Tin khắp nơi – 08/12/2016
Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp tại Aceh sau động đất lớn
Sau trận động đất với cường độ 6.5 trên thang địa chấn Richter xảy ra hôm qua 07/12/2016, tại tỉnh Aceh, cực bắc đảo Sumatra, khiến hơn 100 người chết và ít nhất 700 người bị thương, chính quyền Indonesia đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh này và kêu gọi giúp đỡ nạn nhân động đất.
Từ Jakarta, thông tín viên RFI Joël Bronner tường thuật :
Người dân Indonesia thức giấc buổi sáng với hình ảnh ngọn tháp của một nhà thờ Hồi Giáo sụp đổ. Đây là hình ảnh tượng trưng cho sức tàn phá khủng khiếp của trận động ở tỉnh Aceh. Hàng trăm người bị thương đã được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện trong vùng. Các bệnh viện này hiện đang đã bị quá tải.
Tại nơi xảy ra động đất, chẳng hạn như ngôi làng nhỏ Sigli, lực lượng cứu hộ địa phương đã được huy động từ sáng sớm, nhưng khu vực bị tàn phá lại nằm cách biệt. Các đợt cứu hộ đầu tiên thì còn thiếu nhiều phương tiện.
Lực lượng cứu hộ đang phải chờ hỗ trợ từ các thành phố lớn ở xa. Vì thế, chính những người dân sống tại các nơi bị động đất lại đang nỗ lực đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm những nạn nhân còn bị mắc kẹt.
Người ta cảm nhận được dư chấn ở khắp nơi trong tỉnh Aceh. Năm 2004, trận động đất kéo theo thảm họa sóng thần xảy ra tại tỉnh này đã khiến hơn 170.000 người thiệt mạng.
Indonésia là quần đảo lớn nhất trên thế giới, nằm ở khu vực được mệnh danh là « vành đai lửa », thường xuyên hứng chịu các trận động đất và núi lửa phun trào.
Ý : Thủ tướng Renzi từ chức nhưng tạm điều hành chính phủ
Hôm qua, 07/12/2016, thủ tướng Ý Matteo Renzi chính thức đệ đơn từ chức sau khi luật ngân sách 2017 được thông qua. Tổng thống Sergio Mattarella đã chấp nhận để thủ tướng từ chức, nhưng đề nghị ông Renzi tiếp tục lãnh đạo chính phủ trong thời gian tham vấn các chính đảng để tìm ra phải pháp tốt nhất.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Lenir giải thích :
Bắt đầu từ ngày 08/12, tổng thống Sergio Mattarella sẽ tham vấn các chính đảng để tìm giải pháp.
Trước khi từ chức, ông Renzi, hiện vẫn là thư ký đảng Dân Chủ, đã thông báo đề xuất của đảng này, mà hiện đang nắm đa số ghế Quốc Hội.
Theo đề xuất của đảng Dân chủ, hoặc là các chính đảng lớn thỏa hiệp để thành lập một chính phủ mới, và đồng nhất phương thức bỏ phiếu bầu Hạ Viện và Thượng Viện, hoặc là tiến hành bầu cử trước thời hạn, theo phán quyết của Tòa Bảo Hiến về luật bầu cử được thông qua năm 2015, nhưng chỉ bầu lại Hạ Viện.
Phong Trào Năm Sao, đảng đứng hàng thứ hai chỉ sau đảng Dân Chủ, và đảng Liên Đoàn Phương Bắc đang, đòi tổ chức bầu cử sớm nhất có thể. Như vậy, tổng thống Ý sẽ là người đóng vai trò trọng tài tối cao.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161208-y-thu-tuong-renzi-tu-chuc-tong-thong-tham-van-cac-chinh-dang
Syria : Phương Tây kêu gọi hưu chiến ở Aleppo, Assad bác bỏ
Tối hôm qua, 07/12/2016, ngoại trưởng Mỹ Kohn Kerry và người đồng nhiệm Nga Sergeï Lavrov đã thảo luận về ngưng bắn ở Aleppo, Syria, tại thành phố Hambourg – Đức, bên lề cuộc họp thường niên của tổ chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã không mang lại bước tiến nào về dự định chấm dứt cuộc chiến, việc lực lượng nổi dậy rút ra khỏi Aleppo hay việc sơ tán thường dân.
Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua, 6 nước Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Ý và Anh đã yêu cầu triển khai lệnh hưu chiến ngay lập tức tại thành phố Aleppo. Những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của các nước này đã kêu gọi Nga và Iran sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục tổng thống Syria Bachar al Assad đồng ý với kế hoạch mở hành lang cứu trợ nhân đạo cho người dân khu vực đông Aleppo.
Còn tổng thống Syria Bachar al Assad kiên quyết không hưu chiến ở Aleppo. Ông tuyên bố với một tờ nhật báo nước này là thất bại của phe nổi dậy ở Aleppo đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến tranh trên toàn lãnh thổ Syria, chiến thắng của lực lượng quân đội ở Aleppo là một bước quan trọng để tiến tới kết thúc chiến tranh và giải phóng Aleppo là một đòn đau cho “quân khủng bố”.
Nghị viện Anh thông qua lịch trình Brexit
Hôm qua, 07/12/2016, nghị viện Anh đã chấp nhận lịch trình của thủ tướng Theresa May khởi động việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, trước khi công bố một chiến lược cụ thể.
Một thắng lợi lớn cho nữ thủ tướng Anh: 448 trên tổng số 650 nghị sĩ đã bỏ phiếu thuận trong cuộc tranh luận chiều hôm qua. Kiến nghị về lịch trình do đảng đối lập đề xuất, nhưng đã được chính phủ hiệu chỉnh.
Theo đó, thủ tướng Anh chấp nhận công bố các chiến lược rút ra khỏi Liên Hiệp với điều kiện nghị viện kêu gọi « chính phủ từ đây đến ngày 31/03/2017 phải viện dẫn đến điều khoản 50 » của hiệp ước Lisboa, điều kiện tiên quyết để khởi động tiến trình tách ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc tranh luận tại nghị viện về bản kiến nghị này được các tờ báo mang tư tưởng bài châu Âu xem như là « một cuộc đọ sức » giữa chính phủ với các nghị sĩ ủng hộ ở lại trong Liên Hiệp, vốn bị nghi ngờ là muốn trì hoãn việc khởi động các cuộc thương lượng.
AFP cho biết, khi hiệu chỉnh bản kiến nghị, chính phủ Anh quốc kêu gọi các nghị sĩ « tôn trọng nguyện vọng của cử tri được thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý 23/06/2016 của Vương quốc Anh », cho dù đa số các nghị sĩ đều ủng hộ ở lại trong Liên Hiệp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161208-nghi-vien-anh-thong-qua-lich-trinh-brexit
Khủng hoảng Rohingya
tăng nguy cơ khủng bố Hồi giáo ở Đông Nam Á
Tình trạng đàn áp cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện có thể làm tăng nguy cơ khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á. Đó là cảnh báo của hai chuyên gia về khủng bố trên báo chí Singapore hôm nay, 08/12/2016.
Nỗi căm phẫn của cộng đồng người Hồi giáo ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia, đã gia tăng cùng với đà trấn áp của quân đội Miến Điện đối với cộng đồng thiểu số người Rohingya, khiến hơn 10 ngàn người thuộc sắc tộc này phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Quân đội Miến Điện bị cáo buộc đã có những hành vi bạo lực và hãm hiếp người Rohingya.
Trong một bài bình luận chung, đăng trên tờ nhật báo Singapore Straits Times hôm nay, hai chuyên gia Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani cho rằng cách đối xử của chính quyền Miến Điện với cộng đồng người Rohingya đã góp thêm yếu tố tôn giáo vào cuộc khủng hoảng này, bởi vì quân đội Miến Điện đa số là theo Phật giáo, còn người Rohingya là Hồi giáo.
Cả hai ông Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani đều là nhà phân tích thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Khủng bố và Bạo động chính trị, Đại học Nanyang, Singapore.
