Đọc báo Pháp – 10/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thượng đỉnh Nhật-Nga : Thêm một cơ hội hòa giải bị lỡ ?

Mai Vân

Trong bối cảnh dư luận đang bị hút vào việc tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump làm Trung Quốc chóng mặt với các động thái khi căng thẳng, lúc hòa hoãn, tuần báo Anh The Economist chú ý đến một quan hệ khác, ít sôi động hơn nhưng không kém phần quan trọng : Quan hệ Nga-Nhật, với việc chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Abe-Putin sẽ diễn ra tại Nagato ngày 15/12/2016.

Theo tuần báo Anh, thủ tướng Nhật Bản đã lên kế hoạch về một hội nghị thượng đỉnh thân tình với tổng thống Nga, nhưng khả năng đột phá bế tắc trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước vẫn rất mỏng manh.

The Economist mở đầu bài viết bằng cách nhắc lại lịch sử của tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật : Ngày 01 tháng Chín năm 1945, 600 quân lính Liên Xô đổ bộ lên chiếm cứ hòn đảo Shikotan của Nhật Bản. Ba năm sau, khoảng 17.000 cư dân Nhật trên đảo bị trục xuất khỏi vùng mà Nhật Bản gọi là Lãnh Thổ Phương Bắc của mình, bao gồm bốn hòn đảo trong chuỗi Kuril (mà người Nhật gọi là Chishima).

Vào thế kỷ 19, Nga đã công nhận chủ quyền của Nhật Bản trên bốn hòn đảo đó, và đến năm 1875 họ đã nhượng lại toàn bộ quần đảo Kuril cho Nhật Bản. Thế nhưng, chỉ vài ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vào năm 1945, Liên Xô, trước đó không hề chiến đấu chống Nhật, đã đột ngột tuyên chiến, và cho quân đội cấp tốc chiếm đóng toàn bộ chuỗi đảo Kuril, khai mào cho một tranh chấp đến nay đã kéo dài hơn 70 năm. Nhật Bản đòi lại bốn hòn đảo cực nam, Liên Xô từng đề nghị chỉ trả lại hai đảo nhỏ nhất – Habomai và Shikotan – nếu Nhật Bản từ bỏ yêu sách đối với các đảo còn lại, điều mà Tokyo đã từ chối. Bế tắc vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Ngày 15/12/2016 Vladimir Putin sẽ là tổng thống Nga đầu tiên chính thức thăm Nhật Bản từ một thập kỷ nay. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, cháu trai của một bộ trưởng trong thời chiến và một thủ tướng sau chiến tranh, đã không che giấu sự quan tâm cá nhân của ông đối với việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga. Muneo Suzuki, một cố vấn không chính thức về Nga của thủ tướng Abe cho rằng thời cơ đã chín muồi.

Nhật không muốn Nga theo Trung Quốc, Matxcơva không muốn lép vế trước Bắc Kinh

Theo The Economist, đối với các nhà ngoại giao Nhật, tranh chấp biển đảo đã làm cho hai nước không thể ký hòa ước chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật, và nếu bế tắc tiếp tục, điều đó có thể đẩy Nga gần gũi hơn với Trung Quốc.

Theo tuần báo Anh, để dụ dỗ Matxcơva, Tokyo có thể cho hồi sinh đề nghị từng bị bỏ xó là việc xây dựng một đường ống dẫn khí trị giá 5,3 tỷ đô la từ đảo Sakhalin của Nga xuống tận Tokyo. Nhật Bản cũng đang treo lơ lửng con mồi hàng tỷ đô la tín dụng ưu đãi cho vùng Viễn Đông nghèo khó của Nga, cũng như hứa hẹn thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Về phần Nga, nước này vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ trở thành một đối tác thứ cấp của Trung Quốc ở châu Á. Cựu đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov thừa nhận : « Chúng tôi không thể đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ ».

Thế nhưng, các cản lực cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật rất lớn. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 78% người Nga phản đối việc trả lại cho Nhật tất cả bốn đảo ở quần đảo Kuril ; 71% thì chống lại việc giao trả Shikotan và Habomai. Tháng 11/2016 ông Dmitry Kiselev, lãnh đạo ngành tuyên truyền tại Nga cho rằng : « Ở Nga, bất kỳ tổng thống nào, kể cả ông Putin, nếu bỏ hai đảo ở Kuril cho Nhật Bản, thì sẽ bị mất lòng dân thê thảm ». Theo ông Anatoli Koshkin, chuyên gia tại Đại Học Phương Đông Matxcơva, người Nhật thích nói về giữ thể diện, nhưng họ quên rằng người Nga cũng không muốn bị mất mặt.

