Tin Biển Đông – 08/12/2016
Philippines sẽ không giúp Mỹ tuần tra Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Năm nói có phần chắc nước ông sẽ không cho phép quân đội Mỹ sử dụng Philippines như một bàn đạp cho các cuộc tuần tra để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, để tránh làm mếch lòng Trung Quốc.
Ông Delfin Lorenzana nói tàu thuyền và máy bay Mỹ có thể sử dụng các căn cứ trên đảo Guam, Okinawa hoặc bay từ các hàng không mẫu hạm để thực hiện các cuộc tuần tra này.
Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm của Philippines là ông Benigno Aquino, một số máy bay và tàu Mỹ có thể cập cảng ở Philippines trên đường đi tuần tra tại các vùng biển tranh chấp để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Nhậm chức hồi tháng Sáu, ông Duterte đã có những bước cải thiện quan hệ với Trung Quốc và có thái độ thù nghịch hơn với chính phủ Tổng thống Obama, sau khi Hoa Kỳ nêu lên những quan ngại về chiến dịch chống ma túy gây nhiều tử vong của ông Duterte.
Trả lời câu hỏi liệu Philippines có tiếp đón tàu và máy bay Mỹ tuần tra trên vùng biển tranh chấp hay không, ông Lorenzana nói Tổng thống Duterte có phần chắc sẽ không cho phép điều đó xảy ra “để tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.”
Các giới chức Mỹ chưa bình luận về việc này. Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, tháng trước nói mặc cho những lời phát biểu của ông Duterte, quan hệ hợp tác quân sự với Manila đã không thay đổi.
Ông Duterte đã công khai đe dọa sẽ giảm bớt các quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, kể cả hủy bỏ một kế hoạch tuần tra chung với Hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển tranh chấp, vì sự phản đối của Trung Quốc.
Các cuộc tập trận hàng năm của Hoa Kỳ và Philippines sẽ được thu hẹp để chỉ tập trung vào diễn tập để ứng cứu thảm họa, thiên tai và phục vụ các sứ mệnh nhân đạo.
Hành động của ông Duterte đã cản trở cho các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tái khẳng định sự hiện diện ở châu Á, mặc dù quân đội Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải trên tuyến hải lộ thương mại quan trọng này.
Sau khi ông Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng Mười, Trung Quốc cho phép ngư dân Philippines đánh cá tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát khu vực biển có nhiều cá này từ năm 2012.
Tàu hải cảnh của Philippines cũng đã bắt đầu tiếp tục tuần tra tại bãi cạn này.
Ông Lorenzana cho biết bên cạnh việc nới lỏng căng thẳng ở bãi cạn Scarborough, các tàu hải cảnh của Trung Quốc không còn chặn tàu tiếp tế của Philippines từ Bãi Cỏ Mây, nằm xa hơn về phía nam quần đảo Trường Sa.
http://www.voatiengviet.com/a/philippines-se-khong-giup-my-tuan-tra-bien-dong/3628292.html
Việt Nam bồi đắp bãi cạn Đá Lát ở Trường Sa
Việt Nam bắt đầu bồi đắp bãi cạn Đá Lát ở quần đảo Trường Sa. Hãng tin Reuters loan tin này sau khi phân tích ảnh vệ tinh của Mỹ chụp vào ngày 30 tháng 11 vừa qua.
Trên các bức ảnh này người ta thấy vài con tàu được cho là đang nạo vét các luồng nước, và bồi đất đá lên bãi cạn.
Tuy nhiên bản tin của Reuters cũng nêu rõ là quốc tịch của các chiếc tàu này không được nhận biết rõ ràng, nhưng Reuters nói là bãi cạn Đá Lát vốn có một ngọn đèn biển của Việt Nam và đơn vị nhỏ của hải quân Việt Nam canh gác.
Reuters cũng đã gửi câu hỏi đến Bộ ngoại giao Việt Nam để xác nhận thông tin này nhưng không nhận được câu trả lời.
Giới quan sát đang chờ đợi một phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh về tin này, tuy rằng Trung Quốc là nước bồi đắp đảo nhân tạo nhiều nhất tại khu vực biển đang tranh chấp này.
Bãi Đá Lát nằm ở rìa Tây Nam quần đảo Trường Sa, được Việt Nam, Trung Quốc, lẫn Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Một chuyên gia về biển Đông làm việc ở trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Washington là ông Greg Poling nói rằng chưa biết là công việc bồi đắp tại đây nhằm mục đích gì, nhưng ông nghĩ là nó chỉ nhằm tạo sự dễ dàng cho các tàu tiếp liệu và đánh cá của Việt Nam thôi.
Một chuyên gia khác là ông Trevor Hollingsbee, làm việc tại cơ quan phân tích tình báo của Bộ quốc phòng Anh thì lại nói rằng việc Việt Nam tiến hành các công việc nạo vét và bồi đắp ở bãi Đá Lát chứng tỏ rằng trong chiến lược của Việt Nam ở biển Đông, Hà Nội không tin ở bất kỳ lời tuyên bố nào của các bên khác nhau, và vì thế họ lo củng cố khả năng quốc phòng của mình.
Cũng xin nhắc lại là trước đây vài tuần, cũng qua phân tích ảnh vệ tinh, các hãng thông tấn quốc tế nói rằng Việt Nam đang mở rộng một phi đạo tại đảo Trường Sa lớn.
Vài tháng trước đây, hãng Reuters cũng loan tin rằng Việt Nam đưa các giàn tên lửa di động ra Trường Sa, và tin này chưa bao giờ dược phía Việt Nam xác nhận.