Hai chuyên gia này nhấn mạnh rằng, những gì diễn ra ở bang Rakhine ( nơi tập trung người Rohingya ) của Miến Điện không chỉ thu hút sự chú ý của các tổ chức nhân quyền, mà cả những thành phần Hồi giáo cực đoan và quân thánh chiến từ khắp vùng Đông Nam Á. Một số người ủng hộ cộng đồng Rohingya cũng đã tỏ ý hy vọng là nhóm khủng bố Mujahideen đến Miến Điện để tham gia chiến đấu chống chính quyền.
Theo lời hai chuyên gia Jasminder Singh và Muhammad Haziq Jani, cộng đồng thánh chiến trên mạng của Indonesia đã đăng trên Facebook nhiều bài viết và hình ảnh tuyên truyền liên quan đến người Rohingya, trong đó có cả một bản đồ chỉ đường cho quân thánh chiến Indonesia thâm nhập Miến Điện qua ngõ Aceh. Một số người sử dụng mạng xã hội ở Indonesia cũng đã tỏ ý định đánh bom tự sát để bảo vệ cộng đồng Rohingya.
Hai chuyên gia này nhận định, khủng hoảng Rohingya gây phản ứng còn mạnh hơn cả vụ đô trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama bị cáo buộc báng bổ đạo Hồi, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của người Hồi giáo tại Indonesia.
Cũng như dân Indonesia, dân Malaysia, đại đa số theo Hồi giáo, cũng đã rất phẫn nộ trước số phận của cộng đồng người Rohingya. Đích thân thủ tướng Najib Razak cũng đã tham gia một cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua đòi chấm dứt điều mà ông Najib gọi là “nạn diệt chủng” thiểu số Hồi giáo ở Miến Điện.
Một chiến binh Malaysia của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Muhamad Wanndy, đã kêu gọi những người ủng hộ anh ta hãy giết bất kỳ người Phật giáo Miến Điện nào gặp ở Malaysia và Indonesia.
Hai chuyên gia đã đưa ra những lời cảnh báo nói trên sau khi tư lệnh lực lượng quốc phòng Malaysia, tướng Zulkifeli Mohd Zin vào tuần trước vừa lên tiếng thúc giục chính phủ Miến Điện giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya, trước khi khủng hoảng này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo khai thác để mở rộng ảnh hưởng và thế lực trong khu vực. Tướng Zulkifeli Mohd Zin đã kêu gọi như vậy khi ông đang thăm Miến Điện để gặp tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và tổng thống Miến Điện Htin Kyaw.
Snowden: Hành khách nhiều hãng hàng không bị nghe lén
Hành khách của nhiều hãng hàng không, trong đó có Air France, đã bị các cơ quan an ninh Mỹ và Anh nghe lén điện thoại trên các chuyến bay. Đó là tiết lộ của nhật báo Le Monde của Pháp, trong số đề ngày 08/12/2016, dựa trên những tài liệu do cựu nhân viên tư vấn cơ quan an ninh Mỹ Edward Snowden cung cấp.
Theo tờ báo này, Cơ quan an ninh quốc gia NSA của Hoa Kỳ và cơ quan GCHQ ( Government Communications Headquarters ) của Anh Quốc đã lập những chương trình chuyên biệt để nghe lén những liên lạc bằng điện thoại di động qua mạng Internet của hành khách trên các chuyến bay.
Theo tờ Le Monde, dựa trên báo cáo của cơ quan GCHQ, từ năm 2012, tổng cộng 27 hãng hàng không đã lắp đặt hoặc chuẩn bị lắp đặt hệ thống Internet để hành khách có thể sử dụng điện thoại di động khi đi máy bay, như các hãng British Airways, Hongkong Airways, Aeroflot, Etihad, Emirates, Singapore Airlines, Turkish Airlines, Cathay Pacific hay Lufthansa. Riêng hãng Air France thì đã thử nghiệm sử dụng điện thoại trên không vào năm 2007.
Theo tờ Le Monde, một tài liệu của cơ quan NSA khẳng định rằng trong năm 2009 đã có 100 ngàn người sử điện thoại di động trên các chuyến bay. Không chỉ các cuộc nói chuyện, mà các cơ quan an ninh Mỹ và Anh còn theo dõi cả những liên lạc khác bằng điện thoại di động như tin nhắn SMS, email và truy cập Internet.
Air France hôm qua đã bác bỏ những thông tin của tờ Le Monde, khẳng định rằng trên các chuyến bay của hãng này hành khách hiện vẫn chưa thể sử dụng điện thoại, vì sau lần thử nghiệm không đạt kết quả vào năm 2007, dự án này đã bị bãi bỏ. Còn hãng Lufthansa của Đức thì đã từ chối bình luận thông tin của tờ Le Monde.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161208-snowden-hanh-khach-nhieu-hang-hang-khong-bi-nghe-len
Hàn Quốc: Dân biểu kiến nghị phế truất tổng thống
Hôm nay 08/12/2016, nhiều dân biểu Hàn Quốc đã đệ trình lên Quốc Hội kiến nghị phế truất bà Park Geun-hye vì vụ bế bối chính trị của tổng thống có dính dáng tới bà bạn thân Choi Soon-Sil
Theo quy định, Quốc Hội Hàn Quốc sẽ phải bỏ phiếu lấy ý kiến trong vòng 72 giờ. Nhưng theo dự kiến, bản kiến nghị phế truất tổng thống sẽ được Quốc Hội Hàn Quốc thông qua vào ngày mai 09/12.
Theo hãng tin Anh Reuters, các đảng đối lập cho biết trong tổng số 300 dân biểu, có hơn 200 dân biểu tuyên bố ủng hộ truất phế tổng thống Park. Con số này đã vượt qua ngưỡng 2/3 số dân biểu theo quy định.
Trong bản kiến nghị phế truất tổng thống, các dân biểu cáo buộc bà Park Geun-hye đã vi phạm Hiến Pháp và phạm tội hình sự, không bảo vệ được người dân, bất lực trước tình trạng tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Để việc truất phế tổng thống có hiệu lực, sau khi được Quốc Hội thông qua, bản kiến nghị còn phải được Tòa Bảo Hiến thông qua. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng.
Trong trường hợp Tòa Bảo Hiến ra phán quyết phế truất bà Park Geun-Hye, bà Park sẽ là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên của đảng Dân Chủ không hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống 5 năm.
Bà Park từng tuyên bố chấp nhận quyết định phế truất của Quốc Hội, nhưng vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời gian chờ đợi phán quyết của Tòa Bảo Hiến.
Vụ tai tiếng chính trị mà tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vướng phải đã làm đất nước rung chuyển và làm tê liệt chính phủ từ nhiều tuần nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161208-han-quoc-nhieu-dan-bieu-kien-nghi-phe-truat-tong-thong
Báo Trung Quốc hô hào thêm vũ khí nguyên tử
để đối phó với Trump
Trung Quốc cần gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự và chế tạo thêm vũ khí hạt nhân để đáp lại tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump. Đó là lời kêu gọi của tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong số ra hôm nay, 08/12/2016.
Trong một bài xã luận đăng bằng tiếng Anh và tiếng Hoa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết, Trung Quốc cần phải “chế tạo thêm các vũ khí hạt nhân chiến lược và đẩy nhanh việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 để bảo vệ lợi ích của mình”, nếu Trump tìm cách bao vây Trung Quốc bằng một cách thức “không thể chấp nhận được”. Tờ báo này còn kêu gọi Trung Quốc gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự trong năm 2017.
Trong bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo còn chủ trương Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự trên vấn đề Đài Loan để trừng trị những ai vận động cho nền độc lập của Đài Loan và nên đề phòng “những hành động gây hấn” của Mỹ ở Biển Đông.
Tuy không phải là tờ báo phản ánh quan điểm chính thức của chính quyền Bắc Kinh, nhưng Hoàn Cầu Thời Báo có quan hệ rất chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.
Hoàn Cầu Thời Báo có bài xã luận như trên sau khi tổng thống tân cử Donald Trump chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng như lên án Bắc Kinh việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trước đó, ông Trump cũng đã khiến Bắc Kinh giận dữ khi nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phá vỡ chính sách mà Hoa Kỳ vẫn thi hành từ gần 40 năm nay, đó là chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, theo đó Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một tỉnh phản nghịch, sớm muộn gì cũng sẽ được thống nhất với Hoa lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần.