Một yếu tố khác : Quần đảo Kuril kiểm soát ngõ ra vào từ biển Okhotsk của Nga ra Thái Bình Dương. Theo ông Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, Kuril là một « vấn đề sinh tử » cho Hải Quân Nga.

Trong bối cảnh đó, không ngạc nhiên chút nào khi thấy ông Putin nói thẳng thừng hồi tháng 9/2016 là sẽ không « bán đứng » lãnh thổ. Bà Valentina Matvienko, chủ tịch Thượng Viện Nga tháng 11/2016 cũng tuyên bố khi ghé thăm Tokyo « chủ quyền của Nga trên quần đảo Kuril là điều không thể chối cãi và không thể sửa đổi ». Để nhấn mạnh thông điệp trên, quân đội Nga đã loan báo triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên hai đảo Etorofu và Kunashiri.

Cho dù vậy, chuyên gia James Brown thuộc Đại học Temple Nhật Bản cho rằng ông Putin sẽ có cách thuyết phục Nhật Bản đầu tư vào Nga mà không từ bỏ vấn đề chủ quyền.

Pháp bầu sơ bộ : Đấu đá nội bộ chuyển sang cánh tả

Thời sự chính trị Pháp hầu như “thống trị” các tạp chí tuần này. Sau cuộc bầu cử sơ bộ bên cánh hữu đã chọn ông François Fillon làm ứng viên tổng thống, giờ đây mọi chú ý tập trung vào cánh tả, nhất là sau tuyên bố ngày 01/12/2016 của đương kim tổng thống François Hollande không ra tái ứng cử.

Các tạp chí đã dành trang bìa và hồ sơ dầy bên trong phân tích thế mạnh yếu của những người đã thông báo ý định làm ứng viên tranh chiếc ghế ở điện Elysée, nổi bật là cựu thủ tướng Manuel Valls, cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron, và người thứ ba ít khuấy động sân khấu chính trị hơn là dân biểu Arnaud Montebourg.

Bên dưới ảnh của hai ông Valls và Macron trên trang bìa, tạp chí Le Point đã chạy tựa lớn : « Les Affranchis – Những người đã được giải thoát » khỏi gánh nặng ý thức hệ của đảng Xã Hội Pháp, kèm theo lời chú thích « Valls-Macron : trận đại thư hùng » và câu hỏi : « Cánh tả Pháp phải chăng đang ra khỏi thời tiền sử ? ». Đây là hai người con của cánh tả, cũng là hai đối thủ mà Le Point nhìn thấy có khả năng cải cách, đẩy cánh tả vào thế kỷ XXI.

Tạp chí L’Obs, cũng trên trang bìa, lại chú ý đến cuộc « so gươm » giữa Manuel Valls và Arnaud Montebourg. Theo tờ báo, để chiến thắng thì Valls phải ra sức chứng tỏ khả năng tập hợp cánh tả, nhưng dù ai thắng trong cuộc đọ sức này chăng nữa thì đều phải xây dựng lại cánh tả.

Đây cũng là quan điểm của tạp chí Courrier International khi chạy tựa trang bìa : « Cánh tả tìm lãnh đạo (nếu thuộc cánh tả thì tốt). Trích dẫn báo nước ngoài đang theo dõi chính trường Pháp, Courrier International tự hỏi : Giờ đây, khi mà François Hollande bị gạt ra ngoài cuộc chơi, liệu Valls có thể tránh thất bại được báo trước hay không ?

Tuần báo Pháp nhìn thấy là đối với báo chí ngoại quốc, ông Hollande đã rút lui một cách không oai hùng chút nào. Còn đối ông Valls – như tờ Politico ở Tây Ban Nha đánh giá – ông đứng trước một thách thức không nhỏ : Tập hợp cánh tả, hòa giải trong đảng Xã Hội đang chia rẽ sâu đậm. Một con đường đầy bất trắc đang chờ đợi ông Valls, và ngoài các ông Emmanuel Macron, Manuel Valls, Arnaud Montebourg còn có Jean Luc Mélenchon cũng nhòm ngó chiếc ghế tổng thống.

