Tin Việt Nam – 11/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/12/2016

Bắt giam, khởi tố cựu tổng giám đốc DongA Bank

 

Cựu tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình

Image copyrightTUOI TRE
Image captionCựu tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình
Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cùng một số người khác bị Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an bắt giữ.
Vụ bắt giữ diễn ra vào tối hôm 9/12, và ông Bình nay có lệnh tạm giam bốn tháng.
Ngay sau vụ bắt giữ, DongA Bank ra thông cáo xác nhận việc ông Trần Phương Bình cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó tổng giám đốc và ba nhân viên khác của DongA Bank bị khởi tố “do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng”.
Tuy nhiên, thông cáo nhấn mạnh rằng đây là những người đã bị đình chỉ chức vụ kể từ tháng 8/2015 và không còn quản lý, điều hành ngân hàng kể từ đó, cho nên “việc Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố các bị can nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh” của DongA Bank.
Sau vụ một số quan chức bị kỷ luật, đình chỉ chức vụ, DongA Bank đã bị Ngân hàng Nhà nước (SBV) đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, với việc người của SBV được vào tham gia ban lãnh đạo của DongA Bank.
Ông Trần Phương Bình giữ chức Tổng giám đốc DongA Bank từ 1998, và đảm nhận chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ 2013.

‘Hoạt động ổn định’

Từng là một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu về công nghệ thẻ và dịch vụ ngân hàng bán lẻ, DongA Bank được cho là bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ kể từ nửa cuối năm 2014.
Trong thông cáo mới nhất liên quan tới vụ bắt giữ các cựu lãnh đạo, DongA Bank nói ngân hàng hiện đã hoạt động ổn định và nêu ra một số số liệu cho thấy vào thời điểm này, tiềm lực tài chính của ngân hàng đạt mức cao hơn yêu cầu.
Cụ thể, DongA Bank nói tỷ lệ dự trữ thanh khoản của ngân hàng là 20%, cao hơn mức quy định chung chỉ cần 10%, khả năng chi trả trong 30 ngày liên tiếp bằng tiền đồng đạt 82% so với quy định chung là 50%, trong lúc khả năng chi trả bằng ngoại tệ tính theo chuẩn đô la Mỹ đạt 106% so với mức đòi hỏi chỉ cần 10%.
Thông cáo cũng cho biết ngân hàng đã xử lý và thu hồi nợ được 3 nghìn 655 tỷ đồng.
Theo bản tin của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hôm 1/11/2016 thì DongA Bank “đã kiểm soát được nợ xấu”.
Tuy nhiên, tổng số nợ xấu của DongA Bank tại thời điểm này là bao nhiêu vẫn là điều không được nêu rõ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Phó cục trưởng được truyền thông trong nước dẫn lời, theo đó nói số nợ xấu của ba ngân hàng 0 đồng (gồm GPBank, OceanBank và CBBank) và DongA Bank là “khoảng 50-70 nghìn tỷ đồng”. – BBC

Vì sao cựu quan chức DongA Bank bị bắt?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hôm 11/12 đã lên tiếng giải thích lý do vì sao cựu tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cùng một số người khác bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) thuộc Bộ Công an bắt giữ hai ngày trước đó.
Theo DongA Bank hôm 10/12, ông Bình cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank và ba nhân viên có liên quan “bị khởi tố do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng” hôm 9/12.
Ngân hàng thương mại cổ phần này cho biết thêm rằng những người bị bắt giữ trên đã bị Ngân hàng Nhà nước và DongA Bank “đình chỉ chức vụ vào tháng 8/2015 và đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần một năm rưỡi qua” nên việc khởi tố vụ án và bị can “không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Đông Á”.
Hai ngày sau đó, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo cho biết rằng hồi “tháng 8 năm 2015, NHNN đã công bố kết luận thanh tra DongA Bank theo quy định của pháp luật và Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này do DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của DongA Bank”.
“NHNN cũng đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng Quản trị và chức danh Tổng Giám đốc DongA Bank; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc DongA Bank. Đồng thời, NHNN đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt vào quản trị, điều hành DongA Bank để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank”, thông cáo có đoạn.
“Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của DongA Bank đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan, khách hàng tiếp tục tín nhiệm trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của DongA Bank”.
Hôm 9/12, đúng ngày các cựu quan chức DongA Bank bị bắt giữ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại “Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016” rằng “xử lý nợ xấu là một vấn đề hết sức quan trọng” và “nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng”.
Ông Phúc được VGP News dẫn lời nói: “Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém”.
Hồi tháng Chín, Việt Nam tuyên án tù đối với 36 cựu nhân viên, trong đó có cả cựu chủ tịch, của Ngân hàng Xây dựng về tội “mua bán khống, rút tiền trái phép của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để tiêu xài, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng (400 triệu đôla)”. – VOA

Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò năng lượng ở Biển Đông

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ là một cường quốc khu vực, Hà Nội đã kêu gọi New Delhi tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm thứ Bảy, 10/12 đã mời Ấn Độ thăm dò nguồn năng lượng ở Biển Đông và ủng hộ các kế hoạch đa phương của Ấn Độ.
Bà Ngân phát biểu: “Việt Nam ủng hộ chính sách ‘Hành động hướng Đông’ của Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ của Ấn Độ với Đông Nam Á. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam có thể làm cầu nối giữa Ấn Độ với Đông Nam Á. Ấn Độ được hoan nghênh khi đầu tư vào ngành năng lượng của Việt Nam và tiến hành thăm dò chung ở Biển Đông”.
Phát biểu của bà Ngân, nữ chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng vào lúc Biển Đông là tâm điểm của cuộc tranh chấp quốc tế kéo dài liên quan đến Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bà Ngân đã nhiệt tình ủng hộ việc Ấn Độ tranh cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, bà Ngân cũng đã chứng kiến việc ký một số thỏa thuận song phương trong đó có thỏa thuận hạt nhân dân sự. – VOA
Theo The Hindu, VietnamNet
 