Trong khi đó, tờ nhật báo chính thức bằng Anh ngữ China Daily hôm nay cũng có bài xã luận bày tỏ thái độ bi quan về tương lai quan hệ Mỹ-Trung một khi ông Trump bước vào Nhà trắng, cho rằng Trung Quốc nên chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161208-bao-trung-quoc-keu-goi-them-vu-khi-nguyen-tu-de-chong-trump
Aleppo : Khúc quanh quyết định thắng bại
trong cuộc chiến Syria
Aleppo khó tránh được thất thủ. Lực lượng nổi dậy chống chế độ Syria bất lực trước sức mạnh áp đảo của không quân Nga và liên quân Syria-Iran-Hezbollah Liban-Shi-a. Sau ba tháng phản công, Damas sắp đạt được mục tiêu « kiểm soát phần lãnh thổ hữu ích ». Aleppo là chốt chận cuối cùng.
Chiến binh bị bao vây tứ phía, người dân bị cắt đứt mọi nguồn tiếp liệu, thiếu lương thực và liên tục chịu mưa bom, Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát mỗi ngày mỗi thu hẹp, từ nửa thành phố vào năm 2012 nay chỉ còn một phần ba diện tích khu vực phía đông. Từ 2 triệu dân xuống còn 200.000.
Aleppo, đối với Damas có hai giá trị quan trọng. Mất thủ đô kinh tế Aleppo vào năm 2012 là một đòn đau đối với tổng thống Bachar al-Assad về cả ba mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Mất tinh thần, quân đội Syria đánh thua liên tục, trong vòng ba năm mất gần 80% lãnh thổ, ngoại ô thủ đô Damas lọt vào tay đối lập.
Cách nay một năm, Nga và Iran phải đưa quân giúp Bachar Al Assad. Matxcơva, vì muốn phô trương sức mạnh, trở lại vùng Trung Đông. Teheran, trả ơn Syria ủng hộ hết mình trong cuộc chiến Iran-Irak.
Nếu chiếm lại được Aleppo, chính quyền Bachar al Assad kiểm soát 5 thành phố lớn, đối lập võ trang chỉ còn Idleb, 160 ngàn dân và Daech tuy vẫn kiểm soát Raqa, nhưng « thủ đô » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nằm trong tầm ngắm của lực lượng dân quân Kurdistan-Syria.
Dù vậy, sau khi lấy lại được Homs, Hama, nới rộng vòng đai an ninh ở Damas, củng cố thành phố duyên hải Lattaquié và với Alepo, chính quyền Bachar al Assad có thể yên tâm, không còn bị đe dọa về mặt quân sự lẫn chính trị. Từ vùng « Syria hữu ích » này, quân đội Nga và Damas có thể thường xuyên oanh kích các vùng khác làm cho đối phương luôn bị động.
Trong một bản thông cáo ngày 05/11/2016, lực lượng đối lập võ trang được tây phương hậu thuẩn tuyên bố sẽ chiến đấu « đến giọt máu cuối cùng ». Tuy nhiên, theo giới quan sát, và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, thì Aleppo không thể giữ được, thậm chí xem như mất rồi.
Với thái độ lãnh đạm của các cường quốc, với quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, và với sức mạnh quân sự phối hợp với quyết tâm chính trị và bộ máy tuyên truyền hiệu quả, Nga đã vô hiệu hóa mọi sáng kiến hoà bình và nhân đạo kể cả của Liên Hiệp Quốc, với dụng ý « thâm hiểm ». Đó là phân tích của chuyên gia Salam Kawakibi trong chương trình « Giải mã » của RFI ngày 30/11/2016.
Salam Kawakibi trước đây là viện trưởng Viện Cận Đông của Pháp tại Aleppo, nay là phó giám đốc Sáng Kiến Cải Cách Ả Rập, một cơ quan nghiên cứu chính trị gần gủi với đối lập dân chủ Syria.
Cán cân lực lượng tại Aleppo hoàn toàn bất lợi cho phe nổi dậy. Quân đội chính phủ Syria được đồng minh Nga, Iran, chiến binh Shi-a yểm trợ trên không và trên bộ áp đảo chiến trường. Thực tế ra sao ?
Salam Kawakibi : Tình hình rất bi thảm dù ở bên đông hay bên tây Aleppo nhưng thiệt hại nặng nhất là ở khu phía đông vì bị oanh kích liên tục từ ba tháng nay. Đông Aleppo hứng đủ loại vũ khí từ đại bác, tên lửa, bom xăng cho đến thùng « phuy » thuốc nổ TNT. Thêm vào đó là vòng vây của quân đội Syria không cho tiếp tế hàng cứu trợ nhân đạo. Hồi tháng 9 năm nay, một đoàn xe của Liên Hiệp Quốc bị oanh kích thế là sau đó không một đoàn xe nào khác cho dù là của Liên Hiệp Quốc hay một tổ chức quốc tế khác đến đông Aleppo. Bởi vì thủ phạm vụ oanh kích là không quân Nga.
Giới quan sát bi quan, Liên Hiệp Quốc lo ngại Aleppo « biến thành nghĩa trang tập thể » nếu Aleppo thất thủ. Trong khi đó Ngoại trưởng Nga thông báo thành lập bốn hành lang sơ tác thường dân ở khu vực đông Aleppo còn thì truyền hình Syria loan truyền hình ảnh dân chúng hai phía đông tây Aleppo chào mừng quân đội. Không thể phủ nhận chính phủ đang thắng trận quyết định ?
Salam Kawakibi :Vâng, đúng như thế. Dù sao đi nữa thì chiến tranh thành thị mà phe nổi dậy chọn lựa không phải là một chiến thuật tối ưu. Không một lực lượng đấu tranh nào có thể chiến thắng phe chính quyền bằng du kích chiến ở thành phố. Chúng ta không thể ngược dòng thời gian trở về 5 năm trước để tìm hiểu vì sao một phong trào cách mạng ôn hoà biến thành cuộc chiến võ trang sau khi bị chính quyền Damas đàn áp với cường độ thô bạo. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến những giờ phút cuối cùng của một thành phố nổi dậy với khu vực phía đông hoàn toàn bị tàn phá và cho thấy rõ hố sâu xã hội đang chia cắt cộng đồng cư dân sống chung trong một thành phố.
Thật ra, chính quyền Damas không ưu đãi gì người dân ở phía tây Aleppo. Dân phía tây cũng bị trấn áp cho dù một bộ phận thuộc tầng lớp thượng lưu, lợi dụng chế độ tham ô cha truyền con nối của dòng họ al Assad, để làm giàu. Họ sống bám vào guồng máy như loài ký sinh trùng nên bằng mọi giá phải bảo vệ quyền lợi riêng.
Bên cạnh đó có những người dân sợ thay đổi. Sống lâu với không khí kềm kẹp họ quen dần và rơi vào hội chứng Stockholm, bênh vực kẻ đàn áp mình. Một số người khác lại nhút nhát, sợ bất trắc không dám chọn giải pháp thay đổi cuộc đời, chịu đựng bị chế độ sách nhiễu hơn là chấp nhận phiêu lưu tìm một cuộc sống mới.
Phần còn lại không có tự do ngôn luận, cũng như đông đảo dân chúng Syria, bị kềm kẹp từ năm 1958 đến nay.
Đâu là những mục tiêu sâu xa của Nga, Iran và Damas trong quyết tâm đẩy bật đối lập võ trang ra khỏi thành phố chiến lược Aleppo ?
Salam Kawakibi :Quân đội chính phủ Syria không đóng vai trò quan trọng nhất trong trận Aleppo. Lực lượng nồng cốt trên bộ là chiến binh Irak, Liban, Afghanistan theo hệ phái Shi-a vũ trang giáo điều triệt để. Họ tự cho là đang tham gia vào một cuộc thánh chiến để chiếm lại Aleppo, thành phố mà họ xem là của người Hồi giáo Shi-a từ nhiều thế kỷ trước. Chính lực lượng ngoại nhập này gây ra tội ác, trả thù thường dân. Để cho binh lính chính phủ cướp bóc, chiến binh Shi-a giành hãm hiếp phụ nữ và thảm sát tập thể. Họ đã phạm tội tại Homs, tại Daraya và đang phạm tội tại Aleppo.