Nhưng không phải chỉ có cánh tả ở Pháp là bị chia rẽ. Courrier International nhìn thấy trong một hàng tựa : « Cánh tả ở mọi nợi ở phương Tây đều bất an ». Cũng như ở Pháp, cánh tả các nước khác đang trong ngõ cụt, bị xé ra thành từng mảnh và không đương đầu được với cánh hữu ngày càng triệt để hơn. Đây là nhận định của một nhà bình luận trên tờ báo Mỹ Washington Post.

Bài báo được minh họa bằng bức biếm họa với một nhân vật nói với người đối diện : « Khi người ta mơ ước một cánh tả đoàn kết… người ta thấy ganh tỵ với Bắc Triều Tiên ».

Miến Điện : Dân chủ xuống dốc

Về Châu Á, Le Courrier International chú ý đến Miến Điện với một tựa đề không mấy lạc quan : Miến Điện – Dân Chủ trên đà xuống dốc không tốt lành. Ngay sau hàng tít, tuần báo Pháp đã lược qua tình hình : Tranh chấp chủng tộc ngày xấu đi hơn ở bang Arakan, xung đột giữa các nhóm vũ trang và quân đội luôn xẩy ra và chính quyền Aung San Suu Kyi không làm dịu được tình hình.

Courrier International trích dẫn tờ báo The Irrawady ở Chiang Mai (Thái Lan) và vẽ ra một bức tranh rất bi quan về tình hình Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi, đầy rẫy hiểm nguy, trong lúc chính quyền như bế tắc, không khả năng vãn hồi trật tự an ninh.

Bà Aung San Suu Kyi đứng trước làn sóng chỉ trích ngày dữ dội về khả năng điều hành công việc nhà nước của bà, về thành phần chính phủ và dĩ nhiên về vấn đề an ninh, tranh chấp giữa các cộng đồng thiểu số. Cuộc đối đầu giữa các nhóm vũ trang thiểu số này với quân đội là thách thức to lớn nhất hiện nay mà chính quyền có vẻ không tài nào giải quyết nổi.

Tờ báo nêu bật một số điểm minh họa cho tình hình nguy hiểm và bế tắc hiện nay : Đầu tiên hết là tranh chấp ở miền bắc Miến Điện. Thay vì tiến hành thảo luận chính trị như yêu cầu từ sau ‘Hội nghị hòa bình Panglong thế kỷ XXI’ vào cuối tháng 8, các cộng đồng thiểu số đã phải hứng chịu bom đạn tấn công của quân đội.

Liên Minh Phương Bắc – tập hợp các lực lượng vũ trang dân tộc Kachin, Kokang, Palaung và Arakan – đã phản pháo, mở tấn công ở bang Shan, miền đông bắc. Đây là điều rất đáng ngại. Chiến sự có thể gây thất bại cho các cuộc họp về hòa bình sắp tới đây mà chính quyền đề nghị. Cuộc tấn công các nhóm vũ trang là để gây thêm sức ép trên chính quyền.

Không thể coi thường nhân tố Trung Quốc

Theo tờ báo tình hình đã đến mức vượt qua tầm kiểm soát của Miến Điện và lực lượng an ninh nước này vì còn một yếu tố khác trên bàn cân : Kinh tế và thương mại với Trung Quốc ở vùng biên giới.

Bắc Kinh đã cử một phái đoàn đến Naypyidaw, lúc Hội nghị hòa bình diễn ra để thảo luận về các hồ sơ liên quan, một động thái để cho thấy là chính Trung Quốc nắm chìa khóa tranh chấp ở miền bắc Miến Điện. Vào đầu tháng 11, Tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, đã đi Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã cam kết một hỗ trợ thuần quân sự và gia tăng hợp tác giữa hai quân đội. Họ cũng đề cập đến các nhóm vũ trang đóng tại miền bắc Miến Điện.

Theo bài báo, trong các nhóm vũ trang mở chiến dịch tấn công hạ tuần tháng 11 (20/11) nhắm vào đồn cảnh sát và quân đội, thì nhiều nhóm chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh đóng một vai trò quan trọng trong việc vãn hồi trật tự, ổn định ở Miến Điện vì vị trí chiến lược của quốc gia này, là cửa ngõ ra Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng muốn bảo vệ những quyền lợi kinh tế không nhỏ, như công trình đập thủy điện Myitsone, bị đình chỉ do sự chống đối của dân cư trong vùng.

