hôm thứ Bẩy, 10/12, khoảng một chục máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần Đài Loan. Dấu hiệu tức giận này của Trung Quốc cần phải được phân tích dưới góc độ chính sách đối nội và sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, dưới triều đại cứng rắn của ông Tập Cận Bình, người lên cầm quyền từ năm 2012.
Một nguồn tin ngoại giao khác đang làm việc tại Bắc Kinh, cho rằng, « mọi hành động lăng nhục Trung Quốc về chủ đề này đều được báo cáo trực tiếp lên văn phòng của ông Tập Cận Bình. Ông Trump đã đụng chạm tới một vấn đề cực kỳ thiêng liêng. Bắc Kinh sẽ không bỏ qua ».
Không : Hai quốc gia bị trói buộc nhau vì tiền
Thế nhưng, theo Libération, dường như ít có khả năng xẩy ra đoạn tuyệt bang giao giữa hai đối tác kinh tế quá phụ thuộc lẫn nhau này. Đó là hai cường quốc nguyên tử, hai « Nhà nước lục địa », thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và nhất là hai cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới. Với tổng trao đổi thương mại song phương lên tới 560 tỷ đô la (526 tỷ euro, trong năm 2015) : bang giao Trung-Mỹ là một trong những mối quan hệ chiến lược quan trọng nhất thế giới. Do đó không thể chỉ thu gọn lại ở những tuyên bố gay gắt trên một kênh truyền hình và một vài thông điệp trên mạng xã hội Twitter của một vị tổng thống còn chưa nhậm chức.
Khi thừa nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, năm 1979, Hoa Kỳ đã chấp nhận hy sinh mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cho dù Washington và Đài Loan đã ký hiệp định phòng thủ tương hỗ vào năm 1954. Một cựu đại sứ phương Tây đã từng làm việc tại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh và Washington có tiếp xúc ngoại giao « hàng ngày » và được duy trì ở mọi cấp độ. Từ năm 2009, hai siêu cường tiến hành « đối thoại chiến lược và kinh tế », một cơ chế cho phép ngoại trưởng và bộ trưởng Tài Chính Mỹ hàng năm gặp gỡ các đồng nhiệm Trung Quốc.
Sau những cú tấn công đầu tiên nhắm vào Bắc Kinh, hồi đầu tháng, Donald Trump dường như muốn sửa chữa bù đắp lại với việc chỉ định, ngay từ ngày 07/12, đại sứ tương lai của Mỹ tại Trung Quốc là một nhà ngoại giao kỳ cựu, Terry Branstad. Thống đốc đương nhiệm của tiểu bang Iowa đã từng gặp Tập Cận Bình năm 1985, trong chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc và ông Branstad đã nhiều lần sang Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo đã chúc mừng « người bạn lâu đời của Trung Quốc » như sau : « Điều này tạo nên sự khác biệt hoàn toàn nếu như một vị đại sứ tới Trung Quốc với những kỷ niệm tốt đẹp về nước này … chứ không phải với những định kiến và những suy nghĩ lệch lạc ».
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đặt biệt rõ nét trong quan hệ thương mại và tài chính từ 30 năm qua. Trung Quốc là nhà cung ứng hàng hóa số một cho Hoa Kỳ và Mỹ là khách hàng số một của Trung Quốc, chiếm gần 20% tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong chiều ngược lại, 9% tổng xuất khẩu của Mỹ được đưa vào thị trường Trung Quốc.
Trên góc độ tài chính, hai nước cũng gắn bó mật thiết với nhau. Các kho bạc của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc có tới 3000 tỷ đô la. Washington rất hài lòng là Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào công trái của bộ Ngân Khố Hoa Kỳ. Việc chấm dứt đồng thuận hữu nghị giữa hai siêu cường của thế kỷ XXI chắc sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ có ít thuận lợi hơn khi tìm kiếm phương tiện trên thị trường tài chính để chi cho các khoản nợ. Bởi vì Trung Quốc nắm giữ gần 7% tổng nợ công của Mỹ, tương đương 3000 tỷ đô la. Do vậy, Bắc Kinh là chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ, gần như ngang bằng với Nhật Bản.
Lập luận này cũng đúng đối với các doanh nghiệp lớn của Mỹ. Đa số các công ty này tìm kiếm nguồn tài chính trên các thị trường quốc tế qua việc phát hành công trái. Và lại cũng ở các thị trường này, Trung Quốc thường bơm thanh khoản vào (qua việc mua công trái). Năm 2015, lần đầu tiên, các đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ còn nhiều hơn các đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc.
Tất cả các công ty đa quốc gia Mỹ (về điện tử, hàng không không gian, năng lượng…) đều có các cơ sở lắp ráp ở Trung Quốc và ký kết các thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Bản thân ông Trump cũng có cơ sở làm ăn tại Trung Quốc và ông dự kiến mở từ 20 đến 30 khách sạn ở nước này.
Cho dù được coi là thân Đài Loan, những người thân cận của ông chắc sẽ không chơi trò « được ăn cả ngã về không » bằng cách tấn công vào Trung Quốc, một nước rất cứng nhắc trong các nguyên tắc mang tính dân tộc chủ nghĩa. Và nhà tỷ phú dường như ít để ý tới việc tấn công Bắc Kinh trong lĩnh vực luôn luôn nhậy cảm với Trung Quốc, đó là nhân quyền.
Về vấn đề quân sự, mà Bắc Kinh nêu ra hôm thứ Hai, 12/12, thì dường như điều này giống như một hành động khoa chân múa tay hơn là một sự đe dọa thực sự. Ngay cả khi Trung Quốc đã có những nỗ lực to lớn từ 20 năm qua, bằng cách tăng ngân sách quốc phòng hàng năm hơn 10% (216 tỷ đô la), nước này vẫn còn đứng sau cách rất xa Hoa Kỳ (610 tỷ đô la) và không có các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ kể từ năm 1967 (lời người dịch : ở đây, chắc tác giả không tính đến cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, năm 1979 : hàng chục ngàn lính Trung Quốc đã tấn công vào sâu lãnh thổ Việt Nam).
Sự thèm khát lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu dựa vào việc khẳng định các quyền dân sự và lịch sử và Bắc Kinh rất chú ý tránh trượt sang địa hạt chiến tranh. Ngoài các con số và tương quan lực lượng khách quan, các liên hệ nhân văn cũng ngày càng vững chắc giữa biểu tượng của chủ nghĩa tư bản và người khổng lồ xã hội chủ nghĩa. Trong số một triệu sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ, trong năm 2015-2016, thì một phần ba là sinh viên Trung Quốc. Ngay con gái của ông Tập Cận Bình cũng đã từng học ở Mỹ, giống như tất cả con cái của các lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161214-%C2%AB-lieu-trungmy-huong-toi-chien-tranh-lanh-%C2%BB