Chiến thuật của quân đội Nga tại Aleppo, theo tôi, không khác gì ở Tchetnia. Trong số 10 ngàn quân nổi dậy chỉ có độ 250 chiến binh Al Qaida. Không lẽ vì muốn giết thiểu số chiến binh này mà oanh kích thô bạo vào thường dân Aleppo. Thế mà Nga đã ra tay không do dự như đã từng áp dụng chiến thuật này trong trận Grosny ở Tchetnia.
Còn đối với Damas, một khi tái chiếm được Aleppo, chính quyền « hoàn tất » mục tiêu kiểm sóat « phần lãnh thổ hữu ích » của Syria, gồm vùng duyên hải và các thành phố lớn, mặc kệ những nơi khác, không quan trọng.
Vào năm 1992, Sarajevo của Bosnia bị Serbia vây đến tháng thứ ba, tổng thống Pháp François Mitterrand, đến tận nơi tuyên bố không chấp nhận hành động bao vây hủy diệt sinh mạng thường dân và kêu gọi một biện pháp khẩn cấp, không thể trong chờ các cuộc tranh luận ở Liên Hiệp Quốc. Kết quả là Sarajevo đương cự thêm ba năm 8 tháng, cuối cùng được giải phóng. Liệu có cơ may cứu được Aleppo ?
Salam Kawakibi :Sự so sánh Aleppo với Sarajevo rất chính xác nhưng phản ứng chậm trễ và thái độ vô tâm của cộng đồng quốc tế cũng không khác gì. Vấn đề là những nhà lãnh đạo như François Mitterrand ngày nay rất hiếm. Trong khi đó thì nước Nga ngày nay lại mạnh hơn nước Nga khi xảy ra xung đột ở Nam Tư trong thập niên 1990.
Tôi so sánh Aleppo với Grozny vì đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc so sánh như thế. Ông Vitali Tchourkin đưa lên mạng Twitter hình ảnh thủ đô Tchetnia và Aleppo ngày nay và ghi rằng Aleppo sẽ được tái thiết như Grozny . Rõ ràng là Nga có dụng ý thâm hiểm tàn phá Aleppo để tìm chiến thắng quân sự. Với quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An, nhân đạo không phải là mối ưu tư của Nga.
Stephen O’Brien, đặc trách hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc khi trình bày về tình hình Aleppo tại Hội Đồng Bảo An đã bị đại sứ Nga cắt lời và diễu cợt : « thông điệp này chỉ xứng đáng rao giảng ở Nhà thờ ngày Chủ nhật». Ngay phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mà còn bị đại sứ Nga chế nhạo.
Sáng ngày 30/11/2016, một đoàn xe chở một số dân ở đông Alepo di tản theo hành lang do Nga thông báo. Đoàn xe này đã bị oanh kích. Nạn nhân là người già, phụ nữ và trẻ em. Thanh niên họ sợ bị bắt, bị thanh lọc nên đâu dám đi. Đây là cung cách của Nga. Ở Grozny trước đây cũng thế, chính quyền Nga cũng tuyên bố lập hành lang cho dân Tchetnia sơ tán nhưng khi đoàn người đi vào hành lang này thì bị máy bay oanh tạc.
Tôi cho rằng người dân Aleppo đang trả giá cho thái độ phục hận của Nga sau 20 năm Matxcơva tự cho là bị cộng đồng quốc tế xem thường.
Trên đây là phần phân tích của chuyên gia Salam Kawakibi, thân cận với đối lập Syria, về tình hình Aleppo mà giới quan sát cho sắp thất thủ tạo ra một bước ngoặt trong chiến tranh Syria từ khi Nga can thiệp trực tiếp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161208-aleppo-khuc-quanh-quyet-dinh-thang-bai-trong-cuoc-chien-syria
Liệu ông Trumpsẽ
áp dụng chính sách ngoại giao không can thiệp?
Tại cuộc mít tinh để cám ơn người ủng hộ gần Fort Bragg, căn cứ lục quân lớn nhất của Mỹ ở bang North Carolina, Tổng thống đắc cử Donald Trump giới thiệu người ông tiển cử vào vị trí bộ trưởng quốc phòng và ông kêu gọi chấm dứt chính sách đối ngoại mà ông miêu tả là “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực.” Phát biểu đó lập tức được một số chuyên gia diễn giải như là chỉ dấu của một chính sách “không can thiệp” vào các vấn đề thế giới. Tuy nhiên theo tường trình của thông tín viên Masood Farivar của đài VOA thì các chính sách ngoại giao của ông Trump còn đang được hình thành, và đang có khá nhiều vấn đề mâu thuẫn.
Trong khi tiếp tục cuộc hành trình để tri ân những người ủng hộ trên khắp nước sau khi đắc cử, ông Donald Trump trở lại với hai chủ đề ông thường nêu lên trong quá trình vận động tranh cử.
Ông Trump nói: “Chúng ta sẽ thôi ra sức lật đổ chế độ cầm quyền ở các nước mà chúng ta chẳng hiểu tí gì về họ và chúng ta chẳng nên dính líu vào. Thay vào đó chúng ta phải tập trung vào mục tiêu là tiêu diệt khủng bố và đánh bại ISIS, chúng ta sẽ thành công.”
Đám đông người ủng hộ nồng nhiệt hoan nghênh khi ông Trump giới thiệu nhân vật được đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, Tướng hồi hưu James “Mad Dog” Mattis. Ông Trump lập lại một lời hứa khác trong khi tranh cử, là xây dựng lại quân đội “đã rệu rạo” của Mỹ.
Nhưng tổng thống tân cử hình như cũng giang một cánh tay với các thành viên NATO đang lo lắng về phát biểu chỉ trích cay độc của ông khi tranh cử rằng họ là những người không chia sẻ gánh nặng tài chính, mà chỉ hưởng lợi miễn phí.
Ông Trump nói: “Chúng ta không quên rằng chúng ta mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn truyền thống, và kết thêm bạn hữu mới.”
Hứa hẹn của ông Trump sẽ chấm dứt “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực” khiến một số nhà quan sát xem như một ám chỉ chính sách ngoại ngoại không can thiệp. Nhưng theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Michaeol O’Halon, thì phân tích như vậy là quá đơn giản hóa vấn đề.
Ông O’Halon nói: “Theo tôi chính sách đối ngoại sẽ tùy thuộc vào từng khu vực. Ví dụ như ông Trump nói rằng ông muốn đánh bại ISIS. Phát biểu đó theo tôi không có vẻ gì là không can thiệp.”
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên công kích đối thủ Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ vì đã ủng hộ chính sách can thiệp quân sự vào Iraq và Libya – những chính sách mà ông quy là đã gây ra bất ổn và tạo điều kiện cho khủng bố trong khu vực.
Thay vì can thiệp quân sự ở quy mô lớn, ông Trump ủng hộ chiến thuật tấn công nhanh và ở quy mô giới hạn trong cuộc chiến chống ISIS.
Chuyên gia O’Hanlon của Viện nghiên cứu Brookings nhận định:
“Nói một cách khác, chiến lược đó dựa nhiều hơn vào những cuộc tấn công cụ thể, phá hủy những mục tiêu nhất định, và giới hạn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thực địa.”
Tướng Mattis được ông Trump đề cử làm bộ trưởng quốc phòng là một nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược, dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về NATO. Đó là một chỉ dấu trấn an những người lập chính sách đối ngoại và các đồng minh.
Ông O’Hanlon nói: “Trong một tháng kể từ khi đắc cử, ông Trump đã kìm hãm thái đội coi thường trước đó của đối với nhiều đồng minh và ông thực sự cũng thận trọng hơn trong mọi thông điệp mà ông gởi đi, nhất là trong việc chọn Tướng Mattis lãnh đạo Ngũ giác đài.”