Bài báo ghi nhận là sau cuộc phản công của các nhóm vũ trang dân tộc ở bang Shan, bà Aung Sang Suu Kyi đã kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công trong lúc bà im hơi lặng tiếng trước cuộc tấn công của quân đội vài ngày trước đó. Điều này không khỏi gây bất bình nơi các lãnh đạo thiểu số.

Bài báo còn nêu bật là dù tình hình bang Shan sôi sục như thế, nhưng cộng đồng quốc tế, các quốc gia phương Tây và Liên Hiệp Quốc chỉ chú ý, nói nhiều đến người Hồi Giáo Rohingya bang Arakan, phía tây. Phải nói là tình hình bang Arakan, phía tây, cũng rất nguy hiểm, nhiều người e ngại sẽ vượt tầm kiểm soát của chính phủ. Giới chính trị ở bang này thân với quân đội và rất căng thẳng với bà Aung San Suu Kyi.

Nhưng điểm chung ở đây là giới lãnh đạo cũng như đa số dân cư theo đạo Phật, đều xem người Rohingya là dân nước ngoài đến từ Bangladesh. Người Phật giáo Arakan – không muốn đất nước họ bị tràn ngập người đến từ Bangladesh – tự xem mình là người gìn giữ biên cương phía tây, và có cảm giác là mối lo âu của họ không mấy được chú ý. Vấn đề người Rohingya nổi cộm đến mức là khi quốc tế can thiệp thì người Arakan cũng như các nhóm chủng tộc khác cảm thấy cần nhờ đến quân đội Miến Điện làm lá chắn.

Trong tình hình rối ren này, ở thượng tầng Nhà Nước bà Aung San Suu Kyi và tư lệnh quân đội tướng Min Aung Hlaing lại bất đồng ý kiến trên cách xử lý các cuộc tranh chấp ở cả miền bắc lẫn miền tây.

Đối với một số người, chính phủ không còn nắm vững đất nước, bà Aung San Suu Kyi và chính phủ có phương tiện rất hạn chế để lãnh đạo Miến Điện, để tranh thủ sự tin tưởng của các nhóm dân tộc ít người cũng như dân chúng nói chung. Ngoài vấn đề an ninh, kinh tế với đời sống khó khăn, giá cả mặt hàng tiêu dùng cơ bản tăng lên cũng gây lo ngại nơi người dân nhất là ở các thành phố.

Bà Aung San Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing được ví như hai con sư tử mạnh ở cùng một hang động. Người ta tự hỏi họ có thể chung sống trong bao lâu nữa. Và phải chăng Miến Điện một lần nữa lại đi sai hướng.

Donald Trump và ê kíp tỷ phú

Sự kiện tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump thành lập ê kíp cũng rất được theo dõi tuần này với điểm nhấn được L’Express và Le Courrier international nêu bật trong hàng tựa : « Trump và ê kíp tỷ phú của ông », tựa của Courrier International, trong lúc L’Express hóm hỉnh nói đến « Các nhà tỷ phủ trong ‘Team’ Trump ».

L’Express trích tạp chí Forbes nêu tài sản một số người vừa được đề cử như Wilbur Ross, bộ trưởng Thương Mại tương lai, nắm giữ 2,7 tỷ đô la, bộ trưởng Giáo Dục Betsy DeVos thuộc gia đình giàu có với tài sản 4,8 tỷ…

Courrier International nhìn thấy chưa bao giờ nước Mỹ có một nội các giàu như thế. Trích đánh giá của tờ Washington Post, tờ báo ghi nhận là nhiều nhân vật trong ê kíp của Trump đã được sinh ra trong gia đình giàu có, học tại những trường ưu tú, tiếp tục làm giàu sau đó, nhưng nhìn chung họ có kinh nghiệm trong việc tài trợ các ứng viên hơn là lãnh đạo các bộ ngành.

Sự tập hợp các tài sản này có phần đi ngược lại với lời lẽ mang tính cách dân túy của ông Trump, nhưng nó cũng phù hợp với lập luận tranh cử của ông là « đưa nhưng người ‘ngoài’ để điều hành công việc một cách khác hơn ».

