Tin Biển Đông – 13/12/2016
Điểm lại các diễn biến mới ở Biển Đông
Ngay sau khi các không ảnh chụp từ vệ tinh được công bố cho thấy Việt Nam đang làm công việc cải tạo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa, một số nước đã đưa ra phản ứng.
Nhanh nhất là Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Như thường lệ, Trung Quốc khẳng định chủ quyền “không thể chối cãi” với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu Việt Nam “dừng ngay việc xâm chiếm và xây dựng trái phép, không có các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”.
Đá Lát, một bãi đá ngầm, nằm cách đảo Trường Sa Lớn cũng do Việt Nam kiểm soát khoảng 15 hải lý về phía Tây.
Trên Đá Lát hiện Việt Nam đã có một hải đăng và một trạm gác nhỏ.
Cho tới nay, Việt Nam chưa có phản ứng gì trước các động thái nói trên.
Sau Trung Quốc, Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Việt Nam và các quốc gia khác không cơi nới cải tạo cũng như không quân sự hóa Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elizabeth Trudeau nói với các phóng viên ở Washington DC rằng Hoa Kỳ nắm được thông tin về việc cải tạo bãi đá của Việt Nam.
Bà Trudeau nói: “Chúng tôi thường xuyên cảnh báo rằng hoạt động cải tạo và quân sự hóa các khu vực tranh chấp tại Biển Đông có nguy cơ sẽ làm tình hình bất ổn leo thang. Chúng tôi kêu gọi các bên có biện pháp giảm căng thẳng và giải quyết khác biệt một cách hòa bình”.
Philippines ‘tránh hợp tác’
Hoa Kỳ đang phải xem xét cảnh báo của Philippines rằng Manila sẽ không chấp thuận cho Hoa Kỳ sử dụng lãnh thổ để tiến hành các hoạt động tuần tra thường kỳ ở Biển Đông.
Theo thỏa thuận quốc phòng giữa hai bên ký năm 2014, các tàu chiến, tàu ngầm và chiến đấu cơ của Mỹ có thể tiếp cận một số căn cứ quân sự của Philippines.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói thay vì nước này, Hoa Kỳ nên chuyển sang sử dụng Guam hay Okinawa ở Nhật Bản cho các hoạt động ở Biển Đông.
Ông nói quân Mỹ vẫn có thể tiếp dầu hay tiếp vận ở Philippines, nhưng chỉ sau khi đã xong nhiệm vụ.
Phát ngôn viên Elizabeth Trudeau từ chối bình luận về phát biểu này của ông Lorenzana, nhưng bà khẳng định rằng Hoa Kỳ cam kết duy trì tự do hàng hải và “chúng tôi sẽ bay, sẽ lưu thông bất cứ đâu trong hải phận quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc này”.
Một mặt Philippines tỏ ra ngày càng xích lại Trung Quốc, mặt khác nước này vẫn không thể không dựa vào trợ giúp của Washington. Mới nhất hôm 9/12, hải quân Philippines đã nhận tàu đã qua sử dụng thứ ba từ lực lượng tuần duyên Mỹ.
Trung Quốc cảnh báo Anh
Trong khi đó, thông tin một nước phương Tây khác là Anh quốc lên kế hoạch tuần tra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đã làm Trung Quốc giận dữ.
London mới thông báo sẽ điều bốn chiến đấu cơ Typhoon tới Nhật tập huấn và các chiến đấu cơ này sẽ tuần tra trên các vùng biển nói trên.
Đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch, tuần trước cho hay chính phủ Anh đang chuẩn bị tuần tra bảo đảm tự do hàng hải có sự tham gia của tuần dương mẫu hạm mới HMS Queen Elizabeth khi chiếc này được đưa vào hoạt động năm 2020.
Ông nói Anh quốc chia sẻ các mục tiêu bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ trong các vùng biển quốc tế.
Phát biểu của Sir Kim Darroch khiến Tân Hoa Xã phản ứng bằng bài xã luận trong đó cảnh báo Anh quốc không nên làm phức tạp thêm tình hình.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc nói: “Nếu chiến đấu cơ Anh tham gia hoạt động gọi là ‘tự do hàng hải’ ở Nam Hải (Biển Đông) thì điều này sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình và tăng áp lực lên quan hệ Trung-Anh”.
Trung Quốc trong khi đó đưa tàu du lịch thứ hai vào khai thác chặng tham quan Hoàng Sa.
Tàu thứ nhất Coconut Princess chở khách từ Hải Nam tới Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, từ tháng 4/2013, tới nay đã đạt 23.000 lượt khách.
Tàu mới tên là Nam Hải Chi Mãnh cuối tháng 12 này sẽ khai trương tour du lịch từ Tam Á tới ba đảo thuộc Hoàng Sa kéo dài bốn ngày với giá từ 580-1.450 đôla/người.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38287888
Ấn, Indonesia yêu cầu TQ tuân thủ UNCLOS về Biển Đông
Ấn Độ và Indonesia ngày 12/12 chính thức nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông, thúc giục các bên chứng tỏ tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển UNCLOS, văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế về các vùng biển và đại dương trên thế giới.
Lời kêu gọi này được xem là cấp thiết trước thái độ của Trung Quốc từ chối không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hình thành theo Công ước UNCLOS qua đó tòa bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên 90% diện tích Biển Đông trong vụ kiện của Philippines.