Nhưng ông Trump cũng chọn một số nhân vật khác theo quan điểm diều hâu cho các chức vụ quan trọng. Và trong lúc chỉ còn hơn một tháng nữa là đến lễ nhậm chức tân tổng thống của ông, các chuyên gia nói rằng chính sách đối ngoại của ông vẫn còn trong quá trình hình thành.
Ông Trump: đốt cờ Mỹ bị tù hay mất quốc tịch
Tổng thống tân cử Donald Trump nói người nào đốt cờ Mỹ phải bị trừng phạt.
Ông đề nghị sự trừng phạt đó có thể lên đến một năm tù hay bị tước bỏ quốc tịch.
Tuy nhiên, không dễ dàng gì để ông Trump thực hiện đề nghị của mình.
Theo Tối cao Pháp viện Mỹ, đốt cờ là một hình thức phản kháng được phép.
Vào năm 1989, Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết hành động đốt cờ được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Tu chính án này đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân.
Muốn thay đổi một quyết định của Tối cao Pháp viện Mỹ cần phải hoặc là sửa đổi tu chính án hoặc phải có một phán quyết mới của Tòa án Tối cao. Cả hai điều này đều không dễ thực hiện.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ liên quan đến ông Gregory Lee Johnson. Ông bị bắt vào năm 1984 về tội đốt cờ Mỹ tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Texas. Ông Johnson nói ông đốt cờ để phản đối việc đề cử Tổng thống Ronald Reagan ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.
Tòa dưới xét thấy ông Johnson có tội. Nhưng tòa cấp cao đảo ngược quyết định này.
Thẩm phán Tối cao Anthony Kennedy nói nhiều người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm khi cờ Mỹ bị đốt. Tuy nhiên, ông nói thêm là trong trường hợp của ông Johnson, đương sự đốt cờ như một hành vi phản đối. Là hành vi phản đối thì đốt cờ được bảo vệ như một hình thức tự do ngôn luận.
Thẩm phán Tối cao Kennedy viết:
“Điều khó khăn là đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định chúng ta không thích. Chúng ta có quyết định này vì đây là điều đúng, đúng trong nghĩa là luật pháp và Hiến pháp qui định như vậy.”
Bốn thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ đồng ý với ông Kennedy. Bốn thẩm phán khác không đồng ý.
Viết lên quan điểm của các thẩm phán thiểu số, thẩm phán Tối cao Pháp viện William Rehnquist cho rằng đốt cờ không phải là tự do ngôn luận. Ông nói điều này giống như là một người càu nhàu, gây tiếng động như một con thú.
Ông Trump không cho biết lý do vì sao thời điểm này ông lại nêu lên vấn đề đốt cờ.
Tuy nhiên, bình luận của ông trên Twitter được đưa ra sau khi một nhóm cựu chiến binh Mỹ biểu tình tại một trường đại học nhỏ ở tiểu bang Massachusetts vào cuối tuần qua. Họ phản đối việc gỡ bỏ một lá cờ Mỹ tại trường đại học Hampshire, một trường tư ở thị trấn Amherst.
Việc gỡ bỏ quốc kỳ xảy ra sau khi một số sinh viên treo cờ rũ hôm 9 tháng 11, một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống mà ông Trump được tuyên bố đắc cử.
Người ta chỉ treo cờ rũ khi một nhân vật quan trọng qua đời hay để ghi nhớ một biến cố bi thương. Một số giáo sư và sinh viên trường đại học Hampshire nói là họ lo ngại nhiều chuyện sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Trường này tiếp tục để cờ rũ đến ngày 10 tháng 11 và rồi bị đốt mà không biết người nào thực hiện.
Lá cờ mới sau đó lại được treo rũ trước khi Hiệu trưởng Jonathan Lash ra lệnh dỡ bỏ, viện lý do rằng một số người xem việc treo cờ rũ như một lời bình phẩm về cuộc bầu cử Tổng thống.
Hiệu trưởng Lash nói việc này không tượng trưng như một lời bình phẩm mà chỉ là nỗ lực của trường đối phó với những chia rẽ về lá cờ trong cộng đồng trường đại học.
Ông Lash nói “Chúng tôi nghe các thành viên của cộng đồng trường đại học chúng tôi nói rằng đối với họ cũng như đối với nhiều người trên đất nước chúng ta, lá cờ là một biểu tượng mạnh mẽ của sự sợ hãi mà họ cảm thấy trong đời sống của họ vì họ lớn lên trong những cộng đồng bị gạt bên lề, không bao giờ cảm thấy an toàn. Tuy nhiên đối với những người khác, lá cờ là biểu tượng của khát vọng cao nhất của họ đối với đất nước.”
Trên kênh truyền hình CNN ngày thứ Ba, ông Jason Miller, phát ngôn viên của ông Trump nhấn mạnh Tổng thống tân cử tin là việc đốt cờ nên được xem là bất hợp pháp.
Ông Miller nói “Tổng thống tân cử là một người ủng hộ rất mạnh mẽ Tu chính án thứ nhất, nhưng có sự khác biệt lớn giữa tu chính án này và việc đốt cờ Mỹ.”
Thượng nghị sĩ Harry Reid trưởng khối thiểu số tại Thượng viện Mỹ nói ông không đồng ý khi ông Trump đòi bỏ tù và tước quyền công dân những người đốt cờ Mỹ.
Còn phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnst thì cho rằng:
“Tổng thống tân cử đã nói hay viết trên Twitter những gì ông bất bình. Những quyền tự do chúng ta đều có thể tự bày tỏ theo cách chúng ta thường làm được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Những quyền tự do tương tự liên hệ đến việc hành đạo, tự do ngôn luận và tự động báo chí đều được ghi trong Hiến pháp và đáng được bảo vệ. Có nhu cầu phải bảo vệ những quyền này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, không chỉ vì chúng ta tán đồng mà cũng vì chúng ta cảm thấy bị xúc phạm. Nhiều người Mỹ, đa số người Mỹ, kể cả tôi, thấy việc đốt cờ là xúc phạm, nhưng là một quốc gia chúng ta có trách nhiệm cẩn thận bảo vệ những quyền của chúng ta được ghi một cách trang trọng trong Hiến pháp.”
Tuy nhiên, nhiều cử tri gốc Việt như chị Lanney Trần ở Los Angeles không đồng ý với việc đốt cờ thể hiện quan điểm. Chị Lanney chia sẻ ý kiến:
“Cái đó là một cái rất, rất là sai và không chấp nhận được. Lá cờ của Mỹ rất thiêng liêng, nó được bảo vệ bởi những người đã nằm xuống, đã cống hiến sinh mạng cũng như máu của họ đã đổ ra để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của tổ quốc Hoa Kỳ. Vậy đem đốt đi như vậy thì đâu có phải là nói lên tiếng nói của người dân Mỹ nữa.”
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-dot-co-my-bi-tu-hay-mat-quoc-tich/3627333.html
Ông Trump đắc cử, du học sinh lo lắng
Ông Donald Trump khiến nhiều du học sinh đang theo học tại Mỹ lo ngại vì những tuyên bố mà nhiều người cho là có tính cách kỳ thị đối với người nước ngoài trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống vừa qua.
Anh Hussain Saeed Alnahdi là một trong số gần 400 sinh viên quốc tế của trường đại học Wisconsin-Stout.
Alnahdi, 24 tuổi, từ Ả Rập Xê-út đến Mỹ, theo học trường này vào năm ngoái. Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 30 tháng 10 năm nay, cuộc sống du sinh của anh Alnahdi đã kết thúc trong bạo động. Một kẻ tấn công không rõ tung tích đánh chết anh bên ngoài một nhà hàng tại thành phố Menomonie.
Vài tuần lễ sau đó, cảnh sát loan báo đã bắt được một nghi can. Cảnh sát cho biết họ không tin vụ tấn công này là một tội phạm có tính cách thù hận, hay một tội phạm bị ảnh hưởng vì chủng tộc.
Tuy nhiên, những sự việc như vụ tấn công tại Wisconsin làm cho những sinh viên quốc tế đang sinh sống và học tại Mỹ lo ngại.
