Thế giới chia ba sẻ bốn, liệu lời hứa của Donald Trump đứng vững được chăng?
Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) – Trump sẽ phải đối diện với thực tế khắc nghiệt trong quan hệ với Trung Cộng và Nga. Ông sẽ phải đấu tranh với hai nhà lãnh đạo độc tài rất tự tin và có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế… Chiến lược của tân tổng thống Mỹ sẽ bị quy định bởi mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung và mức độ bành trướng quân sự của Trung Cộng… Tân tổng thống Hoa Kỳ là một người muốn chấm dứt nền chính trị truyền thống, nhưng ông Trump không nên quên rằng ông đang gánh vác trên vai vận mạng của nước Mỹ và của toàn thế giới…
*
Đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, các quốc gia cộng sản Đông Âu sụp đổ và đế quốc cộng sản Liên Sô cũng sụp đổ theo. Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành siêu cường “số một” của nhân loại.
Thời gian trôi nhanh. Câu chuyện tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua mà đến nay đã được hơn một phần tư thế kỷ. Cuối chân trời, những dấu hiệu chiến tranh lại bắt đầu ló dạng và thiên hạ lại phập phồng lo sợ.
Lo sợ là vì loài người lại chuẩn bị giết nhau. Nước Nga đang thầm lặng chiếm lại những phần đất của đế quốc Liên Sô cũ. Nước Tàu phát triển nhanh chóng, hiên ngang thực hiện di huấn Mao Trạch Đông bất chấp luật pháp quốc tế và đang tiến hành sự bành trướng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nước Mỹ, ý thức được sự suy nhược của mình, đang cố gắng điều chỉnh sách lược và chiến lược để giữ vững vị thế bá chủ hiện nay.
Chiến tranh tuy chưa xảy ra nhưng ý đồ của những bên tranh chấp thì đã xuất hiện rõ nét.
Những đoạn viết tiếp theo sẽ đi sâu vào chi tiết của vấn đề cần mổ xẻ. Xin mời quý độc giả bỏ chút thời giờ theo dõi.
Putin tuyên bố: “ Biên giới của Nga không kết thúc tại đâu cả”
Ngày 24-11-2016, trong một buổi lễ trao giải cho sinh viên, Putin đã tạo một bầu không khí hoang mang cho Tây phương khi nói rằng: “Biên giới của Nga không kết thúc tại đâu cả”.
Nhiều người cho rằng đây là một câu nói đùa nhưng nhiều người khác lại cho đây là một sự ám chỉ việc Nga sẽ quy hoạch lại biên giới Meldovia, Gruzia và Ukraine. Nhiều người khác thì lại cho rằng, đằng sau câu nói đùa này, là một sự cảnh cáo nhằm vào một loạt đối tượng.
Đối tượng thứ nhất là Tokyo. Putin sắp sang Nhật vào cuối tháng 12 này. Nói như trên Putin muốn nhắn Tokyo là Nga sẽ không nhượng bộ Tokyo trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Nam Kuril.
Đối tượng thứ hai là Washington. Putin muốn nhắn Donald Trump mới trúng cử là Mỹ không nên tiếp tục chính sách đối đầu với Moscow vì Moscow sẽ không thỏa hiệp.
Đối tượng thứ ba là Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Putin muốn đáp trả việc liên minh này tăng cường quân lực ở phía Tây lãnh thổ Nga.
Truyền thông Đức thì nhận định sự việc hôm 24-11-2016 như một đòn tâm lý. Gần đây nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết gọi truyền thông Nga là “thù địch” nên đòn tâm lý này đang làm phương Tây bối rối. Dù sao thì các chính khách của phương Tây cũng đã biết rõ con người của Putin là “tham quyền cố vị” và câu nói trên dù là một câu nói đùa cũng không thể coi thường.
Tập Cận Bình thi hành di huấn Mao Trạch Đông
Sau khi lên ngôi chúa tể Mao Trạch Đông nhận định là các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga và Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc hàng trăm ngàn dặm vuông lãnh thổ và hàng tá nhượng địa. Mao thề phục hận và lấy lại những gì đã mất.
Bản đồ Trung Quốc được Mao vẽ lại với sự nới rộng sang tứ phía một cách tùy tiện. Trong chương trình thu hồi lãnh thổ và lãnh hải Mao chú trọng đầu tiên đến Biển Đông. Mao nói với các tướng lãnh: “Bắt đầu từ lúc này Thái Bình Dương không còn an bình nữa và chỉ trở lại an bình khi nào chúng ta làm chủ vùng biển này”.