“Về vấn đề BIển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các phương cách hòa bình, theo các tiêu chí của luật quốc tế được thế giới công nhận kể cả UNCLOS,” theo tuyên bố chung của hai nước sau cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, và Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.
Cho tới nay, Ấn đã có các cuộc họp thượng đỉnh nhắc tới vấn đề Biển Đông với Mỹ, Nhật, và Việt Nam. Truyền thông Ấn cho hay New Dehli đã đề nghị một cuộc họp tương tự với Singapore trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và người đồng nhiệm Lý Hiển Long của Singapore hồi tháng 10 nhưng Singapore không đồng ý.
Trong tuyên bố chung hôm nay, Ấn và Indonesia cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp ôn hòa, tránh đe dọa hay dùng võ lực và tự chế trong hành động, chớ hành động đơn phương làm tăng căng thẳng.
“Hai nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển, quyền thương mại hợp pháp không bị cản trở,” tuyên bố hợp tác hàng hải giữa Indonesia và Ấn Độ ghi rõ.
Theo The Time of India, The Economic Times
http://www.voatiengviet.com/a/an-indonesia-yeu-cau-tq-tuan-thu-unclos-ve-bien-dong/3633395.html
Khả năng Trung Quốc gây sự ở Biển Đông và Đài Loan
để dọa Donald Trump
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đã không ngần ngại chọc giận Trung Quốc trên hồ sơ Đài Loan, vấn đề được cho là nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Cho đến lúc này, Bắc Kinh chỉ mới phản ứng bằng lời nói, qua các tuyên bố, nhưng theo hãng tin Anh Reuters ngày 13/12/2016, Trung Quốc có trong tay cả chục cách để trả đũa Hoa Kỳ, từ kinh tế đến quân sự, trong đó có việc tập trận gần Đài Loan và nhất là gây sự tại Biển Đông.
Tình hình Biển Đông hiện nay đã chuyển biến đến mức rất dễ trở thành đấu trường Mỹ-Trung, và Trung Quốc cũng có thể răn đe chính quyền Donald Trump bằng cách gây nên một sự cố. Điều này đặc biệt có ý nghĩa sau vụ ông Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng Trường Sa.
Phải nói là giới diều hâu Trung Quốc thân cận với Tập Cận Bình rất bực tức trước các cuộc tuần tra do Hải Quân Mỹ tiến hành trên Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho bồi đắp, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Gần đây là chuyến tuần tra gần khu vực đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa do một chiến hạm của Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh chỉ phản ứng một cách thụ động trước các cuộc tuần tra của Mỹ, bằng lời nói hay bằng cách cử tàu của họ bám đuôi chiến hạm Mỹ. Thế nhưng, để tỏ thái độ, Trung Quốc có thể dùng đến những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Mọi người đều nhớ đến cuộc khủng hoảng năm 2001, khi một phi cơ do thám của Mỹ đã bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam của Trung Quốc sau khi va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng có thể chơi lại trò dùng tàu cá sách nhiễu tàu Mỹ, như họ đã từng làm vào năm 2009 với chiếc khảo sát USNS Impeccable.
Có điều là khi gây sự trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc hai điểm : Một là chính Bắc Kinh cũng cần đến một vùng Biển Đông hòa bình và ổn định vì đó là nơi có các tuyến thương mại sinh tử đối với Trung Quốc.
Một điểm thứ hai mà Bắc Kinh phải chú ý là tính khí khó lường của ông Donald Trump, không ai biết là ông có thể phản ứng ra sao trong trường hợp Mỹ bị khiêu khích.
Một cách trực tiếp hơn, theo Reuters, Bắc Kinh có thể cho thấy rõ quyết tâm không buông Đài Loan của mình bằng một cuộc tập trận gần hòn đảo này. Khi làm vậy, Trung Quốc sẽ đồng thời đạt được hai mục tiêu, vừa « dằn mặt » chính quyền mới Washington, vừa cảnh cáo chính phủ tại Đài Bắc trong tay đảng Dân Tiến chủ trương đòi độc lập.
Khi tập trận, dĩ nhiên Trung Quốc sẽ phải ban hành các biện pháp như cấm bay ngang khu vực, cấm tàu thuyền qua lại trên biển để có thể tiến hành các vụ bắn tên lửa thị uy xuống vùng biển đông dân cư ở phía tây Đài Loan. Hành động đó dứt khoát sẽ có tiếng vang lớn, làm dấy lên quan ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy các nước khác tạo sức ép trên chính quyền Mỹ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể ban hành lệnh trừng phạt các công ty Mỹ có dính líu đến việc bán vũ khí cho Đài Loan. Đây là biện pháp Trung Quốc từng nhắc đến vào năm 2010 khi chính quyền Obama xúc tiến một thương vụ bán vũ khí có quy mô lớn cho Đài Loan. Tuy nhiên đó chỉ là lời đe dọa suông mà thôi.
Theo Reuters, Bắc Kinh còn có thể viện đến một loạt những biện pháp khác, chẳng hạn như ồ ạt bán đi lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ (1.160 tỷ đô la tính đến tháng 9/2016) mà họ nắm trong tay, gây áp lực trên các tập đoàn Mỹ làm ăn với Trung Quốc, giảm nhẹ áp lực trên Bắc Triều Tiên…
Tóm lại, Bắc Kinh không thiếu biện pháp để đấu với Washington, nhưng biện pháp nào cũng sẽ có hậu quả tai hại cho Trung Quốc, và chính đây là điểm khiến Bắc Kinh không dám manh động.