Tin Việt Nam – 09/12/2016
Cá chết hàng loạt ở Huế
Cá nuôi lồng và cá tự nhiên tại đầm Lập An, tỉnh Thừa Thiên- Huế chết hàng loạt trong những ngày qua khiến người nuôi và dân chúng địa phương hoang mang.
Thông tin này được chính chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị trấn Lăng Cô, Dương Đăng Trung, xác nhận với báo chí trong ngày hôm nay.
Mạng báo Đất Việt trích dẫn phát biểu của một số hộ dân nuôi cá lồng tại đầm Lập An cho biết đến chiều hôm nay cá vẫn chết nổi lên trắng lồng nuôi. Cá chết phải đem chôn.
Số cá tự nhiên chết được người dân địa phương cho biết gồm cá bống, cá kim, cá sơn…
Nguyên nhân cá chết tại đầm Lập An được ông chủ tịch Dương Đăng Trung nhận định có thể do hoạt động khai thác hàu làm ảnh hưởng môi trường sống của cá. Ông này cũng cho biết là cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu nước và mẫu cá để kiểm nghiệm nhằm xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt như vậy.
Xin được nhắc lại, đầm Lập An gần cửa biển, thuộc hệ đầm phá Tam giang – Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế. Tỉnh này là một trong 4 tỉnh chịu tác động của thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh thải hóa chất ra biển hồi đầu tháng tư vừa qua.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/mass-fish-death-again-in-hue-12092016090457.html
Phía sau chiến dịch truyền thông bẩn
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Cuộc khủng hoảng truyền thông bôi bẩn nước mắm quốc hồn quốc túy của Việt Nam vẫn chưa thực sự kết thúc. Ngày 7/12/2016 báo chí đưa tin 6 Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng và các Bộ ngành cần làm rõ doanh nghiệp nào thực sự là người đứng sau Công ty T&A Ogilvy, từ đó công ty này tài trợ cho Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thực hiện cuộc khảo sát mang tên “nước mắm nhiễm asen”.
Những công cụ của lợi ích nhóm
Có thể mô tả cuộc khủng hoảng nước mắm hồi tháng 10 và 11 vừa qua một cách đơn giản, đã có một hay nhiều đối thủ ẩn danh muốn giành thị phần lớn, trong thị trường tiêu thụ nước mắm 200 triệu lít/ năm ở Việt Nam. Vinastas và báo chí dòng chính được cho là những công cụ của người đặt hàng ẩn danh này, tung ra thông tin mù mờ và sai lạc về điều gọi là nước mắm độ đạm càng cao càng nhiễm độc thạch tín nặng. Có nghĩa là đánh vào ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Bởi vì nước mắm truyền thống nguyên chất mới có độ đạm cao, khác biệt với nước mắm công nghiệp được pha loãng với các chất phụ gia thực phẩm.
Bằng logic thông thường cũng có thấy đây là một cuộc chiến truyền thông bẩn nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhằm hạ uy tín của nước mắm truyền thống vốn là quốc hồn quốc túy của cha ông từ xưa tới nay.
-Kỹ sư Lê Anh
Trả lời chúng tôi, Kỹ sư Lê Anh, chủ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Lê Gia ở Thanh Hóa phát biểu:
“Nếu như theo dõi diễn biến của vụ nước mắm nhiễm asen từ đầu đến cuối có thể xâu chuỗi lại với những bằng chứng thu thập được, cụ thể nhất là quảng cáo in trên báo Thanh Niên của một hãng nước mắm công nghiệp. Họ đưa ra những chiến dịch quảng cáo rất kịp thời và có danh sách phát tán ở các chợ. Bằng logic thông thường cũng có thấy đây là một cuộc chiến truyền thông bẩn nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhằm hạ uy tín của nước mắm truyền thống vốn là quốc hồn quốc túy của cha ông từ xưa tới nay. Làm rõ điều này thì phải cần cơ quan điều tra thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương, Bộ Y tế và cơ quan điều tra Bộ Công an, kết luận chính thức thuộc về cơ quan chức năng. Chúng tôi những người làm nước mắm truyền thống rất mong muốn yêu cầu làm rõ, gởi rất nhiều bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành liên quan để làm rõ vấn đề này.”