‘Du học Mỹ’ là tên của một công ty hỗ trợ cho các sinh viên quốc tế muốn theo học tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công ty công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của 1.000 sinh viên quốc tế thuộc 130 nước. Trên 65% những sinh viên này nói họ không muốn theo học tại Mỹ nếu ông Trump đắc cử Tổng thống.
Công ty FPP EDU Media cũng làm việc với các sinh viên quốc tế. Công ty công bố cuộc thăm dò 40.000 sinh viên vào tháng 6 năm nay. Kết quả cho thấy 60% sinh viên cũng có những cảm nghĩ tương tự.
Trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống tân cử Donald Trump đưa ra những tuyên bố về người Mexico mà nhiều người chỉ trích cho rằng kỳ thị chủng tộc. Có một lúc, ông kêu gọi cấm tất cả những người Hồi Giáo vào nước Mỹ.
Trung tâm Luật Nghèo khó miền Nam là một tổ chức dân quyền có trụ sở tại Montgomery, tiểu bang Alabama. Tổ chức này cho biết nhận được 437 báo cáo về những vụ đe dọa và quấy nhiễu trong vòng 6 ngày tiếp sau cuộc bầu cử.
Bà Renait Stephens là giám đốc điều hành công ty Du học Mỹ. Bà nói các sinh viên quốc tế và cha mẹ họ lo ngại. Tuy nhiên, bà cũng tỏ ra hy vọng. Bà cho rằng điều mà một chính trị gia nói khi vận động tranh cử và những điều họ làm khi lên cầm quyền là hai việc khác nhau.
Theo bà Stehens, các sinh viên quốc tế sẽ phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
“Hãy còn quá sớm. Và cho tới khi chúng ta biết được nhiều hơn về bất cứ sự thay đổi chính sách nào, chúng ta phải thực sự nhấn mạnh rằng và hy vọng rằng hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn tiếp tục như hiện nay. Do đó ngay bây giờ, chúng tôi chỉ cố gắng trấn an các sinh viên là không có gì thay đổi cả. Các trường đại học Mỹ vẫn an toàn, vẫn mở rộng cửa, vẫn đa dạng. Và các bạn vẫn hưởng được một nền giáo dục tuyệt vời.”
Những chuyên gia khác nói chưa từng có bất cứ mối đe dọa thực sự nào đối với việc học tập của sinh viên quốc tế. Viện Giáo dục Quốc tế IIE là một tổ chức bất vụ lợi chuyên nghiên cứu và hỗ trợ trao đổi sinh viên quốc tế.
Cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ, Viện Giáo dục Quốc tế mỗi năm công bố phúc trình về số du học sinh tại Mỹ. Theo phúc trình Open Doors 2016, năm rồi có khoảng 1.044.000 sinh viên quốc tế theo học các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Đây là một con số kỷ lục.
Bà Peggy Blumenthal là một giới chức của IIE. Bà cho biết tổ chức của bà đã thu thập dữ kiện về sinh viên quốc tế trong hơn 90 năm qua.
Bà nói hầu hết các sinh viên quốc tế đều quan tâm đến chất lượng giáo dục nhận được tại Mỹ. Vẫn theo lời bà, thế giới vẫn còn đánh giá là sức mạnh của hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ hơn hẳn đa số các nước khác.
Bà Blumenthal đưa ra một ví dụ lịch sử.
Khi Hoa Kỳ oanh tạc lầm tòa đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Serbia vào năm 1999, những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trước tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà cho biết, một ít lâu sau, các sinh viên Trung Quốc than phiền là tòa đại sứ Mỹ không cứu xét nhanh chóng đơn xin visa của họ.
Bà Blumenthal nói việc này cho thấy những biến cố trên thế giới không dễ dàng ảnh hưởng đến việc trao đổi sinh viên.
“Sinh viên quốc tế thực sự đánh giá cao cơ hội theo học tại Mỹ. Và xuyên qua suốt quá trình lịch sử thu thập các dữ liệu của chúng tôi, hầu như chưa bao giờ con số sinh viên quốc tế đến Mỹ giảm sút. Có nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ, trong những hoàn cảnh quốc tế, trong kinh tế, nhưng số du học sinh vẫn tiếp tục gia tăng bất kể những gì xảy ra chung quanh họ.”
Bà Blumenthal công nhận là có thể có sự sụt giảm nhỏ về số lượng sinh viên Hồi Giáo đến Mỹ. Việc này từng xảy ra sau cuộc tấn công khủng bố tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tuy nhiên, bà Blumenthal nói sự sút giảm sinh viên từ một quốc gia thường được cân bằng với sự gia tăng sinh viên từ những nước khác.
Sinh viên nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của nhiều thị trấn và thành phố trên toàn nước Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết sinh viên quốc tế mang thêm 30 tỉ đôla cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2015. Bà Blumenthal cho rằng không chính trị gia nào lại muốn mất số tiền này.
Tuy nhiên, ông Philip Altbach vẫn tỏ ra lo lắng. Ông Altbach là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Cao cấp Quốc tế. Trung tâm này làm việc thông qua trường đại học Boston để nghiên cứu và hỗ trợ giáo dục quốc tế.
Ông Altbach nói có những ví dụ giảm sút giáo dục quốc tế tại những nước khác. Ông cho biết có sự giảm sút đáng kể những sinh viên Ấn Độ theo học tại Australia sau khi một vài sinh viên Ấn Độ bị tấn công tại Australia vào năm 2009 và 2010. Ông cũng nói ngôn từ mà ông Trump và các ủng hộ viên dùng trong cuộc vận động tranh cử đã làm cho thế giới đánh giá thấp nước Mỹ.
“Tôi nghĩ những bài diễn văn độc hại của cuộc vận động tranh cử và những điều ông Trump nói trong một thời gian dài thực sự gây tổn hại to lớn đối với hình ảnh của nước Mỹ một cách tổng quát và trong nếp nghĩ của những thầy-trò từ nước ngoài, những người có thể dự tính tới Mỹ để học tập hay giảng dạy; bởi lẽ lựa chọn nơi học tập trên thế giới tùy thuộc rất nhiều vào việc học sinh-phụ huynh có cảm thấy tiện nghi về đất nước mà họ tính tới học hay không.”
Ông Altbach nói sinh viên và các giáo sư quốc tế mang những viễn kiến khác biệt đến các trường mà họ theo học hay giảng dạy. Không có những người này có thể là một thiệt hại lớn cho các sinh viên Mỹ về mặt giáo dục và tài chính.
Ông nói sinh viên và giáo sư quốc tế liên hệ đến nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện tại hầu hết các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, việc giảm sút du học sinh có thể không ảnh hưởng đến những trường đại học lớn, nổi tiếng tại Mỹ. Nhưng nhiều sinh viên Mỹ muốn theo học các đại học thì cần phải có các du sinh nước ngoài chi trả toàn bộ học phí. Vẫn theo lời ông, có sinh viên quốc tế trả học phí nhiều hơn thì các trường đại học Mỹ có thể cho sinh viên Mỹ theo học với mức học phí phải chăng hơn.
Ông Altbach công nhận là hiện không có cách nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho đến khi chính quyền mới nhậm chức. Tuy nhiên, cho đến lúc đó các trường đại học Mỹ phải đưa ra những tuyên bố công khai rõ ràng là các trường này sẽ hỗ trợ và bảo vệ sinh viên quốc tế. Nếu không, ông Altbach nói, nước Mỹ sẽ không còn là sự lựa chọn đầu tiên đối với những người muốn tìm tới một hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-dac-cu-du-hoc-sinh-lo-lang/3627325.html
Báo Nhật: Thủ tướng Abe sắp gặp ông Trump
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang sắp xếp để gặp ông Donald Trump khoảng một tuần lễ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng 1 năm 2017, theo tin thông tấn xã Jiji ngày 6/12.
Tháng trước, ông Abe đã gặp ông Trump tại New York, ngay sau khi ông Trump đắc cử. Hãng tin Jiji nói ông Abe sẽ gặp lại ông Trump vào khoảng ngày 27 tháng 1 tới đây. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng Nhật nói ông chưa hay biết về cuộc gặp này và từ chối bình luận thêm. Bộ Ngoại giao Nhật sau đó ra tuyên bố bác tin về cuộc gặp đang được dàn xếp.