Mao ra lệnh phải quần tụ lại với những chư hầu cũ và gom góp lại các tiểu nhược quốc đàn em dưới quyền lãnh đạo của Bắc Kinh. Mao chết năm 1976. Chương trình phục hận của Mao đang được các thế hệ lãnh đạo tiếp nối tiến hành.
Qua thời gian Trung Cộng đã đầu tư hàng chục tỷ nhân dân tệ vào việc thiết lập cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại Biển Đông. Trung Cộng đã xây dựng nhiều công trình khác nhau trên các đảo: Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief) Gạc Ma (Johnson South) Châu Viên (Cuarteron) Ga Ven (Gaven) và Tư Nghĩa (Hughes). Đây là các cơ sở được dùng vào mục tiêu quân sự, phục vụ đắc lực cho các lực vũ trang mà Bắc Kinh đã điều động để khống chế Biển Đông.
Tháng 7-2016, một bệnh viện rộng 1000 mét vuông với hơn 100 giường đã được khánh thành tại Đá Chữ Thập. Một đội ngũ y tế khoảng 50 người đã đón nhận hơn 100 bệnh nhân và đã thực hiện khoảng 100 cuộc giải phẫu cho đến nay. Rõ ràng đó là một cơ sở hạ tầng y tế trong vùng này của Biển Đông. Nó sẽ cung cấp một lợi thế chiến thuật, không thể xem thường, cho quân đội Trung Cộng nếu xảy ra chiến tranh.
Ngoài bệnh viện nói trên, năm ngọn hải đăng cũng đã được khánh thành trên năm đảo lớn nhất của Trung Cộng tại quần đảo Trường Sa: Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên. Bên cạnh chức năng phục vụ hàng hải, các hải đăng là một hiện tượng tâm lý quan trọng để nhắc nhở tầu bè trong khu vực về sự hiện diện thường trực của Trung Cộng tại tuyến đường biển chiến lược quan trọng này.
Kể từ năm 2013 nhà cầm quyền Trung Cộng cho vận hành các nhà máy khử muối trên tất cả các đảo để lấy nước ngọt cho dân số tại chỗ. Được nói đến nhiều nhất là các nhà máy trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), thành phố và căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Cộng trên Biển Đông.
Ngoài ra còn phải kể cả một hệ thống cây xanh đang được tái tạo trên các đảo. Đó là chưa kể các phi đạo dài và các mạng lưới viễn thông đã được lắp sẵn.
Trung Cộng đang từ từ áp đặt ý muốn của họ lên khu vực này của Biển Đông mà không cần đến việc tấn công quân sự vào các đảo khác trong tay các nước láng giềng. Vị trí và sự cấu tạo của các rạng san hô có tiềm năng lớn trong tay Bắc Kinh sẽ phát triển trong tương lai.
Cần ghi nhận là cách làm từ từ của Trung Cộng tại Biển Đông sẽ có ảnh hưởng lâu dài và tai hại đối với các nước láng giềng khác trong khu vực.
Donald Trump muốn xây dựng một Hoa Kỳ vĩ đại như xưa
Khi đưa ra chiến lược “xây dựng một Hoa Kỳ vĩ đại như xưa” trong lúc tranh cử tổng thống, chắc Donald Trump cũng đã ý thức được rằng hiện nay uy tín của Hoa Kỳ đã sút kém quá nhiều đối với thế giới bên ngoài.
Trong suốt thời gian vận động tranh cử ông lớn tiếng hô hào “phải hạ Trung Cộng bằng kinh tế”. Không hiểu ông sẽ thực thi phương cách này thế nào nhưng người ta cho rằng ông đã thắng cử vì chiến lược mới này.
Từ sau Thế Chiến II, các tổng thống Mỹ đều có một chính sách “be bờ” Trung Cộng chứ không dám đánh thẳng vào con cọp Bắc Kinh. Ngay cả đến thời tổng thống Obama cũng vậy, chiến lược “xoay trục” về Á Châu-Thái Bình Dương cũng chỉ là để “be bờ” Trung Cộng. Nhưng nay, đối với Donald Trump thì khác: không có “be bờ” gì nữa, mà sẽ đánh thẳng vào nền kinh tế của Bắc Kinh.