T&A Ogilvy là một công ty liên doanh chuyên về xử lý khủng hoảng truyền thông, đơn vị này không có động cơ gì để khảo sát nước mắm Việt Nam nếu như không có người đặt hàng. Cho đến nay việc xử lý của Quản lý Nhà nước dừng lại ở việc kỷ luật xử phạt 50 cơ quan báo chí, một khối lượng lớn chưa từng có; Về phần mình Hội bảo vệ người tiêu dùng Vinastas lên tiếng xin lỗi theo cách thức chưa đủ thuyết phục. Dư luận cho rằng, cách xử lý của Nhà nước vẫn chưa nêu đích danh những kẻ chủ mưu thực sự trong chiến dịch truyền thông bẩn, để giành chiếm thị phần nước mắm hơn 200 triệu lít/năm.
Cần công bố kẻ chủ mưu
Theo Infonet, Dân Trí điện tử bản tin trên mạng ngày 7/12/2016, sáu Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hội Nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM vừa gởi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Công an và một số bộ ngành, yêu cầu làm rõ đơn vị đứng phía sau để công ty T&A Ogilvy tài trợ cho Vinastas, dẫn tới thông tin sai lệch về nước mắm truyền thống.
Cuộc khủng hoảng truyền thông bôi bẩn nước mắm quốc hồn quốc túy của Việt Nam vẫn chưa thực sự kết thúc. Ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo
Trong kiến nghị, các Hiệp hội nước mắm truyền thống cho rằng Vinastas dù lên tiếng xin lỗi nhưng chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất đó là, nhân danh bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại những doanh nghiệp khác. Vinastas cũng không nêu trách nhiệm đền bù của mình vì gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nước mắm truyền thống.
Các Hiệp hội nước mắm truyền thống cũng đặt vấn đề việc việc Vinastas không làm rõ danh tính nhà tài trợ, cũng như vì lý do gì chỉ tập trung chỉ tiêu asen mà không tìm kiếm các kim loại nặng khác. Xin nhắc lại Vinastas cố ý mập mờ công bố tổng asen mà không phân biệt asen vô cơ độc hại và asen hữu cơ trong hải sản và nước mắm là vô hại.
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên phụ trách phát triển bền vững Hội Nghể cá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ Hà Nội phát biểu:
“Tôi xin khẳng định tiêu chuẩn về nước mắm của Việt Nam không đề cập tới thạch tín, không có asen nguyên tố, cũng không quy định asen hữu cơ. Một tiêu chuẩn của Codex về nước mắm mà hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan phối hợp soạn thảo và được tất cả các quốc gia thành viên nhất trí thông qua cũng không có chỉ tiêu asen. Nếu ai đó nói rằng trong tiêu chuẩn nước mắm có thành phần asen thì họ đã không xem kỹ văn bản và nói sai.”
Câu chuyện Vinastas khảo sát các mẫu nước mắm trên thị trường và chỉ khảo sát asen mà bỏ qua các kim loại nặng độc hại là chuyện rất khó hiểu, nếu thực sự họ muốn làm chức năng bảo vệ người tiêu dùng. Nước mắm được sản xuất từ cá, trong khi các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam không có qui định nào về chỉ tiêu asen nguyên tố còn gọi là asen vô cơ. Ông Nguyễn Tử Cương giải thích thêm:
“Từ năm 2013 thông báo của Châu Âu rồi của Nhật Bản về kim loại nặng kiểm tra xuất khẩu đi thị trường các nơi này người ta bỏ asen ra ngoài, asen nguyên tố đó. Cũng từ đó chúng tôi không kiểm nữa, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn thì thấy rõ asen dạng nguyên tố mà người ta vẫn gọi là vô cơ, thì nó không có ở trong cơ thể của thủy sản bao gồm cá, giáp xác, nhuyễn thể và thực vật biển.”