Ông Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông Trump gặp sau khi đắc cử và cũng có thể là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông Trump gặp sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản rất quan trọng đối với ông Trump.
Liên minh quân sự Mỹ-Nhật là nền tảng của chính sách quốc phòng và ngoại giao của Nhật Bản, nhưng những bình luận của ông Trump lúc vận động tranh cử làm cho nhiều người nghi ngờ về mức độ cam kết của ông đối với Nhật.
Một số người cũng lo ngại là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản có thể bị tổn hại nếu ông Trump áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch cản trở thương mại toàn cầu.
Ông Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Đây là một đòn giáng vào Nhật Bản vì nước này đang muốn có một thỏa thuận mậu dịch tự do để mở rộng xuất khẩu và khuyến khích những cải tổ cơ cấu giúp cho lãnh vực nông nghiệp Nhật Bản có tính cách cạnh tranh hơn.
Việc một tân Tổng thống gặp một nhà lãnh đạo nước ngoài tại Tòa Bạch Ốc ngay sau khi nhậm chức ít khi xảy ra, nên một số người xem đây như là một nỗ lực để giải quyết những lo ngại của Nhật Bản.
Ông Abe mô tả ông Donald Trump như là một “nhà lãnh đạo đáng tin cậy” sau một cuộc gặp được đàn xếp vội vã kéo dài 90 phút tại Tháp Trump ở Manhattan vào tháng trước. Tuy nhiên, chi tiết về cuộc thảo luận này không được tiết lộ.
http://www.voatiengviet.com/a/bao-nhat-thu-tuong-abe-sap-gap-ong-trump/3627313.html
Hãng máy bay Ukraine
muốn làm Air Force One cho ông Trump
Hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới của Ukraine ngỏ lời muốn thiết kế phi cơ cho ông Donald Trump sau khi Tổng thống tân cử Mỹ đòi hủy đơn đặt công ty Boeing làm máy bay Air Force One cho Tổng thống.
“Ông Trump, liệu cân nhắc máy bay của Antonov làm Air Force One có tốt hơn không?” công ty Antonov của nhà nước Ukraine đăng tải tin nhắn trực tiếp tới ông Trump hôm 7/12.
Vị Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ chưa phản hồi đề nghị này.
Hôm qua, 6/12, ông Trump lên Twitter chỉ trích chi phí leo thang cho chiếc Air Force One mới đặt từ công ty Boeing. Công ty này đã làm máy bay cho nhiều đời Tổng thống Mỹ kể từ năm 1943 tới nay.
“Chi phí vượt tầm kiểm soát, hơn 4 tỷ đôla. Hủy đơn đặt hàng đi!”
Lời chào mời của công ty Antonov có vẻ là một lời bông đùa, nhưng các đơn đặt hàng mới từ Mỹ hay từ các nước khác sẽ giúp thúc đẩy tương lai công ty này.
Antonov, một trong những nhà sản xuất máy bay hàng đầu của liên bang Xô Viết, chỉ sản xuất được khoảng 20 phi cơ kể từ khi Ukraine dành độc lập vào năm 1991 tới nay.
Công ty nổi tiếng nhất về chiếc máy bay chở hàng lớn nhất thế giới Antonov-225 Mriya được thiết kế trong khuôn khổ chương trình không gian của Liên Xô. Chiếc máy bay duy nhất được hoàn thành hiện vẫn còn được sử dụng, có khả năng chuyên chở tới 250 tấn hàng trên chặng đường dài tới 4.000 cây số.
Công tác sản xuất chiếc máy bay thứ nhì khởi sự vào năm 1988 nhưng không hoàn tất. Hiện Antonov đã tìm ra một nhà đầu tư tiềm năng, Tập đoàn Công nghiệp Không gian Vũ trụ của Trung Quốc AICC.
http://www.voatiengviet.com/a/hang-may-bay-ukraine-muon-lam-air-force-one-cho-ong-trump/3627306.html
TT Obama: Chống khủng bố sao cho hiệu quả
WASHINGTON —
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Ba tổng kết những thành tựu chống khủng bố mà chính phủ dưới quyền ông đã đạt được. Trong bài phát biểu cuối cùng về vấn đề an ninh quốc gia tại căn cứ Không quân MacDill ở bang Florida, ông Obama nói Hoa Kỳ đã làm suy yếu nhóm Nhà nước Hồi giáo, trong khi vạch trần hình ảnh của nhóm này dưới con mắt của thế giới như chỉ là “những kẻ giết người man rợ”. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định tổ chức khủng bố al-Qaida đã bị gạt sang một bên sau cái chết của Osama bin Laden, thủ lãnh của nhóm khủng bố này. Tổng thống Obama kêu gọi người dân hãy tuân thủ các giá trị Mỹ trong khi tiếp tục đạt thắng lợi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trong bài phát biểu của ông tại căn cứ Không quân MacDill, Tổng thống Obama nói chính quyền của ông đã thành công trong cuộc chiến chống khủng bố nhờ một chiến thuật mới – thuyết phục các đối tác khu vực ở Trung Ðông và Á châu cùng tham gia cuộc chiến:
“Thay vì đặt hết gánh nặng của cuộc chiến lên vai các binh sĩ Mỹ tại thực địa, thay vì xua quân vào bất cứ nơi nào có khủng bố xuất hiện, chúng ta đã xây dựng một mạng lưới gồm các đối tác.”
Tổng thống Obama nói mạng lưới khủng bố al-Qaida ngày nay chỉ còn là cái bóng của chính nó, sau khi thủ lãnh nhóm, Osama bin Laden, bị hạ sát. Ông nói sức mạnh quân sự của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đã suy yếu sau khi Hoa Kỳ và đồng minh phá vỡ nguồn tài chánh của IS và giảm thiểu khả năng của nhóm này để chiêu dụ những người trẻ tuổi tham gia hàng ngũ IS.
Tổng thống Obama: “Chúng tôi đã đánh vào nguồn cung ứng tài chánh của Nhà nước Hồi giáo, phá hủy những kho dự trữ dầu và tiền của trị giá hàng trăm triệu đôla của bọn chúng. Kết quả là chúng ta đang phá vỡ cơ cấu chính của Nhà nước Hồi giáo, đập tan nơi ẩn náu của bọn chúng. Chúng ta đã đạt được những thành tích này với tổn phí chỉ có 10 tỉ đôla trong hai năm, tương đương với mức tổn phí trong một tháng mà chúng ta đã phải tiêu tốn vào cao điểm của cuộc chiến tại Iraq.”
Tổng thống Obama nêu bật rằng những thành tích đó đã đạt được mà không dùng đến biện pháp tra tấn và không liên kết người Hồi giáo với khủng bố. Ông nói thêm rằng chiến lược lâu dài hữu hiệu nhất chống khủng bố, là sự phát triển:
“Đó là cách để ngăn chặn mâu thuẫn ngay từ đầu. Đó là cách để chúng ta bảo đảm rằng hòa bình sẽ trường tồn sau khi chúng ta đã chiến đấu. Đó là cách chúng ta có thể ngăn chận, không để người dân đi theo khủng bố bởi vì con cái của họ được đến trường, họ có thể lo liệu cho tương lai của chính mình, cho gia đình, và họ không ở trong tình trạng tuyệt vọng.”
Tổng thống Obama chỉ trích Quốc hội đã cản trở nỗ lực của ông để thực hiện lời hứa sẽ đóng cửa trại tù ở Vịnh Guantanamo. Số tù nhân ở đó đã giảm đáng kể, nhưng cái giá phải trả cho trại tù đó là một vết nhơ đối với thanh danh của nước Mỹ. Ông nói:
“Chúng ta có thể tiêu diệt những kẻ khủng bố mà vẫn giữ được bản chất trung thực và tuân thủ các giá trị về thế nào là người Mỹ. Quả vậy, thành công của chúng ta trong việc đối phó với khủng bố qua hệ thống tư pháp của chúng ta, càng cho thấy rõ vì sao đã tới lúc, và cả quá lúc nên đóng cửa trại tù ở Guantanamo.”