Donald Trump không ngần ngại tố cáo Trung Cộng là nguyên nhân của mọi vấn đề tai hại cho nước Mỹ. Trung Cộng là kẻ thù của Hoa Kỳ, Trung Cộng đánh cắp việc làm của người dân Mỹ nên đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng cưỡng ép này. Ta thử nhìn xem thực chất của việc giải quyết vấn đề sẽ diễn biến ra sao?
Với chiến lược đánh thẳng vào nền kinh tế của Trung Cộng, Trump đưa ra lời đe dọa là sẽ tăng thuế nhập khẩu lên 45%, nhưng không có một kinh tế gia nào tin vào lời đe dọa ấy. Trong khi đó thì Trung Cộng đã đưa ra một danh sách trả đũa khá chính xác: không mua máy bay của Boeing nữa, không mua xe hơi và iPhone của Mỹ nữa, không xuất cảng ngô và đậu nành sang Mỹ nữa.
Ngay cả khi Trump đe dọa thao túng tiền tệ của Trung Cộng thì cũng khó mà tưởng tượng được vì hiện nay Bắc Kinh đang nắm trong tay 20% số nợ nước ngoài của Hoa Kỳ.
Nếu nước Mỹ của Trump muốn co cụm lại thì nước Trung Hoa của Tập Cận Bình sẽ sẵn sàng lấp vào chỗ trống. Nếu Hoa Kỳ chối bỏ hiệp định TPP thì Bắc Kinh sẽ rảnh tay mở rộng dự án RCEP được ký kết với 16 nước Á Châu mà không có Hoa Kỳ. Ngoài ra Trung Cộng vẫn liên tục vận động cho dự án các “con đường tơ lụa mới”.
Còn một điều nữa cũng phải nói là trong lãnh vực nhân quyền Trung Quốc đã rất vui mừng khi nghe Trump đắc cử. Đó là vì thắng lợi của Trump báo hiệu các vấn đề nhân quyền và các giá trị phổ quát bị đặt xuống hàng thứ yếu.
Riêng đối với Biển Đông, ông Trump không dùng thuật ngữ “tái cân bằng” khu vực nhưng ông sẽ giữ lại hầu hết các chính sách đã áp dụng. Mỹ sẽ gia tăng chi tiêu quân sự tại vùng này. Các chuyên gia theo dõi chính sách về Châu Á của Mỹ đã cho biết là ông Trump sẽ thực hiện một hành động quân sự chóng vánh.
Hành động chóng vánh này có thể là một hành động quân sự cứng rắn hơn của Mỹ ở Biển Đông để làm giảm sự hung hãn của Trung Cộng. Dù sao thì việc làm này cũng cần thiết để thiên hạ yên tâm. Muốn lấy lại uy tín cho một Hoa Kỳ vĩ đại thì đó là một việc phải làm ngay lúc này chứ không còn thời giờ để trì hoãn.
Kết luận
Trump sẽ phải đối diện với thực tế khắc nghiệt trong quan hệ với Trung Cộng và Nga. Ông sẽ phải đấu tranh với hai nhà lãnh đạo độc tài rất tự tin và có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế.
Người ta được biết Trump chủ trương thực hiện một “cuộc chiến thương mại”với Trung Quốc và hòa giải với Nga.
Nếu quá cứng rắn về kinh tế đối với Bắc Kinh thì chính quyền Trump cũng lập tức bị trả đũa và do đó sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nói khác, chiến lược của tân tổng thống Mỹ sẽ bị quy định bởi mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung và mức độ bành trướng quân sự của Trung Cộng.
Về quan hệ với Nga thì Trump nhấn mạnh đến chủ trương hòa giải, mặc dầu sau những cuộc tiếp xúc ngoại giao ban đầu Trump nhận thấy là nền tảng chính trị hiện hành của nước Nga là quan điểm “chống Mỹ” sâu sắc. Các quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể cải thiện nhanh chóng nhưng cũng có thể xấu đi nhanh chóng.
Tân tổng thống Hoa Kỳ là một người muốn chấm dứt nền chính trị truyền thống. Nhưng ông Trump không nên quên rằng ông đang gánh vác trên vai vận mạng của nước Mỹ và của toàn thế giới.
08.12.2016