Có điều như theo phân tích của bà Nicole Hemmer, đại học Virginia, ngược lại với Obama, ông Trump và ê kíp tỷ phú của ông không thể dựa vào kinh nghiệm của họ về cuộc sống khó khăn khi phải vạch ra kế hoạch cho người nghèo và tầng lớp trung bình. Đây là một loại kinh nghiệm sống mà họ không thể tiếp cận được.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161210-thuong-dinh-nhat-nga-them-mot-co-hoi-hoa-giai-bi-lo

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) Việt Nam- Ấn Độ ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự

Ngày 09/12/2016 Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự. Hiệp định đã được ký tại New Delhi dưới sự chứng kiến của chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan. Theo báo chí Ấn Độ, đây là hiệp định hợp tác hạt dân sự thứ hai mà nước này ký kết chỉ trong vòng một tháng, sau hiệp định ký với Nhật Bản vào tháng 11/2016. Tính luôn cả Việt Nam, cho tới nay Ấn Độ đã ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với 14 quốc gia. Ngoài lĩnh vực hạt nhân, Việt Nam và Ấn Độ còn ký ba hiệp định khác về hàng không, năng lượng và hợp tác nghị viện.

(AFP) Một nghi can khủng bố bị bắt giữ ở Hà Lan

Viện Công tố Hà Lan ngày 09/10/2016, thông báo một người Hà Lan 30 tuổi đã bị bắt giữ hôm thứ Tư 07/12/2016 vì bị tình nghi « chuẩn bị phạm tội ác khủng bố ». Khi bắt giữ nghi can này, cảnh sát đã tịch thu các tang vật như một khẩu súng AK-47, hai băng đạn còn nguyên, một bức tranh có vẻ lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

(AFP) –Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất tăng thêm quyền hạn cho tổng thống

Đề xuất cải cách hiến pháp đã được đảng cầm quyền đệ trình lên Quốc hội ngày 10/12/2016. Bản dự thảo gồm 20 điều khoản dự kiến chuyển giao một số quyền hành pháp của thủ tướng cho tổng thống, vốn chỉ mang tính chất tượng trưng theo quy định của Hiến pháp hiện nay. Đề xuất cải cách hiến pháp này được đưa ra năm tháng sau cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.

(AFP) – Bulgari rao bán hai lò phản ứng hạt nhân

Chính quyền Sofia ngày 09/12/2016 còn kêu gọi đầu tư hoàn tất một dự án trung tâm khai thác hạt nhân khác bên dòng sông Danube. Thông báo này được đưa ra sau khi tòa án trọng tài La Haye ra phán quyết Sofia phải bồi thường cho Nga 601 triệu euro do việc chính phủ Bulgari ngưng dự án xây dựng trên với tập đoàn khai thác hạt nhân Nga Atomstroyexport năm 2012.(AFP)

(AFP) – Nhật phóng « máy dọn rác » lên không gian

Ngày 09/12/2016 Nhật đã phóng lên không gian một tàu tiếp liệu đến Trạm Không gian Quốc tế. Trên tàu này có gắn một máy dọn dẹp các mảnh vỡ trên không gian. Tàu vũ trụ mang tên Kounotori 6 đã được phóng lên từ đảo Tanegashima. « Máy dọn rác » nói trên di chuyển các mảnh vỡ do hoạt động của con người trong không gian để lại (các mảnh vệ tinh hoặc tên lửa cũ) xuống các quỹ đạo gần Trái đất hơn để từ đó bị lực hút Trái đất kéo vào bầu khí quyển và tự tiêu hủy.

(AFP) – Bắc Kinh « xiết hầu bao » các con bạc Trung Quốc ở Macau

Các sòng bạc Macau sắp trở thành nạn nhân của chiến dịch chống thất thoát dòng vốn của Bắc Kinh. Báo chí Hồng Kông ngày 09/12/2016, trích dẫn thông báo của Cơ quan quản lý tiền tệ đặc khu hành chính, cho biết người dân Trung Quốc khi đến chơi tại các sòng bạc ở Macau chỉ được phép rút 5.000 patacas (590 euro) cho một lần rút. Khoản tiền nói trên chỉ bằng một nửa so với hiện nay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161210-tin-doc-nhanh