Tổng thống Mỹ sắp từ nhiệm ngỏ lời cám ơn các binh sĩ Mỹ đã hy sinh để bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ và bảo vệ các quyền tự do của đất nước. Như một lời nhắn gửi đến người kế nhiệm, Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ là một xã hội trong đó “người dân có thể chỉ trích Tổng thống mà không sợ bị trả thù.”
http://www.voatiengviet.com/a/tt-my-chong-khung-bo-sao-cho-hieu-qua/3627176.html
Mỹ sắp trả Nhật một phần đất tại Okinawa
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter, ngày 6/12 loan báo quân đội Hoa Kỳ dự định trả lại một phần đất đai tại Okinawa cho chính phủ Nhật Bản vào cuối năm nay. Đây là một vụ chuyển giao đất lớn nhất kể từ năm 1972.
Những bất bình về sự có mặt của quân đội Mỹ gia tăng trong năm nay sau khi Kenneth Franklin, một nhân viên dân sự làm việc tại một căn cứ Mỹ, bị bắt về tội giết cô Rina Shimabukuro, một thiếu nữ Nhật Bản 20 tuổi.
Bộ trưởng Carter loan báo việc này trong một cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo.
Một giới chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ dự trù trao trả gần 4 ngàn hecta đất tại miền bắc Okinawa trong một buổi lễ chính thức sẽ được tổ chức vào hai ngày 21 và 22 tháng 12.
Đây là loan báo lần đầu tiên về một thời điểm chuyển giao cụ thể mà quân đội Mỹ vào tháng 7 năm nay đã tuyên bố chuẩn bị.
Okinawa đặt dưới sự chiếm đóng của Mỹ cho đến năm 1972 là nơi trú đóng của gần 50.000 binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản.
Dù đã thỏa thuận vào năm 1996, công tác trao trả đất bị trì hoãn vì những người biểu tình ngăn chặn việc xây dựng một bãi đáp trực thăng. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã tái tục việc thi công tại đây.
Bộ trưởng Carter có mặt tại Nhật Bản nhằm xoa dịu những lo ngại phát sinh do chiến thắng của Tổng thống tân cử Donald Trump. Ông Trump đã kêu gọi các đồng minh trả thêm tiền để lực lượng Mỹ tiếp tục trú đóng nếu không những lực lượng này có thể rút lui.
http://www.voatiengviet.com/a/my-sap-tra-nhat-mot-phan-dat-tai-okinawa/3627822.html
Ông Trump sẽ thân với Ấn Độ để đối trọng TQ?
Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, hôm thứ Ba dự báo rằng quan hệ Ấn- Mỹ sẽ trở thành phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm “kiềm” Trung Quốc, nhưng điều này sẽ ít có ảnh hưởng đến Bắc Kinh vì New Delhi có thể không chấp nhận một mối quan hệ ‘bán liên minh’ với Washington để duy trì chính sách ngoại giao độc lập của mình.
Thời báo Hoàn Cầu viết: “Quan hệ Mỹ-Ấn sẽ trở nên quan trọng trong chính sách ngoại giao của ông Trump. Với mục đích bình ổn tình hình đối ngoại và giải quyết các vấn đề trong nước, chính quyền của ông Trump sẽ tìm kiếm mối quan hệ cải thiện với Ấn.”
Thời báo này viết tiếp: “Tuy nhiên, vì các vấn đề trong nước hiện nay, Ấn Độ chỉ có thể đóng một vai trò hạn chế trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ xử lý các vấn đề đau đầu, do dó chính quyền của ông Trump sẽ không đặt quan hệ Mỹ- Ấn ở vị trí hết sức quan trọng, và sự hăng hái muốn thiết lập một mối quan hệ kiểu “bán liên minh” với Ấn Độ cũng giảm xuống.”
Đánh giá những lựa chọn chính sách cho ông Trump sau khi nhậm chức, bài báo viết tiếp: “Là một cường quốc toàn cầu có chính sách ngoại giao không liên kết, Ấn Độ có thể sẽ không đề mục tiêu liên minh với Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc như Mỹ hy vọng.”
Bài báo nhan đề ‘Ông Trump có thể muốn liên minh với Delhi’ viết tiếp: “Vì vậy, có những khác biệt không thể kết nối được giữa một bên là ý định của Hoa Kỳ muốn phát triển mối quan hệ thân mật với Ấn Độ để đối trọng Trung Quốc và một bên là quan điểm phát triển nền ngoại giao độc lập của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
“Nói một cách khác, Ấn Độ có thể không chấp nhận nỗ lực của Hoa Kỳ muốn thiết lập “bán liên minh” với Ấn Độ để hạn chế Trung Quốc, vì Ấn Độ có truyền thống quan hệ ngoại giao độc lập.”
Vẫn theo bài báo, khi xử lý các thử thách toàn cầu như biến đổi khí hậu, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, và chống khủng bố, Hoa Kỳ có thể yêu cầu Ấn Độ đóng góp nhiều hơn trong một số lĩnh vực cụ thể mà chỉ có Hoa Kỳ quân tâm.
“Điều này sẽ giảm lòng tin của Ấn với Mỹ, làm suy yếu nền tảng để tăng cường hợp tác song phương tới mức mà Hoa Kỳ kỳ vọng.”
Hoàn cầu Thời báo nói “Hợp tác an ninh sâu rộng Mỹ- Ấn dưới thời Tổng thống Obama sẽ bị thay đổi do sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của ông Trump, và điều đó sẽ giảm bớt áp lực lên Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-se-than-voi-an-do-de-doi-trong-tq/3627801.html
Trung Quốc sửa luật cảnh sát
cho phép sử dụng súng tùy hoàn cảnh
Trung Quốc mới đây đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Cảnh sát. Nếu được thông qua, luật này sẽ trao cho cảnh sát quyền hạn lớn hơn để sử dụng vũ khí trong các trường hợp liên quan tới an ninh công cộng hay an ninh quốc gia.
Giới hoạt động nhân quyền cho rằng một khi được mang ra thi hành, luật mới có thể là tin xấu cho nỗ lực bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc.
Dự thảo luật đã sửa đổi gồm có 109 điều đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhân dân. Thông báo trên trang web của Cục Công an Trung Quốc nói họ sẽ tiếp nhận ý kiến của nhân dân cho đến cuối năm 2016.
Điều 31 của luật mới quy định cảnh sát sẽ được phép sử dụng vũ khí sau khi những lời cảnh cáo đối với các nghi can vi phạm an ninh công cộng hoặc an ninh quốc gia, không ngăn chặn được họ tẩu thoát, hoặc cưỡng lại nhân viên thi hành công lực bắt giữ họ, hoặc khi cảnh sát đang bị tấn công và nguy hiểm đến tính mạng.
Các nhà phân tích nói rằng các quy định đó sẽ phù hợp với những gì được nêu trong luật chống khủng bố gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc, đã được thông qua vào cuối năm ngoái. Luật chống khủng bố cho phép cảnh sát bắn hạ những người có hành vi bạo lực, sau khi những lời cảnh báo chứng tỏ là không có hiệu quả.
Luật mới xác định ranh giới rõ ràng hơn bao giờ hết để cảnh sát cấp quốc gia được sử dụng vũ khí, nhưng cuối cùng cho phép nhà chức trách được tự ý quyết định các trường hợp có liên quan đến an ninh công cộng và an ninh quốc gia.
Dự thảo luật dự kiến sẽ được quốc hội xem xét và thông qua trước khi có hiệu lực.
Luật sư nhân quyền Lý Tương Dương ở tỉnh Sơn Đông nói với VOA: “Những hạn chế mới nêu ra trong bản dự thảo là nhỏ. Nói chung, dự thảo luật mở rộng quyền của cảnh sát được tự ý quyết định, điều này sẽ tạo ra một không gian để họ tấn công các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền”.
Ông Lý còn bày tỏ lo ngại về vấn đề thực thi luật mới, ông nói cảnh sát phục vụ cho chế độ đương quyền và thường lạm dụng các quyền hạn của họ.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-sua-luat-canh-sat-cho-phep-su-dung-sung-tuy-hoan-canh/3627198.html