Lách luật để cạnh tranh bẩn
Về mặt pháp luật Việt Nam, T&A Ogilvy và Vinastas có bị bắt buộc phải công bố tên doanh nghiệp thực sự tài trợ và đặt hàng vụ khảo sát nước mắm và được thực hiện theo chiến dịch gọi là truyền thông bẩn hay không.
Từ câu chuyện nước mắm này, chúng tôi thấy là cần thay đổi lại Luật Cạnh tranh, qua những năm thực hiện thì có chuyện họ lợi dụng những khe hở để lách luật.
-LS Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những người bị hại là các nhà sản xuất nước mắm truyền thống hoàn toàn có quyền yêu cầu quản lý nhà nước công khai minh bạch thông tin liên quan đến nhà tài trợ thực sự đứng sau vụ nước mắm nhiễm độc. Luật sư Nguyễn Văn Hậu tiếp lời:
“Từ câu chuyện nước mắm này, chúng tôi thấy là cần thay đổi lại Luật Cạnh tranh, qua những năm thực hiện thì có chuyện họ lợi dụng những khe hở để lách luật. Đây là sự bất cập, tuy có quy định nhưng chưa được rõ, qua câu chuyện này cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, để làm sao những người làm ăn chân chính họ không bị hậu quả như vụ nước mắm vừa qua… vừa rồi nhà nước đã xử lý một số cơ quan báo chí nhưng tôi thấy cần phải công khai minh bạch danh tính của đơn vị đứng phía sau này.”
Tại sao, các nhà làm nước mắm truyền thống không sử dụng quyền pháp lý của mình để khởi kiện Vinastas và truy tận gốc nhà tài trợ của chiến dịch truyền thông bẩn. Kỹ sư Lê Anh, chủ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Lê Gia ở tỉnh Thanh Hóa phát biểu:
“Rất tiếc là Hiệp hội nước mắm truyền thống chưa được phép lập hội, về danh nghĩa chính thức chúng tôi chưa có, mà chỉ những cá nhân đơn lẻ và thông qua sự bảo trợ của VASEP và Hội lương thực TP. HCM những người làm nước mắm truyền thống lớn đã gởi lên bản kiến nghị. Đúng là nước mắm truyền thống của chúng tôi, sự liên kết, sự chuyên nghiệp cũng như tiềm lực mọi thứ cũng còn nhiều điểm hạn chế. Chúng tôi được biết các hiệp hội nước mắm đã gởi kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ ngành đề nghị làm rõ thôi, trong trách nhiệm của chúng tôi cũng chỉ làm được đến mức như vậy.”
Những nhà sản xuất nước mắm truyền thống, tức là sản xuất bằng cá biển, đặc biệt cá cơm, ủ chượp với muối trong vòng 12 tháng mới cho ra sản phẩm nước mắm cốt, nước mắm nhĩ. Tùy độ đạm của nước mắm mà phân biệt cấp độ sản phẩm. Còn sản phẩm tự gọi là nước mắm công nghiệp, được cho là sử dụng một phần nhỏ nước mắm truyền thống, pha loãng và cho thêm các phụ gia thực phẩm cần thiết.
Ai thực sự đứng sau chiến dịch truyền thông bôi bẩn nước mắm truyền thống không phải là một bí mật gì quá khó để phơi trần. Câu hỏi mà giới phản biện đặt ra, liệu kiến nghị mới nhất của các Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống sẽ được lắng nghe, hay nó sẽ bị vô hiệu hóa vì đụng phải bức tường quá vững chắc của một trong những nhóm lợi ích được cho là lớn nhất Việt Nam.
Hội Cựu tù nhân Lương tâm Công giáo
lên tiếng nhân ngày Quốc tế Nhân quyền
Hội Cựu tù nhân Lương tâm Công giáo nhân ngày kỷ niệm 68 năm ra đời Bản Tuyên Ngôn Phổ quát về Nhân quyền công bố Bản Lên tiếng kêu gọi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị tại Việt Nam cũng như tôn trọng các quyền căn bản của con người.