Ngày Quốc tế Nhân Quyền trong mắt người Việt

Ngày 10 tháng 12 năm nay thế giới đánh dấu 68 năm ngày công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền, một văn kiện quan trọng phác thảo các chuẩn mực căn bản về quyền của con người trên toàn cầu.
Liên Hiệp Quốc, trong ngày này, một lần nữa gióng lên lời kêu gọi tất cả mọi người đứng lên bảo vệ nhân quyền giữa lúc các quyền phổ quát vẫn còn bị chà đạp tại nhiều nơi trên thế giới.
Tại Việt Nam, quốc gia lâu nay vẫn nằm trong danh sách các nước bị lưu ý về các vi phạm nhân quyền, Ngày Nhân Quyền 10/12 chưa thật sự được mọi người chú ý, những ai quan tâm thì trĩu nặng tâm tư.
Trần Minh Nhật, một người trẻ ở Vinh từng lãnh 4 năm tù vì các hoạt động cổ súy cho nhân quyền, chia sẻ:
“Khi cả thế giới đón chào Ngày Quốc tế Nhân quyền, là một người trẻ tại Việt Nam, một nước tương đối khác biệt với các nước khác, điều này làm cho mình cảm thấy ‘giằng xé’ và thao thức vì thấy mình và người dân nước mình không được hưởng những quyền như người dân nước khác. Cũng cảm thấy ghen tị với họ, khao khát quyền làm người, quyền sống còn của dân tộc và của cả thế hệ tương lai.”
Chính phủ Hà Nội lâu nay vẫn khẳng định rằng tại Việt Nam, nhân quyền luôn được tôn trọng đáp lại những chỉ trích của quốc tế về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
Anh Trần Việt Hoa, một nạn nhân trong tâm điểm thảm họa môi trường Formosa ở Hà Tĩnh, nói bất chấp những lời tuyên bố hùng hồn của nhà nước, những gì xảy ra trên đất nước Việt Nam cho thấy những điều ngược lại. Anh đưa ra một minh chứng thực tế:
“Nói đến nhân quyền thì ví dụ như vụ Formosa đây, quyền con người được sống, được hưởng sự trong lành, được có môi sinh, nhưng khi con người đứng lên tranh đấu cho sự thật để đảm bảo môi trường sống thì lại bị nhà nước dùng côn đồ, dùng công an để đánh đập, ngăn cản.”
Trong Ngày Quốc
Trần Minh Nhật
Nhà nước viện dẫn đời sống, giáo dục người dân được nâng cao là những biểu hiện về quyền con người được tôn trọng, nhưng giới hoạt động nói còn rất nhiều quyền sơ đẳng mà người Việt cần phải được bảo đảm bình đẳng như mọi người dân các nước khác trên thế giới.
Nhà hoạt động Trần Minh Nhật:
“Người dân Việt Nam còn thiếu rất nhiều quyền, nhưng có lẽ căn bản nhất là thiếu tự do ngôn luận. Người dân không thể tham gia vào tiến trình chính trị của đất nước, không được thể hiện quan điểm đưa tới các quyền dân sự cũng không được bảo đảm. Thật đáng tiếc. Trong Ngày Quốc tế Nhân quyền hôm nay, tôi đặc biệt nhớ về các anh chị em tù nhân lương tâm vì thực hiện quyền của mình mà bị đẩy vào chốn lao tù. Mỗi lần nghĩ tới họ, tôi cảm thấy rất đau đớn, xót xa cho thân phận dân tộc Việt Nam mình.”
Anh Nhật nói trong một đất nước độc tài, toàn trị đã lâu, đòi hỏi nhân quyền bị xem là một cái tội và anh lý giải bằng thực tế rằng Việt Nam có biết bao người tù được quốc tế gọi là tù nhân lương tâm nhưng lại bị Hà Nội xem là phạm pháp.
Đánh dấu Ngày Nhân quyền năm nay, người đứng đầu Cao ủy Nhân Quyền Liên hiệp quốc Zeid Ra’ad Al Hussein nói: “Đã đến lúc mỗi chúng ta phải đứng lên vì nhân quyền. Không một việc làm nào là không đáng kể, cho dù bạn đang ở đâu, bạn đều có thể tạo nên sự khác biệt. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng cho quyền con người nhiều hơn.”
Đáp lại lời kêu gọi này, anh Việt Hoa ở Hà Tĩnh bày tỏ mong muốn được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ quốc tế giúp ‘tạo sự khác biệt’ ở những quốc gia còn nhiều hạn chế về nhân quyền như Việt Nam:
“Dân hầu hết ai cũng muốn có các quyền đó hết nhưng họ sợ không dám lên tiếng vì thấy lên tiếng một cái là bị tù tội, bị trù dập. Lâu nay họ vẫn còn đen tối vì bóng tối của chế độ, nhưng ước vọng thì rất mong có sự can thiệp lên tiếng của thế giới, mong báo đài và các tổ chức nhân quyền trên thế giới quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn nữa.”
Bất chấp những đe dọa và sách nhiễu thường xuyên từ nhà cầm quyền, theo ghi nhận của cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, càng ngày càng có nhiều người trong nước, nhất là những người trẻ như anh, cố gắng học hỏi, tìm kiếm, và thực thi quyền của mình. Giữa những khắc khoải ưu tư, đây chính là niềm an ủi cho những người Việt Nam khát khao quyền con người nhân ngày Quốc tế Nhân quyền năm nay.
  • Trà MI – VOA