Bản Lên tiếng cho biết Việt Nam là một nước thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, thế nhưng chính quyền Hà Nội Nam chẳng những không tôn trọng các quyền con người được quy định trong Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền, mà còn tăng cường đàn áp nhân quyền trong thời gian gần đây khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Cụ thể việc bắt bớ và giam cầm tùy tiện không ngừng gia tăng, điển hình là các trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thị Thu Hà, dân oan Cấn Thị Thêu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bác sĩ Hồ Hải, ông Lưu Văn Vịnh, ông Nguyễn Văn Đức Độ, Hoàng Văn Giang…
Biện pháp đối xử ngày càng khắc nghiệt và phi nhân bản đối với các tù nhân lương tâm, như các trường hợp Hồ Đức Hòa, Trần Thị Thúy, Đặng Xuân Diệu, Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng…
Ngoài ra chính quyền Việt Nam còn áp dụng chính sách quản chế một cách tùy tiện, nhằm giới hạn quyền tự do đi lại, quyền được trở lại cuộc sống bình thường của các cựu tù nhân lương tâm, khiến cho nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Bản Lên tiếng vừa nêu còn được một số tổ chức xã hội dân sự độc lập và cá nhân đồng ký tên ủng hộ.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/inter-hr-day-2016-12092016093029.html
Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay giảm ở mức kỷ lục trong vòng gần chục năm qua.
Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết trong 11 tháng qua khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 25% về khối lượng và hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể trong 11 tháng qua khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 4 triệu rưỡi tấn. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra và hiện nay số gạo còn tồn trong kho khá lớn.
Theo thống kê thì kể từ năm 2009 cho đến nay, chưa năm nào xuất khẩu gạo của Việt Nam lại sụt giảm như hiện nay.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo xuống còn 5,7 triệu tấn cho năm nay. Đây là lần đầu tiên chỉ tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam được điều chỉnh xuống như thế.
Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định trong tình hình có nhiều khó khăn như hiện nay và lượng gạo còn tồn kho nhiều như thế thì chỉ tiêu 5,7 triệu tấn của Hiệp hội Lượng Thực Việt Nam cũng chưa chắc có thể đạt được.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/rice-exports-get-record-drop-12092016084718.html
Chính phủ yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm vụ phó 26 tuổi
Vụ bổ nhiệm một vụ phó 26 tuổi khiến dư luận thắc mắc phải được báo cáo gấp cho phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Đó là trường hợp sử dụng cất nhắc, và thuyên chuyển đối với trường hợp vị vụ phó có tên Vũ Minh Hoàng.
Đây là thông tin do ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho báo chí biết trong ngày hôm nay.
Và theo ông Sơn Minh Thắng thì Ban này cố gắng ngay trong chiều hôm nay có báo cáo nhanh cho ông phó thủ tướng Vương Đình Huệ về vụ việc liên quan.
Thông tin cho biết vào tháng 5 năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương đề nghị xét tuyển không qua thi tuyển đối với du học sinh Vũ Minh Hoàng, sinh năm 1990 tại Bắc Ninh.
Một tháng sáu, Ban Tổ chức Trung ương trả lời đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, và sau đó ông Vũ Minh Hoàng nhận được quyết định tuyển dụng tập sự 12 tháng; tuy nhiên ngay sau đó được cử đi du học, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản cho đến tháng 9 năm 2017.
Khi đang ở Nhật, ông Vũ Minh Hoàng được cử làm Vụ phó Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Hơn một tháng sau có hồ sơ của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về việc chuyển ông Vũ Minh Hoàng về làm việc tại ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Ông Sơn Minh Thắng phát biểu hiện các vị lãnh đạo liên quan vụ việc vừa nêu đã nghỉ hưu hết, chỉ còn một người, do đó phải có phối hợp giữa số đã nghỉ và người hiện nay mới có thể đi đến kết luận về việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng mà bị cho là nhanh và lạ như vừa nêu.
Bộ Công thương yêu cầu xử lý nghiêm quan chức bỏ trốn
Bộ Công Thương Việt Nam vào tối hôm qua có thông tin chính thức về việc ông Lê Chung Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Điện lực Dầu Khí – PV Power, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xin nghỉ phép đi nước ngoài chữa bệnh nhưng vẫn chưa về nước.
Bộ Công thương, cơ quan chủ quản của ông Lê Chung Dũng chính thức cho biết ông này vi phạm kỷ luật lao động và bộ này còn nói việc ông này ra nước ngoài là tự ý đi.
Bộ Công Thương Việt Nam nói có yêu cầu Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng phân cấp quản lý cán bộ, đúng các quy chế, qui định hiện hành. Ngoài ra Bộ Công Thương còn yêu cầu Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam tăng cường công tác quản lý cán bộ nhất là những người có liên quan hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Tin cho biết ông Lê Chung Dũng vắng mặt tại cơ quan từ ngày 21 tháng 10 cho đến nay. Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam cho biết nhiều lần gửi văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng quay lại làm việc nhưng chỉ nhận được thông báo từ ông này là đang ở Singapore để học tập.
Cả đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Hà Nội đang gặp bối rối trong việc kỷ luật cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, cũng như một số quan chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy được nói đang ở nước ngoài và nay đến trường hợp Lê Chung Dũng.
Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn
Một blog trên của Ngân hàng Thế giới giới thiệu sáu chiến lược chống tham nhũng.
Các bạn xem cách làm nào khả thi nhất ở Việt Nam:
1. Trả lương tốt cho công chức (paying civil servants well):
Việc công chức được trả lương tốt hay nhận thu nhập quá thấp chắc chắn có tác động đến cả động cơ làm việc. Nếu khu vực công trả lương thấy thì công chức sẽ tìm cách bổ trợ cho thu nhập bằng các nguồn không chính thức.
2.Chính phủ chi tiêu minh bạch, công khai (creating transparency and openness in government spending):
Trợ cấp, miễn thuế, hợp đồng dùng công quỹ, tín dụng rẻ, chi ngoài ngân sách đều là những thức giới chính trị kiểm soát và cũng là các kênh chính quyền quản lý nguồn lợi công…Công quỹ phải được chi tiêu vì công chúng…
Quá trình này càng công khai minh bạch thì càng tạo ít cơ hội cho sai phạm và lạm dụng… Nơi nào công dân có thể giám sát chính quyền, tự do báo chí được tôn trọng và dân trí cao sẽ có cơ hội tạo nền tảng cho cải tổ…
3.Cắt giảm quan liêu và rào cản (cutting red tape):
Tham nhũng có liên hệ trực tiếp đến tầm vóc của bộ máy quan liêu… Giảm tối đa các rào cản, quy định sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp, cho việc đăng ký sở hữu, cho hội nhập thương mại quốc tế… hệ thống giấy phép không chỉ gây gánh nặng cho chính phủ mà còn không ngăn được việc kiểm tra vì sao lại cần có chúng… Cách làm giản tiện nhất, theo gợi ý của một chuyên gia, là “xóa các luật và chương trình làm nảy sinh tham nhũng”.
4.Thay trợ cấp và bù giá sai lệch bằng trao quỹ đúng mục tiêu (replacing regressive and distorting subsidies with targeted cash transfers):
Bao cấp và trợ giá là các cách chính phủ làm sai lệch động cơ và tạo cơ hội cho tham nhũng.
… Nếu không tính đến vấn đề làm mất cơ hội – tiền bù giá năng lượng có thể xây được bao nhiêu trường học mỗi năm – và hệ quả cho môi trường vì giá bị giữ thấp một cách giả tạo, thì các khoản bù giá, trợ cấp đều khiến chính quyền trở thành nguồn căn của các cách khai thác tham nhũng.
5. Thiết lập các công ước quốc tế (establishing international conventions):
Tham nhũng ngày nay đã trở nên xuyên biên giới trong kinh tế toàn cầu hóa và các cơ chế pháp luật quốc tế là tối quan trọng trong số phương tiện chống tham nhũng cho nhiều chính phủ… Công tước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) tới cuối năm 2013 đã được 140 quốc gia phê chuẩn. UNCAC tạo ra mạng toàn cầu để các quốc gia phát triển và đang phát triển chống tham nhũng nội địa, quốc tế, chống lạm dụng, rửa tiền, xung đột lợi ích, và cả cách giành lại ngân khoản quan chức giấu ở tài khoản hải ngoại…
6. Dùng công nghệ thông minh (deploying smart technology) để giảm quan hệ trực tiếp:
Quan hệ trực tiếp giữa quan chức chính quyền và công dân mở lối cho các vụ trao tay sai trái. Một cách giải quyết chuyện này là dùng công nghệ để tạo khoảng cách giữa quan chức và xã hội. Mua bán và cung ứng dịch vụ công qua hợp đồng với nhà nước là một nguồn tiền lớn, ở một số nước chiếm tới 5-10% GDP… Đảm bảo đấu thầu công khai, cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp dịch vụ công là cách giảm tham nhũng.
Năm 2003 Chile đã tung ra chương trình dùng công nghệ điện tử để mua bán, đấu thầu dịch vụ công, gọi là ChileCompra, hoàn toàn trên Internet. Năm 2012, chừng 2,1 triệu vụ mua bán trị giá 9,1 tỷ USD đã được thực hiện qua hệ thống này.
Toàn bài‘Six Strategies to Fight Corruption’ của Augusto Lopez-Claros đã đăngtrên trang blogs.worldbank.org (05/14/2014).
BBC hiện đang thúc đẩy mô hình ‘Nghề báo đem lại giải pháp'(Solutions-Focused Journalism – đọc blog của Emily Kasriel tại đây).
Các bạn có ý tưởng gì giúp giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường ở nơi mình sống hãy chia sẻ với vietnamese@bbc.co.uk, hoặc trangFacebook của BBC Tiếng Việt.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38253381
Châu Âu yêu cầu Việt Nam thả các tù nhân chính kiến
Nhân cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần thứ sáu diễn ra hôm qua 08/12/2016 tại Bruxelles, phái đoàn châu Âu đã nêu bật nhiều trường hợp của những người đang bị chính quyền Hà Nội giam giữ vì bất đồng chính kiến. Bruxelles cho rằng những người này cần phải được trả tự do.
Trong bản thông cáo báo chí công bố sau cuộc họp, Liên Hiệp Châu Âu cho biết đã nêu với phía Việt Nam các vụ sách nhiễu và giam giữ ngày càng nhiều những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Châu Âu đã nhấn mạnh với phía Việt Nam về tầm quan trọng của việc đảm bảo sao cho tất cả những người bị giam giữ được thăm nuôi, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế. Những người được phép vào thăm các tù nhân này phải bao gồm cả luật sư, nhân viên y tế, lẫn các thân nhân.
Thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu nói rõ là phía Bruxelles đã nêu bật một số trường hợp cụ thể : Ông Ngô Hào, ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm) và trợ lý của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy, ông Nguyễn Văn Đài và trợ lý của ông là bà Lê Thu Hà, ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Đoàn Huy Chương, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Đặng Xuân Diệu và Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam là một cuộc họp thường niên giữa hai bên. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam vào hôm qua là ông Vũ Anh Quang, vụ trưởng vụ Các Tổ Chức Quốc Tế thuộc bộ Ngoại Giao Việt Nam, còn phía châu Âu là ông David Daly, Trưởng Ban Đông Nam Á thuộc Cơ Quan Đối Ngoại Châu Âu EEAS. Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam lần thứ 7 sẽ mở ra tại Hà Nội vào năm 2017.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161209-lien-hiep-chau-au-viet-nam-tu-nhan-xh